Hình hài yêu dấu - Chương 11 phần 1

KHI BỐ TÔI THỨC GIẤC VÀO BỐN GIỜ SÁNG, trong nhà hoàn toàn yên ắng. Mẹ tôi nằm bên ông, gáy khe khẽ. Em trai tôi, đứa con duy nhất còn ở nhà vì em gái tôi đang ở trại, nằm ngủ say mê mệt, kéo chăn trùm đầu kín mít. Bố tôi, cũng như tôi, lấy làm lạ sao nó có thể ngủ say đến thế được. Hồi tôi còn sống, Lindsey và tôi thường hay nghịch bằng cách vỗ tay, thả sách rơi xuống sàn, thậm chí gõ nắp xoong chan chat xem Buckley có vì thế mà thức dậy không.

Trước khi ra khỏi nhà, bố tôi còn vào phòng Buckley kiểm lại, khi cảm thấy hơi thở ấm của em phả vào lòng bàn tay ông mới yên lòng. Rồi ông xỏ đôi giày đế mỏng, mặc bộ quần áo thể thao nhẹ. Việc cuối cùng là tròng dây vào cổ con Hoiliday.

Trời còn sớm, đến mức ông nhìn thấy hơi nước phả ra khi thở. Sớm như thế này ông vẫn có thể coi như vẫn còn là mùa đông. Như thể trời chưa chuyển mùa.

Việc dẫn chó ra ngoài buổi sáng cho ông cái cớ để đi ngang ngôi nhà của tên Harvey. Ông chỉ đi chậm lại chút xíu - không ai nhận thấy, trừ tôi hay tên Harvey, nếu hắn đã thức. Bố tôi chắc chắn rằng chỉ cần tập trung nhìn thật kỹ, thật lâu là sẽ có lúc tìm ra bằng chứng ông cần, hoặc trên các khung cửa sổ, trong lớp sơn xanh phủ lên ván gỗ, hoặc ở lối xe ra vào, đánh dấu bằng hai tảng đá to sơn trắng.

Đến cuối hè 1974 vẫn không có gì mới trong vụ án mạng mà tôi là nạn nhân. Không tìm thấy xác. Thủ phạm cũng không. Hoàn toàn không có gì.

Bố tôi nghĩ đến câu bàn Ruana Singh: “Nếu biết chắc rồi, tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để giết hắn thật êm thấm.” Ông không kể lại với mẹ tôi vì lời khuyên này nghe dứt khoát, quyết liệt, hẳn sẽ làm bà bất an, thấy phải thổ lộ cùng ai khác. Và ông ngờ rằng người đó là Len.

Từ hôm ông đi gặp bà Ruana Singh rồi về nhà thấy Len đang chờ mình, ông cảm thấy mẹ tôi ngày càng thiên về lập luận của cảnh sát. Nếu bố tôi nói gì đó ngược với giả thiết của họ - và như ông nghiệm ra, là họ chẳng đưa ra giả thiết nào cả - thì bà lập tức tìm cách bào chữa cho điều sơ sót mà bố tôi vừa tìm ra được. “Len bảo răng điều đó chẳng nói lên điều gì cả,” hay “Em tin chắc trước sau cảnh sát cũng sẽ tìm ra thôi.”

Bố tôi tự hỏi sao người ta lại cả tin cảnh sát đến thế được? Sao không tin vào trực giác? Tên Harvey là hung thủ, bố biết chắc điều đó. Nhưng bà Ruana nói: Nếu biết chắc. Biết, cách biết bằng cảm nhận từ sâu thẳm nội tâm của bố tôi, không phải là bằng chứng hiển nhiên, theo tinh thần mà người ta vẫn diễn giải luật pháp.

Ngôi nhà nơi tôi lớn lên cũng là nơi tôi mở mắt chào đời. Không khác ngôi nhà của tên Harvey, nó như một cái hộp, nên tôi mới nảy thói ganh tị vớ vẩn khi đến thăm người khác. Tôi mơ về những ô cửa sổ xây nhô ra trên có mái vòm, về những ban công và bức vách nghiêng áp mái trong phòng ngủ. Tôi thích tưởng tượng có cây cối trong vườn to cao hơn người, những khoang dốc vát dưới gầm cầu thang. Những hàng rào dày rậm đến mức bên trong có những hốc do cành khô đan vào nhau thành vòm, ta có thể chui vào ngồi lọt được. Trong thiên đường của tôi có hiên, có cầu thang cuốn, cửa sổ có song sắt và một tòa lầu có chuông từng giờ lại điểm.

