Tuyết - Chương 26 - Phần 01

NGHÈO KHỔ KHÔNG PHẲI LÀ LÝ DO
KHIẾN CHÚNG TÔI ĐẾN VỚI THƯỢNG ĐẾ

Tuyên bố của Lam, gửi cho phương Tây


Trong khi nằm trên xe ngựa nghe tiếng bánh cao su lăn rộn rã trên tuyết Ka nghĩ ra những câu đầu của một bài thơ mới. Đúng lúc ấy chiếc xe nảy lên khi leo vỉa hè và dừng lại. Sau một hồi im lặng khá lâu đủ để Ka nghĩ thêm mấy vần nữa, người xà ích nâng tấm bạt lên và Ka thấy một khoảng sân trống trải phủ tuyết, cạnh đó là các xưởng sửa ôtô, xưởng hàn và một chiếc máy kéo hỏng. Một con chó mực bị xích ở góc sân nhìn thấy người chui ra dưới tấm bạt và đón chào bằng một tràng sủa. 

Họ qua cánh cửa bằng gỗ cây hồ đào. Sau cánh cửa thứ hai, Lam đang đứng nhìn qua cửa sổ xuống mảnh sân đầy tuyết. Mái tóc nâu ngả đỏ, những chấm tàn hương trên mặt và cặp mắt xanh thẳm của anh vẫn khiến Ka ngỡ ngàng như trong lần gặp đầu tiên. Vẻ đơn sơ trong phòng và mấy đồ đạc đã gặp (vẫn cái lược chải đầu, túi xách để ngỏ, gạt tàn nhựa với hình hoa kiểu Ottoman trên rìa và hàng chữ "Ersin Elektrik" như bữa nào) gần như gây ấn tượng là Lam không chuyển nơi ở trong đêm qua. Nhưng trên mặt anh, Ka thấy một nụ cười lạnh lùng đánh dấu đã ghi nhận những diễn biến từ hôm qua. Ông hiểu ngay là Lam tự chúc mừng mình đã thoát khỏi tay phe đảo chính. 

"Ông đừng viết về các thiếu nữ tụ sát nữa," Lam nói. 

"Tại sao?" 

"Bên quân đội cũng không muốn ai viết về họ, như tôi vậy!" 

"Tôi không phải phát ngôn viên của quân đội." Ka dè dặt đáp lại. 

"Tôi biết." Họ căng thẳng quan sát nhau một lúc. 

"Hôm qua ông kể với tôi là ông sẽ viết về các thiếu nữ tự sát trên báo phương Tây," Lam nói. 

Câu nói dối nho nhỏ ấy khiến Ka phát ngượng. 

"Ông viết cho báo nào của phương Tây?" Lam hỏi. "Ông có người quen ở tờ báo Đức nào?" 

"Ở tờ"Fankfurter Rundschau," Ka trả lời. 

"Quen ai?" 

"Một nhà báo dân chủ người Đức." 

"Ông ấy tên gì?" 

"Hans Hansen," Ka nói và quấn chặt vạt áo choàng hơn nữa. 

"Tôi có một tuyên bố gửi tới Hans Hansen, phản kháng cuộc đảo chính quân sự," Lam nói. "Chúng ta không có nhiều thì giờ đâu, tôi muốn ông ghi lại ngay." 

