Mẫu Thượng Ngàn - Phần 12 - Chương 07 - Part 01

Chưong 7

Những nguồn tin ở đồn điền báo cho cụ tú Cao và Trịnh Huyền biết Julien rất chú ý tới Huy và Tuấn. Người ta đã viết giấy hỏi tỉnh và cả sở mật thám Hà Nội.
Huy bảo Tuấn: “Bọn Tây có thể đặt câu hỏi: Tại sao trong mùa dịch tả, lại có hai người thành thị về chốn thôn quê vừa hẻo lánh vừa nguy hiểm này? Họ về để làm gì? Người ta ngờ vực là lẽ tất nhiên. Chẳng chóng thì chầy, rồi chúng sẽ biết bọn mình là ai. Ở chốn hẻo lánh này, bị bọn chúng bắt thì rất phiền. Ở đây, Tây đồn điền chẳng khác gì ông vua. Họ có giết chết ta cũng chẳng hề ai biết. Chi bằng ta tạm lánh khỏi làng ít lâu”.
Huy đưa Tuấn đến lánh tại trang trại của một người bạn tên là Quế. Sau đó, anh đến những cơ sở khác, hôm nay mới quay lại. Quế bạn Huy, cũng bị đuổi học trong vụ để tang cụ Phan Chu Trinh, cho nên cái trang trại nhỏ của anh cũng là cơ sở đi lại của Huy. Mảnh đất ấy còn hoang vu, nhiều cây cối um tùm rậm rạp, gần đường số 6. Quế thuê trồng cây ăn quả cam, bưởi... và chừng vài hec ta cà phê. Lại nhân có sẵn một cái vũng, anh cho sửa sang, đào sâu thêm, tạo thành một cái ao thả cá, lấy nước từ một con suối nhỏ. Thực ra, lời lãi từ trang trại này chẳng có gì, nhưng gia đình Quế buôn bán giàu có, nên nơi đây là chốn nghỉ ngơi nhiều hơn một cơ sở kinh doanh. Quế, cũng như nhiều thanh niên khá giả lúc đó, thường không có đầu óc thực tế, không có đầu óc kinh doanh. Họ sống mơ mộng là chính. Chỉ nhìn cái nhà của anh, đã biết ngay tâm tính ông chủ. Đó là ngôi nhà sàn của người Mường. Không hiểu sao, từ thời đó các cậu công tử Hà Nội đã rất thích chiếc nhà sàn của người miền ngược. Sở dĩ Quế nằng nặc bắt cha mẹ mua quả đồi trang trại này cũng vì ngôi nhà sàn ấy. Ngôi nhà toàn gỗ tốt, không to lắm, khá xinh xắn, quay hướng Nam, trên một thửa đất bằng phẳng gần chân đồi. Quế sửa chữa lại cho tiện nghi hơn. Quế sai xẻ gỗ, thay sàn nứa bằng ván, và bưng vách chung quanh cũng bằng ván. Lại ngăn ngôi nhà thành hai buồng. Buồng trong để ngủ. Buồng khách, ván bào nhẵn nhụi, trông sáng trưng. Giữa phòng khách có một bếp lửa kiểu miền núi, khách có thể ngồi bệt xuống sàn quanh bếp lửa để hàn huyên. Quế cũng tập vẽ, nên có Tuấn đến ở cùng, anh thích lắm.
Công việc của Tuấn hàng ngày là vẽ. Quế cũng vậy.
Hôm nay mưa phùn. Hiếm khi mới có dịp để ba người bạn cùng ngồi quanh bếp lửa. Họ nướng ngô, nướng thịt, uống rượu. Những miếng thịt nai sấy khô, nướng lên thơm phức. Thịt có chỗ dai, có chỗ giòn, phải nhai rất lâu, càng nhai lâu càng thấy ngọt. Tuấn chưa được ăn thịt nai khô bao giờ cứ tấm tắc khen ngon hơn mực nướng. Huy nói cho Tuấn biết tình hình làng Cổ Đình nửa tháng từ lúc anh rời làng:
- Có vẻ lắng yên. Không thấy bọn Tây đồn điền động tĩnh gì. Tình hình bệnh dịch cũng lắng xuống. Cậu cháu Điều nhà anh, may không đem đi chôn, nên đã sống lại. Cụ Tú bảo trận dịch tả đợt trước, cách đây hai mươi năm, làng mình chết vợi gần một nửa. Trận dịch này mới chết bảy lăm người. Như thế Ià chết ít hơn. - Huy nói có vẻ phấn khởi - Một phần cũng nhờ tổ tương tế. Tổ đã phổ biến cho dân phải uống nước sôi và tránh ruồi.
