Hình hài yêu dấu - Chương 16 phần 4

Tháng sáu năm 1977, vào ngày lẽ ra tôi tốt nghiệp trung học, nếu còn sống, thì Ruth và Ray đều đã đi xa. Hôm trường ở Fairfax bế giảng, Ruth đã dọn đến thành phố New York, hành trang là chiếc va ly cũ màu đỏ của bà mẹ, đựng áo quần mới may tuyền một màu đen. Còn Ray, tốt nghiệp sớm hơn, đã kết thúc năm học đầu ở đại học Pennsylvania.

Cũng hôm ấy, trong bếp nhà chúng tôi, bà ngoại Lynn cho Buckley một quyển sách chỉ dẫn làm vườn. Bà chỉ cho em biết rằng cây mọc lên từ hạt giống, rằng giống củ cải em ghét ăn lại ra quả nhanh nhất, còn hoa em vốn ưa thích cũng mọc lên từ hạt. Rồi bà dạy em tên các loài hoa: cúc Zinnia với cúc vạn thọ, hoa păng xê và tử đinh hương, hoa cẩm chướng, dã yên thảo và cây bìm bìm.

***

Thỉnh thoảng mẹ tôi từ California gọi điện về. Bố mẹ tôi trao đổi gấp gáp vài câu gượng gạo. Bà hỏi thăm Buckley, Lyndsey và con Holiday. Bà hỏi chuyện nhà ra sao, bố có chuyện gì cần kể cho bà biết không.

“Cả nhà vẫn nhớ em,” bố nói thế hôm tháng Chạp năm 1977, khi cây đã trơ cành, lá rụng bị gió thổi hay bị quét đi, mặt đất sẵn sàng để đón nhưng chưa thấy tuyết rơi.

“Em biết”, bà đáp.

“Còn việc dạy học? Anh tưởng đó là dự tính của em.”

“Trước kia dự tính thế thật,” bà thừa nhận. Bà đang gọi điện trong văn phòng nhà máy rượu vang. Sau bữa ăn trưa nhốn nháo bây giờ có yên ắng hơn, nhưng lát nữa sẽ có năm chiếc xe được thuê chở đến đây một nhóm các bà cụ say khướt. Mẹ im lặng một lúc rồi nói một câu gì đấy mà khó ai phản bác lại được, không cứ gì bố tôi: “Các dự tính cũng đổi thay.”

Ở New York, Ruth thuê của một bà cụ ở Lower East Side góc buồng xép vốn là chỗ treo quần áo, rộng chỉ vừa đủ chỗ ngả lưng. Đó là loại buồng duy nhất cô nàng trả nổi tiền thuê, vả lại cô nàng không định ngồi nhà suốt ngày. Sáng sáng cô nàng cuộn tấm nệm đôi dẹp vào một góc, thế là có được một khoảng trống để xoay xở thay quần áo. Mỗi ngày cô nàng chỉ về lại đây một lần rồi đi ngay. Căn buồng chỉ là chỗ cô nàng cần để ngủ qua đêm và để có địa chỉ cư trú, một cái lồng chim tuy bé tẹo nhưng cũng đảm bảo cho cô nàng có nơi trú chân trong thành phố này.

Cô nàng nhận việc chạy bàn trong một quán rượu. Trong giờ nghỉ cô nàng thả bộ đi không sót xó xỉnh nào của khu phố Manhattan. Tôi nhìn cô nàng, chân xỏ đôi ủng tạo cho cô nàng có vẻ ngang ngạnh, khi bước cô nàng nện gót trên hè xi măng, biết rằng hễ cô nàng tìm đến nơi nào thì y như rằng ở đó đã xảy ra án mạng mà nạn nhân là đàn bà. Dưới gầm khoang cầu thang hay ở tầng nào tít trên cao của những ngôi nhà chọc trời lộng lẫy. Cô nàng thường đứng cạnh cột đèn đường đưa mắt rà soát dãy phố bên kia đường. Cô nàng viết vài câu kinh cầu nguyện ngắn vào nhật ký lúc ngồi ở quán cà phê hay quán rượu, nơi cô nàng ghé vào gọi món nào rẻ nhất trong thực đơn rồi đi vào phòng vệ sinh.

