Mẫu Thượng Ngàn - Phần 15 - Chương 01 - Part 01

Phần XV - Chương 1: XV. Chương Kết

Sau cái đêm ở hang đá, gần mỏ nấm, anh Cò tức Xuân biến đổi hẳn. Sau khi giật tay khỏi tay bà ba Váy tức mẹ hắn, Cò đi lang thang trong rừng suốt đêm. Bà ba Váy, ngay sau đó, trở về nhà chờ Cò, định khuyên giải cho Cò nghe ra vấn đề. Chuyện sinh ra Cò là như thế, là tự nhiên, là số phận. Bà đâu có lỗi. Ông Huyền cũng đâu có lỗi. Cả hai người đều thương yêu nó lắm chứ. Song biết làm thế nào? Số phận đã định như thế. Chỉ mong con cắn răng lại, chấp nhận, đừng hở ra với ai. Con ơi! Bây giờ mẹ chỉ mong con nên người. Thế là lòng mẹ đã thỏa lắm rồi. Còn con muốn nghĩ về mẹ thế nào, mẹ cũng đành chịu vậy…
Bà Ba chờ Cò suốt đêm vẫn không thấy về. Bà như ngồi trên đống lửa, hết đứng lại ngồi, hết ra lại vào. Đến trưa, Cò vẫn bặt tăm dạng. Ông lý Cỏn muốn gặp Còn nhờ con viết tờ giấy bẩm lên quan trên. Bà Ba bảo Cò đi xem hội vẫn chưa về. Lý Cỏn cười:
- Thằng này cũng biết đi “trải ổ” rồi hay sao?
Ông Lý không sốt ruột, coi chuyện đi xem hội làng biến mất một hai ngày là chuyện thường tình. Riêng bà Ba lại lo sốt vó. Bởi vì bà biết mình là nguyên nhân, vì bà là người trong cuộc. Bà con biết suốt đêm hôm qua, ông Huyền cũng phải lặn lội trong rừng tìm Cò. Sao mãi đến bây giờ vẫn chưa có tin gì nhỉ? Bà Ba phải sai ba người làm tiếp tục vào rừng tìm Cò.

Mãi đến gần chiều ông Huyền mới thấy Cò ở bên bờ suối cách núi Đùng đến vài cây số. Nơi đó hoang vắng lắm. Ở quanh núi Đùng, gần làng, ác thú không dám về, chứ ở con suối xa này nghe nói hổ, báo về luôn. Ông bực mình: “Cái thằng điên rồ đến thế là cùng. Là con của ta thì cũng tốt chứ sao? Can cớ gì phải kiếm chai rượu rồi ra nơi nguy hiểm thế này để một mình uống say bí tỉ. - ông chợt thở đài, lòng trĩu nặng buồn rầu. - Hay thằng con của ta đã cảm thấy xấu hổ vì chính ta là cha đẻ của nó...”.Ông Huyền cõng Cò đến quá nửa đường mới gặp người nhà lý Cỏn. Từ hôm ấy, Cò thay đổi hẳn tính. Trước đây, Cò hay vui vẻ bông phèng với mọi người, nay cậu ta biến thành một con người trầm lặng ít nói, ít cười. Điều đặc biệt nữa, Cò bỗng nhiên lảng tránh, ít gặp mặt ông Lý, nhất là đối với bà Ba hầu như cậu không muốn giáp mặt. Ông lý Cỏn ngạc nhiên hỏi vợ:

- Bà có thấy thằng Cò dạo này khang khác không? Hay là... hay là... đã đến lúc phải lấy vợ cho nó.
Bà ba Váy hiểu chuyện nhưng không biết giải quyết bằng cách nào, liền bảo chồng:
- Tôi cũng thấy thế. Ông thử hỏi nó xem sao?
Ông Lý thực thà hỏi con trai. Cò trả lời:
- Sắp đến kỳ thi thành chung rồi. Chắc con mải học thi nên thế thôi. Không có chuyện gì đâu ạ.
Nghe con nói đến việc chuẩn bị thi thành chung, ông Lý tin ngay. Đối với riêng ông, việc ấy còn quan trọng hơn. Nhà ông chú, ông ký Nhàn, có Huy là cậu tú. Nhà họ Đinh có cụ cử Lê rồi anh Tuấn là họa sĩ Hà Nội danh tiếng. Nay nhà ông có thằng Cò, chưa đầy mười tám tuổi đã thi “đip lôm”, việc ấy thật quá danh giá cho gia đình thậm chí cho cả gia tọc nữa. Cò nói:
- Chỉ vài tháng nữa con thi. Từ nay đến lúc ấy, con ra Hà Nội không về nhà giữa chừng được đâu.
Ông Lý mừng rỡ:
- Con nghĩ vậy thầy mừng. Việc thi cử phải có công dùi mài kinh sử. Con cứ cố học là được. Bao giờ về làng mang cho thầy cái bằng là thầy vui nhất. Đây, thầy cho trăm bạc để tiêu pha.

