Hình hài yêu dấu - Chương 12 phần 2

Ngày chúng tôi còn nhỏ, thứ Năm nào bố tôi cũng thu xếp để về sớm, bằng cách thỉnh thoảng làm thêm giờ và làm suốt không nghỉ giờ ăn trưa. Trong khi cuối tuần là của cả nhà thì bố mẹ gọi ngày thứ Năm là ‘thời giờ riêng của bố mẹ’. Lindsey và tôi khi nhắc lại thì gọi đó là ‘những giờ bé phải ngoan’. Có nghĩa là chúng tôi không được làm ồn khi chơi đùa trong phòng phía bên kia, phòng làm việc của bố, hồi đó chưa có nhiều bàn ghế.

Vào khoảng hai giờ trưa mẹ bắt đầu chuẩn bị cho chị em tôi.

“Đến giờ đi tắm rồi đấy,” bà cất giọng ngân nga, như thể bảo chúng tôi được phép ra vườn chơi. Mới đầu chúng tôi cũng thấy như thế thật. Ba mẹ con ùa nhau chạy lên phòng riêng, khoác áo tắm vào. Rồi chúng tôi - ba nàng - gặp nhau ở hành lang, mẹ tôi nắm tay hai đứa dắt vào phòng tắm sơn màu hồng.

Hồi đó bà hay kể cho chúng tôi những chuyện thần thoại học ở trường. Bà thích kể về Persephon và Zeus(47), mua cho chúng tôi những quyển sách ảnh về những vị thần Nauy thời hoang sơ, xem xong tối đến chúng tôi nằm mê cứ bị ác mộng. Bà đã xong bằng thạc sĩ Anh ngữ - trước đó đã phải đấu tranh kịch liệt với bà ngoại Lynn để được học đến cấp bậc đó - và vẫn ấp ủ giấc mơ sau này sẽ dạy học khi chúng tôi đủ khôn lớn tự lo lấy được.

47. Zeus: thần tối cao trong huyền thoại Hy lạp. Persephone là con gái của Zeus và nữ thần Demeter.

Giờ đây, những cảnh bà tắm cho hai đứa tôi và hình ảnh các vị thần tiên cả nam lẫn nữ đó nhòe nhoẹt, lẫn vào nhau trong đầu óc tôi, nhưng điều tôi ghi nhớ rõ nhất là, khi nhìn mẹ, tôi thấy luôn cả những điều đã xảy đến với bà: hoài bão bà ấp ủ từng nâng bổng bà lên, rồi việc phải dẹp bỏ hoài vọng làm bà chới với, như bị sóng biển vùi dập. Là con đầu lòng, tôi nghĩ mình là kẻ đã cướp đi của mẹ mọi ước mơ thời trẻ về những thành tựu bà mong mỏi có ngày đạt được.

Mẹ tôi nhấc Lyndsey ra khỏi bồn tắm trước, vừa lau khô người vừa nghe nó liến thoáng kể chuyện về chị vịt kia chú mèo nọ. Xong bà nhấc tôi ra; mặc dù tôi cố gắng không nói nhiều nhưng nước ấm làm hai chị em như say say, chúng tôi kể huyên thuyên với mẹ đủ mọi chuyện mà chúng tôi chú ý hay thắc mắc. Về lũ con trai hay trêu chọc chúng tôi, hoặc về gia đình ở cuối dãy nhà có một con chó con, sao chúng tôi lại không được nuôi. Bà lắng nghe, vẻ chăm chú như thể trong óc đang ghi mọi điểm cần thực hiện lên một bản tốc ký sau này sẽ lấy ra tham khảo.

“Được rồi, chuyện nào gấp ta làm trước,” bà tóm tắt. “Nghĩa là bây giờ hai đứa ngủ trưa thẳng một giấc đi đã!”

Mẹ và tôi cùng đắp chăn cho Lyndsey trước. Tôi đứng bên giường nhìn bà hôn trán và vén mớ tóc xòa trên mặt em. Bây giờ nghĩ lại thấy đó là phút khai màn cuộc ganh đua của tôi và em. Đứa nào được mẹ hôn thắm thiết hơn, hay níu mẹ ngồi cạnh lâu hơn sau khi tắm.

