Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 02.1

Chương 2: -----

D
uyên số! Phải, duyên số đã đưa tôi về làm việc ở Mỹ Tho, một tỉnh nhỏ trù phú nằm dọc theo bờ Tiền Giang. Về nhận việc với những ngày đầu, tôi được nghe bà y công và hai cô đồng nghiệp kể sơ rằng cù lao đối diện với vườn hoa Lạc Hồng thuở xưa là cù lao Rồng, có nhà thương chứa người bệnh cùi. Từ đầu thời Đệ nhứt Cộng hòa, trại cùi này dời về Bến Sắn. Vào thời tiền chiến, mấy năm 1954, 1955, 1956, 1957, từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho có đường xe lửa. Nhưng từ khi có xe lô thì đường sắt bị dở đi, xe lửa nằm luôn trong ụ, và bị tháo ra từng toa, đưa về Sài Gòn.
Nhỏ Hồng kể rằng ngã ba Trung Lương có bến đò. Bền này là làng Đạo Thạnh, bên kia là làng Đạo Ngạn, hồi tiền chiến trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Nhưng lụa ở đây không dệt bông, không có thứ lụa mình khô bông ướt, hay lụa mình ướt bông khô. Chỉ là thứ lụa mình trơn nhuộm tím, nhuộm màu hồng điều, nhuộm màu hoàng yến hay lụa trắng, lụa màu ngà voi còn thơm mùi kén tằm.
Nhỏ Huệ kể là ngày xưa nhạc sĩ Anh Việt Thu học trường Nguyễn Đình Chiểu, có chụp ảnh ở tiệm chụp hình Cảnh Trung và rọi lớn chưng trong tủ kiếng. Nhỏ ta còn kể ca sĩ Duy Mỹ hát nhạc ngoại quốc tuyệt vời cũng học ở trường này. Về sau anh ta thành lập ban Tam Ca Sao Băng với Thanh Phong, Phương Đại.
Bà y công liếng láu :
- Mấy cô chưa biết đây là nơi sản sanh các đào kép nổi danh lừng lẫy là ông Năm Châu, bà Phùng Há. Ông Năm Châu đẹp trai, oai phong lẫm lẫm, tướng cọp, dáng beo. Còn bà Phùng Há mập mà đẹp, da trắng như bông bưởi, như dừa nạo, cất giọng lên ca bài Tứ Đại Oán là anh hùng phải mềm lòng, hảo hớn phải lỏng dạ.
Nhỏ Huệ chỉnh bà y công liền :
- Tỉnh này của bà chớ đâu phải tỉnh của tụi tui. Tỉnh tôi là tỉnh Vĩnh Long có cô đào Thanh Tùng đẹp và sang hơn bà Phùng Há nhiều.
Nhỏ Hồng cũng hùa theo :
- Tỉnh tôi là tỉnh Long An, không có danh ca, nghệ sĩ trình diễn, nhưng có khóm, có mía ngọt hơn giọng hát hồi xưa hoặc giọng hát đương thời.
Hoanh thì theo chiến hạm ở ngoài khơi, có khi ba bốn tháng chưa về đất liền. Cứ cách vài ba tuần tôi về thăm nhà một lần. Đường Cần Thơ Mỹ Tho không xa lắm. Tôi cần phải thăm nhà, vì tôi nhớ má, nhớ những món ăn do bà vú nấu.
Vào một ngày đẹp trời, tôi về thăm nhà, cùng theo ba má đến nhà bác Ninh, bạn đồng nghiệp của ba tôi. Bác mời cả gia đình tôi đến ăn mừng chị Huỳnh Anh, cô con gái út của bác vừa đậu Tú Tài một! Chị Anh con của bác Ninh, nhỏ hơn tôi hai tuổi, da trắng trẻo, mặt mày sáng sủa, cặp mắt to sáng ngời và đen láy, nụ cười tươi ơi là tươi. Chị khá đẹp, nhưng không lanh, không sống động. Chị vừa đậu phần một thôi, nhưng ba má chị bắt chị ở nhà để gả cho một ông giáo sư cao ráo, đẹp trai, ưa ăn nói trặc trẹo với em út trong nhà. Cái ông giáo sư tên Cao Thành Tâm; chẳng ai xa lạ, đó là ông anh dễ thương của tôi. Ông này ra ngoài nhà thì được thiên hạ khen là hiền lành, cắn cơm không bể.