Ka bắt đầu viết ra đằng sau cuốn vở chép thơ. Lam cho biết từ khi bắt đầu cuộc đảo chính ở nhà hát đã có tối thiểu tám chục người bị sát hại (con số chính xác, kể cả những người bị bắn chết trong nhà hát, là mười bảy), tường thuật vụ tấn công vào nhà riêng và trường học, trong đó có chín (chính xác: bốn) nhà ổ chuột bị xe tăng đè nát, thông báo về học sinh chết trong khi bị tra tấn và các cuộc giáp chiến ở mấy ngõ phố mà Ka chưa nghe nói bao giờ. Trong khi chỉ nói sơ qua về hậu quả đối với người Kurd thì anh ta có cường điệu tác động đối với người Hồi giáo chính trị và nói, ông thị trưởng và ông giám đốc trường đại học sư phạm bị phe chính phủ bắn chết để tạo tiền đề cho cú đảo chính này. Theo ý anh, tất cả những gì xảy ra chỉ nhằm "ngăn cản thắng lợi của người Hồi giáo chính trị trong cuộc bầu cử dân chủ". Trong lúc Lam chứng minh cho thực tế này bằng một số sự kiện như cấm hoạt động một số đảng, các hiệp hội v.v. Ka nhìn vào mắt Kadife đang lắng nghe một cám chăm chú và cảm phục và vẽ lên lề mấy trang giấy mà ông sẽ xé ra khỏi vở. Những hình ảnh và phác họa cho thấy ông đang nhớ đến Ipek: cổ và tóc một phụ nữ, phía sau là những nét vẽ ngây ngô thể hiện một ngôi nhà có khói bay lên từ ống khói... Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có lần Ka nói với tôi, khi phải đối diện với những thực tế đáng sợ mà ông biết là có thật, nhưng sẽ làm tổn hại đến thơ mình, một nhà thơ giỏi sẽ buộc phải dạt ra lề, và chỉ ở đó mới nghe thấy được thứ âm nhạc kỳ bí sinh ra nghệ thuật của ông. 

Mặc dù vậy Ka thấy vài câu của Lam hay đến nỗi ông chép nguyên từng chữ: "Không phải như người phương Tây vẫn tưởng, nghèo khó không phải lý do khiến thúng tôi đến với Thượng đế, mà vì chúng tôi khao khát hơn ai hết muốn biết mình đang tìm gì trên thế giới bên này và sẽ có gì xảy ra ở thế giới bên kia." Nhưng thay vì đào bới gốc rễ của sự khao khát ấy để giải thích chúng ta đang tìm gì ở thế giới bên này thì Lam kêu gọi phương Tây: "Rõ ràng phương Tây tin vào phát minh vĩ đại của mình - nền dân chủ - nhiều hơn tin vào lời Allah, vậy phương Tây có lên tiếng chống lại cuộc đảo chính quân sự phản dân chủ ở Kars không?" Anh hỏi với cử chỉ trang trọng. "Hay là dân chủ, tự do và nhân quyền không quan trọng, mà chỉ cốt sao phần còn lại của thế giới lải nhải học vẹt phương Tây? Liệu phương Tây có chịu nổi một thứ dân thủ mà những tử thù khác biệt như nước với lửa của mình giành được? Tôi muốn nói với phần còn lại của thế giới không thuộc về phương Tây: Hỡi những người anh em, các bạn không cô độc..." Anh ngừng lời một lát. "Liệu bạn ông ở báoFrankfurter Rundschau có công bố hết những thứ này không?" 

"Chỉ nhắc đến phương Tây như một cá nhân với một quan điểm thì không hay đâu." Ka thận trọng phát biểu. 

"Nhưng tôi tin là thế." Lam nói. "Chỉ có một phương Tây duy nhất với một quan điểm duy nhất. Quan điểm kia là của chúng tôi." 

"Nhưng người phương Tây không sống như thế." Ka phản biện. "Khác với ở đây, người phương Tây không tự hào là mình tư duy giống mọi người. Tất cả mọi người, cho đến một chủ tiệm bé nhất, đều vỗ ngực là mình có chính kiến riêng. Vì vậy có thể kêu gọi lương tri của họ hữu hiệu hơn nếu nói 'các nhà dân chủ phương Tây' thay vì 'phương Tây'." 

"Thôi được, ông làm gì cho đúng thì làm. Có cần chữa lại chỗ nào để được đăng không?" 

