Hình hài yêu dấu - Chương 10 phần 1

TẠI TRẠI(35) NĂNG KHIẾU TOÀN BANG TỔ CHỨC vào mỗi mùa hè. Các học sinh có năng khiếu từ lớp bảy đến lớp chín tụ về sinh hoạt với nhau suốt bốn tuần, mục đích là để phô trương mình, như tôi vẫn hình dung thấy chúng leo trèo đu bám trên cành cây và moi móc cóp nhặt ý tưởng, sáng kiến của nhau. Bên lửa trại, thay vì hát dân ca chúng đồng xướng những bài đạo ca Ô-ra-tô(36). Trong khu nhà tắm nữ, bọn con gái ngắm nghía các ảnh phóng lớn, tấm tắc khen thân hình như tượng tạc của Jacques d’Amboises(37) hay vầng trán cao của John Kenneth Galbraith(38).

35. Symposium: hội nghị chuyên đề; ở đây dùng theo nghĩa trại thi đua.

36. Ô-ra-tô: loại ca khúc lấy đề tài, sự tích trong kinh thánh của đạo Cơ đốc.

37. Jacques d’Amboises: vũ công đoàn vũ ba-lê New York.

38. John Kenneth Galbraith (1908-2006): nhà kinh tế học cố vấn cho hai Tổng thống Mỹ Kennedy và Johnson.

Nhưng ngay cả bọn năng khiếu cũng hay có trò lập bè kết cánh. Chúng tụ thành nhóm lấy tên Tín đồ Khoa học, Bộ óc Toán học. Trên thang xếp hạng của bọn năng khiếu, các nhóm này chiếm lĩnh những nấc cao nhất, ở mức này nếu xét về tiêu chuẩn quan hệ xã hội nhân quần thì đó là những con người phần nào què quặt. Rồi tới nhóm Thông kinh làu sử, đám này thuộc nằm lòng ngày sinh tháng tử của mọi nhân vật lịch sử không sót một ai. Lúc đi ngang qua chỗ những đám khác trong trại, chúng vẫn thường xướng lên những niên đại bí ẩn, nghe thật vô nghĩa: “từ 1769 đến 1821,” “từ 1770 đến 1831.” Khi Lindsey tình cờ gặp bọn Thông khinh làu sử này trên đường, em nhẩm tính để thử tìm lời giải: đó là năm sinh và năm mất của Napoléon và Hegel(39).

39. Napoléon Bonaparte (1768-1821): Hoàng đế nước Pháp; Hegel (1770-1831) triết gia Đức.

Lại có cả những cao thủ Khoa học huyền bí nữa. Ai cũng bực dọc về việc chúng có mặt trong đám năng khiếu. Bọn nhóc này có biệt tài tháo tung từng mảnh của cả một cỗ máy rồi lắp ráp lại được như cũ mà không cần sơ đồ hay bản chỉ dẫn. Chúng nắm bắt, thông hiểu mọi thứ qua kinh nghiệm thực tế chứ không bằng lý thuyết. Và có vẻ không màng đến điểm hay thứ hạng, cấp đẳng.

Samuel là một cao thủ loại này. Thần tượng của cậu là Richard Feynman(40) và Hal, anh trai cậu. Hal bỏ ngang bậc trung học, hiện trông coi một tiệm sửa xe mô-tô không xa chỗ cái vực vốn là mỏ than bị sập nọ, lo phục vụ đủ loại khách hàng, từ hội Hell’s Angel(41) cho đến các vị cao niên lái xe gắn máy chạy quanh khu gia cư của giới hưu trí. Hal ghiền hút thuốc, cư ngụ tại chỗ trong căn phòng trên gác vì cửa tiệm thuộc quyền sở hữu của cả gia đình, còn buồng xép phía sau cửa tiệm thì anh dùng làm nơi hẹn hò cho những quan hệ qua đường của mình.

40. Richard Feynman(1918-1988): nhà vật lý, giải Nobel vật lý năm 1965.

41. Hell’s Angels (Thiên thần ở Địa ngục): hội những người chuộng môn giải trí lái mô-tô thành đoàn.

Khi có ai hỏi Hal bao giờ mới chịu sống trưởng thành tự lập, thì anh đáp: “Chẳng bao giờ.” Samuel nhiễm tư tưởng này nên khi thầy cô hỏi ước vọng tương lai là gì thì cậu trả lời: “Em không biết. Em mới mười bốn tuổi mà.”

