Săn Chồng - Chương 44

Thời gian đó, hàng ngày anh vẫn nấu cơm canh rồi chờ tôi về, làm đủ món cho tôi thưởng thức. Hôm nay là canh sườn, ngày mai là canh vịt, hôm nay là cá, ngày mai là gà, tuyệt đối không trùng lặp. Bởi vì không có tủ lạnh, hàng ngày anh đều phải đi chợ mua thức ăn, nhưng Hướng Phong Thu không hề thấy mệt mỏi.

Có người nói, con người khi cảm thấy yếu đuối về tình cảm, tốt nhất không nên mua nhà hay cổ phiếu, bởi vì lúc này mọi hoạt động thường thiếu mất lý trí, mất cảnh giác. Tôi cũng vậy, trước sự tấn công dữ dội của Hướng Phong Thu, tôi đã đi đến một quyết định. Đây là một quyết định vừa hạnh phúc vừa mâu thuẫn, một quyết định vì đại cục và dũng cảm nhận trách nhiệm xã hội: Tôi quyết định sẽ kết hôn với Hướng Phong Thu.

Sự ra đi của Tiêu Dũng khiến cho tôi nản chí, tôi sợ một mình đối mặt với cuộc sống. Tôi cũng đột nhiên hiểu ra rằng, đối với một người phụ nữ, tự do có thể còn quan trọng hơn điều kiện vật chất. Thứ tự do này chính là sự tôn trọng và yêu thương mà đàn ông dành cho mình. Về điểm này, tôi thấy Hướng Phong Thu hoàn toàn đủ tiêu chuẩn.

Đủ.

Thế là đủ.

Tôi còn bao nhiêu thời gian để xem mặt, tìm hiểu, chia tay?

Cái khái niệm này chỉ mới nhen nhóm trong đầu đã khiến tôi thấy hoảng sợ. Tôi một mình lang thang không mục đích trên đường, đi được mấy bước lại quyết định bắt xe đến chỗ chị Tịnh.

Chị Tịnh rót cho tôi một cốc trà Thiết Quan m, điềm đạm lắng nghe tôi trút bầu tâm sự, sau đó nói:

- Em kết hôn với cậu ta cũng được, xét về nhiều mặt thì Hướng Phong Thu hợp với em hơn là Tiêu Dũng, sống với Hướng Phong Thu sẽ vui vẻ hơn với Tiêu Dũng, nhưng có mấy điểm, chị phải phân tích cho em nghe, nếu em chịu nghe theo, chị nghĩ sẽ chẳng có vấn đề gì nữa đâu!

- Chị nói đi!

- Thứ nhất, cậu ta không có nhà cửa, đây là điều quan trọng nhất. Giá nhà ở Phố Thành này hiện nay là 4.200 tệ một mét vuông, cứ cho là một căn chung cư rộng 80 mét vuông với đầy đủ đồ dùng gia đình thì ít nhất cũng phải đến 350.000 tệ. Còn lương của cậu ta mỗi tháng là bao nhiêu?

- 2.200.

- Thế còn em?

- 2.000.

- G lại là 4.200. Giờ bọn em có bao nhiêu tiền tiết kiệm?

- Anh ấy có 30.000, còn em thì không.

- Em nghĩ sau khi kết hôn, tiền chi phí sinh hoạt hàng ngày là bao nhiêu?

- Cái này khó nói lắm. Chỉ tính riêng em, mua quần áo, mua mỹ phẩm, cộng thêm với việc đi lại, ăn uống cũng phải 1.000 tệ, không thì chí ít cũng phải 800 tệ. Ngoài ra, các chi tiêu, tiền điện nước, tiền khóc tiền cười thôi thì đủ thứ tiền, chắc cũng phải 2.500 tệ.

