Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 03.1

Chương 3: -----

S
au tuần trăng mật chúng tôi trở về nhà trước Tết mấy ngày. Mùa Xuân đến với chúng tôi thật huy hoàng, thật đẹp giống như trong giấc mơ. Những ngày nghỉ phép qua mau. Ngày mai Vĩnh phải trở ra đơn vị.
Tôi nhắc nhở chàng :
- Anh cần gì đem theo nói để em chuẩn bị cho anh.
- Lại đây em, không có gì bận rộn đâu, mấy bao thuốc lá đủ rồi. Tuần sau sẽ có hàng quân tiếp vụ. Lính mà em. Việc gì cũng phải đơn giản hóa tối đa cho nó gọn.
- Chỉ vậy thôi sao?
- Ừ, chỉ vậy thôi.
Tôi cầm chai dầu Nhị Thiên Đường đưa lên, xoay xoay trên tay, Vĩnh ngạc nhiên hỏi :
- Em biết anh ưa xài dầu Nhị Thiên Đường hả? Sao em biết?
- Biết chớ, mùi dầu cứ lãng vãng trong quần áo cũ của anh. Em là vợ anh mà, nếu không biết thì ai biết?
- Tài quá, nhưng anh bỏ thói xức dầu Nhị Thiên Đường lâu rồi mà. Không cần mang dầu theo em à.
- Sao lại bỏ? Bỏ lúc nào?
Vĩnh kéo tay tôi ngồi xuống cạnh, vì anh đang nằm xem truyền hình :
- Ngồi xuống đi, để anh nói cho nghe. Lúc còn đi học, anh rất ghét mùi dầu, thậm chí cả dầu thơm. Nhưng đến khi đi lính, thì có hôm vào khu rừng ẩm ướt lành lạnh, thằng bạn kế bên cứ lấy dầu ngửi. Anh ta đưa qua, bảo anh ngửi đi cho ấm. Từ đó xức dầu thành thói quen, lúc nào trong túi áo anh cũng có chai dầu. Em biết không? Lần đầu tiên đến đón em đi chơi, theo thói quen, anh lại xức dầu. Thủy khuyên “Cô Thu là y tá, em nghĩ chắc cổ không thích mùi dầu này đâu”. Bởi nghe Thủy nói vậy, từ đó anh không xài dầu nữa, và bỏ luôn. VẬy em không cần phải để chai dầu vào ba-lô cho anh.
- Em đâu có nói không thích mùi dầu này. Em chỉ không muốn anh uống rượu, vì rượu có hại cho sức khỏe, và đôi khi vì rượu gây ra nhiều việc không tốt. Nhưng em chỉ nói vậy thôi, gặp nhiều trường hợp cũng phải uống chứ “Nam vô tửu như kỳ vô phong” mà.
Thật tình mà nói, tôi rất ghét mùi dầu này. Lúc nhỏ, mỗi lần tôi bị cảm, má tôi và bà vú đè đầu cạo gió ê ẩm cả người. Và nhớ có lần tôi đã cự nự với anh Tâm, với Hoanh, vì hai người tập hút thuốc. Cãi với hai người thì lúc nào tôi chẳng thắng! Má tôi nói: “Tụi con đừng thèm nói nữa, để coi thế nào nó cũng bị trả báo, gặp ông chồng hút thuốc, điếu hạ gọng, điếu đọng quan, gì gì đó, tao quên mất rồi”. Quả thật má nói chẳng sai, tật nào lúc xưa tôi ghét, giờ chồng tôi đều có đủ. Chà chà, nếu anh Tâm và Hoanh mà biết chuyện này, thì chắc tôi sẽ mắc cỡ lắm. Nhưng tôi tự biện hộ cho mình: “Vĩnh đi lính xa nhà, quanh năm trong núi rừng hiu hắt, nếu không có thuốc, có dầu thì tội anh lắm! Họ cười thì cũng chẳng có sao”.
