Hình hài yêu dấu - Chương 06 phần 2

Chuyện gặp nhau trở thành thông lệ. Hôm nào bố cậu Ray đi dạy thì Ruth mang cho cậu ít rượu Bourbon trong cái chai bẹt(23) của ông bố; bằng không thì có trà ngọt. Cả hai rét nhưng dường như họ chẳng bận tâm.

23. Loại chai rất mỏng, đút túi áo, cho những ai thường xuyên cần rượu.

Họ trò chuyện về thân phận người ngoại quốc sống ở Norristown như thế nào. Họ đọc to những bài trong hợp tuyển của Ruth. Họ trao đổi cách trở thành người mình muốn - trong nghề nghiệp. Ray muốn trở thành bác sĩ. Ruth muốn trở thành họa sĩ hoặc thi sĩ. Họ thành lập một hội kín với những kẻ khá lập dị nữa tìm thấy trong lớp. Trong số đó đương nhiên có những đứa như Mike Bayles đã hít quá nhiều a-xít(24) đến nỗi không ai hiểu làm sao nó vẫn đi học nổi, hay Jeremiah từ bang Lousiana chuyển về đây và cũng dân ngoại quốc y như Ray vậy. Rồi đến những đứa trầm tĩnh hơn. Có Artie luôn hăng say giải thích cho bất cứ ai muốn nghe về tác hại của chất formaldehyde(25). Có Harry Orland cả thẹn đến nỗi chỉ mặc quần đùi tập thể dục bên ngoài quần jeans. Cả Vicki Kurt nữa, ai cũng tưởng đã bình thường lại sau khi bà mẹ qua đời, nhưng Ruth có lần bắt gặp nó nằm ngủ trên lớp lá thông gom lại lót lưng, phía sau trạm biến điện thế của trường. Và đôi khi họ nói về tôi.

24. A-xit: nói tắt của Lysergic Acid Diethylamide tức LSD một loại ma túy.

25. Formaldehyde: chất khí dùng để khử trùng, chế biến chất dẻo, độc tố có thể gây ung thư.

“Thật lạ”, Ruth nói. “Ý tớ muốn nói, mình với Susie học cùng lớp từ vườn trẻ, nhưng mãi đến hôm ở hậu trường sân khấu trong nhà hát hai đứa mới nhìn nhau lần đầu tiên.”

“Cô ấy rất tuyệt,” Ray nói. Cậu nghĩ tới lúc môi chúng tôi chạm phớt vào nhau khi chỉ có hai đứa đứng bên dãy tủ cá nhân. Tôi nhắm mắt nhưng miệng vẫn mỉm cười rồi sau đó gần như bỏ chạy như thế nào. “Bạn có nghĩ là họ sẽ tìm ra tên sát nhân không?”

“Chắc sẽ tìm ra thôi. Cậu biết đấy, chỗ mình ngồi đây chỉ cách nơi xảy ra án mạng độ trăm thước chứ mấy.”

“Mình biết”, cậu nói.

Hai người ngồi trên cái vành sắt ở bãi ném tạ, cầm ly trà trong bàn tay đeo găng. Cánh đồng ngô đã trở thành một nơi không ai lai vãng nữa. Khi có quả bóng bị đá lạc sang thì mới có một cậu làm gan sang lượm. Rồi buổi sáng ấy mặt trời lên cao dần, rọi qua các thân ngô khô héo nhưng chẳng có chút hơi ấm nào.

“Tớ nhặt được cái này đây,” cô nàng nói, chỉ vào đôi găng da.

“Bạn có bao giờ nghĩ đến Susie không?” cậu hỏi.

Hai người lại im lặng.

“Nghĩ luôn đấy chứ,” Ruth nói. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. “Cậu biết không, đôi khi mình nghĩ Susie thật may mắn. Mình ghét sống ở đây.”

“Tớ cũng thế,” Ray đáp. “Nhưng tớ đã từng sống ở nhiều nơi khác. Đây chỉ là địa ngục tạm thời, không phải vĩnh viễn.”

