Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 04.1

Chương 4: -----

T
ừ dạo lập gia đình đến giờ, tôi ít khi gặp Hoanh. Thỉnh thoảng tôi nhận được thư Hoanh gởi thăm, nhưng ít khi có dịp tâm sự với Hoanh như trước. Lần này chúng tôi về đám giỗ bà nội tôi, có cả gia đình anh Tâm và Hoanh nữa. Hai cháu Tâm Anh và Anh Tâm là hai quý tử của anh chị Tâm. Ông bà nhạc của anh Tâm cưng hai cháu như vàng như ngọc. Và hai cháu còn là tâm can bửu bối của ba má tôi. Chú thím Mười tôi thường khen: “Hai đứa nhỏ thật dễ thương. Như hai hột gạo cội nên ông bà nội cưng là phải”. Lương giáo sư đệ nhị cấp của anh tôi nuôi vợ và hai con tuy không thiếu nhưng không có dự Nhờ gia đình hai bên bù đắp, nhất là bên ba má chị Anh. Cho nên cuộc sống của gia đình anh chị rất sung túc.
Chị Anh càng ngày càng nở bề ngang, thân hình tròn trịa, mặt mũi hồng hào sáng sủa, nước da trắng bóc. Nhưng tánh tình chị như con nít. Hỷ nộ ái ố bộc phát ngay trên mặt. Được cái là chị thương yêu và chăm sóc chồng con thật chu đáo tươm tất.
Sau khi ăn uống xong, mấy đứa nhỏ được ông bà nội dắt lên nhà trên xem cá lia thia Tàu mà ông mới mua. Tôi và chị Anh dọn dẹp rửa chén. Anh Tâm, Vĩnh và Hoanh ngồi nói chuyện trời trăng mây nước với nhau. Lâu lâu, tôi với chị Anh xía vô vài câu góp phần.
Bỗng chị Anh nghiêm sắc mặt nói :
- Mấy người biết không, anh Tâm có bồ!
Tôi chưng hửng nhìn chị :
- Thật hả? Anh Tâm dám làm như vậy hả?
Hoanh há hốc nhìn anh Tâm dò xét, Vĩnh cười cười không nói gì hết. Ba má tôi từ nhà trên bước xuống.
Ba tôi hỏi gằn :
- Thằng Tâm có bồ hả? Có vợ con rồi mà còn nhiều chuyện, sanh tật rồi hả?
Chị Anh lính quýnh sợ ba má tôi rầy la, sợ chúng tôi tấn công anh Tâm. Chị cười khỏa lấp :
- Thưa ba má, con chỉ nói để chọc anh Tâm thôi. Bọn con nói đùa mà...
Ba má tôi bỏ lên nhà trên. Anh Tâm trừng mắt với chị rồi nặng giọng :
- Cứ hay ghen bóng ghen gió, nói bậy nói bạ.
Tôi lại nhìn chị Anh, hỏi :
- Bộ có thật vậy hả chị Anh?
- Đúng rồi. Từ lúc mấy cô giáo trẻ ở Sài Gòn ăn mặc hippy đổi về, ngày nào ảnh cũng đi dạy sớm. Hôm trước tui với ảnh đi chợ gặp mấy cổ; mấy cổ còn dám xúm lại nựng hai đứa nhỏ nữa...
Anh Tâm phát cáu :
- Có im không? Tôi đi dạy học em cũng ghen. Đi chợ gặp người ta chào hỏi em cũng ghen. Nhìn đàn bà con gái nơi nào em cũng ghen. Em làm riết rồi tôi ra đường phải lấy bao giấy che mặt lại, hoặc nhắm mắt mà đi. Thật là hết nói nổi cái bà Hoạn Thư này!
Chị Anh đỏ mặt muốn khóc. Tôi xen vào để đỡ cho chị :
- Chỉ thương anh, chỉ mới ghen chớ bộ!
Anh Tâm vẫn xẵng giọng :
- Thương kiểu đó chỉ làm khổ chồng.
Không khí bấy giờ trở nên căng thẳng, Vĩnh muốn làm dịu lại, và cố tình trên chọc tôi :
- Anh Tâm ơi, em gái của anh còn ghen kinh khủng nữa kìa.
