Hình hài yêu dấu - Chương 12 phần 1

TÔI ĐỨNG CẠNH GIƯỜNG BỐ, LẶNG NHÌN ÔNG ngủ thiêm thiếp. Trong đêm hôm đó những chi tiết rối rắm của sự việc được tháo gỡ dần, cuối cùng phía cảnh sát hiểu ra: ông Salmon buồn khổ đến quẫn trí nên lần ra cánh đồng ngô tìm cách trả thù. Thế là khớp với những gì họ biết về ông, những cú điện thoại dai dẳng, nỗi ám ảnh của ông về người hàng xóm, lại nữa đúng sáng hôm đó thanh tra Fenerman có đến thông báo cho bố mẹ tôi hay rằng dù họ quyết tâm cao, đã dốc nhiều công sức, cuộc điều tra về cái chết của tôi nay lâm vào ngõ cụt. Không còn manh mối nào nữa để họ lần theo. Xác cũng chẳng tìm được.

Bác sĩ phải mổ đầu gối để thay bao khớp xương, đường khâu mũi chỉ to tướng như ta thấy ở loại ví tiền bằng da thô, khiến khớp xương bị hạn chế hoạt động. Tôi nhìn họ giải phẫu, trông cứ như ta vá may, tôi thấy thà bố tôi được giao cho những bàn tay khéo léo này còn hơn là được đưa đến chỗ tôi. Giờ nữ công gia chánh ai cũng thấy tôi vụng về lóng ngóng. Cầm dây khóa kéo tôi cứ nhầm không biết là đằng đầu hay đằng cuối.

Nhưng bác sĩ phẫu thuật rất kiên nhẫn. Một cô y tá đã kể ông nghe đầu đuôi sự thể trong lúc ông rửa tay trước khi mổ. Ông nhớ có đọc tin trên báo về vụ thảm sát tôi. Ông trạc tuổi bố tôi và cũng có con nhỏ. Ông thấy ớn lạnh khi kéo găng thật sát hai bàn tay. Hoàn cảnh ông và người đàn ông này có nhiều nét tương tự. Nhưng lại cũng khác nhau một trời một vực.

Trong căn phòng tối om ở nhà thương chỉ có tiếng ro ro phát ra từ ngọn đèn huỳnh quang ở đầu giường. Đó là nguồn ánh sáng duy nhất trong phòng trước rạng đông, cho tới khi em gái tôi bước vào.

Mẹ, em gái và em trai tôi sực tỉnh giấc vì tiếng xe cảnh sát hụ còi, cả ba từ phòng ngủ chạy xuống cầu thang, vào nhà bếp còn tối bưng.

“Con lên đánh thức bố dậy,”mẹ tôi bảo Lyndsey. “Mẹ không tin rằng ồn thế này mà bố con ngủ được”

Em gái tôi lại chạy lên lầu. Lâu nay ai cũng biết phải tìm ông ở đâu: chỉ trong có sáu tháng chiếc ghế bành màu xanh đã chính thức thành cái giường riêng của ông.

“Bố không có ở đây!” me gái tôi kêu toáng lên ngay khi phát hiện ra. “Bố đi đâu mất rồi, mẹ ạ! Mẹ! Bố đi đâu rồi ấy!” Phút chốc, một giây phút hiếm hoi, Lyndsey trở lại thành một cô bé biết hoảng sợ.

“Khốn khổ khốn nạn thật!” mẹ tôi nói.

“Mẹ ơi mẹ?”, Buckley sợ sệt hỏi.

Lindsey lao vào bếp. Mẹ tôi đang đứng ở bếp. Lưng mẹ là một mảng chằng chịt những dây thần kinh, lúc bà quyết định đun nước pha trà.

“Mẹ à, mình phải làm gì đi chứ?”, Lyndsey hỏi.

“Con không hiểu gì sao…?”, mẹ tôi nói, bà đứng yên một lúc, tay vẫn giương cao hộp trà Earl Grey lúc đó như lơ lửng trong khoảng không.

“Hiểu gì cơ?”

Mẹ đặt hộp trà xuống, vặn nút bật nóng bếp rồi quay lại. Lúc ấy mẹ mới thấy tận mắt: Buckley đã chạy ra bám lấy em gái tôi, cho ngón cái vào miệng mút, vẻ mặt hoang mang.

“Bố con theo rình mò tay ấy, bây giờ tự chuốc vạ vào thân.”

“Mình chạy ra đó đi mẹ,” Lyndsey nói. “Để phụ bố.”

“Không”

“Mẹ, mình phải giúp bố chứ.”

“Buckley, không được mút tay nữa nghe chưa!”

Em trai tôi sợ hãi khóc òa, em gái tôi đưa tay kéo em sát vào người rồi nhìn mẹ.

“Con ra ngoài tìm bố đây,” Lyndsey nói.

