Hình hài yêu dấu - Chương 17 phần 1

VỚI TUỔI HAI MƯƠI MỐT, LINDSEY ĐÃ TRẢI QUA nhiều giai đoạn của quá trình trưởng thành mà tôi không bao giờ có dịp thử nghiệm, nhưng về sau tôi thấy chẳng có gì đáng cho tôi phải tiếc nuối nữa. Thực ra em đi đâu cũng có tôi bên cạnh. Tôi lên nhận văn bằng tốt nghiệp đại học và cưỡi mô-tô ngồi sau lưng Samuel, vòng tay ôm chặt anh chàng, áp sát người vào lưng tìm hơi ấm…

Okay, đó là Lindsey chứ không phải tôi, tôi cũng tự biết thế. Nhưng khi dõi theo em, tôi thấy mình hòa nhập vào trong em dễ dàng hơn bất cứ người nào khác.

Buổi chiều sau lễ phát bằng tốt nghiệp, Lindey và Samuel đi mô-tô về nhà bố mẹ tôi, sau khi hứa đi hứa lại với bố tôi và bà ngoại Lynn sẽ không đụng tới chai sâm banh nhét trong bọc gài bên hông xe cho đến khi về tới nhà. “Chúng con chẳng gì cũng là sinh viên tốt nghiệp cơ mà!”, Samuel nói. Bố tin tưởng Samuel - dù quen biết lâu năm rồi nhưng cậu ta cư xử đàng hoàng trước sau như một với cô con gái còn sống sót của ông.

Nhưng lúc hai cô cậu còn ở trên đường số 30 từ Philadelphia về nhà thì trời đổ mưa. Ban đầu mưa nhỏ thôi, như những mũi kim hắt vào em gái tôi và Samuel ở tốc độ năm mươi dặm một giờ. Nước mưa mát lạnh rơi xuống mặt đường nhựa nóng khô nẻ liền bốc thứ mùi cháy khét của nhựa nung suốt ngày dưới cái nắng gay gắt tháng Sáu. Lindsey thích tựa đầu chỗ giữa hai bả vai Samuel, hít thở mùi đường nhựa và mùi lá các bụi cây nằm rải rác hai bên đường. Em nhớ lại vài tiếng đồng hồ trước khi trời nổi cơn dông, gió lốc thổi tốc lễ phục màu trắng của các sinh viên tốt nghiệp đang đứng chờ trước Hội trường Macy. Có một lúc trông ai như cũng sắp bay bổng theo chiều gió.

Cuối cùng, tám dặm trước lối rẽ về nhà chúng tôi, mưa bỗng nặng hạt quật rát cả người. Samuel quay ra sau kêu to để Lindsey nghe ra rằng anh chàng phải dừng xe lại.

Hai người tạt vào lề đường, ở một đoạn có cây cối xum xuê như thường thấy ở giữa hai khu thương mại lớn, những khoảng đất trống dần dà sẽ biến đi theo đà phát triển đô thị, nhường chỗ cho một thương xá khác hoặc một đại lý buôn phụ tùng xe hơi. Chiếc mô-tô đảo qua đảo lại nhưng không đỗ xuống vệ đường rải sỏi ướt nhẹp. Samuel dùng chân chống xe, nhớ lời anh Hal dặn, chờ Lindsey xuống đi ra xa vài bước rồi mới xuống sau.

Anh chàng đẩy miếng kính che mặt trên mũ bảo hiểm lên rồi nói to với em gái tôi: “Chỗ này không được. Anh phải đẩy xe tới dưới những gốc cây kia.”

Lindsey theo sau, tiếng nước mưa nghe nhỏ hẳn dưới chiếc mũ bảo hiểm có độn của em. Hai người tìm chỗ đặt chân trên sỏi đá và bùn lầy, đạp lên cả cành cây và rác rưởi vun bên đường. Mưa có vẻ càng lúc càng to hơn, em gái tôi lúc đó mới thấy mình thay bộ lễ phục, xỏ bộ quần áo da theo lời anh Hal là đúng, anh bảo cần phải mặc vậy, còn em phản đối bảo trông mình giống mấy người bệnh hoạn sinh lý.

