Hình hài yêu dấu - Chương 16 phần 2

Các người láng giềng và thầy cô, bạn bè tôi cùng người thân của họ một lúc nào đó đứng quây lại ở một tụ điểm không xa nơi tôi bị giết. Vừa ra khỏi nhà là bố, em gái và em trai tôi đã nghe tiếng hòa ca vọng lại. Mọi giác quan của bố tôi tập trung cả về nơi tỏa hơi ấm và ánh sáng. Ông tha thiết mong mọi người vẫn còn giữ hình ảnh tôi trong tâm khảm họ. Trong lúc nhìn họ tôi hiểu ra điều này: hầu như tất cả, không trừ một ai, đều muốn nói lời vĩnh biệt đối với tôi. Từ nay tôi trở thành một trong số những bé gái bị mất tích. Họ sẽ trở về nhà, để tôi nằm lại yên nghỉ vĩnh viễn, tương tự một lá thư nhận cách đây đã lâu, sẽ không giở ra đọc lại nữa. Cả tôi cũng có dịp chào vĩnh biệt, chúc họ mọi điều tốt lành, xin ơn trên phù hộ vì họ là những kẻ có lòng. Cái bắt tay chào hỏi ngoài đường, thấy món đồ đánh rơi thì tìm cho ra khổ chủ để hoàn trả, đứng ở cửa sổ mãi đằng kia đưa tay vẫy chào, nhoẻn miệng cười, thấy trẻ con nghịch thì ngầm nháy mắt với nhau thông cảm.

Ruth là người đầu tiên nhìn thấy bộ ba gia đình tôi, cô nàng liền kéo tay Ray. “Ra giúp ông ấy đi!” cô nàng thì thầm. Ray - đã gặp bố tôi ngày đầu tiên của cuộc điều tra thủ phạm, hóa ra còn kéo dài khá lâu - tiến ra trước. Samuel cũng nối bước. Hai cậu tự nhiên làm nhiệm vụ hai mục sư trẻ, đưa bố và hai em tôi đến nhóm người đang đứng, họ dạt ra cho rộng lối, mọi người nín lặng cả.

Suốt mấy tháng trời bố tôi chẳng ra khỏi cửa trừ khi lái xe đến hãng hay về nhà, hoặc ngồi ở sân sau, cũng chẳng gặp mặt người hàng xóm nào. Giờ đây ông nhìn kỹ mặt từng người một, và chợt hiểu rằng, cả những người ông không nhận ra là ai, đều quý mến tôi. Tim ông căng lên, ấm lại, hình như đã lâu lắm rồi ông mới lại có cảm giác đó, nếu không kể những giây phút ngắn ngủi bên Buckley, những lúc cậu con trai bất chợt biểu lộ lòng trìu mến với ông.

Bố nhìn ông O’Dwyer. “Bác Stan này,” bố nói, “mùa hè cháu Susie hay đứng ở cửa sổ nhìn ra phố, lắng nghe tiếng bác hát trong vườn nhà. Cháu nó thích lắm. Bác hát cho chúng tôi nghe nhé?”

Nhờ có giọng ca thiên phú, loại ơn phước hiếm ai được ban, và khi cần nhất lại không có được - chẳng hạn để cứu một người thân khỏi tay thần chết - ông O’Dwyer cất tiếng, chỉ hơi rung ở nốt nhạc đầu thôi, sau đó tiếng ông vang dội, trong veo và thanh thoát.

Mọi người hòa tiếng đồng ca.

Tôi hồi tưởng lại những đêm hè bố tôi vừa nhắc tới. Nhớ lại là tôi chờ mãi trời mới sẩm tối, tôi vẫn mong mỏi vì đêm đến sẽ dịu cơn nóng bức. Thỉnh thoảng, đứng ở cửa sổ nhìn ra mặt tiền nhà mình, tôi đón làn gió nhẹ thổi qua mang theo tiếng nhạc từ nhà ông O’Dwyer vọng tới. Trong lúc tôi lắng nghe ông lần lượt hát hết mọi bài dân ca Ireland ông thuộc nằm lòng, thì gió bắt đầu đưa đến mùi đất, mùi không khí đượm chút ẩm của rong rêu, báo hiệu cơn dông sắp tới.