Hôm đó gia đình chúng tôi đến nhà bác Ninh. Anh Tâm không về kịp vì khoảng đường Bạc Liêu - Cà Mau bị đấp mô. Mãi tới chiều anh mới về tới nhà. Vừa đặt va li ở góc phòng khách, anh khều tôi ra chỗ vắng, hạch hỏi đủ điều về chị Anh. Tôi nghĩ kế bắt chẹt anh tôi, để trị cái tội ăn nói trặc trẹo của anh đối với em út, cho bõ ghét. Tôi đặt nhiều điều kiện. Anh Tâm nhăn mặt, nói xuôi :
- Ừ, em muốn cái gì anh cũng chịu, hãy nói về cô Anh cho anh nghe đi. Mà em đừng có nói xạo, có ít xích ra nhiều. Anh mà biết em đía dóc là anh quết em nhuyễn nhừ như mấy bà Bắc quết giò sống.
Tôi xổ một hơi :
- Chị Anh đẹp sáu, nhưng dễ thương đến mười. Hôm đó chị ta lóng tai nghe ba má nói tốt về anh. Chị ta cứ chớp mắt lia lịa. Em chơi ác kéo chị ra ngoài hè, tố khổ anh tơi bời hoa lá. Nào là anh ưa nói móc họng xóc óc với em út trong nhà. Nào là anh kén ăn. Nào là anh ưa to nhỏ với Hoanh, bày cho Hoanh làm chuyện tào lao, cho nên Hoanh bị ảnh hưởng anh, chuyện nhà thì biếng nhác, chuyện cô bác thì siêng. Chèn ơi, em tố anh hăng quá, làm chị Anh tức cười, mặt mày đỏ ửng. Sau cùng, chị vỗ vai em bảo: “Cô Minh Thu mà làm việc ở Phòng Thông tin tỉnh nhà chắc là giỏi cái môn tố Cộng. Nghe cô tố anh Tâm nãy giờ tôi mới biết cái tài hùng biện của cô”.
Anh Tâm sung sướng vỗ tay :
- Em thấy chưa? Huỳnh Anh là người tri kỷ của anh đó. Với cái miệng độc địa và ưa buộc tội, mai sau nếu em được làm biện lý thì người vô tội thành ra thủ phạm, đáng bị án tử hình.
Tuy nhiên hôm sau, anh dắt hai đứa em đi ăn phở và uống cà phê sữa đá, còn cho mỗi đứa mấy trăm dằn túi.
Từ dạo Hoanh theo tàu ra khơi đến giờ, tôi ít khi gặp Hoanh, trừ khi nào về phép Hoanh tìm đến thăm tôi. Hoặc là chúng tôi hẹn trước nghỉ phép cùng ngày. Những ngày đó má tôi và thím tôi thay phiên nhau nấu những món ăn đặc biệt. Mặc dù ít khi gặp nhau, chúng tôi vẫn thư từ cho nhau luôn. Hoanh không ở một bến bờ nhứt định nào, khi Cam Ranh, khi Vũng Tàu, lúc Phú Quốc. Các bờ biển miền Nam, tàu Hoanh ít đến hơn ở miền Trung. Tuần rồi tôi được thu Hoanh. Có đoạn, Hoanh viết:
“... Chị Thu, tàu em đang lênh đênh trên biển cả. Hôm nay biển thật yên. Mặt trời vừa lặn thì trăng đã lên. Trăng càng lên cao càng đẹp. Ánh trăng thật dịu dàng. Em không biết diễn tả thế nào để chị biết được cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời trong đêm trăng trên biển cả. Sóng gợn lăn tăn. Ánh trăng chiếu xuống mặt nước, lung linh, bát ngát. Nước và trăng, trăng và nước, không bến, không bờ. Phải có chị ở đây thì chị tha hồ làm thơ. Tàu em nhỏ, ở bên trong thấy mình cao lớn. Khi ra boong tàu nhìn chung quanh, em thấy mình nhỏ bé, nhỏ bé vô cùng trước cái vĩ đại bát ngát của trùng dương”.
