Hình hài yêu dấu - Chương 11 phần 2

Lindsey dụ Buckley trở vào nhà bếp bằng cách hứa cho cu cậu ăn món sữa khuấy ngũ cốc sấy khô. Còn cho mình thì Lindsey nghĩ đến ly cốc-tai khai vị gọi là Jellyfish Samuel đã pha chó nó uống thử, gồm đường, rượu Gin và một quả anh đào dưới đáy ly. Samuel và Lindsey ngậm ống, hút dần mấy quả anh đáo cùng với rượu, đến lúc say nhức cả đầu và môi đỏ loét.

“Tôi gọi Abigail xuống nhé? Anh uống cà phê hay thứ gì khác?”

“Jack ạ” Len nói, “tôi đến đây không phải vì có tin mới - ngược lại là khác. Ta ngồi đâu được?”

Tôi nhìn bố và Len đi vào phòng sinh hoạt. Tên là phòng sinh hoạt nhưng dường như những sụ kiện quan trọng trong đời chúng tôi không hề diễn ra ở đó. Len ngồi ghé lên mép một chiếc ghế, chờ bố tôi ngồi xong rồi mới nói:

“Tôi nói cho anh nghe, Jack ạ. Về George Harvey ấy mà.”

Mặt bố tôi tươi lên. “Thế mà anh bảo không có tin mới.”

“Không có thật mà. Có ít điều tôi cần nói với anh, nhân danh sở cảnh sát và cả cá nhân tôi nữa.”

“Anh cứ nói.”

“Yêu cầu anh đừng gọi dây nói cho chúng tôi về chuyện tên George Harvey nữa.”

“Nhưng mà…”

“Tôi yêu cầu anh đừng gọi nữa. Dù chúng ta có suy diễn, phỏng đoán thêm mãi đi nữa, cũng chẳng có gì chứng minh hắn liên quan đến cái chết của Susie được. Chó sủa râm ran và căn lều hợp cẩn không phải là bằng chứng.”

“Tôi biết chính hắn đã làm điều đó,” bố tôi nói.

“Hắn lập dị, tôi cũng đồng ý thế, nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì hắn không phải là một kẻ sát nhân.”

“Từ đâu mà các anh dám khẳng định như vây?”

Len Fenerman phân trần, nhưng bố tôi chỉ nghe trong tai lời bà Ruana Singh đã khuyên, nhớ lại cảm giác lúc đứng trước nhà Harvey, như có một nguồn năng lượng toát ra từ hắn, từ cõi lòng lạnh lẽo giá băng của hắn. Harvey là con người khó ai nhìn thấu lòng daj nhưng đồng thời là kẻ duy nhất trên đời đáng bị nghi là sát hại tôi. Càng nghe Len bác bỏ giả thiết này bố tôi càng tin chắc là mình đúng.

“Vậy là các anh ngưng không điều tra về hắn nữa,” bố tôi nói thẳng thừng.

Len lân la đứng ở cửa phòng như hôm Len và viên cảnh sát mặc đồng phục đem lại nhà cái mũ đính chuông của tôi. Lindsey có một cái y hệt. Ngay hôm ấy nói lặng lẽ cất cái mũ thứ hai này vào một cái hộp đựng búp-bê cũ rồi giấu sau tủ quần áo. Nó không muốn mẹ tôi tình cờ phải nghe lại tiếng lanh canh của những quả chuông tí hon bé bằng viên ngọc trai này nữa

Bố chúng tôi đứng sững, với trái tim mà chúng tôi biết hoàn toàn dành cho vợ con mình. Ông mang chúng tôi trong tim, thấy quá nặng vì kiệt sức và tuyệt vọng. Hai cửa của trái tim ông đóng mở dồn dập như nắp hơi trên một nhạc cụ; những cái van bằng nỉ im lặng, ngón bấm ma quái, tập miết, thế rồi bỗng vang lên thanh âm, điệu nhạc, không gian ấm lại. Lindsey rời chỗ cửa phòng bước lại.

“À, cháu Lindsey,” Len nói.