“Bạn muốn nói…”

“Cô ấy đang ở trên thiên đường, nếu bạn tin điều đó.”

“Thế bạn không tin à?”

“Mình không tin, không.”

“Tớ tin đấy,” Ruth nói. “Không phải tin ba cái chuyện thiên thần chắp cánh, nhưng tin là thiên đường có thật.”

“Thế cô ấy hạnh phúc chứ?”

“Đó là thiên đường, phải không nào?”

“Nhưng nghĩa là thế nào chứ?”

Nước trà giờ lạnh buốt răng, và hồi chuông đầu vang lên. Ruth nhìn vào đáy ly trà nhoẻn miệng cười. “Như bố mình thì ông sẽ bảo như thế có nghĩa là cô nàng đã thoát khỏi cái hố phân này rồi.”

Khi bố tôi gõ cửa nhà Ray Singh, bà Ruana mẹ của Ray làm ông ngạc nhiên đến thoảng thốt. Không phải vì bà ân cần chào đón ngày từ đầu, bà chẳng có vẻ gì hân hoan cả, nhưng có cái gì đó trong mái tóc huyền, trong đôi mắt xám và cả trong cái cách lạ lùng như thể bà lùi lại sau khi đã mở cửa, đã làm ông choáng ngợp.

Trước đó ông có nghe cảnh sát thoải mái kháo nhau về bà. Theo họ bà lạnh lùng và kênh kiệu, kẻ cả, kỳ cục. Ông hình dung sẽ gặp một con người như thế.

“Mời ông vào chơi,” bà nói khi ông xưng tên. Nghe cái tên Salmon trong mắt bà như có những cánh cửa, không phải đóng sập lại, mà mở ra dẫn lối vào những không gian còn tăm tối mà ông rất mong là người đầu tiên được thăm viếng.

Ông gần như mất thăng bằng khi bà dẫn vào gian phòng ngoài chật hẹp, đầy đồ đạc. Trên sàn la liệt sách xếp gáy hướng lên trên, thành ba hang dọc theo tường. Bà mắc áo choàng Sari màu vàng, bên dưới trông như chiếc quần bằng hang thêu kim tuyến. Chân trần. Bà đi qua tấm thảm, dừng lại trước đi văng. “Ông uống gì nhé,” bà hỏi và ông gật đầu.

“Ông thích uống nóng hay lạnh ạ?”

Bà cho xin thứ gì nóng.”

Khi bà rẽ sang phòng bên nằm khuất tầm mắt, ông ngồi xuống chiếc đi văng phủ vải nâu kẻ ô. Những cửa sổ đối diện ông, bên dưới xếp đầy sách, được che bằng những tấm màn dài hàng Mu-xơ-lin khiến ánh sáng chói chang phải khó nhọc mới lọt qua được. Đột nhiên ông thấy ấm người, hầu như quên bẵng lý do vì sao sáng nay ông phải kiểm tra lại hai lần địa chỉ nhà Singh.

Một lúc sau, khi bố tôi đang nghĩ sao mình mệt thế và đã hứa với mẹ tôi là sẽ ghé hiệu hấp tẩy lấy một số quần áo để đó từ lâu, thì bà Singh trở ra với khay trà, đặt lên tấm thảm trước mặt ông.

“Chúng tôi chưa sắm sửa nhiều bàn ghế. Tiến sĩ Singh vẫn đang tìm chỗ làm dài hạn.”

Bà sang phòng bên cạnh lấy cho mình cái gối bọc vải tía, đặt xuống thảm đối diện với ông.

“Tiến sĩ Singh là giáo sư đại học ạ?”, bố hỏi, tuy đã biết mười mươi, biết rõ cả về người đàn bà nhan sắc này và ngôi nhà bàn ghế sơ sài, nên ông cảm thấy hơi ngượng.

“Vâng”, bà trả lời rồi rót trà. Im lặng. Bà nâng tách trà mời, khi ông cầm lấy thì bà nói: “Ray cùng đi với bố nó hôm con gái ông bị sát hại.”

