Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 02.2

Tôi cau nhẹ cặp mày :
- Nhiệm sở mà tôi muốn được về là Long Xuyên hay Vĩnh Long. Còn một nơi để chọn, tôi đang phân vân không biết đi tỉnh nào? Thấy Mỹ Tho còn chỗ trống. Tỉnh này cũng không xa nhà tôi lắm, tôi ghi đại vào, không ngờ họ cho về đây. Từ trước, chưa bao giờ tôi nghĩ là sẽ về Mỹ Tho cả. Tôi cũng chưa đến Mỹ Tho lần nào trước khi nhận việc. Ở đây cũng vui và an ổn. Nhưng năm sau tôi sẽ xin về Cần Thơ để được gần má tôi.
Vĩnh quay đi nơi khác mỉm cười một mình khi nghe tôi nói muốn về gần má tôi. Thật cái anh chàng này có vẻ kỳ kỳ thế nào ấy! Chàng gàn gàn làm sao! Tôi cũng có anh trai, em trai, nhưng đâu có ai như anh chàng này! Nhưng mà chàng có điều gì đó khiến tôi chú ý và phải nghĩ ngợi. Ý nghĩ của tôi không được mạch lạc khi tôi nghĩ về chàng, ngoài chuyện tôi thấy chàng gàn gàn. Nhưng cái gàn đó dần dà không làm tôi khó chịu. Vĩnh không cao lớn, không trắng trẻo đẹp trai, không ăn nói hấp dẫn. Tóm lại chàng không phải là mẫu người lý tưởng từ trong tiểu thuyết chui ra. Chàng hơi thấp người, nhưng người ta thường nói “đàn bà cao trộm”, nên tôi nghĩ rằng, khi đứng gần tôi, chàng sẽ cao hơn. Chàng mặc áo thun xám, quần ka ki bạc màu, lốm đốm mủ cây. Tay chân chàng cứng rắn khỏe mạnh.
Vĩnh lại hỏi tôi :
- Cô có đi chơi đâu không?
Tôi nhìn chàng, không hiểu. Vĩnh giải thích :
- Tôi muốn hỏi cô có đi viếng những phong cảnh ở đây như: chùa Vĩnh Tràng, cồn ông Đạo Dừa, hay một vài thị trấn kế cận khác như Long An, Gò Công, Bến Tre chưa vậy.
- Dạ chưa, ở Mỹ Tho tôi chỉ biết nhà trọ, chỗ làm, và khu chợ. Hôm nay lần đầu tiên tôi đi chơi xa.
- Còn nữa chớ.
Tôi ngạc nhiên nhìn Vĩnh. Chàng mỉm cười nói :
- Quán cà-phê ngoài bờ sông. Bộ cô thích uống cà-phê lắm sao?
Tôi bật cười dòn dã :
- Tôi uống cà-phê gần như theo thói quen. Từ lúc nhỏ tôi đã tập uống rồi. Ba tôi rất thích cà phê. Sáng nào ông cũng uống một cữ. Cho nên mỗi lần pha cà-phê cho ông, má tôi thường pha cho anh em tôi, nhưng cà-phê lợt hơn. Nghĩa là cà-phê nước đầu dành cho ba tôi. Còn nước thứ nhì dành cho anh em chúng tôi. Khi biếng ăn, tôi chỉ uống một tách cà phê là đủ rồi.
Vĩnh gật gù :
- Như vậy không tốt.
- Dạ má tôi cũng nói vậy, nhưng đôi khi thôi.
Mắt Vĩnh chợt long lanh, chàng đề nghị :
- Vậy hôm nào tôi sẽ đến mời cô đi uống cà phê nhé, có phiền cô không?
Tôi thoáng e ngại, vì sợ mấy đứa bạn cùng sở chọc ghẹo. Nhưng trong thâm tâm tôi cho tôi biết rằng ý mình bằng lòng mạnh hơn lý do kia; nhưng tôi vẫn làm giọng không mấy nhiệt thành :
- Dạ, để coi.