“Thanh tra Fenerman.”

“Chú vừa nói với bố cháu…”

“Rằng chú ngưng việc điều tra.”

“Nếu có lý do vững chắc nào cho phép tình nghi người đàn ông đó thì…”

“Chú nói xong chưa?” Lindsey hỏi. Đột nhiên nó đứng vào chỗ người vợ của bố tôi, đồng thời vẫn đóng vai đứa con cả, mang trách nhiệm nặng nhất nhà.

“Chú chỉ muốn cả nhà hiểu cho rằng, đến nay các chú đã kiểm tra không sót một manh mối nào.”

Bố tôi và Lindsey nghe tiếng chân mẹ tôi, còn tôi nhìn thấy bà, từ trên cầu thang bước xuống. Buckley từ bếp ào ra, va cả người vào chân bố tôi.

“Anh Len”, mẹ tôi nói rồi kéo chiếc áo khoác vải bong sát người khi trông thấy ông ta, “anh Jack đã mời anh cà phê chưa?”

Bố tôi nhìn vợ rồi quay nhìn Len Fenerman.

“Cảnh sát bỏ cuộc rồi,” Lindsey vừa nói vừa nhẹ tay níu vai Buckley, kéo nó đứng sát vào người.

“Cuộc gì?” Buckley hỏi. Nó hay lấy lưỡi cuộn tới cuộn lui một âm như viên kẹo chua, cho đến khi biết rõ và ghi nhớ mùi vị.

“Sao cơ?”

“Thanh tra Fenerman đến đây để bảo bố đừng quấy rầy họ nữa.”

“Lindsey”, Len nói, “chú có nói như thế đâu.”

“Nói gọn lại là thế,” nó đáp. Em gái tôi muốn bỏ đi, tới nơi có trại năng khiếu được kéo dài thêm ít ngày; Samuel và nó sẽ đến đó, nếu có cả Artie càng hay - vào phút chót tay nào giật giải cuộc thi giết người êm thấm nhờ sáng kiến dùng nhũ băng làm vũ khí sát nhân - ở trại em sẽ làm chủ thế giới của riêng mình.

“Thôi bố ơi, đừng buồn nữa,” nó nói. Bố tôi đang nhẫn nại ráp ghép gì đó trong tâm tưởng. Những mảnh rời đó không dính dáng gì đến tôi hay George Harvey cả. Chúng nằm trong ánh mắt mẹ tôi.

Hôm ấy bố tôi ngồi lại rất khuya trong phòng làm việc của ông, ông hay làm thế thời gian sau này. Ông bang hoàng thấy thế giới xung quanh ông sụp đổ - bao nhiêu là chuyện từ đâu bỗng dồn dập đổ đến, đầu tiên là cái tin tôi chết như tiếng sét bên tai. “Tôi có cảm tưởng đang đứng trong miệng một núi lửa đang phun”, ông viết trong nhật ký. “Cả Abigail cũng cho rằng Len có lý trong chuyện Harvey.”

Trong lúc ông ngồi viết thì ngọn nến ở cửa sổ không ngớt lung linh, khiến ông không tập trung tâm trí được dù có đèn bàn. Ông ngả lưng vào thành chiếc ghế gỗ cũ vấn ngồi từ thời còn là sinh viên, tiếng gỗ kẽo kẹt quen thuộc làm ông thấy thư giãn. Ở công ty ông đãng trí không biết người ta cần ông vào công việc gì. Ngày ngày ông phải nhìn những cột số vô nghĩa mà người ta đòi hỏi ông phải kiểm tra xử lý theo nhu cầu của công ty. Hồi này ông hay phạm lỗi, và số là sai sót tăng đến mức đáng sợ, khiến ông lo mất việc, sẽ không còn đủ khả năng chăm sóc cho hai đứa con yêu quý còn lại, lo lắng hơn cả những ngày đầu sau khi tôi mất tích.