May thay tôi luôn thắng. Ngày nay nhìn lại tôi hiểu ra rằng mẹ tôi cảm thấy cô độc từ ngày ông bà dọn vào ngôi nhà này. Là con lớn nên tôi trở thành bạn tâm sự của mẹ.

Tôi còn bé quá, chưa hiểu nổi những điều bà thật sự muốn nói với tôi, nhưng tôi thích được dỗ vào giấc ngủ với những câu êm ái như điệu hát ru con của bà. Một trong những ân huệ tôi được hưởng trên thiên đường là, lúc nào muốn, tôi đều có thể trở lại sống những khoảnh khắc này bên mẹ mình, điều trước kia khi còn sống tôi không làm được. Tôi vươn tay ngang qua Cõi-Lưng-Chừng và thế là nắm được bàn tay của người mẹ trẻ cô đơn ấy.

Và thế là tôi nhớ lại điều mẹ kể cho đứa bé bốn tuổi là tôi về nữ thần Helen thành Troy(48): “Bà ta ấy à, con người sôi nổi năng động, bởi thế làm náo loạn cả thế giới.” Về Margaret Sanger(49): “Về bà này thiên hạ cứ quen kiểu trông mặt mà bắt hình dong, Susie ạ. Vì bà ấy trông như con chuột nên không ai ngờ rằng bà ấy sẽ trụ được lâu dài đến thế.” Về Gloria Steinem(50): “ Nói ra thì mang tiếng xấu miệng, nhưng giá bà ta chịu để ý cắt giũa móng tay…” Về bà hàng xóm của chúng tôi: “ Đúng là một mụ ngố ưa diện quần áo ống túm, lại chịu cho lão chồng ngợm đầy đọa, gốc gác rõ là dân tỉnh lẻ, chuyên bới móc chê bai không chừa một ai.”

48. Helen: Con của Zeus và thần Leda, bị bắt cóc đem về thành Troy, vua Menelaos đem quân giải cứu vợ, vì thế xảy ra cuộc chiến tranh 10 năm, theo ‘the Aneid’ của Virgil (viết năm 30-19 trước công nguyên)

49. Margaret Higgin Sanger (1879-1966):nhà nữ quyền, năm 1921 sáng lập American Birth Control League (Liên minh hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình) ở New York.

50. Gloria Steinem: Nhà văn sinh năm 1934, tham gia phong trào đòi nữ quyền ở Mỹ những năm 1960.

“Con có biết Persephone là ai không?”, bà hỏi tôi một ngày thứ Năm nọ, miệng hỏi mà óc bà để tận đâu đâu. Nhưng tôi không đáp. Lúc đó tôi đã biết không nên nói nhiều khi bà đưa tôi về phòng. Thời gian bà dành cho cả hai chị em tôi là ở phòng tắm, trong lúc bà kì cọ chúng tôi. Lúc ấy Lyndsey và tôi được tha hồ nói về mọi chuyện trên đời. Còn trong phòng tôi thì đó là thời gian dành cho riêng một mình mẹ.

Bà cầm cái khăn tắm mắc vào đầu cọc giường đẽo hình con suốt trên cái giường loại có quây màng của tôi. “Con cứ thử tưởng tượng bà Tarking hàng xóm của mình là Persephone đi nhé,” bà nói. Rồi bà kéo ngăn tủ, đưa cho tôi chiếc quần lót. Bà luôn đưa tôi từng thứ một, chứ không thúc hối tôi phải nhanh lên. Từ hồi còn bé bỏng bà đã hiểu tính tôi. Nếu tôi biết trước là sau đó sẽ còn phải buộc dây giầy, thì tôi cuống quít không xỏ chân vào tất được.

“Bà ấy khoác chiếc áo màu trắng, dài đến chân, khoác mà như vắt tấm khăn choàng quanh vai, nhưng vải thì se bằng loại sợi óng ánh tuyệt đẹp và nhẹ, như lụa vậy. Rồi bà còn đi hài bằng vàng nữa, quanh bà cắm đuốc, ánh lửa bập bùng chiếu lên người bà…”

Bà lại ngăn kéo lấy áo lót cho tôi, đầu óc vẫn để đâu đâu, bà choàng áo qua đầu tôi thay vì để tôi tự làm. Một khi mẹ tôi đã rơi vào tâm trạng đó rồi thì tôi cũng nắm ngày cơ hội - để trở lại thành đứa bé con ngày nào. Tôi chưa hề phản đối, đòi được xem là đã lớn hay thậm chí trưởng thành. Những buổi trưa đó được dành cho việc chờ nghe bà mẹ bí ẩn của tôi kể chuyện.

