Người giúp việc - Chương 13-P1

TUẦN TIẾP ĐÓ, ba người chúng tôi lại ngồi đúng vị trí cũ trong căn phòng khách nhỏ ấm cúng nhà Aibileen. Minny sồng sộc bước vào, giọng dịu dần khi kể chuyện cho Aibileen nghe, sau đó lại lao đi trong giận dữ sôi sục, nhanh không kém gì lúc đến. Tôi cố gắng ghi lại chi tiết: hết mức có thể.

Có những lúc Minny vô tình hở miệng nhắc đến Celia - “Cô ta lẻn lên gác, tưởng cháu không nhìn thấy, nhưng cháu biết, mụ đàn bà điên khùng ấy đang làm chuyện gì mờ ám lắm” - cô lập tức im bặt, y như Aibileen khi bác ấy nói tới Constantine. “Đấy không phải là chuyện tôi muốn nói. Cô bỏ ngay cô Celia ra cho tôi.” Cô săm soi tôi cho đến khi tôi ngừng viết.

Ngoài nỗi căm hờn dành cho người da trắng, Minny rất thích nói về chuyện nấu nướng. “Này nhé, cháu bỏ đỗ xanh vào trước, tiếp đến cháu cho sườn vào đảo, chà chà, cháu thích xào sườn cho thật nóng, cô biết rồi đấy.”

Một hôm, cô đang kể, “… một tay cháu cắp đứa bé da trắng, đậu xanh trong nồi thì...” đột nhiên cô ngưng bặt, hất hàm về phía tôi, bàn chân gõ gõ xuống sàn.

“Phân nửa những chuyện này đều chẳng có liên quan gì đến quyền lợi của người da màu cả. Rặt những công việc hàng ngày.” Cô nhìn tôi từ đầu đến chân. “Xem ra cô đang viết truyện đời thì phải.”

Tôi dừng bút. Cô ấy nói đúng. Tôi chợt nhận ra đó chính là điều tôi muốn làm. Tôi đáp, “Tôi hy vọng thế.” Cô đứng dậy và nói cô còn nhiều việc quan trọng cần làm hơn là những thứ tôi hy vọng.

BUỔI TỐI HÔM SAU, lúc tôi đang ngồi làm việc trên phòng, tay lọc cọc gõ lên chiếc máy chữ Corona thì đột nhiên nghe thấy tiếng mẹ chạy rầm rập lên cầu thang. Chỉ sau có hai giây, mẹ đã đứng trước cửa phòng tôi. Mẹ thì thào, “Eugenia!”

Tôi đứng phắt dậy, nhanh đến nỗi chiếc ghế rung lên lập bập, cố gắng che đi những đoạn văn tôi đang đánh máy dở “Dạ vâng?”

“Đừng cuống nhé, nhưng ở dưới nhà có một anh chàng một anh chàng rất cao - muốn gặp con đấy.”

“Ai ạ?”

“Anh ta nói tên anh ta là Stuart Whitworth?

“Gì ạ?”

“Anh ta nói các con đã gặp nhau một tối cách đây ít lâu, nhưng làm sao có chuyện đó được, mẹ chẳng biết gì cả..,”

“Lạy Chúa.”

“Đừng có lôi Chúa ra vô ích, Eugenia Phelan. Tô ít son nhanh lên.”

“Mẹ tin con đi,” tôi nói, dù vẫn bôi son lên môi. “Đến Chúa cũng chẳng ưa nổi anh ta đâu.”

Tôi chải lại tóc vì biết trông nó khiếp lắm. Tôi còn rửa sạch những vết mực máy chữ và bút xóa dính đầy trên hai bàn tay và khuỷu tay. Nhưng tôi không thay đồ, không phải lễ nghi với kẻ như anh ta.

Mắt mẹ quét khắp lượt chiếc quần yếm cùng cái áo sơ mi trắng cũ mèm của bố mà tôi đang mặc trên người. “Anh ta là người họ Whitworth ở Greenwood hay Natchez?”

“Anh ta là con trai ngài nghị sĩ bang.”

