Tuyết - Chương 31 - Phần 01

CHÚNG TÔI KHÔNG NGU,
CHÚNG TÔI CHỈ NGHÈO THÔI

Cuộc gặp bí mật ở khách sạn Châu Á


Vật dụng mà Zahide vào phút chót còn đưa vào xe ngựa và Ka không nhận ra vì trời tối là đôi găng tay len đã cũ. Để lựa đồ mặc thích hợp cho cuộc gặp mặt trong khách sạn Châu Á, Turgut Bey đã trải ra giường hai áo vest từ ngày còn làm giáo viên, một chiếc màu đen và chiếc kia xám, chiếc mũ phớt vẫn đội nhân ngày lễ cộng hòa và khi đi thanh sát các trường, và cà vạt kẻ ca rô mà mấy năm nay chỉ để con trai Zahide đem ra chơi. Rồi ông đứng ngắm quần áo và các đồ trong tủ một hồi lâu. Khi Kadife thấy bố băn khoăn như một cô gái đỏm dáng không biết mặc thứ gì đến vũ hội, cô bèn đích thân chọn ra từng thứ cho ông mặc, tự tay cài khuy sơmi, giúp ông mặc áo vest và măng tô, cuối cùng còn mắm môi kéo đôi găng tay trắng bằng da chó trùm lên bàn tay nhỏ của bố. Turgut Bey nhớ ra mình có đôi găng len và đòi tìm chúng. 

Ipek và Kadife tìm trong tủ và dưới đáy hòm, nhốn nháo lục tung cả nhà lên, tìm được đôi găng thì họ loại ngay vì chúng đã bị mối gặm thủng. Trên xe ngựa, Turgut Bey khăng khăng nói không có găng thì ông không đi, ông kể rằng mấy năm trước, khi bị tù vị hoạt động chính trị, bà vợ yêu quý của ông đã đan chúng và đem vào cho ông. Kadife vốn biết rõ bố hơn chính ông biết mình, cô hiểu đằng sau nguyện vọng muốn có nó như một thứ bùa hộ thân ẩn chứa nhiều sợ hãi hơn là mối ràng buộc với ký ức. Sau khi đưa đôi găng ra, chiếc xe chuyển bánh dưới trời tuyết, và Kadife mở to mắt lắng nghe những kỷ niệm tù tội của bố tựa như bây giờ mới nghe lần đầu (chuyện ông khóc khi đọc thư vợ, tự học tiếng Pháp, đeo đôi găng này ngủ trong những đêm đông). Cô nói với ông:"Bố yêu ơi, bố là một người rất dũng cảm!" Như mỗi lần nghe câu ấy từ miệng các con gái (mấy năm nay cũng hiếm dần) mắt Turgut Bey lại ướt nhòa; ông ôm hôn Kadife trong khi lạnh dọc sống lưng. Xe ngựa rẽ vào một phố không bị mất điện. 

Turgut Bey nói lúc leo khỏi xe: "Ở đây mở nhiều cửa hàng quá nhỉ! Đợi chút, bố muốn xem mấy cửa kính bày hàng đã." Kadife hiểu là bố cô chỉ đang lên tinh thần trước khi đi đến cuộc gặp nên cũng chẳng giục ông. Turgut Bey nói, ông muốn uống một tách trà hoa đoan, và trong trường hợp có mật thám theo dõi họ thì hắn sẽ bị lúng túng. Họ vào một quán trà và lặng im theo dõi một màn đuổi bắt trên ti vi. Khi sắp ra khỏi quán, Turgut Bey nhìn thấy ông thợ cắt tóc quen ngày xưa đang ngồi gần đó, thế là họ lại quay lại bàn trà, vì ông không muốn bị một người quen nào bắt gặp đang tới chỗ Lam. Vừa ra vẻ lắng nghe ông thợ cạo to béo, Turgut Bey vừa rỉ tai con gái: "Mình có đến muộn không? Có khó coi không? Hay là không đến đó nữa?" Kadife vòng tay đỡ ông, họ không ra sân sau mà đi vào cửa hàng văn phòng phẩm và chọn lựa rất lâu trước khi lấy một chiếc bút bi màu xanh đậm. Khi họ qua cửa sau hiệu đồ điện Ersin và đi về hướng cửa sau khách sạn Châu Á, Kadife thấy mặt bố cô tái mét. 

