Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 03.2

Vĩnh về thăm nhà hai hôm nay, sau khi tôi mang thai hơn bốn tháng. Bà vú xin về thăm con đi lính ở Cao Lãnh. Vĩnh dặn mẹ đừng cho đem đồ ăn lên nữa, để chúng tôi đi chơi gặp đâu ăn đó cho tiện. Kể từ khi cấn thai đến nay, tôi chẳng muốn ăn thứ gì cả, khi thấy đói, cố nuốt thức ăn mà thôi. Hôm nay tôi vụt thèm món canh chua mà vú và má chồng tôi thường nấu. Vĩnh chở tôi đi chợ mua cá lóc, rau, me. Đủ thứ cho nồi canh chua. Con cá lóc bị tôi đập hoài mà không chết, cứ lóc lóc trườn đi. Tôi hét lên, Vĩnh chạy xuống bắt lại nhờ bà hàng xóm làm dùm. Cá sau khi làm sạch sẽ thì được cắt ra từng khứa. Tôi lại lúng túng không biết cho thứ nào vào nồi trước, thứ nào vào sau. Sau cùng, tôi cho tất cả vào nồi. Một bên là bếp nấu cơm, bên kia dành nấu canh. Khi cơm chín thì canh cũng chín. Cơm dọn lên Vĩnh và tôi cùng ăn. Tôi thử nếm miếng canh trong tô. Trời ơi! canh gì mà lờ lợ, lạt lạt làm sao! Tôi không biết là canh gì, ngọt không ra ngọt, chua không ra chua. Cá thì nhừ nát lẫn mất trong rau. Tôi không ăn được, và cảm thấy sượng trân, cứ len lén nhìn Vĩnh. Chàng ăn ngon lành. Tôi lắc đầu cười lỏn lẻn rồi buông đũa. Vĩnh ngạc nhiên :
- Sao em không ăn thêm cho khỏe. Em cười gì vậy?
Tôi âu yếm nhìn chồng :
- Canh vầy mà anh ăn được hả? Em không ăn được nữa, dù chỉ húp một muỗng.
Rồi tôi nhỏ giọng hơn :
- Thật ra em không biết nấu ăn, em dở lắm.
Không biết Vĩnh nói thật hay tội nghiệp cho tôi vì nấu xong bữa cơm, mặt mũi tóc tai tôi nhễ nhại mồ hôi. Vừa bới cơm thêm, Vĩnh vừa nói :
- Anh ăn cơm lính quen rồi. Em nấu ngon hơn tụi nó nấu ở đơn vị nhiều. Ngon lắm, thật vậy đó.
Tôi mỉm cười cảm thấy nao nao thương Vĩnh, và tội nghiệp cho tôi.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi về dưới nhà má chồng tôi, vì nghe tin Thủy đã về từ chiều hôm qua. Anh em kẻ đi lính, người đi làm xa, mấy khi được gặp nhau, nay cả hai đều về thăm nhà, má chồng tôi vui mừng lắm. Cả nhà được sum họp cho nên bà làm đủ thứ các món ăn mà chúng tôi ưa thích. Trên mâm cơm người được chăm sóc nhứt vẫn là tôi. Má chồng tôi gắp thức ăn để vào đầy chén cho tôi. Món này bổ cho mẹ, món kia bổ cho thai nhị Ba chồng tôi gọi thím Bảy :
- Chút nữa thím có rảnh gọt mấy trái dừa xiêm cho vợ thằng Vĩnh đem về. Và nhớ đốn mấy cây mía tây ngoài bờ trầu nữa.
Thủy chu miệng làm bộ nhỏng nhẻo với ba má chồng tôi :
- Có chị Vĩnh, ba má quên mất con gái mình. Mai mốt, con không thèm về thăm nhà nữa.
Má chồng tôi nửa đùa nửa thật :
- Đúng rồi, má phải thương con dâu nhiều chớ. Không lâu nữa chị Vĩnh con sẽ đẻ cháu để nối dòng. Còn con là nữ sanh ngoại tộc, “thương con gái là thương dại thương dột”. Mai mốt con bị thằng chồng con xỏ mũi dẫn đi mất.