Hoanh được dịp chồm tới :
- Sao, anh Vĩnh, bà chị của em ghen thế nào?
Vĩnh tinh quái :
- Hoanh hỏi chị Thu đi.
Hoanh cười :
- Thôi, không hỏi đâu, coi chừng bả đặt điều kiện với em bây giờ.
Tôi cười lớn :
- Cái thằng keo kiết, lần này ta kể cho mọi người nghe không đặt điều kiện gì ráo! Chuyện xảy ra hồi anh Vĩnh mới cưới ta được vài tháng. Lúc đó anh Vĩnh đi lính ở Cà Mau không có nhà. Bất ngờ vào một ngày cuối tháng, có bà mang bầu chừng tám tháng, đến nhà ta gõ cửa. Ta ra mở cửa lịch sự hỏi: “Xin lỗi, bà tìm ai?”. Bà ấy trả lời cũng rất lịch sự: “Dạ, tôi tìm anh Vĩnh, chồng tôi”. Ta nghe thế hết hồn muốn ngã chết giấc. Bả nhìn quanh phòng khách. Ta sực nhớ, chạy lại lấy tấm hình cưới treo trên tường, chỉ mặt anh Vĩnh hỏi: “Người này có phải chồng bà không?”. Bà buồn thảm lắc đầu trả lời là không phải, xin lỗi vì đã quấy rầy ta. Rồi bà ấy thất thểu bỏ đi. Chừng hai giờ sau đó anh Vĩnh lù lù vác ba-lô về. Ta còn đang khổ sở, đang lo sợ, ghen hờn, đang tức giận, nên đóng cửa lại không cho anh Vĩnh vào nhà.
Mọi người im lặng lắng nghe. Và chị Anh lẽn lại ngồi dựa vào anh Tâm hồi nào không ai hay. Chị Anh tánh tình là như vậy. Thật vô tư, buồn đó, vui đó, không nghĩ ngợi gì cả. Còn tôi thì vừa cười, vừa mắc cỡ quá chừng nên không nói nữa, bảo Vĩnh nói tiếp.
- Tôi vừa về tới cửa có biết gì đâu. Bả chạy ra, lấy ba lô tôi quăng ngoài sân, xô tôi, và nói: “Anh đi đi, đừng về nữa”. Rồi đóng ầm cửa lại. Tôi gọi mãi, và hỏi cách chi bả cũng không trả lời, không mở cửa. Cuối cùng tôi nói là để về dưới ba má hỏi xem chuyện gì đã xảy rả Sợ ba má tôi biết nên bả mới chịu mở cửa cho tôi vào. Quý vị xem, bả ghen vô lý không?
Hoanh được dịp cười ha hả, nhưng người cười nhiều và lớn tiếng nhất vẫn là chị Anh. Còn tôi thì mau bụm miệng lại không cho nói tiếp.
Tôi khều chị Anh lại nói nhỏ. Chị Anh thay đổi sắc diện theo từng lời nói của tôi. Cuối cùng chị hỏi :
- Cô dám làm vậy sao?
- Sao lại không? Muốn giữ chồng thì chỉ còn cách đó thôi.
Chị Anh lắc đầu lè lưỡi :
- Tôi không dám thử lửa như cô đâu, cô ơi.
Sau câu chuyện chúng tôi vừa kể, áng mây giận hờn tan biến mất trong lòng anh chị tôi.
Anh Tâm chợt hỏi Hoanh :
- Dạo này Thu vẫn còn là quân sư của mi chớ? Sao ta không thấy bọn mi ồn ào như trước nữa?
Hoanh khôi hài qua giọng văn chương bóng bẩy :
- Chị Thu thương nhớ anh vĩnh đã tràn ngập tâm hồn, lại còn bị chi phối đủ mọi thứ, nên ý kiến của chỉ đã hết linh. Có phải không chị Thu? Nhưng chị yên chí đi, dạo này sao biển của chị, lúc nào cũng trong sáng tuyệt vời, và lúc nào cũng có một tia nhỏ rọi về tổ ấm của chị, để theo dõi xem, trong căn nhà nhỏ bé đó, nụ cười hạnh phúc, nước mắt đợi chờ, bên nào nhiều, bên nào ít và xem sự chênh lệch đến đâu rồi.