Tôi vẫn còn nhớ một khoảnh khắc im ắng tuyệt vời, lúc đó Lindsey ngồi làm bài trên chiếc trường kỷ cũ trong phòng em, bố tôi đọc sách trong phòng làm việc, còn mẹ tôi ngồi đan móc hay rửa chén bát ở dưới nhà.

Tôi thích thay quần áo ra, mặc chiếc áo ngủ dài bằng vải bông, ra hiên sau đứng. Khi mưa bắt đầu rơi nặng hạt trên mái nhà, gió nhẹ từ mọi phía thổi tới xuyên qua lưới muỗi, áp vải áo ngủ sát vào người tôi. Thật là ấm áp, tuyệt diệu, thế rồi chớp lóe lên và ngay sau đó là tiếng sấm rền.

Mẹ tôi hay đứng ở bậc cửa mở ra hàng hiên, sau khi cảnh báo tôi bằng câu quen thuộc: “Rồi thì con sẽ cảm liệt giường cho mà xem,” bà thôi không nói gì nữa. Hai mẹ con cùng lắng nghe tiếng mưa như trút nước, tiếng sấm rền, ngửi mùi đất tỏa ngát chào đón chúng tôi.

“Con trông như một tay vô địch, chẳng bao giờ quỵ ngã,” một tối nọ mẹ bảo tôi thế.

Tôi quý biết bao những khoảnh khắc như lúc đó, khi hai mẹ con dường như có cùng chung một cảm nghĩ. Tôi quay sang, trên người khoác mỗi chiếc áo ngủ mỏng, trả lời bà: “Đúng thế mẹ ạ.”

NHỮNG BỨC ẢNH CHỤP BẤT CHỢT

VỚI CHIẾC MÁY ẢNH BỐ MẸ TÔI LÀM QUÀ, TÔI chụp lia lịa người trong nhà vào những lúc bất thần nhất, phim có đến hàng tá. Nhiều đến nỗi bố tối bắt chọn ra xem cuộn nào đáng mới cho rửa ra ảnh. Lúc những phí tổn cho trò đam mê của tôi lên cao quá, tôi mới sắp hai cái hộp trong tủ áo: hộp “phim đưa đi rửa” và hộp “phim giữ lại”. Mẹ tôi bảo đó là biểu hiện duy nhất về khả năng thu dọn sắp xếp của tôi.

Tôi thích cách các bóng đèn chớp sáng trong hộp hình khối vuông của máy ảnh hiệu Kodak loại Instamatic đánh dấu được lưu lại trên tấm hình. Chụp hết bóng, tôi gỡ cái hộp bốn mặt ra, chuyền tay nọ sang tay kia cho đến lúc nó nguội. Những dây tóc bóng đèn cháy đứt đổi ra màu xanh cẩm thạch chảy hay đôi khi làm ám đen mặt kính mỏng. Nhờ chiếc máy ảnh tôi nắm bắt được những khoảnh khắc, tìm được cách làm thời gian ngừng trôi, níu thời gian đứng lại. Không ai có thể lấy mất của người chủ thực thụ là tôi hình ảnh đã thu được ấy.

* * *

Vào một đêm hè năm 1975, mẹ tôi quay sang hỏi bố tôi:: “Anh đã bao giờ yêu ai ở biển chưa?”

Bố đáp: “Chưa”.

“Em cũng chưa”, mẹ tôi bảo. “Mình cứ thử tưởng tượng đây là biển và em sắp ra đi, có thể rồi mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa”.

Hôm sau bà rời nhà, đến ở căn lều ván của ông ngoại ở New Hamphshire.

Mùa hè năm ấy, mỗi lần mở cửa Lindsey hay Buckley, không thì bố tôi, hay thấy ở bệ cửa khi thì nồi thịt hầm, khi thì ổ bánh bơ nướng trong loại khuôn hiệu Bundt. Thỉnh thoảng có bánh táo nướng - món bố tôi ưa nhất. Khó đoán trước món nào ngon hay dở. Món hầm lò của bà Stead thật là khó nuốt, bánh bơ của bà Gilbert còn hơi ướt nhưng ăn được. Còn khi nếm bánh táo nướng của bà Ruana ấy à: ta ngỡ đang ở thiên đường.