Mồm mẹ há hốc ra thảng thốt, cằm dễ phải chạm đến chuỗi hạt đeo trên cổ. Tôi bước xuống cầu thang, đi qua những tấm ảnh chân dung chụp hai anh em hồi bé treo dàn hàng. Ảnh của Carlton xếp thành một đường ngang trên tường, bức mới nhất có lẽ vừa được chụp hôm kia. Còn tôi chỉ có ảnh đến lúc lên mười hai. “Mẹ, mẹ để bọn con nói chuyện riêng một chút nhé.” Tôi nhìn mẹ chậm chạp lê bước trở về phòng của bà, còn cố quay lại nhìn vớt một lần cuối trước khi biến mất hẳn.

Tôi bước ra ngoài, và anh ta ở đó. Ba tháng sau cuộc hẹn, và kia, chính là Stuart Whitworth, đứng trên hiên trước nhà tôi trong chiếc quần kaki và áo khoác xanh lơ cùng một cái cà vạt đỏ như thể đã sẵn sàng cho một bữa tối ngày Chủ nhật.

Đồ khốn.

“Cái gì đã đưa anh đến đây vậy?” Tôi hỏi nhưng không cười. Tôi không cười với anh ta.

“Tôi chỉ... tôi muốn ghé qua.”

“Ra thế. Để tôi hầu anh chút gì lót giọng nhé?” tôi hỏi mỉa. “Hay tôi mang cho anh cả chai Old Kentucky luôn cho tiện?”

Anh ta cau mày, mũi và trán hồng rựng lên, như thể vừa phải làm việc dưới nắng. “Cô nghe này, tôi biết chuyện xảy ra... cũng đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn muốn đến đây để xin lỗi.

“Ai bảo anh đến đây - Hilly à? Hay William?” Trên hiên nhà kê tới tám cái ghế bập bênh còn trống, nhưng tôi không mời anh ta ngồi vào cái nào cả.

Anh ta đưa mắt nhìn ra cánh đồng bông phía tây, nơi mặt trời đang chìm dần xuống đất. Anh ta đút hai tay vào túi quần trước như một thằng bé mười hai tuổi. “Tôi biết hôm đó mình đã cư xử... rất thô thiển, và tôi cũng đã nghĩ về chuyện đó rất nhiều và...”

Tôi cười phá lên. Tôi quá xấu hổ khi anh ta dám vác mặt đến đây và khơi lại những chuyện cũ.

“Cô nghe tôi đi,” anh ta nói, “tôi đã bảo chị Hilly cả chục lần là tôi chưa sẵn sàng để hẹn hò. Thực ra là tôi rất không sẵn sàng...”

Tôi nghiến răng. Tôi không thể tin nổi sống mũi mình đang cay xè; cuộc hẹn đã lùi xa hàng mấy tháng trời kia mà. Nhưng tôi vẫn nhớ tối hôm đó mình đã cảm thấy bị rẻ rúng biết chừng nào, tôi đã cố gắng chải chuốt ăn diện đến nực cười, chỉ vì anh ta. “Đã thế anh còn vác mặt đến làm gì?”

“Tôi không biết.” Anh ta lắc đầu. “Cô biết tính Hilly rồi đấy .”

Tôi đứng đó chờ nghe bất cứ lý do gì khiến anh ta đến đây. Anh ta lùa tay qua mái tóc nâu nhạt. Tóc anh ta dày quá, nom gần như rễ tre. Trông anh ta thật mệt mỏi.

Tôi nhìn lảng đi chỗ khác vì anh ta dễ thương quá, kiểu dễ thương của một thằng bé già tuổi và đó không phải là điều tới muốn nghĩ đến ngay lúc này. Tôi muốn anh ta đi về - tôi không muốn nếm trải lại cảm giác ê chề này một lần nữa, song tôi lại nghe thấy chính giọng mình nói, “Chưa sẵn sàng, ý anh là sao?”

“Chỉ là chưa sẵn sàng thôi. Sau những gì vừa xảy ra.”

Tôi nhìn anh ta chằm chằm. “Anh còn muốn tôi phải đoán ư?”