Tôi trề môi, đập vào vai Hoanh nói :
- Đừng có khùng, mi không lo cưới cô Phượng đi, không thì Phượng sẽ loại mi ra vòng ngoài tình cảm của cô ta đó.
Vĩnh, anh Tâm, Hoanh cùng cười lớn. Nhưng trên khuôn mặt Hoanh tôi thấy có thoáng gợn buồn. Bỗng tôi không khỏi băn khoăn. Tại sao Hoanh đang học giỏi ngon trớn lại bỏ đi Hải quân? Hay là hắn có một ẩn tình nào, chẳng hạn như là đau khổ vì một mối tình đơn phương? Hoanh có yêu Phượng chân tình hay không?
Khi con gái tôi được 8 tháng, trên đường về phép thăm nhà, Hoanh có ghé qua thăm tôi, ở lại chơi ngày sau mới về. Lúc Hoanh sửa soạn hành trang lên đường, tôi ngồi cho cháu uống nước. Tôi bảo Hoanh :
- Cưới cô Phượng đi Hoanh. Cô ấy thật dễ thương, coi chừng cổ đi lấy chồng mất đó. Người ta là con gái, chỉ có một thời son trẻ mà thôi, không chờ mi lâu được đâu. Tuổi xuân của phụ nữ vốn qua mau.
Thay vì trả lời tôi, Hoanh rống giọng thùng thiết bể: “... Mai này ai hỏi đến tên tôi. Bạn ơi hãy nói đã đi xa rồi? Người con trai ấy đã xếp bút nghên, giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền. Cưới vợ là khi nước non vui bình yên.... Chị à, cô Phượng không chờ em là tốt, vì thời buổi chiến tranh, em không muốn cổ chờ mong, nhớ thương héo hắt như chị chờ mong anh Vĩnh”.
Tôi chỉ biết thở dài. Thật ra Hoanh nói cũng đúng, nhưng nếu mọi người đều nghĩ như vậy, thì người yêu họ vẫn thấy mình chịu thiệt thòi.
Vào giữa năm đó, tôi được thư Hoanh cho biết rằng sắp xuất ngoại để học khóa tu nghiệp. Một năm sau Hoanh trở về, chúng tôi có thêm một bé trai.
Tôi nhận được thư của Vĩnh gửi về cách đó ba tuần. Trong thư, chàng cho biết Trung đoàn chàng về An Lộc. Rồi một hôm tôi được thư của chàng. Ngoài bì thư đóng dấu Ty bưu điện Biên Hòa. Điều này tôi không lấy làm lạ và thắc mắc. Chồng tôi là lính chiến, rày đây mai đó, có khi thư viết còn đang dang dở thì được lệnh chuyển quân, đến nơi khác, nếu gặp dịp thuận tiện thì chàng viết tiếp. Có thư viết cả mấy tuần cũng chưa xong. Và đồn trú ở nhiều nơi khác nhau. Có khi thư viết rồi mà chưa kịp gửi, trên đường chuyển quân, khi thì chàng nhờ tài xế xe đò, lúc thì chàng nhờ hành khách gửi về tôi, đó là chuyện bình thường.
Chiến tranh ngày càng sôi động. Những trận pháo kích của Việt Cộng rót vào thành phố ngày càng nhiều hơn. Ba má chồng tôi cho xây hầm chìm thật kiên cố ở ngang trong cánh cửa nhà chúng tôi. Bà dặn bà vú :
- Bà phải bám riết hai cháu nhỏ, khi vợ thằng Vĩnh đi làm. Nếu có gì bất trắc xảy ra thì bà nên đem hai cháu vào hầm núp ngay. Có bà ở đây với các cháu chúng tôi rất an tâm.
Quay sang tôi, bà nói :
- Con cũng vậy, đêm hôm có nghe động tịnh gì, thì phải lập tức cho hai đứa nhỏ xuống hầm. Tối nhớ đốt đèn và dọn sẵn chỗ bên trong, đừng quên!
Ở bịnh viện, bịnh nhân ngoại thương ngày càng đông. Các phòng của khu Ngoại khoa không đủ chỗ cho họ nằm. Ông Giám Đốc phải lấy thêm một dãy phòng của khu Nội khoa. Những giường bịnh được kề sát nhau hơn, nhưng vẫn thiếu chỗ. Bịnh nhân phải nằm cả ngoài hành lang. Những đêm đạn pháo bay qua, tiếng hú nghe rợn người. Ôm hai con vào lòng, tôi chỉ biết thầm vái Ơn Trên phù hộ che chở cho ba mẹ con.