Tôi biết tường tận bên trong ngôi nhà của tên Harvey. Tôi đã để lại trên nền gara một vệt ẩm cho tới khi thi thể tôi lạnh cứng. Hắn đã mang máu của tên trên áo quần và trên lớp da hắn vào trong nhà. Tôi biết căn phòng tắm. Tôi biết rằng ở nhà mẹ tôi trang trí để đón chào Buckley ra đời sau chúng tôi nhiều năm, bằng cách dán những chiếc tào chiến nhiều màu dọc thành bốn bức tường màu hồng nhạt. Trong nhà tên Harvey phòng tắm và bếp sạch bong không tì vết. Gạch sứ ốp vách màu vàng, còn gạch lót sàn màu xanh lục. Tầng trên, nơi bên nhà tôi là phòng của Buckley, Lindsey và tôi, thì bên đó hắn để trống, chẳng trưng bày gì. Hắn có một cái ghế tựa để thỉnh thoảng ngồi nhìn qua cửa sổ hướng trường trung học, tiếng ban nhạc tập luyện từ sân cỏ vẳng lại, nhưng phần lớn thời giờ hắn ở tầng trệt, phía sau nhà, ở trong bếp để ráp nhà cho búp-bê, nghe đài phát thanh trong phòng khách, hoặc khi nào hứng thì phác họa đồ cho những dự tính bệnh hoạn như căn hầm hoặc túp lều.

Suốt nhiều tháng chẳng có ai quấy rầy gì hắn về vụ của tôi. Mùa hè năm ấy họa hoằn lắm hắn mới lại thấy một chiếc xe tuần tra chạy chầm chậm qua nhà tôi. Hắn khôn ngoan không thay đổi cung cách sinh hoạt thường nhật. Nếu bất chợt lúc ấy hắn định ra nhà để xe hay thùng thư, hắn vẫn điềm nhiên bước tới.

Hắn đặt nhiều đồng hồ reo báo giờ. Cái thì báo giờ để hắn kéo mành mành, cái khác báo giờ để đóng. Sau đó hắn bật hay tắt đèn đóm trong nhà. Thỉnh thoảng khi một cậu bé đi qua mời mua một phong sôcôla hoặ đặt mua dài hạn tờ báo ra buổi chiều Evening Bulletin, nhằm giúp gây quỹ cho một cuộc thi đua trong trường, thì hắn tỏ ra thân thiện, nhưng ở mức quan hệ mua bán, không gây sự chú ý nào.

Hắn cất giữ một số kỷ vật và hay đem chúng ra đếm. Việc đếm đi đếm lại tạo cho hắn cảm giác an toàn. Đó là những thứ rất bình thường. Chiếc nhẫn cưới, bức thư trong phong bì dán kín, một mẩu góp giày, cặp mắt kính, viên tẩy có hình nhân vật trong truyện tranh, lọ nước hoa con con, vòng đeo tay bằng nhựa, viên đá hộ mệnh - hình bang Pennsylvania - của tôi, mặt dây chuyền bằng mã não của mẹ hắn. Đêm đêm, đợi đến khuya khi chắc chắn sẽ không có trẻ bán báo hay người hàng xóm nào đến gõ cửa, hắn đem chúng ra xem. Hắn đếm từng món như người ta lần tràng hạt. Có vài món hắn đã quên tên chủ nhân. Nhưng tôi biết tên những người ấy. Gót giày là của một bé gái tên Claire ở Nutley, bang New Jersey, hắn đã dụ dỗ leo cửa sau lên chiếc xe thùng của hắn. Cô bé này hơn tôi. (Tôi cứ muốn nghĩ rằng như mình thì chẳng đời nào dại mà nghe lời leo lên một chiếc xe thùng, chẳng qua chỉ tại tôi hiếu kỳ muốn biết hắn làm sao xây hầm mà không sập). Hắn lột gót giày của Claire rồi thả cô bé đi. Ngoài ra không làm gì khác. Hắn dụ cô bé leo vô xe rồi tuột đôi giày cô ra. Cô bé òa khóc, tiếng khóc xoáy vào óc hắn như đinh vít. Hắn nài nỉ bảo cô bé nín và xéo đi cho rồi. Bé hãy đi chân trần mà leo xuống xe, đừng than khóc nữa, còn giày thì hắn giữ lại đây. Nhưng cô bé không chịu, cứ la khóc. Hắn lấy dao nhíp tìm cách tách phần gót khỏi chiếc giày, tới lúc có người dộng rầm rầm vào thành xe. Hắn nghe tiếng nhiều người đàn ông, rồi tiếng một người đàn bà la lối đòi gọi cảnh sát. Hắn mở cửa xe.

“Ông làm trò gì với đứa bé vậy hả?” một người đàn ông sừng sộ. Người bạn của ông này đỡ lấy cô bé đang vừa khóc lóc vừa nhảy xuống xe.

“Tôi đang sửa giày cho nó đây mà”

Cô bé hoảng loạn kể lể bù lu bù loa, còn tên Harvey thì tỏ ra là người bình tĩnh, ôn tồn. Nhưng Claire cũng đã nhìn thấy như tôi - trĩu nặng trong ánh mắt hắn - điều gì đó hắn muốn mà không nói ra được, và nếu được thỏa mãn hắn sẽ kết liễu số phận của chúng tôi.