Còn Ruth Conners chưa đầy mười lăm tuổi mà đã biết rõ mình muốn gì rồi. Trong nhà kho bằng tôn chứa dụng cụ ở sau nhà, giữa những nắm đấm cửa và những thứ sắt thép ông bố thu lượm đem về từ những ngôi nhà cũ mục nát sắp bị phá sập, cô nàng ngồi trong bóng tối, tập trung suy nghĩ căng thẳng đến nỗi nhức cả đầu. Cô nàng chạy vào nhà, đi qua phòng khách nơi ông bố đang đọc báo, lên phòng riêng trên gác, ghi vội bài thơ vừa cảm ứng làm được. Chúng mang tựa: “Tôi là Susie”, “Sau khi ta chết”, “Bị chặt khúc”, “Mong ở bên bạn”, và bài thơ cô nàng thích nhất, tự hào nhất cô nàng mang đến trại, trang giấy gấp mở nhiều lần đến nỗi những nếp gấp sắp rách ra. Đó là bài “Ngồi bên bờ mộ.”

Ruth phải tự túc đi đến Trại vì buổi sáng hôm ấy, đến giờ xe buýt chạy, cô nàng vẫn còn nằm liệt giường vì cơn viêm dạ dày cấp tính. Cô nàng đang theo một chế độ ăn kiêng kỳ quặc, chỉ toàn rau, và tối hôm trước một mình ăn hết cả một bắp cải. Bà mẹ nhất định không chịu thua cuộc trước kiểu ăn chay mà Ruth bắt đầu theo từ sau cái chết của tôi.

“Chúa ơi, đây có phải là thịt Susie đâu!” bà vừa than vừa dằn cái đĩa có miếng thịt bò thăn dày cả phân xuống mặt bàn trước mặt con gái.

Quãng ba giờ sáng ông bố đưa Ruth vào nhà thương trước rồi mới trở đến Trại, sau khi tạt qua nhà lấy cái túi quần áo đồ dùng mẹ cô nàng đã soạn sẵn, để ở cuối lối vào nhà.

Xe vừa vào cổng trại, Ruth đã dõi mắt nhìn suốt lượt đám học sinh đang xếp hàng nhận bảng tên. Cô nàng nhìn ra ngay em tôi, đứa con gái duy nhất đứng giữa nhóm các Cao thủ. Lindsey tránh không ghi họ mình lên bảng tên, mà chọn cách vẽ một con cá. Làm như vậy em không những khỏi phải nói dối mà còn hy vọng nhờ vậy quen thêm dăm ba đứa bạn học những trường khác quanh vùng, những đứa trước giờ không hay biết gì về cái chết của tôi, hay ít ra không liên hệ em với chuyện đó.

Suốt mùa Xuân em mang sợi dây chuyền có mặt khắc hình nửa trái tim, còn Samuel đeo nửa mặt kia. Cả hai còn ngượng chưa công khai bộc lộ tình cảm của mình với người ngoài cuộc. Lúc sóng đôi đi trong hành lang nhà trường cả hai không nắm tay nhau, viết thư trao tay cũng không dám. Chỉ buổi ăn trưa mới ngồi cạnh nhau. Tan trường Samuel đưa Lindsey về đến nhà. Vào sinh nhật thứ mười bốn của em, Samuel tặng ổ bánh giữa có cắm một ngọn nến. Còn thì cả hai sống hòa mình với thế giới nam nữ cách biệt như bọn cùng lứa.

Sáng hôm sau Ruth thức dậy lúc sớm tinh mơ. Như Lindsey, Ruth thuộc loại khó quy vào bộ môn nào. Cô nàng không thuộc nhóm nào nhất định ở trại. Cô nàng đi dạo ngoài đồng, hái những hoa với lá nào cô nàng định hỏi cho ra tên. Khi không ưa cái tên mà một cậu trong nhóm Tín đồ Khoa học đưa ra, cô nàng quyết định tự mình đặt tên lấy. Cô nàng vẽ hình chiếc lá hay bông hoa vào trong nhật ký, ngẫm nghĩ xem giới tính nào thích hợp nhất, rồi đặt tên ‘Jim’ cho một loại cây có lá trông đơn sơ mộc mạc, hay ‘Pasha’ cho một đóa hoa cánh mịn lông tơ.