Một hôm tôi phải đến phúng điếu đám tang nhà hàng xóm. Vợ người tử sĩ khoảng tuổi tôi. Chị làm ở Ty Nông nghiệp. Chồng chị là một Thiếu úy thuộc Sư đoàn 7 tử trận. Chị đang mang thai sáu tháng. Nhìn chị khóc rũ bên quan tài chồng, tôi cũng khóc theo! Tôi khóc thật nhiều! Tôi khóc không phải cho người nằm xuống, mà tôi khóc cho người quả phụ trẻ! Tôi khóc cho đứa bé sắp chào đời! Tôi cũng khóc cho chính tôi vì phải xa chồng. Có chồng đời lính chiến là phải chấp nhận hoàn cảnh sinh ly, chấp nhận luôn cảnh tử biệt có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Tuy đã dọn sẵn tinh thần chấp nhận và chịu đựng, nhưng cứ chứng kiến cái đau khổ của tha nhân, tôi có cảm tưởng đó là hình bóng cái đau khổ của chính mình!
Hôm đó, mới mười giờ sáng mà trời nắng chang chang không một chút gió phe phẩy. Cây cối ở trước bịnh viện gần như im lìm bất động. Hơi những vết thương, hơi người quá đông, cộng vào tiếng rên rỉ của bệnh nhân. Mặc dù đã quen thuộc cảnh này, nhưng không biết sao hôm nay tôi cảm thấy, bồn chồn khó chịu quá.
Bỗng bà vú bồng hai đứa nhỏ hớt hãi vào tìm, đưa tấm điện tín: “TRẦN TRỌNG VĨNH - BỊ THƯƠNG - NẰM Ở TỔNG Y VIỆN CỘNG HÒA”. Đọc xong dòng chữ tôi run lật bật, đầu óc rối loạn nên tôi không biết làm gì. Hồng điền đơn xin cho tôi nghỉ một tuần lễ, phép đặc biệt. Huệ nói :
- Thu nên viết vài dòng báo tin cho ba má anh Vĩnh. Trong giờ ăn trưa, mình sẽ đi xuống bến xe lam nhờ chuyển thư cho hai bác. Thu nên về nhà sắp xếp rồi đi Sài Gòn ngay. Bây giờ còn sớm, mới có mười một giờ thôi. Mi phải bình tĩnh. Việc gì rồi cũng đâu vào đó, cũng ổn thỏa cả...
Tôi viết mấy dòng đưa cho Huệ, nhờ gởi về cho ông bà nội hai cháu. Sau đó tôi về nhà dặn bà vú mấy việc cần thiết rồi lật đật đi ngay.
Khi tôi ra bến xe thì thấy nhỏ Hồng chờ ở đó, tay cầm xâu bánh ú, dặn dò :
- Mi cố gắng ăn uống bình thường, để dành sức khỏe mà thăm nuôi chồng mi. Có thời giờ nhớ biên thư hoặc điện thoại về bệnh viện cho bọn tao biết tin tức tình trạng sức khỏe của đấng trượng phu của mi. Bánh ú này nhưn mặn đó, ngon lắm, đem theo đường cố ráng ăn cho đỡ dạ.
Tôi mũi lòng, khóc ngon ngọt, Hồng cũng ứa nước mắt, an ủi :
- Không sao đâu mà. Ba má chồng mi ăn ở hiền lành thì lẽ nào Trời Phật chẳng phù hộ cho đấng trượng phu của mi. Ba của nhỏ Huệ cũng khen mi có tướng vượng phu ích tử, thì lẽ nào cục cưng của mi... bị thiệt thòi hay sao? Biết đâu cái may nằm trong cái rủi. Rồi đây chồng mi sẽ được giải ngũ, hắn sẽ xoay qua nghề kinh doanh trở nên giàu có. Mi sẽ đeo hột xoàn cả vốc cả bụm...