Samuel đẩy mô-tô vào hàng cây sồi sát bên đường. Lindsey theo sau. Tuần trước hai đứa đến cắt tóc ở cùng một hiệu trên đường Market; tuy tóc Lindsey nhạt và mịn hơn tóc Samuel, ông phó cáo vẫn cắt cho hai đứa cùng một kiểu ngắn như lông nhím. Chúng tháo mũ bảo hiểm rồi thì chỉ nháy mắt sau những giọt mưa to len qua kẽ lá đã bám trên tóc, thuốc tô riềm mi của Lindsey bắt đầu chảy xuống má nhoèn nhoẹt. Tôi nhìn Samuel lấy đầu ngón tay cái lau vết loang trên má Lindsey. “Chúc mừng em đã tốt nghiệp,” anh chàng nói trong bóng tối và ôm hôn em.

Ngay từ lần đầu tiên hai đứa hôn nhau trong bếp nhà tôi, cách hai tuần sau ngày tôi mất, tôi biết rằng anh chàng - như tôi và em gái luôn khúc khích cười khi chơi búp-bê hay xem Bobby Sherman trên truyền hình - là người duy nhất em sẽ yêu suốt đời. Giữa lúc em gái tôi gặp khó khăn thì Samuel luôn ở cạnh đỡ đần em, nên lớp keo gắn bó hai đứa kết chặt ngay từ lúc đó. Cả hai đứa cùng vào trường Temple, sát cánh bên nhau. Anh chàng ghét học ở đó nhưng nhờ Lindsey thúc bách nên cũng đi đến cùng. Nhờ em ham học quá nên anh chàng mới trụ được lâu thế.

“Mình thử tìm chỗ nào tán lá kín nhất dưới đám cây kia để núp đi,” anh chàng hỏi.

“Thế còn xe?”

“Chắc lát nữa tạnh anh Hal sẽ phải đón bọn mình.”

“Chán quá!” Lindsey nói.

Samuel cười, nắm tay kéo em cùng đi. Đúng lúc ấy tiếng sấm đầu tiên rền vang làm Lindsey giật bắn người. Anh chàng kéo em sát lại. Những tia chớp lóe còn ở mãi đằng xa nhưng ngay sau đó tiếng sấm vang rền đất trời. Em cảm nhận giông bão không giống tôi, chỉ thấy hốt hoảng bồn chồn và tinh thần căng thẳng. Trong trí em toàn tưởng tượng thân cây bị xẻ đôi, nhà cửa bốc cháy và lũ chó trong khu ngoại ô cuống cuồng chạy xuống hầm trốn chui trốn nhủi.

Hai người chạy dưới tàn lá, tuy nấp bóng hàng cây cao mà vẫn ướt sũng. Mới xế chiều mà trời tối mịt, chỉ còn ánh đèn pin của Samuel. Tuy vậy cả hai vẫn thấy đây là chỗ có nhiều người qua lại. Ủng của họ đạp lạo xạo trên vỏ hộp hay va phải vỏ chai. Lúc ngước mắt nhìn qua tán lá rậm rạp trong bóng tối, cả hai thấy một hàng cửa sổ kính đã vỡ của một ngôi nhà cổ kiến trúc kiểu thời nữ hoàng Victoria. Samuel lập tức vặn tắt đèn.

“Anh nghĩ có người trong nhà đó không?” Lindsey hỏi.

“Không thấy đèn đóm gì.”

“Trông như có ma ám vậy.”

Hai đứa nhìn nhau rồi em gái tôi nói điều cả hai cùng nghĩ. “Miễn khô ráo là được!”

Cả hai nắm tay nhau chạy ào tới ngôi nhà dưới cơn mưa như trút nước, cố gắng không để bị vấp ngã trong lớp đất nhão như bùn.