“Tôi và Patricia van Devender. Chúng tôi đính hôn năm ngoái và sau đó... tôi tưởng cô biết rồi.”

Anh ta gieo mình xuống một chiếc ghế. Tôi không ngồi xuống bên cạnh anh ta nhưng cũng chẳng đuổi anh ta về.

“Sao, cô ấy bỏ anh đi với người khác à?”

“Trúng rồi đấy.” Anh ta úp mặt lên hai tay, rền rĩ. “So với những chuyện vừa xảy ra, thgọi là một bữa đại tiệc Mardi Gras mới xứng tầm.”

Tôi không dám cho phép mình nói ra điều mình muốn, rằng dù cô ta có làm gì đi chăng nữa, thì có lẽ cũng đáng đời anh lắm, song trông anh ta khổ sở quá. Giờ đây, khi tất cả những cuộc trò chuyện anh anh chú chú sặc mùi rượu mạnh đã bốc hơi hết, tôi bỗng tự hỏi phải chăng lúc nào anh ta cũng thảm hại như thế.

“Chúng tôi đã yêu nhau từ hồi mười lăm tuổi. Cô biết cảm giác thế nào rồi đấy, khi mình gắn bó với một người duy nhất trong khoảng thời gian dài đến vậy.”

Tôi không biết tại sao mình lại thú thực, trừ việc tôi chẳng còn gì để mất cả. “Thành thật mà nói, tôi không biết,” tôi nói. “Tôi đã yêu ai bao giờ đâu.”

Anh ta ngước lên nhìn tôi, gần như bật cười. “Đấy, chính là cái đấy.”

“Cái đấy là cái gì?” Tôi gồng mình lên, nhớ lại chuyện phân bón và cái máy kéo.

“Cô rất... khác. Tôi chưa bao giờ gặp ai dám nói thẳng những gì họ đang nghĩ trong đầu. Đúng hơn là chưa gặp phụ nữ nào như thế.”

“Tin tôi đi, tôi còn rất nhiều điều muốn nói nữa cơ.”

Anh ta thở dài. “Khi thấy khuôn mặt cô, lúc cô đứng cạnh chiếc xe tải... tôi không phái người như thế. Tới thật sự không thô lỗ đến thế.”

Tôi nhìn lảng đi chỗ khác, thẹn thùng. Tôi bắt đầu xiêu lòng bởi những gì anh ta nói, rằng mặc dù tôi khác biệt, song có lẽ không phải theo kiểu kỳ quặc hay bất bình thường của những đứa con gái cao kều. Mà là theo chiều hướng tích cực.

“Tôi ghé qua để hỏi xem cô có muốn vào thị trấn ăn tối với tôi không. Chúng ta có thể nói chuyện một chút,” anh ta nói và đứng dậy. “Lần này chúng ta có thể... tôi không biết, lắng nghe đôi bên chẳng hạn.”

Tôi đứng đó, sững sờ. Đôi mắt anh ta xanh biếc, trong veo, và đóng đinh lên tôi như thể câu trả lời của tôi thực sự rất quan trọng đối với anh ta. Tôi hít vào một hơi thật sâu, dợm miệng đáp có o vì cớ gì một đứa như tôi lại nỡ từ chối kia chứ - còn anh ta cắn môi, chờ đợi.

Và đột nhiên tôi nhớ ra anh ta đã đối xử với tôi như cỏ rác. Anh ta đã nốc rượu như điên, quá ngán ngẩm vì bị gán ghép với tôi. Tôi nhớ tới lúc anh ta nói người tôi có mùi phân. Tôi đã mất trời mới thôi không nghĩ về lời bình phẩm đó nữa.

“Không,” tôi buột miệng. “Cảm ơn anh. Nhưng tôi thực sự không thể nghĩ ra điều gì tệ hơn thế nữa.”

Anh ta gật đầu, mắt nhìn xuống chân, rồi chậm chạp bước xuống bậc thềm.

“Tôi xin lỗi,” anh ta vừa nói, vừa mở hé cánh cửa xe. “Tôi đến cốt để nói vậy và, đấy, tôi nghĩ mình đã nói xong rồi.”