Tôi đang rầu thúi ruột cũng phát phì cười :
- Đồ quỷ yêu! Người ta đang lo mà mi cứ cà rỡn tầm ruồng gì đâu hà!
Tổng y viện Cộng Hòa quá rộng. Đầu óc tôi đang rối bời. Tôi đi từ phòng này qua phòng kia gần cả giờ vẫn chưa tìm được Vĩnh. Tôi vừa mệt vừa sợ, nước mắt tôi cứ chực trào ra! Sau cùng, tôi tìm đến phòng đại diện của Sư đoàn 21 bộ binh. Họ lật sổ ra tìm và cho biết Vĩnh đang nằm ở phòng cấp cứu. Tôi đi qua hướng phòng cấp cứu theo họ chỉ dẫn. Vừa đi, tôi vừa lẩm bẩm: “Bị thương hôm nào mà nay còn nằm trong phòng cấp cứu?”. Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi. Tôi cố giữ bình tĩnh, nhưng nước mắt không sao cầm giữ được nữa.
Tôi thừa biết Vĩnh có mệnh hệ nào, tôi có thể kê vai gánh vác công việc mưu sinh để nuôi con cái. Nhưng tôi không thể nghĩ tới mình sẽ ra sao nếu Vĩnh chết. Chàng có sức mạnh tinh thần và là một điểm tựa của tôi. Dù vì chiến tranh chàng vắng nhà. Nhưng khi nghĩ tới chàng, tôi cảm thấy vững lòng chăm lo mọi việc, nghĩ tới tương lai hai đứa con. Những khi cực nhọc, bi quan, nghĩ tới chàng là tôi cảm thấy được an ủi nhiều, lại tìm được sự phấn khởi. Nếu chàng chết đi, làm sao tôi có thể đương đầu với bao nhiêu đau khổ, với sự ngã lòng trong những ngày sắp tới?
Tôi không được vào phòng cấp cứu. Tôi đứng ngoài cửa sổ, nói tên họ, cấp bậc đơn vị của Vĩnh, nhờ viên y tá trực tìm hộ. Viên y tá lật sổ bịnh nhân, không thấy có tên anh, lật sổ chuyển bịnh cũng không thấy tên. Anh ta lật sổ tử vong! Tôi chới với muốn quỵ xuống, tay phải níu chắc móc cửa mới đứng nổi. Sổ tử vong cũng không có! Người y tá lật lại sổ chuyển bịnh một lần nữa, thì thấy tên anh đã chuyển ra ngoại thương từ hai hôm trước. Tôi đi như chạy đến phòng có mang số mà Vĩnh được chuyển qua đó, do người y tá mới ghi chọ Tôi đến nơi thì giường đã trống không, mền, gối, đã dọn sạch sẽ. Tôi sợ điếng hồn, nghĩ rằng Vĩnh đã chết, nên người ta đã đem anh đi rồi! Có tiếng hỏi :
- Xin lỗi bà tìm ai?
Tôi quay lại thấy người nữ trợ tá. Như vớ được phao, tôi đưa mảnh giấy cầm trên tay cho cô ta, vì tôi không còn sức hỏi han gì nữa cả. Cô nữ trợ tá sốt sắng :
- Thưa bà, ông ấy đã chuyển qua trại sĩ quan từ hôm qua. Bà hãy đi qua đường kia, bỏ ba trại, thì đến. Phòng ông nhà ở bên phải, trên tầng lầu hai.
Tôi cảm ơn cô nữ trợ tá rồi thất thểu đi. Cố bám lấy tay vịn cầu thang, và khó khăn lắm tôi mới bước lên hết bậc thang cuối cùng.
Chiếc mền mỏng đắp tận cổ Vĩnh. Mắt phải của chàng được băng kín. Mắt trái, không băng nhưng chung quanh tím bầm. Tay trái chàng được truyền nước biển, tay kia được truyền máu, lại còn có ống dẫn nước tiểu, và ống dẫn nước từ phổi ra. Hai tay tôi ghì lấy thanh giường, mới khỏi ngã.
Người Y sĩ hỏi tôi :
- Xin lỗi, bà có phải là thân nhân ông ấy không?
- Dạ tôi là vợ của ảnh.
- Xinh mời bà vào phòng giấy.
