Hình hài yêu dấu - Chương 16 phần 3

Mẹ tôi chỉ trụ lại New Hampshire được mỗi một mùa đông, rồi bà nảy ra ý định lái xe đi suốt đến tận bang California. Đó là điều bà tâm niệm sẽ làm, song đến nay chưa có cách nào thực hiện được. Một người đàn ông bà quen ở New Hampshire mách là có thể tìm việc tại các đồn điền trồng nho chế rượu vang ở vung thung lũng phía Bắc thành phố San Francisco. Chỗ làm lúc nào cũng sẵn dễ xin, chỉ là lao động chân tay thôi, và nếu muốn ẩn danh thì cũng chẳng ai bắt khai lí lịch. Cả ba điều này thật hợp ý bà.

Ông ta ngỏ ý muốn chung chạ với bà, nhưng bà dứt khoát từ chối. Bây giờ bà hiểu là quan hệ dan díu kiểu đó chẳng đưa đến đâu cả. Ngay buổi tối đầu tiên trải qua với ông Len ở khu vực giữa lòng khu thương xá bà đã biết cả hai sẽ không xây đắp gì chung với nhau được ngay cả khi trong lúc ân ái với ông cơ thể bà rơi vào trạng thái vô cảm.

Bà thu dọn đồ đoàn vào mấy xách tay, lên đường trực chỉ California. Dừng chân ở thành phố nào bà cũng gửi bưu ảnh cho các em tôi. “ Gửi lời chào từ Dayton. Loài chim tiêu biểu của bang Ohio là chim hồng y” hoặc “chiều hôm qua đến Mississippi kịp lúc mặt trời lặn. Sông rộng mênh mông làm sao.”

Ở Arizona, bang xa nhất bà từng đặt chân đến sau khi lái xuyên tám bang, bà trả tiền thuê phòng rồi lấy nguyên một thùng nước đá mua từ máy đặt bên ngoài khách sạn,, xách về phòng. Sáng hôm sau bà sẽ đến California, để đánh dấu sự kiện này bà tự thưởng cho mình một chai sâm banh. Bà nghĩ đến những gì gã đàn ông ở New Hampshire kể lại, rằng suốt một năm trời ông ta phải cạo nấm mốc bám vào thành các thùng gỗ khổng lồ chứa vàng. Ông phải nằm ngửa, dùng dao cạo từng lớp nấm. Nấm có màu và độ mềm như gan nên dù ông tắm rửa kỳ cọ kỹ đến thế nào đi nữa, hàng mấy tiếng đồng hồ sau lũ ruồi vẫn cứ xúm xít bu theo người.

Bà nhấm nháp sâm banh trong chiếc ly nhựa và nhìn mình trong gương. Bà tự buộc phải đối diện với chính mình.

Bà hồi tưởng lại đêm giao thừa đầu tiên mà cả nhà cùng thức chờ, bà ngồi với tôi, em gái, em trai và bố tôi trong phòng sinh hoạt. Hôm ấy bà đã sắp xếp dỗ Buckley ngủ cho đẫy giấc trước đó.

Em thức dậy lúc trời đã sập tối, đinh ninh rằng khuya hôm ấy sẽ có một lão ông còn tốt bụng hơn cả ông già Nô-en đến nhà. Trong trí tưởng tượng em hình dung lễ giao thừa như một tiếng nổ long trời báo hiệu em khởi hành bay đến một cõi nào đó, nơi chỉ có toàn đồ chơi.

Vài giờ sau, lúc em ngáp vắn ngáp dài nằm vùi vào lòng mẹ và bà lùa mấy ngón tay vào tóc em vuốt ve, thì bố tôi loay hoay pha ca-cao trong bếp, còn tôi với em gái lo bày bánh sô cô la nướng theo kiều Đức để bưng ra. Khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, nghe tiếng hò reo từ xa cùng với vài tiếng súng bắn chỉ thiên ở khu lân cận vọng đến thì em trai tôi ngớ ra. Nỗi thất vọng cùng cực ào đến với em, đột ngột đến nỗi mẹ tôi hết hồn không biết phải làm gì. Giờ nghĩ lại bà tưởng như nghe bài “Tất cả chỉ có thế này thôi sao?” của Peggy Lee bản soạn cho thiếu nhi, kết thúc bằng màn gào khóc nức nở.

