Hình hài yêu dấu - Chương 07 - 08

“BỒ CÓ THẤY CHỊ ẤY KHÔNG?” BUCKLEY HỎI Nate lúc cả hai leo thang lên gác, theo sau là con Holiday. “Chị tớ ấy”.

“Không”, Nate trả lời.

“Chị ấy đi vắng ít ngày, nhưng bây giờ về rồi. Ta chạy đua nào!”

Thế là cả ba - hai cậu bé và con chó - chạy ào lên đoạn thang dài uốn khúc.

Tôi chưa từng cho phép mình thương nhớ Buckley, sợ rằng nó có thể thấy bóng hình tôi hiện ra trong gương hay nắp chai. Như mọi người khác, tôi cố che chở em. “Nó còn bé quá mà”, tôi nói với Franny. “Thế theo cháu thì lũ bạn mà bọn trẻ con vẫn tưởng tượng từ đâu mà ra?”, bà vặn lại.

Hai cậu bé ngồi vài phút dưới bức phù điêu tấm bia mộ lông khung treo ngoài phòng ngủ của bố mẹ tôi. Của một ngôi mộ trong một nghĩa trang ở Luân Đôn. Mẹ kể cho Lindsay và tôi rằng bố mẹ tìm tranh treo tường; trong tuần trăng mật hai ông bà gặp một bà cụ chỉ cho cách in vỗ phù điêu mộ bia. Năm tôi lên mười, phần lớn phù điêu mộ bia này được đem cất dưới hầm, các mảng trống trên những bức tường ngoại ô của chúng tôi được trám bằng những bức đồ họa sặc sỡ mà người ta cho là sẽ kích thích trí tuệ của trẻ con. Nhưng Lindsay và tôi lại ưa các bức phù điêu mộ bia, nhất là bức treo trên chỗ cu Nate và Buckley ngồi xế trưa hôm đó.

Giá còn sống, tôi và Lindsey sẽ nằm dài trên sàn ngay dưới bức tranh đó. Tôi giả làm chàng hiệp sĩ trong tranh, còn Holiday là con chó trung thành nằm cuộn mình dưới chân chàng. Lindsey đóng vai cô vợ góa. Vở kịch luôn kết thúc bằng những tràng cười sặc sụa dù mở đầu trang nghiêm mấy đi nữa. Lindsey sẽ giãi bày với chàng hiệp sĩ quá cố rằng người vợ phải tiếp tục sống, không thể bị giam hãm cả phần đời còn lại bởi người chồng đã chết khô xác. Tôi bèn nổi cơn thịnh nộ, nhưng không đóng trò này được lâu. Cuối cùng cô vợ mô tả người tình mới của mình như sau: một gã đồ tể béo phị biếu nàng toàn thứ thịt thượng hạng, hay anh thợ rèn khéo tay biết làm cho nàng cái móc cài áo. “Hiệp sĩ ơi, chàng đã chết rồi,” Lindsey nói. “Đã đến lúc em phải đi tiếp đây.”

“Tối hôm quá chị tớ vô phòng hôn lên má tớ đấy,” Buckley kể.

“Làm gì có chuyện đó”

“Có mà”

“Thật không?”

“Thật”

“Thế bồ có kể cho mẹ bồ không?”

“Đây là chuyện bí mật,” Buckley bảo. “Chị Susie bảo là chị ấy chưa tiện trò chuyện với bố mẹ tớ. Có cái này nữa, bồ muốn xem không?”

“Có chứ”, Nate nói.

Cả hai nhổm dậy đi về phía dãy phong ba chị em, để con Holiday nằm thiu ngủ dưới tấm phù điêu.

“Vào đây mà xem,” Buckley nói.

Hai đứa vào phòng tôi. Tấm ảnh chụp mẹ tôi Lindsey đã lấy đi rồi. Ngẫm nghĩ một lúc em lại quay vào lấy luôn cả phù hiệu in hàng chữ “Hippy-Diddy gửi lời chào thắm thiết.”