Cửa sau khách sạn Châu Á rất yên ắng; hai bố con đứng nép sát vào nhau và đợi. Không ai theo chân họ cả. Họ đi vào được mấy bước thì bên trong rất tối, Kadife phải lấy tay sờ ra bậc thang dẫn tới tiền sảnh. "Đừng buông tay bố," Turgut Bey nói. Phòng tiền sảnh với những cửa sổ cao phủ kín rèm dày sáng lờ mờ, ánh sáng nhợt nhạt từ ngọn đèn dơ dáy ở quầy lễ tân chiếu mập mờ lên khuôn mặt mệt mỏi không cạo râu của nhân viên trong quầy. 

Trong bóng tối họ chỉ lờ mờ nhận ra vài bóng người đi lại trong sảnh hay trên gác xuống. Phần lớn những người đó là cảnh sát dân sự hay đám người buôn lậu gia súc và gỗ hoặc đưa nhân công làm chui qua biên giới. Trước đây tám mươi năm khách ở đây là các thương gia Nga giàu có, sau đó là người Thổ từ Istanbul đến buôn bán với Nga, và tình báo hai mang của Anh xuất thân quý tộc ở bờ bên kia chuyên tung gián điệp vào Liên Xô qua đường biên giới hoặc qua đất Armenia. Giờ thì đó là phụ nữ đến từ Georgia và Ukraine, với những vali đầy hàng để buôn bán, hoặc làm gái mại dâm. Đàn ông từ các làng xung quanh Kars thuê phòng cho họ rồi tới đó sống chung như vợ chồng; tối đến, khi họ ra chuyến xe buýt cuối ngày để về làng thì lũ đàn bà này mới ra khỏi phòng để kéo xuống quầy bar ở tiền sảnh tối tăm uống trà và cognac. 

Lúc Turgut Bey và Kadife đi lên cầu thang gỗ ngày xưa phủ thảm đỏ họ gặp một trong những phụ nữ tóc vàng mệt mỏi ấy. Turgut Bey rỉ tai con gái "Cả khách sạn Grandhotel ở Laussane mà Ismet Inönü ngày xưa sống cũng mang tính giang hồ như thế", và rút cây bút ra. "Bố sẽ làm như Ismet Paşa ngày xưa ở Laussane, và ký xuống dưới bản tuyên bố bằng một cây bút mới tinh." Kadife không rõ bố cô dừng ở chiếu nghỉ lâu như vậy để lấy hơi hay trì hoãn phút hiện diện. Trước cửa phòng 307 Turgut Bey nói:"Chúng ta sẽ ký tên rồi đi khỏi đây luôn." 

Trong phòng đông người đến nỗi thoạt tiên Kadife tưởng họ vào nhầm cửa. Cô thấy Lam với vẻ mặt chán chường ngồi bên cửa sổ cạnh hai nhân vật Hồi giáo chính trị trẻ và kéo bố đến chỗ anh, mời ông ngồi. Mặc dù có một bóng điện trơ trọi dưới trần và một ngọn đèn hình cá bên bàn ngủ, căn phòng không được sáng lắm. Một chiếc micro của chính phủ giấu trong một mắt của con cá làm bằng nhựa dựng đứng trên phần đuôi và ngậm bóng đèn ở miệng. 

Fazil cũng có mặt trong phòng. Cậu đứng phắt dậy khi nhìn thấy Kadife, nhưng không ngồi xuống ngay cùng những người khác cũng vừa nhổm dậy để kính cẩn chào Turgut Bey, mà ngắm cô một hồi lâu như bị thôi miên. Vài người trong phòng tưởng cậu định nói gì, nhưng Kadife thậm chí còn không nhìn thấy cậu. Cô tập trung chú ý vào không khí căng thẳng xuất hiện ngay lập tức giữa Lam và bố cô. 