Rồi bà xoay qua ông :
- Ông nghĩ đúng không? Thấy tôi đó thì ông biết mà.
Ba chồng tôi cười nhẹ, gật gù :
- Má tụi con lúc nào mà không đúng? Hồi má tụi con mang thai các con, ba lo cho má tụi con đủ thứ.
- Thôi đi ông ơi, lúc tôi có nghén thằng Vĩnh và sau đó là con Thủy, ông có ở nhà đâu. Ông phải dạy học ở Bến Tre. Hai ba tuần mới về nhà một lần.
Bà lại quay sang chúng tôi :
- Ông bà nột các con không khó tánh. Còn cô Út các con thì thắc mắc đủ điều. Cổ bắt lỗi má đủ thứ. Má rất khổ sở. Nhiều khi má buồn giận ba các con...
Ba chồng tôi cướp lời :
- Thôi đi mà, bà nói sang đàng rồi, chuyện xưa lắc còn giận gì nữa? Nhớ khi bà có mang thằng Nghĩa, tôi về ở luôn đó. Bà cứ nhắc hoài chuyện xưa, rồi buồn sẽ mau già lắm. Bây giờ mình sắp có cháu nội rồi, không khéo sau này các cháu nói nội bà già hơn hội ông cho coi.
Nói xong ông cười khà khà. Bà cũng cười, còn Thủy thì cười đến sặc. Nghĩa cười lớn hơn. Tôi cũng cười ra tiếng. Riêng Vĩnh chỉ cười chúm chím, khen :
- Ba tuyệt lắm, lúc nào cũng có cách làm cho má vui lòng.
Mẹ chồng tôi vui vẻ :
- Mi cũng vậy. Cha nào con nấy, Thu con, con đừng mắc mưu nó nghe.
Vĩnh nhăn mặt :
- Má à, con hiền lắm mà. Má hỏi Thu xem. Có phải không em?
Thủy chêm vào :
- Chị Thu đừng có tin ảnh, ảnh đáo để lắm!
Vĩnh kêu lên :
- Thủy lại hại anh rồi. Hôm nào gặp Cường anh sẽ cho hắn biết là Thủy thích làm ở Gò Công hơn đổi về Long An.
Thủy trợn mắt :
- Cái anh này! Em chịu thua anh luôn, cú trả đũa của anh độc địa lắm đó nghen.
Cường là hôn phu của Thủy. Cậu ta đang dạy học ở Long An. Cha mẹ Cường và Cường lúc nào cũng muốn Thủy đổi về trên ấy cho tiện. Vì Cường là con một, nên cha mẹ không muốn cậu đi xa. Con gái phải theo chồng, vì vậy Thủy chờ làm ở Gò công cho đủ hai năm, thì mới có thể xin về Long An trước ngày thành hôn.
Thủy có vẻ hồng hào khỏe mạnh. Thật sự cô không đẹp lắm, nhưng duyên dáng mặn mòi. Nhan sắc đó mà ở nơi các cô ca sĩ thì họ sẽ trau giồi thêm bằng cách ăn mặc, bằng nữ trang, bằng son phấn lộng lẫy để trở thành người đẹp như ai. Nhưng tôi thấy Thủy ăn mặc giản dị, dáng điệu hơi quê quê, ăn nói hồn nhiên mà lại có nét quyến rũ đặc biệt. Thủy tỏ vẻ không mấy thích tình Gò Công. Nhưng Thủy hay ca tụng mắm tôm chà, mắm tôm chua ở đó. Thủy còn bảo mãng cầu dai ở Gò Công vừa lớn trái vừa ngọt. Trái sơ ri chua chua ngọt ngọt. Gò Công có món bánh giá (còn gọi là bánh cống) thiệt khéo, thiệt ngon. Nhưng Thủy chê mận bánh bao trắng nõn ở làng Đồng Sơn (thuộc tỉnh Gò Công) không ngọt và dòn bằng mận da người lấy giống từ Sa Đéc, trong vườn ba má chồng tôi. Sau cùng Thủy kết luận :
- Em chỉ muốn làm việc ở Gò Công chừng nửa năm thôi. Vái trời em gặp người làm việc ở Long An muốn đổi về Gò Công để được hoán chuyển. Có vậy mới mau và tiện cho em.