Bà nhớ lại cảnh bố tôi bế Buckley lên rồi cất tiếng hát. Cả nhà hòa giọng ca theo. “Hãy lãng quên người ta quên ngày trước và đừng bao giờ hoài tưởng nữa, nên quên người cũ, quên cả những ngày của thời xa xưa ấy - Auld lang syne(73)”

73. “Aud lang syne” (dĩ vãng tươi đẹp) của Robert Burns (1759-1796), nhà thơ Scotland, được phổ nhạc, thường hát vào lúc giải tán, tàn cuộc, chia tay sau một cuộc hội ngộ.

Buckley ngẩng mặt nhìn mọi người. Em tóm bắt lấy những từ ngữ lạ như chụp bong bóng xà phòng bay trước mắt. “Lang syne?” em lặp lại, vẻ ngơ ngác.

“Mấy chữ đó có nghĩa gì?,” tôi hỏi mẹ.

“Nghĩa là những ngày xa xưa,” bố tôi đáp.

“Những ngày trôi qua từ lâu rồi,” mẹ tôi nói. Thế rồi bà đột nhiên quay ra gom những vụn bánh trên đĩa của bà vào một góc.

“Này, mắt đại dương ơi,” bố tôi nói. “Mình định bỏ bố con tôi đi đâu đấy?”

Và bà nhớ đã đáp lại câu hỏi của bố bằng cách vặn tắt, như thể tâm tư bà có một vòi thoát - cứ vặn khóa sang bên phải một cái, thế rồi bà đứng lên bảo tôi phụ bà dọn dẹp.

Mùa thu năm 1976, khi đến bang California, bà lái thẳng ra bờ biển, tìm chỗ đậu xe. Bà có cảm tưởng như suốt bốn ngày dài chỉ toàn lái từ nhà này đến nhà khác - những gia đình ầm ĩ tiếng cãi vã, tiếng chửi rủa oang oang, tiếng gào thất thanh, những gia đình ngày ngày sống trong trạng thái căng thẳng phi thường - và bà cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn qua kính lái xe thấy biển trước mặt. Những quyển sách đã đọc thời sinh viên vụt trở lại trong tâm tưởng bà. The Awakening(74). Sự kiện xảy đến với nhà văn Virginia Woolf(75). Trong ký ức mọi hình ảnh xưa sao đẹp quá - mong manh và viễn vông - đá cho vào đầy túi, lội xuống nước đi ra xa.

74. “The awakening” (Nhận thức, hay thức tỉnh) xuất bản năm 1899 của nữ văn sĩ Mỹ Kate Chopin (1850-1904)

75. Virginia Woolf (1882- 941) nữ văn sĩ Anh, bệnh tâm thần, tự vẫn vì sợ không bình phục được.

Bà quấn chiếc áo len quanh hông thắt gút lại rồi men theo bờ đã lần xuống bãi. Xuống đến nơi, bà thấy quanh mình chỉ còn những tảng đá lởm chởm và sóng nước. Bà bước dò dẫm thận trọng nhưng tôi chỉ chú ý nhìn chân bà hơn là ngắm phong cảnh bà đang thưởng ngoạn - tôi lo lỡ bà sẩy chân.

Ao ước của mẹ tôi, đến được nơi có những con sóng này, nhúng chân xuống nước của một đại dương khác với đại dương ở bờ bên kia của quê quán mình là nỗi ám ảnh thường trực - mục đích đơn thuần là gột rửa tội lỗi. Ào xuống một cái thế là ta có thể làm lại tất cả từ đầu. Hay là, đúng ra cuộc đời giống cái trò chơi đáng ghét trong giờ thể dục hơn: trong một không gian khép kín ta phải chạy từ đầu này đến đầu kia, nhặt các khúc gỗ lên rồi bỏ xuống, cứ thế miên man không dứt? Trong trí bà vang câu hãy ra với sóng đi, sóng kìa, sóng kìa, và tôi để ý thấy hai bàn chân bà dò dẫm lần đường trên mặt đá, rồi khi nghe bật lên tiếng trẻ con kêu - cả hai mẹ con cùng nghe thấy một lượt - chúng tôi giật mình ngước lên.

Trên bãi biển có một đứa bé con.

Bấy giờ mẹ tôi mới thấy giữa mấy vách đá có một rẻo cát, một bé gái đội mũ đan màu hồng, quần áo lót ngắn tay, chân xỏ giày cao cổ đang bò lẫm chẫm trên tấm chăn, nhoài người ra cát. Chỉ có một mình em trên tấm chăn với một món đồ chơi nhồi bông - chắc là cừu, mẹ tôi đoán thế.