"Càng về phần cuối nghe càng giống một lời kêu gọi hơn là một thông tin," Ka nói. "Anh viết tên anh xuống dưới... Có lẽ thêm vài lời giới thiệu anh..." 

"Cái đó tôi đã chuẩn bị trước," Lam nói. "Ông cứ viết 'Một lãnh tụ Hồi giáo chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và Cận Đông' là đủ." 

"Hans Hansen không thể in thế được." 

"Sao?" 

"Đăng tuyên bố của một tín đồ Hồi giáo chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đơn lẻ trên tờ báo xã hội dân chủ Frankfurter Rundschau đồng nghĩa với sự thiên vị." Ka nói. 

"Nghĩa là ông Hans Hansen rụt vòi khi có gì đó không hợp ý", Lam nói. Chúng ta phải làm gì để thuyết phục được ông ấy?" 

"Ngay cả khi những người Đức dân chủ làm gì đó chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Thổ - một cuộc đảo chính thực thụ chứ không phải trong nhà hát - thì họ vẫn ngán chuyện những người họ muốn ủng hộ hóa ra là tín đồ Hồi giáo chính trị." 

"Đúng thế, tất cả đều sợ chúng ta," Lam nói. 

Ka không rõ Lam nói câu đó với niềm tự hào hay than phiền về một sự hiểu lầm. "Vì vậy lời kêu gọi này sẽ được nhanh chóng in trên tờ Frankfurter Rundschau nếu thêm chữ ký của một người cộng sản cũ, một người có tư tưởng tự do hay một người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc." 

"Vậy phải làm gì?" 

"Chúng ta nên viết lời kêu gọi cùng với hai người khác ở Kars," Ka khuyên. 

"Tôi không thể uống rượu vang để lấy cảm tình của người phương Tây." Lam nói. "Và tôi không cố giống họ để họ hết sợ tôi và chú ý đến công chuyện của tôi. Và tôi cũng không quỳ gối trước tay Hansen này bên Tây để họ thương hại chúng ta cũngnhư lũ vô thần vô đạo. Hans Hansen là ai mới được chứ? Vì sao hắn ta đặt nhiều điều kiện thế? Hắn là người Do Thái hả?" 

Im lặng. 

Lam thoáng nhìn Ka đầy căm hận vì anh ta linh cảm thấy Ka nghĩ rằng mình nói gì sai. "Dân Do Thái là nạn nhân kinh khủng nhất của sự đàn áp trong thế kỷ này," anh nói. "Trước khi sửa một chữ gì trong bản tuyên bố, tôi muốn biết tay Hans Hansen này là ai đã, ông quen hắn như thế nào?" Một anh bạn người Thổ nói với tôi là sắp có một phóng sự về Thổ Nhĩ Kỳ đăng trên báo Frankfurter Rundschau, và tác giả muốn nói chuyện với ai đó thạo tin." 

"Tại sao Hans Hansen không hỏi thẳng người bạn đó mà lại hỏi ông?" 

"Anh bạn đó không liên quan nhiều đến chuyện ấy như tôi..." 

"Ông để tôi đoán xem đó là chuyện gì nhé." Lam nói. "Tra tấn đàn áp, tình cảnh trong nhà tù, đại khái là những chuyện làm mất uy tín của chúng ta." 

"Chuyện xoay quanh các học sinh trường tôn giáo ở Malatya đã giết một người vô thần..." Ka đáp. 

"Tôi không nhớ đến vụ nào như thế," Lam tư lự nói. "Hệt như tin đồn về những người Hồi giáo hèn hạ đã giết một tên vô thần khốn nạn rồi lên ti vi khoe khoang để được nổi tiếng, lũ "chuyên gia Đông phương học" cũng ghê tởm không kém khi phóng đại tin ấy lên là có mười, mười lăm người chết để hạ thấp phong trào Hồi giáo thế giới. Nếu Hans Hansen là người như thế thì ta quên hắn ta đi còn hơn." 