Thư khác Hoanh viết:
“... Đêm nay trời không trăng. Mắt thường khó nhìn thấy xa. Tiếng sóng vỗ, rì rào. Bầu trời cao thăm thẳm lấp lánh những vì sao. Em tìm thấy một ngôi sao, và cho đó là ngôi sao của mình. Rồi bỗng dưng em muốn thành sao thật, bay vút lên cao, tỏa sáng trong đêm tối dầy đặc trên sóng nước của biển cả mênh mông. Vì sao đó như một chấm lửa xanh. Chị Thu ơi! Bây giờ em mới hiểu đó là một vì sao xanh. Có lẽ chị nghĩ rằng em dạo này mơ mộng lắm phải không? Em vẫn không quên cho chị biết là em của chị vẫn cô đơn. Các cô nói là các cô không đủ can đảm đợi chờ mấy anh chàng thủy thủ. Hay chị giới thiệu bạn chị cho em đi...”
Thư nào viết cho tôi Hoanh cũng luôn nhắc tới hai chữ “cô đơn”. Thật tội cho Hoanh! Rồi bẵng đi một thời gian khá lâu. Hơn sáu tháng tôi không được thư nào của Hoanh cả. Tôi cũng không viết thư hỏi tại sao, như mọi lần. Và tôi như quên mất người em “cô đơn” ấy! Tại sao? Tại vì tôi không có thì giờ. Vì tôi có người yêu!
Bỗng một hôm tôi nhận được thư Hoanh.
“... Chị Thu mến, dạo này em của chị bớt cô đơn rồi, và gần như quên bà chị của nó. Vì một lý do đơn giản, là nó đã có người yêu! Cô ấy là giáo viên sư phạm Long An, mới ra trường, đang dạy ở Thị Nghè. Lần sau về phép, em sẽ đưa chị đến gặp cô ta cho biết nhé...”
Tôi mỉm cười một mình khi đọc xong lá thư: “Thì ra mi cũng như ta, ai cũng có bồ bịch cả. Vậy đừng ai trách ai mới là công bình”.
Đến giờ ăn trưa, nếu ai bận trực thì đi ăn sớm hơn một giờ ở phòng ăn của nhân viên. Còn người nào không trực thì ăn đúng mười hai giờ trưa. Có người ra ngoài ăn cơm tiệm, người ở gần thì về ăn cơm nhà. Tôi cũng không ngoại lệ, hôm nay tới phiên trực nên tôi đi ăn sớm. Đang ngồi ở phòng ăn xem lại bài viết để ngày mai giảng cho lớp y tế nông thôn về thực tập. Bỗng bà y công lê đôi dép lẹp xẹp bước vào, hỏi :
- Cô Hồng, có cô Minh Thu đây không?
Tôi cao giọng :
- Tôi đây! Chuyện gì đó bà?
- Dạ, văn phòng cho mời cô.
- Việc gì vậy?
Bà y công lắc đầu :
- Tôi không rõ. Nhưng hình như có ai muốn gặp cô.
Hồng đang vặn nước rửa tay, cười nhìn tôi tinh quái :
- Có phải người hùng đẹp trai của cô Thu không?
Bà y công cười:
- Dạ không đâu. Người này lạ.
Hồng ỏn ẻn :
- Chết rồi! Phải lo lót ta, nếu không, ta sẽ méc với bồ mi.
Huệ ngồi ở ghế cuối phòng, xí xọn chen vào :
- Hồng, mi muốn sét đánh vỡ tan cái bệnh viện này sao mà đòi méc bồ nó?
Hồng pha trò :
- Thấy chưa Thu? Con Huệ nó nói bồ mày là Thiên Lôi đó.
Huệ đứng phắt dậy, vừa rượt, vừa la, vừa vói tay đánh Hồng :
- Nói bậy, nói bậy! Mầy là con ưa đâm bị thóc, thọc bị gạo. Thu hiểu tao mà. Có phải vậy không Thu?