- Thế là rõ rồi nhé, chỉ riêng chuyện tiết kiệm mua nhà thôi bọn em cũng phải bán mạng làm việc cả đời rồi. Chưa nói một khi sinh con ra thì còn càng nhiều khoản phải chi, liệu có tiền mà mua nhà không? – Chị Tịnh ngửa hai tay ra, tuyệt vọng nhìn tôi.

- Thứ hai là, tiền đồ. Chuyện thăng quan tiến chức nếu như không có năng lực vượt trội thì nhất định phải có quan hệ tốt. Mà quan hệ cũng cần phải đầu tư, mà đầu tư lại cần tiền, chị nói đến đây là em hiểu rồi chứ gì. Bọn em bởi vì lo tiền nhà và tiền sinh con thôi đã chẳng còn tiền đâu mà lo lót, đầu tư cho các mối quan hệ rồi. Ngoài ra, chị hỏi em câu này, em có cảm thấy Hướng Phong Thu là một người có tham vọng không?

Tôi lắc đầu. Nếu Hướng Phong Thu mà có tham vọng thì đã chẳng ngày ngày ở nhà nấu cơm hầm canh cho tôi ăn.

- Vậy thì đúng rồi, cậu ta chẳng có xuất thân tốt, lại chẳng có quan hệ tốt, chẳng có tài năng đặc biệt gì, lại an phận làm một thầy giáo tầm thường, dùng quan niệm “biết đủ” để tự an ủi và hài lòng với hiện trạng của mình, thế nên em đừng nghĩ cậu ta sẽ tìm cách khác để mua nhà với đáp ứng những khoản chi tiêu sau khi kết hôn. Nói trắng ra là, với khoản lương cứng đó, mười năm sau cũng vậy mà ba mươi năm sau cũng thế. Đây chẳng phải là chuyện cổ tích, cuộc sống là hiện thực, đừng mong chờ một đêm nào đó, đột nhiên có một bà tiên xuất hiện, chỉ cần gõ đũa một cái là trong tài khoản của bọn em sẽ có vài triệu tệ.

- Thứ ba là vấn đề phụng dưỡng cha mẹ. Đây là một vấn đề bắt buộc phải cân nhắc. Mặc dù nói cả hai người đều chỉ có một mẹ già, nhưng các cụ lại chẳng có tiền lương hưu, lại chẳng có anh chị em gì khác. Mẹ Hướng Phong Thu vẫn còn dưới quê, nằm liệt trên giường bọn em còn phải mời ôsin đến chăm sóc. Hai cụ già, tiền ăn uống, chi tiêu đều do một tay các em lo lắng hết, nếu cộng thêm cả một đứa con nữa là cả nhà năm miệng ăn.

- Đương nhiên có thể đây đều không phải là vấn đề. Cứ so với những công nhân bị đuổi việc thì cuộc sống của bọn em cũng khá khẩm hơn nhiều. Nhưng điều quan trọng là các em có thể chịu được sự thay đổi lớn lao này không? Trước đây em sống thế nào chị không nói, nhưng sau này kết hôn rồi, điều đầu tiên mà em phải thay đổi chính là: tránh xa những món hàng cao cấp, hàng hiệu, ví dụ như quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn dinh dưỡng, quán cà phê, quán rượu… Em sẽ phải tính toán các khoản chi tiêu trong gia đình, rồi còn phải bớt lại một khoản tiền tiết kiệm dùng để mua sữa, quần áo, đồ chơi và cho con cái đi học sau này.

- Cuộc sống túng bấn, có thể em sẽ cảm thấy tâm trạng u uất vì phải đắn đo rất lâu trước một món đồ mà mình thích nhưng cuối cùng lại chẳng mua được. Một ngày nào đó, em vô tình nhìn thấy vợ Lâm Tiếu Vĩ trên đường, người ta lái xe hơi, ăn mặc sang trọng, tay dắt theo hai đứa con xinh xắn, liệu em có về nhà trách móc Hướng Phong Thu? Theo như tính cách của em thì 90% là sẽ có. Lúc đó nghĩ lại lựa chọn của mình, em có còn thấy đó là một lựa chọn đúng đắn nữa không? Em coi trọng tự do, tự tôn và yêu thương nhưng liệu như vậy em có hạnh phúc không?