Nhân cơ hội mọi người còn đang hoang mang chưa biết xử trí ra sao, vì không thể nhận thấy điều mà Claire và tôi linh cảm được, Harvey ra vẻ vội vã, đưa chiếc giày cho một người đàn ông rồi từ biệt đi luôn Hắn giữ lại cho mình chiếc gót. Hắn thích cầm chiếc gót bọc da bé xíu này, và mân mê băng ngón tay cái và ngón trỏ - một thức bùa hộ mệnh hoàn hảo cho hắn.

***

Tôi biết cái góc tối nhất trong nhà mình nằm ở đâu. Tôi từng leo vào trốn trong đó, tôi khoe với Clarissa là nấp suốt một ngày trời, nhưng thật ra chỉ ở đó khoảng bốn mươi lăm phút thôi. Đó là một khoảng trống chỉ vừa đủ để bò lom khom ở tầng hầm dưới nền nhà. Đó là chỗ mọi đường ống dẫn điện và nước từ khắp nhà quy về, soi đèn pin thấy được, tưởng như có cả tấn bụi trong đó. Chỉ có thế. Không có sâu bọ. Chỉ cần thấy vào con kiến bò là mẹ tôi, giống hệt bà ngoại, lấy ống thuốc diệt côn trùng loại cực mạnh xịt ngay.

Sau tiếng chuông đồng hồ báo giờ để hắn nhớ đóng mành mành, tiếp đến chuông đồng hồ nhắc hắn tắt hầu hết đèn đóm - sau đó khu ngoại ô này chìm trong giấc ngủ - tên Harvey sẽ xuống căn hầm xây kín mít không để lọt ánh đèn, kẻo có ai thấy thì họ sẽ đồn là hắn quái dị. Vào thời điểm trước và sau khi giết tôi, hắn không thích chui vào chỗ trống dưới những ống dẫn điện nước, nhưng vẫn thích ở lâu dưới hầm, ngồi trên một cái ghế đối diện với cái hốc tối từ khoảng lưng chừng tường kéo tới tận lớp ván lót sàn bếp. Nhiều khi hắn ngồi lơ mơ rồi ngủ quên dưới đó, và khi bố tôi đi ngang ngôi nhà sơn xanh này vào sáng sớm quãng năm giờ kém hai mươi thì hắn cũng đang ngủ ở đấy.

Joe Ellis là một thằng oắt con dữ tính và có thói chơi xấu. Ở hồ tắm nó lặn dưới nước lén cấu véo tôi với Lindsey, làm chúng tôi đành bỏ không đi bơi nữa vì ghét nó thậm tệ. Nó có một con chó mà nó cứ lôi bừa theo bất kể con vật muôn hay không. Con chó còn nhỏ không chạy nhanh được, nhưng Ellis mặc kệ. Cứ thế nó đánh và túm đuôi con chó xách ngược lên. Một ngày nọ con chó biến mất, biến luôn cả con mèo mà có người thấy bị thằng Ellis hành hạ. Sau đó chó mèo của toàn vùng lân cận dần dần biến đâu mất cả.

Khi dõi theo hướng nhìn của Harvey trong cái hốc chật hẹp chỉ bò mới vào được này, tôi phát hiện những con vật đã mất tích từ hơn một năm nay. Người ta cứ tưởng chuyện này chấm dứt vì thằng con nhà Ellis bị gửi vào trường thiếu sinh quân. Sáng sáng họ thả chó mèo ra, chiều tối chúng lần về. Họ xem đó là bằng chứng rõ ràng. Không ai tưởng tượng nổi rằng trong ngôi nhà màu xanh lục này có một kẻ mắc chứng thèm thuồng những con vật đó. Người đó rải vôi sống lên xác chó mèo để rút ngắn thời gian tiêu rã thịt da, sưu tập mớ xương. Bằng cách đếm xương và tránh không động đến bức thư niêm kín, chiếc nhẫn cưới, lọ nước hoa, hắn cố gạt ra khỏi tâm trí những việc hắn muốn làm nhất, đó lần mò leo cầu thang trong bóng tối, ngồi vào chiếc ghế tựa, ngó về phía trường trung học, đó là việc mường tượng ra những thân thể đang chuyển động dập dồn như sóng theo nhịp reo hò của các hoạt náo viên đang hăng say cổ vũ trận bóng đá tổ chức vào mùa thum hoặc đứng nhìn đám học trò trường tiểu học xuống xe buýt tại trạm đỗ cách nhà hắn hai căn. Có lần hắn dõi mắt theo Lindsey một lúc lâu, đứa con gái duy nhất trong đội bóng nam, vẫn chạy bộ quanh khu này lúc trời đã sập tối.