Sau ngày mẹ tôi ra đi, nhiều buổi tối dài đằng đẵng bố tôi cố tìm quên bằng cách ngồi ở phòng làm việc đọc lại những đoạn thư Mary Chesnut(70) gửi ông chồng những năm thời Nội chiến. Ông cố gắng gạt khỏi đầu óc mọi oán trách, mọi hi vọng viển vông, nhưng không làm nổi. Chỉ một lần ông gượng cười được.

70. Mary B.Chesnut viết “A diary from Dixie” (Nhật kí từ miền Nam) những năm 1861 - 1865, xuất bản 1905.

“Ruana Singh nướng bánh táo thật cừ”, ông ghi vào sổ tay.

Một ngày mùa thu, lúc xế trưa, ông nhấc điện thoại, nghe tiếng bà ngoại Lynn ở đầu dây.

“Anh Jack này:, bà ngoại dõng dạc, “bà đang tính dọn đến ở chung đấy:.

Bố tôi nín thinh, nhưng qua đường dây bà nghe ra mối băn khoăn lưỡng lự của ông.

“Bà sẵn sàng đỡ đần con và các cháu. Bà luẩn quẩn trong cái lăng này đến nay cũng chán rồi”.

“Bà Lynn à, chúng con vừa bắt đầu quen với nếp sống mới”, ông lắp bắp tìm chữ. Đến nay vẫn phải gửi Buckley sang cho bà mẹ của Nate trông hộ, nhưng dĩ nhiên không thể tiếp tục nhờ mãi được. Sau bốn tháng từ ngày mẹ tôi ra đi, sự vắng mặt nhất thời của bà có chiều hướng trở thành tình trạng thường trực.

Bà ngoại tôi cứ khăng khăng một ý. Tôi nhìn bà đang cố tự kiềm chế không uống ngụm Vodka cuối cùng còn lại trong ly. “Bà sẽ không uống thêm giọt nào, từ bây giờ đến…” - bà suy nghĩ lung lắm - “ năm giờ chiều, với lại”, bà nói, “khó quái gì, bà sẽ dứt rượu hẳn, nếu con thấy điều đó là cần”.

“Bà biết nói thế nghĩa là sao chứ?”

Sự tỉnh táo sáng suốt như luồng điện, bà ngoại tôi cảm thấy thế, chạy suốt từ bàn tay cầm điện thoại xuống tận đôi chân xỏ hài đi trong nhà: “Biết chứ sao không. Bà nghĩ kỹ rồi”.

Chỉ sau khi đã buông điện thoại bố mới tự hỏi: biết sắp xếp để bà cụ ở đâu đây?

Cả mấy đứa tôi cũng băn khoăn như thế

Đến tháng Chạp năm 1975 là tròn một năm kể từ khi tên Harvey khăn gói bỏ trốn, thế nhưng không ai tìm được tông tích nào của hắn. Một thời gian dài, chủ các cửa tiệm dán hình phác họa chân dung hắn ở cửa kính cho đến lúc băng keo dán bám bẩn bung ra hoặc giấy bị toạc. Lindsey và Samuel chỉ đi dạo quanh quẩn trong khu gần nhà hoặc la cà ở hiệu mô-tô của anh Hal. Lindsey không muốn đến quán nước chỗ đám trẻ hay tụ tập. Chủ quán thuộc kiểu người hăng say bảo vệ an ninh trật tự. Ông phóng ảnh tên Harvey to gấp đôi, dán ngay ở cửa quán. Ông sẵn sàng cung cấp mọi chi tiết rùng rợn cho bất cứ người khách nào muốn biết: đó là một bé gái, ở cánh đồng ngô, chỉ tìm ra mẩu xương khuỷu tay.

Chờ mãi không thấy gì, cuối cùng Lindsay yêu cầu anh Hal trở em đến đồn cảnh sát. Em muốn biết đích xác cuộc điều tra đã tiến hành đến đâu rồi.

Em chia tay Samuel ở tiệm sửa mô-tô, rồi anh Hal trở em đi dưới mưa tuyết tháng Chạp.