Bà lật tấm khăn phủ giường bằng nhung kẻ mang hiệu Sears ra, thế là tôi lăn ngay vào sát tường. Lần nào bà cũng xem giờ rồi nói: “Một lúc thôi nhé,” xong tuột giày, chui vào chăn với tôi.

Đó là lúc cả hai mẹ con được buông cho mình trôi đi. Bà đắm chìm trong chuyện mình kể. Tôi lạc đâu đó trong dòng chảy những lời bà nói.

Bà kể về nữ thần Demeter, mẹ của Persephone, hay về Cupid và Psyche(51), còn tôi lắng nghe cho đến lúc thiếp đi. Thỉnh thoảng tiếng cười của bố mẹ ở phòng bên hay những âm thanh cuộc mây mưa của họ vào buổi xế trưa làm tôi thức giấc. Tôi nằm mơ mơ màng màng, lắng nghe. Tôi thích tường tượng đang nằm trong khoang tàu ấm áp như trong một truyện bố từng đọc cho chị em tôi nghe, rằng cả nhà đang lênh đênh giữa biển khơi, và sóng cuốn từng đợt vỗ vào mạn tàu. Cuối cùng tiếng cười, tiếng rên khe khẽ bị kìm nén lại đưa tôi trở về giấc ngủ.

51. Cupid hay Amor: Thần tình yêu trong thần thoại La-mã. Psyche: thần tâm linh, trong tập truyện Metamorphosen của Apuleius.

Nhưng rồi dự định thoát ly của mẹ tôi, giải pháp bà phác họa để đi ra sống với thế giới bên ngoài đã tan vỡ năm tôi lên mười còn Lyndsey lên chín. Thấy tắc kinh, bà lái xe đến cho bác sĩ khám nghiệm và xác nhận điều định mệnh đã an bài. Lúc tươi cười và hoan hỉ báo tin cho chúng tôi, thực ra trong lòng bà đã bật ra những vết nứt hằn sâu. Nhưng vì tôi không muốn biết hơn, bởi tôi còn quá bé, tôi không buồn thắc mắc gì thêm. Tôi với tay bắt lấy nụ cười của mẹ như chụp món quà được phát, và bắt đầu trò chơi tưởng tượng xem nếu mình là chị của một bé trai hay bé gái thì sẽ thế nào nhỉ.

Nếu ngày đó chú tâm hơn thì hẳn tôi cũng nhận ra được một số dấu hiệu đấy. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy sự biến chuyển, thấy lại lô sách trên bàn ngủ của bố mẹ tôi, quyển danh mục trường đại học trong vùng, bộ từ điển bách khoa về thần thoại, những tiểu thuyết của Jame, Eliot, Dickens(52), dần dần nhường chỗ cho bộ sách của bác sĩ Spock. Sau đó đến loại sách hướng dẫn làm vườn, nấu ăn, cứ thế cho đến hôm sinh nhật mẹ, hai tháng trước khi tôi chết, chính tôi cũng thấy nên tặng bà quyển hướng dẫn cách giữ cho nhà và vườn tược đẹp hơn là hợp nhất. Khi biết mình mang thai lần thứ ba, bà chôn giấu bản chất người mẹ bí ẩn kia đi. Bị cầm cố nhiều năm sau bức tường này, phần con người với những nhu cầu dồn nến của bà không mòn mỏi đi mà lại lớn mãi lên, nay gặp Len, nỗi ham muốn được bung ra, đập tan, phá nát và triệt tiêu mọi thứ đã khống chế bà. Cơ thể bà đóng vai chủ động, như con tàu, và trong luồn nước sau đuôi tàu sẽ chỉ còn lại những mảnh vụn vỡ của cuộc đời bà.