Với thời gian, cô nàng dần dần tin rằng mình có một thị lực thứ hai không ai khác có được. Cô nàng không biết nên làm gì với khả năng này ngoài việc tỉ mỉ ghi lại mọi chi tiết có thể sau này sẽ cần đến, nhưng cô nàng thầy mình dần dần can trường hơn, không còn biết sợ hãi như xưa. Thế giới những phụ nữ và trẻ em quá cố mà cô nàng nhìn thấy quả có thực, hiện hữu song song với thế giới hàng ngày cô nàng sống trong đó.

Ray ngồi ở thư viện đại học Pennsylvenia, đọc một bài về những người già, bài có nhan đề in đậm ‘Hoàn cảnh đưa đến cái chết’. Bài viết tóm lượt công trình nghiên cứu tiến hành ở các nhà dưỡng lão, tại đó nhiều bệnh nhân phản ánh với y tá và bác sĩ rằng đêm đêm họ thấy có người đứng ở cuối giường. Người đó thường tìm cách bắt chuyện hoặc gọi tên họ. Đôi khi các bệnh nhân bị những ảo giác này rơi vào trạng thái kích động đến nỗi người ta phải cho họ uống thuốc an thần hay buộc tay chân vào thành giường.

Bài viết giải thích tiếp rằng các bệnh nhân có những ảo giác này do trước đó đã bị những cơn đột quỵ nhẹ thường xảy ra trước khi chết. “Thói thường người ta cho đó là Thần chết. Nếu nhất thiết phải trao đổi về điều này với gia đình bệnh nhân, ta nên trình bày cho họ rõ đó là một loạt những cơn đột quỵ nhẹ có tác động cộng hưởng làm tình trạng kiệt quệ trầm trọng thêm.”

Ray đặt ngón tay làm dấu chỗ đang đọc dở trên trang sách rồi ngưng một lúc, thử hình dung giả như mình đang đứng ở bên giường một người bệnh cao tuổi, sẵn sàng đón nhận mọi tình huống xảy đến, biết đâu cũng sẽ thấy có gì đó lướt qua chạm vào người, như Ruth đã cảm nhận ở bãi đậu xe nhiều năm trước đây.

Tên Harvey vẫn lang bạt nay đây mai đó ở vùng Hành lang Đông Bắc, kéo dài từ khu ngoại vi quanh thành phố Boston xuống tới lằn ranh phía bắc của các bang miền nam, ở vùng này hắn dễ kiếm ra việc, ít bị tra hỏi và thỉnh thoảng tìm cách sửa mình. Hắn thích cư ngụ ở bang Pennsylvania và đã đi cùng khắp tiểu bang có chiều dài đáng kể này. Thỉnh thoảng hắn cắm lều ngủ qua đêm ở phía sau một siêu thị 7-Eleven nằm ở lối ra xa lộ địa phương dẫn về khu chúng tôi, ở đó còn sót lại một cánh rừng nằm giữa một siêu thị mở suốt ngày đêm và khu đường ray vào sân ga xe lửa, lần nào đi qua đó hắn đều thấy có thêm nhiều vỏ lon và mẩu thuốc lá hơn trước. Hễ có cơ hội hắn hay tìm đường lái xe về gần khu nhà cũ. Hắn liều lĩnh làm chuyện này buổi sáng tinh mơ hay lúc đêm khuya, khi lũ gà lôi rừng, trước kia có rất nhiều ở vùng này, băng qua con lộ và đèn pha của xe hắn rọi trúng những hốc mắt nhấp nháy phản chiếu ánh đèn lúc chúng lạch bạch chạy từ ven đường này sang bên kia. Sau này lũ thiếu niên và trẻ nhỏ không bị sai ra hái dâu ở khu giáp ranh vùng phố thị của chúng tôi nữa, vì hàng rào nông trại, nơi dâu leo mọc rậm đến trĩu rạp xuống, đã bị phá đi lấy chỗ xây nhà. Dần dần hắn biết cách để không hái phải nấm dại và thỉnh thoảng hắn ăn nấm trừ bữa khi phải ngủ qua đêm trên bãi cỏ chưa cắt tỉa trong công viên Valley Forge. Một đêm nọ, tôi mục kích cảnh hắn tình cờ tìm thầy thi thể hai người cắm trại thiều kinh nghiệm, chết vì ăn phải nấm độc, mới nhìn trông không khác loại nấm ăn được. Hắn khẽ khàng lục lọi móc hết tiền bạc tư trang rồi bỏ đi.