Từ chỗ chị Tịnh đi ra, tôi đi bộ đến một quảng trường gần đó. Đây là một quảng trường mới xây dựng, khá đông người tụ tập, có người nhảy nhót, có người nói chuyện, đi bộ, đánh vợt, còn có một đám trẻ chơi trượt patanh, rất náo nhiệt. Phố Thành vào đêm là khoảnh khắc đẹp nhất, giống như một cô gái từ trong hang động bước ra, mang theo hương thơm phảng phất và mát mẻ.

Ở chỗ xa xa kia có một đám người đang tập khiêu vũ. Trong đó có một đôi khiến tôi khá chú ý đến, bởi vì người phụ nữ kia luôn nhảy không tốt, thường giẫm vào chân đối phương. Có mấy lần người phụ nữ ấy tỏ vẻ ái ngại, không muốn nhảy nữa, định ra ngoài ngồi nhưng người đàn ông chỉ cười dịu dàng, một mực kéo cô lại, không cho cô ngừng nhảy.

Cặp đôi đó chính là vợ chồng Lưu Minh Chương. Bước chân của họ càng lúc càng nhịp nhàng. Lúc họ chuẩn bị nhảy đến chỗ tôi, tôi liền vội vàng lẩn đi. Đi được mấy bước tôi liền gọi cho Hướng Phong Thu, gần như chẳng chút băn khoăn hay đắn đo với quyết định mình mới đưa ra.>

- Hướng Phong Thu, đừng theo đuổi em nữa!

- Sao thế?

- Chúng ta kết hôn đi, càng nhanh càng tốt!

Đầu dây bên kia im lặng, vài giây sau mới rụt rè lên tiếng:

- Thật không?

- Thật!

- Không hối hận chứ?

- Không hối hận!

Vừa dứt lời, tôi nghe thấy đầu dây bên kia liền bật lên tiếng hò reo ầm ĩ.

2

Tôi không cần phải đắn đo nhiều trước quyết định yêu Hướng Phong Thu và đi thẳng tới hôn nhân với anh. Do vậy sang ngày thứ Ba, chúng tôi liền quyết định đi xem nhà.

Tối thứ Bảy, chúng tôi lê cái xác mệt mỏi về nhà, nằm lăn ra giường bất động.

- Thật không ngờ giá nhà Phố Thành lại tăng nhanh như vậy. Sáng còn có đủ tiền trả lần đầu cho căn hộ 60 mét vuông mà đến chiều đã chỉ đủ cho căn hộ 40 mét vuông rồi! – Hướng Phong Thu ôm lấy chân than thở.

- Y Y này! – Hướng Phong Thu ngồi dậy nhìn tôi. - Chúng ta… có thể tạm thời không bàn đến việc mua nhà không? Đợi thêm hai năm nữa, chúng ta tích lũy thêm rồi hẵng mua!

- Còn phải đợi thêm hai năm nữa sao? Đợi hai năm nữa, giá nhà càng tăng cao, chỗ tiền tích góp đó của anh có đủ để bù vào không?

- Không đâu, theo như anh biết thì năm nay là thời kỳ đỉnh cao của nhà đất, sau này sẽ không tăng vọt như bây giờ nữa đâu. Em nghĩ mà xem, việc gì chúng ta phải mua nhà trong lúc đang sốt nhà thế này, biết đâu chừng sau này lại rót giá ấy chứ!

- Thế thì anh đi mà đợi nó rớt! – Tôi ném cái máy tính đi, đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. – Không có nhà, chúng ta cứ sống thế này có mà đến giàm đều đã ba mươi tuổi rồi đấy!