"Hans Hansen chỉ muốn hỏi tôi vài câu về Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đã trả lời các câu hỏi. Một tuần sau ông ấy gọi điện thoại, mời tôi về nhà dùng bữa." 

"Có thế thôi? 

"Vâng." 

"Nghi lắm. Ông thấy gì trong nhà hắn? Hắn có giới thiệu vợ không?" Kadife ngồi bên rèm cửa kéo kín, Ka thấy giờ đây cô căng thẳng theo dõi. 

"Gia đình Hans Hansen là một gia đình dễ thương và hạnh phúc," Ka nói. "Lúc đó sắp tối. Trên đường từ tòa báo về nhà ông ta gặp tôi ở ga tàu. Nửa tiếng sau chúng tôi về đến một ngôi nhà đẹp và sáng sủa, có vườn. Họ đối xử với tôi rất thân mật. Chúng tôi ăn khoai tây với gà rán. Vợ ông ấy luộc khoai tây trước rồi bỏ lò nướng." 

"Bà ấy ra sao?" 

Ka tưởng tượng ra người bán hàng Hans Hansen ở Kaufhof."Hans Hansen tóc vàng, vai rộng, đẹp trai; Ingeborg và các con cũng tóc vàng và xinh xắn như thế." 

" Trên tường có treo thập tự không?" 

"Tôi không nhớ, không." 

"Nhất định có, chắc ông không chú ý thôi," Lam nói. "Ngược lại với tưởng tượng của những kẻ vô thần hâm mộ châu Âu, tất cả những người Âu có học thức đều rất gắn bó với đức tin và thánh giá của họ. Nhưng dân mình từ châu Âu trở về không kể lại chuyện ấy, vì họ chỉ chăm chăm chứng minh rằng ưu thế kỹ nghệ của phương Tây là thắng lợi của chủ nghĩa vô thần...Ông hãy kể đã nghe gì, nói chuyện gì ở đó." 

"Ông Hansen là người yêu văn chương, dù là công tác ở ban biên tập tin nước ngoài của Frankfurter Rundschau. Chúng tôi nói đến các nhà thơ, đất nước và lịch sử. Thời gian trôi qua lúc nào không biết." 

"Họ có thương hại ông không? Vì ông là người Thổ, một người tị nạn chính trị yếu đuối, cô đơn và nghèo khổ, và vì bọn thanh niên Đức vô công rồi nghề say rượu là tìm những người cô độc như ông để châm lửa đốt mà họ thân mật với ông chứ gì?" 

"Tôi không biết. Họ không khiến tôi nhận thấy ý tứ gì cả." 

"Ngay cả khi họ không tọc mạch và không lộ rõ ý thương hại ông thì con người vẫn có nhu cầu được thương hại. Có hàng vạn trí thức Thổ gốc Kurd ở Đức đã biến nhu cầu ấy thành nghề kiếm ăn đấy." 

"Vợ chồng Hans Hansen và các con là những người tốt. Họ niềm nở và ý tứ. Có thể vì giữ ý mà họ không để tôi nhận ra là họ thương hại tôi. Tôi mếnhọ. Giả sử họ thương hại tôi chăng nữa thì tôi cũng không lấy làm phiền lòng." 

"Có nghĩa là chuyện đó không làm tổn thương lòng tự hào của ông?" 

"Có thể có nhưng mặc dù vậy ở chỗ họ tối hôm ấy tôi rất vui." Đèn trên tường tỏa ánh sáng da cam rất dễ chịu... Dao dĩa thuộc loại tôi chưa hề nhìn thấy bao giờ, song cũng chẳng lạ lẫm khiến tôi phải ngần ngại... Máy vô tuyến bật liên tục, thỉnh thoảng họ nhìn lên màn hình, và tôi thấy như ở nhà vậy. Đôi khi họ thấy tiếng Đức của tôi không tốt lắm và giải trình lại bằng tiếng Anh. Sau bữa ăn bọn trẻ con hỏi bố bài về nhà, và bố mẹ hôn con trước khi đi ngủ.Tôi thấy dễ chịu và sau bữa ăn tôi dùng thêm một miếng bánh ngọt nữa. Không ai nhìn thấy, mà nếu nhìn thấy thì cũng coi là chuyện thường. Về sau tôi nghĩ rất nhiều về mọi chuyện." 

