Hình hài yêu dấu - Chương 09 phần 1

BÀ NGOẠI ĐẾN NHÀ CHÚNG TÔI BUỔI TỐI TRƯỚC hôm cử hành lễ tưởng niệm tôi, vẫn với cung cách như mọi khi. Bà thích thuê xe li-mu-din(31) đưa bà từ phi trường về, ngồi trong xe bà nhấm nháp rượu sâm-banh, trên người khoác cái bà gọi là “con thú lông dày tuyệt vời” của bà - chiếc áo lông chồn bà mua được ở quầy quần áo cũ nhà thờ họ đạo bày bán gây quỹ từ thiện. Bố mẹ tôi không mời bà mà chỉ rủ bà cùng đi với gia đình, nếu bà muốn dự buổi lễ. Cuối tháng Giêng thầy hiệu trưởng Caden nảy ra sáng kiến này. Ông bảo rằng “ Buổi lễ sẽ gây tác động tốt cho các cháu của ông bà và cho cả học sinh toàn trường nữa”. Ông đích thân tổ chức buổi lễ ở nhà thờ xứ đạo chúng tôi. Bố mẹ tôi như những kẻ mộng du, ông hỏi gì cũng đồng ý, gật đầu ưng thuận mọi đề nghị của ông, từ các thứ hoa ông chọn đến người đọc điếu văn. Khi mẹ tôi thưa chuyện này với bà ngoại qua điện thoại, bà ngạc nhiên khi nghe bà ngoại bảo “Mẹ sẽ đến”.

31. Limousine: loại xe dài, sang trọng.

“Nhưng mẹ không bắt buộc phải có mặt đâu.”

Ở đầu dây bên kia bà ngoại lặng thinh một lúc. “Abigail này”, bà nói, “đây là đám tang Susan cơ mà.”

Bà ngoại Lynn đã làm mẹ tôi ngượng vì bà khăng khăng khoác cái áo lông cũ đi dạo quanh khu phố, và bà đã có lần son phấn quá đáng khi dự một buổi liên hoan trong khu phố. Bà hỏi đi hỏi lại mẹ tôi cho đến khi biết hết tên tuổi từng người láng giềng, hỏi mẹ đã nhìn tận mắt bên trong nhà họ chưa, ông chồng làm nghề gì, xe hơi hiệu gì. Bà lên một danh sách đầy đủ về các người hàng xóm. Bây giờ tôi mới rõ ràng đó là cách để bà hiểu con gái mình hơn. Bà bủa vây mẹ song tính toàn nhầm, khác nào một màn khiêu vũ não lòng vì không có người cùng nhảy.

“Jack-y”, bà ngoại nói khi lại gần bố mẹ tôi đứng ở hiên trước, “Mẹ con mình phải uống chút gì mạnh mới được!” Rồi bà thấy Lindsey dang rón rén lẻn lên gác, cố vớt vát thêm ít phút trước màn chào hỏi bắt buộc. “Con bé này không ưa bà,” bà ngoại Lynn nói. Bà cười gượng. Răng bà trắng và đều.

“Mẹ à”, mẹ tôi kêu lên - tôi chỉ muốn lao vào trong đôi mắt đại dương đầy mát mát của mẹ - “con chắc cháu Lindsey chỉ định lên phòng thay áo xống cho tươm tất thôi mà.”

“Làm gì có chuyện tươm tất ở cái nhà này!” bà ngoại đáp.

“Bà ngoại Lynn à,” bố tôi nói, “nhà này không còn là ngôi nhà lần trước bà đến nữa đâu. Con đi lấy nước mời bà đây, nhưng xin bà tôn trọng điều đó.”

“Anh trông vẫn bảnh trai gớm, Jack ạ,” bà ngoại bảo.

Mẹ tôi đỡ lấy áo choàng của bà. Con Holiday bị nhốt trong phòng làm việc của bố ngay khi Buckley hét ầm từ vị trí quan sát của nó ở cửa sổ trên lầu: “ Bà ngoại đến rồi!” Buckleu khoe với cu Nate bay bất kỳ ai chịu nghe rằng bà ngoại có những chiếc xe hơi to nhất thế giới.