Tuấn tóp tép nhai miếng thịt khô nướng ngẫm nghĩ một lúc lâu. Hình như anh có điều tâm sự. Mãi Tuấn mới bảo Huy:
- Cậu còn nhớ lúc chúng mình lên Lạng Sơn không. Bận ấy trong những ngày ốm ở nhà ông già thổ mình đã suy nghĩ rất nhiều về bản thân và về cậu. Về làng Đình, mình càng lúc càng hiểu mình hơn. Rồi có lúc mình lại thấy mình chẳng hiểu gì mình cả. Nói thực mình thấy phục cậu, yêu quý cậu, trọng nể cậu. Cậu gan dạ. Cậu kiên quyết. Cậu tin tưởng. Có lẽ ở mình thiếu những đức tính ấy nên mình càng yêu cậu chăng. Nhưng xét cho cùng, mình vẫn chỉ là một kẻ ưa lông bông, một lãng tử. Cậu đang làm việc lớn, thay sông đổi núi. Cậu dám vứt bỏ tất cả... đám làm những việc mà người bình thường không dám làm...
- Chao ôi? Sao hôm nay ông bạn tôi dài dòng thế. Cậu thử nói ngắn gọn thôi xem sao. Tuấn vẫn như xúc động nhưng cuối cùng cũng trả lời: Thực ra, mình không có tư chất như cậu. Mình bao giờ cũng là người tán thành ủng hộ cậu. Nhưng mình phụng sự cái đẹp thì hơn. Có lẽ đó là điều mình đam mê và hiểu mình hơn cả...
Quế hồn nhiên nói to, phá vỡ sự nghiêm trang của hai người, giúp cho Tuấn thoát ra khỏi lúng túng:
- Đúng đấy! Hoan hô cái đẹp. Cái đẹp muôn năm. Thôi, gác những chuyện to tát ấy lại. Có lẽ lúc này chúng ta nên uống rượu là đúng hơn cả. Rượu ngon đấy. Rượu nếp hương đó ông già trong bản đặc biệt cất riêng cho mình đấy. Quế rót rượu cho mọi người rồi nghêu ngao ngâm mấy câu thơ của Lý Bạch:
…Thềm cao, gương soi, sầu tóc bạc
Sớm như tơ xanh, chiều như tuyết
Đời người đắc ý, uống say tràn.
Huy cười:
- Hóa ra cậu là kẻ sợ tóc bạc.
- Mình chẳng sợ, nhưng bạn ơi, tóc bạc nhanh lắm. Mà mình là kẻ ham vui. - Quế trả lời.
- Cả mình nữa. Mình là kẻ lông bông tìm vui. - Tuấn đế vào
Quế nói:
- Mày đi với tao sẽ tìm được rượu ngọt. Còn đi với thằng Huy, khéo chẳng lại uống rượu đắng.
Huy vốn nghiêm trang. Tuấn thấy trán Huy hơi cau lại vội nói:
- Rượu ngọt làm ta mềm môi. Rượu đắng làm ta hiểu đời.
Quế chợt cười phá lên:
- Thôi! Thôi nào! Nghiêm trang quá làm gì thêm khổ thân.
Nói xong, Quế đứng lên lấy thêm mấy miếng thịt khô để lên bếp than. Ở ngoài rừng, con chim gọi vịt kêu trong màn mưa thật buồn. Họ thôi chuyện gẫu, nhai những miếng thịt già lửa nóng giãy, giòn tan, thơm phức.
Bên bếp lửa nhà sàn, Tuấn trang trọng lấy một tờ giấy trắng to trải ra làm nền, rồi lần lượt đặt những bức ký họa mà anh vẽ từ ít lâu nay lên cho hai người bạn xem.
Đầu tiên là những bức "gái quê", những bức chân dung về cô gái có khuôn mặt tròn vành vạnh như trăng rằm, mà Huy đã nhiều lần xuýt xoa rằng cô là một mỹ nhân.
Quế sáng mắt gật gù khen ngợi. Và chính cậu ta cũng cho rằng đúng cô ta là một mỹ nhân. Nghĩ đến hai chữ ấy, Tuấn lại nhớ đến lời cầu xin của thím Pháo khi Tuấn vẽ cô Hoa.
- Người đẹp trong tranh thế kia phải là con gái nhà quan. Còn phận hèn mọn như chúng tôi, đẹp như tranh thế kia chỉ thêm khổ vào thân. Cậu Tuấn ơi! Tôi van xin cậu Đừng vẽ hình em nó nữa. Nói thật với cậu, tôi chỉ mong cái Hoa lấy được chồng hơn là mong nó đẹp.