Lúc đến gần hơn Samuel nhìn ra sườn mái nhà dốc đứng và cây thập giá nhỏ bằng gỗ treo dưới đầu hồi. Phần lớn cửa sổ tầng trệt đều được chặn bít bằng những tấm ván, còn cửa chính lại mở toang, hai cánh cửa quật qua quật lại, đập vào bức tường trát vữa bên trong. Tuy Samuel thích đứng dưới mưa ngước mắt ngắm nghía sườn mái chìa và đường gờ trên tường hơn nhưng anh chàng đành chạy ào vào trong với Lindsey. Hai người dịch sâu vào trong, cách xa cửa một quãng, run lập cập căng mắt nhìn ra cánh rừng vây quanh, ngôi nhà xây ở một khu vực nằm ngoài khu ngoại ô thành phố. Tôi đi rà soát ngay một vòng các căn buồng của ngôi nhà cổ này. Chẳng có ai khác ngoài hai đứa. Không có yêu tinh ma quái nấp sẵn ở ngóc ngách nào đó, không có dân vô gia cư tìm đến đây ăn dầm ở dề.

Những khu đất bỏ hoang phế kiểu này dần dà sẽ không thấy đâu nữa, song chính những nơi này lại in dấu ấn lên tuổi thơ của tôi đậm hơn bất cứ đâu. Chúng tôi dọn đến một trong những khu định cư đầu tiên thiết kế trên vùng đất trước kia là trang trại - khu này sau đó trở thành kiểu mẫu và từ đó nảy sinh vô số những khu dân cư muôn màu muôn vẻ khác. Song trí tưởng tượng của tôi hay tìm về lân la ở những khúc đường chưa đặt nghẹt bảng hiệu quảng cáo màu mè chói lọi, hệ thống cống rãnh, mặt đường tráng nhựa và những thùng thư to quá khổ. Với Samuel cũng thế.

“Đẹp hết ý!”, Lindsey nói. “Theo anh ngôi nhà này xây bao lâu rồi?”

Tiếng Lindsey vang dội trở lại từ mấy vách tường, như thể cả hai đang đứng trong một giáo đường trống không.

“Mình đi một vòng xem sao,” Samuel nói.

Những khung cửa sổ tầng trệt bị bít ván nên khó thấy được gì, nhưng nhờ ánh đèn pin của Samuel họ nhận ra có lò sưởi và thanh gỗ ốp chạy vòng quanh tường.

“Em nhìn xuống sàn mà xem,” Samuel nói. Anh chàng quỳ xuống, kéo theo Lindsey. “Em thấy các thanh gỗ họ ghép công phu chưa? Chủ nhà này hẳn thừa tiền hơn hàng xóm rồi đấy.”

Lindsey tủm tỉm cười cười. Nếu ông anh Hal chỉ quan tâm xem động cơ mô-tô vận hành ra sao, thì Samuel đầu óc lúc nào cũng luẩn quẩn nghĩ đến gỗ và đồ mộc.

Anh chàng lấy ngón tay di di lên mặt sàn, bảo Lindsey làm theo. “Một công trình cổ đẹp như vậy mà để hư hao hết,” Samuel nói.

“Chắc xây kiểu thời Victoria?” Lindsey cố đoán thử.

“Thoạt đầu anh cũng nghĩ thế,” Samuel đáp, “nhưng kiểu Gô-tích Phục hưng(78) thì đúng hơn. Anh có thấy họa tiết cây thập tự ở đầu hồi, như vậy nhà này xây sau năm 1860.”

78. Gô-tích là kiểu kiến trúc ở châu Âu từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 15. Đến thế kỷ 19 có phong trào “Gô-tích Phục hưng” chuộng kiến trúc và họa tiết thời xưa.

“Anh nhìn kìa,” Lindsey nói.

Cách đây đã lâu, rất lâu, có người chất củi đun bếp lửa ở giữa nhà.

“Thật là cả một thảm kịch,” Samuel nói.

“Sao họ không dùng lò sưởi nhỉ? Phòng nào cũng có sẵn mà.”