“Trông mẹ vẫn duyên dáng quá,” mẹ tôi nói.

“Hừm…” Lúc bố tôi đứng xa không thể nghe thấy được, bà hỏi, “Anh ấy hồi này ra sao?”

“Cả nhà phải đương đầu với khó khăn, nhưng không dễ mẹ ạ.”

“Anh ấy vẫn cứ lẩm bẩm rằng tay nọ là hung thủ hay sao?”

“Vâng, nhà con vẫn tin như thế.”

“Coi chừng bị kiện đấy con ạ,” bà bảo.

“Nhà con không nói với ai điều này, ngoài cảnh sát ra.”

Họ không thấy em gái tôi đang ngồi ở bậc thang trên cùng.

“Anh ấy đừng nên nói với ai. Mẹ hiểu anh ấy cần đổ lỗi cho người nào đấy, nhưng mà…”

“Bà Lynn ơi, 77 hay martini?” bố tôi hỏi lúc quay vào tiền sảnh.

“Thế anh uống gì nào?”

“Thật ra hồi này con không uống nữa,” bố tôi đáp.

“Đó là chuyện của anh. Thôi để tôi tự liệu. Tôi biết rượu để đâu, không ai phải bảo!”

Không có bộ áo lông dày trông bà tôi gầy như que củi. Bà gọi đó là ‘nhịn cho rạc người’ khi cố vấn tôi năm tôi mười một tuổi. “Cháu phải nhịn đến rạc người ra, cưng ạ, trước khi phát phì. Ai bảo mình mũm mĩm là có ý chê mình xấu đấy.” Bà và mẹ tôi đã đôi co về chuyện tôi đã đủ lớn chưa để dùng Benzedrin(32) - mà bà gọi là thuốc cứu tinh thiết thân của bà, khi nói: “ Tôi tặng cho con gái chị món thuốc cứu tinh của tôi, mà chị không chịu ư?”

32. Benzedrin: tên hiệu thuốc của Amphetamine, chất kích thích hệ thần kinh trung ương.

Hồi tôi còn sống, chuyện gì bà ngoại tôi làm cũng đều dở hết. Nhưng chuyện lạ đã xảy ra ngày hôm ấy, khi bà đến trong chiến li-mu-din có tài xế lái, mở cửa nhà chúng tôi, xộc vào. Với bộ trang phục diêm dúa kệch cỡm của mình bà đã đem ánh sáng trở lại ngôi nhà của chúng tôi.

“Phải giúp con mới được, Abignail ạ,” bà tôi nói sau khi thưởng thức bữa ăn đàng hoàng mẹ tôi nấu lần đầu tiên kể từ hôm tôi mất tích. Mẹ tôi sửng sốt. Mẹ đã xỏ đổi găng xanh da trời dùng rửa bát, cho đầy nước xà-bông vào bồn, dợm rửa từng cái. Lindsey sẽ lau khô. Mẹ tôi đinh ninh bà ngoại sẽ bảo ông con rể Jack rót cho bà một ly rượu uống cho tiêu.

“Ô, mẹ dễ thương quá.”

“Có gì đâu,” bà bảo. “Mẹ chạy ù ra tiền sảnh tìm cái túi thần đã.”

“Trời đất ơi!”, tôi nghe mẹ nói trong hơi thở.

“A, phải rồi, cái túi thần,” Lyndsey reo lên - suốt bữa ăn em không nói năng gì.

“Thôi mà, con xin mẹ!” mẹ tôi phản đối, khi bà ngoại Lynn quay vào.

“Nào, mấy đứa dọn sạch bàn rồi đưa mẹ các cháu lại đây. Bà sẽ tân trang cho mẹ.”

“Mẹ đừng có điên. Con còn phải rửa cả đống bát đĩa đây này.”

“Abigail”, bố tôi xen vào.

“Không được đâu. Mẹ có thể dụ anh uống say, nhưng bà đừng hòng đến gần em với những dụng cụ tra tấn này.”