Tôi rất thích dáng điệu trầm ngâm của Vĩnh khi hút thuốc, đã tập chịu đựng khói thuốc từ khi mói quen chàng, giờ đây tôi lại tập quen mùi dầu. Thì ra: “Thương chồng thương cả tật hư của chồng”.
Vĩnh kêu lên :
- Kìa, em đang nghĩ gì nữa vậy?
- Em đang nghĩ ngày mai anh đi. Nhà mình trở nên trống vắng lắm. Bao giờ anh về thăm?
Vĩnh không sao trả lời được, chàng xoay qua chuyện khác :
- Em sẽ đi làm lại, gặp bạn bè, lu bu với công việc. Ngày tháng sẽ qua mau. Hôm nào buồn thì đi uống cà-phê cho khuây khỏa.
Tôi xịu mặt :
- Anh nói vậy thì lúc nào em cũng nên đi uống cà-phê cả. Anh đi rồi thì lúc nào mà em không buồn. Nhưng em không đi đâu hết. Má có mua cho em cà-phê rồi. Bao giờ anh về chúng mình đi đến quán cà-phê thú vị hơn.
Vĩnh ái ngại :
- Ở nhà em không được buồn. Chừng nào có phép anh sẽ về. Cuối tuần nếu có rảnh thì em nên về thăm ba má. Ở đó người đông, em sẽ thấy vui hơn. Em phải ăn uống bình thường. Lần sau về phép, anh muốn thấy em mập hơn. Em mà ốm như vầy làm anh không yên tâm chút nào.
Tôi cười buồn :
- Em đã gầy còm từ nhỏ mà!
- Nhưng bây giờ không được gầy còm nữa.
- Anh tưởng em là lính anh hả?
- Nếu lính thì em đã bị phạt rồi.
Cái Tết và tuần trăng mật trôi qua mau. Vĩnh trở về đơn vị, tôi trở lại sở làm. Công việc không có gì thay đổi. Mọi người vẫn vồn vã, vui vẻ; nhưng tôi cảm thấy không vui. Nỗi buồn cô đơn cứ mãi đeo đuổi tôi. Tôi trở nên ít nói, ít cười hơn. Và khi Hồng Huệ chọc ghẹo, nói đùa thì tôi chỉ cười chứ không góp ý như dạo trước. Nhỏ Huệ thông cảm bảo Hồng :
- Thôi tha cho con Thu, hãy để cho nó yên, để cho nó tưởng nhớ đến Vĩnh. Chọc phá nó, mai sau mình bị trời trả báo.
Nhỏ Hồng hăm he :
- Để khi nào nó bớt nhớ chồng, tụi mình đại náo nó một phen cho nó trở lại nếp sống hồn nhiên như cũ.
Tôi tức tối lầm bầm một mình. Còn lâu ta mới trở lại nhập bọn với tụi mi để phá làng phá xóm như xưa. Ta có chồng rồi, ta coi đời ta rẽ qua lối khác. Tụi mi rồi đây cũng vậy. Còn dung dăng dung dẻ với kép, với hôn phu nên tụi bây chưa thấy rõ con đường bổn phận, chưa thấy cái gánh nặng của trách nhiệm đâu. Lấy chồng là phải tập làm người trưởng thành. Còn ở hoài trong cái lớp con gái như tụi mi thì tụi mi mặc sức mà làm giặc, làm quỷ, làm yêu.
Nhỏ Hồng sành tâm lý, hắn đề nghị :
- Nè Thu, mi đẹp mà mi không biết mình đẹp. Mi ăn bận sạch sẽ nhưng không bắt mắt. Vĩnh là trai hùng, mi sóng bước đi chung với hắn là xoàng xĩnh coi không xứng. Mi nghe theo ta, sắm áo dài màu tươi sáng, hở cổ, tay phùng theo thời trang, trang điểm chút ít son phấn khi dạo phố, hoặc đi dự dạ tiệc với hắn.