Mới đầu, khi nghe em trình bày, thấy Lindsey nhỏ tuổi, mấy viên cảnh sát chẳng quan tâm lắm. Đến chừng có người nọ người kia nhớ ra em là ai thì họ dãn dần ra xa. Hóa ra chính cô gái này đây: táo tợn, đầu óc bất thường, tuổi mới mười lăm. Ngực cô nhô lên như hai cái tách nhỏ đầy vun, đùi chưa lẳn nhưng bắt đầu có nét cong lượn, mắt cô như hòn đá lửa trên cánh hoa.

Trong lúc cùng với anh Hal ngồi chờ trên băng ghế gỗ bên ngoài văn phòng cảnh sát trưởng, Lindsey nhác thấy thứ gì trong căn phòng đó mà cô nghĩ đã từng thấy ở đâu rồi.

Nó nằm trên bàn viết của thanh tra Fenerman, đập vào mắt vì màu chói chang. Cái màu mà mẹ chúng tôi vẫn đặc biệt dùng riêng tên màu đỏ son để gọi, rực rỡ hơn màu hồng nhung, đó chính là sắc đỏ riêng của sáp tô môi, trong thiên nhiên hiếm khi tìm được. Mẹ chúng tôi tự hào có sắc da hợp với màu đỏ son. Mỗi lần quàng giải khăn độc đáo này thắt nút ở cổ, bà hay nhắc lại rằng cả bà ngoại Lynn cũng không dám mặc hay mang thứ gì màu này.

“Anh Hal à!”, em gọi, cơ bắp toàn thân như căng hết lên, mắt nhìn chằm chằm mòn đồ càng lúc càng thấy quen thuộc đang nằm trên bàn viết của ông Fenerman.

“Anh đây”.

“Nhìn kìa, anh thấy miếng vải màu đỏ chứ?”

“Có”.

“Anh vào lấy ra đây cho em được không?”

Thấy Hal nhìn mình, em bảo: “Em nghĩ đó là khăn của mẹ em.”

Đúng lúc Hal đứng lên đi lấy thì ông Len từ phía sau lưng Lindsey đi lại về phòng trực. Ông vỗ nhẹ lên vai Lindsey, ngay sau đó nhìn thấy và hiểu ra Hal đang làm chuyện gì. Em và thanh tra Fenerman thảng thốt nhìn nhau.

“Làm sao ông lại có được cái khăn của mẹ tôi?”

Ông ta lắp bắp: “Chắc có lần bà bỏ quên trong xe chú đấy mà”.

Lindsey đứng mặt đối mặt với ông ta. Em nhìn thấu suốt sự tình, đùng đùng đòi biết ngay cái tin động trời. “Mẹ tôi ở trong xe ông để làm gì mới được chứ?”

“Chào Hal” ông Len nói.

Anh Hal cầm cái khăn trong tay. Lindsey giật phăng lấy, giọng đầy phẫn nộ: ‘‘Làm thế nào ông lại có được cái khăn của mẹ tôi?”

Tuy ông Len là nhân viên điều tra, song Hal lại là người đầu tiên nhìn thấy - cái vầng sáng như cầu vồng trên đầu em gái tôi - khả năng lĩnh hội bằng cách tổng hợp mọi màu sắc của tia sáng khúc xạ qua lăng kính. Hiện tượng này hay xảy ra trong giờ đại số hoặc giờ Anh văn, em gái tôi là đứa đầu tiên tính ra ngay tổng các ẩn số x, hoặc chỉ ra các ám hiệu, ẩn ý nước đôi tiềm ẩn trong câu văn cho lũ bạn cùng lớp. Anh Hal đặt tay lên vai em, hướng em quay ra cửa. “Mình về thôi”, anh bảo.

Sau đó, ở trong phòng của cửa tiệm sửa xe mô-tô, em khóc ròng, kể hết cho Samuel về điều mình nghi hoặc hầu vợi bớt đau buồn.

Năm nay em trai tôi lên bảy, em xây cho tôi một pháo đài. Trước kia cả hai chị em tôi đã có dự tính hai đứa cùng xây, nhưng sau đó bố tôi không sao bắt tay khởi sự. Xây gì cũng gợi bố nhớ lại chuyện đã cùng dựng túp lều vải với tên Harvey nay biến mất không chút tăm hơi.