Tôi đứng trên hiên nhà, lắng nghe những âm thanh xôn xao của buổi tối, tiếng sỏi lạo xạo dưới bàn chân Stuart, mấy con chó chạy trong ánh chiều chạng vạng. Trong phút chốc, tôi bỗng nhớ tới Charles Gray, nụ hôn duy nhất trong đời tôi từng được nếm. Tôi đã đẩy anh ấy ra, chẳng hiểu vì đâu tôi đã tin chắc rằng nụ hôn đó không phải dành cho mình.

Stuart ngồi vào xe và cánh cửa đóng sập lại. Anh ta chống tay lên, khuỷu tay chìa hẳn ra ngoài cửa sổ để ngỏ, song mắt vẫn nhìn xuống.

“Chờ một chút,” tôi hét lên. “Để tôi mặc thêm cái áo len đã.”

CHẲNG AI BẢO CHÚNG TÔI, những cô gái hiếm khi hẹn hò, rằng cảm giác khi nhớ lại cũng ngọt ngào không kém gì thực sự nếm trải những gì đã xảy ra. Mẹ hì hục leo lên tận tầng ba và đứng bên giường tôi, nhưng tôi vờ như đang ngủ. Vì tôi chỉ muốn nhớ thêm một chút nữa.

Hôm trước, chúng tôi đã lái xe đến khách sạn Robert E. Lee để ăn tối. Tôi mặc chiếc áo len màu xanh lơ và một cái chân váy bó màu trắng. Thậm chí tôi còn để mẹ chải tóc cho mình, cố bỏ ngoài tai những lời căn dặn rắc rối, phức tạp của mẹ.

“Nhớ phải cười nhiều vào. Đàn ông không thích mấy cô cứ suốt ngày ủ ê sưng sỉa lên đâu, mà đừng có ngồi ệnh ra như bọn da đỏ, nhớ bắt chéo...”

“Mẹ, bắt chéo chân hay mắt cá...”

“Mắt cá chân. Ngần ấy nghi thức học ở lớp cô Rheimer mà con chẳng chịu nhớ tí gì à? Đừng ngại nói dối cậu ấy là Chủ nhật nào con cũng đi lễ nhà thờ, và làm gì thì làm, đừng nhai đá viên ngay trước mặt người ta, mất lịch sự lắm. À, mà khi nào câu chuyện có vè loãng, thì con hãy kể cho cậu ta nghe về ông anh họ xa của con, cái cậu đang làm ủy viên hội đồng thành phố ở Kosciusko ấy...”

Vừa miệt mài chải vàải và vuốt, mẹ vừa luôn miệng lục vấn, hỏi tôi gặp anh ấy như thế nào rồi đã có chuyện gì xảy ra trong lần hẹn trước, song tôi đã kịp lỉnh đi và phi xuống tầng dưới, chính tôi cũng run bần bật vì kinh ngạc và lo lắng. Đến khi tôi và Stuart vào đến khách sạn, ngồi xuống ghế và trải khăn ăn lên đùi, thì người bồi bàn nói họ sắp đóng cửa. Họ sẽ chỉ phục vụ chúng tôi món tráng miệng.

Stuart bỗng đâm ra trầm tư.

“Em... muốn gì, Skeeter?” Anh hỏi còn tôi gần như muốn toát mồ hôi hột, hy vọng anh ấy không định nốc say bí tỉ như lần trước.

“Em uống Co-Cola. Nhiều đá.”

“Không.” Anh ấy cười. “Ý anh là... trong đời em cơ. Em mong muốn gì?”

Tôi hít một hơi thật sâu, tôi biết nếu là mẹ, mẹ sẽ khuyên tôi đáp là: những đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, một người chồng để yêu thương chăm sóc, những món đồ gia dụng mới tinh bóng loáng để tôi có thể nấu những bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng. “Em muốn theo nghiệp viết lách,” tôi đáp. “Nhà báo. Hoặc có thể là nhà văn. Hoặc cả hai.”

Anh ngước lên và nhìn tôi, mắt đối mắt.

