Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 04.2

Vĩnh chớp nhẹ mắt như hối thúc tôi về nhanh với hai con.

Trên đường về, lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Mọi vật chung quanh không còn có ý nghĩa gì. Hình ảnh duy nhất vẫn là Vĩnh. Chỉ có Vĩnh mà thôi. Vĩnh nghĩ sao khi biết một con mắt của mình không còn thấy được nữa? Chàng sẽ giải ngũ. Nghề lính là nghề anh đã chọn cho chính đời mình! (Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt). Hiện giờ cuộc chiến còn trong dầu sôi lửa bỏng. Chắc hẳn chàng sẽ đau buồn nhiều lắm! riêng tôi, tôi không buồn, mặc dù giờ chồng tôi là người tàn phế. Nhưng chàng vẫn còn may mắn hơn các bạn đồng đội khác, là còn được sống sót và sẽ trở về với gia đình. Xe vừa dừng trước cổng. Những kẻ thân thích ruột rà như ba má chồng tôi, cậu dì bên chồng chạy túa ra. Má chồng tôi nhìn thấy gương mặt mệt nhọc hốc hác của tôi, nước mắt bà rưng rưng. Tôi ôm bà khóc nức nở như một đứa trẻ. Qua phút cảm động, ba chồng tôi khuyên :
- Thôi vào nhà đi. Xin mọi người hãy vào trong đã. Nghĩa đi rót nước cho chị con uống. Ngồi xuống đi con, Vĩnh sao rồi? Có nặng lắm không?
rồi mỗi người một câu hỏi làm tôi rối loạn không biết trả lời sao.
- Sao, chú Vĩnh thế nào?
- Anh Vĩnh ra sao?
- Bị trúng đạn ở đâu?
- Có nặng lắm không?
- Cháu Vĩnh đụng độ với Việt Cộng ở trận nào vậy?
Tiếng mọi người cứ tiếp tục xôn xao. Ba chồng tôi gắt lớn :
- Mấy người có im hết không? Hãy để cho nó nói. Mấy người cứ ào ào vậy thì nó biết đường đâu mà trả lời?
Họ hàng Vĩnh ai cũng thương mến anh. Ai cũng nóng lòng muốn biết tin tức của Vĩnh nên tôi lật đật kể rõ đầu đuôi, nhứt là tình trạng sức khỏe của Vĩnh. Mọi người yên lặng lắng nghe. Thỉnh thoảng có tiếng thở dài, có người chép miệng nhưng không ai có vẻ buồn thảm. Khi tôi kể xong, chú của Vĩnh nói :
- Thật là phước đức ông bà để lại; trong cái rủi, có cái may. Vậy thì nó sẽ giải ngũ về với gia đình.
Bà con kẽ gởi lời thăm, người chúc mau lành bệnh. Người cô họ xa của Vĩnh nói với tôi :
- Mọi người có số cả cháu à. Đừng có buồn nghe. Các cháu là những người có phước hơn những người khác.
Đã sáu giờ hơn, ai nấy lần lượt ra về, chỉ còn ba má chồng tôi ở lại gần tới giờ giới nghiêm. Ông bà sắp xếp đưa mẹ con tôi và bà vú lên ở nhà bà dì của Vĩnh. Nhà đó lúc trước dành cho mấy đứa con dì đi học. Nay người đi lính, kẻ đi làm, nên nhà bỏ trống. Dì treo bảng bán nhà mà chưa bán được. Má chồng tôi an ủi :
- Lúc được thư tay con gởi, ba má sợ cuống cuồng, lật đật lên đây để đi Sài Gòn với con, sợ con đi một mình gặp chuyện gì không xoay sở kịp. Nhưng khi lên tới đây thì con đã đi rồi. Ba má đành ở nhà đợi, rấ là lo lắng xót xa. Giờ thì con hãy yên tâm. Ba má sắp xếp cho con ở Sài Gòn, để tiện việc thăm nuôi thằng Vĩnh. Con cũng đừng buồn. Bây giờ nó mới thật sự là chồng của con, sẽ được sống bên con suốt đời. Thời cuộc lộn xộn quá, nghe người ta đi lính chết nhiều, ba má cứ thấp thỏm lo âu, mà không dám nói, vì sợ con lo buồn.
- Thưa má, sau khi Bác sĩ cho biết thương tích và tình trạng sức khỏe của ảnh thì con cũng nghĩ như má nói.