- Thuê nhà kết hôn cũng được mà! – Hướng Phong Thu chạy theo, ủ rũ nói.

- Không được! – Tôi thờ ơ nhìn Hướng Phong Thu, cảm thấy chẳng có gì để nói với anh cả.

Đang nói thì đột nhiên điện thoại đổ chuông, Châu Ái gọi đến:

- … Chị Y Y à, bố em hình như không xong rồi!

Tôi vội vàng về nhà, bố Châu Ái đã được đưa đến phòng cấp cứu. Vợ chồng dì hai, mẹ tôi và Châu Ái đều đang ngồi bên ngoài cửa.

Các bác sĩ từ trong phòng cấp cứu đi ra, tháo khẩu trang, chậm rãi nói:

- Mọi người hãy cân nhắc cho kỹ, nếu như kiên quyết làm phẫu thuật, kết quả cũng chẳng được lâu dài, chỉ trị được ngọn mà không trị được gốc!

- Ý của bác sỹ là… hết cách chữa rồi sao? – Mẹ tôi bàng hoàng hỏi.

- Có thể hiểu như vậy! Mọi người hãy chuẩn bị tinh thần, hiện giờ tất cả các loại thuốc đều không có tác dụng, mọi người hãy bàn bạc nhau một chút, xem xem có cần thiết tiếp tục dùng thuốc để duy trì tính mạng cho ông ấy hay không!

Bác sĩ nói xong, mọi người đều quay sang nhìn mẹ tôi,ày chỉ có mẹ tôi mới có thể quyết định.

Mẹ tôi trầm ngâm hồi lâu rồi chậm rãi nhả ra từng tiếng:

- Ngừng thuốc đi, những gì cần làm đã làm hết rồi!

Mẹ tôi ngoảnh sang nhìn tôi:

- Y Y, con đi chào tạm biệt ông ấy đi, đi vào… gọi một tiếng “Bố” đi!

Tôi nghĩ mẹ tôi lẫn mất rồi, sao lại bảo tôi vào chứ? Châu Ái mới là con gái ông ấy. Tôi tỏ vẻ khó xử nhìn dì hai:

- Bảo Châu Ái vào trước đi, con đâu phải là…

- Đi! – Mẹ đột nhiên gào lên, phẫn nộ nhìn tôi. – Con đã nghe chưa hả?

Dì hai kéo tay tôi:

- Đi thôi, dì dẫn cháu vào!

Y tá tiêm cho ông ấy một mũi. Lúc này ông ấy đang yếu ớt hé mắt nhìn tôi, miệng vẫn hé ra nhưng lại chẳng nói được lời nào. Vậy nên ông run rẩy đưa tay ra. Khi bàn tay tôi bị tay ông ta nắm lấy, tôi nhìn thấy từ khóe mắt ông trào ra một dòng lệ.

- Y Y, gọi một tiếng cha đi! – Dì hai khẽ huých tôi.

Tôi há miệng ra, nhưng lưỡi như bị đá tảng đè chặt, không sao động đậy được.

- Mau lên! – Dì hai sốt ruột nói.

Bàn tay nắm lấy tay tôi của thầy Châu đột nhiên siết chặt, giống như đang giằng co với cái gì đó, mặt ông như tái đi, đôi mắt nhìn tôi như đờ ra. Tôi không biết tiếp theo đó ông ấy định làm gì, chỉ ngồi ngây ra nhìn. Tay tôi lần nữa bị nắm chặt, toàn thân ông như run rẩy, mắt trợn ngược, các cơ trên mặt như bị co kéo đến biến dạng. Tôi vô cùng hoảng hốt, đột nhiên nghe thấy tiếng khóc xé toạc không gian yên tĩnh của mẹ…

Ông ấy đi rồi, đầu gục vào lòng mẹ tôi, tay nắm chặt tay tôi không rời, miệng vẫn há, mắt vẫn không nhắm lại.