Một gia đình với năm bé gái dọn vào ở trong ngôi nhà của tên Harvey. Tiếng cười khanh khách từ chiếc hồ bơi - chủ nhà mới cho đào đất xây lên vào mùa xuân sau vụ Harvey bỏ trốn - vang vào tận phòng làm việc của bố tôi. Tiếng cười nói của các bé gái - những đứa may mắn chưa bị lâm nạn.

Ông đau đớn như thể tiếng cười biến thành những mảnh kính vỡ vụn chọc vào tai mình. Suốt mùa xuân năm 1976 - sau hôm mẹ tôi bỏ đi - ông đóng kín cửa sổ phòng làm việc, ngay cả lúc lúc trời oi đến chiều tối vẫn còn nóng bức, để khỏi nghe những âm thanh kia. Ông dõi mắt nhìn theo cậu con trai bé bỏng thui thủi chơi trong khoảng vườn giữa ba bụi liễu tơ, lẩm bẩm nói chuyện một mình. Buckley bưng mấy chậu sành rỗng cất trong nhà để xe ra. Em lôi tấm thảm chùi giày vứt bên hông nhà. Tóm lại, tất cả thứ gì dùng được vào việc dựng bức tường thành cho pháo đài. Có Samuel, anh Hal và Lindsey phụ một tay, em vần hai tảng đá lớn vốn dùng làm mốc cho lối đi vào nhà để xe ra tận vườn sau. May cho em hết sức là Samuel thấy thế mới hỏi: “Bé định lấy gì lợp mái đây?”

Buckley ngẩn ra chưa biết nói sao thì Hal đã nhẩm tính, soát lại xem ở tiệm của mình có những thứ gì, anh nhớ ra có hai tấm uốn sóng không dùng tới, vẫn dựng tạm vào vách tường sau nhà.

Một đêm hè nóng bức nọ, bố tôi từ trên lầu nhìn xuống, không thấy con trai mình đâu. Buckley đã chui vào nằm trong pháo đài của em. Em lấy tay bê, dùng đầu gối làm chỗ tựa, khệ nệ đưa được mấy chậu sành vào bên trong, rồi kê vào đấy một tấm ván cao gần đến mái tôn uốn sóng. Ánh sáng lọt vào vừa đủ cho em đọc. Theo yêu cầu của em, anh Hal đã vẽ bằng cách phun sơn màu đen lên một bên cửa bằng ván ép mấy chữ XIN MIỄN VÀO rõ to.

Thường em hay đọc The Avengers(71) và X-Men. Em nằm mơ thành Wolverine(72), có bộ xương bằng thứ kim loại rắn nhất trong toàn bộ vũ trụ, lại còn có khả năng dù bị thương thì chỉ sau một đêm là bình phục ngay. Những lúc cảm thấy cô độc lẻ loi quá, em nghĩ đến tôi, thấy nhớ giọng nói của tôi, em ước gì tôi từ trong nhà đi ra, gõ gõ lên nóc pháo đài của em, hỏi em cho tôi vào được không. Đôi khi em ước giá Samuel và Lindsey lân la chỗ em thường xuyên hơn, hoặc bố lại bày trò chơi với em như trước đây. Không phải với vẻ mặt mà nét ưu tư thường trực vẫn lộ ra qua nụ cười, không phải với nỗi âu sầu đến tuyệt vọng giờ đây vây bủa mọi thứ như có sức hút vô hình. Nhưng em trai tôi tự không cho phép mình luyến tiếc nhớ mẹ. Em đào đường hầm tự tìm lối thoát cho mình bằng cách đọc sách truyện kể về các nhân vật yếu ớt biến hóa thành quái vật nửa người nửa thú khỏe như vâm, có búa thần hay mắt phát ra tia nhìn xuyên thủng cả thép, hoặc leo được đến đỉnh các toà nhà chọc trời. Khi giận lên em thành quái vật Hulk da màu xanh lục, thường thì em chỉ là Người Nhện. Khi có chuyện buồn lòng, em biến hóa thành nhân vật nào đó vững chãi kiên cường hơn một cậu bé con, cứ thế em lớn lên với năm tháng. Một trái tim thoáng cái biến thành hòn đá, từ tim thành đá. Nhìn em những lúc đó tôi nhớ câu bà ngoại Lynn hay nói mỗi khi Lindsey và tôi lén trợn trạo mắt hay trề môi chun mũi sau lưng bà: “Coi chừng đó, nhìn xem mặt cháu giờ đang nhăn nhó kiểu nào. Có khi bị méo xệch luôn suốt đời đấy”.