Lúc leo xuống bà thấy đứng quay lưng về phía mình là một nhóm người - quần áo đóng bộ, lăng xăng tíu tít một cách căng thẳng. Họ mặc y phục màu đen và xanh dương, chân xỏ ủng, mũ đội lệch một bên trông rất điệu. Rồi với con mắt một nữ nhiếp ảnh viên chuyên chụp cầm thú trong thiên nhiên, tôi nhìn ra ngay cái giá chống ba chân và tấm nhôm tròn mà một anh chàng quay lúc sang trái lúc sang phải tùy ý muốn để ánh sáng rọi hay không rọi vào đứa bé đang bò trên tấm chăn.

Mẹ tôi bật cười, song chỉ có một tay phụ việc quay phim ngoảnh lại phía vách đá thấy mẹ tôi đang đứng, còn những người khác đều tất bật. Tôi đoán là họ quay phim quảng cáo, song quảng cáo gì? Những bé gái mới, thế chỗ con của họ? Lúc mẹ tôi cười, tôi thấy gương mặt bà tươi lên, song cũng thấy những nếp hằn mới khá lạ lẫm.

Bà nhìn những con sóng phía sau đứa bé kia, thấy sóng vừa đẹp vừa mê hoặc lòng người đến thế - chúng có thể dần dâng cao không ai để ý rồi thoắt cuốn đứa bé theo. Tất cả những kẻ ăn mặc kiểu cọ kia sẽ ùa chạy theo tìm cách vớt nhưng đứa bé sẽ chết đuối trong nháy mắt. Không ai, kể cả bà mẹ cô bé, dù từng sợi dây thần kinh luôn sẵn sàng để đối phó với mọi thảm họa, kịp cứu thoát em bé nếu biển đột ngột nổi sóng to ập vào, khi cuộc sống trôi đi như thường nhật nhưng ở một bờ biển xưa nay lặng sóng bỗng dưng tai ương khủng khiếp không rõ từ đâu đổ xuống.

Ngay trong tuần lễ đó bà tìm được việc ở nhà máy rượu vang Krusoe, trong một thung lũng nhìn xuống vùng vịnh. Bà gửi cho em gái và em trai tôi những tấm bưu ảnh mặt sau viết chi chít, tô lên đó những mảng sáng trong cuộc sống của bà, hy vọng rằng trên khoảng trống giới hạn của tấm bưu ảnh bà vẫn gây được cảm tưởng mình đang vui sống.

Vào những ngày nghỉ, bà đi dạo phố ở Sausalito hay Santa Rosa - những thị trấn nhỏ có mức sống cao, không ai quen biết ai - và tuy bà tập trung mọi cố gắng hy vọng quen dần với mọi tình huống mới lạ, mỗi khi bước vào một cửa hàng bán quà lưu niệm hay quán cà phê nào đó, bốn bức tường quanh bà bắt đầu hít thở như một buồn phổi. Rồi bà cảm thấy nỗi ưu phiền bắt đầu tấn công, bò dọc bắp chân lên đùi lần vào đến gan ruột bà, những giọt lệ như đạo quân tí hon dấn tới vành mi mắt bà - và bà phải hít thật sâu, giữ hơi lại, cố nén để đừng òa khóc trước mặt mọi người. Bà vào quán ăn gọi cà phê và bánh mì nướng, nước mắt ròng ròng rỏ giọt lên mặt bánh. Bà vào một tiệm hoa, hỏi mua hoa thủy tiên, nghe bảo không có, bà cảm thấy như mình bị cướp đi hết mọi thứ. Kể cả một ước muốn khiêm nhường như thế - một đóa hoa vàng tươi.

Lễ tưởng niệm tự phát đầu tiên cử hành ở cánh đồng ngô làm bố tôi nảy ý muốn tiếp tục làm thế. Từ đấy, năm nào bố cũng tổ chức một buổi lễ tương tự, song số người hàng xóm và bạn bè đến dự ít dần đi. Những người luôn có mặt là Ruth và ông bà Gilbert, nhưng ngày càng thêm đám học trò trung học đến viếng. Năm tháng trôi qua, đám này chỉ còn biết đến tôi qua cái tên đôi khi được dùng như một lời đồn đại đầy đe dọa để cảnh cáo những đứa có vẻ thích sống đơn độc tách biệt. Nhất là đám con gái.