Thầy Châu được đưa đến nhà tang lễ, còn mẹ tôi thì nhập viện.

Lúc tôi từ bệnh viện đến nhà tang lễ, nhìn thấy bảy, tám người đang dồn sức nâng một chiếc quan tài màu đỏ sậm lên, chuẩn bị đặt vào một cái giá chính giữa gian phòng. Châu Ái đang nhìn quanh, chỉ huy mọi người sang trái một chút. Mắt Châu Ái đỏ hoe, chiếc quần đen bám đầy bụi, tóc mai ươn ướt được gạt hết sang một bên nhưng thỉnh thoảng vẫn có mấy lọn lòa xòa trước mặt.

Tôi khẽ gọi cô ta:

- Có cần giúp gì không?

- Đều giao cho nhà tang lễ làm hết rồi, bao gồm cả việc mua sắm và làm lễ truy điệu. Những thứ cần thông báo đã thông báo hết rồi!

- Ừ! – Tôi chưa bao giờ thấy cô ta bình tĩnh và chững chạc đến thế. Cứ mỗi phút rảnh tay là tôi lại nhớ đến cảnh tượng lúc thầy Châu ra đi. Tôi luôn cảm thấy dường như ông ấy có điều gì đó muốn nói với tôi, nhưng ông ấy định nói gì nhỉ?

Tối đó, Châu Ái hai lần nổi cáu. Trước tiên là nhân viên nhà tang lễ nói rằng bức ảnh thầy Châu mà Châu Ái đưa cho trẻ quá, không được, phải đặt một bức ảnh lúc già. Tôi nhìn bức ảnh trong tay Châu Ái, đúng là rất trẻ, chắc chụp lúc ông khoảng hơn ba mươi tuổi, cặp lông mày rất đậm, đôi mắt to, có thể nói là khá đẹp trai và rất phong độ. Châu Ái đặt bức ảnh lên trước linh cữu:

- Cứ dùng bức ảnh này đi, anh cứ đổi thử xem!

Tiếp đó là chuyện thời gian làm đám ma. Theo tục lệ ở đây thì người chết sẽ phải để vài ngày mới đôn, thời gian đặt càng lâu càng chứng tỏ tình cảm của con cháu với người đã khuất. Châu Ái và mấy bà cô bàn bạc nhau. Các bà cô kia nói ít nhất cũng phải để ba ngày ba đêm. Nhưng Châu Ái không đồng ý, một mực đòi chỉ để một ngày rồi sáng mai đem chôn luôn.

Mấy bà cô đều nói:

- Thế còn ra cái thể thống gì, sao có thể chỉ để một ngày đã chôn?

Châu Ái bực bội nói:

- Các cô chỉ biết sĩ diện vớ vẩn! Ba ngày là người chết đã bắt đầu phân hủy rồi, các cô có chút kiến thức khoa học không thế hả? Người đã chết rồi, làm mấy trò này làm quái quỷ gì?

Quan tài đã được đặt lên cái giá đỡ giữa phòng, trước quan tài là một bức ảnh của người đã khuất, trước bức ảnh là một cái giá nến rất dài và một cái bàn thờ cao. Người đến phúng viếng càng lúc càng đông. Bọn họ xếp hàng, đến trước linh cữu thắp nhang, đốt ít vàng mã rồi quỳ xuống, khấu đầu. Sau nghi thức khấu đầu, họ đứng dậy, ra rửa tay trong một cái chậu đựng đầy nước, cầm một sợi dây màu trắng buộc lên áo của mình để biểu thị sự để tang.

Những làn khói trắng bốc lên như đang đưa tiễn một linh hồn tội nghiệp.

Vòng hoa xếp đầy trong phòng, đặt dọc theo các bức tường, trên đó đều có ghi tên của thầy Châu. Tôi nghĩ, một người bình thường chỉ có lúc chết mới nhận được sự quan tâm của người khác, ví dụ như tôi, đây là lần đầu tiên tôi biết thầy Châu tên là Châu Đại Quốc.