“Phòng của chị Susie,” Nate nói.

Buckley đưa mấy ngón tay lên môi. Bé vẫn thấy mẹ ra hiệu như thế mỗi khi muốn chúng tôi đừng làm ồn, bây giờ bé cũng muốn Nate giữ yên lặng. Bé nằm sấp trên thảm, ra hiệu cho Nate làm theo, rồi hai đứa bắt chước Holiday bò dưới tấm khăn trải giường đến chỗ giấu đồ bí mật của tôi.

Mặt dưới tẩm vải bọc đệm lò xo bị thủng một lỗ, tôi mới nhét trong đó lỉnh kỉnh các thứ không muốn cho ai thấy. Tôi phải giấu, kẻo con Holiday cào toạc chỗ đó, móc rơi ra hết. Quả nhiên điều này xảy ra hai mươi bốn giờ sau khi tôi mất tích. Bố mẹ tôi đã lục tìm phòng tôi mong tìm được mấy lời giải thích, rồi để cửa ngỏ. Con Holiday đã tha đi mấy miếng kẹo dẻo cam thảo tôi cất trong đó. Mấy thứ tôi cất giấu nằm vương vãi dưới gậm giường; trong số đó có một món chỉ có Buckley và Nate mới nhận ra được. Buckley giở chiếc khăn tay cũ của bố tôi; nó đấy, cái cành cây con dính máu.

Năm ngoái, thằng bé Buckley ba tuổi đã nuốt que cành cây con đó. Nate và bé đang chơi trò nhét sỏi và mũi trong vườn sau; rồi Buckley tìm thấy một cành con dưới gốc cây sồi, chỗ mẹ tôi buộc một đầu dây phơi quần áo. Nó ngậm que như người ta ngậm thuốc lá. Tôi ngồi ngoài hàng hiên trước cửa sổ phòng mình nhìn xuống trông chừng em, vừa tô móng chân bằn loại thuốc hồn tía pha kim nhũ của Clarissa vừa đọc tạp chí Tuổi mười bảy.

Tôi luôn bị giao nhiệm vụ trông chừng đứa em trai nhỏ. Lindsey được xem là chưa đủ lớn. Ngoài ra, cô nàng có bộ óc đầy sáng kiến, có nghĩa là cô nàng được rảnh rang làm những chuyện như dành cả buổi trưa hè hôm đó chỉ để vẽ chi li mắt một con ruồi trên giấy vẽ đồ thị với bộ bút màu chì 130 màu hiệu Prisma của cô nàng.

Ngoài trời không nóng lắm, lúc đó đang hè, và tôi định dùng thời gian phải bé chân ngồi nhà vào việc làm đẹp. Buổi sáng tôi đã tắm gội và xông hơi. Xong xuôi tôi ra hàng hiên ngồi hong tóc và tô móng chân.

Vừa tô xong lớp thuốc kim nhũ màu tía lần thức nhì thì có một con ruồi đậu trên que cọ của nắp lọ thuốc. Tôi nghe tiếng Nate kêu nhưng đang thách hay dọa gì đó, tôi liếc nhìn con ruồi để cố nhận ra những ô vuông trên mắt nó mà Lindsey đang tô vẽ trong nhà. Một làn gió thoảng qua khiến những sợi vải te tua của chiếc quần jeans cắt cụt áp sát vào đùi tôi.

“Chị Susie ơi, chị Susie!” Nate réo lên.

Tôi nhìn xuống thấy Buckley đang nằm lăn trên đất.

Tôi luôn kể cho Holly về chính cái ngày hôm ấy, khi chúng tôi trò chuyện về việc cứu nạn. Tôi tin là có thể được, còn cô nàng thì không.