Trời về trưa, luồng gió Tết mát rượi lào xào trên ngọn xoài nhánh mận. Có tiếng con tôm tích búng chóc chóc dưới mương gần đây, tiếng chim trao trảo líu lo gọi đàn tìm trái chín, tiếng máy tàu xìn xịt chạy trên sông, và có tiếng gà gáy lẻ tẻ cuối xóm. Tôi và Vĩnh tiếp tục nói chuyện: Chuyện hằng ngày, chuyện giải trí, chuyện thời cuộc, chiến tranh... Thật ra, Vĩnh nói cho tôi nghe, còn tôi chỉ ấm a, ấm ớ chớ có biết gì nhiều đề tài và kiến thức để ăn nói. Được biết Vĩnh là anh cả trong gia đình ba anh em, ba Vĩnh dạy học, má chàng ở nhà chăm lo gia đình. Vĩnh là cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Khi đậu xong phần hai, chàng lên Sàigòn theo học Văn Khoa. Đến năm thứ ba thì chàng bỏ học, vào trường võ bị Đà Lạt. Khi ra trường thì chàng được bổ sung về Sư đoàn 21. Đến nay chàng được tròn sáu tuổi lính.
Hôm đó tôi được ba má Thủy đãi cơm trưa. Mâm cơm dùng chén sành, đũa tre, nhưng sạch bóng. Các món ăn được chiên xào kho nấu tươm tất. Một tô canh bí đao nấu với cá lóc, có ngò rí, hành lá xắt mỏng nổi xanh trên mặt. Cá trê vàng kho tộ, với mỡ xắt hột lựu, rắt tiêu cay. Một đĩa tép bạc lột vỏ xào mướp hương. Dĩa gỏi dưa leo bằm xoài sống trộn với khô cá sặc và thịt ba chỉ. Thủy cố tình đặt Vĩnh ngồi gần tôi để chàng gắp thức ăn cho tôi.
Tôi mắc cỡ quá! Mấy ông sĩ quan trổ tài nịnh đầm coi cũng hay đáo để. Tuy đói bụng, nhưng tôi cũng ăn uống thong thả, không dám ăn uống tự nhiên như ở nhà... “Trước mặt người bạn trai và gia đình họ, có bao nhiêu thanh lịch, phong nhã, đài các, chị phải đem phô ra hết. Nếu là cốt cọp chị phải làm ra vẻ con mèo; nếu dữ dằn như con kên kên, con diều hâu, thì chị làm ra hiền lành như con bồ câu, con cu cườm...”. Anh của Thủy không phải là bạn trai của tôi, nhưng khi chợt nhớ những lời của hai cô em họ, con chú tôi dạy, tôi vụt ngượng ngùng, và cảm thấy tay chân thừa thãi, lúng túng, lụp chụp làm sao!
Tôi sửa soạn ra về, thì Hồng Huệ bước vào. Tối nay hai cô trực ở nội khoa. Hồng chúm chím cười tinh quái, má lúm đồng tiền :
- Huệ, mi biết không? Hôm nay trước cửa bệnh viện có trồng một “cây si”. Không biết của ai đây?
Huệ điệu đà chớp chớp bờ mi dài cong vút :
- Chắc là của Minh Thu.
Tôi vừa cái nút áo, vừa sừng sộ :
- Ê nói gì có tên ta đó?
Huệ nhìn ra phía cổng :
- Ở bệnh viện to lớn có hàng trăm nhân viên này, giờ chỉ có mình mi chưa có ai đưa đón. Nhưng bọn ta chỉ nói mò thôi mà, bộ bị đạp trúng đuôi rồi sao mà mi dữ dằn vậy người đẹp “giá băng”?
Tôi làm thinh rủa thầm “đồ hai con quỷ xí xọn”. Nhưng tôi vẫn lắng tai nghe coi chúng nói gì. Huệ hỏi Hồng :
- Hắn ra sao, mậy?
- Trông cũng “bô trai”, coi như đủ tiêu chuẩn. Hình như là lính trận miền xa. Nhưng mặt hắn trông có vẻ nghiêm lắm. Tức cười quá! Hồi nãy nhỏ Hồng Nhi tưởng bở, liếc cười với hắn, hắn tỉnh bơ lờ đi, làm nhỏ quê quá chừng. Nhỏ cứ lẩm bẩm rủa hắn cho đã giận.