Tôi biết Thủy muốn gì, nhưng cũng nói :
- Thôi cô ơi, tiện gì? Ở đâu rồi cô sẽ quen đó. Vả lại chỉ ở Gò Công chừng hai năm là tự động được quyền đổi đi nơi khác.
Thủy nguýt :
- Bộ chị muốn em ở Gò Công để dài cổ chờ đợi hai năm sao? Trong hai năm biết đâu có sự thay đổi, rủi em lỡ duyên rồi làm gái già sao? Bây giờ em còn là gái trẻ thì em dễ tánh.Biết đâu khi làm gái già, em sẽ trở nên khó tánh như mấy bà già lựu đạn sét thì sao đây?
Gia đình bên chồng tôi là một gia đình hòa thuận hạnh phúc, mà tôi là một người đàn bà có phước được ba má chồng thương yêu như con ruột. Còn hai đứa em Vĩnh cũng rất quý mến tôi.
Về thăm gia đình bên chồng suốt cả ngày hôm đó, mặc dù tôi không làm gì cả, chỉ ăn rồi nằm, rồi ngồi dán tóc, vậy mà về đến nhà tôi cũng mệt mỏi quá. Sau khi tắm rửa xong, tôi nằm xem truyền hình. Vĩnh rót hai ly nước lọc bưng ra hỏi :
- Lúc anh không có nhà, gia đình anh có tốt với em không?
Tôi nhìn Vĩnh không hiểu tại sao chàng lại hỏi như thế? Vĩnh nghiêm sắc mặt :
- Đừng nhìn anh, hãy trả lời anh đi.
Tôi vẫn nhìn chồng trân trối :
- Sao anh hỏi như vậy? Bộ anh nghĩ rằng ba má không thương em sao?
- Không, thật sự ba má rất quý mến em. Nhưng anh muốn chính em cho anh biết.
Tôi nhấn giọng rõ ràng :
- Ba má thương em nhiều lắm, thương hơn lúc anh ở nhà.
- Như vậy anh mới an tâm lúc ở xa em.
Tôi nhìn Vĩnh cười :
- Nếu ba má không thương em thì anh làm sao đây?
- Anh sẽ dẫn em theo.
Tôi mở tròn mắt nhìn Vĩnh :
- Dẫn em đi hành quân hả?
Vĩnh cười sặc nước, xua tay :
- Không, không, anh sẽ mướn nhà cho em ở ngoài thành phố hậu cứ của anh. Thỉnh thoảng anh về thăm.
Tôi bàn ra :
- Anh đi rồi em vẫn chỉ ở một mình. Nếu như vậy, để em ở bên ba má ở Cần Thơ.
- Anh sẽ mướn người làm ở với em. Má vợ anh đã lo cho em nửa cuộc đời rồi. Giờ em đã có chồng, nếu gia đình bên chồng không ai lo cho em thì anh phải lo, không để má bên Cần Thơ lo nữa.
- Nhưng má em vui lắm khi em về ở với bà. Ba má em luôn nói rằng thằng Út vào Đại học, phải lên Sài Gòn. Gòn gia đình anh chị Tâm thì như anh biết đó, họ đã mua nhà ở Cà Mau rồi, chỉ còn có ba má em cho nên nhà vắng vẻ lắm.
Vĩnh vẫn làm thinh không nói gì thêm, mắt nhìn vào khung màn ảnh truyền hình. Tôi âu yếm nắm tay chồng. Chàng ít nói, điềm đạm. Ở khía cạnh nào, chàng cũng xử sự tế nhị, sâu sắc và thực tế, nhưng không kém phần thông cảm. Khi một sự việc gì Vĩnh đã quyết định rồi, thì tôi khó lòng mà thay đổi ý anh. Tôi yêu Vĩnh một phần cũng vì đặc tính đó.