Ba chúng tôi cười rộ. Tôi gấp sách lại ra khỏi phòng ăn. Bọn chúng tôi ăn ý với nhau lắm nên thường đi ăn chung và đi chơi chung. Hai đứa nó đều đã đính hôn. Hôn phu Huệ là thầy giáo quê ở Vĩnh Bình, hôn phu Hồng là sĩ quan pháo binh của Sư đoàn 9.
Đi qua dãy Ngoại khoa, qua phòng thí nghiệm, khu Nha khoa, tôi thấy hai người cao lớn đứng trước phòng khách. Một người là Hoanh, còn người kia tôi chưa gặp bao giờ. Đó là một chàng sĩ quan Hải quân ăn mặc tươm tất và phong nhã giống như Hoanh vậy. Tôi hỏi Hoanh :
- Ngọn gió nào đưa mi đến đây vậy?
Hoanh nóng nảy :
- Trời! Chị hách thật. Tụi này phải đợi hơn nửa giờ mới gặp được chị.
Tôi cười an ủi :
- Vậy là mau đó. Hôm trước bác Năm qua đợi chị hơn hai tiếng đồng hồ, vì chị phải phụ Bác sĩ trong phòng giải phẫu.
Hoanh quay qua người thanh niên giới thiệu :
- Anh Dũng, đây là Minh Thu, chị tôi.
Chàng khách lạ nhoẻn nụ cười tươi, khóe mắt sáng ngời :
- Dạ chào cô.
Hoanh quay qua tôi :
- Chị Thu, đây là anh Dũng, cùng khóa với em. Ảnh có số hên, ra trường được về Đồng Tâm. Chắc chị biết căn cứ Đồng Tâm chớ?
Tôi ngọt ngào chào hỏi chàng thanh niên :
- Dạ chào ông. Tôi có nghe nói về Đồng Tâm, nhưng chưa đến đó bao giờ. Chắc ông Dũng ở căn cứ cố định, khỏi phải lênh đênh ngoài biển cả như Hoanh?
Dũng vui vẻ :
- Dạ đúng như vậy. Tôi có đi công tác trong đất liền, nhưng đôi khi thôi. Ở đây mà cô chưa biết Đồng Tâm sao? Vậy hôm nào trên đó có mở tiệc, mời cô đến dự cho vui nhé.
Tôi thối thoát nhưng mắt không rời Dũng :
- Cảm ơn ông, tôi rất bận rộn, giờ giấc làm việc lại bất thường nữa, không dám làm phiền.
Ở Mỹ Tho, dọc theo đường Trưng Trắc, từ Cầu Quây ra đến vườn hoa Lạc Hồng, sát bờ sông có nhiều quán ăn nổi tiếng, có quán kem rất thanh lịch, quán cà phê rất thi vị. Trong khoảng thời gian từ chín giờ sáng đến mười hai giờ khuya, ai đi qua khúc đường này mà không cảm nhận mùi những món ăn thơm ngon?
Có nhiều hôm, sau giờ tan sở, thay vì về nhà trọ thui thủi một mình, tôi đánh vòng xuống bờ sông, vào quán gọi ly cà phê phin. Bên kia bờ sông, là bến đò có các vựa trái cây rất nhộn nhịp. Những ghe buôn bán ồn ào ngược xuôi. Người mua, kẻ bán, xô đẩy, la ó, réo gọi. Những người đàn ông làm bến, khuân vác những cần xé, những thùng hàng nặng nề. Dưới sông, ghe chèo, ghe máy, đò đưa khách, qua lại tấp nập, trông rất vui mắt. Xa hơn là Xóm Chài, ẩn hiện trong tia nắng chói chang của mặt trời chiều sắp lặn, sau rặng cây xa. Những chiếc ghe lưới từ vàm sông Mỹ Tho về muộn. Những người trên xe làm việc xốc vác, nhanh nhẹn cho xong công việc trước lúc trời tối. Một vài nhà trong xóm đã lên đèn, và Xóm Chài mờ dần, mờ dần theo màn đêm buông xuống.
Uống xong ly cà phê, tôi ra về, đi lần lên đầu Cầu Quây, mua ít đậu phọng luộc, món quà vặt mà lúc nào tôi cũng rất thích.