Hai cô tiếp tục bàn tán, rồi thích chí cười khúc khích. Tôi chào chúng ra về khi chuông reo tan sở.
Má tôi thường nói, tôi ra đường là luôn nhìn xuống, để tìm bạc cắc. Thật ra má nói cũng đúng, tôi ít khi nhìn qua ngó lại.
Hai con bạn tôi, mỗi đứa một vẻ, đứa nào cũng có đủ đòn phép. Hôn phu con nào cũng cao ráo, bảnh trai. Hai con nha đầu này ưa dùng đủ đòn phép để hai tên kia mê mệt say đắm. Ý là tụi nó không đẹp, chỉ có duyên mà thôi.
Con Hồng có cặp gò má hơi cao. Nó chưa ló mòi ăn hiếp hôn phu cưng vàng, cưng ngọc của nó. Tôi biết con này đáo để, chỉ hiền ở ngoài mặt. Để rồi coi, anh chị em bên chồng sẽ bị nó áp chế. Con quỷ này thuộc về loại đàn bà không hề nhịn thua ai hết. “Chị em chồng nó bồng nó nách. Anh em chồng nó xách một tay”. Nó mà không sửa đổi thì bên chồng nó sẽ khổ với nó dài dài.
Còn nhỏ Huệ thì làm vẻ con mèo mít ướt. Nhưng nó thích lùi một bước rồi tiến hai bước. Thằng chồng tương lai của nó nếu hay lạng quạng sẽ mệt đừ với nó, thấy nó là hết dám ho lớn, là hết dám thở mạnh.
- Minh Thu! Minh Thu!
Có tiếng ai gọi làm tôi giật mình, quay lại. Thì ra ông anh kỳ kỳ của Thủy, tôi hơi ngạc nhiên :
- Dạ chào ông Vĩnh.
Vĩnh trách :
- Cô đi mau quá, thiếu điều tôi không theo kịp. Hôm trước tôi đã nói với cô, sẽ có một hôm nào, tôi sẽ mời cô đi uống cà-phê. Cô nói “để nghĩ coi”. Hôm nay cô đã nghĩ kỹ chưa?
Vĩnh vừa nói, vừa đi về phía tôi. Chàng tìm tôi thật bất ngờ, làm tôi mất tự nhiên, ngượng ngùng quá! Vì là giờ tan sở, nên ở cửa chánh có rất nhiều người chờ vào thăm thân nhân. Cửa tôi vừa mới ra tấp nập nhân viên ra vào. Nhìn về phía cửa sổ phòng trực, tôi thấy Huệ, Hồng nói gì không biết, mà đang chỉ chỏ về phía tôi. Mấy cô nữ tá viên đến thực tập vừa đạp xe qua mặt tôi, vừa gọi lớn, cố ý chọc ghẹo tôi. Anh chàng Minh, nội khoa thì cho rú máy xa Vespa thật lớn. Hắn chạy qua mà còn quay đầu lại nhìn tôi cười nheo mắt. Tôi đang lúng túng thì nghe tiếng gắt gỏng của Vĩnh :
- Kìa, sao cô còn không đi? Cô đứng đây để người ta trêu ghẹo cô hả?
Tôi vội bước mau theo Vĩnh, không nói lời nào. Có lẽ tôi chưa lấy lại được bình tĩnh, và hình như tôi đang hờn mát. Thật ra, tôi cũng không biết mình phải làm gì! Vĩnh đi gần tôi hơn, giọng mềm mỏng và tha thiết :
- Đừng giận anh nghe Thu. Anh tệ lắm, hay gắt gỏng với kẻ vừa quen. Thật là vô duyên hết sức!
Giọng chàng trầm ấm dễ thương làm sao! Ánh mắt tha thiết van nài, nụ cười bùi ngùi. Chàng như biến thành một người khác. Bỗng dưng hai hàng nước mắt chảy dài xuống má tôi, mà chính tôi cũng không ngờ, và không biết tại sao? Vĩnh cuống cuồng lấy chiếc khăn tay màu trứng sáo trao cho tôi, em ái bảo :
- Lau mắt đi Thu, xin lỗi Thu nhé, không phải anh cố tình đâu. Ý anh muốn nói để Thu đi mau khỏi chỗ này, cho họ đừng chọc ghẹo Thu nữa. Thật ra anh không biết ăn nói làm sao cho mềm lòng phái đẹp.