Ông đứng dậy, dang hai cánh tay, cố tập trung làm vài ba động tác mà bác sĩ gia đình đã khuyên. Tôi nhìn bố cúi người, ngạc nhiên vì chưa hề thấy ông cử động một cách khó khăn nhọc mệt đến thế. Ngày xưa thay vì đi về quản trị kinh doanh, lẽ ra ông phải chọn trở thành vũ công mới đúng. Biết đâu lại chẳng có dịp trình diễn khiêu vũ với bà Ruana Singh ở kịch viện Broadway.

Ông tắt đèn bàn, chỉ để lại ngọn nến.

Ngồi trên chiếc ghế bành thấp màu xanh như lúc này ông thấy thoải mái hơn hết. Tôi thường ngồi ngắm những lần ông ngủ quên ở đó. Căn phòng như một hầm mộ, chiếc ghế như bào thai trong bụng mẹ. Còn tôi canh giấc cho bố. Ông đăm đăm nhìn ngọn nến, ngẫm nghĩ xem nên làm gì; nghĩ đến những lần ông đưa tay chạm vào người vợ thì bà nhích ra mép phía giường ra sao. Thế rồi khi viên cảnh sát xuất hiện, bà bỗng sinh động tươi tắn hẳn lên.

Mắt ông quen dần với vầng sáng chập chờn ma quái của ngọn nến trên kính cửa sổ. Ông nhìn đăm đăm cả hai - ngọn lửa thật và cái bóng của nó, rồi tâm trí ông bắt đầu lãng đãng nghĩ về nỗi căng thẳng và những sự kiện trong ngày.

Đúng lúc ông thôi không muốn nghĩ ngợi nữa để thả mình vào giấc ngủ thì hai bố con tôi cùng thấy một thứ: một nguồn sáng thứ hai. Ở bên ngoài cửa sổ.

Nhìn từ xa trông nó giống như ánh đèn pin. Một luồn sáng trắng từ từ chuyển động xuyên qua bãi cỏ đi về phía trường trung học cơ sở. Bố tôi dõi mắt nhìn theo luồng sáng ấy. Bấy giờ đã quá nửa đêm, trăng không tròn như mọi khi, không sáng đủ để soi tỏ đường nét nhà cửa, cây cối. Ông Stead, tối nào cũng chạy chiếc xe đạp có đèn chiếu bằng sức chân guồng, chắc chắn chẳng bao giờ phá nát bãi cỏ nhà hàng xóm kiểu này. Vả lại với ông Stead thì giờ này đã quá khuya.

Bố tôi nhổm dậy trên chiếc ghế xanh để nhìn theo, thấy ánh đèn pin kia di chuyển về phía cánh đồng ngô bỏ hoang.

“Đồ khốn!” Ông thì thầm. “Quân giết người khốn kiếp!”

Ông vội vàng lấy chiếc áo đi săn - không hề mặc lại từ chuyến đi săn xui xẻo mười năm về trước - từ trong tủ chứa đồ khoác lên người. Xuống dưới nhà, ông lao vào phòng chứa đồ ở tiền sảnh lôi ra chiếc gậy bóng chày ông đã mua cho Lindsey trước khi nó quay sang mê môn bóng đá.

Đầu tiên bố tắt ngọn đèn trước hiên mọi người vẫn thắp cho tôi hàng đêm; dù đã tám tháng trôi qua kể từ khi cảnh sát bảo rằng không hy vọng thấy tôi còn sống nhưng chưa ai nỡ tắt lần nào. Tay đặt lên nắm đắm cửa, ông hít một hơi thật sâu.

Ông vặn nắm đấm, bước ra hàng hiên tối om. Ông khép cửa, đứng ngoài sân với cây gậy bóng chày, tự nhủ: phải nghĩ ra cách nào thật êm thấm.

Ông băng qua sân trước, sang đường rồi vào sân nhà O’Dwyer, nơi ông thấy ánh đèn xuất phát. Ông đi qua chỗ bể bơi và hai chiếc ghế đu han gỉ. Tim ông đập dồn dập nhưng ông không cảm thấy gì hết, ông chỉ có một ý nghĩ trong đầu. George Harvey vừa ra tay giết thêm một bé gái nữa.