Ông choáng váng tý nữa ngã chúi lên người bà.

“Hẳn đó là lý do ông đến đây,” bà bói tiếp.

“Vâng”, ông trả lời, “tôi muốn nói chuyện với cháu.”

“Cháu đi học chưa về,” bà bảo. “Ông biết giờ giấc nhà trường mà.” Bà gập đôi chân trong quần kim tuyến sang một bên. Móng chân bà để dài, không tô màu, các đầu ngón chân chai đi sau nhiều năm tập múa.

“Tôi muốn ghé thăm và cả quyết với bà rằng tôi biết cháu vô can,” bố tôi nói. Tôi chăm chú nhìn ông. Chưa bao giờ tôi thấy ông như thế này. Câu chữ thốt ra như những gánh nặng ông trút xuống, những động từ và danh từ lâu nay bị kiềm giữ, nhưng ông mải nhìn đôi bàn chân bà khum trên mặt thảm nâu xám, nhìn những đốm nắng yếu ớt lọt qua rèm cửa vuốt ve má phải của bà.

“Cháu nó không hề làm điều gì sai trái cả, và cháu phải lòng cháu gái nhà ông. Tình ở tuổi học trò nhưng vẫn là tình yêu.”

Thứ tình học trò này mẹ của Ray gặp mãi rồi. Như cậu nhỏ đi bỏ báo, quăng vào hiên nhà rồi dừng xe đạp ngóng, hi vọng rằng bà đứng gần cửa khi nghe tiếng tờ báo Thông tin bang Philadelphia rơi phạch xuống hiên. Mong bà ra lấy, mong bà vẫy chào. Bà không cần phải mỉm cười, và bà hiếm khi cười khi ra khỏi nhà - chỉ cần cậu thấy ánh mắt bà, dáng đi vũ nữ công của bà, cách bà khoan thai như cân nhắc từng động tác

Khi cảnh sát đến đây tìm kẻ sát nhân, họ đã lấn ca lấn cấn bước vào trong cái tiền sảnh tối tăm, nhưng Ray còn chưa xuống hết cầu thang thì bà Ruana đã làm họ bối rối, khiến họ vui vẻ ngồi trên đệm bọc lụa dùng trà. Họ yên trí bà sẽ kể lể huyên thuyên, điều họ quen thấy ở các người đàn bà xinh đẹp khác, thế nhưng họ càng tìm cách lấy lòng thì bà càng tỏ thái độ không khoan nhượng, bỏ ra đứng cạnh cửa sổ suốt thời gian họ lục vấn con trai mình.

“Tôi mừng cho Susie có được một cậu trai dễ mến thương nó,” bố tôi nói. “Tôi muốn cảm ơn con trai bà.”

Bà mỉm cười, không để lộ hàm răng.

“Cậu ấy có viết cho cháu một bức thư tỏ tình,” ông nói tiếp.

“Đúng thế.”

“Ước gì tôi đã linh cảm chuyện này để cũng làm như thế,” ông nói. “Để bảo với con tôi vào ngày cuối của đời nó rằng tôi thương nó lắm.”

“Vâng.”

“Nhưng con bà đã làm được điều đó.”

“Vâng.”

Hai người nhìn nhau một lúc.

“Chắc hôm đó bà làm cảnh sát tức điên nhỉ,” ông vừa nói vừa tủm tỉm cười, với mình hơn là với bà.

“Họ đến đây để buộc tội Ray,” bà trả lời. “Tôi không bận tâm về chuyện họ nghĩ gì về tôi.”

“Hẳn lúc đó cậu con trai bà khổ tâm lắm nhỉ,” bố tôi bảo.

“Không, tôi không cho phép bất cứ ai làm nó buồn phiền”, bà nghiêm giọng và đặt tách trà xuống khay. “Ông không cần thương hại Ray hay chúng tôi.”

Bố tôi lắp bắp định chống chế.

Bà khua tay. “Ông mất đứa con gái yêu và đến đây với một chủ đích nào đó. Tôi chấp nhận, song chỉ điều đó thôi, còn nếu ông muốn thử tìm hiểu cuộc sống của chúng tôi thì tôi không cho phép.”