Bà nhìn tôi ánh mắt chan chứa yêu thương rồi bảo chồng :
- Ông thấy chưa? Tôi đã nói mà. Thu rất giống tôi, nó cũng là con gái của tôi, chớ không chỉ là con dâu mà thôi đâu.
Ba chồng tôi khuyên :
- Thôi đi về. Sắp tới giờ giới nghiêm đó. Sáng mai tôi với bà còn lên sớm nữa. Thiệt ra tôi thừa biết khi về nhà bà sẽ lục đục thu xếp cả đêm, sáng chở đồ ăn đầy một xe lô Minh Chánh cho coi. Thu, con có giống má con thì giống tánh lo xa, ở tài sắp đặt, chớ đừng giống tánh nói dai của bả.
Má chồng tôi cười, móc túi áo trong ra xấp tiền dầy đưa cho tôi, bà dặn :
- Tiền này ba má cho con để tiêu xài trong thời gian nuôi Vĩnh. Chịu khó đi chợ mỗi ngày, mua thịt thà bồi dưỡng cho nó mau lành bịnh. Thôi, con hãy đi ngủ sớm, ba má về đây.
Tôi còn ngầy ngừ chưa chịu nhận tiền ông bà chọ Ba chồng tôi bước tới gần, lấy gói tiền trên tay bà dúi vào tay tôi :
- Con lấy đi, thiếu thì nói ba má cho thêm. Quít cam năm nay trúng mùa, lứa sau này hốt tiền gấp năm, bảy lần cho các con.
Ông bà đi rồi, bà vú cười nói vời tôi :
- Cô thật có phước. Ổng bả thương yêu và lo lắng cho cô như ông bà bên nhà. Tôi chưa thấy cha mẹ chồng nào thương yêu con dâu như vậy.
Vĩnh bị thương khi Trung đoàn anh được điều động về giải tỏa An Lộc. Khi tiếng nổ thật lớn ỏ gần bên chàng, nhưng chàng vẫn còn hò hét, bảo ai ở vị trí nấy, đừng chạy lung tung mà gây hỗn loạn... Cơn mê man kéo dài chẳng biết bao lâu. Bỗng có tiếng ai gọi :
- Thiếu tá! Thiếu tá Vĩnh ông đã tỉnh rồi!
- Tôi đang ở đâu đây? Tiểu đoàn của tôi?
Có tiếng trả lời :
- Đây là Tổng y viện Cộng Hòa. Tôi là y tá, Thiếu tá đã bị thương. Có anh lính tên Chung ở ngoài phòng chờ đợi. Tôi chích thuốc cho ông đây. Ông chịu khó chút nghe. Xong rồi, ông hãy ngủ đi, ngủ đi...
Vĩnh đã ngủ một giấc dài, không biết bao lâu. Khi tỉnh lại chàng nghe rã rời, toàn thân đau buốt, không cựa quậy nổi, chàng lại ngủ, rồi giật mình thức dậy khi được thay băng, rồi chàng lại ngủ, lại thức. Nhưng chàng không biết đêm hay ngày, vì chàng không thấy gì cả. Vĩnh nhớ hình như có lần anh lính cận vệ tên Chung gọi chàng, Vĩnh chợt biết mình được chuyển đi nơi khác. Chàng vẫn ở trong trạng thái nửa thức nửa ngủ cho đến khi tôi đến gọi chàng.
Đó là những lời thuật vắng tắt của Vĩnh. Chàng có vẻ mệt nhọc, tôi lấy ngón tay làm động tác che miệng chàng lại :
- Thôi, đừng kể nữa. Hôm nay anh nói đến đây đủ rồi. Mai, anh hãy kể tiếp. Anh có muốn uống nước không?
Chàng gật đầu, tôi kê thêm gối, nâng nhẹ đầu chàng lên, kề ly nước sát miệng chàng. Vĩnh uống từng hớp một. Giọng nói của chàng vẫn còn yếu ớt, đôi khi ho gằn. Chàng chưa bước xuống giường được, vẫn còn nằm kê đầu cao để dễ thở và tránh cơn ho, sặc.
Ống song nước tiểu đã lấy ra. Máu đã ngưng chảy từ các vết mổ bên trong phổi, nên ống song cũng được rút ra nốt. Nước biển mỗi ngày chỉ còn vô một chai thôi. Tóc Vĩnh được cắt ngắn, râu cạo sạch sẽ, nên trông chàng tươi tỉnh hơn, mặc dầu chàng vẫn còn xanh xao và gầy đi nhiều. Mắt phải chàng còn băng kín, mắt trái hôm trước bầm đen, giờ thì trở thành xanh nhạt. Chàng nhìn thấy được những vật ở gần. Bác sĩ khuyên Vĩnh nên đứng lên, ngồi xuống, đi lại trong phòng mỗi ngày.