Sắm áo dài thời trang màu rực rỡ, mua son phấn, ừ cũng không gì trở ngại! Nhưng giồi phấn quá trắng, đánh má hồng đỏ hừng hực, tô môi son đỏ lòm, vẽ mày đậm như mấy cô đào hát trên sân khấu thì không có con nhỏ Minh Thu này rồi đa. Nhỏ Huệ tốt bụng đưa tôi thử cây son hiệu Elisabeth Arden màu hường dịu. Chu choa ơi, son tiu không đỏ gắt, dù tôi thoa nhiều lớp lên môi, nhưng son chói bóng quá, làm tôi cảm tưởng như mình vừa ăn chuối chiên, bánh cam, hay bánh giá chưa chùi miệng, nên mỡ dầu còn dính trên môi. Thôi trả cây son cho con nha đầu đó cho rồi. Tôi ăn diện theo tôi: phấn giồi thật mỏng, đánh má hồng nhẹ, tô son môi thật lợt, kẻo không chồng tôi sẽ quở. Nhưng chàng không có ở nhà thì tôi diện để làm chi!
Hai nhỏ Hồng, Huệ thủ thỉ thì thầm với nhau gì đó, rồi lại ngồi sát bên tôi thỏ thẻ năn nỉ kể đêm tân hôn và tuần trăng mật cho chúng nghe, lại còn dặn tôi phải thuật lại tỉ mỉ thì tụi nó mới vừa lòng đẹp ý.
Tôi háy chúng bén hơn dao cạo râu của Vĩnh :
- Tụi bây hỏi để chi vậy?
Nhỏ Huệ ỏng ẹo :
- Để rút kinh nghiệm.
Nhỏ Hồng làm bô... ngây thơ vô số tội :
- Để bày vẽ thêm cho đấng trượng phu tương lai của ta.
Tôi trề môi dài cả thước :
- Thôi, em lạy hai chị. Chuyện gì thì em có thể bằng hoặc hơn hai chị. Chớ chuyện đó đó, đáng lẽ trước khi làm vợ Vĩnh, em phải sắm trầu rượu, chè xôi làm lễ thọ giáo hai chị, tôn hai chị làm bà thầy.
Rồi tôi nghiêm giọng như ra lệnh :
- Muốn nghe ta kể cũng được, tụi bây phải bao ta ăn, hoặc đi xem phim, chứ ai dại gì kể không à?
Hai đứa nhao nhao xích lại gần tôi hơn :
- Được, được! Mi muốn gì cũng được bọn ta chiều ý mi cả. Nào kể đi! Ồ, mà khoan đã, để ta đóng cửa lại chỉ ba đứa mình tâm sự với nhau thôi.
Nói là nói vậy thôi chớ nếu hai con nha đầu này có dắt tôi đi ăn khô lân, chả phụng, cao lương, xem một chục phim tàu phỏng theo tiểu thuyết của Quỳnh Dao tôi cũng không kể. Chuyện vợ chồng tôi là những kỷ niệm quý báu, làm sao tôi kể cho người khác nghe? Mà chắc chắn khi kể ra, tôi nhớ chồng tôi quay quắt, sẽ khóc mẫn khóc mùi. Tuần trước tôi vẫn còn là cô thiếu nữ nhí nhảnh yêu đời. Bây giờ tôi là nàng chinh phụ đợi chồng về phép để được sum họp đôi ngày.
Vả lại, tôi khiếp sợ miệng lưỡi hai con quỷ này. Nhỏ Hồng có tánh làm cho câu chuyện trở nên dữ dội. Chuyện nồng nàn như cá bống kho rắc tiêu sọ, qua cái miệng của nó sẽ trở thành cá nục kho ớt, thêm vỏ quít cay xé miệng rát môi.
Con nhỏ Huệ “có ít xích ra nhiều”, có tài từ một chuyện nó thêm thắt nảy sinh ra bốn, năm chuyện, để rồi bạn bè quen biết sẽ nhìn tôi một cách hài hước.
Hai nhỏ Hồng Huệ thúc nhẹ vào hông tôi, tha thiết, khẩn cầu :
- Nói đi Thu, kể đi Thu!