Chiều nay thay bộ đồng phục, tôi mặc lại chiếc áo dài trắng, thêu hoa ô môi tím. Tôi định đi qua tiệm chụp hình Cảnh Trung để lấy mới phim mà tôi đi rửa ra ảnh hôm đầu tuần rồi. Tôi tự biết mình không đẹp lộng lẫy, nhưng chụp hình ra cũng dễ nhìn. Vả lại tôi ưa chụp hình lắm: tôi chụp đủ kiểu, chụp nghiêng nghiêng, chụp cận ảnh chường nguyên mặt, chụp bán diện, góc cạnh nào trên khuôn mặt tôi khi vào ảnh cũng làm nhỏ Hồng, nhỏ Huệ xuýt xoa, rồi hạ đòn độc :
- Ảnh của mi đẹp hơn mặt thật mi ngoài đời.
Tôi cười hỏi :
- Hơn mặt thật ngoài đời là sao? Đẹp quá làm tụi mầy tức hả?
Bọn chúng được dịp cười ha hả. Hồng trả lời :
- Đã dữ tợn mà lại còn xí ơi là xí!
Tôi nguýt dài đuôi mắt, giựt lại xấp ảnh trên tay chúng bỏ vào xách. Sửa lại vạt áo, rồi tôi đi về. Vừa bước ra khỏi phòng, tôi gặp Thủy, cô học trò của trường Tá Viên đến thực tập. Thủy vui vẻ chào tôi :
- Cô Thu, có phải hôm qua cô uống cà phê ở quán Hương Duyên ngoài bờ sông không?
Tôi trố mắt :
- Sao Thủy biết?
- Anh của em nói.
- Vậy hả?
- Cô có biết bạn của anh em nói sao không?
- Họ nói sao?
- Họ nói: “Ở Mỹ Tho có hiện tượng lạ. Chiều chiều có một cô gái tóc dài, hay mặc áo màu tím, ưa ngồi trầm ngâm, uống cà phê ở quán Hương Duyên. Thành phố này tụi mình ở từ nhỏ, nhưng trước đó mấy tháng, chưa có ai gặp cô ta bao giờ. Có lẽ cô ấy từ nơi khác đến, không phải người ở đây”.
Tôi hơi chột dạ :
- Họ còn nói gì nữa?
Thủy lắc đầu, rồi nói :
- Cứ chiều chiều là họ rủ nhau đi quán Hương Duyên để ngắm tà áo tím.
Tôi lại hỏi :
- Anh của Thủy cũng vậy hả?
Thủy có vẻ buồn :
- Không, anh của em đi lính xa lắm, mãi tận dưới Cà Mau lận. Bây giờ ảnh ở nhà dưỡng thương.
Kể từ hôm đó, tôi không uống cà-phê ở quán Hương Duyên nữa, vì cảm thấy như có người đang nhìn mình thì làm sao mình được tự nhiên thoải mái?
Đã mấy lần rồi, Thủy rủ tôi qua vườn nhà cô ấy chơi, nhưng tôi từ chối. Sau giờ thực tập hôm nay, Thủy lại rủ nữa. Vì sợ tôi từ chối Thủy nói :
- Vườn nhà em không xa, chỉ qua đò là tới thôi. Qua bển, cô sẽ thích lắm, vì có rất nhiều trái cây. Gần Tết trái cây chín rộ, thấy ham lắm cô ơi. Cuối tuần này, cô đi viếng vườn nhà em nghe cô.
Thủy là một trong những đứa học trò thường tìm tôi nói chuyện chơi. Cô nhí nhảnh dễ thương như các cô gái quê ở tuổi mười tám. Thủy chăm chú nhìn tôi và chờ câu trả lời của tôi. Cái nhìn sao mà hết sức ân cần, van nài làm tôi cầm lòng không đậu. Tôi ngọt giọng :
- Thôi được, thứ bảy này không trực, tôi có thể qua thăm vườn Thủy. Nói trước là tôi không biết lội. Phải chờ Thủy ở đâu đây?
Nghe tôi nhận lời, Thủy vui ra mặt. Cô ta sốt sắng :
- Em sẽ đến đón cô. Cô muốn đi vào mấy giờ?
- Tùy Thủy chớ. Thường thì Thủy về thăm vườn lúc mấy giờ?