“Anh thích thế,” anh nói và rồi cứ nhìn tôi trân trân như vậy. “Anh đã nghĩ đến em rất nhiều. Em thông minh, em xinh đẹp, em...” - anh cười - “...cao.”

Xinh đẹp?

Chúng tôi ăn bánh kem dâu và mỗi người uống một ly Chablis. Anh ấy nói cho tôi nghe làm cách nào để biết có mạch dầu bên dưới một cánh đồng bông, còn tôi kể bà tiếp tân và tôi là hai người phụ nữ duy nhất ở tòa báo.

“Anh hy vọng em sẽ viết được một tác phẩm thật hay. Về điều gì đó em thực sự tin tưởng.”

“Cảm ơn anh. Em... cũng mong thế.” Tôi không đả động gì đến Aibileen hay bà Stein.

Tôi hầu như chưa có cơ hội được nhìn sát tận mặt mấy người đàn ông và tôi nhận thấy da anh ấy dày hơn da tôi và hao hao màu vỏ bánh mì nướng rất đẹp; những sợi lông hoe vàng cứng đơ trên má và cằm anh ấy dường như đang đâm lên từ từ ngay trước mắt tôi. Người anh ấy tỏa ra mùi bột hồ. Như gỗ thông vậy. Và mũi anh ấy cũng đâu có nhọn lắm.

Người bồi bàn đứng ở góc phòng ngáp ngắn ngáp dài, nhưng cả hai chúng tôi đều lờ tịt anh ta và cố ngồi nán lại để chuyện trò thêm. Và đến lúc tôi thầm ước giá như sáng nay mình chịu gội đầu thay vì chí tắm qua quít và cảm thấy may mắn vô cùng vì ít ra mình cũng đã đánh răng, thì đột nhiên, anh ấy hôn tôi. Ngay giữa nhà hàng khách sạn Robert E. Lee, anh ấy hôn tôi thật chậm bằng khuôn miệng rộng mở và từng tế bào trong cơ thể tôi - da, xương đòn gánh, xương kheo, tất thảy mọi bộ phận trên người tôi, đều ngập chìm trong ánh sáng.

VÀO MỘT BUỔI CHIỀU THỨ HAI, vài tuần sau cuộc hẹn với Stuart, tôi ghé qua thư viện trước khi tới cuộc họp của Hội phụ nữ. Bên trong tòa nhà sực lên thứ mùi gây gây như ở trường tiểu học - mùi buồn chán, mùi hồ dán, và mùi những bãi nôn ọe được tẩy bằng Lysol. Tôi đến để lấy thêm sách cho Aibileen, tiện thể tìm xem đã có cuốn sách nào về người giúp việc trong gia đình từng được xuất bản chưa.

“Ồ kìa, chào cậu, Skeeter!”

Lạy Chúa tôi. Đó là Susie Pernell. Hồi còn ở trung học, chắc cô ta phải được bầu là đứa lắm mồm nhất trường. “Chào... Susie. Cậu làm gì ở đây thế?”

“Tớ trực ở đây cho ban chấp hành Hội, nhớ không? Lúc nào đó cậu cũng thử làm mà xem, Skeeter, vui lắm ấy! Cậu được đọc tất cả tạp chí số mới nhất, rồi sắp xếp giấy tờ, lại con được ép cả thẻ thư viện nữa chứ.” Susie ra sức tạo dáng bên chiếc máy màu nâu khổng lồ, làm như cô nàng đang tham gia chương trình Hãy chọn giá đúngtrên tivi không bằng.

“Hay quá nhỉ.”

“Vậy, tôi có thể giúp cô tìm gì đây, thưa quý cô? Chúng tôi có truyện trinh thám, tiểu thuyết lãng mạn, sách hướng dẫn trang điểm, sách hướng dẫn làm tóc,” cô ta ngừng nói, đoạn rặn ra một nụ cười toe toét, “trồng hoa hồng, trang trí nhà cửa...”