Chỉ có anh Hal, cu Nate, và con Holiday được Buckley cho vào trong pháo đài của em. Mảng cỏ bị hai tảng đá đè bẹp gí không mọc được nữa, và khi trời mưa nền pháo đài trở thành vũng nước hôi hám, nhưng nó vẫn còn đứng vững tuy Buckley không hay chui vào nữa. Cuối cùng chính anh Hal năn nỉ Buckley tu bổ nó.

“Mình phải trát kín lại không để nước vào, Buck ạ,” một ngày nọ anh Hal bảo em. “Em lên mười rồi, đủ lớn để cầm loại súng phun để hàn.”

Bà ngoại Lynn đồng lòng ngay, bà quí đám con trai. Bà khuyến khích Buck làm theo lời anh Hal. Mỗi khi biết anh Hal sẽ ghé qua nhà, bà sửa soạn thật đỏm dáng.

“Bà ngoại làm gì đấy?”, bố hỏi, vào một sáng thứ Bảy. Mùi thơm ngọt ngào của vỏ chanh, bơ và bột bánh vàng rộm từ lò nướng đã bắt ông rời phòng làm việc.

“Bà nướng bánh xốp,” bà ngoại Lynn đáp.

Bố tôi trố mắt nhìn bà ngoại, tự hỏi bà đã thành người dở hơi chưa: ông vẫn khoác áo choàng, mới mười giờ sáng mà trời nóng hơn 30 độ, thế mà bà đã diện quần chẽn, trang điểm xong xuôi. Rồi bố thấy anh Hal ngoài sân, người chỉ mặc áo lót.

“Lạy Chúa, bà ơi,” bố nói. “Cậu ta còn trẻ quá mà…”

“Nhưng t-u-y-ệ-t v-ờ-i!”

Bố tôi lắc đầu, ngồi vào bàn ăn. “Bao giờ bánh xốp nướng vì tình mới ăn được, hở Mata Hari(77)?”

77. Mata Hari (1876-1917), vũ nữ Hà Lan, bị kết tội làm gián điệp cho Đức và bị xử bắn ở Pháp thời thế chiến II.

Vào tháng Chạp năm 1981, ông Len không muốn nhận cú điện thoại từ Delaware về một vụ án mạng ở Wilmington liên qua tới xác một cô gái phát hiện ở Connecticut năm 1976. Một viên thanh tra tận tụy ở lại làm thêm giờ đã kiên nhẫn lần tìm manh mối viên đá hộ mệnh có hình bang Pennsylvania trong vụ ở Connecticut, và truy đến danh sách ghi các đồ vật mất tích trong vụ án của tôi.

“Vụ này đã khóa sổ rồi,” ông Len trả lời người ở đầu dây bên kia.

“Chúng tôi muốn biết các anh hiện có dữ kiện gì.”

“George Harvey”, ông Len nói to khiến các nhân viên ở các bàn bên cạnh phải quay nhìn. “Án mạng xảy ra tháng Chạp năm 1973. Nạn nhân tên Susie Salmon, mười bốn tuổi.”

“Có tìm ra xác cô bé Simon đó không?”

“Salmon, nghĩa là cá hồi! Chúng tôi tìm được mỗi một mẩu xương khuỷu tay,” ông Len nói.

“Cô bé còn bố mẹ chứ?”

“Còn.”

“Ở Connecticut tìm được răng. Các anh có hồ sơ về răng của cô bé không?”

“Có.”

“May ra gia đình họ sẽ thôi không còn khắc khoải mãi,” người kia nói với ông Len.

Len lại xuống tìm hộp đựng tang vật mà ông ta từng mong sẽ không bao giờ phải nhìn tới nữa. Hẳn ông sẽ phải gọi cho gia đình tôi. Nhưng ông muốn dềnh dàng trì hoãn, đợi khi nào biết chắc các món viên thành tra ở Delaware có trong tay là gì rồi mới tính tới.