Nhưng Samuel còn đang bận nhìn lên lỗ thủng trên trần nhà do lửa gây ra, cố nhận cho ra các họa tiết trên các vì kèo viền theo khung các của sổ.

“Mình lên gác đi,” anh chàng nói.

“Em có cảm tưởng như đang ở trong hang động,” Lindsey nói khi leo cầu thang. “Im ắng quá, đến cả tiếng mưa cũng không nghe thấy.”

Samuel vừa đi vừa vỗ vỗ bàn tay lên lớp vôi trên vách. “Vách tường kiểu này có nhốt người xây bít kín lại cũng được đấy.”

Thế là đột nhiên lại có một khoảnh khắc gây xốn xang nhức nhối mà cả hai với thời gian tập dần được cách lờ đi, để cho trôi qua, còn tôi tiếp tục sống để ngăn ngừa điều đó. Cách lảng tránh câu hỏi vô cùng quan trọng: Tôi đang ở nơi chốn nào? Có đến nhắc đến tôi không? Có nên nêu thắc mắc và trao đổi ưu tư về tôi không? Hiện thời câu trả lời thường là ‘không’ làm tôi thất vọng. Không còn có lễ tưởng niệm Susie trên cõi đời này nữa.

Nhưng có điều gì đó làm cho ngôi nhà này và thời điểm một buổi tối - những dấu mốc như ngày lễ tốt nghiệp và ngày sinh nhật luôn luôn cho thấy là ở đâu đó trong tâm khảm mọi người hình ảnh tôi vẫn sống động hơn bao giờ hết - đã tác động khiến lúc đó Lindsey để tâm hồi tưởng về tôi lâu hơn mọi lần. Cho đến nay em chưa hề mở môi với ai. Em nhớ lại cảm giác như đang ở trong cơn mê khi đột nhập vào nhà tên Harvey và từ đấy vẫn thường xuyên sống lại trạng thái đó: rằng tôi đang ở đâu đây bên cạnh em, thâm nhập vào tâm trí và tay chân em, và cùng đi song song như hai chị em sinh đôi.

Lên đến đầu cầu thang thì cả hai thấy lối đi vào căn phòng mà lúc đứng dưới họ cứ ngẩng lên nhìn mãi.

“Anh muốn ngôi nhà này thuộc về anh,” Samuel nói.

“Anh nói gì lạ vậy?”

“Ngôi nhà này cần bàn tay của anh, anh cảm thấy rõ như thế.”

“Có lẽ anh nên đợ lúc mặt trời ló ra đã rồi quyết định cũng chưa muộn,” Lindsey đáp.

“Đây là ngôi nhà đẹp nhất anh thấy từ trước đến nay,” anh chàng nói.

“Samuel Heckler”, em gái tôi trêu, “thợ chuyên gắn ráp đồ vỡ hỏng.”

“Cứ chê đi rồi biết,” anh chàng đáp.

Cả hai đứng đó, không nói gì nữa, hít thở mùi không khí ẩm ướt luồn qua ống khói lùa vào trong phòng. Dù tiếng mưa rơi chưa dứt, Lindsey cảm thấy như đang trú ẩn ở một nơi xa xôi nào đó của thế giới này, bên cạnh là người mình yêu thương nhất đời đang chở che ấp ủ mình.

Em nắm tay anh chàng, và tôi cũng cùng đi với hai người đến cửa một căn phòng nhô ra xa nhất phía mặt tiền. Phòng này hình bát giác, xây nhô ra trên cửa chính ở tầng dưới.

“Cửa sổ lồi,” Samuel nói. Anh chàng quay qua Lindsey, “Khi các mặt của cửa sổ xây nhô ra, quây lại như thế này, làm thành căn phòng bé tí, người ta gọi là cửa sổ lồi.”

“Anh nhìn thấy là mê mẩn rồi chứ gì?” Lindsey cười hỏi.