- Em đi sớm lắm, vì sáng sớm ít nắng. Thôi, em đón cô đúng tám giờ được không? Cô có thấy sớm quá không?
Tôi lắc đầu :
- Không. Vậy tám giờ nghe Thủy.
Con đường đất sét từ bến đò đến nhà Thủy dưới ánh nắng áp Tết có màu trắng mốc. Nó nằm giữa hai mương cạn mọc nhiều cỏ lông, và dây mắc cỡ. Cả hai chúng tôi đi một lúc thì bụi bay lên bám đầy chân và ống quần. Mới chín giờ sáng mà nắng chang chang, nhưng đường đi râm mát vì được che phủ bởi những tàn cây mù ù, cây da xà, bụi tầm vông, cây còng...
Hôm nay, vì nghĩ mình đi du ngoạn chốn vườn ruộng, nên tôi không dám ăn mặc lòe loẹt. Nhưng ai cấm tôi ăn mặc theo lối tỉnh thành? Tôi chọn chiếc áo kiểu ngắn tay hàng “xoa Thái Lan” màu hồng nhạt. Quần tây màu sô-cô-la. Quần không chật bó, cũng không rộng thùng thình. Tóc tôi cột đuôi cao lên với cái nơ màu tím hoa cà. Thủy mặc áo bà ba vàng có in rải rác hoa phượng đỏ, và lá phượng xanh lộng lẫy. Tôi có cảm tưởng màu áo mình lu câm trước màu áo cô ta. Eo ơi, Thủy còn đội nón lá bài thơ quai nhung hồng nữa. Trông cô đẹp mặn mòi, hiền lành, dễ thương làm sao!
Thủy nói :
- Vườn nhà em do người ta sang lại, hơn bốn năm nay. Khi mới sang cây cối còi cọc, ba má em đã đổ vốn rất nhiều, mua thêm cây về trồng, bón phân đầy đủ, lại còn mướn vợ chồng chú Bảy chăm sóc, cho nên cây trái trong vườn rất tươi tốt và huê lợi rất khá. Cô Thu ơi, qua khỏi cây cầu kia là mình tới khuôn viên vườn của em rồi đó.
Thủy vừa nói vừa chỉ tay. Cây cầu tre ngắn bắc ngang qua mương cạn xâm xấp nước. Chúng tôi rẽ theo con đường mòn đi vào khuôn viên. Hai bên đường có mấy cây mai trồng không ngay hàng. Tuy nhiên chúng được lảy lá sạch, trơ cành, chờ đơm nụ, nở hoa. Đã cuối tháng Chạp rồi, còn chừng mươi mấy ngày nữa thì đến Tết Nguyên Đán. Những bụi vạn thọ màu vàng nghệ, màu vàng anh chen chúc nhau. Kế bên hông nhà, mấy nia chuối phơi khô tươm mật, gợi thèm cho mấy chú ruồi bay quanh. Thủy chỉ tay về túp nhà lợp lá nói :
- Đó là cái nhà giữ vườn, ba má em cất để che nắng che mưa, và nghỉ trưa. Vào mùa trái cây chín, chú Bảy ngủ ở đây luôn để giữ vườn.
Chúng tôi bước vào đến thềm nhà. Hai ông bà thân sinh của Thủy chăm chú nhìn tôi.
Thủy giới thiệu :
- Cô Thu, đây là ba má em.
Tôi lễ phép :
- Dạ chào hai bác.
Thủy quay về cha mẹ của mình :
- Thưa ba má, đây là cô Thu, làm việc ở bệnh viện, và cũng là cô hướng dẫn thực tập của con.
Ba má Thủy chào tôi. Bà mẹ nói :
- Cháu Thủy nhắc đến cô luôn. Cháu nói hôm nào sẽ mời cô qua chơi. Nhà này là cái chòi, cô hãy tự nhiên, đừng ngại nghe cô Thu.
Cậu bé trai đâu chừng mười tuổi, tay cầm chùm quít đường chín vàng tươi, tay kia cầm trái ổi xá lị, từ ngoài sân chạy vào. Thủy níu tay cậu ta lại, bảo :
- Chào cô Thu đi Nghĩa.