Tôi đã rất khó khăn, đã mất nhiều công sức để hiểu và tin rằng quả thật lần nào hắn cũng cố hết sức tự kiềm chế bản năng mình. Hắn giết súc vật, hủy diệt những sinh vật cấp thấp để kiềm giữ ham muốn ra tay hãm hại một đứa trẻ.

Vào tháng tám, Len muốn xác định lại giới hạn trong quan hệ để được yên thân mình những đồng thời cũng để giúp bố tôi. Bố tôi gọi điện tới đồn cảnh sát liên tục khiến họ đâm ngán ngẩm và bực bội, việc này chẳng giúp tìm ra thủ phạm mà chỉ làm họ ngày càng không ưa ông.

Cú điện thoại vào tuần đầu tháng Bảy là giọt cuối cùng làm tràn ly nước. Bố tôi kể lể dông dài với nhân viên trực máy điện chuyện con chó của ông trong một lần dắt ra ngoài lúc sáng sớm cứ trì lại trước cửa nhà Harvey không chịu đi tiếp, sủa ỏm tỏi. Họ kháo nhau ông Salmon kể rằng đã thử đủ mọi cách mà con chó không chịu nhúc nhích cứ sủa liên hồi. Chuyện này trở thành chuyện tiếu lâm ở đồn cảnh sát: ông họ nhà Cá và con chó Huckleberry.

Len đứng trước hiên nhà tôi hút nốt điếu thuốc. Trời còn sớm nhưng độ ẩm trong không khí cao hơn cả ngày hôm trước. Dự báo sẽ mưa suốt tuần, loại mưa dông có sấm chớp đặc biệt của vùng này, nhưng lúc này cảm giác ẩm ướt duy nhất Len có được là từ lớp mồ hôi nhớp nháp trên người ông. Lần trước đến nhà tôi là lần cuối cùng ông thấy thoải mái.

Len nghe có tiếng lao xao - giọng đàn bà - từ trong nhà vẳng ra. Ông ta dụi điếu thuốc trên nền xi măng dưới bờ dậu rồi nhấc quả đấm bằng đồng thau nặng chịch để gõ cửa.

Ông ta chưa kịp gõ thì cửa đã mở ra.

“Tại cháu ngửi thấy mùi thuốc lá,” Lindsey nói.

“Phải cháu vừa nói gì đó không?”

“Mấy chất độc hại đó sẽ giết chú cho mà xem.”

“Bố có nhà không cháu?”

Lindsey tránh sang bên, nhường lối.

“Bố ơi!” em gái tôi gọi với vào trong nhà. “Có chú Len!”

“Cháu mới đi đâu về à?” Len hỏi.

“Cháu vừa vào nhà.”

Em gái tôi mặc áo thun loại để chơi bóng chày của Samuel và chiếc quần thể thao lạ hoắc. Mẹ tôi vừa quở mắng nó vì về nhà với bộ quần áo không phải của mình.

“Chú biết bố mẹ cháu hay lo, hễ cháu đi đâu là cứ ngóng.”

“Không chắc đâu,” Lindsey nói, “Cháu thì nghĩ hễ đi đâu khuất mắt thì ông bà còn mừng nữa là khác.”

Len biết nó nói đúng. Ông ta nhớ rõ những lần trước mẹ tôi không cáu gắt như thế.

Lindsey kể: “Em Buckley phong chú làm cảnh sát trưởng của thành phố nó xây dưới gầm giường của nó đấy.”

“Thế là chú thăng chức rồi.”

Hai người nghe trên lầu tiếng chân của bố tôi và tiếng Buckley đang nài nỉ gì đó. Lindsey biết rằng nó đòi gì thì rốt cuộc bố tôi cũng sẽ chiều.

Bố và em trai tôi bước xuống cầu thang, mặt mày tươi tắn.

“Chào anh Len,” ông nói và bắt tay Len.

“Chào anh Jack,” Len đáp. “Còn Buckley, sáng nay cháu khỏe không?”

Bố tôi nắm tay Buckley dẫn tới trước mặt Len. Ông ta trịnh trọng cúi hỏi nó.

“Chú nghe nói cháu phong chú làm cảnh sát trưởng.”

“Đúng thế ạ.”

“Chắc chú không xứng đáng ới chức này đâu.”

“Anh xứng hơn người khác chứ,” bố tôi nói, vẻ hớn hở. Ông rất vui mỗi dịp Len Fenerman ghé thăm. Mỗi lần ông ta đến bố tôi càng thêm tin tưởng rằng có nhiều người đồng tâm nhất trí - có cả một nhóm người làm hậu thuẫn cho ông - chứ ông không đơn độc trong chuyện này.

“Các cháu à, chú cần nói chuyện riêng với bố một lúc.”