52. Henry James (1843-1916): văn sĩ Mỹ, George Eliot tức nữ văn sĩ Anh Mary Ann Evans (1819-1880), Charles Dickens (1812-1870): Văn sĩ Anh, là những tác giả kinh điển.

Thật không dễ cho tôi chút nào khi làm nhân chứng, nhưng tôi phải đứng đó mà nhìn.

Hai người ôm lấy nhau, lúc đầu thật lóng ngóng, cuống quít, nồng nàn.

“Abigail”, Len nói - ông ta luồn hai tay vào bên trong áo mưa đặt lên hai bên hông bà, chiếc áo ngủ mỏng tang chỉ còn là tấm màn the giữa hai người. “Em hãy nghĩ kỹ về điều mình đang làm đi.”

“Em chán nghĩ lắm rồi,” bà đáp. Tóc bà bay lên do chiếc quạt gió bên cạnh, làm thành vầng hào quang. Len nhìn bà, mắt chớp vì lóa. Đẹp tuyệt vời, mà lại đáng sợ, và cuồng dại.

“Còn chồng em,” ông ta nói.

“Hôn em đi,” bà nói “em xin anh”

Tôi đang chứng kiến mẹ tôi khẩn khoản xin hãy khoan dung với bà. Thân thể bà vượt xuyên thời gian để thoát ra xa tôi. Tôi không có cách gì níu kéo bà lại được.

Len ghì bà hôn lên trán rồi nhắm mắt lại. Bà nắm lấy tay ông đặt lên ngực mình. Bà thì thào vào tai ông ta. Tôi biết chuyện gì đang diễn ra. Cơn điên giận, nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng của bà. Cả cuộc đời phí hoài giam hãm bà nay vỡ tung, rơi trên vòm mái này, cản trở không cho bà được sống. Bà cần Len để gạt đứa con đã chết ra khỏi tâm trí.

Hai người hôn nhau, ông ta du bà tựa lưng vào bức tường vôi, còn bà ôm chặt, bám vào ông như thể sau nụ hôn là cả một trang đời mới sẽ mở ra.

Trên đường từ trường về nhà, thỉnh thoảng tôi đứng lại bên ngoài bờ rào quan sát mẹ tôi ngồi trên xe cắt cỏ lái vòng số tám giữa những cây thông, tôi vẫn nhớ tới cảnh sáng sáng bà thường vừa pha trà vừa huýt sáo, nhớ cảnh vào ngày thứ năm trong tuần bố tôi hấp tấp chạy về, mang cho bà một bó cúc vạn thọ và gương mặt bà ánh vàng hân hoan. Hai người yêu nhau sâu đậm, bằng cả con người mình - không có mặt chúng tôi thì bà mới đòi hỏi loại tình yêu đó, nhưng có chúng tôi thì bà dần trôi dạt ra xa. Với thời gian, bố ngày càng gần gũi với chúng tôi hơn, chỉ có mẹ tôi ngày càng xa ra.

Lyndsey ngồi ngủ gật bên giường bệnh, tay vẫn nắm tay bố tôi. Mẹ tôi, tóc chưa kịp chải lại, đi ngang qua chỗ Hal Heckler đang ngồi ở khu tiếp khách, sau đó một lúc đến phiên Len đi qua. Hal thấy thế cũng dư hiểu. Anh cầm mũ lên, đi ra đầu kia của gian tiền sảnh.

Vào phòng vệ sinh một lúc xong mẹ tôi ra, định đi về phía phòng bố tôi thì Hal trờ tới.

“Con gái của bác đang ở trong ấy,” anh cao giọng gọi. Bà quay lại.

“Cháu là Hal Heckler,” anh nói, “anh của Samuel. Cháu có đến hôm lễ tưởng niệm.”

“Ừ nhỉ, bác xin lỗi cháu đã không nhận ra cháu.”

“Bác đâu cần biết cháu là ai,” anh nói.

Một khoảng khắc trôi qua, không ai nói gì.

“Số là, Lyndsey gọi điện nhờ cháu chở em tới đây, đã một tiếng đồng hồ rồi.”

“Ra thế.”

“Con Buckley hiện đang ở nhà bà hàng xóm,” anh nói.

“Thế hả.” Bà nhìn anh trân trân. Nhìn vào mắt bà, anh thấy rằng bà đang từ hố sâu ngoi lên mặt đất. Bà bám víu vào khuôn mặt anh để leo trở lên.