Tôi giã từ, để hai người ở lại đó với bóng đêm và tiếng mưa rơi. Tôi tự hỏi không biết khi Lindsey và Samuel đưa tay kéo khóa mở bộ đồ da ra thì liệu em có nhận thấy trên bầu trời không còn lóe lên những tia chớp nữa, và tiếng rên vang trong cổ họng Ông Trời - tiếng sấm làm kinh động nọ - cũng đã ngưng bặt rồi.

Ngồi trong phòng làm việc của mình, bố tôi với tay cầm quả cầu tuyết lên. Cảm giác mát lạnh ở đầu ngón tay khi chạm thủy tinh làm ông thấy tâm hồn thanh thản, ông lắc lắc quả cầu để nhìn chú chim cánh cụt biến mất rồi lại từ từ hiện ra khi bông tuyết rơi xuống hết.

Anh Hal đi từ chỗ làm lễ tốt nghiệp về được đến nhà bằng xe mô-tô, nhưng việc này thay vì trấn an bố tôi - rằng nếu có một chiếc mô-tô đương đầu nổi với dông bão, cho phép người lái về được đến nhà an toàn, thì chiếc mô-tô kia hẳn cũng sẽ thế - hình như càng làm tăng mối lo cho ông rằng có khả năng xảy ra toàn chuyện ngược lại.

Suốt buổi lễ tốt nghiệp của Lindsey ông cảm nhận điều có thể gọi là nỗi hân hoan trĩu nặng ưu sầu. Buckley ngồi cạnh ông, tự đảm nhận nhiệm vụ nhắc bố cười hay phản ứng tùy theo tình thế đòi hỏi ra sao. Bản thân ông cũng biết phải làm gì đấy chứ, nhưng hồi này khả năng kết hợp các đầu mối dây thần kinh của ông không còn được nhanh nhạy như người bình thường - hay ít ra đó là cách ông tự lý giải. Tương tự khái niệm khoảng thời gian cần để phản ứng, trong các hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại mà ông nhận được. Có một khoảng thời gian trung bình, tính bằng giây đồng hồ, cho đa số người kể từ thời điểm họ nhận thấy có gì đấy đang ập đến - một chiếc xe hơi khác, một khối đá lăn trên triền đồi xuống đường - và thời điểm họ phản ứng lại. Thời gian bố tôi cần để phản ứng lại tính ra lâu hơn so với đa số người khác, như thể ông sống trong một thế giới mà ở đó ông bị cướp mất vĩnh viễn khả năng cảm nhận chính xác mọi thứ.

Buckley gõ vào cánh cửa chỉ khép hờ của phòng làm việc.

“Vào đi con,” bố nói.

“Hai anh chị ấy không bị gì đâu bố à.” Ở tuổi mười hai em trai tôi trông đã có vẻ nghiêm nghị, làm gì cũng có ý tứ. Tuy chưa làm ra tiền để mua đồ ăn thức uống trong nhà hay biết lo bếp núc, song em trông coi sắp xếp mọi chuyện trong gia đình.

“Hôm nay con mặc trông ra vẻ lắm đấy,” bố tôi nói.

“Cám ơn bố.” Em trai tôi chú trọng việc này lắm. Em muốn bố tôi tự hào về em nên chịu khó bỏ thì giờ sửa soạn cho tườm tất, thậm chí sáng nay em còn nhờ bà ngoại Lynn cắt bớt chỗ tóc trên trán đã dài phủ cả mắt. Em trai tôi đang ở thời kỳ khó khăn nhất của tuổi thiếu niên. Bình thường em chỉ mặc loại áo thun cộc tay và quần jeans kiểu rộng lùng thùng, nhưng hôm nay em lại muốn đóng bộ. “Anh Hal và bà ngoại chờ bố con mình dưới kia,” em nói.

“Chờ chút bố xuống ngay.”

Lần này Buckley đóng hẳn cửa lại, nghe rõ tiếng then sập vào ổ khóa.