Mặt Vĩnh lộ vẻ thành khẩn, lo âu, cơn hờn giận tôi tan biến. Tôi chặm nước mắt, rồi trả khăn lại cho chàng :
- Thôi bỏ đi, lỗi không phải của ông. Bây giờ mình đi đâu đây?
- Đi ăn nghe.
- Không, đi uống cà-phê.
- Thì đi, lên xe anh nghe, để anh chở Thu đến đó.
- Dạ không, tôi không quen ngồi xe Honda.
- Vậy anh đi gởi xe, để cùng cuốc bộ với Thu cho vui.
Vĩnh dắt xe đến chỗ gởi. Chúng tôi đi bộ dọc theo đường Hùng Vương, quẹo trái qua đường Lý Thường Kiệt, rồi đi lần về hướng đường Trung Trắc.
- Chào cô Thu!
Tiếng chào lanh lảnh của cô học trò. Tôi lịch sự chào lại. Tôi biết nếu đi một mình chắc chắn cô sẽ không chào, vì cô đi xe đạp cùng chiều với tôi. Cô chào là cố ý để nói với tôi rằng: “Đã bắt gặp quả tang rồi nhé!”
Vĩnh khen :
- Nhiều người biết Thu quá!
- Ông cũng biết đây là thành phố nhỏ mà, vả lại có ông đi bên cạnh, tức là gây sự tò mò cho người khác, nên họ muốn trêu tôi. Nếu tôi đi một mình thì chẳng ai thèm ngó.
Vĩnh tinh quái hỏi gặn :
- Có đúng không?
Tôi không trả lời, và cũng không nói gì thêm, vì tôi nghĩ nếu bất cứ một câu chuyện gì, tôi mà bàn cãi với Vĩnh, thì bao giờ tôi cũng thua là cái chắc. Trước mặt Vĩnh bao giờ tôi cũng thấy mình nhỏ bé và ngây ngô.
Vĩnh cất giọng mỏng nhẹ như cơn gió mát :
- Bộ Thu còn giận anh hả?
Tôi nhẹ lắc đầu :
- Dạ không.
Vĩnh nhìn tôi đề nghị :
- Bỏ tiếng dạ đi Thu, và đừng gọi bằng ông nữa, nghe nặng quá!
Tôi vẫn không trả lời, bước đi bên chàng. Tới trước một chiếc quán nhỏ, tuy vậy vẫn sáng sủa, trang trí tân thời với bàn ghế thấp, đèn hồng ẩn trong xó kẹt. Vĩnh rủ rê :
- Thôi, ta vào quán này nghen.
- Dạ, cũng được.
Chiều thứ tư, đường phố vắng vẻ hơn ngày cuối tuần. Nhưng bến trái cây ở bên kia sông vẫn ồn ào náo nhiệt. Xóm Chài vẫn có nhiều chiếc ghe lưới về muộn, khi các nhà trong xóm đã lẻ tẻ lên đèn.
Những giọt cà-phê nhỏ đều đều trong ly, rồi chậm dần, chậm dần. Tiếng hát êm đềm từ máy phát ra, bản “Những bước chân âm thầm”, lòng tôi lắng xuống.
- Xin phép Thu cho anh hút thuốc.
Tôi nhẹ gật đầu, Vĩnh hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Và tôi mất tự nhiên, mỗi lần bắt gặp ánh mắt Vĩnh nhìn đăm đăm xoáy vào tôi.
Chúng tôi rời quán cà-phê, đi ngược lên đầu Cầu Quây, vòng qua chợ. Vào buổi sáng, nơi này buôn bán sầm uất. Kẻ bán, người mua chen lấn, rao hàng in ỏi. Giờ thì chợ trống trơn. Tôi nhìn suốt từ đầu đến cuối chợ. Các sạp được thu gọn, cất dẹp nơi nào không thấy, chỉ còn trơ mặt đường khúc thì loang lổ, khúc thì lổm chổm đá mà thôi. Một vài tiệm cửa còn nửa mở nửa khép như tiệm bán sách, bán băng nhạc. Vĩnh ân cần hỏi :
- Thu có muốn mua gì trong tiệm bán quà tặng không?