“Con không đi đâu cả,” mẹ tôi nói. “Bố con rồi sẽ về lại. Mẹ con ta không nên can dự vào.”

“Mẹ”, Lyndsey nói, “nhỡ bố bị thương thì sao?”

Buckley nín khóc một lúc để hết nhìn mẹ lại nhìn chị. Nó biết bị thương nghĩa là gì và biết ai đang vắng nhà.

Mẹ tôi nhìn Lyndsey đủ để em hiểu rõ ý bà. “Không bàn lôi thôi. Con lên phòng hay ở đây với mẹ chờ bố về. Tùy ý.”

Lyndsey điếng người. Em trừng trừng nhìn mẹ, thâm tâm biết rõ mình muốn làm gì: chạy ra cánh đồng ngô, nơi có bố tôi, có tôi, và em chợt cảm thấy vào giờ phút này trái tim của gia đình đang ở ngoài đó. Nhưng em cũng cảm thấy hơi ấm người Buckley bám riết lấy chị.

“Buckley”, em bảo bé, “mình lên lầu lại đi. Em được phép vào giường chị ngủ.”

Thằng bé dần dần nghiệm ra: cứ mỗi lần nó được đối xử đặc biết là y như rằng sau đó mọi người sẽ cho nói biết vừa có chuyện gì kinh khủng xảy ra.

Sau khi nghe điện thoại của cảnh sát, mẹ đi ngay ra tủ áo gần cửa chính. “Bố con bị đánh bằng chiếc gậy bóng chày của nhà mình!”, mẹ nói rồi lôi áo khoác, cầm theo chùm chìa khóa và thỏi son môi. Em gái tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đơn độc mà lại mang nhiều trách nhiệm đến thế. Không thể để Buckley ở nhà một mình, vả chăng Lyndsey có lái xe được đâu. Ngoài ra phải nói, như thế mới hợp tình hợp lý: chẳng phải vợ thì luôn phải có mặt bên chồng hay sao?

Đến lúc gọi được điện thoại cho mẹ cu Nate - vụ lộn xộn trong ruộng ngô đã đánh thức hết cả khu - thì em gái tôi kịp nghĩ ra nên làm những gì. Em gọi tiếp cho Samuel. Trong vòng một tiếng nữa mẹ cu Nate sẽ đến đón Buckley, còn Hal Heckler sẽ chạy mô-tô tới nhà chúng tôi. Lẽ ra sẽ phải hứng thú lắm - được bám lưng ông anh tuyệt vời của Samuel, lần đầu tiên được ngồi mô tô - nhưng giờ phút này tâm trí em gái tôi chỉ luẩn quẩn ý nghĩ về bố mình thôi.

Khi Lyndsey bước vào căn phòng trong nhà thương thì mẹ tôi không có ở đó; chỉ có bố và tôi. Em bước lại gần đứng bên kia giường thút thít khóc.

“Bố ơi, bố không sao chứ, bố?”

Cửa phòng hé mở. Đó là Hal Heckler, trông ra dáng đàn ông, vóc cao lớn, đẹp trai.

“Lyndsey”, anh nói, “anh đợi em ở phòng thăm viếng, nếu em cần anh sẽ chở về.”

Anh nhìn Lyndsey quay lại, mắt nhòa lệ. “Cảm ơn anh, Hal. Nếu anh gặp mẹ em…”

“Anh sẽ bảo bác là em đang ở đây.”

Lyndsey nắm tay bố tôi, dò tìm trên mặt ông xem có dấu hiệu là ông cảm biết gì không. Tôi mục kích từng giờ từng phút em gái tôi trưởng thành ra sao. Tôi lắng nghe nó lẩm nhẩm những câu bố tôi từng hát cho hai chị em nghe trước khi Buckley ra đời:

Này là hòn đá, này là mẩu xương;

Này là tuyết, còn đây sương giá;

Này là hạt mầm, hạt đậu, còn đây nòng nọc;

Lối mòn và cành nhánh, nụ hôn đủ kiểu,

Chúng tôi biết bố đang mong ngóng ai!

Đó là hai bé gái nhỏ như nhái bén của bố.

Ai ai cũng rõ, nhưng còn bạn, có biết chúng ở nơi nao?

Tôi ước gì bố mỉm miệng cười, nhưng ông chìm lỉm ở đâu sâu lắm, bơi ngược dòng chống chỏi với hỗn hợp thuốc men, với ác mộng và giấc ngủ chập chờn. Việc gây mê cho ý thức của ông như mảnh vải bị trải ra dằn bốn góc bằng những hòn chì nặng, trong một quãng thời gian dài. Như một lớp vỏ bằng sáp cứng lại, nó đã bọc kín bố một vài tiếng đồng hồ, bố không phải nhớ mình có đứa con gái mới chết, không biết đầu gối mình bị thương, cũng không hay có đứa con gái yêu đang thì thầm vào tai những câu hát ngày xưa.