Hướng Phong Thu gọi điện đến hỏi tôi tình hình thế nào. Tôi nói:

- Chết rồi, đang ở trong nhà tang lễ!

- Để anh về một chuyến vậy!

- Anh về làm gì? Đâu phải là người thân của em. Ngày mai em sẽ lên thành phố, anh đừng về! – Tôi cúp điện thoại, nhìn đám đạo sĩ đến cầu s. Bọn họ mặc áo dài màu đỏ tươi, trên đầu độ mũ. Cái mũ đó rất cao, giống như cái mũ của một đầu bếp có tiếng tăm. Đám đạo sĩ đi vòng quanh linh cữu, khua chiêng gõ mõ ầm ĩ, miệng lầm bầm một cái gì đó chẳng ai hiểu nổi, âm lượng rất cao, rất chậm rãi, nghe rất thê lương.

Tôi nhìn thầy Châu nằm im lìm trong cỗ quan tài, thầm nghĩ:

- Châu Đại Quốc, rốt cuộc ông muốn nói gì với tôi?

Lúc tôi đến bệnh viện thăm mẹ. bà vẫn nằm trên giường bệnh truyền nước.

- Bên đó cử hành tang lễ đến đâu rồi? – Dì hai hỏi.

Tôi gật đầu:

- Ban đầu mấy bà cô của Châu Ái còn sĩ diện, đòi phải đặt ba ngày ba đêm mới đi chôn. Nhưng Châu Ái một mực muốn sáng mai đi chôn luôn, nói rằng sợ thi thể sẽ phân hủy. Nhìn bộ dạng Châu Ái lúc quát mấy bà cô cũng giống đàn ông ra phết!

Tôi vừa nói vừa kéo lại chăn cho mẹ:

- Mẹ à, tối nay mẹ đừng đến đó nữa, ở đó đã có người nhà của họ rồi. Bọn họ đều biết mẹ đang phải nằm viện, không đến cũng không ai nói gì đâu. Dù gì người cũng chết rồi, sau này cũng chẳng còn gì mà qua lại với họ, cần gì phải tự chuốc khổ vào mình? Mẹ cứ chăm sóc tốt cho bản thân mình đã!

Tôi nghĩ mình nên khuyên nhủ mẹ đôi chút, không thể để bà đánh mất cái tôi được.

- Mẹ à, không phải con trách gì mẹ, có những điều không nên nói vào lúc này, nhưng người đã đi rồi, nói ra cũng chẳng sao. Con cảm thấy, mẹ quá để tâm đến ông ta!

Mẹ nhìn tôi:

- Y Y, ông ấy ra đi nhất định không chịu cởi bộ quần áo mà con mua cho. Suốt nửa tháng trời ông ấy cứ mặc bộ quần áo đó!

Mẹ từ từ nằm xuống, hai mắt đờ ra nhìn ra xa, khẽ lắc đầu:

- Y Y, con không hiểu, con hoàn toàn không hiểu. Con có biết bao nhiêu năm nay, mẹ luôn chờ mong ông ấy về, chờ đến tận lúc già cỗi rồi. Vừa mới có hi vọng được chăm sóc ông ấy vài ngày thì ông ấy lại ra đi. Cái số của ông ấy chẳng được hưởng phúc, ngay cả con gái ruột của mình cũng chẳng dám nhận, thật vô dụng…

Giọng nói của bà nhỏ dần, hai mắt ngân ngấn nước, những giọt nước mắt lặng lẽ trào ra, làm ướt đẫm cả khuôn mặt.

Tôi cảm thấy có gì đó không ổn, liền hỏi dì hai:

- Mẹ cháu nói vậy là có ý gì?

Dì hai cúi đầu không nói.