Cậu bé có cặp mắt đen to, tóc cắt ngắn gọn gàng. Trông cậu bụ bẫm khỏe mạnh thật dễ thương. Cậu mỉm cười cúi đầu chào tôi. Ba của Thủy nãy giờ cứ nhìn tôi mà không nói gì. Tôi hơi lúng túng. Bỗng Thủy nói :
- Ba ơi, bộ anh Vĩnh chưa qua hả?
Ba của Thủy nói :
- Nó ở sau vườn với chú Bảy. Con hãy dẫn cô Thu ra hái cam quít ăn chơi. Ở bên liếp bạch mai, cây mận da người mới có mấy trái chiếng, trái cũng ăn được rồi. Ba thấy da mận đã ngã màu ngà ngà. Cứ lấy lồng hái mà ăn, chớ có leo trèo. Kiến vàng nhiều lắm. Hay là con hãy nhờ anh Vĩnh hái cho.
Rồi ông quay sang tôi nói tiếp :
- Vườn nhà nghe cô Thu. Cô thích thứ trái nào thì cứ hái, để em Thủy hướng dẫn cho.
Khu vườn khá rộng, mấy cây cau sau chòi nở bông trắng xóa, tỏa mùi thơm ngạt ngào thanh khiết. Trời trong xanh, cao vòi vọi. Những luồng gió thổi qua mát rượi, làm rung động cành lá xạc xào. Tôi hít thở không khí trong lành này, nghe tâm hồn vô cùng khoan khoái. Một chiếc võng treo giữa hai thân cây cau. Cạnh một đầu võng là một chiếc bàn bằng gỗ, chân đóng tréo sơ sài, loang lổ mốc meo, chứng tỏ đã trải qua mấy mùa mưa nắng. Trên bàn, ly nước trà uống dở, chiếc hộp quẹt nằm trên bao thuốc lá. Và chai dầu nhị thiên đường nằm bên cạnh quyển truyện “Bướm Trắng”. Tôi thầm nghĩ, trưa mà nằm đây đọc sách, thật thú vị, ai mà sành hưởng thụ quá vậy?
Còn nhớ ba tôi có lần đã nói rằng, cồn là nơi bồi đắp bởi đất phù sa, nên trồng cây rất tốt. Thật vậy, ở đây trái sum sê, mận, cam, quít; nhánh phải có nạng chống đỡ cho khỏi gãy. Có chùm là đà trên mặt đất, có chùm thòng xuống, nước mương bám sình non, nên vỏ mốc xám. Cây mận hồng đào bên bờ mương, trái chín đỏ rụng đầy gốc, trái nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi chắc lưỡi hít hà, chỉ Thủy :
- Trông kìa, cây xoài cát, sai trái quá! Từ gốc lên đến ngọn đầy những trái, là trái!
Thay vì trả lời tôi, Thủy hỏi :
- Cô Thu, cô có cảm nhận mùi gì không?
Tôi hít hít mũi, nhìn sang bên này, nhìn sang bên kia, tìm kiếm, rồi lắc đầu, mỉm cười.
Thủy chỉ bờ bên kia, kế cây chanh giấy :
- Cô nhìn coi kìa!
Tôi mở to mắt nhìn cây mít đơm đầy trái. Loại mít này trái không lớn lắm. Thủy gọi lớn :
- Anh Hai ơi, đến tìm mít dùm em. Có nhiều mít chín lắm.
Một chàng trai từ bên hàng ổi xá lị bước ra, Thủy giới thiệu :
- Anh Hai, đây là cô Thu, cô hướng dẫn của em. Cô Thu, đây là anh Hai em, tên ảnh là Vĩnh.
Chàng thanh niên chào tôi. Mặt chàng nghiêm quá, hóa ra lầm lì, nhưng nụ cười chiếu sáng khuôn mặt, long lanh khóe mắt. Chàng chào :
- Chào cô Thu.
Tôi lí nhí :
- Dạ chào ông.
Vĩnh cất giọng êm ái :
- Xin cô gọi tôi bằng anh. Hình như cô bằng hay nhỏ tuổi hơn Thủy. Tôi thường nghe Thủy nhắc về cô. Đây là lần thứ hai tôi gặp lại cô.