Khi Lindsey bước vào phòng ăn, còn tần ngần nhìn quanh, thì Ruth đang xếp hàng lượt hai để lấy thêm trứng và dồi. Ở nhà, vì đã lỡ kịch liệt phản đối ăn thịt, cô nàng đành ép bụng giữ lời, nhưng ở trại đâu có ai biết được chuyện cô nàng thề nhất quyết ăn chay trường.

Trước khi tôi chết Ruth chưa hề trò chuyện với em gái tôi, ngoại trừ lần xin lỗi đã va phải Lindsey trong hành lang trường học. Nhưng cô nàng có lần nhìn thấy Samuel đưa Lindsey về nhà và thấy em mỉm cười với cậu ta. Cô nàng quan sát thấy em gái tôi chỉ chọn bánh kếp, chứ không lấy bất cứ món gì khác. Cô nàng thử đặt mình vào địa vị em gái tôi, như đã từng nhiều lần tưởng tượng cô nàng chính là tôi.

Lúc Lindsey bước đến, thấy có chỗ trống cuối hàng thì cứ đứng vào, Ruth bắt chuyện ngay. “Con cá có ý nghĩa gì vậy?”, cô nàng hất hàm ra hiệu chỉ tấm bảng tên của em gái tôi. “Bồ tin đạo à(42)?”

42. Do có mấy thánh tông đồ vốn là dân chài nên hình tượng cá (đầu cá quay về hướng trái) được chọn làm một trong những mật hiệu để nhận biết đồng đạo thời công giáo bị truy bức vào đầu Công nguyên ở La Mã.

“Cứ xem cá quay hướng nào khắc biết,” Lindsey trả lời, đầu óc còn bận nghĩ không biết sẽ có bánh kem sữa đặc mùi va-ni cho bữa điểm tâm không đây. Không có gì đi với món bánh kếp hợp khẩu vị hơn thế.

“Mình là Ruth Connors, sáng tác thơ,” Ruth nói như tự giới thiệu.

“Còn tớ tên Lindsey,” Lindsey đáp.

“Họ là Salmon, phải không?”

“Xin bạn đừng nói tên mình ra,” Lindsey van lơn, và chỉ trong một giây Ruth cảm thấu sâu sắc tâm trạng em trải qua mỗi khi phải xưng là em của tôi. Cô nàng chợt hiểu thế nào là bị hiểu như vậy; người ta nhìn Lindsey chòng chọc, nhưng lại thấy một bé gái toàn thân bê bết máu.

Ngay trong bọn học sinh năng khiếu, vốn phải tự tìm giải pháp riêng khi tiếp cận bất cứ đề tài gì, cũng có khuynh hướng cặp đôi với nhau trong những ngày đầu. Thường là một cặp đôi hai nam hoặc hai nữ - vào tuổi mười bốn giữa bọn con trai con gái ít khi có chuyện luyến ái - nhưng năm đó có một ngoại lệ: cặp Lindsey và Samuel.

“H-Ô-N M-Ộ-T C-Á-I!” đi đến đâu hai đứa cũng nghe tiếng reo hò trêu chọc. Không có ai đi theo kèm cặp, trời mùa hè nóng ấm, thế là có gì đấy mọc mầm vươn dậy, như cỏ dại, trong hai đứa. Đó là nỗi ham muốn xác thịt. Tôi chưa bao giờ cảm nhận nhục dục một cách trọn vẹn không chút mặc cảm tội lỗi, hay thấy nó truyền khắp người, làm rạo rực cơ thể một con người tôi biết rõ. Một con người cùng chia sẻ với tôi khối tế bào di truyền bố mẹ để lại.