Tôi hơi mất kiểm soát. Tôi nên sớm phát hiện ra vấn để. Ánh mắt ông ấy mỗi lần nhìn tôi, những điều ông ấy không nói ra lời trước khi lâm chung… Tôi lay mẹ tôi, hỏi:

- Mẹ, mẹ có chuyện gì giấu con phải không?

Huyện Tử Trúc trước đây gọi là Hợp tác xã nhân dân Hà Khẩu, đầu những năm tám mươi mới đổi tên như hiện nay. Cách xa Hợp tác xã nhân dân Hà Khẩu nhất là Hợp tác xã Kiến Đông.

Kiến Đông có một đội diễn văn nghệ, gọi là đoàn văn công. Đoàn văn công hàng ngày vẫn thường đến các nơi biểu diễn, trong đó có một cô gái hát rất hay tên là Mạc Huệ. Cô rất xinh đẹp, là cột trụ trong đoàn văn công. Có một lần, đoàn văn công đến một hợp tác xã khác biểu diễn. Mạc Huệ hát xong vừa bước xuống khỏi sân khấu, bỗng nhiên có một thanh niên dúi vào tay cô mấy quả mận, chưa để cô kịp từ chối đã chạy biến mất.>

Chàng trai nọ thường đi một chặng đường rất dài đến tận Kiến Đông để nghe Mạc Huệ hát, cho dù trời mưa bão cũng không ngăn được anh. Mỗi lần đều mang cho cô một món quà nhỏ, ví dụ như khoai lang hay mấy quả hạnh. Lần nào cũng đỏ mặt không nói gì, tặng quà xong là đi ngay.

Sau vài lần, Mạc Huệ cũng nhớ mặt anh chàng này. Anh chàng nọ tên là Châu Hồng Tân, sau khi tốt nghiệp trung học, vì thành phân gia đình không tốt nên không được tham gia quân đội, phải ở nhà làm nông. Hai người đều 18, 19 tuổi, là thời điểm tình đầu mới chớm nở, chẳng mấy chốc đã tiến tới quan hệ yêu đương.

Thành phần gia đình mẹ đẻ Châu Hồng Tân không tốt, thường bị mang ra phê bình, còn bố Mạc Huệ lại là quân nhân xuất ngũ, đã từng ra trận, là một người đàn ông quyết đoán, nói một là một. Ông nói, nếu Mạc Huệ đi theo Châu Hồng Tân, ông quyết từ con. Mạc Huệ trong lúc tuyệt vọng đã uống thuốc sâu tự tử tại nhà nhưng bị người nhà phát hiện kịp thời nên không chết.

Để khiến Mạc Huệ từ bỏ, người nhà cô nhanh chóng tìm cho cô một đối tượng, là một người đàn ông ở Hợp tác xã Hà Khẩu, trong nhà có rất nhiều ruộng đất và ba gian nhà ngói.

Mấy ngày trước khi Mạc Huệ bị gả đi, cô phát hiện ra mình có thai.

Năm con gái lên chín tuổi, chồng cô bị tai nạn qua đời.

Châu Hồng Tân đổi tên, lấy một cô gái chủ nhiệm hợp tác xã, trở thành thầy giáo một trường bổ túc trong thôn, về sau lại học sư phạm nên được trở thành giáo viên chính thức. Chỉ có điều vợ anh không thể sinh con, hai người nhận nuôi một cô con gái từ Hà Nam. Năm con gái được mười lăm tuổi, vợ Châu Hồng Tân bị tai nạn xe và qua đời.

Những ngày tháng sau đó cứ lặng lẽ trôi đi, hết ngày này qua ngày khác, thấm thoắt đã hơn ba mươi năm. Nhưng hon ba mươi năm nay, Mạc Huệ không một lần tái giá, Châu Hồng Tân cũng không lấy vợ thêm lần nào nữa.