Giọng Vĩnh có vẻ thẳng thắn khiến tôi hơi khựng. Dường như hiểu ý tôi, chàng nói :
- Xin lỗi cô, tôi hơi đường đột làm cô không được vui phải không?
Tôi bẽn lẽn :
- Dạ không, ông gặp tôi ở đâu vậy?
- Lần đầu ở quán Hương Duyên. Nhưng lúc đó tôi chưa biết cô là ai. Hôm nay, tôi biết cô là cô giáo hướng dẫn của Thủy ở trường y tá. Hình như cô không phải là dân Mỹ Tho chính cống?
Tôi dịu dàng :
- Dạ quê tôi ở Cần Thơ. Nghe Thủy nói ông đi lính ở Cà Mau, như vậy nếu về đây bằng đường bộ, ông phải đi ngang qua bắc Cần Thơ?
Vĩnh gật đầu, khóe mắt vẫn sáng ngời :
- Đúng rồi cô, tôi là lính Sư đoàn 21. Căn cứ Trung đoàn thì ở thành phố, nhưng chúng tôi ít về đó lắm. Lính rừng mà, cô có xuống vùng Cà Mau lần nào chưa?
Tôi cười trả lời :
- Tôi có người anh dạy ở trường trung học Cà Mau, nhưng tôi chưa đến đó bao giờ. Thủy nói ông bị thương và về đây dưỡng sức, phải không?
- Đúng vậy, nhưng vết thương nhẹ thôi. Hai tuần nữa tôi sẽ trở ra đơn vị.
Kỳ lạ, mới chạm mặt Vĩnh, tôi cảm thấy chàng hơi đáng ghét. Bởi chàng thẳng thắn quá, gần như đường đột. Nhưng ở chàng có nét mặt cương nghị, có một sức mạnh tiềm tàng, sự vững vàng lạ lùng, khó diễn tả. Vĩnh ăn mặc xuề xòa. Tóc chàng cắt ngắn (kiểu nhà binh). Trán chàng vuông, cái vuông đó tạo cho chàng một nét quyến rũ đặc biệt. Do linh tính, tôi hiểu rằng con người này lúc đầu làm tôi e ngại, nhưng sẽ đi sâu vào tâm hồn của những ai đồng điệu với chàng hoặc những người chàng thương mến.
Tôi và Thủy đứng dưới gốc mít, còn Vĩnh bắc thang trèo lên, vỗ vỗ và búng từng trái, để tìm mít chín. Chừng mười lăm phút, chàng đã hái được sáu, bảy trái. Thủy lấy dao, cắt một lần dài trên vỏ mít, từ cuống xuống tận bên dưới, rồi gỡ vỏ quăng đi. Những sơ mít dính theo vỏ. Những múi mít chi chít dính trên cùi, vàng tươi. Bây giờ tôi mới cảm nhận được mùi thơm của mít. Thủy đưa cho tôi trái vừa mới cắt vỏ xong, mời mọc :
- Cô ăn đi, ngọt lắm, mít chín cây đó nha! Cô biết không? Mít tố nữ chín trên cây mới ngon, nếu trái già mà hái xuống, chờ chín như mít thường thì sẽ không còn ngon ngọt nữa.
Tôi cầm cuống cùi mít, những múi không lớn lắm, thơm ngát. Tôi cố gỡ một múi nhưng không được vì mật tươm ra làm trơn tay. Thủy vừa lột xong trái thứ hai đưa lên miệng cắn từng múi ăn ngon lành. Thủy bảo :
- Cô ăn như vầy nè. Mít này không ăn như mít thường được; nó khó gỡ và dính tay nữa.
Tôi bắt chước ăn theo cách của Thủy. Mít tố nữ quả nhiên ngon ngọt quá, còn thơm nữa, nhưng nhảo hơn mít thường. Thủy vào chòi để lấy rổ đựng mít. Vĩnh cũng vừa xuống khỏi thang, vừa phủi bụi vừa phủi kiến vàng, hỏi tôi :
- Cô đến Mỹ Tho lâu chưa cô Thu?
- Dạ đã hơn một năm.
Chàng nhìn sâu vào mắt tôi :
- Cô có thích Mỹ Tho không?