Ông Lý không biết chứ bà ba Váy thì biết ý nghĩ của Cò. Bà thầm nhủ: “Nó muốn tránh mặt mẹ nó đây mà. Nó không thèm nhìn mặt mẹ nó nữa đây mà!”. Hôm ra Hà Nội, thậm chí Cò không đến chào mẹ nữa. Bà ba Váy đau điếng từng khúc ruột. Bà nghĩ rằng mình đã đẻ ra một thằng con bội bạc. Đêm, bà khóc một mình, khóc ròng ròng khi lũ con bà ngủ hết. Bà khóc nhiều nỗi. Thằng con mà bà yêu quý nhất thì như vậy. Còn ông Huyền thì….

Cò là người có chí. Anh quyết tâm thi cho được bằng Thành chung. Ra Hà Nội, Cò học đêm học ngày và quyết giữ cho được lời hứa chưa thi xong thì chưa về làng. Thực ra, Cò không chỉ giận riêng mẹ mình, anh thấy hận tất cả mọi người. Tại sao anh phải chịu cái cảnh trớ trêu thế này? Có cha mà không được nhận cha. Rồi tại sao mẹ mình lại có hai người đàn ông? Tại sao tôi không được hưởng cái hạnh phúc rất đơn giản của một con người ở đời? Tại sao cứ phải lén lén lút lút sống một cách dối trá? Để trốn chạy những câu hỏi dàn vặt ấy, Cò đã lao đầu vào học.

Cho đến một hôm, Cò bỗng nhận được một bức điện không đề tên người gửi. Vẻn vẹn chỉ một đòng chữ: "Về làng ngay có việc khẩn cấp". Thế là Cò bỗng dưng không học nổi nữa. Anh đoán già đoán non chuyện này chuyện khác. Tuy nhiên, lòng anh nóng như lửa đốt. Tuần lễ trước, có người ở làng ra, anh hỏi thăm và biết tin bà ba Váy bị ốm, không đi làm đồng được nữa. Từ khi Cò làm người, cậu chưa thấy bao giờ mẹ mình ốm. Người ta vẫn bảo người không ốm bao giờ, hễ bị ốm là bệnh nặng lắm. Vậy “việc khẩn cấp” ở đây phải chăng là bà Ba đang ốm to. Giận mẹ thế thôi, chứ thực ra trên đời này, người mà Cò yêu quý nhất chính là bà ba Váy. Cò hay đọc sách, lại là người tình cảm. Anh không bao giờ nói ra miệng nhưng trong thâm tâm, anh thương mẹ, xót xa mẹ đến đứt ruột, mỗi khi mẹ bị ngược đãi. Anh cũng hiểu mẹ anh, trong cái gia đình họ Vũ Xuân này có địa vị thế nào?

Thế nào là một nàng hầu? Người đàn bà đi ở chỉ chịu khổ một bề. Còn nàng hầu, đó là người đàn bà vừa mang thân phận một con ở, vừa mang thân phận nô lệ về thể xác đối với ông chủ. Đã có lần ông lý Cỏn đóng cửa buồng, nhốt bà ba Váy lại vì ông ghen. Cò ghé mắt qua lỗ thủng nhìn vào, thấy ông Lý cứ dùng hai tay mà véo vú bà rồi còn bắt bà tốc váy lên dùng roi mây quật vào đít, miệng rít kèn kẹt: “Từ rày ra đình, ông cấm không được cười toe toét với ai. Nghe chưa!”
Có lần, bà dẫn Cò vào mỏ nấm, dạy gây và hái nấm hương. Cò thủ thỉ hỏi mẹ:
- U ơi! Người ta bảo thầy con mua u về bằng hai mươi thùng thóc, có phải không?
- Đừng nghe người ta đồn con ơi!
- U ơi! Người ta bảo con giống ông ngoại và giống u có phải không?
- Ừ, mày giống u và ông ngoại vì mày thích rừng, thích chim chóc, thú vật.
- Lũ em con có giống ông ngoại không?
- Không! Chúng nó giống thầy mày.
- Thế sao con không giống thầy con?
Bà ba Váy chợt im lặng, không giải thích nổi cho Cò nữa. Nhưng đến hôm nay thì Cò hiểu tất cả. Cò cứ muốn tỏ ra giận mẹ, chứ thực ra kể từ hôm ấy đêm nào Cò chẳng vắt tay lên trán suy nghĩ. Càng nghĩ càng thấy thương. Chỉ đến lúc nhận được bức điện, nỗi thương mẹ mới bùng ra không ngăn nổi nữa. Anh đã phá bỏ lời hứa. Chưa đi thi anh đã trở về quê.
Về đến đầu làng anh xuống xe, lòng hồi hộp lo lắng. Có mấy bà đi chợ về đứng túm tụm ở tha ma đầu làng. Thấy anh, họ mừng quýnh:
- Anh Cò Xuân. Chờ chúng tôi. Cho chúng tôi đi cùng với.
Cò Xuân rất ngạc nhiên vì thấy vẻ mặt người nào cũng hất hoảng, sợ hãi. Hỏi tại sao họ chẳng nói mà chỉ hất hàm về phía cây đa đầu làng và thì thầm:
- Ở gốc cây đa ấy.