Sau khi nghe câu nói ấy, Tuấn buồn hẳn đi. Và anh về Hà Nội nửa tháng, để mặc cho Huy với lớp học. Khi trở lại làng, Tuấn bảo Huy:
- Mỹ nhân dạo này ra sao?... Thực ra, nó là em họ tôi đấy. Tao nói như vậy mày có hiểu không? Và cái chuyện tao về Hà Nội mày có hiểu không? Hay là...
Huy không để cho Tuấn nói tiếp, anh lặng lẽ nói:
- Mày phải hiểu... Không được nghĩ bậy... Mày không biết tao trân trọng cô ấy như thế nào đâu. Nhưng mày cũng phải hiểu những người như tao... lúc này... có làm được gì... cho cô ấy không.
Và trong lúc xem tranh này, Tuấn liếc mắt, chợt bắt gặp một nét buồn thăm thẳm trong mắt Huy. Đó là điều Tuấn chưa bao giờ thấy ở bạn.
Tiếp theo là bức tranh đám ma, một bức tranh vừa mới vẽ.
Những bó đuốc chập chờn. Một đứa trẻ và một người đàn bà xõa tóc. Cả hai xốc xếch tơi tả. Mảnh khăn xô trắng được ánh lửa đuốc nhuộm đỏ trông như nhuộm máu loang lổ. Thấy rõ cả những giọt nước mắt nhuộm lửa long lanh. Màu đen và đỏ chủ đạo đan xen nhiều sắc độ. Có chỗ đen óng ánh than đái có chỗ mờ xỉn như tro bếp; có mảng đen kịt, mù lòa, hũ nút địa ngục. ở phía xa, trong bầu trời mù mịt, lại lóe lên ánh đuốc của một đám ma khác. Nó như từ âm ti hiện ra ở phía sâu thẳm của bức tranh. Cái ánh lửa ở chỗ tận cùng ấy lóng lánh, run rẩy và bí hiểm. Nó làm ta liên tưởng tới một tiếng khóc vô thanh mà ta không thể nghe thấy nhưng cảm thấy.
Quế hỏi:
- Đám ma thời thổ tả. Buồn và rờn rợn.
- Mình đi chôn đêm cùng tổ tương tế một bận. Bây giờ nhớ lại mà vẽ. Vẽ rồi xóa. Xóa rồi lại vẽ. Chẳng biết thế này đã được chưa? Mệt quá nên dừng ở đây.
Huy nói với Tuấn:
- Bây giờ thì mình hiểu cậu. Có lẽ, cậu chuyên tâm vào nghề vẽ cũng là phải...
Tuấn thú thật với hai người bạn:
- Các cậu ạ, không hiểu sao mấy năm nay lúc nào tớ cũng thấy bồn chồn. Lúc mình lên Lạng Sơn với Huy, chẳng qua tưởng có thể giải được nỗi bồn chồn ấy... nhưng không được. Rồi về quê, đi dạy học cho dân làng, đi chôn đê m cho những con người khốn khổ... Tưởng rằng sự tĩnh lặng chất phác của chốn thôn dã có thể giúp được mình chăng... Nhưng mình hiểu ra mình lại nhầm một lần nữa. Các cậu sướng hơn mình thật... Các cậu có một mục đích... Có lẽ lần này, mình thử đi xa một chuyến xem sao... ừ, không đi với ai cả... Đi một mình thôi... Vào Sài Gòn chẳng hạn... Các cậu nghĩ thế nào?...
Huy nhìn Quế. Hai người nhún vai. Họ chẳng nói gì cả Còn Tuấn lại tiếp tục dòng suy nghĩ của mình:
- Có lẽ như thế là phải... Có lẽ còn lâu mình mới trở lại Cổ Đình. Về gần rồi lại đi xa... Có lẽ phải xa quê hương một chút, mình mới hiểu hết về nó chăng... Không hiểu sao mình cứ nghĩ rằng nỗi bồn chồn của mình bắt nguồn từ đấy.
Hôm sau, một chiếc xe ngựa chở Tuấn và Huy đi trên đường cái. Đến chỗ rẽ về Cổ Đình hai người bạn chia tay nhau. Huy bảo: "Rồi chúng mình sẽ lại gặp nhau. Chóng thôi". Tuấn cười: "Cậu tin thế à?". Huy: "Mình tin chắc. Những người trong sáng như cậu chắc chắn sẽ đi với chúng mình".
Thế là hai chàng thanh niên về làng: một về rồi lại đi xa, xa để hiểu quê hương mình hơn, người kia về với ý nghĩ tất đẹp, hào hùng muốn làm thay đổi cái làng quê nhỏ bé, tăm tối của mình.
Huy xuống xe ngựa, chờ tối mới mò về làng.