Mùa Thu ấy bố tôi đưa đi rửa cuộn phim cuối cùng trong các cuộn ‘Phim giữ lại không rửa’ cất trong tủ của tôi. Ông đi lại mở ngăn bàn, thận trọng lấy ra mấy tấm hình cầm lên ngắm, như ông vẫn thường làm mỗi khi bảo cả nhà đợi ông thêm ít phút trước bữa tối, hoặc khi ông xem truyền hình hoặc đọc báo thấy có tin tức gì đó làm ông đau lòng.

Ông đã nhiều lần giảng cho tôi hiểu rằng những gì gọi là ‘ảnh nghệ thuật’ của tôi chỉ là chụp bất thần không ngắm và căn kỹ, song tấm chân dung đẹp nhất của ông là tấm tôi nghiêng chếch máy chụp, khuôn mặt ông chiếm hết khung vuông 8 x 8 cm nếu xoay ảnh thành hình quả chám, khi cầm lên như giữ viên kim cương giữa hai đầu ngón tay.

Hẳn là tôi đã chịu khó lắng nghe những chỉ dẫn của ông về góc ngắm và phối cảnh khi chụp những tấm hình ông cầm trong tay. Khi đưa phim đi tráng, ông không rõ phim chụp những gì và vào ngày tháng nào. Có cơ man nào là hình chụp con Holiday, nhiều tấm chụp hai bàn chân tôi hay bãi cỏ. Những quả cầu xám mờ mờ trong không trung là đàn chim đang bay, còn những vết lợn cợn nọ là là do tôi thử chụp cảnh mặt trời lặn phía sau cành liễu rủ. Đến một hôm nào đó tôi quyết định chụp ảnh chân dung mẹ. Hôm mang ảnh về, bố tôi ngồi nán lại trong xe, thần người nhìn ảnh một người đàn bà ông có cảm tưởng chưa bao giờ thực sự thấu hiểu tâm tư.

Từ dạo đó, ông xem đi xem lại những tấm hình này không biết bao nhiêu lần, mỗi khi ngắm khuôn mặt người đàn bà này ông lại thấy trong lòng xôn xao. Phải một thời gian dài sau đó ông mới hiểu ra. Chỉ mới gần đây thôi, hệ thống liên hợp dây thần kinh trước bị hư hại nặng của ông nay lành lại, giúp ông tìm được tên gọi hiện tượng này. Lại một lần nữa ông rơi vào tình trạng phải lòng một người đàn bà.

Ông không hiểu nổi làm sao hai người đã lấy nhau, hằng ngày thấy mặt nhau mà lại có thể quên mất dung nhan của nhau được. Song, nếu ông phải tìm một cái tên cho hiện tượng đã xảy ra thì đúng là như thế thật. Chính hai tấm ảnh nằm cuối cuộn phim đã giúp giải mã vấn đề. Lúc ấy bố đi làm vừa về đến cổng - tôi nhớ đã đòi mẹ chỉ chú ý đến tôi trong lúc con Holiday sủa vang khi nghe tiếng xe chạy vào ga-ra.

“Bố vào đến nơi kia kìa,” tôi nói. “Mẹ đừng nhúc nhích nhé.” Bà ngồi yên. Một trong những lý do khiến tôi thích bộ môn nhiếp ảnh là uy quyền tôi có được đối với người đúng trước ống kính, cho dù đó là bố mẹ mình.

Tôi liếc thấy bố vào vườn bằng ngả cửa bên hông nhà. Ông xách cái cặp mỏng mà nhiều năm trước Lindsey với tôi từng hăm hở lục lọi, song chẳng thấy gì hay ho trong đó. Đúng lúc ông đặt cặp xuống, tôi bấm nút thu bức hình cuối cùng chụp mẹ tôi đứng một mình. Ngay hồi đó mắt mẹ đã có vẻ lơ đãng và lo âu khắc khoải, cứ như ẩn sau chiếc mặt nạ rồi lại hiện ra. Trong tấm ảnh kế tiếp chiếc mặt nạ đã có đó rồi, tuy chỉ phần nào thôi, nhưng đến tấm cuối cùng, khi bố nghiêng người hôn lên má bà thì chiếc mặt nạ đã yên chỗ đâu vào đấy.