Tôi cố định thần, lê từng bước nặng nề theo ông ta đi thẳng vào đầu của trại. Nơi đây có hai cửa. Một cửa ăn thông vào phòng khác, còn cửa kia ông ta mở ra để bước vào. Nhưng tay ông vẫn giữ cửa cho khỏi đóng để tôi vào. Ông chỉ ghế :
- Xin mời bà ngồi.
Chỉ đợi có vậy, tôi vội ngồi xuống. Ông ta đi thẳng đến góc phòng mở tủ lạnh rót nước :
- Mời bà dùng nước, nước mát sẽ làm bà dễ chịu hơn.
Tôi lí nhí cảm ơn rồi uống cạn ly nước. Thật ra tôi không quá khát như vậy, nhưng cổ tôi khô và miệng tôi đắng. Tôi muốn uống một thứ gì cũng được, hay cho vào miệng một miếng gì đó để lấy lại bình tĩnh. Nếu không, chắc tôi sẽ không chịu đựng được nữa. Thật vậy, ly nước làm tôi dễ chịu hơn. Ông ta đến ngăn tủ dở từng xấp hồ sơ ra xem. Cuối cùng, ông lấy xấp hồ sơ dầy cộm lại ngồi đối diện tôi. Tôi nghĩ chắc là hồ sơ bệnh lý của Vĩnh.
- Thưa bà, tôi là Bác sĩ Phương, trưởng khu ngoại khoa, và cũng là Bác sĩ điều trị cho Thiếu tá Vĩnh. Hôm mới chuyển ông ấy đến thì tình trạng của ổng hết sức nguy hiểm. Mắt phải bị thương ra nhiều máu, bốn mảnh đạn ghim vào phổi. Khắp tay chân mình mẩy còn bị những mảnh nhỏ ghim chi chít. Nhưng may mắn, chỉ ở ngoài da thôi.
Tôi không dằn được, nói như rên :
- Xin bà hãy bình tĩnh. Những mảnh đạn trong phổi đã được lấy ra, thời kỳ nguy hiểm coi như không còn phải đáng lo nữa.
- Thưa Bác sĩ, mắt phải của ồng còn sử dụng được nữa không? Và mắt trái thì sao?
- Mắt phải của Thiếu tá hoàn toàn hự Mắt trái không hề gì, chỉ bị động mà thôi, sau sẽ trở lại bình thường.
- Ổng vẫn còn hôn mê sao?
- Không, ông ấy đang ngủ, khi bà ra đấy có lẽ ông đã thức rồi.
Tôi đứng lên chào Bác sĩ Phương, rồi trở ra giường của Vĩnh. Tôi nhìn chồng tôi đang chìm đắm trong giấc ngủ mệt nhọc, trên mặt đầy vết bầm, vết sưng. Lòng tôi xót xa vô cùng, nhưng tôi đã lấy lại bình tĩnh, không thấy gì xáo trộn trong tâm hồn như lúc mới được điện tín. Tôi thừa biết sau khi rời khỏi Tổng y viện Cộng Hòa, chàng đã gởi lại một con mắt. Nhưng tình nghĩa giữa chàng và tôi không vì vậy mà thui chột mất đi. Vợ chồng đã quen hơi hướm nhau. Chàng là tôi, tôi là chàng. Nếu chàng coi tôi không là cái xương sườn của chàng do Đức Chúa Trời nắn ra, mà là cùng hẹn chàng từ muôn kiếp trước, cùng chàng bước ra trong cõi đời này để làm vợ chàng, để cùng chàng kề vai gánh vác cái hệ lụy đau xót của kiếp người, thì tôi vẩn thấy lúc nào chàng cũng nguyên vẹn trong cuộc đời tôi, từ thể chất đến tinh thần.
Chiến tranh, nghĩa vụ trai thời loạn đã cướp mất chàng ra khỏi tầm mắt tôi. Nhưng hoạn nạn trả chàng về tôi, lấy bớt ở thị giác chàng một nửa, nhưng con mắt còn lại của chàng sẽ cùng tôi nhìn về chân trời hạnh phúc sáng hồng trước mặt, khi chàng rời khỏi bịnh viện này. Chỉ nghĩ tới đây, lòng tôi êm ả với niềm an ủi kỳ diệu. Tôi chợt khóc, nhưng không rõ đó là dòng lệ tủi cực hay những dòng lệ hạnh phúc. Có lẽ hai tình cảm ấy cùng một lúc hiện ra, nhưng tôi cảm thấy mình vừa tỉnh một cơn ác mộng để nhìn thấy cái viễn ảnh bình an và tươi sáng trong những ngày sắp tới.