Cò thấy dáng điệu khiếp hãi của họ cũng không muốn hỏi thêm mà chỉ rảo bước đi cho nhanh. Anh dẫn đầu đoàn các bà đi tới gốc đa. Anh bước nhanh, làm các bà muốn đi theo kịp phải chạy ríu cả chân. Càng đến gần cây đa thì các bà càng đi sát lại nhau. Có bà nhìn đi hướng khác, nhưng cũng có bà lấm lét nhìn vào cái ngai thờ “Đại thụ linh thần". Anh nhìn theo. Đến lúc này, Cò Xuân mới vỡ lẽ. Thì ra trước ngai, có treo lủng lẳng một chiếc đầu lâu. Đó là chiếc đầu người đã bị biến dạng. Da đã tím bầm chẳng còn có thể biết là ai. Tóc trên đỉnh đầu lâu kéo ngược lên trên, buộc vào cái rễ đa lủng lẳng. Sở dĩ ta không nhận dạng được, còn bởi lẽ ruồi nhặng bâu đen kín mặt người chết. Ở cái ngai "Đại thụ linh thần" có một tờ bố cáo. Cò tò mò dừng chân lại xem. Anh tiến lại gần vài bước. Đàn ruồi thấy động bay ào ào như ong vỡ tổ. Tiếng ruồi bay như tiếng kêu oa oa từ mồm người chết. Các bà hoảng quá kêu trời, rồi ba chân bốn cũng chạy vội vào cổng làng, để mặc Cò Xuân đứng một mình trước cái đầu lâu thê thảm. Và khi ruồi bay đi hết, Cò Xuân mới choáng váng nhận ra cái đầu lâu kia là ai. Dù đã bị biến dạng, cái đầu ấy vẫn không thể lẫn với bất cứ cái đầu nào khác. Bởi vì, khuôn mặt đó một nửa là thiên thần, một nửa là sần sùi ghê rợn. Bởi vì khuôn mặt đó chính là khuôn mặt ông Trịnh Huyền, khuôn mặt của người cha mà anh mới biết. Thì ra cái việc "khẩn cấp" gọi anh về làng chính là việc này đây. Chàng đứng lặng trước dòng chữ trên tờ bố cáo:Trịnh Huyền tên thục là Đinh Công Phác. Xưa kia, hắn đã nổi loạn, bị chính phủ truy tìm. Hắn cải trang về quê cũ không chịu cải tà quy chính, lại một lần nữa nổi loạn, đã bị nhà nước Pháp bắt và trùng trị.Ngay đêm hội ngày mười bốn, khi Điều xông tới cầm dao quắm chém tới tấp Julien, rồi vội vàng cõng Nhụ vào rừng sâu, Điều cứ đinh ninh rằng Julien đã chết. Thực ra, người Tây chỉ bị thương nặng. Quản Láu đã tìm được chủ nằm bất tỉnh dưới cây đa - si. Con ngựa của Julien khôn lắm. Nó thấy Julien nằm sõng soài bất tỉnh, bèn tới đánh hơi. Nó biết chủ gặp nạn, cứ đứng bên cạnh hí vang trời, gọi quản Láu ở xa đến cứu. Quản Láu ôm xác Julien lên ngựa chạy về đồn điền. Pierre đánh xe hơi đưa em lên tỉnh ngay đêm hôm đó. Nhờ kịp thời tiếp máu và chữa trị vết thương nên một tháng sau, Julien đã lành lặn trở về Kẻ Đình.Cũng lúc đó chính quyền Pháp qua sự việc Julien, lấy làm ngạc nhiên vì một thiếu niên chưa tròn mười tám tuổi đã dám cả gan cầm đao chém bị thương một người da trắng. Người ta mở cuộc điều tra, lục tung các hồ sơ cũ và tìm ra nhân dạng đích thực của Trịnh Huyền chính là kẻ phiến loạn Đinh Công Phác xưa kia đã một thời theo đảng Văn Thân chống lại người Pháp. Cả ông đồ Tiết, cha của Phác cũng như vậy. Hóa ra gia đình này là một gia đình nổi loạn có nòi có giống. Một quyết định được đưa ra. Phải bắt cho được Điều và Trịnh Huyền. Điều đã trốn mất tăm. Họ định bắt Trịnh Huyền, ông này cũng trốn nốt vào rừng.Julien liền thành lập một đội lính đồn điền dưới quyền chỉ huy của quản Boong. Việc đầu tiên họ làm là triệt hạ nhà cụ đồ Tiết. Nhà cửa bị đốt cháy, san thành bình địa. Đất đai sung công, rồi đem bán cho tư nhân. Một cơ hội thuận lợi cho tiên chỉ Nhậm. Ông này đã mất bao tâm cơ mà không chiếm được khu đất ưa thích. Nay bỗng dưng ông chiếm được nó bằng cái giá rất hời.Ông Trịnh Huyền chui rủi đến đất Mường, may mắn gặp lại anh Mường rồi người thủ hạ thân tín của cụ đồ Tiết khi xưa. Anh Mường rồ lấy cô Ngơ vú ấm giỏ sinh được ba đứa con. Túng quẫn, nghèo khổ quá đã đẩy anh tập hợp đồng đảng thành một nhóm cướp. Họ thường bôi nhọ nồi vào mặt, thỉnh thoảng lại xuất hiện ăn cướp những nhà giàu có. Suốt một dải từ Ba Vì sang đến Hòa Bình là địa bàn hoạt động của toán cướp xuất quỷ nhập thần. Trịnh Huyền nhập đảng, đám cướp càng ghê gớm hơn. Họ dám ăn cướp cả đồn điền người Tây.