“Anh đâu có say,” bố trả lời.

“Anh đang cười đấy thôi,” mẹ tôi bảo.

“Vậy con hãy kiện anh ấy đi,” bà ngoại Lynn bảo.

“Buckley đâu, nắm tay lôi mẹ lại đây cho bà.” Em trai tôi vâng lời. Em thích thú thấy mẹ bị người khác ra lệnh và thúc ép.

“Bà ngoại Lynn này?” Lyndsey e dè hỏi bà.

Mẹ tôi bị Buckley kéo đến chiếc ghê bà ngoại đã xoay đối diện với bà.

“Gì vậy, cháu?”

“Bà dạy cháu cách trang điểm được không?”

“Lạy chúa cả trên trời, ơn chúa, được chứ sao không?”

Mẹ tôi ngồi xuống ghé, buckley leo ngồi trên lòng bà. “Có chuyện gì vậy hở mẹ?”

“Em đang cười phải không, Abbie?” Bố tôi tủm tỉm.

Đúng thế. Mẹ cười mà nước mắt tuôn rơi.

“Susie là đứa bé ngoan, con ạ,” bà ngoại Lyn bảo mẹ.

“Như con vậy.” Bà nói luôn một mạch. “Nào, ngẩng cằm lên cho mẹ nhìn kỹ mấy cái bọng mắt xem.”

Buckley leo xuống rồi lại leo lên chiếc ghế khác. “Lyndsey à, đây là que uốn lông mi,” bà giảng giải. “Bà đã chỉ cho mẹ các cháu hết mấy thứ này rồi.”

“Clarissa cũng dùng mấy thứ này,” Lyndsey bảo.

Bà ngoại kẹp lên mỗi bên mắt mẹ tôi một hàng mi giả bằng cao su, mẹ tôi biết thủ thuật này nên ngước mắt nhìn lên.

“Con nói chuyện với Clarissa chưa?”, bố tôi hỏi.

“Đúng ra thì chưa,” Lyndsey trả lời. “Chị ấy hay cặp kè với Brian Nelson. Hai người trốn học nhiều đến nỗi bị phạt cấm cửa ba ngày.”

“Bố không ngờ Clarissa lại thế,” bố tôi nói. “So với đám bạn cùng nhóm thì cô bé không phải đứa lanh lợi nhất, nhưng trước giờ chưa từng làm gì bê bối.”

“Mới đây con tình cờ gặp thì chị ấy sặc mùi cần sa.”

“Mong cháu đừng vướng vào mấy thứ đó,” bà ngoại Lynn nói. Bà nốc cạn chỗ rượu 77 rồi dằn mạnh cốc rượu cao nghệu xuống bàn, “Xem này, Lyndsey, cháu có thấy khi lông mi cong lên trông mắt mẹ cháu to hơn không?”

Lyndsey cố hình dung diềm mi mắt mình nhưng lại chỉ thấy hiện ra hàng lông mi rồi như chùm sao của Samuel Heckler lúc cậu ta ghé sát mặt để hôn mình. Tròng mắt em mở lớn ra, động đậy liên tục như hai trái ô-liu nhỏ hung hăng.

“Bà thật không ngờ đấy,” bà ngoại Lynn vừa nói vừa chống nạnh, một tay vẫn nắm hai cái cán kỳ cục của que kẹp lông mi.

“Sao ạ?”

“Lyndsey Salmon à, cháu có bồ rồi,” bà tôi thông báo cho cả nhà.

Bố tôi tủm tỉm cười. Bỗng dưng ông thấy có cảm tình với bà. Tôi cũng thế.

“Làm gì có,” Lyndsey chối.

Bà ngoại sắp lên tiếng thì mẹ tôi thì thào: “Có mà”

“Xin chúa phù hộ cháu, cưng à,” bà nói, “cháu nên có bồ. Lo cho mẹ cháu xong bà sẽ trang điểm cho cháu, đặc biệt kiểu bà ngoại Lynn. Anh Jack, cho mẹ xin một ly rượu khai vị.”