Đứng sát giường hơn, tôi thấy những ngón tay băng kín của chàng động đậy, nhưng Vĩnh không biết có người đang đứng gần. Tôi khẽ gọi :
- Vĩnh! Vĩnh! Em đây! Em đây nè! Em đến thăm anh đây. Anh có nghe em nói không?
Mắt phải của Vĩnh băng kín, mắt trái Vĩnh cố mở ra, nhưng không mở hết, nên nhắm lại. Môi chàng mấp máy như muốn nói gì. Bỗng Vĩnh ho một cách đau đớn. Dòng lệ lẫn máu bầm bên mắt trái chảy dài xuống má. Tôi hốt hoảng :
- Đừng nói, đừng nói, đừng xúc động. Em biết anh muốn hỏi gì rồi. Để em nói, để em kể cho anh nghe.
Miệng tôi nói, tay tôi lau nhẹ dòng nước mắt trên má chàng. Nhưng nước mắt tôi chảy đầm đìa.
- Em và hai con vẫn khỏe. Hai bên gia đình đều bình an. Diễm đã nói nhiều. Con hay nói: “Ba về! Ba về! Nhớ ba...” nên ba má cưng nó lắm. Phúc đã biết ngồi, càng lớn càng giống anh. Má nói nước da Phúc trắng giống nước da em. Anh nhớ không? Lúc anh về Phúc mới sanh được nửa tháng. Nay con đã tám tháng rồi. Thời gian qua mau quá!.
Tôi nói, tôi nói liên tục để thời gian không có khoảng trống. Vì tôi sợ Vĩnh hỏi han, sẽ động đến vết thương làm anh đau đớn thêm.
- Hồn nãy em có gặp Bác sĩ trị thương cho anh. Ổng nói với em là anh chỉ bị thương thường thôi. Ăn uống bổ dưỡng thì ít hôm anh sẽ lành mạnh Anh nhớ không? Ngày 29 tháng 6 Âm lịch là ngày đám giỗ ông nội. Sáng sớm, ba sai Nghĩa đón em và hai con về dưới nhà, vì bà vú về giỗ chồng từ mấy ngày trước. Chú thím cô dì dành nhau bồng hai đứa nhỏ. Thủy cắn tay Phúc, làm thằng bé khóc ré lên. Má hỏi: “Thủy à, con làm gì vậy? Tại sao cháu khóc?”. Thủy thú nhận rằng thằng Phúc chỉ có cười, nên cô ta cắn nó coi nó có biết khóc không? Thằng này cười thật dễ thương, khóc lại cũng dễ thương quá. Cô ta nói hôm nào phải bắt cóc Phúc đi Gò Công một tuần mới được. Má nạt: “Mi điên rồi hả? Lại đây cháu. Bà sẽ cấm mụ cô khùng của cháu sẽ không được bồng cháu một tháng”. Thủy có vẻ phụng phịu thật tức cười. Cô ta bảo: “Má à, thà má cấm con ăn còn thoải mái hơn má cấm không được phép bồng cháu”. Anh biết không, ai đứng gần nghe vậy cũng cười. Họ hàng bảo Thủy: “Có thương con nít quá thì cho đàng trai làm đám cưới sớm đi, để có con mà bồng”.
Tôi kể cho Vĩnh nghe từ chuyện này đến chuyện kia, chủ yếu là nhắc về hai đứa nhỏ, vì tôi biết Vĩnh rất thương nhớ các con. Tôi lấy khăn nhúng nước lau những vết máu còn dính trên cổ, trên tay cho Vĩnh. Đến gần hết giờ thăm nuôi tôi đành phải ra về. Trước khi đi, tôi dặn Vĩnh :
- Không được nghĩ ngợi nhiều nghe. Đó là lịnh của em. Ngày mai em sẽ ẵm con lên thăm anh. Anh cố ngủ để mau lại sức và mau lành bịnh mà về với gia đình. Anh có nghe em nói không? Thôi em về đây.