Hai đứa rất thận trọng, tuân thủ mọi nội quy của trại. Không giám thị nào khoe được là chiếu đèn pin vào các bụi cây phía dãy phòng ngủ của đám con trai mà bắt gặp Samuel với Heckler đang âu yếm nhau. Chúng hẹn gặp nhau một chốc ngắn ngủi chỗ bức tường sau quán cà phê hay dưới một gốc cây, trước đó chúng đã khắc mẫu tự đầu của tên mình tuốt trên cao làm hiệu. Hai đứa hôn nhau. Chúng muốn đi xa hơn nữa nhưng hiện chưa làm được. Samuel quan niệm rằng đó là một sự kiện đặc biệt. Cậu ta phải ý thức là mọi chuyện phải diễn tiến và kết thúc thật tốt đẹp. Lindsey thì chỉ muốn sao cho xong nhanh bước đầu. Sau đó xem như em đã trưởng thành - vượt khỏi không gian và thời gian. Em hình dung chuyện làm tình như một kiểu du hành thấy trong phim Star Trek(43). Ta bốc thành hơi, rồi sau một hai giây đủ để hình hài được giáp lại, xuất hiện trong phòng lái một phi thuyền mới, xuất hành trực chỉ một hành tinh khác.

43. Star Trek, bộ phim truyền hình Mỹ gồm 79 hồi, chiếu năm 1966, do Gene Roddenberry (1921-1991) thực hiện: một phi hành đoàn có nhiệm vụ lái phi thuyền đi tìm những giải ngân hà mới trong vũ trụ.

“Hai đứa sắp làm chuyện đó thật,” Ruth ghi vào nhật ký như thế. Tôi đặt nhiều hy vọng vào việc Ruth sẽ không quên ghi lại hết mọi chuyện. Cô nàng ghi trong nhật ký chuyện tôi lướt qua người cô nàng trên bãi đậu xe như thế nào, đã chạm vào cô nàng buổi tối hôm ấy - cô nàng thực sự cẩm nhận và với tay ra định níu tôi lại. Hình dạng tôi lúc đó ra sao. Cô nàng mơ thấy tôi thế nào. Đã tưởng tượng linh hồn có thể là làn da thứ hai, một lớp bọc để chở che bảo vệ. Nếu chuyên cần, biết đâu cô nàng có thể giải thoát cả hai chúng tôi. Tôi nhìn qua vai cô nàng đọc những ý nghĩ cô nàng ghi lại và tự hỏi một ngày nào đó liệu sẽ có ai chịu tin cô nàng không.

Khi nghĩ ngợi về tôi cô nàng cảm thấy dễ chịu hơn, bớt cô đơn, thấy gắn bó hơn với gì đó ở thế giới bên kia. Cô nàng thấy cánh đồng ngô trong những giấc mơ của mình và một thế giới mới mở ra, nơi mà biết đâu cô nàng sẽ được sống theo ý mình mong muốn.

Cô nàng tưởng tượng rằng tôi sẽ nói: “Bạn là một nhà thơ tài ba thật đấy, Ruth ạ,” rồi quyển nhật ký sẽ đưa cô nàng vào cơn mơ ngủ giữa ban ngày, rằng mình là một nhà thơ có tài, rằng câu chữ của cô nàng có đủ sức mạnh vạn năng làm tôi sống lại.

Tôi có khả năng ngược dòng thời gian, thấy lại cảnh một buổi chiều nọ Ruth ngồi trên tấm thảm chùi chân trong phòng tắm khóa trái, ngắm cô chị họ tuổi dậy thì đang cởi quần áo để rồi vừa tắm vừa trông em. Ruth thèm được ve vuốt làn da và mái tóc của cô chị họ, mong được chị ôm ấp. Tôi tự hỏi mỗi khao khát ở bé gái lên ba này có bùng dậy lúc lên tám tuổi không. Cảm giác mơ hồ về sự khác biệt, rằng chuyện cô nàng mê cô giáo hay người chị họ là điều gì rất thật chứ không giống kiểu mến mộ của bọn con gái cùng lứa. Trong đam mê của cô nàng, ngoài những chăm chút, yêu chiều, còn có nỗi ham muốn đã vun xới cho cơn khát nhục dục, như bông hoa xanh non, dần chuyển ánh vàng rồi nở rộ một màu vàng nghệ tây rực rỡ, những cánh hoa mềm mại của cô nàng vươn ra đúng vào giai đoạn gian nan của tuổi dậy thì. Cô nàng ghi vào nhật ký rằng thật ra vấn đề không phải là cô nàng tìm quan hệ thân xác với người đàn bà nào khác, mà thật sự cô nàng muốn nhập vào, tan biến trong họ mãi mãi. Để che đậy, giấu giếm.