Lam tin tưởng rằng họ sẽ gây được ấn tượng cho người phương Tây nếu cá nhân ký bản tuyên bố đăng trên báoFrankfurter Rundschau - một người Kurd theo thủ nghĩa dân tộc - đồng thời cũng là người vô thần. Nhưng anh chàng gầy gò nhợt nhạt mà người ta phải cố gắng lắm mới dụ được làm việc ấy không nhất trí với hai thành viên kia trong hội về chữ nghĩa trình bày bản tuyên bố. Cả ba người bây giờ ngồi đó, bức bối chờ được phép lên tiếng.Những hội đoàn - nơi tập trung thanh niên người Kurd thất nghiệp bất bình, khâm phục quân du kích Kurd trên núi và tổ chức gặp gỡ ở nhà các thành viên - liên tục bị giải thể, ban chấp hành thường xuyên bị bắt giam và tra tấn đánh đập, vì vậy sau cuộc đảo chính quân sự rất khó tìm được mấy thanh niên này. Thêm một vấn đề nữa là các chiến binh trên núi trách đám thanh niên chỉ biết sống ung dung trong các căn phòng thành phố có lò sưởi ấm áp và thỏa hiệp với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Lời buộc tội hội đoàn không cử đủ du kích tương lai lên núi đã làm nản lòng mấy thành viên ít ỏi chưa bị bắt vào tù. 

Buổi họp mặt này còn có hai người "xã hội chủ nghĩa" trên ba mươi tuổi thuộc thế hệ đi trước tham dự. Qua các thanh niên của hội người Kurd họ được biết có một bản tuyên bố gửi đến báo giới Đức, mấy thanh niên này kể tin này ra để tỏ vẻ huênh hoang và cũng phần nào nhằm xin lời khuyên. Hai nhân vật già trước tuổi này có nét gì đó nhẫn nhục, vì nhóm xã hội chủ nghĩa vũ trang ở Kars không còn ảnh hưởng mạnh như xưa nữa; họ chỉ được phép phục kích trên đường, giết cảnh sát hay đặt bom khi du kích Kurd cho phép và hỗ trợ. Họ cho rằng ở châu Âu vẫn còn nhiều người theo chủ nghĩa Marx, và đến đây tuy không được mời. Một trong hai người có dáng điệu cực kỳ buồn chán, còn người kia ngồi bên cạnh có khuôn mặt cởi mở và xử sự tự nhiên. Anh ta rất chộn rộn vì cần báo cáo chi tiết cho nhà chức trách biết. Anh làm việc đó không vì có dụng ý xấu mà vì muốn tránh cho tổ chức của mình bị nhà chức trách làm rầy rà quá đáng. Với chút xấu hổ, anh mật báo cho quân đội và cảnh sát các hoạt động mà anh khinh thường và - thường nói vớt khi mọi chuyện đã qua - cho là vô dụng, nhưng mặt khác, ở tận sâu thẳm trong trái tim mình, anh cũng tự hào vì đám nổi loạn đang bắn nhau, bắt cóc, đánh lộn, đặt bom và ám sát, vậy nên gặp ai cũng đem ra kể. 

Tất cả đều tin chắc rằng cảnh sát nghe lén phòng này hoặc tối thiểu cũng cài được vài chỉ điểm vào nhóm, vì vậy thoạt tiên không ai nói câu nào. Ai mở miệng thì chỉ ngó ra cửa sổ và nói là tuyết vẫn rơi hoặc nhắc nhở nhau đừng dụi thuốc lá trên sàn nhà. Sự im lặng này kéo dài cho đến khi bà cô mẹ một thanh niên Kurd đứng dậy, trước đó không hề được chú ý. Bà kể về đứa con trai bị mất tích (một buổi tối người ta nhấn chuông ở cửa và đem con bà đi mất). Turgut Bey không thích chuyện về người mất tích này và chỉ lõm bõm theo dõi. Ông ghê sợ những vụ thanh niên Kurd bị điệu đi thủ tiêu giữa đêm, nhưng linh tính khiến ông bực mình khi người thanh niên đó được tả là "vô tội". Kadife cầm tay bố và cố đoán ý nghĩ của Lam trên nét mặt mệt mỏi và nhạo báng của anh. Lam nghĩ là anh bị nhử vào bẫy nhưng cắn răng ngồi lại vì anh sợ người ta nghĩ xấu về mình nếu bây giờ đứng dậy rời khỏi phòng. 