71. The Avengers (Những kẻ phục thù) cùng với X-Men (Những anh hùng biến hóa đổi dạng), The Incredible Hulk (Quái vật da xanh tên Hulk), Spider Man (Người nhện) hợp thành The Fantastic Four (Bộ Tứ Quái), truyện tranh dựng thành phim bộ cho truyền hình Mỹ của hãng Marvel Enterprisé Inc. những năm 1965-1967.

72. Wolverine: loại chồn ở Bắc Mỹ, cùng họ với con lửng

Một hôm, Buckley, lúc đó học lớp hai, về nhà với một câu chuyện em viết thành bài: “Ngày xưa có một thằng bé tên là Willy. Nó rất ưa trò thám hiểm. Lúc thấy một cái hố nó bèn chui xuống, nhưng không thấy trở lên nữa. Thế là hết chuyện”.

Bố tôi đầu óc vẫn còn rối bời nên nghe mà chẳng nghĩ ngợi gì xa xôi. Bắt trước cách mẹ tôi trước kia vẫn làm, ông dán trang giấy em viết lên cửa tủ lạnh, đúng chỗ trước đây dán bức tranh về Cõi-Lưng-Chừng của Buckley mà bây giờ mọi người đã quên mất. Song em trai tôi có linh cảm là chuyện mình kể có gì lạ lẫm bất thường. Em hiểu thế khi thấy thầy cô giả vờ làm mặt kinh ngạc, theo kiểu mấy nhân vật trong truyện tranh. Thừa lúc bà ngoại Lynn lui cui ở nhà dưới, em bó tờ giấy đi mang lên phòng cũ của tôi. Em gấp lại thành mảnh giấy vuông vức bé xíu, nhét vào chỗ giấu nay trống huếch dưới gầm cái giường bốc cọc để căng màn của tôi.

Mùa thu năm 1976, vào một ngày oi bức, ông Len Fenerman kiểm tra lại cái két to có khóa an toàn để trong kho lưu trữ tang vật. Trong két có xương lũ chó và mèo của các gia đình vùng lân cận mà ông ta tìm thấy chỗ góc kẹt dưới hệ thống ống dẫn trong nhà Harvey, có cả biên bản của phòng thí nghiệm xác minh dấu vết của vôi bột. Lần đó chính ông đích thân giám sát việc khai quật, nhưng dù họ đào đi đào lại sâu mấy đi nữa cũng không phát hiện thêm xương cốt hay thi thể nào khác trên phần đất nhà hắn. Vệt máu trên nền nhà để xe là tấm danh thiếp duy nhất của tôi. Ông Len đã bỏ ra hàng tuần rồi hàng tuần, rồi hàng tháng để nghiên cứu bản sao tờ sơ đồ Lindsey lấy trộm được. Ông lại dẫn cả một nhóm trở lại cánh đồng ngô đào xới nhiều lần. Cuối cùng tìm thấy ở đầu đằng kia cánh đồng một vỏ chai Cô-la. Đây là bằng chứng hiển nhiên: có dấu tay trùng khớp với dấu tay Harvey ở nhà hắn và có dấu tay khác trùng khớp với dấu in trên giấy khai sinh của tôi. Ông không còn nghi ngờ gì nữa: quả là ngay từ ngày đầu ông Jack Salmon đã đoán đúng.

Song mặc dù ông ta truy tìm ráo riết, tên George Harvey cứ như đã bốc hơi tàng hình khi vừa ra khỏi vòng rào nhà hắn. Ông gọi điện hỏi khắp lượt mà không có nơi nào có hồ sơ mang tên như tên hắn. Như thể hắn chưa hề có mặt trên thế gian này.