Tôi chau mày làm bộ nghĩ ngợi :
- Ta nghĩ lại rồi, hôm nào đẹp trời ta sẽ kể.
Hai đứa thất vọng, lẩm bẩm :
- Con quỷ! Lại hứa cuội!
- Lại con ma nhà họ Hứa nữa rồi!
Vĩnh đi mang cả niềm vui của tôi theo. Má chồng tôi cho Thủy lên ở với tôi cho đỡ buồn, và cho nhà đỡ vắng vẻ. Tôi rất mến Thủy, nhưng phải tỏ ra mình là bậc đàng chị. Tôi không dám nói giỡn đùa dai quá trớn để khỏi bị Thủy khinh lờn. Thủy và tôi giống nhau ở tánh tình cởi mở hồn nhiên, nhưng tôi phải đối xử với Thủy cho ra vẻ một bà chị dâu lúc vắng chồng: Cười vừa phải không dám cười rộng miệng. Cười khe khẽ chứ không cười nghiêng cười ngửa. Nói bằng giọng ngọt mỏng và êm, chớ không nói giọng rổn rảng.
Thủy thì trước sao sau vậy, cư xử cười nói với tôi rất tự nhiên. Tôi chỉ giữ kẽ với Thủy ở cách nói điệu cười. Nhưng khi Thủy rủ ăn hàng vặt là tôi hoan nghinh cả hai tay hai chân, quên ráo trọi trơn mọi thứ. Hai chị em nào có dung tha mấy món ổi, cóc, mận, khế, chùm ruột... Dù tôi chưa cấn thai, dù Thủy còn là thiếu nữ, nhưng cả hai giống đàn bà chửa ưa ăn trái chua với muối ớt, ăn xoài tượng với nước mắm đường.
Dạo đó tôi ưa đọc truyện Quỳnh Dao, Thủy ưa nghe giọng hát Phương Dung, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Nhật Trường, Thanh Vũ. Trong khi cô em chồng nghe nhạc từ băng cassette, thì bà chị dâu nằm đọc tiểu thuyết. Cả hai sau khi dùng văn nghệ giải trí, không thể dung tha các món quà trợ hứng như hột vịt lộn, khô cá đường hay khô cá mực nướng chấm tương cay.
Nhưng vui chỉ trong giây phút ngắn ngủi thôi. Rồi tôi lại về với chính tôi, cứ đắm hồn trong buồng thương nhớ nhung Vĩnh. Cũng có hai người ở, nhưng không biết sao nhà trống vắng quá! Đầu óc tôi lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh của chồng tôi.
Biết tôi không kể chuyện bí mật đêm tân hôn, có hôm nhỏ Hồng ỏn ẻn bảo :
- Kỳ quá, mấy tháng nay, thỉnh thoảng tao nằm chiêm bao thấy hôn phu cưng của tao cưới tao. Vừa xong tiệc cưới, thằng chả đưa tao vào phòng huê chúc. Chèn ơi, phòng này ở tuốt trên từng năm của cao ốc, tụi tao phải leo năm cái thang hình trôn ốc. Nhưng khi hai đứa leo đến tầng lầu thứ bốn, thì tao vụt tỉnh dậy. Tiếc ơi là tiếc!
Tôi biết hai đứa toa rập với nhau để chọc ghẹo tôi, để gài bẫy tôi. Cho nên nhỏ Huệ tiếp theo :
- Tao cũng nằm chiêm bao thấy hôn phu yêu dấu của tao cưới tao. Ảnh đưa tao vào phòng huê chúc, tặng tao trái ổi xá lỵ lớn hơn cái chén ăn cơm. Tụi bây dư biết mà, hễ gặp trái chua là tao thanh toán liền, phải cất nó trong chỗ không trời không đất cho gọn - Vừa nói nó chỉ xuống bụng nó - Mèn ơi, vừa cạp xong nửa trái ổi thì tao tỉnh dậy liền.