Mạc Huệ không thể nào ngờ rằng, minh lúc 50 tuổi, một cơ hội tình cờ đã khiến cho Châu Hồng Tân xuất hiện trước mặt bà. Lúc này, chàng trai trẻ năm nào đã trở thành một ông già mặt đầy nếp nhăn, đầu tóc lốm đốm bạc. Người đàn ông ấy chính là người đàn ông mà bà ngày đêm thương nhớ suốt ba mươi năm nay.

Mạc Huệ chính là mẹ tôi, còn Châu Hồng Tân chính là Châu Đại Quốc. Ông ấy có một cô con nuôi, tên là Châu Ái.

Tôi bình tĩnh nghe hết câu chuyện, ngồi ngây ra đó, cảm thấy toàn thân như bị rút hết sức lực, nhẹ bẫng đi, giống như một làn khói trên hương án. Tôi đã hiểu mẹ tôi, giờ nghĩ lại tất cả mới thấy thật tự nhiên và hợp lý. Trên đời này, hóa ra chẳng có tình yêu và nỗi hận nào là vô duyên vô cớ cả.

Cái cảm giác này giống như có một ngày, bỗng có một người chỉ vào bồ đựng thóc mà bạn đã ăn bao nhiêu năm nay và nói rằng cái đó chỉ dùng để kỳ chân mà thôi.

Tôi rất buồn ngủ, toàn thân mệt nhoài chẳng còn chút sức lực, chỉ muốn đi ngủ. Tôi nhìn thấy có rất nhiều người đang cười nhạo tôi, chỉ tay vào tôi, xì xầm và cười nhạo, không chỉ có thế, mấy gã đạo sĩ cũng vây lấy tôi, bọn họ giương nanh múa vuốt, nhảy nhót và hò hét trước mặt tôi. Bên tai tôi như vang lên một tiếng còi dài, giống như tiếng còi tàu hỏa xé tai. Một lát sau, những đạo sĩ kia biến mất, bầu trời ngập trong ánh sáng của những con đom đóm, nhấp nháy. Tôi hốt hoảng ngồi thụp xuống, không sao đứng lên được...

Tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà, chẳng muốn nói nửa lời. Tôi chẳng còn sức mà mở miệng nữa. Tôi cố nhớ lại khuôn mặt của Châu Đại Quốc nhưng càng cố nhớ thì hình ảnh càng thêm mơ hồ. Tôi rất cố gắng để nhớ lại những câu đối thoại nhạt nhẽo và ít ỏi giữa chúng tôi, chẳng giữ lại được gì, cũng chẳng đem đi được cái gì. Tôi bật lên tiếng gào trong lòng. Tôi hi vọng kỳ tích sẽ xuất hiện, tôi hi vọng ông ấy sẽ bị tiếng gào khóc trong đêm làm cho tỉnh giấc, sau đó đến trước mặt tôi, khuôn mặt tuấn tú, khỏe mạnh, đôi lông mày rậm, đôi mắt to và nụ cười hiền lành. Nhưng vô ích, chúng tôi đã bị cách biệt ở hai thế giới, mãi mãi không thể gặp lại.

Đây là nỗi tiếc nuối nhất mà cả cuộc đời này chúng tôi không thể bù đắp.

Nghĩ đến những chuyện nà khiến cho người ta cảm thấy hoang đường. Bố tôi đã chết, thế mà tôi đã đứng một bên với tư cách một người ngoài, giương mắt nhìn một người ngoài thật sự đang sắp xếp việc tang lễ cho bố mình.

Cuộc sống luôn lừa dối tôi bằng phương pháp này. Cái cảm giác này không biết là buồn hay là buồn đến xé gan xé ruột, khiến cho người ta nơm nớp lo sợ, giống như một con chim sợ cành cong, chẳng biết chỉ một giây sau đó sẽ xảy ra chuyện gì.

Ai đang khóc ở một nơi nào đó trên thế giới này