Người Pháp đem lính đi lùng sục. Mấy tháng trời, không xảy ra vụ cướp nào nữa. Người Pháp đắc chí, cho rằng đảng cướp sợ oai đã tự tan rã. Sự thực, trong mấy tháng ấy, Huyền chuẩn bị để đánh đồn điền Messmer.

Julien cáo già hơn quan lãnh binh trên tỉnh. Hắn không đắc chí, không lơ là. Hắn cũng chuẩn bị vì hắn luôn cảm thấy Trịnh Huyền không đời nào chịu buông tha hắn. Đồn điền của hắn hơn hẳn các đồn điền khác, vì hắn là một sĩ quan, vì hắn có một người cộng sự đắc lực là quản Boong, người đã tham gia chiến tranh đánh Đức. Quản Boong rèn luyện các tay súng của mình rất cẩn thận. Và không đêm nào họ lơ là canh gác.Quả nhiên, như Julien dự đoán, một đêm tối trời. Trịnh Huyền dẫn quân đánh đồn điền Messmer. Trịnh Huyền đã thuộc lòng địa hình của đồn điền như lòng bàn tay. Ông quyết ăn chắc trận này. Nhưng vũ khí của ông chỉ có ba khẩu súng trường và mấy khẩu súng kíp. Trong khi đó, mười lăm tên lính của quản Boong đều có súng tốt và nhiều đạn. Họ lại chờ sẵn, mong ông rơi vào bẫy. Do vậy, cuộc chiếm đánh đồn điền thất bại. Người chủ tướng xông xáo nhất là Trịnh Huyền tử trận. Toán quân phải rút cho nhanh không mang được xác ông Trịnh Huyền đi.

Bà ba Váy được mục kích cảnh gia đình nhà Trịnh Huyền tan tác, rồi ông bị truy nã, bà đâm suy sụp nằm xuống ngã bệnh. Cụ Tú bắt mạch bảo rằng:
- Chị Ba hầu hạ anh Lý thập tử nhất sinh hơn một năm trời. Nay chị mới ốm cũng là do chị ấy có sức vóc hơn người. Chứ nói thật nhé, nếu chị Ba yếu sức như người ta, chắc đã đổ gục từ lâu rồi.

Cụ Tú bắt mạch biết bệnh của bà ba Váy là tâm bệnh nhưng không nỡ nói ra, vì ông cụ chẳng lạ gì tính nết của ông Lý, cháu mình. Nếu ông cụ bảo chị Ba mắc tâm bệnh chắc ông Lý sẽ tạo ra những hậu quả chẳng biết đâu mà lường được. Ông cụ chẳng biết chút gì về chuyện ngày xưa của cháu đâu, song ông cụ rất ngạc nhiên khi Julien cho cắt đầu Trịnh Huyền đem bêu ở góc đa đầu làng, thì bệnh trạng của bà ba Váy bỗng tăng lên, trầm trọng một cách khác thường. Ông cụ nghĩ chẳng lẽ có mối liên quan gì giữa căn bệnh và cái đầu lâu ấy. Tuy nhiên, ông cụ là người nhân từ, kín đáo nên không hé môi nói ra một lời.