“Bao giờ người quá cố dứt khoát được, không bận lòng vì cõi trần nữa,” Franny bảo tôi, “lúc ấy người ở dương thế mới tập trung tâm trí vào chuyện khác được.”

“Thế còn những người đã chết rồi, họ sẽ ra sao?”, tôi hỏi. “Lúc đó chúng ta đi về đâu?”

Cô không trả lời tôi.

Len Fenerman vội vã đến ngay nhà thương sau khi nhận được điện thoại. Cô trực máy báo có bà Abigail Salmon cần nói chuyện với ông ta.

Bố tôi đang nằm ở phòng mổ, còn mẹ tôi đi tới đi lui trước phòng y tá trực. Bà lái xe tới bệnh viện trong chiếc áo mưa khoác ngoài chiếc áo ngủ mỏng mùa hè. Chân bà mang loại giày đế phẳng vẫn dùng đi lại trong vườn. Bà chẳng buồn kẹp tóc lại, trong túi áo với xách tay không có sẵn loại dây chun buộc tóc nào. Bà dừng xe trong bãi đậu không đèn, chìm trong sương mù của nhà thương để soi lại mặt mũi, rồi tô môi bằng thỏi son màu đỏ vẫn dùng bằng bàn tay thuần thục.

Khi nhìn thấy Len tiến lại từ cuối hành lang dài sơn một màu trắng toát, bà thấy trong người thư giãn trở lại.

“Chào chị Abigail,” ông ta chào khi đến khá gần bà.

“Anh Len ơi,” bà nói. Mặt bà lộ vẻ bối rối vì không biết nói gì tiếp. Tên ông ta là tiếng thở trút ra mẹ đang cần có. Những gì tiếp theo không cần thốt thành lời.

Các cô y tá trong phòng trực quay đi khi Len và mẹ tôi nắm tay nhau. Theo thói quen nghề nghiệp, họ tự động giơ tay kéo tấm màn che khuất những cảnh riêng tư, mặc dù vậy họ vẫn nhận thấy người đàn ông kia khá thân thiết với người đàn bà này.

“Ta vào khu dành cho khách thăm viếng nói chuyện đi,” Len nói rồi cùng mẹ tôi đi dọc hành lang.

Vừa đi bà vừa kể cho ông ta chuyện bố tôi phải mổ. Còn ông cho bà biết thêm chi tiết về những gì xảy ra ở cánh đồng ngô.

“Hình như anh ấy khai tưởng nhầm cô bé kia là George Harvey.”

“Làm sao anh ấy lại ngỡ Clarissa là George Harvey được nhỉ?” Mẹ tôi đứng sựng lại, ngay trước cửa phòng thăm viếng, vẻ mặt đầy băn khoăn.

“Trời khuya tối mò mà, chị Abigail. Tôi cho rằng anh ấy chỉ thấy ánh đèn pin của cô bé thôi. Việc tôi ghé thăm sáng nay xem ra chẳng có tác động gì. Ông ta vẫn tin chắc rằng tay Harvey dính líu đến vụ cháu gái.”

“Clarissa có sao không?”

“Người ta băng bó mấy vết trầy xước rồi cho về nhà. Con bé bị bấn loạn. Khóc gào kể lể. Thật là một trùng hợp ngẫu nhiên khá rùng rợn, nó vốn là bạn thân của Susie mà.”

Hal ngồi thưỡn người trong một góc tối của khu dành tiếp khách thăm viếng, chân gác lên chiếc mũ bảo hiểm anh cầm theo cho Lyndsey. Nghe tiếng người trò chuyện to dần, anh cựa người gượng ngồi dậy.

Đó là mẹ tôi và một viên cảnh sát. Anh lại ngồi thụp người xuống, để xõa vài lọn tóc dài ngang vai che tối bớt mặt. Anh nghĩ chắc mẹ tôi không nhớ mặt anh.

Nhưng bà nhận ra chiếc áo khoác có lần thấy Samuel mặc, trong một thoáng bà nghĩ: Samuel đang ở đây, song sực nhớ ra: Không phải, anh của nó.

“Ta ngồi đây nhé,” Len nói, tay chỉ vào hàng ghế nối nhau phía bức tường xa hơn.

“Tôi thích đi đi lại lại hơn,” mẹ tôi nói. “Bác sĩ bảo họ cần ít nhất một tiếng rồi mới cho chúng tôi biết kết quả được.”

“Thế ta đi hướng nào?”

“Anh có thuốc lá đó không?”