“Tôi không hề có ý xúc phạm bà,” ông trả lời, “tôi chỉ…”

Bà lại giơ tay lên lần nữa.

“Hai mươi phút nữa Ray sẽ về đến đây. Tôi sẽ chuẩn bị tinh thần cho cháu trước, sau đó ông có thể trò chuyện với cháu về con gái của ông.”

“Tôi có nói gì đâu nào?”

“Tôi không thích mua sắm bàn ghế gì cho nhiều. Như vậy sẽ dễ cho tôi nếu một ngày nào đấy phải quyết định thu vén rời khỏi nơi này.”

“Tôi mong ông bà sẽ ở lại đây,” bố tôi nói, vì từ nhỏ ông được dạy lễ phép, ông cũng giáo dục tôi như thế, nhưng ông nói vậy vì phần nào đó ông mong đợi nhiều hơn từ phía người đàn bà lạnh lùng nhưng không thật lạnh lùng này, từ tảng đá nhưng không phải tảng đá này.

“Ông thật tử tế,” bà bảo, “nhưng ông đâu biết gì về tôi. Bây giờ chúng ta cùng đợi Ray về.”

Bố tôi đã rời nhà ngay giữa lúc Lindsey và mẹ tôi cãi nhau. Mẹ tôi cứ cố ép Lindsey cùng đi bơi với bà ở hồ tắm Y(26). Chẳng buồn cân nhắc, Lindsey tru tréo gào lên: “Con thà chết còn hơn!”. Bố tôi thấy mẹ lặng người đi, rồi òa khóc, bà nức nở chạy vào phòng ngủ sập cửa lại. Ông lặng lẽ nhét quyển sổ tay vào túi áo khoác, lấy chìa khóa xe móc ở cửa sau rồi lẻn ra ngoài.

26. Y: viết tắt của YWCA – Young Women’s Christian Association – Hội thanh nữ công giáo.

Trong hai tháng đầu bố mẹ tôi mỗi người một hướng. Người này ở nhà thì người kia đi. Bố tôi ngủ gật trên chiếc ghế màu xanh lục trong phòng làm việc, khi tỉnh dậy ông rón rén vào phòng ngủ, chui vào giường. Nếu mẹ tôi đã kéo hết chăn thì ông cứ thế nằm không, co quắp, sẵn sàng bật dậy bất cứ lúc nào, sẵn sàng đối phó với mọi thứ.

“Tôi biết kẻ nào đã giết con tôi,” ông nghe thấy tiếng mình nói với bà Ruana Singh.

“Ông đã cho cảnh sát biết rồi chứ?”

“Rồi.”

“Thế họ nói sao?”

“Họ bảo tạm thời không có gì cho thấy hắn có liên quan đến vụ án mạng, ngoài sự nghi ngờ của tôi.”

“Sự nghi ngờ của một người cha…” bà bỏ lửng câu nói.

“Cũng mạnh không kém trực giác của một bà mẹ.”

Lần này khi mỉm cười bà để hé chút răng.

“Hắn là hàng xóm.”

“Ông định làm gì?”

“Tôi đang điều tra mọi manh mối,” bố tôi đáp, thừa biết giọng mình lúc ấy thế nào.

“Và con trai tôi…”

“Là một manh mối.”

“Có thể tên đàn ông kia làm ông quá sợ.”

“Nhưng tôi phải làm gì chứ,” ông phản đối.

“Chúng ta trở lại khởi điểm, ông Salmon ạ,” bà nói. “Ông hiểu nhầm ý tôi. Tôi không nói việc ông đến đây là sai. Trong chừng mực nào đó thì việc này đúng thôi. Ông muốn tìm chút gì đấy êm ái, chút gì đấy ấm áp trong tất cả những chuyện này. Sự điều tra của ông đã đưa ông tới đây. Điều đó tốt thôi. Tôi chỉ băn khoăn không biết nó cũng tốt cho con trai tôi hay không thôi.”