Sau đó đến lượt một thanh niên "Hồi giáo chính trị" ngồi cạnh Fazil cố gắng chứng minh vụ giết hại ông hiệu trưởng đại học sư phạm do một đặc vụ của nhà nước gây ra. Chính anh ta về sau sẽ bị kết tội dính líu tới vụ án này. Rồi các nhà cách mạng phái tả thông báo dài dòng về cuộc tuyệt thực của các bạn họ trong tù. 

Sau nữa ba thanh niên của hội người Kurd mặt đỏ gay đọc một bài còn dài hơn về vị thế của văn hóa và văn học Kurd trên thế giới, và họ dọa sẽ không ký, nếu bài của họ không xuất hiện trên báo Frankfurter Rundschau

Khi bà cô vừa trình bày về đứa con mất tích của mình lớn tiếng hỏi "nhà báo người Đức" đâu mất rồi, Kadife liền lễ phép trả lời rằng Ka vẫn còn ở Kars, nhưng tránh không muốn đến để bản tuyên bố này khỏi bị cáo buộc là thiên vị. Những người khác ngạc nhiên khi thấy một cô gái lại mở miệng nói năng tự tin như thế trong một cuộc họp chính trị như thế này, và nhanh chóng cảm thấy kính trọng cô. Bà cô kia ôm lấy Kadife mà khóc nức nở, và khi được trấn an rằng cô sẽ làm mọi việc có thể để báo Đức đăng tin về đứa con bà, bà dúi vào tay cô mảnh giấy có viết tên anh ta trên đó. 

Tiếp theo, nhân vật phái tả - tên chỉ điểm với những dụng ý tốt lành - rút ra bản nháp của lời tuyên bố mà anh viết tay trên tờ giấy kẻ dòng, lấy thế đứng khá kỳ khôi và đọc. 

Văn bản dưới đầu đề "Tuyên bố gửi đến công luận châu Âu về các sự kiện ở Kars" được mọi người chú ý ngay lập tức. Sau này Fazil sẽ mỉm cười kể lại cho Ka biết cậu ta cảm thấy gì lúc ấy: "Lần đầu tiên tôi có thể tương tượng ra thành phố nhỏ bé của chúng tôi một ngày nào đó đi vào lịch sử thế giới!"Và những từ ngữ đó đã đi vào bài thơ "Toàn nhân loại và những tinh cầu" của Ka. Chỉ một mình Lam phê phán điểm này: "Chúng ta không kêu gọi châu Âu." anh giải trình. "Chúng ta kêu gọi cả thế giới. Các bạn chớ ngạc nhiên vì lời tuyên bố này không đăng ở Kars hay Istanbul, mà ở Frankfurt. Công luận ở châu Âu không phải bạn của chúng ta, mà là thù. Không phải vì chúng ta là kẻ thù của họ mà vì họ đánh giá thấp chúng ta chỉ theo bản năng." 

Nhân vật phái tả, tức người viết bản thảo này, nói không phải toàn bộ nhân loại mà chỉ là tầng lớp tư sản châu Âu đánh giá thấp chúng ta, còn lớp người nghèo và công nhân luôn đứng về phía chúng ta. Nhưng không ai tin anh ta, trừ người bạn già đời của anh. 

"Ở châu Âu không ai nghèo như thúng ta cả," một trong ba thanh niên Kurd lên tiếng giọng the thé. 

"Anh đã ở châu Âu bao giờ chưa?" Turgut Bey hỏi. 

"Tôi chưa có dịp qua châu Âu, nhưng anh rể tôi là công nhân ở Đức." 