Mỗi lần có những người xa lạ nhắc đến tên mình, tôi tưởng như bị ai lấy kim châm một cái. Không phải cảm giác ấm áp mỗi khi bố nhắc tới tôi hoặc khi Ruth ghi vào nhật ký của cô nàng. Đó là cảm giác sống dậy rồi bị chôn trở lại trong khoảnh khắc một lần hít thở. Tương tự như khi trong giờ học môn kinh tế tôi được phân vào cột hàng dọc những hàng hóa trao qua đổi lại được: cột ‘Nạn nhân án mạng’. Một vài thầy cô, chẳng hạn thầy Botte, còn nhớ đến tôi như nhớ đến một cô bé bằng xương bằng thịt. Thỉnh thoảng trong giờ nghỉ trưa, thầy ra ngồi trong chiếc xe Fiat màu đỏ, nhớ về cô con gái mất vì bệnh bạch cầu. Xa xa, qua cửa kính xe, cánh đồng ngô hiện ra mờ mờ ảo. Những lúc đó thầy thường đọc một bài kinh cầu nguyện cho tôi.

Chỉ sau vài năm ngắn ngủi Ray Singh đã thành một thanh niên đẹp trai, đến nỗi khi đi giữa đám đông sức quyến rũ của anh chàng tỏa ra như hào quang. Những đường nét viên mãn của kẻ đã trưởng thành tuy chưa in sâu, nhưng ở tuổi mười bảy như cậu, đã hiển hiện khá rõ. Cậu gợi cho người khác hình dung về trạng thái vô tính mơ hồ, vì thế cậu thu hút cả phái nam lẫn phái nữ, với hàng mi dài và mí mắt dày, tóc rậm và đen nhánh, những nét thanh tú cho thấy cậu vẫn còn trong tuổi thiếu niên.

Khi nhìn Ray trong tôi dấy lên nỗi khát khao không hề cảm thấy đối với bất cứ ai khác. Đó là ao ước được chạm tay vào và ôm giữ lại, được tìm hiểu cặn kẽ chính cái cơ thể mà anh chàng vẫn nghiên cứu với con mắt lạnh lùng dửng dưng. Anh chàng thường ngồi ở bàn học, đọc quyển sách mình chuộng nhất - Cơ thể học của Gray(76), rồi tùy theo đang đọc gì, anh chàng đặt đầu ngón tay lên động mạch ở cổ hay miết ngón tay cái lên cơ bắp dài nhất trên cơ thể mình, chạy từ hông tới khoeo chân. Anh chàng gầy mà hóa hay, vì xương cốt với cơ bắp lộ rõ dưới làn da.

76. “Gray’s Anatomy of the Human body”, sách giáo khoa do nhà cơ thể học Anh Henry Gray (1825-1861) soạn.

Lúc xắp xếp hành trang lên đường đến đại học bang Pennsylvania, đầu óc anh chàng đầy ắp những thuật ngữ cùng định nghĩa khiến tôi đâm lo. Thế thì còn nghĩ đến chuyện khác sao được nữa? Tình bạn với Ruth, tình thương của mẹ, kỷ niệm về tôi sẽ bị đẩy ra phía sau, để anh chàng có chỗ đặt nào là thủy tinh thể với màng bao, kênh thông hình bán nguyệt trong tai, hay là môn tôi chuộng nhất - đặc tính của hệ thần kinh giao cảm.

Tôi lo như vậy lại là thừa. Bà Ruana tìm khắp nhà xem có thứ gì để đưa cậu con trai cầm theo, thứ gì vừa to và nặng như quyển của Gray, giúp anh chàng giữ được phần của con người thích sưu tầm hoa đem về ép, thâm tâm bà mong thế. Không để anh chàng biết, bà lén nhét vào hành lý quyển thơ Ấn Độ. Trong đó có ảnh chân dung tôi, lâu nay rơi vào quên lãng. Ở cư xá sinh viên Hill House, lúc anh chàng soạn hành lý ra, tấm ảnh của tôi rơi xuống cạnh giường. Dù anh chàng rành phẫu thuật đến đâu - hễ nhìn vào mắt là thấy mạch máu của nhãn cầu, nhìn mũi thấy các xoang hốc phía sau, nhìn mặt tôi nhận ra sắc tố dưới lớp biểu bì - anh chàng vẫn không thể nhìn đôi môi mà quên mình đã từng hôn.