- Dạ không.
Vĩnh có vẻ dội ngược trước thái độ quá lễ phép của tôi. Chàng bảo :
- Bỏ tiếng dạ đi Thu.
- Dạ vâng
- Anh muốn mua một quà gì đó cũng được để tặng Thu.
Tôi lắc đầu, tỏ vẻ không sốt sắng :
- Dạ không cần thiết đâu.
Vĩnh làm ra vẻ thất vọng :
- Lại dạ nữa.
- Quen rồi, Thu chưa bỏ ngay được.
Vĩnh giục :
- Thôi mình đến đầu chợ ăn bò vò viên đi. Có một ông Tàu bán món này ngon lắm. Lúc nào đi chơi khuya về anh cũng hay ghé qua.
Tôi nhấn giọng :
- Ông hay đi chơi khuya lắm sao?
- Thỉnh thoảng thôi, vì bạn bè cũ đã đi tứ tán hết rồi. Lúc còn đi học thì anh đi thường lắm.
Vĩnh lại đốt thuốc hút, chúng tôi bước đi chầm chậm. Tôi đi bên chàng ngoan ngoãn như một con khờ! Tôi nhìn cuộn khói tuôn ra từ miệng, mũi anh :
- Anh Vĩnh chắc hút thuốc lá nhiều lắm?
- Sao Thu biết?
- Vì ngón tay anh vàng màu khói thuốc.
- Đúng vậy, vì anh đóng quân ở các nơi hẻo lánh, chung quanh anh là rừng, là tràm, là đước. Muỗi thì vi vo như sáo thổi, chỉ có điếu thuốc làm anh dễ chịu và thoải mái hơn.
Rồi anh kể cho tôi nghe những trận đánh, chỉ trong đường tơ kẽ tóc thì anh toi mạng ngay. Tôi thấy lòng mình bồi hồi. Tội cho Vĩnh! Thương cho những người lính chiến biết bao! Tôi than thở :
- Chiến tranh này không biết bao giờ mới hết? Thu không ngờ chiến tranh độc ác, vô tình hơn những gì đã viết trong sách báo, và hơn trong sự tưởng tượng của mình nhiều.
Chúng tôi ăn xong thì hơn tám giờ, Vĩnh đưa tôi về nhà, trước khi từ giã, anh nói :
- Từ rày có uống cà-phê, thì nhớ kiếm gì ăn. Đừng đi ngủ mà để bụng đói.
Anh cười nụ nhìn tôi, vẫy tay chào rồi bước đi thật mau.
Sáng hôm sau, Hồng và Huệ bàn giao trực cho người khác. Quá giờ về rồi mà hai con nha đầu ác ôn đó cũng cố ở lại khảo tra tôi, kép dẫn đi ăn món gì? Ở đâu? Tôi trả lời cụt ngủn :
- Ăn bò viên, được không?
Hồng tỏ vẻ chán nản :
- Ở Mỹ Tho mà dắt đào đi ăn bò viên thật xệ quá trời! Ít ra thằng chả phải đãi mi ăn hủ tíu Mỹ Tho.
Huệ phụ họa :
- Ở Mỹ Tho mà mi chưa ăn hủ tíu Mỹ Tho nấu với tôm cua, lòng heo là mi quê, là tên kia hà tiện một cách khó ưa. Đã vậy, ăn hủ tíu Mỹ Tho phải ăn kèm với giá sống, và món rau tần ô tươi tắn thơm thọ Thiệt tình, cả hai đứa bây quê một cục!
Sáng thứ bảy, Vĩnh đến nhà đón tôi và đưa đi thăm cồn Phụng của ông Đạo Dừa. Ông Đạo Dừa còn có tên khác, mà dân địa phương gọi là Cậu Hai cho thân mật hơn. Hôm đó, tôi mặc chiếc áo dài bằng mousseline đen, thêu lấm tấm bông cúc vàng lá xanh. Giầy bích nhọn đầu màu đen. Tóc xõa thả gọn về phía sau. Đánh phơn phớt phấn hồng trên má, và thoa son nhạt trên môi. Thoạt nhìn tôi, Vĩnh hơi ngạc nhiên, sau đó nhẹ mỉm cười quay đi nơi khác.