“Tớ chỉ định ngó nghiêng tí thôi, cảm ơn cậu nhé.” Tôi vội đánh bài chuồn. Tôi sẽ tự biết cách xoay xở. Làm sao tôi có thể nói hở cho cô ta biết mình đang tìm gì. Ngay lúc này đây tôi đã có thể nghe thấy tiếng cô ta xì xào trong buổi họp mặt Hội, Em biết ngay con bé Skeeter Phelan đấy có vấn đề mà, nó đang kiếm tư liệu về người da màu đấy...

Tôi săm soi mấy quyển danh mục sách và lướt qua các kệ giá, nhưng không tìm thấy gì liên quan đến người giúp việc. Ở gian sách nghiên cứu, tôi nhác thấy một quyển Frederick Douglass, người nô lệ Mỹ. Tôi vồ lấy, háo hức muốn đưa cho Aibileen ngay, nhưng khi giở ra, tôi thấy phần giữa đã bị xé mất. Trong ruột, đã có ai đó viết mấy chữ SÁCH MỌI Đ bằng bút sáp tím. Bản thân dòng chữ không khiến tôi bức bối bằng việc nó được viết với những nét nguệch ngoạc, trông như chữ của một đứa lớp ba. Tôi ngó nghiêng xung quanh, rồi bỏ tọt quyển sách vào túi. Như thế xem ra tốt hơn là trả nó lại trên giá.

Trong phòng sách Lịch sử Mississippi, tôi cố tìm thứ gì đó ít nhiều phản ánh mối quan hệ sắc tộc nhưng chỉ tìm thấy các cuốn sách về nội chiến, bản đồ, và danh bạ điện thoại cũ. Tôi kiễng chân lên để nhìn xem trên giá cao có gì. Đó là khi tôi phát hiện ra một cuốn sách nhỏ, nằm ở phía cuối ngăn trên cùng của giá sách Thống kê các trận lũ tại thung lũng sông Mississippi. Một người có tầm vóc trung bình chắc sẽ không bao giờ nhìn thấy được. Tôi lấy xuống để xem bìa. Cuốn sách mỏng dính, in trên giấy vỏ hành, mép hơi quăn, được đính lại bằng ghim dập. Trên bìa ghi “Tuyển tập các điều luật Jim Crow của miền Nam.” Tôi bèn lật tờ bìa đầy những chữ đao to búa lớn ấy sang một bên.

Cuốn sách chỉ đơn giản là một danh sách các điều luật quy định những gì người da màu được và không được làm, được phân theo các bang miền Nam. Tôi đọc lướt qua trang đầu tiên, bối rối không hiểu sao nó lại ở đây. Giọng điệu của các điều luật không hăm dọa, cũng không mời gọi, chỉ đơn thuần liệt kê sự việc:

Không một ai được quyền đòi bất kỳ nữ y tá da trắng nào phục vụ trong phòng bệnh hoặc khu bệnh có bệnh nhân người Phi.

Một người da trắng kết hôn với bất kỳ ai thuộc tộc người nào khác ngoài da trắng đều là trái pháp luật. Bất kỳ cuộc hôn nhân nào vi phạm điều luật này đều không có giá trị pháp lý.

Không một thợ cắt tóc da màu nào được phép phục vụ các phụ nữ và trẻ em gái da trắng.

Nhân viên quản trang không được phép chôn bất kỳ người da màu nào trong khu vực dành riêng cho việc chôn cất người da tráng.

Các loại sách không được phép lưu chuyển giữa các trường da màu và da trắng, song có thể tiếp tục được tái sử dụng bởi những người cùng sắc tộc với nhóm người sử dụng đầu tiên.

Tôi đọc qua bốn trong số hai mươi lăm trang, gần như bị thôi miên bởi ngần ấy điều luật tồn tại chỉia cắt chúng tôi. Người da màu và người da trắng không được phép dùng chung vòi nước, rạp chiếu phim, nhà vệ sinh công cộng, sân bóng, bốt điện thoại, rạp xiếc. Người da màu kông được mua thuốc ở cùng một hiệu thuốc hoặc mua tem ở cùng một ô cửa với tôi. Tôi nhớ đến Constantine, có lần cả gia đình tôi đưa bác ấy cùng đi lên Memphis và đường cao tốc khi ấy gần như ngập chìm dưới làn nước lũ, song chúng tôi vẫn phải lái xe đi tiếp vì biết rằng các khách sạn sẽ không cho bác ấy vào. Tất cả mọi người trong chúng tôi đều biết những luật lệ đó, chúng tôi sống ở đây kia mà, nhưng chúng tôi không đề cập đến chúng. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy các điều luật viết trên giấy trắng mực đen.

