Hình hài yêu dấu - Chương 09 phần 2

Đó là sau lễ phục sinh, một đợt nóng mùa Xuân đã ập đến trong tuần lễ ấy. Tuyết mùa đông, trừ một số bướng bỉnh, đã thấm hết vào lòng đất; ở nghĩa trang nhà thờ họ Utemeyer tuyết vẫn bám vào chân các mộ bia, trong khi cạnh đấy mao lương hoa vàng đã bắt đầu nhú.

Nhà thờ họ Utemeyer cực kỳ kiểu cách. “Công giáo gốc (1),” bố tôi bảo trong xe. Lyndsey và tôi thấy thật tức cười. Bố tôi không muốn tới, nhưng mẹ tôi bụng chửa to quá không lái xe được. Những tháng cuối mang thai em Buckley bà không thể ngồi lọt sau tay lái được. Mẹ thường khó ở nên hai đứa tôi toàn lẩn đi nơi khác vì sợ bị sai khiến.

Nhưng nhờ mang thai nên bà thoát được một nghi lễ mà Lyndsey và tôi cứ nói với nhau suốt mấy tuần, còn tôi một thời gian dài sau đó vẫn mơ thấy mãi: nhìn mặt người quá cố. Tôi biết là bố mẹ tôi không muốn chúng tôi thấy người chết, nhưng đến lúc mọi người đi ngang áo quan thì ông Utemeyer lại thẳng chỗ chúng tôi. “Trong hai cháu thì cháu nào bà cụ vẫn gọi là Natalie?” ông hỏi. Chúng tôi đăm đăm nhìn ông. Tôi chỉ Lyndsey.

“Chú muốn cháu đến chào bà lần cuối,” ông nói. Người ông toát mùi nước hoa ngọt hơn loại mẹ tôi thỉnh thoảng xức, nó xộc vào mũi tôi, lại cảm thấy mình bị ra rìa làm tôi chực khóc. “Cả cháu nữa,” ông bảo tôi, dang hai tay dắt chúng tôi mỗi đứa một bên đi giữa hai dãy ghế.

Không phải bà Utemeyer, mà là cái gì khác. Nhưng đó cũng là bà Utemeyer. Tôi cố tập trung nhìn vào mấy cái nhẫn vàng lấp lánh trên mấy ngón tay bà.

“Thưa mẹ”, ông Utemeyer nói, “con đưa bé gái mẹ vẫn gọi là Natalie lại với mẹ đây.”

Sau này cả Lyndsey lẫn tôi đều thú nhận rằng tưởng mà Utemeyer sắp bật nói, và mỗi đứa quyết định nếu bà lên tiếng thì đứa này sẽ lôi đứa kia cùng chạy bán sống bán chết như bị ma đuổi.

Nỗi đau khổ kéo dài một vài giây rồi chấm dứt, ông dắt chúng tôi về giao lại cho bố mẹ tôi.

Lần đầu gặp lại bà Bethel Utemeyer trên thiên đường của mình tôi không lấy gì làm ngạc nhiên lắm, cũng chẳng ngỡ ngàng khi tôi với Holly thấy bà dắt một cô bé tóc vàng mà bà giới thiệu là con gái bà, tên Natalie.

Buổi sáng hôm làm lễ tưởng niệm tôi Lyndsey cố nán lại thật lâu trong phòng của em. Em không muốn mẹ tôi thấy lớp son phấn còn trên mặt, nên chờ cho đến khi nếu mẹ có bắt đi rửa thì cũng không còn thì giờ nữa. Em còn tự nhủ có lấy một cái áo trong tủ của tôi để mặc thì cũng chẳng sao. Rằng tôi sẽ chẳng bận tâm.

Nhưng ngó thì thấy kỳ kỳ.

Em mở cửa phòng tôi, ngôi hầm mộ mà cho tới tháng Hai càng ngày càng bị xáo tung mặc dù không ai, cả mẹ lẫn bố, Lyndsey hay Buckley nhận là có vào hay lấy đi thứ gì mà không có ý định trả lại. Họ nhắm mắt trước những chứng cớ hiển nhiên rằng người nào cũng đã đến đây thăm tôi. Mọi lộn xộn họ đều quy cho con Holiday, dù không thể nào đổ cho nó được.

Lyndsey muốn diện cho Samuel ngắm. Em mở toang hai cánh cửa tủ và kiểm tra lại mớ hỗn độn này. Tính tôi vốn không ngăn nắp gì lắm, nên mỗi lần mẹ bảo chúng tôi dọn phòng, tôi đều nhét hết mọi thứ trên giường hay dưới sàn vào tủ.