“Rượu khai vị là thứ mà mẹ…” mẹ tôi lên tiếng.

“Thôi đừng sửa lưng mẹ, Abignail ạ.”

Bà tôi uống đến say mèm. Bà đã biến mặt mũi Lindsey thành như hề, hay như chính bà ngoại Lynn nói, là “gái điếm thượng lưu.” Còn bố tôi được bà tặng cho danh hiệu “ma men thanh lịch.” Điều đáng ngạc nhiên nhất là mẹ tôi đi ngủ, bỏ mặc đống bát đĩa chưa rửa trong bồn.

Khi mọi người đã yên giấc cả, Lyndsey mới ra đứng trước gương trong phòng tắm, ngắm nghía mình. Em lau bớt phấn hồng, chấm bớt lớp son môi, di ngón tay lên những chỗ sưng vì mới nhổ trên hàng lông mày vốn rậm của em. Trong gương em thấy một con người khác, cả tôi cũng thấy thế nữa: một người lớn tự chăm lo cho mình được. Dưới lớp phấn son là gương mặt xưa nay em vẫn biết là của mình, thế mà vừa mới đây nó đã trở thành gương mặt khiến mọi người nhớ đến tôi. Giờ đây em thấy rằng nhờ tô môi và kẻ mi mà những đường nét trên khuôn mặt em thành rõ nét hơn, như được dát ngọc nhập từ chốn xa xôi, nơi màu sắc phong phú hơn những màu sắc từng có trong nhà. Lời bà ngoại nói nghiệm ra đúng thật - son phấn làm nổi bật màu xanh của mắt em. Tỉa lông mày đã thay đổi khuôn mặt. Phấn hồng làm nổi bật chỗ hóp dưới gò má. (“Hõm nữa càng hay,” bà ngoại bảo). Còn đôi môi - em thử đủ kiểu biểu lộ trên nét mặt. Em bĩu môi, em hôn, em cười toe toét như thể cũng đã uống cốc-tai, em nhìn xuống giả vờ cầu nguyện như một cô gái ngoan đạo nhưng một bên mắt lại liếc lên xem mình ngoan đạo thế nào. Em lên giường ngủ, nằm ngửa để không làm hỏng khuôn mặt mới của mình.

Bà Bethel Utemeyer là người chết duy nhất mà em gái tôi và tôi từng biết. Bà và người con trai bà dọn đến ở khu chúng tôi lúc tôi lên sáu, còn Lindsey lên năm.

Mẹ tôi bảo rằng bà hơi mất trí nên thỉnh thoảng bỏ nhà đi rồi không biết mình ở đâu. Bà thường dừng chân trong vườn trước nhà chúng tôi, đứng dưới gốc cây sơn thù du ngóng ra đường như đang chờ xe buýt. Mẹ tôi hay đưa bà vào ngồi trong nhà bếp, pha trà cùng uống, và sau khi trấn an bà rồi mẹ tôi gọi điện thoại cho người con trai báo cho biết bà đang ở nhà chúng tôi. Đôi khi không gặp ai bên ấy, thế là bà Utemeyer ngồi ở bàn bếp nhà tôi, nhìn chăm chăm hàng giờ vào một điểm ở giữa bàn. Lúc chúng tôi đi học về bà vẫn còn ở đó. Ngồi và mỉm cười với chúng tôi. Bà hay gọi Lyndsey là “Natalie” và đưa tay vuốt tóc em.

Khi bà qua đời, người con trai bà khuyến khích mẹ tôi đưa Lyndsey và tôi đến dự đám tang. Ông ta viết: “Mẹ tôi có vẻ đặc biệt mến các cháu bên ông bà.”

“Mẹ à, tên con bà cụ còn không biết nữa cơ mà,” Lyndsey than vãn trong lúc mẹ tôi lo cài một hàng chi chít những nút trên lễ phục của Linda. Lại một món quà không tiện dụng của bà ngoại Lynn, mẹ tôi thầm nghĩ.

“Nhưng ít ra bà ấy đã từng gọi em bằng một cái tên,” tôi bảo.