Chúng tôi qua bắc Rạch Miễu, đi vòng lên nhà lồng chợ, qua thêm một chuyến đò máy mới tới cồn. Nơi đây nhà cửa chen chúc. Là cồn, dù cao cách mấy, cũng không cao bằng đất liền, nên hay bị ngập vào mùa mưa nước nổi. Vì vậy họ cất nhà theo kiểu nhà sàn, và cột sàn khá cao. Đường đi cũng làm bằng ván. Nơi Cậu Hai trụ trì để tu hành thì được cất trên một chiếc tàu, hay một chiếc bắc lớn gì đó, nên dù đi trên ấy, tôi cũng thấy rất vững vàng, không lắc lư như những chiếc tàu bình thường.
Trên tàu có những cầu dây đi thông từ nơi Cậu Hai ở ra đài cầu nguyện. Những thang này trạm trổ, sơn phết rực rỡ, với những hình long, lân, quy, phụng, hoặc những con chim công rất tinh xảo, rất đẹp, rất khéo tay.
Bổn đạo đa số là dân tứ xứ. Tất cả già, trẻ, nam hay nữ đều mặc áo quần một màu nâu sậm. Đàn ông thì mặc áo quần bà ba, tóc để dài bọc trong khăn vải, cùng màu với màu áo quần, sau khi được quấn tròn quanh đầu. Các cậu đồng nam chừng chín mười tuổi thì cạo đầu chừa ba cá bánh bèo, như các tiên đồng trong tranh Tàu, trông rất ngộ nghỉnh, có duyên. Còn đàn bà và đồng nữ thì mặc áo vạt hò, nút cài về bên mặt.
Quanh đài cầu nguyện là những nhà dùng làm văn phòng, phòng tiếp tân, phòng chỉ dẫn. Mỗi phòng được trang trí bằng nhiều hình ảnh Cậu Hai được ghép nối. Có bức ảnh cậu đứng trên mây, tay cầm bình bát chiếu hào quang xuống trần gian. Có hình ảnh rồng phụng, được chạm trổ rất công phu, được ghép lại bởi những mảnh vụn của ly chén xưa, phô trương đủ màu sắc tươi đẹp và hết sức ngoạn mục. Chúng tôi đi chung quanh cồn. Dọc theo hai bên đường, có nhiều quán giải khát, quán kem, quán hủ tíu chay.
Bổn đạo bán nhiều trái cây, các loại chuối, nhứt là chuối khô, vì đó là đặc sản của vùng này. Chúng tôi đi thăm tất cả những gì trưng bày ở đây; những biểu ngữ treo cao, những tấm bích chương dán theo đường, trong các văn phòng. Toàn là những lời lẽ phản chiến, làm chùng lòng chiến sĩ. Tôi liếc nhìn Vĩnh, xem anh ta có phản ứng gì trước mấy câu đó, nhưng Vĩnh tỉnh queo, nét mặt không gì thay đổi. Chàng cũng không phê bình lời nào.
Những người chụp hình ở đây đến mời chúng tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm, Vĩnh lắc đầu chỉ qua tôi. Tôi chỉ trở lại Vĩnh, và nói với người chụp hình :
- Ông đó thích chụp hình lắm trở lại mời ổng đi.
- Thu chụp ăn ảnh hơn anh, anh bự con quá, máy ảnh thâu không hết.
Chúng tôi ghé qua tiệm hũ tíu chay ở gần bến đò. Quán cất đơn sơ, chỉ chừng sáu cái bàn gỗ. Bốn cái ghế đẩu kê sát mỗi chiếc bàn. Trên bàn có bày chai nước tương, lọ ớt, bình trà, và mấy cái chung nhỏ. Trong quán có ba cô gái, cô nào cũng trắng xanh, thân hình mảnh khảnh và rất xinh xắn. Vĩnh ngồi đối diện với tôi, anh chồm qua bàn, nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe :
- Cháu Cậu Hai đó. Các cô ăn chay trường, và tắm bằng nước dừa.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, và cũng nói nhỏ vì sợ các cô nghe :
- Sao anh biết? Ăn chay trường thì có thể, còn tắm nước dừa sao được? Nước dừa rít lắm mà?