Thật là hai con bạn trời đánh. Tôi cười “chêm” chúng lại, nhưng làm bộ khuyên nhủ :
- Nhỏ Hồng, trong chiêm bao nên dùng thang máy lên phòng huê chúc cho mau hơn. Còn nhỏ Huệ hễ thấy ổi xá lỵ là chừa ra, và xin chồng mi cho mi trái me hay trái chùm ruột ăn mau hết để thằng chả làm tròn bổn phận.
Đám cưới tôi Hoanh về không được, vì phải theo tàu ra khơi. Sau đó ít lâu vào một buổi sáng Vĩnh được về phép, sau hơn ba tháng vắng nhà. Nỗi vui mừng của tôi chưa tan, thì trưa Hoanh lò dò đến thăm. Nhà tôi hôm nay rộn vui như ngày Tết. Tôi bàn với Thủy đãi hai chàng chiến binh kia món bún tôm nướng. Thủy nói: “Chị Hai à, đãi một món thì lổng chổng, khó coi quá!” - “Không sao đâu cô, người nhà mà, chớ phải khách khứa gì đâu”.
Trong lúc chờ đợi, tôi lấy tôm khô, dưa kiệu có sẵn trong nhà để hai người nhăm nhi với la ve.
Món bún tôm nướng do Thủy làm coi bộ đẹp và ngon mắt quá chừng chừng! Bún trắng trải trên lớp rau thơm xắt ghém, đệm tôm nướng xé tơi, rồi chan mỡ hành, nước mắm chua ngọt có những khoanh ớt đỏ tươi cùng của cà- rốt, củ cải trắng xắt chỉ.
Trong bữa ăn chúng tôi chuyện trò vui vẻ. Sau đó, Hoanh ân cần mời :
- Anh Vĩnh à, xin lỗi anh nghe. Đám cưới anh chị, Hoanh không về được. Thật đáng tiếc! Vì tàu Hoanh xa bờ quá. Nếu ở đất liền là em chuồn về rồi. Hôm nay chúng mình đi ăn. Em phải chịu phạt mới được. Chị Thu chiều nay không phải nấu làm chi cho cực.
Vậy là chúng tôi kéo nhau ra quán ăn ở bờ sông. Rồi Hoanh về Cần Thơ ngay sáng hôm sau.
Những ngày Vĩnh về thăm nhà qua thật mau. Chúng tôi đi ăn, đi dạo chơi, đi về bên vườn, đi thăm một vài nhà mà Vĩnh và gia đình quen thân v..v...
Vĩnh đi rồi căn nhà lại buồn tênh. Thủy đã ra trường và nhận việc ở Gò Công. Gia đình bên Vĩnh ai nấy đều thương mến tôi. Ba chồng tôi ân cần, nhắc nhở. Má chồng tôi săn sóc đủ mọi thứ. Vài hôm bà đi chợ, ghé qua, thầy trong nhà thứ gì hết, hoặc còn ít thì mua thêm vào. Tuần nào tôi bận trực không về thì bà bảo thím Bảy xách đồ ăn lên cho tôi. Món ăn liền, nhưng lại có món để ăn hai ba ngày hôm sau như tôm rang, thịt kho trứng. Còn tuần nào không trực thì tôi về thăm cha mẹ chồng. Bà làm nhiều món ăn, làm bánh trái để đãi tôi.
Không biết sao hổm rày tôi thấy khó chịu trong người quá, không muốn ăn uống gì cả. Tôi lười biếng, dật dờ. Cho nên tuần đó dù không trực nhưng tôi vẫn không về dưới nhà ba má chồng tôi. Tội cho má Vĩnh, bà chờ hoài không thấy tôi nên bảo thím Bảy đem đồ ăn lên. Trước khi thím Bảy về tôi dặn :
- Thím Bảy à, thím đừng nói với ba má chồng tôi là tôi không được khỏe nghen. Ổng bả sẽ lo. Tôi chỉ thấy khó chịu, mà đã uống thuốc rồi, sẽ khỏe ngay!