Quán ăn trưa, hội chợ, bàn bi a, bệnh viện. Riêng điều luật bốn mươi bảy tôi phải đọc lại đến lần thứ hai, vì sự trớ trêu của nó.

Ban quản trị phải dành riêng một tòa nhà biệt lập trên một khu đất biệt lập để những người mù thuộc chủng da màu có thể dễ dàng phân biệt.

Sau vài phút, tôi buộc mình ngừng đọc. Tôi giơ cuốn sách lên tính cất trở lại giá, tự nhủ rằng mình đâu có định viết sách về luật pháp miền Nam, đọc thêm cũng chỉ phí thời giờ. Song đột nhiên tôi ngộ ra, như thể có một lớp vỏ nứt bung ra trong đầu tôi, chẳng có gì khác biệt giữa những điều luật của chính phủ và việc Hilly xây cho Aibileen một phòng vệ sinh riêng trong gara, ngoại trừ những chữ ký phê chuẩn của chính quyền bang mà người ta chỉ mất vỏn vẹn mười phút là ký xong.

Ở trang cuối, tôi đọc được dòng chữ in Tài sản của thư viện luật bang Mississippi. Cuốn sách đã bị trả nhầm chỗ. Tôi viết nguệch ngoạc khám phá của mình lên một mảnh giấy và kẹp nó vào giữa cuốn sách: Jim Crow và kế hoạch xây nhà vệ sinh của Hilly - có gì khác đâu? rồi nhồi nó vào sâu trong túi. Susie Vita hắt xì hơi sau chiếc bàn kê ở đầu kia gian phòng.

Tôi xoay người đi ra cửa. Tôi có một cuộc họp Hội phải tham dự trong ba mươi phút nữa. Tôi dành cho Susie một nụ cười thân thiện quá mức. Cô ta đang thì thầm to nhỏ gì đó trẽn điện thoại. Mấy cuốn sách ăn trộm trong túi tôi như rung lên, bỏng rẫy.

“Skeeter,” Susie bỗng rít lên, mắt trợn tròn. “Tớ nghe nói cậuđi chơi với Stuart Whitworth, có thật không?” Cô ta nhấn giọng vào chữ cậu ghê quá, khiến tôi không tài nào giữ nổi nụ cười của mình nữa. Tôi vờ như không nghe thấy gì và bước về phía ánh nắng rực rỡ. Đời tôi chưa từng một thứ gì, trước ngày hôm nay. Tôi khá hả dạ, khi đó lại chính là ca trực của Susie.

CÕI HOAN LẠC của mỗi người chúng tôi rất khác nhau, tôi và hai cô bạn, âu cũng là điều dễ hiểu. Elizabeth ngày đêm còng lưng trước máy khâu, cố sao để cuộc đời mình trông như đồ hiệu, không một tì vết. Với tôi là ở bên chiếc máy chữ, viết ra những áng văn đanh thép sôi sục mà tôi không bao giờ có đủ can đảm để nói ra thành lời. Và với Hilly là ở sau chiếc bục diễn thuyết, nói với sáu mươi lăm chị em phụ nữ rằng ba hộp thức ăn mỗi cháu là chưa đủ để làm no lòng tất cả các PSCA(7). Tức là trẻ em nghèo đói vùng châu Phi. Dẫu vậy, Mary Joline Walker lại cho rằng ba là quá nhiều.

“Mà làm thế có đắt đỏ quá không, tội gì phải chuyển ngần ấy hộp thức ăn sang tận Ethiopia?” Mary Joline hỏi. “Ta cứ gửi luôn một tấm séc sang đó chẳng tiện hơn à?”