Sáng sớm hôm nay bầu trời âm u, ngại mưa, nên tôi không ẵm các cháu vào thăm Vĩnh. Từ khi tôi thăm nuôi Vĩnh đến nay nét mặt anh lúc nào cũng u buồn. Tánh anh ít nói, giờ anh càng ít nói hơn. Tôi và Chung dìu đỡ Vĩnh ra ngồi ghế dựa ngoài hành lang. Anh như muốn nói điều gì riêng với tôi nên gọi Chung lại :
- Chung, đi mua nước ngọt dùm tôi.
- Dạ.
Tôi bảo Chung :
- Anh hãy theo tôi lấy tiền đã.
Tôi vừa đi vào chỗ cất hành lý. Anh Chung lẽo đẽo theo sau. Khi khuất cánh cửa, anh nói nhỏ, cố ý chỉ để tôi nghe thôi :
- Có bà ở đây coi bộ ổng nhỏng nhẻo với bà quá. Ổng ăn ít và đòi đủ thứ.
Tôi trố mắt, chưa kịp hỏi Chung thì tiếng Vĩnh từ ngoài vọng vào :
- Nói gì đó Chung?
- Dạ không, bà đưa tiền đi mua nước ngọt.
Tôi cố nhịn cười cho câu nói trớ của Chung. Anh ta mau lẹ bưng ly ra ngoài. Chung là lính đã theo Vĩnh trước khi Vĩnh cưới tôi. Anh nhỏ hơn Vĩnh một vài tuổi chi đó, quê anh ở Sóc Trăng, vó vợ ba con. Vốn là người Miên, nhưng anh nói tiếng Việt rành, tuy giọng hơi cứng. Anh hiền lành, ít nói, nhưng rất kính mến Vĩnh. Vĩnh cũng thương mến anh và coi anh như em vậy. Vĩnh kể, trong khi Việt Cộng pháo từng chuỗi vào; ai nấy gần như lo liệu lấy thân. Vĩnh bị trọng thương, còn biết gì đâu. Chung đã liều mạng cõng Vĩnh chạy ra bìa rừng. Vượt qua bao nhiêu hầm hố của giặc, đến quốc lộ mười ba gặp xe cứu thương, mới kịp thời cứu cấp Vĩnh, và đưa chàng lên trực thăng tải thương về Tổng y viện Cộng Hòa. Thật ân nghĩa này nói sao cho hết! Tôi nguyện ghi tạc vào lòng, đền đáp ở mai sau.
Vĩnh gọi :
- Thu, em làm gì đó? Sao không ra đây?
Tôi vội bước ra, thấy mặt Vĩnh nhăn nhó. Tôi hết hồn quýnh lên tưởng anh trở bệnh.
Tôi hỏi :
- Anh sao vậy? Mệt hả? Để em dìu anh vào giường nghe.
Vĩnh nói như gắt :
- Hãy ngồi xuống ghế đi, anh khỏe mà.
- Anh có thấy khó chịu trong người không? Các vết thương có đau nhức không? Để em mời y tá.
Trong khi tôi lo ngại, hỏi han đủ thứ thì Vĩnh nhăn mặt chỉ vào tôi :
- Không, anh vẫn khỏe. Không cần mời y tá đâu. Đã có y tá ở đây rồi.
Tôi còn đang ngạc nhiên thì Vĩnh kéo tay tôi, có ý bảo ngồi xuống, rồi anh nhẹ giọng :
- Em đã vất vả với anh nhiều quá! Hôm nào trời mưa thì đừng đem con theo, hãy để tụi nó ở nhà với bà vú. Em cũng vậy.
Tôi chận ngang lời Vĩnh :
- Em cũng vậy hả? Nghĩa là em cũng khỏi vào đây nữa phải không?
Vĩnh trớ lại :
- Không, không đâu. Ý anh muốn nói là tội cho em cực khổ thôi. Hãy để con ở nhà, còn em thì phải vào đây mỗi ngày, nếu em không vào thì anh sẽ buồn, ăn cơm không ngon.
Tôi không bằng lòng :
- Không được, có em hay không có em cũng vậy. Đến giờ ăn thì anh phải ăn cho mau lại sức. Anh có cần gì thì có anh Chung ở đây mà.