Thím Bảy vâng dạ rồi ra về. Không bao lâu thì ông chở bà lên. Bà lăng xăng rờ trán, rờ đầu tôi lo lắng :
- Con thấy trong người ra sao? Có uống thuốc gì chưa? Để má cạo gió cho con.
Tôi trấn an :
- Con có uống thuốc rồi. Thôi má à, con sẽ khỏe, má khỏi cạo gió.
- Thôi cũng được, vậy để má nấu chút cháo cho con ăn. Uống thuốc mà không ăn gì thì sẽ khó chịu lắm.
Đêm hôm ấy vì không yên tâm để tôi ở nhà một mình nên bà đã ở lại. Ông ra về. Sáng sớm hôm sau ông chở thầy thuốc bắc đến chẩn mạch cho tôi. Chẩn mạch xong thầy cho ông bà biết là tôi đã mang thai. Sự vui mừng hiện trên nét mắt trầm tĩnh của ông. Còn bà cười nói tíu tít :
- Ông phải ra nhà dây thép đánh dây thép báo tin cho anh chị sui biết, cho Vĩnh biết luôn thể. Ngoài ba mươi tuổi mới có con, nó sẽ vui mừng lắm. Tôi đã nghi khi thím Bảy về nói con dâu mình cảm thấy khó chịu trong người. Cảm ơn Trời Phật, năm tới mình sẽ có cháu nội. Ông nhớ dặn chú Bảy hái đủ ngũ quả, lựa trái tươi tốt, ngày mai tôi sẽ đem đi cúng chùa.
Tin tôi có thai, hai bên đều vui mừng vì đã lâu rồi hai bên đều vắng tiếng trẻ thơ trong nhà. Má tôi lật đật dắt bà vú qua thăm, và để vú ở lại chăm sóc tôi. Má tôi nói với bà sui của mình :
- Lúc tôi đẻ con Thu thì bà vú về ở gia đình tôi. Bà nuôi cháu Thu từ nhỏ đến lớn nên biết rõ tánh tình cháu, từ miếng ăn đến giấc ngủ. Nay cháu có mang, thể chất yếu đuối, Vĩnh lại vắng nhà. Ông nhà tôi dặn để bà vú ở lại chăm sóc cho cháu, chị thấy có tiện không?
Má chồng tôi liền bảo :
- Chúng tôi rất vui mừng. Thật không gì tiện việc bằng có bà vú ở lại đây. Từ khi cháu Thủy đi làm xa đến nay, vợ Vĩnh ở nhà một mình. Chúng tôi cũng lo lắm. Đã dọ hỏi mướn người; nhưng thật khó quá chị ơi! Người trẻ tuổi thì mình lại ngại, còn lớn tuổi thì không dễ kiếm. Giờ, anh chị cho bà vú ở lại, vờ chồng tôi yên tâm lắm. Anh chị chu đáo quá!
Nhân dịp má tôi qua thăm tôi, thím Mười gởi cho tôi ba cái trứng ngỗng thật lớn, dặn tôi phải luộc ăn rất tốt cho thai nhi và cho người mẹ. Hơn tuần lễ sau tôi được thư Vĩnh. Anh dặn dò tôi đủ thứ, nhứt là phải ăn uống như đàn bà có sức khỏe bình thường.
Lúc chưa lập gia đình tôi ở nhà trọ ăn cơm tháng, đến khi có chồng rồi má tôi không cho ăn cơm tháng nữa, mà phải tự nấu. Vì bà nghĩ, làm như vậy để tập cho tôi làm bếp, sau này Vĩnh về, tôi sẽ biết nấu cho Vĩnh ăn. Má có biết đâu má chồng tôi nấu cơm canh rồi cho người đem lên cho tôi một tuần đôi ba lần. Hôm nào trực, tôi ăn trong bịnh viện. Những ngày còn lại thì Thủy giành nấu. Thật ra Thủy nấu ăn ngon lắm. Nay có bà vú thì mọi việc vú làm hết, tôi cũng chẳng biết gì cả.