Thứ duy nhất hắn bỏ lại là mấy ngôi nhà ráp cho búp bê. Ông Len mới nghĩ đến chuyện gọi điện tới người vẫn thường nhận hàng ký gửi của hắn để bán, ăn hoa hồng lẫn của các hiệu chuyên bán đồ chơi, gọi cho cả những gia đình khá giả từng đặt hàng hắn làm theo mẫu tòa nhà của họ. Không chút tăm hơi. Ông gọi đến các xưởng chuyên làm loại bàn ghế, cửa và cửa sổ tí hon lồng kính mài, nắm cửa bằng đồng thau, ông liên hệ cả mấy hãng chuyên chế tạo loại cây và bụi gai làm từ vải. Cũng không ra manh mối nào.

Ông ngồi xuống bên cái bàn gỗ thô sơ ở tầng hầm của trụ sở cảnh sát, trên bàn ngổn ngang tang vật. Ông lật xấp giấy rao tìm con mà bố tôi đưa in để phân phát mọi chỗ. Ông còn nhớ gương mặt tôi, song vẫn muốn nhìn lại lần nữa trên tờ giấy. Ông đi đến kết luận rằng việc khu vực đang phát triển xây cất rầm rộ thời gian gần đây có khi lại đem đến lời giải cho vụ của tôi. Trong đống đất cát đào lên xới sang chỗ khác biết đâu chẳng có những manh mối đem lại câu trả lời ông chờ đợi.

Nằm ở đáy thùng là cái túi đựng chiếc mũ đính chuông của tôi. Khi ông trao nó cho mẹ tôi, bà ngã quỵ xuống thảm. Ông vẫn không quyết chắc được là ông phải lòng mẹ tôi vào thời điểm nào. Tôi thì biết chắc đó là hôm ông ngồi ở phòng sinh hoạt nhà tôi, lúc đó mẹ tôi vẽ phác những hình nhân trên tờ giấy gói hàng, trong khi Buckley và cu Nate nằm đấu chân vào nhau, ngủ quên trên đi văng. Tôi thấy tội cho ông ta. Ông muốn tìm thủ phạm hạ sát tôi nhưng thất bại. Ông thử tìm tình yêu bên mẹ tôi nhưng chuyện chẳng đi đến đâu.

Ông Len nhìn tờ họa đồ vẽ cánh đồng ngô Lindsey đã trộm được, biết mình không thể né tránh sự thật: do quá thận trọng, ông đã để sểnh mất tên sát nhân. Ông không thể đổ lỗi cho ai hay viện cớ gì khác. Dù không ai biết được nhưng ông tự biết, chính vì hôm đó ông đến với mẹ tôi ở khu thương xá nên ông là kẻ phải chịu trách nhiệm về việc tên George Harvey vẫn được tự do ngoài vòng lao lý.

Ông rút ví từ túi quần sau, bày lên bàn những tấm ảnh của các vụ án ông phụ trách nhưng đến nay chưa hoàn toàn khóa sổ được. Trong số đó có cả ảnh vợ ông. Ông lật úp mặt tấm ảnh. Ông không muốn tiếp tục chờ đến ngày có thể ghi rõ hung thủ là ai, nguyên do vì sao hay sự thể đã diễn ra thế nào. Ông sẽ chẳng bao giờ hiểu rốt ráo mọi lẽ cớ sao vợ mình tự vẫn. Ông cũng chẳng bao giờ hiểu nổi tại sao có nhiều trẻ em mất tích đến thế. Ông đặt mấy tấm ảnh đó vào trong két chung với những tang vật thuộc về tôi rồi tắt nến trong căn phòng lạnh lẽo.

Tuy nhiên có một điều ông không biết được.

Ngày 10 tháng 9 năm 1976, ở bang Connecticur, lúc quay về chỗ đỗ xe, một người thợ săn chợt thấy dưới đất có gì lấp lánh. Đó là viên đá hộ mệnh mang hình bang Pennsylvania của tôi. Rồi ông ta nhận ra là đất quanh đấy có dấu vết bị bị gấu bới tung. Những mẫu vụn gấu bới lên tung tóe nhìn lại hóa ra là mảnh xương bàn chân của một đứa bé, không nhầm vào đâu được.