Tôi xoay người, buông chân, chiu tọt qua cửa sổ đang mở, một chân hạ đúng xuống cái ghế đẩu để ngồi khâu vá, chân kia đặt lên tấm thảm bện, ngay trước bàn chân nọ, tôi quỳ xuống rồi phóng đi như một vận động viên điền kinh rời bệ. Tôi chạy dọc hành lang rồi theo cầu thang tuột xuống nhà dưới - bình thường chúng tôi bị cấm làm thế. Tôi gọi Lindsey rồi quên em ngay, chạy qua chiếc cửa căng lưới ra vườn sau, nhảy phóc qua hàng rào chắn chó tới chỗ cây sồi.

Buckley bị nghẹt thở, người em co quắp, tôi bồng em đi trước vào ga-ra, nơi để chiếc Mustang quý giá của bố, Nate lẽo đẽo theo sau. Tôi từng quan sát bố mẹ lái xe, mẹ cũng đã chỏ tôi cách gài số lùi xe. Tôi đặt Buckley lên băng sau, mò chùm chìa khóa bố vẫn giấu trong lô chậu sành không dùng đến. Tôi phóng ào ào suốt đoạn đường đến bệnh viện. Tôi làm cháy mất phanh tay, nhưng hình như chẳng ai để ý đến chuyện đó.

“Nếu hôm đó không có cháu gái,” sau này ông bác sĩ nói với mẹ tôi, “thì chắc là bà mất cậu bé này rồi.”

Bà ngoại Lynn tiên đoán là tôi sẽ sống lâu vì đã cứu mạng em tôi. Như thường lệ, bà đã đoán sai.

“Lạ nhỉ”, Nate thốt lên, cầm nhánh cây lên xem và lấy làm ngạc nhiên sao máu đỏ nay biến thành đen.

“Ừ, lạ thật,” Buckley nói. Hồi tưởng lại bé thấy trong bụng trộn trạo. Nhớ lại những cơn đau, nhớ có gì thay đổi trên gương mặt những người lớn đứng quanh cái giường rộng thênh thang em nằm ở nhà thương. Em chỉ thấy nét mặt nghiêm trọng này một lần nữa thôi. Nhưng hồi em ở nhà thương, ánh mắt bố mẹ lúc đầu trĩu nặng lo âu, sau rạng rỡ và nhẹ nhõm khi ôm ấp em, còn bây giờ mắt bố mẹ chúng tôi thẫn thờ và sẽ mãi thẫn thờ.

Ngày hôm ấy trên thiên đường tôi thấy kiệt sức. Tôi lảo đảo bước về vọng lâu, mắt căng nhìn. Trời tối mịt, đối diện là một tòa nhà to sừng sững tôi chưa hề bước chân vào.

Thưở bé tôi tùng đọc truyện Cậu James và quả đào khổng lồ. Tòa nhà này trông giống ngôi nhà các bà dì của cậu ta, đồ sộ, ảm đảm, kiến trúc kiểu Victoria(27). Tòa nhà có gác vọng canh trên nóc(28). Trong một khoảnh khắc, lúc mắt tôi làm quen với bóng tối, tôi tưởng như nhìn thấy một hàng phụ nữ đứng trên hành lang chỉ tay về hướng tôi. Nhưng một loáng sau tôi lại thấy khác. Đó là một đàn quạ đen đậu thành hàng, ngậm những cành nhỏ cong cong. Lúc tôi đứng lên để đi về ngôi nhà hai căn của mình thì chúng cất cánh bay theo. Em trai tôi có thực hình thấy tôi không nhỉ, hay cậu bé chỉ kể lại những chuyện lý thú em tự đặt ra?

27. Nữ hoàng Victoria (1837-1901), đế quốc Anh bao la và thịnh vượng nhất dưới thời bà, nên đã có câu: “Mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc Anh”.

28. Nguyên văn: “Widow’s walk”, là gác không mái che trên nóc cá nhà xây ở vùng ven biển để các bà vợ đứng ngóng ra khơi xem có tàu thuyền đi lưới của chồng mình về hay không.