Trong suốt tám năm qua, từ khi Samuel kể về bức sơ đồ Lindsey lấy trộm được, anh Hal vẫn âm thầm lùng tìm tung tích tên George Harvey thông qua mạng lưới nhóm bạn ưa lái mô-tô của anh. Song, giống ông Len, anh tự hứa sẽ không hé môi điều gì cho đến khi biết chắc đó là đầu mối thực sự. Đến nay anh chưa dám chắc về điều gì cả. Một đêm khuya nọ, lúc một người trong nhóm Hell’s Angel tên là Ralph Cichetti tự động kể ra là đã từng vào tù, rằng anh ta tin rằng bà mẹ bị chính kẻ thuê nhà giết chết thì anh Hal mới đặt những câu anh hay hỏi. Nhằm mục đích loại nhân vật ra khỏi vòng khả nghi nếu không khớp. Anh hỏi về chiều cao, sức nặng và nghề nghiệp. Người kia khi nghe đến cái tên George Harvey thì chẳng có phản ứng, nhưng điều này không nói lên được gì. Tuy nhiên vụ này có vẻ không giống những vụ trước. Bà Sophie Cichetti đã bốn mươi chín tuổi. Bà bị đập chết ngay trong nhà, người ta tìm thấy vũ khí là một món đồ không cạnh sắc vứt gần thi thể còn nguyên vẹn của bà. Anh Hal đọc nhiều truyện về tội phạm hình sự nên biết rằng loại hung thủ này khi ra tay thường lặp lại một số hành vi rập theo một trình tự nhất định, theo những cách thức kỳ dị nhưng đối với chúng lại rất quan trọng. Vì thế, trong lúc anh Hal căng lại dây xích cho chiếc Harley rệu rã của Cichetti, hai người nói lan man sang đề tài khác, rồi nín thinh một lúc. Mãi đến khi Cichetti tình cờ kể một chi tiết khác thì tóc gáy anh Hal mới dựng cả lên.

“Hắn làm nghề lắp ráp nhà cho búp bê,” Ralph Cichetti nói.

Anh Hal gọi điện yêu cầu được nói chuyện ngay với ông Len.

Năm năm tháng tháng trôi qua. Cây cối trong vườn nhà chúng tôi cao hẳn lên. Tôi quan sát theo dõi người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm và các thầy cô tôi từng theo học hoặc nghĩ rằng đã theo học, quan sát ngôi trường trung học tôi từng mong được vào học. Lúc ngồi ở vọng lâu, tôi giả như mình đang ngồi trên cành cao nhất của cây thích, dưới kia em trai tôi bị hóc que và vẫn chơi trốn tìm với cu Nate, hoặc là tôi đang ngồi trên một tay vịn cầu thang ở New York, chờ Ruth đi ngang qua. Tôi cùng ngồi học với Ray. Cùng ngồi xe với mẹ tôi chạy dọc xa lộ ven bờ biển Thái Bình Dương vào một buổi trưa ấm áp, không khí đẫm mùi muối biển. Nhưng bao giờ tôi cũng kết thúc ngày của mình với bố tôi trong phòng làm việc của ông.

Tôi xắp xếp những bức ảnh chụp bất chợt, thu thập suốt thời gian theo dõi quan sát vào ký ức, và tôi có thể vạch ra được rằng một sự kiện - cái chết của tôi - nối kết những bức ảnh đó với nhau thành một mối duy nhất. Ngày trước khó ai tiên đoán được rằng sự mất mát tôi gây ra khi chết đi lại có thể làm thay đổi những khoảnh khắc ở trần thế đến mức nào. Song tôi đã chụp bắt được chúng, và sẽ cẩn trọng cất giữ mãi. Bao lâu tôi còn ở thiên đường dõi mắt nhìn theo thì không hình ảnh nào bị mất đi cả.

Ở buổi thánh lễ một chiều nọ, trong khi Holly thổi kèn xắc-xô và bà Bethel Utemeyer đàn hòa âm, tôi trông thấy nó: con Holiday chạy đua vượt qua một con Samoyed trắng mượt. Ở trần thế nó đã già lắm rồi; sau ngày mẹ tôi bỏ đi, nó hoàn toàn nằm ngủ dưới chân bố tôi, mắt lúc nào cũng lom lom canh cho bố. Nó đứng cạnh khi Buckley dựng pháo đài, và chỉ mình nó được phép nằm ở hàng hiên khi Lindsey và Samuel hôn nhau. Trong những năm cuối cùng của nó, sáng Chủ Nhật nào bà ngoại Lynn cũng làm cho nó một cái bánh kếp quết bơ đậu phọng to bằng mặt chảo, đặt trên sàn, ngắm không chán mắt trò lấy mõm táp bánh của nó.

Tôi chờ xem nó có đánh hơi thấy tôi không, vì tôi háo hức muốn biết rằng ở đây, tức thế giới bên kia đối với dương thế, tôi có vẫn là cô bé nó từng nằm lăn ngủ bên cạnh hay không. Tôi không phải chờ đợi lâu: nhìn thấy tôi nó cuống quít chạy xồ tới đẩy tôi ngả lăn chiêng.