Ai đó bật cười. Turgut Bey ngồi thẳng dậy và nói: "Ngay cả khi châu Âu mang nhiều ý nghĩa đối với tôi, tôi chưa bao giờ đến đó. Có gì đâu mà cười. Ai đã ở châu Âu rồi đề nghị giơ tay lên." Không ai giơ tay, chỉ trừ Lam từng sống bên Đức nhiều năm. 

"Nhưng tất cả chúng ta biết châu Âu có ý nghĩa gì," Turgut Bey nói tiếp. "Châu Âu là chỗ của chúng ta trong nhân loại tương lai. Vì lý do đó chúng ta có thể thay đổi đầu đề, nếu quý ngài này, - ông chỉ vào Lam -muốn đổi chữ'châu Âu'thành'nhân loại'." 

"Tương lai của tôi không phải là châu Âu," Lam mỉm cười.Cả đời tôi sẽ không nghĩ tới chuyện bắt chước người Âu và tự hạ mình chỉ vì tôi không giống họ." 

"Ở đất này không chỉ những người Hồi giáo chính trị, mà cả những người cộng hòa cũng có danh dự dân tộc," Turgut Bey nói. "Vậy thúng ta có nên thay chữ'châu Âu' thành 'nhân loại' không? 

"Tuyên bố trước nhân loại về các sự kiện ở Kars," tác giả bản thảo đọc lên. "Nghe đao to búa lớn quá." Theo đề đạt của Turgut Bey mọi người suy nghĩ có nên đổi "nhân loại" thành "phương Tây", song một thanh niên mặt đầy trứng cá ngồi cạnh Lam phản đối. Dựa vào gợi ý của cậu giọng the thé người ta nhất trí chỉ viết là "Tuyên bố"

Khác với các trường hợp tương tự, bản dự thảo lời tuyên bố rất ngắn. Không người nào phê phán những câu đầu khẳng định cuộc đảo chính quân sự đã "được dàn dựng" khi khả năng chiến thắng của các ứng viên Hồi giáo thính trị và người Kurd trong lần bầu cử sắp tới đã rành rành. Chỉ mình Turgut Bey phản đối, ông nói ở Kars làm gì có mầm mống nào của cái mà người Âu gọi là trưng cầu dân ý, chuyện thường tình là các cử tri trong đêm trước hôm đi bầu hay thậm chí trên đường đến nơi bầu cử thay đổi chính kiến vì một lý do tầm phào nào đó và bầu một đảng với chương trình đi ngược lại với những gì hôm qua họ còn ủng hộ, và do đó tốt hơn không nên nói rằng kết quả bầu cử sẽ được định trước, bởi người châu Âu sẽ không tin. 

Nhân vật phái tả, tức tên chỉ điểm đã thảo bản nháp, đáp lời ông: "Ai chả biết cuộc đảo chính diễn ra trước giờ bầu cử và nhằm thay đổi kết quả bầu cử." 

"Nhưng đó chỉ là một đoàn kịch," Turgut Bey nói. "Và họ chỉ thành công lớn vì tuyết làm tắc hết mọi ngả đường. Vài hôm nữa tất cả sẽ bình thường trở lại." 

"Nếu ông không chống cuộc đảo chính, tại sao ông ở đây?" một thanh niên khác hỏi. 

Không rõ Turgut Bey có nghe thấy câu hỏi của chàng trai bộp chộp mặt đỏ gay ngồi cạnh Lam hay không, nhưng đúng lúc đó Kadife đứng dậy (cô là người duy nhất đứng dậy khi phát biểu, không ai chú ý điều ấy, kể cả chính cô) và nói với ánh mắt quắc lên giận dữ, bố cô đã ngồi tù nhiều năm vì quan điểm chính trị của mình và lúc nào cũng sẵn sàng tranh đấu chống lại nhà nước áp bức. 

Bố cô giật nhẹ vạt áo, ra dấu hãy ngồi xuống. "Tôi trả lời cho câu hỏi của anh là: tôi đến cuộc họp này để chứng tỏ cho người châu Âu biết rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những người dân chủ với tấm lòng vì công lý," ông nói. 