“Chị biết thừa tôi có mà.” Len cười cười trả lời, như thể biết lỗi. Ông phải tìm xem mắt bà nhìn đi đâu. Chúng không tập trung vào ông. Chúng như đang bận nhắm vào đâu đó, ông ước rằng có thể với tay níu kéo, hướng chúng về với nơi đây, với giây phút này. Về với ông ta.

“Ta thử tìm xem gần đây có cửa ra không.”

Họ thấy có cánh cửa mở ra một gian nhỏ bằng bê tông, không xa phòng bố tôi mấy. Đó là chỗ để máy sưởi, nên tuy chật và trời khá lạnh, nhưng tiếng ồn và hơi nóng của lò sưởi chạy bằng nước ngay bên cạnh như phủ lên họ một lớp vỏ bọc, gây cảm tưởng đang ở một nơi xa xôi. Họ hút thuốc và nhìn nhau như thể bỗng nhiên, không hề chuẩn bị tinh thần trước, bước sang một trang mới của cuộc đời, nơi những gì khẩn cấp cần làm ngay được báo động bằng đèn chớp sáng.

“Vợ anh làm sao mà chết vậy?” mẹ tôi hỏi.

“Tự vẫn.”

Tóc bà rũ xuống che gần kín khuôn mặt. Nhìn bà, tôi nhớ đến Clarissa những lúc nó mất tự nhiên nhất. Nhớ lại thái độ của nó giữa đám con trai lần chúng tôi vào khu thương xá. Nó cứ cười rinh rích, mắt theo dõi xem bọn con trai nhìn đi đâu. Nhưng tôi cũng rất đỗi ngạc nhiên về đôi môi đỏ son của mẹ tôi, về khói thuốc quyện theo điếu thuốc bà đưa lên ngậm rồi lấy xuống. Trước kia tôi chỉ được thấy bà mẹ này một lần - trên ảnh chụp. Bà mẹ này hình như chưa hề hạ sinh con nào như ba đứa chúng tôi cả.

“Sao bà ấy lại tự vẫn?”

“Đây là câu hỏi dằn vặt tôi nhiều nhất, vào những lúc tôi không bận bịu đầu óc vì những chuyện như vụ con gái chị bị thảm sát.”

Một nụ cười lạ lùng nở trên gương mặt mẹ tôi.

“Anh nhắc lại đi,” bà nói.

“Gì cơ?”, Len nhìn bà đang nhoẻn miệng cười, chợt thèm lấy đầu ngón tay vẽ theo vành môi bà.

“Vụ con gái tôi bị thảm sát ấy mà,” mẹ tôi nói.

“Abigail, chị có làm sao không vậy?”

“Chưa có ai nói thế. Hàng xóm không ai bàn tán chuyện này. Người ta gọi là “tấn thảm kịch” hay đại loại thế. Tôi chỉ mong có ai đó nói lên, gọi thẳng tên ra như vậy. Nói thật to cho tất cả đều biết. Bây giờ tôi sẵn sàng để nghe rồi - trước đây thì chưa”

Mẹ tôi vứt điếu thuốc xuống nên xi măng, mặc cho nó cháy. Bà úp hai tay lên hai bên má Len.

“Anh nói lại xem nào,” bà bảo.

“Vụ con gái chị bị thảm sát.”

“Cảm ơn anh.”

Rồi tôi thấy đôi môi đỏ đó chuyển dịch từ từ qua một ranh giới vô hình ngăn cách bà với thế giới còn lại. Bà kéo Len sát lại, hôn nhẹ lên môi ông ta. Mới đầu hình như ông ngần ngại. Cơ thể ông căng lên, bảo ông ĐỪNG, nhưng âm thanh ĐỪNG này lại trở nên mơ hồ, lãng đãng như mây trời, rồi thành không khí bị quạt gió kêu rền vang của cái lò sưởi nước bên cạnh họ cuốn hút mất. Bà đưa tay lên tháo nút áo mưa. Ông ta đặt tay lên làn vải mỏng nhẹ như cần sa của chiếc áo ngủ mùa hè.

Khi mẹ tôi muốn gì thì khó ai cưỡng lại nỗi. Ngay từ hồi bé tôi từng mục kích cảnh những người đàn ông thay đổi hẳn khi có mặt bà. Khi chúng tôi vào siêu thị, những người phụ trách dọn hàng lên kệ quay ra hỏi han mẹ, tình nguyện tìm hộ những món bà ghi trên danh sách, rồi còn khuân giúp ra tận xe. Như bà Ruana Singh, mẹ tôi được tiếng là một trong những bà mẹ đẹp nhất trong vùng; người đàn ông nào thấy bà cũng bất giác nở nụ cười. Được bà hỏi tới tim họ rộn rã hân hoan.

Song, cho đến nay chỉ có bố tôi làm cho bà cười vang khắp nhà được, và vì lý do nào đó không rõ, ông để bà hoàn toàn tự làm mọi chuyện theo ý thích.