Ngày trước Lyndsey luôn muốn là người đầu tiên được mặc những áo quần mới của tôi, nhưng chỉ nhận được đồ thải.

“Ôi chao,” em xuýt xoa, thì thào với vùng bóng tối trong tủ áo. Em vừa hân hoan vừa thấy có lỗi khi nghĩ những gì trước kia giờ thuộc cả về mình.

“Có ai trong này không? Cộc cộc,” bà ngoại Lynn lên tiếng.

Lyndsey giật nẩy người.

“Bà xin lỗi đã làm rộn cháu,” bà bảo, “Bà nghĩ đã nghe tiếng cháu trong này.”

Bà ngoại tôi mặc bộ áo mà mẹ tôi gọi là cắt theo kiểu Jackie Kennedy (2). Mẹ không hiểu sao bà ngoại khác con cháu, hông lép kẹp - nên dù tuổi đã sáu mươi hai bà vẫn mặc được các kiểu áo cắt thẳng đuột, trông lại còn đẹp nữa.

“Bà vào đây có việc gì thế?” Lyndsey hỏi.

“Bà cần cháu kéo hộ khóa áo.” Bà ngoại Lynn quay lưng lại, và Lyndsey thấy được ở bà những gì em chưa hề thấy ở mẹ mình. Phần sau chiếc nịt ngực màu đen của bà, phần trên của váy lót. Em bước vài bước đến gần bà, cố tránh không chạm đến gì khác ngoài cái khóa, kéo ngược lên.

“Còn cái móc ở trên nữa,” bà ngoại Lynn nói, “cháu gài được không?”

Có mùi phấn và nước hoa Chanel số 5 vẩy quanh cổ bà.

“Đây là một trong những lý do cần có đàn ông - đàn bà xoay xở một mình không xong.”

Lyndsey đã cao gần bằng bà ngoại, sẽ còn cao nữa. Lúc một tay em cầm móc tay kia giữ vòng móc, em nhìn mấy lọn tóc tơ nhuộm vàng ở sát da đầu bà. Em nhìn mái tóc mềm màu xám phủ lên gáy và lưng. Em gài móc áo cho bà rồi đứng tần ngần.

“Cháu quên mất chị cháu trông như thế nào rồi.”

“Sao?” bà ngoại Lynn quay lại.

“Cháu không nhớ nổi,” Lyndsey bảo. “Ý cháu muốn nói không biết gáy chị trông ra sao, bà hiểu chứ, không biết cháu đã bao giờ nhìn gáy chị chưa?”

“Cưng ơi”, bà ngoại Lynn nói, “Lại đây.” Bà dang hai tay, nhưng Lyndsey quay về phía tủ áo.

“Cháu phải sửa soạn cho đẹp mới được,” em nói.

“Cháu đẹp sẵn rồi,” bà ngoại Lynn nói.

Lyndsey bàng hoàng, thở không nổi. Bà ngoại Lynn chẳng hề phí lời khen ai bao giờ. Lời khen của bà vì thế như vàng vớ được giữa đàng.

“Bà cháu mình sẽ tìm được trong này một bộ thật đẹp cho cháu,” bà ngoại Lynn bảo rồi bước tới tủ áo của tôi. Ít ai đi chợ mà giỏi chọn mua như bà. Vào những dịp hiếm hoi đến thăm gia đình lúc sắp khai trường, bà dắt chúng tôi đi phố. Hai đứa tôi sửng sốt nhìn mấy ngón tay lanh lẹ của bà lướt trên các mắc áo, thoăn thoắt như trên phím đàn. Rồi bất chợt, sau một giây lưỡng lự, bà lôi ra cái áo đầm hay sơ-mi, giơ cao cho chúng tôi xem. “Các cháu trông được không nào?” bà hỏi. Món bà chọn luôn vừa và đẹp.

Trong lúc ngắm nghía các bộ quần áo của tôi, lôi ra ướm thử lên người em tôi, bà nói:

“Mẹ cháu hồi này trông tiều tụy quá, Lyndsey ạ. Bà chưa hề thấy mẹ cháu như thế bao giờ.”

“Bà ơi!”

“Yên, để bà nghĩ.” Bà giơ cao cái áo tôi thích mặc đi lễ nhà thờ nhất. Áo bằng len kẻ ô, cổ tròn kiểu Peter Pan. Tôi thích chủ yếu vì váy dài và rộng, tôi ngồi bắt tréo chân trên băng ghế nhà thờ mà vẫn thả váy phủ đến tận mặt đất được. “Con bé vớ đâu ra cái bao tải thế này nhỉ?”, bà ngoại hỏi.