"Nếu một tờ báo lớn ở Đức dành cho tôi hai dòng thì đó không phải là chuyện tôi muốn ưu tiên chứng tỏ đâu," chàng trai mặt đỏ nói giọng nhạo báng và hình như muốn nói thêm nữa nếu Lam không đặt tay lên vai anh ta cảnh báo. 

Thế là đủ khiến Turgut Bey hối hận đã đến đây. Lập tức ông tự nhủ rằng ông cũng chỉ định ghé qua rồi đi ngay. Ông đứng dậy với vẻ mặt muốn nói là đầu óc mình bận bịu với trăm nghìn chuyện khác và đi mấy bước ra phía cửa, vừa lúc ông thấy tuyết rơi trên phố Karabagh và tiến đến bên cửa sổ. Kadife đỡ tay ông, tựa như không có cô dìu thì ông không đi một mình được. Hai bố con quan sát hồi lâu chiếc xe ngựa đi qua con phố đầy tuyết, như hai đứa trẻ buồn bã đang cố quên đi một điều phiền muộn. 

Người thanh niên Kurd giọng the thé không nhịn nổi tò mò và cũng đi ra cửa sổ nhìn xuống phố. Đám người trong phòng dõi mắt theo họ, nửa kính trọng nửa bức bối. Có thể nhận ra nỗi lo cảnh sát bố ráp và không khí bất ổn nói chung. Trong lo lắng ấy, tất cả nhất trí thông qua phần còn lại của lời tuyên bố. 

Trong phần còn lại có nhận định rằng chỉ một nhóm những kẻ phiêu lưu đã chủ xướng cuộc đảo chính quân sự. Lam đã đề xuất điều này. Đề nghị nên thay vào đó cách trình bày toàn diện hơn bị phê phán là gây ấn tượng cho người phương Tây tưởng có một cuộc đảo chính xảy ra trên toàn đất Thổ. Rốt cuộc họ thỏa thuận cách viết "Cuộc đảo chính địa phương do Ankara ủng hộ". Tuyên bố cũng nhắc sơ qua chuyện đàn áp và tra tấn các học sinh trường tôn giáo, trong đó một số bị bắn chết tối hôm đảo chính hoặc bị lôi khỏi nhà và giết hại. Câu "tấn công chính diện vào nhân dân" được thay bằng"tấn công vào nhân dân, quyền toàn vẹn tinh thần và tôn giáo." Câu cuối được chữa lại, bây giờ không chỉ công luận phương Tây mà cả thế giới được kêu gọi lên tiếng phản đối nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Khi câu ấy được đọc lên, ánh mắt của Turgut Bey và Lam giao nhau một lát, và Turgut Bey cảm giác rằng Lam đang khoái trá. Lại một lần nữa ông hối hận đã đến đây. 

"Nếu không ai có ý kiến gì phê phán nữa thì chúng ta hãy ký tên luôn," Lam nói. "Vì cuộc họp mặt này có thể bị cảnh sát chấm dứt bất cứ lúc nào." 

Mọi người chen nhau đến giữa phòng để được ký tên càng nhanh càng tốt vào bản tuyên bố trông như tờ giấy nháp chằng chịt mũi tên và vòng khuyên tròn các đoạn chỉnh sửa hay gạch bỏ. Một số đã chuẩn bị ra về thì Kadife kêu lên: "Đợi một chút, bố tôi muốn phát biểu!" 

Câu đó chỉ làm tăng sự nhốn nháo. Lam ra lệnh cho cậu thanh niên mặt đỏ chặn cửa. "Không người nào ra khỏi phòng," anh ra lệnh. "Chúng ta muốn nghe Turgut Bey phê phán gì." 