SUỐT BA THÁNG RÒNG TÊN HARVEY CHỈ NẰM mơ toàn thấy nhà là nhà. Hắn thấy một khoảnh đất ở Nam Tư, nơi những ngôi nhà sàn mái rạ không chống nổi con nước lũ vũ bão nên bị cuốn trôi. Bầu trời trên cao một màu xanh lơ. Hắn thấy các ngôi nhà thờ gỗ xây dọc các vịnh hẹp và các vùng thung lũng nằm khuất phía sau của xứ Nauy, những khúc gỗ này xưa kia do chính các tay thợ đóng thuyền người Viking(29) chạm khắc. Hình tượng rồng và anh hùng của từng nơi được tạc lên gỗ. Nhưng chỉ có một toàn nhà ở vùng Vologda hắn hay mơ thấy nhất: đó là nhà thờ Chúa Biến Hình(30). Hắn đã nằm mơ thấy thế - giấc mơ hắn ưa nhất - vào buổi tối hôm hắn giết tôi và liên tục trong những đêm tiếp theo, cho đến khi những giấc mơ khác trở lại với hắn. Những giấc mơ không yên tĩnh - những giấc mơ về đàn bà và trẻ con.

29. Viking: người Bắc Âu, đặc biệt là Đan Mạch. Nổi tiếng là cướp biển và cướp đất, từ thế kỷ 8 đến 11, gây kinh hoàng cho các nước láng giềng.

30. The Church of Transfiguration: tích chúa Giê-su biến hình ra cho ba vị tông đồ biết mình là Thiên chúa, (theo Tân Ước Mát-tê-ô, 17).

Tôi có thể thấy ngược thời gian, trở lại lúc Harvey còn trong vòng tay bà mẹ, đăm đăm nhìn qua cái bàn đầy những mảnh thủy tinh đủ màu. Bố hắn phân loại, gom theo hình dạng, kích thước, độ dày và trọng lượng. Đôi mắt thợ kim hoàn của ông bố săm soi từng viên tìm tì vết. Rồi George Harvey quay sang dán mắt tìm viên đá quý quy nhất mẹ hắn đeo ở cổ, một viên mã não to hình bầu dục, chung quanh nạm bạc, trong đó có một con ruồi nguyên vẹn.

“Thợ xây cất,” Harvey chỉ nói có thế, hồi hắn còn nhỏ. Sau đó hắn không trả lời nữa khi có ai hỏi bố hắn làm nghề gì. Làm sao hắn kể được rằng ông làm việc trong sa mạc, chuyên dựng lều lán tạm bợ với mảnh chai vụn và ván gỗ cũ? Bố hắn còn thuyết cho hắn một tràng về những đặc điểm của một tòa nhà hoàn chỉnh, về bí quyết để xây những công trình bền vững.

Quyển sổ ghi cũ kỹ của bố hắn là thứ Harvey lấy ra đọc mỗi khi những giấc mơ không yên tĩnh kia trở lại. Hắn đắm mình trong hình ảnh những nơi chốn và thế giới khác, cố ưa thích những gì thực tâm hắn không ưa thích. Thế rồi hắn bắt đầu mơ về lần cuối cùng thấy mẹ hắn, bà đang chạy băng qua cánh đồng ven đường. Mẹ hắn mặc toàn một màu trắng, từ quần kiểu Capri đến tấm áo chẽn, cổ áo cắt hình mỗi thuyền. Bố mẹ hắn cãi nhau lần cuối cùng trong chiếc xe ngột ngạt lúc chạy đến ngoại vi thành phố Truth or Consequences, bang New Mexico. Bố hắn tống mẹ hắn ra khỏi xe. George Harvey ngồi lì như hóa đá trên băng sau, mắt mở to, không sợ hãi vì đã hóa đá, theo dõi từ đầu đến cuối, như sau này hắn vẫn làm - giống như xem phim với tốc độ chậm. Mẹ hắn bỏ chạy không quay lại, dáng bà mảnh mai, trắng toát dần mất hút, trong khi con trai bà nắm sợi dây chuyền với mặt ngọc mã não bà rứt ra đưa cho hắn. Bố hắn trông chừng dòng xe trên đường rồi bảo: “Mẹ mày đi rồi, con ạ. Không về nữa đâu.”