“Còn bố cháu ấy à, trông cũng thiểu não không kém, nhưng ít ra chuyện ấy còn làm bố cháu điên lên được,”

“Người đàn ông bà hỏi mẹ hôm qua là ai thế, hở bà?”

Câu hỏi làm bà ngoại ngớ ra. “Người đàn ông nào?”

“Thì bà hỏi mẹ có phải bố cháu vẫn khăng khăng rằng chính người đàn ông đó đã gây ra vụ này không. Hắn là ai?”

“Voilà(33)!” bà ngoại Lynn giơ cao một cái áo đầm cắt ngắn màu xanh sẫm em gái tôi chưa hề thấy. Áo đó của Clarissa.

33. Voilà (tiếng Pháp trong nguyên bản): đây này.

“Ngắn cũn cởn,” Lyndsey nói.

“Bà bị sốc vì mẹ các cháu đấy,” bà ngoại Lynn nói. “Cho con bé mặc quần áo kiểu cọ gớm!”

Bố tôi từ dưới tiền sảnh gọi lên, ông muốn rằng mười phút nữa mọi người tề tựu dưới nhà.

Bà ngoại Lynn khẩn trương ngay vào việc. Bà giúp Lyndsey xỏ đầu vào chiếc ao xanh thẫm, đoạn hai bà cháu quay về phòng em tìm giầy, rồi cuối cùng, ở tiền sảnh, dưới ánh đèn trên trần nhà, bà còn chùi vết hoen của đường chì kẻ mắt, tô mi trên mặt em. Thao tác cuối cùng của bà là dùng miếng bông chấm phấn hồng, lướt nhanh trên hai gò má em từ dưới lên. Mãi khi bà ngoại từ thang lầu bước xuống và mẹ tôi vừa cằn nhằn về bộ áo đầm cũn cỡn của Lindsey vừa nghi ngờ nhìn bà ngoại thì tôi và em mới nhận ra là trên mặt bà ngoại Lynn không có tí phấn son nào. Buckley ngồi giữa hai người ở băng sau, lúc gần đến nhà thờ em nhìn bà ngoại Lynn hỏi bà đang làm gì thế.

“Nếu không kịp đánh phấn thì làm thế này cho mặt mũi hồng hào một tí, cháu ạ,” bà đáp, thế là Buckley bắt chước ngay, tự bẹo má mình.

Samuel đứng chỗ hàng cột đá dựng dọc lối vào cửa nhà thờ. Cậu mặc trang phục toàn màu đen(34), cạnh cậu là ông anh tên Hal, anh khoác chiếc áo da sơn Samuel mặc hôm lễ giáng sinh.

34. Ở Âu Mỹ màu đen là màu tang chế.

Anh của Samuel trông giống cậu em như tạc, duy nước da sẫm hơn. Mặt anh nâu sạm, hằn vết nắng gió do hay phóng mô-tô hết tốc lực trên những con đường vùng thôn dã. Khi gia đình tôi tới gần, Hal vội quay người, đi ra chỗ khác.

“Hẳn đây là Samuel rồi,” bà tôi bảo. “Ta là bà ngoại ác độc đây.”

“Mình vào chứ?” Bố tôi lên tiếng, “Samuel, rất vui được gặp cháu.”

Lindsey với Samuel đi trước, bà ngoại lùi lại đi cạnh mẹ tôi. Một mặt trận liên minh. Thanh tra Fenerman đang đứng ở cửa trong bộ đồ có vẻ làm cho ông ngứa ngáy. Ông gật đầu chào bố mẹ tôi, nhìn mẹ tôi có hơi lâu hơn. “Ông vào cùng với chúng tôi chứ?” bố tôi hỏi.

“Cảm ơn ông,” ông ta đáp, “nhưng tôi chỉ muốn đứng quanh đây thôi.”

“Cảm ơn thịnh tình của ông.”

Mọi người bước vào trong tiền sảnh chật chội của nhà thờ. Tôi muốn bám lên lưng bố tôi, quàng tay ôm cổ, ghé tai ông thì thầm. Nhưng đằng nào thì tôi cũng đã nhập vào trong từng làn da thớ thịt của ông rồi.