"Bánh ngọt loại gì vậy?" Kadife hỏi. 

"Bánh kem kiểu Vienna, nhân quả vả và sô-cô-la." 

Không ai nói gì một lúc. 

"Rèm cửa màu gì?" Kadife hỏi. "Và có họa tiết gì?" 

"Trắng ngà hoặc màu kem," Ka nói và ra vẻ cố hồi tưởng lại.Có họa tiết hình cá, hoa, gấu và đủ thứ quả sặc sỡ." 

"Loại vải cho trẻ con?" 

"Không, trông nghiêm chỉnh lắm. Tôi phải nhấn mạnh rằng họ rất hạnh phúc, nhưng họ không cười suốt buổi như ở ta, mà rất nghiêm trang. Có lẽ vì thế mà họ hạnh phúc. Đối với họ cuộc sống có một mục đích nghiêm túc, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm.Không giống ở ta, người thì cắm đầu cắm cổ làm, người thì chê ỏng chê eo. Nhưng cái nhìn nghiêm trang về mục đích đó lại giúp họ sống rất sinh động và tích cực. Họ có một niềm hạnh phúc giống như hình gấu và cá trên rèm cửa: "vui tươi và giản dị." 

"Khăn bàn màu gì?" Kadife hỏi. 

"Tôi quên rồi," Ka nói và chìm vào suy tư như cố gắng nhớ lại. 

"Ông tới nhà họ bao nhiêu lần?"Giọng Lam hơi phật ý. 

"Tối hôm đó tôi thấy hạnh phúc đến nỗi cứ mong họ mời mình đến nhà lần nữa, song Hans Hansen không hề mời lại." 

Con chó bị xích ngoài sân lại cất tiếng sủa. Lúc này Ka nhận ra vẻ sầu muộn trên mặt Kadife, còn Lam thì lộ vẻ khinh bỉ. 

"Nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện gọi điện cho họ," Ka bướng bỉnh nói tiếp. "Đôi khi tôi tưởng Hans Hansen gọi điện đến để mời tôi ăn tối nhưng không gặp tôi, lúc đó tôi sốt ruột chỉ muốn ra khỏi thư viện để chạy về nhà. Tôi ước gì được thấy lại tất cả: tấm gương đẹp ở mắc áo, bộ ghế bành mà tôi đã quên chúng có màu gì - vàng chanh thì phải, câu hỏi của họ: 'Thế này được chưa ạ?' khi cắt bánh mì trên một tấm thớt trên bàn (anh biết đấy, người Âu ăn ít bánh mì hơn dân mình), phong cảnh vùng núi Alps trên bức tường không treo thập tự. Để được ngồi đó lần nữa tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ gì." 

Ka thấy Lam nhìn mình với vẻ kinh tởm không giấu giếm. 

"Ba tháng sau, một người bạn đem tin mới từ Thổ Nhĩ Kỳ sang," Ka kể tiếp. "Lấy cớ kể cho ông ấy biết về chuyện tra tấn tàn bạo, áp bức và theo dõi, tôi gọi điện cho Hans Hansen. Ông ấy lại chăm chú lắng nghe, lại rất chu đáo và lịch sự. Báo cũng đăng một tin ngắn. Chuyện tra tấn và chết chóc không hề khiến tôi bận tâm. Tôi muốn ông ấy gọi điện. Nhưng ông ấy chẳng gọi lần nào.Nhiều lúc tôi tính gửi cho ông ấy một bức thư: 'Tôi làm gì không phải mà ông không gọi điện cho tôi lần nữa?'"