Vĩnh bật cười thành tiếng: :
- Thu dễ tin người quá. Đó là lời đồn nhảm để tạo huyền thoại cho ly kỳ thôi mà.
Khi chúng tôi trẩy qua đò thì mới có một giờ trưa. Vĩnh nói hãy còn sớm, nên đề nghị qua thăm thành phố tỉnh Bến Tre. Thành phố này xa bến bắc Rạch Miễu chừng mười lăm cây số. Chúng tôi đi vòng khu chợ, thăm một vài nơi như chùa Ông Tương, công viên, sở thú. Sau đó Vĩnh dắt tôi đi thăm Huy, ông bạn cùng khóa, đã giải ngũ vì bị thương. Anh ta có vợ, và được một con, đang làm chủ một tiệm xa đạp khá lớn trong thành phố.
Huy, rất vui mừng khi gặp lại Vĩnh. Vợ chồng anh tíu tít nói cười, mời nước, mời dùng bữa trưa, nhưng chúng tôi từ chối, vì vừa mới ăn xong. Sau một hồi trò chuyện, anh ta hỏi Vĩnh :
- Chừng nào ông lấy vợ để bọn này uống rượu mừng đây? Cứ kén chọn hoài, già mất không hay đó!
- Có ai chịu tôi đâu mà lấy?
Huy cười cười hỏi lại :
- Thật vậy sao?
Vĩnh cười ánh mắt long lanh tinh quái, rồi quay về phía tôi :
- Không in hỏi cô Thu đây thì biết.
Tôi giựt mình, lính quýnh mất tự nhiên. Tôi vừa thẹn vừa tức, không biết Vĩnh muốn giở trò gì nữa đây nên làm bộ tảng lờ, đến khều khều cậu con của Huy đang đùa giỡn với chiếc lục lạc trên nôi.
Chúng tôi về Mỹ Tho hơn sáu giờ chiều, Vĩnh rủ đi ăn và uống cà phê.
Tôi thối thác :
- Thu muốn về. Đi cả ngày hôm nay, mệt quá!
- Thôi cũng được. Thứ ba anh trở ra đơn vị. Chiều thứ hai anh đến đón Thu sau giờ tan sở, có phiền cho Thu không?
Tôi nghĩ thầm trong bụng, còn phiền nỗi gì nữa! Lần đón trước, cả làng, cả nước ai cũng biết, dư âm hạch hỏi chọc ghẹo của Hồng, Huệ còn văng vẳng đâu đây :
- Thu, bồ mi thật chững chạc. Mi khéo chọn quá! Mi kín miệng dữ há!
Đó là câu đầu tiên của Hồng, sau hôm Vĩnh đón đi uống cà phê. Tôi chối bay chối biến :
- Ta chỉ quen thường thôi. Anh của Thủy, học trò tá viên đó.
Huệ tròn mắt, há hốc mồm, làm bộ ôm ngực, giống như cô đào thương đang đau khổ vì bị phụ tình :
- Trời đất! Vậy mà con mén đó không giới thiệu ông anh bảnh trai của nó cho ta. Bài hiểm kỳ này do ta phụ trách, hắn sẽ được cái hột vịt lớn bằng cái đĩa đựng bánh bèo.
Chúng tôi cùng cười lớn, Huệ chêm tiếp :
- Mi cứ làm bộ hoài. Cây si này coi bộ để rễ ăn sâu rồi đa. Lâu quá bệnh viện không ai mời đám cưới, tụi này thèm lắm. Mi đã có bồ rồi, phải giục hắn cưới mi mau lên.
Hồng ngó qua Huệ :
- Ta biết rồi, con Huệ nó muốn mi bàn giao ông dược sĩ cận thị mang kính dầy cả tấc cho nó, để dành làm bánh xe sơ cua, nên nó xúi mi cưới chồng gấp đó Thu ơi!
Huệ rủa sả :
- Con quỷ ác ôn, hay nói bậy. Ta thật tình với nhỏ Thu ấy mà.