Sớm hôm ấy, khi tỉnh giấc, người vẫn còn ngây ngất vì chưa dã rượu, bố quay người nằm nghiêng ngắm mẹ tôi còn vùi đầu trong gối, thở nhẹ. Người vợ yêu dấu, cô gái ông yêu quý đây. Ông muốn vuốt má mẹ, vén mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt bà ra sau, nhẹ hôn bà - nhưng lại thôi vì khi ngủ bà thật yên bình. Từ khi tôi qua đời, không ngày nào thức giấc mà ông không phải chịu đựng cho đến hết ngày. Song sự thật là ngày lễ tưởng niệm tôi lại không phải là ngày đáng sợ nhất. Ít ra đó là một ngày ông sống trung thực. Ít ra ngày hôm ấy xoay quanh sự kiện mà mọi người rất mực quan tâm: sự vắng mặt của tôi. Hôm nay ông không phải giả tảng làm như ông đã trở lại bình thường - dẫu bình thường là thế nào đi nữa. Hôm nay ông có thể bước đi với niềm đau nỗi khổ bộc lộ, cả Abigail vợ ông cũng thế. Nhưng ông biết, ngay sau khi bà thức dậy, ông sẽ không còn can đảm nhìn thẳng vào mắt bà suốt ngày hôm đó, sẽ không dám soi vào tận đáy lòng xem bà nghĩ gì, không dám nhìn để thấy người đàn bà mà ông hằng biết rõ từng chân tơ kẽ tóc cho đến cái hôm họ biết tin về cái chết của tôi. Sau gần hai tháng, ý nghĩ rằng đây chỉ là tin tức đã dần phai nhạt trong tâm trí mọi người, trừ gia đình tôi - và Ruth.

Cô nàng đến với ông bố. Hai bố con đứng một góc, cạnh chiếc tủ kính bày một ly uống nước dùng trong thời Chiến tranh cách mạng, khi nhà thờ này là một bệnh viện dã chiến. Hai ông bà Dewitt đang trò chuyện với họ. Bà Dewitt có một bài thơ Ruth sáng tác, bà để trên bàn giấy ở nhà. Thứ Hai cô nàng định sẽ cầm bài thơ đến gặp giáo sư hướng học. Bài thơ viết về tôi.

“Bà nhà tôi có vẻ đồng tình với ông hiệu trưởng Caden,” bố Ruth nói, “rằng buổi lễ tưởng niệm sẽ giúp các em học sinh chấp nhận chuyện này.”

“Thế ông nghĩ sao?”, bà Dewitt hỏi.

“Theo tôi, chuyện gì đã qua nên để cho qua và để gia đình họ tự lo liệu. Nhưng cháu Ruth nhà tôi thì nhất định muốn có mặt ở buổi lễ.”

Ruth nhìn gia đình tôi chào hỏi mọi người, cô nàng hoảng kinh thấy cách ăn mặc và trang điểm mới lạ của em gái tôi. Ruth không tin trang điểm sẽ làm đẹp hơn. Cô nàng cho rằng nó làm giảm nhân phẩm phụ nữ. Samuel Heckler đang nắm tay Lindsey. Một từ ngữ đọc đâu đó trong sách vụt hiện ra trong đầu óc cô nàng: nô dịch. Nhưng rồi tôi thấy cô nàng nhận ra Hal Heckler đang đứng ngoài cửa sổ. Anh đang đứng hút thuốc bên các ngôi mộ cổ nhất ở phía trước.

“Ruth à”, ông bố gọi, “Con sao vậy?”

Cô sực nhớ mình đang ở đâu, quay nhìn ông: “Sao là sao ạ?”

“Con vừa nhìn sững đi đâu ấy,” ông trả lời.

“Con thấy khung cảnh nghĩa địa này trông hay hay.”

“Con đúng là thiên thần của bố,” ông nói. “Ta tìm chỗ ngồi kẻo chẳng còn chỗ tốt nữa đâu.”

Clarissa cũng có mặt, với Brian Nelson ngượng nghịu trong bộ quần áo mặc nhờ của ông bố. Cô nàng len đến chỗ gia đình tôi. Thấy thế, ông hiệu trưởng Caden và thầy Botte liền tránh lối cho cô nàng.

Cô nàng bắt tay bố tôi trước tiên.

“Chào cháu Clarissa,” ông nói. “Cháu khỏe không?”

“Thưa khỏe”, cô thưa. “Còn hai bác thế nào ạ?”

“Hai bác khỏe, Clarissa ạ”, ông nói. Một câu nói dối kỳ quặc làm sao, tôi thầm nghĩ. “Cháu cùng ngồi với gia đình nhé?”

“Ơ, cháu xin phép ạ” - cô nàng nhìn xuống đôi bàn tay - “Cháu cùng đi với anh bạn.”