“Tôi không có ý làm gì cháu đâu.”

“Tên hắn là gì?”

“George Harvey.” Đây là lần đầu tiên ông nói to tên hắn cho một người khác nghe, ngoài Len Fenerman.

Không nói gì thêm, bà đứng lên, quay lưng về phía bố tôi, bước tới cửa sổ đầu tiên rồi cửa sổ kia kéo màn. Bà thích ánh nắng vào quãng giờ tan học. Bà ngóng chờ Ray trên đường về nhà.

“Ray về kia rồi. Tôi ra đón cháu. Xin lỗi ông, tôi phải khoác áo xỏ giày.” Bà ngừng một lát rồi nói tiếp. “Ông Salmon ạ, ở địa vị ông tôi cũng sẽ làm y như ông vậy: tôi sẽ kể với những ai tôi thấy cần, tôi sẽ không tiết lộ tên hắn cho quá nhiều người biết. Khi biết chắc rồi,” bà nói, “tôi sẽ tìm một cách êm thấm giết hắn.”

Ông nghe tiếng bà vọng ngoài tiền sảnh, tiếng các móc áo bằng kim loại lách cách lúc bà lấy áo choàng. Vài phút sau có tiếng cửa mở ra rồi sập lại. Một luồng gió lạnh từ ngoài lùa vào, rồi ông thấy trên đường một bà mẹ đón con trai. Hai mẹ con đều không cười. Đầu họ cúi thấp, môi mấp máy. Ray được cho biết là bố tôi đang chờ cậu trong nhà.

Mới đầu cả tôi lẫn mẹ tôi đều nghĩ rằng Len Fenerman khác những người kia là điều ai cũng thấy. Ông ta nhỏ nhắn hơn những viên cảnh sát cao lớn dềnh dàng mặc sắc phục thường tháp tùng ông. Thế nhưng còn có những đặc điểm khó thấy hơn - chẳng hạn cách ông ta hay trầm tư suy nghĩ, ít pha trò, luôn nghiêm trang khi đề cập đến tôi hay những chi tiết liên quan đến vụ này. Nhưng khi trò chuyện với mẹ tôi, Len Fenerman đã tự bộc lộ ông là người như thế nào: một con người lạc quan. Ông tin chắc kẻ giết tôi trước sau cũng sẽ bị bắt.

“Có lẽ chưa phải hôm nay hay ngày mai đâu,” ông bảo với mẹ tôi, “nhưng một ngày nào đó, hắn sẽ có hành động bất cẩn. Loại người này thường không làm chủ được thói quen của họ.”

Mẹ tôi phải một mình tiếp chuyện Len Fenerma, chờ bố tôi từ gia đình Singh về. Trên bàn trong phòng sinh hoạt chung lô bút chì màu của Buckley nằm lăn lóc trên tờ giấy gói đồ mẹ tôi để đó. Buckley và cu Nate vẽ mãi cho đến lúc buồn ngủ đầu rũ xuống như những bông hoa nặng trĩu, mẹ tôi phải bế từng đứa, đặt nằm trên đi văng. Hai đứa nằm ngủ ở đó, đầu mỗi đứa một phía, chân gần chạm nhau quãng giữa đi văng.

Len Fenerman đủ lịch lãm nên đã hạ giọng thì thầm nhưng mẹ tôi để ý thấy ông ta không phải là người yêu thích trẻ con. Ông ta nhìn bà bế hai đứa bé chứ không đứng dậy giúp một tay hay nhận xét về chúng, như các nhân viên cảnh sát khác vẫn nhận xét về bà qua những đứa con, cả đứa còn sống lẫn đứa đã chết.

“Anh Jack có chuyện muốn nói với ông,” mẹ tôi nói. “Nhưng chắc là ông quá bận không đợi được.”

“Cũng không bận lắm đâu.

Tôi thấy một lọn tóc đen bà giắt sau vành tai tuột ra, làm khuôn mặt bà dịu hơn. Tôi thấy ông Len cũng nhận ra điều ấy.