- Nhưng anh cần em hơn, vì hiện giờ mắt trái anh vẫn chưa thấy rõ, nhưng nhãn lực sẽ rõ hơn khi anh khỏe lại. Thu à, chắc em cũng biết mắt bên phải của anh hư rồi. Bây giờ anh là người tàn phế...
Vĩnh nói trong nghẹn ngào xúc động, vai chàng run run, tôi đưa tay che miệng chàng có ý ngăn không cho nói tiếp.
Tô an ủi :
- Khi anh lành bệnh sẽ được về với gia đình. Mẹ con em cần anh, anh có biết không? Nghĩ lại gia đình mình có phước hơn những gia đình khác. Anh coi, nếu anh có bề gì thì mẹ con em sẽ ra sao đây? Anh đừng nghĩ ngợi sa đà. Hãy an tâm dưỡng thương đi. Nếu anh không nghe em, anh sẽ chậm lành bịnh, thì anh làm khổ em thêm đó. Anh có muốn bị thương để làm khổ em bao giờ đâu, có phải không? Vợ chồng mình có hai con rồi. Đến bây giờ anh vẫn chưa biết em thương yêu anh như thế nào hay sao? Từ nay anh mới thật là của mẹ con em.
Vĩnh vẫn trầm ngâm không nói, vẫn buồn bã thở dài, và nét mặt vẫn lầm lì. Tôi đổi giọng :
- Thôi được rồi, nếu anh vẫn còn buồn, vẫn còn nghĩ ngợi thì em ẵm con về, để má lên đây nuôi anh.
Vĩnh vội chụp tay tôi, lay nhẹ :
- Kìa Thu, em giận anh sao? Thôi bỏ qua đi. Anh sẽ không buồn nữa. Đừng giận anh mà.
Tôi giật tay lại, nín thinh trong hờn giận, và buồn muốn khóc! Chung đi mua nước ngọt cũng vừa về tới.
- Dạ nước ngọt đây, ông thầy.
Vĩnh cầm ly nước ngọt, nhưng chưa uống, mặt nghiêm lại, chàng gằn giọng :
- Chung!
- Dạ.
- Hồi nãy mày nói gì để bả giận tao vậy?
Anh Chung chưng hửng :
- Dạ tôi chỉ nói ông ăn ít thôi mà.
- Có vậy thôi hả?
- Dạ.
- Thôi đi kiếm chỗ ngủ đi. Nhớ đừng có bép xép nghe.
Tôi cố nín cười cho tánh thật thà của Chung, đã bị Vĩnh chận đầu và đổ tội mà không hay biết.
Chung xoay qua tôi :
- Dạ chừng nào bà về thì gọi tôi. Tôi lẩn quẩn ở mấy băng đá dưới kia thôi.
Tôi gật đầu :
- À được, trước khi ra về, tôi sẽ gọi anh.
Ngồi bên Vĩnh, tôi vẫn yên lặng không nói.
Vĩnh tha thiết :
- Thu, em còn giận anh hả?
- Em chỉ buồn vì anh không hiểu em!
- Đừng buồn nữa. Không ai hiểu em bằng anh đâu. Chỉ vì anh sợ không lo cho em và con chu đáo đó thôi. Anh hứa sẽ ăn uống nhiều hơn, sẽ không nghĩ ngợi để sớm lành bịnh. Vậy em hết giận chưa?
Vĩnh nhìn tôi mỉm cười. Tôi cũng cười. Từ hôm nuôi Vĩnh đến nay, tính ra hơn mười ngày rồi, nay mới thấy nụ cười ngày xưa trở lại trên khuôn mặt xanh xao hốc hác của chàng.
Vĩnh giải ngũ với cấp độ tàn phế 70%. Sau hai năm ở nhà anh than buồn, nên xin dạy một vài trường trung học Tư thục trong thành phố. Vĩnh đi dạy, tôi đi làm. Hai đứa nhỏ được bà vú chăm sóc chu đáo. Chiều chiều, cơm nước xong, chúng tôi hay chở nhay ra công viên cho hai đứa nhỏ nô đùa chạy giỡn. Ngày cuối tuần chúng tôi đưa con về thăm ông bà nội, về vườn bên cồn. Một hoặc hai tháng chúng tôi đưa các con đi thăm ông bà ngoại.
Tôi đã quên chiến tranh. Vĩnh gần như quên hẳn đời lính. Nhưng xung quanh chúng tôi, chiến tranh mỗi lúc càng ác liệt gay go hơn.