Mẹ tôi như người nhập đồng, cứ nhìn trừng trừng vào mặt Clarissa. Clarissa vẫn sống đây, còn tôi đã chết rồi. Clarissa dần cảm thấy đôi mắt kia đang xoáy vào mình, cô nàng muốn bỏ đi. Rồi cô nàng thấy chiếc áo.

“Ơ kìa”, cô nàng vươn tay về phía em gái tôi.

“Gì thế Clarissa?” mẹ tôi gắt.

“Dạ, không ạ,” cô nàng đáp. Cô nàng nhìn cái áo lần nữa, hiểu rằng giờ đây sẽ chẳng bao giờ đòi lại được.

“Abigail à?” bố tôi gọi. Ông nghe ra nỗi hằn học trong giọng nói của vợ. Có chuyện gì không ổn đây.

Bà ngoại Lynn, đứng ngay sau mẹ tôi, nháy mắt ra hiệu cho Clarissa.

“Cháu vừa nhận ra là Lyndsey trông xinh quá,” Clarissa nói.

Em gái tôi đỏ mặt.

Đám người ở tiền sảnh rục rịch rồi giãn ra tránh lối. Đó là vì mục sư Strick

vận áo lễ đang tiến lại chỗ bố mẹ tôi.

Clarissa lui ra sau tìm Brian Nelson. Tìm được anh chàng rồi, cô nàng đi theo ra chỗ dãy mộ.

Ray Singh tránh không đến dự lễ. Cậu từ biệt tôi theo cách riêng của mình: cậu ngắm ảnh tôi - ảnh chân dung chụp ở hiệu - tấm ảnh tôi tặng cậu mùa thu năm đó.

Cậu nhìn vào đôi mắt trong ảnh, xuyên qua đôi mắt thấy cả bức phông bằng da lộn mặt gợn vân như cẩm thạch, đứa trẻ nào đến chụp hình cũng phải ngồi trước tấm phông đó, dưới ngọn đèn nóng hừng hực. Ray hình dung xem chết nghĩa là thế nào. Là lạc loài ở đâu đó, thân thể lạnh cứng, đi mãi không về. Cậu biết không ai ngoài đời lại có vẻ mặt như trong ảnh. Cậu biết bình thường mình không có vẻ hung hãn hay hoảng sợ như trong ảnh chụp. Ngắm ảnh tôi một lúc cậu mới nghiệm ra một điều - ảnh không phải là tôi. Tôi ở trong bầu không khí quanh cậu, tôi có mặt trong những buổi sáng lạnh lẽo cậu ngồi với Ruth, tôi ở bên cạnh những lúc cậu một mình lặng lẽ, không ôn bài vở. Tôi là cô gái cậu đã chọn để hôn. Cậu muốn, bằng cách nào đấy, cho tôi được siêu thoát. Cậu không muốn đốt hay vứt hình tôi đi, nhưng cũng không muốn nhìn hình tôi nữa. Tôi nhìn cậu kẹp tấm ảnh vào một trong mấy quyển thơ Ấn Độ đồ sộ, trong đó cậu và bà mẹ ép hàng chục bông hoa mỏng manh đang dần tan thành bụi.

Trong buổi lễ mọi người nói những lời hay đẹp về tôi. Mục sư Strick. Hiệu trưởng trường Caden. Thầy Dewitt. Còn bố mẹ tôi ngồi chết lặng suốt buổi. Samuel luôn siết chặt tay Lindsey, nhưng em như không hề hay biết. Em không một lần chớp mắt. Buckley ngồi trong bộ quần áo mượn của Nate cho dịp này, bộ mà năm nay cậu bé đã mặc đi ăn cưới. Em cứ cựa quậy nhìn bố. Chính bà ngoại Lynn đã làm cái điều quan trọng nhất ngày hôm đó.

Lúc nhạc trỗi bài thánh ca để kết thúc buổi lễ và cả gia đình tôi đứng lên, bà ngoại nghiêng qua Lindsey, thì thào, “Tay đứng cạnh cửa là hắn đấy.”

Lindsey đưa mắt nhìn.

Sát ngay sau lưng Len Fenerman, lúc đó đứng phía trong cửa và đang cùng hát, là một người đàn ông trong khu phố. Hắn mặc tuềnh toàng, không như mọi người đến dự lễ, chỉ quần ka-ki với áo bông khá dày. Trong một giây ngắn ngủi Lindsey tin rằng đã nhận ra hắn. Ánh mắt chạm nhau. Rồi em ngất đi.

Trong lúc mọi người nhốn nháo quanh em, tên George Harvey lẻn ra giữa các ngôi mộ thời Chiến tranh cách mạng nằm sau giáo đường, bỏ đi không ai thấy.