“Nhà tôi đến nhà cậu Ray Singh đáng thương,” bà nói và giắt lại lọn tóc vừa vương ra.

“Tôi rất tiếc đã phải thẩm vấn cậu ta,” Len nói.

“Đúng thế”, bà bảo. “Chẳng cậu nào lại có thể…” Bà không nói chữ đó ra được mà ông không đòi bà phải nói.

“Không thể bác bỏ được bằng chứng ngoại phạm của cậu ta.”

Mẹ tôi nhặt một cây bút chì màu trên tờ giấy gói đồ. Len Fenerman nhìn mẹ tôi vạch những đường thẳng thành hình người và chó. Buckley và Nate ngáy khe khẽ trên đi văng. Em tôi nằm co người như bào thai trong bụng mẹ, một lúc sau cho ngón tay cái vào miệng mút. Mẹ vẫn dặn chúng tôi phải tập cho em bỏ cái tật đó đi. Giờ đây bà thèm được yên bình thảnh thơi như em.

“Bà làm tôi nhớ đến vợ tôi,” Len lên tiếng sau một lúc lâu im lặng, trong lúc đó mẹ tôi vẽ một con chó màu cam và một thứ trông như con ngựa màu xanh da trời bị điện giật.

“Bà ấy cũng không biết vẽ à?”

“Hồi đó nhà tôi thường kiệm lời, nếu cô ấy không có gì đáng để nói.”

Vài phút nữa trôi qua. Mẹ vẽ một mặt trời như quả bóng màu vàng. Một ngôi nhà màu nâu trồng hoa trước cửa - hồng, xanh da trời, tía.

“Sao lại hồi đó?”

Hai người cùng nghe tiếng mở cửa nhà xe. “Nhà tôi mất không lâu sau khi chúng tôi lấy nhau,” ông nói.

“Bố!” Buckley la lên, bật dậy, quên cả cu Nate lẫn mọi người.

“Tôi rất lấy làm tiếc,” bà nói với Len.

“Tôi cũng thế,” ông nói, “về chuyện cháu Susie. Thật đấy.”

Bố tôi vui vẻ chào Buckley và Nate ở hậu sảnh, ông kêu “Dưỡng khí của bố ơi!” như luôn vẫn kêu khi bị ba chị em tôi bám vai bá cổ sau một ngày làm việc đằng đẵng. Ngay cả khi thấy mình chỉ đóng trò thì chuyện ra vẻ hồ hởi trước em trai tôi thường là lúc ông vui thú nhất trong ngày.

Trong lúc bố tôi từ sau nhà đi ra phòng sinh hoạt chung, mẹ tôi đăm đăm nhìn Len Fenerman. Ra ngay chỗ bồn rửa bát đi mẹ, tôi muốn nói với bà rằng mẹ hãy ngó xuống lỗ thoát nước và nhìn vào lòng đất. Con đang đợi dưới đó; con đang ở trên này quan sát.

Len Fenerman là người đầu tiên yêu cầu mẹ tôi đưa tấm ảnh tôi chụp ở trường lúc cảnh sát vẫn tin rằng tôi vẫn còn sống. Trong ví ông, nó nằm chung với một sấp ảnh khác. Giữa những ảnh trẻ con và người lạ là tấm ảnh của vợ ông. Vụ nào xong rồi, ông ghi ngày tháng giải quyết sau tấm ảnh. Vụ nào chưa xong - đó là theo ý ông, chứ không phải trong hồ sơ chính thức của cảnh sát - phía sau ảnh vẫn để trống. Phía sau ảnh tôi không ghi gì hết. Sau ảnh vợ ông cũng chẳng có gì.

“Chào ông Len, ông mạnh khỏe chứ?” bố tôi hỏi. Con Holiday nhổn dậy, vẫy đuôi đòi bố tôi vuốt ve.

“Tôi nghe nói ông đến gặp Ray Singh,” Len nói.

“Hai chú nhóc này, sao không lên phòng Buckley mà chơi đi?” mẹ tôi bảo. “Thanh tra Fenerman với bố cần nói chuyện.”