Ông đi đến sân bóng đá. Phía bên phải ông, sâu trong cánh đồng ngô, nhưng xa khu ông từng biết - nơi cảnh sát quay kín lại, phát quang, đào xới lên rồi lấp lại - ông thấy lại ánh đèn kia. Ông nắm chặt hơn nữa chiếc gậy bóng chày. Trong một khoảnh khắc ông không biết đích xác mình sắp làm gì, nhưng hiểu rất rõ mình muốn gì.

Gió giúp ông toại ý, thổi thốc qua sân bóng, dọc cánh đồng ngô, quật phần phật ống quần ông, đẩy ông tới trước, dù ông cố trì lại. Mọi thứ ngã rạp. Đến khi ông lọt vào giữa những luống ngô rồi, tập trung tâm trí vào luồng sáng, thì gió ngụy trang cho ông. Gió ào ào hú qua những thân ngô gãy gục, át tiếng chân ông giẫm đạp lên chúng.

Những hình ảnh, âm thanh hỗn độn tràn ngập đầu óc ông - tiếng đế cao su cứng giày pa-tanh của trẻ con cọ xát mặt vỉa hè, mùi thuốc tẩu của bố ông, nụ cười của Abigail khi hai người mới quen nhau, như ánh sáng xuyên thấu quả tin xao xuyến của ông - rồi ánh đèn pin vụt tắt. Chung quanh ông tối mịt, không phân biệt được gì nữa.

Ông tiến thêm vài bước rồi đứng lại.

“Ta biết mi đang ở đây,” ông nói.

Tôi làm nước dâng ngập lụt cánh đồng ngô, tôi phà hơi tiếp lửa để rọi sáng khắp chốn, tôi cho đá và cánh hoa rơi xuống như mưa, nhưng chẳng tạo ra biến chuyển gì trên dương thế, tôi không bảo cho ông biết kịp. Tôi bị đẩy lui về thiên đường của mình: việc duy nhất tôi được làm là từ đó nhìn xuống thế gian.

“Ta đến đây cũng vì chuyện đó,” bố tôi nói, giọng run run. Trái tim kia co thắt rồi giãn ra, máu ào ạt ngập tràn bờ những nhánh sông trong lồng ngực ông rồi dồn ứ lại. Hơi thở, lửa, buồn phổi co cứng, phồng ra, những kích thích tồi còn lại tích tụ trong Adrenalin. Hình ảnh mẹ tôi tươi cười rời khỏi tâm trí ông, lần này ông nhìn thấy tôi nhoẻn miệng cười.

“Mọi người đang ngủ,” bối tôi nói. “Ta ra đây để thanh toán với mi.”

Ông nghe tiếng rên nhỏ. Giá tôi quay được đèn chiếu xuống đó, như người ta vẫn rọi đèn trong phòng khánh tiết của trường nhưng quay vụng về khiến quầng sáng không phải lúc nào cũng chiếu đúng chỗ cần rọi trên sân khấu. Sẽ thấy cô bé ngồi thu lu, sợ hãi rên rỉ, dẫu quầng mắt nó tô xanh và chân đi ủng kiểu cao bồi hiệu Bakers nhưng đũng quần ướt nhẹp. Đúng là còn con nít.

Cô bé không nhận ra tiến bố tôi vì giọng ông sục sôi căm hận. “Brian hả?”, Clarrisa run run thốt lên. “Phải Brian đó không?” Niềm hy vọng được giương lên như tấm khiên để chống đỡ.

Bàn tay nắm gậy của bố tôi rời rã, ông buông rơi gậy.

“Ô hay, ai đó?”

Tai còn ù vì tiếng gió, Brian Nelson, thằng bù nhìn lêu nghêu như tre mưỡu, đậu cái xe Spyder Corvette của ông anh trong bãi xe nhà trường. Cậu ta lúc nào cũng đến muộn, luôn trễ giờ, hay ngủ gật trong lớp và có khi gục xuống bàn ở bữa ăn tối, nhưng chưa từng đến muộn hay ngủ gật nếu có thằng bạn nào đem đến tờ Playboy, hay cô gái xinh xắn nào tình cờ đi qua, chưa tối nào đến muộn khi có bạn gái hẹn hò đợi cậu ở cánh đồng ngô. Tuy thế lần này cậu còn nhẩn nha. Gió thổi ào ào bên tai, gió kiểu này thật tuyệt, sẽ làm chăn và mạn bao che cho chuyện cậu định làm.