“Bác có làm sao không vậy?”

“Bác hơi rối trí - cũng dễ hiểu thôi, phải không nào?”

“Cháu hiểu”, anh đáp, nói chậm hẳn lại. “Cháu chỉ muốn báo cho bác biết rằng con gái bác đang ở trong kia với bác trai. Cháu ngồi ở khu tiếp khách, nếu bác cần gì cứ bảo.”

“Cảm ơn cháu,” bà đáp. Bà nhìn anh quay lưng bước đi, còn đứng lại một lúc nghe tiếng đế ủng mô-tô đã mòn của anh nên trên sàn hành lang lót nhựa li-nô.

Bà như hoàn hồn, giật mình giũ sạch mọi thứ và thoắt trở lại chỗ mình đứng một tiếng trước đó, tâm trí không mảy may ngờ rằng chính Hal đã chủ ý lôi bà trở về hiện tại khi lên tiếng chào hỏi.

Trong phòng lúc này tối hẳn; ánh đèn huỳnh quang phía sau bố lập lòe, chỉ còn soi mờ hình dạng bàn ghế bày biện. Em gái tôi ngồi trên chiếc ghế kéo sát giường, gục đầu trên tay ghế, tay vắt lên giường chạm vào người bố tôi. Bố tôi nằm ngửa, vẫn còn hôn mê. Mẹ tôi không thể biết được rằng tôi đang có ở đó, rằng trong phòng có bốn người, nhưng tất cả đã thay đổi, không có gì giống những ngày mẹ đưa Lyndsey và tôi lên giường, rồi sang với bố tôi để vợ chồng có những giờ phút riêng gần gũi. Bây giờ bà nhìn thấy những mảnh vỡ vụn của đời mình. Bà nhận ra em gái và bố tôi chan hòa gắn bó làm một. Điều đó làm bà thấy ấm lòng.

Thời còn nhỏ cho đến lúc lớn tôi luôn chơi trò ú tim tìm tình yêu với mẹ, làm đủ cách để được mẹ chú ý và chấp nhận mình, với bố thì tôi không cần phải cố công như thế.

Nay tôi không cần phải chơi trò trốn tìm này nữa. Khi mẹ đứng trong căn phòng đang tối dần này quan sát em và bố tôi thì tôi chợt hiểu thiên đường nghĩa là gì: Tôi có quyền lựa chọn, và tôi chọn giữ hết mọi người trong thân trong trái tim mình, không loại trừ người nào cả.

Về khuya, khoảng không gian phía trên các nhà thương và viện dưỡng lão rất náo nhiệt, vì đầy những linh hồn dập dìu bay lượn. Thỉnh thoảng, khi mất ngủ, Holly và tôi thường đứng nhìn suốt đêm. Dần dà chúng tôi nhận ra rằng việc người này hay người nọ qua đời hình như được định đoạt bởi chỉ đạo từ nơi nào đâu xa lắm. Không phải từ thiên đường của chúng tôi. Thế là chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng có một nơi còn toàn thiện toàn mỹ hơn chỗ mình đang ở nữa.

Thời gian đầu Franny hay đến cùng ngồi xem với chúng tôi.

“Đó là một trong những niềm vui cô giữ riêng cho mình,” bà thú nhận. “Nhiều năm qua rồi mà cô vẫn cứ thích nhìn các linh hồn bềnh bồng trôi nổi, xoay vòng, ồn ào gây náo động cả thinh không kia.”

“Cháu có thấy gì đâu,” lần đầu cùng đứng xem tôi nói thế.

“Cháu nhìn cho kỹ vào,” bà bảo, “và phải nín lặng.”

Nhưng tôi cảm thấy những linh hồn ấy từ trước lúc nhìn thấy họ, những tia lửa nhỏ ấm áp bám theo cánh tay. Họ đấy - những con đom đóm lập lòe vừa thở than vừa lượn xoáy nhiều vòng sau khi rời khỏi thân xác trần tục.

“Họ như bông tuyết,” Franny nói, “mỗi bông mỗi khác, nhưng từ chỗ mình đứng nhìn đây thì bông nào trông cũng như nhau cả.”