"Tôi không phê phán." Turgut Bey nói. "Nhưng trước khi đặt bút ký thì tôi muốn chàng trai này cho biết một điều," ông nghĩ ngợi một lát. "Không riêng anh ta, mà tất cả mọi người trong phòng này," ông chỉ vào cậu trai mặt đỏ mới công kích ông và bây giờ đứng ngáng cửa. "Nếu câu hỏi mà tôi sắp nêu lên không được anh và sau đó tất cả ở đây trả lời thì tôi sẽ không ký." Ông quay sang Lam xem anh ta có hiểu ông quyết tâm đến mức nào. 

"Xin ông hãy hỏi đi," Lam nói. "Nếu chúng tôi biết câu trả lời thì sẽ sẵn sàng trả lời." 

"Mọi người vừa cười nhạo tôi. Bây giờ tất cả hãy nói cho tôi biết: nếu một tờ báo lớn ở Đức dành cho các vị hai dòng thì các vị sẽ nói gì? Anh kia nói trước!" 

Cậu thanh niên mặt đỏ là người to khỏe và tự tin mọi mặt, nhưng đã bị bất ngờ vì câu hỏi ấy, ánh mắt cậu ta cầu viện đến Lam, trong khi tay giữ khư khư nắm đấm cửa. 

"Anh hãy nói nhanh những gì đang nghĩ trong đầu!" Lam mỉm cười gượng gạo. "Không thì cảnh sát dọn hết chúng ta đi bây giờ." 

Cậu trai mặt đỏ hết nhìn ra xa lại nhìn qua Lam, tựa như cố nhớ ra đáp án cho câu hỏi trong một kỳ thi quan trọng mà bình thường vẫn thuộc. 

"Vậy thì tôi nói trước," Lam nói."Các quý óng quý bà phương Tây thì nhổ vào đám chúng ta... Các vị đừng chắn ánh mặt trời của tôi, có lẽ tôi sẽ nói thế là đủ... Nhưng đằng nào thì chúng ta cũng đang sống trong bóng của họ." 

"Ông không phải giúp, anh ta sẽ nói những gì chất chứa trong lòng," Turgut Bey nói. "Ông sẽ nói cuối cùng."Ông mỉm cười với chàng trai đang vặn vẹo lúng túng: "Khó đấy, vì đây là một vấn đề rối rắm, không thể giải quyết bằng tay trái được đâu."

"Viện cớ, viện cớ đây mà," một người đằng sau kêu lên. "Chắc là ông không muốn ký bản tuyên bố chứ gì." 

Ai nấy nghĩ phần riêng của mình. Một số ra cửa sổ và tư lự nhìn theo chiếc xe ngựa đi dọc phố Karabagh. Về sau, khi thuật lại khoảnh khắc "im lặng màu nhiệm" này Fazil nói: "Lúc đó gần như tất cả thắm tình hòa hảo hơn bao giờ hết." Sự im lặng này chỉ bị phá hỏng bằng một tiếng động từ trên cao, khi một chiếc phi cơ xuất hiện trong bóng tối. Trong lúc tất cả lắng nghe, Lam thì thào:"Chiếc thứ hai hôm nay rồi đấy." 

Một người kêu lên: "Tôi đi đây!" 

Đó là một người đàn ông xám ngoét mặc áo vest xám ngoét, chừng giữa ba mươi và bốn mươi, không được ai để ý đến, một trong ba người trong phòng có công việc ổn định. Ông là đầu bếp ở nhà thương an sinh xã hội và liên tục xem đồng hồ. Ông đến đây cùng các gia đìnhngườimất tích. Nhưng nguờitasaunàykểlại, anh trai ông hoạt động thính trị và một đêm bị đưa đến đồn cảnh sát lấy cung rồi không quay về. Nghe đồn là ông này cố xin "giấy chứng tử" của nhà nước để cưới bà chị dâu xinh đẹp. Nhưng một năm sau vụ mất tích khi ông đến trình bày thì đều bị Sở cảnh sát, cơ quan mật vụ, phòng Công tố và câu lạc bộ sĩ quan mời ra cửa. Từ hai tháng nay ông nhập cuộc với các gia đình người mất tích không hẳn vì ý trả thù mà vì đó là những người duy nhất khả dĩ bàn đến đề tài nọ.