Brian đi về phía ruộng ngô với cây đèn bấm khổng lồ lấy từ thùng trang bị phòng khi có tai ương mà bà mẹ để dưới bồn rửa bát. Thế rồi cậu nghe tiếng người - sau này cậu khai rằng tưởng là tiếng Clarrisa kêu cứu.

Tim bố tôi như một hòn đá, trĩu nặng trong lồng ngực khi ông vừa chạy trong đêm đen vừa lắng nghe lần dò theo hướng có tiền đứa con gái rên rỉ. Ngày xưa mẹ của ông đan cho ông bao tay loại cho trẻ nhỏ, Susie xin đôi găng tay dành cho người lớn, cánh đồng ngô vào mùa đông lạnh lắm cơ. Clarrisa đó mà! Đứa bạn ngờ nghệch của Susie. Con bé hay son phấn, đòi bánh mì quệt mứt phải đúng ý, con bé da màu nâu rám nắng.

Ông vùng chạy tới, va phải làm nó ngã nhào. Tiếng kêu của con bé tràn ứ tai ông, xuyên qua không gian trống vắng, lùng bùng trong trí ông. “Susie con ơi!” ông hét trả lời.

Nghe réo tên tôi, Brian tỉnh cả người, cắm đầu cắm cổ chạy. Ánh đèn pin của cậu nhảy nhót trên cánh đồng ngô và, trong một nháy mắt rọi qua chỗ tên Harvey. Không ai ngoài tôi nhìn thấy hắn. Ánh đèn của Brian rọi trúng lưng hắn, khi hắn đang bò lồm cồm giữa những thân ngô cao, dừng lại nghe ngón xem tiếng kêu hướng nào.

Rồi ánh đèn rọi đúng mục tiêu. Brian kéo thốc bố tôi lên, giằng khỏi Clarrisa, đánh ông tới tấp. Cậu đập cây đèn pin của thùng trang bị phòng nạn lên đầu, lưng và mặt. Bố tôi hét lên, rên vì đau đớn.

Chợt Brian nhìn thấy cây gậy.

Tôi vận hết sức lực đẩy cái đường ranh không cánh nào di dịch trong thiên đường của tôi. Tôi muốn vươn tay vực bố tôi dậy, đem ông đi, đưa ông đến chỗ tôi ở.

Clarrisa bỏ chạy. Brian vung tay lên. Mắt bố tôi gặp mắt Brian, nhưng ông hụt hơi, không thở nổi.

“Đồ già dê!” Brian nổi giận quát, mặt mày xanh xám.

Tôi nghe tiếng rền rĩ trong đất cát bụi mù. Tôi nghe gọi tên tôi. Tôi tưởng tượng mình đang nếm vị máu rịn trên mặt bố, đang đưa tay dặm vành môi nứt toác của ông, nằm xuống cạnh ông trong nám mồ của mình.

Nhưng đang ở thiên đường, tôi không làm gì khác được, chỉ có cánh ngoảnh mặt đi. Bị sa vào thế giới hoàn hảo của mình, tôi phải bó tay. Giọt máu tôi vừa nếm có vị đắng. Chua xé lưỡi. Tôi muốn được bố sớm khuya chăm sóc, muốn hưởng tình thương sâu đậm của ông. Nhưng tôi cũng muốn ông chấp nhận rằn tôi đã chết thật, và quay mặt để cất bước đi tiếp. Tôi được ban một ân huệ nhỏ nhoi. Được phép trở lại căn phòng, nơi chiếc ghế màu xanh vẫn ấm hơi bố, thổi tắt đi ngọn nến đứng chơ vơ còn cháy lập lòe.