Hình hài yêu dấu - Chương 17 phần 2

“Anh đã làm em khổ tâm đến thế sao?” bố hỏi người trong hình, mắt đăm đăm nhìn những bức ảnh mẹ tôi bày thành hàng. “Sao lại ra nông nỗi thế được nhỉ?”

“Hết sấm sét rồi,” em gái tôi nói. Da em ươn ướt lần này không phải do mưa mà vì mồ hôi rịn.

“Anh yêu em,” Samuel nói.

“Em biết.”

“Không, anh muốn nói anh yêu em và muốn lấy em, rằng anh còn muốn ở hẳn trong ngôi nhà này!”

“Anh nói sao?”

“Thế là thoát nạn với cái trường đại học khốn khiếp kia!”, Samuel la to. Căn phòng nhỏ bé thu hết tiếng anh chàng, chỉ để dội lại một ít âm hưởng từ những bức tường đồ sộ.

“Không, với em thì không,” Lindsey nói.

Đang nằm cạnh em gái tôi, Samuel nhỏm dậy, quỳ trước mặt em. “Bằng lòng lấy anh đi nhé.”

“Samuel?”

“Anh chán cứ phải thức hiện những gì gọi là phải lẽ. Lấy anh đi, rồi anh sẽ biến cơ ngơi này thành một nơi tráng lệ.”

“Thế ai lo chu cấp cho hai đứa đây?”

“Mình chứ ai,” anh chàng đáp, “xoay xở được thôi.”

Lindsey nhỏm dậy, quỳ như anh chàng. Cả hai chưa mặc lại hết quần áo nên khi nhiệt độ trong người giảm dần thì bắt đầu thấy lạnh.

“Vậy đồng ý.”

“Đồng ý là sao?”

“Em nghĩ em cũng lo được,” em gái tôi đáp. “Nghĩa là, em bằng lòng!”

Có một số câu nói khuôn sáo tôi chỉ hiểu được khi chúng bay hết tốc lực đến tận thiên đường của mình. Tôi chưa từng tận mắt nhìn thấy một con gà bị chặt cụt đầu. Và cũng chưa hề quan tâm đến, ngoại trừ chuyện nó với tôi cùng phải chịu chung số phận. Song tôi cứ cun cút chạy loanh quanh trong thiên đường của tôi như…một chú gà mất đầu! Tôi sung sướng đến nỗi cứ gào mãi mấy câu. Ôi, em gái của chị! Samuel yêu quý của chị ơi! Ôi, giấc mơ của tôi đã thành sự thật!

Lindsey bật khóc. Anh chàng vòng tay kéo em sát lại, đung đưa người.

“Em có sung sướng không, cưng?” Samuel hỏi.

Em gật đầu trên vồng ngực trần của anh chàng. “Có”, em đáp, rồi sựng người lại. “Bố em”. Em ngước nhìn Samuel. “Em biết chắc là ông nóng ruột lắm.”

“Chắc chắn rồi,” anh chàng nói, cố gắng suy nghĩ cùng một hướng với em.

“Còn cách nhà bao xa?”

“Khoảng mười dặm,” Samuel đáp. “Hoặc tám.”

“Vậy mình chạy cũng tới,” em nói.

“Em đúng là điên.”

“Mình có giày để chạy trong giỏ xe mà.”

Không thể khoác bộ quần áo da để chạy nên hai đứa chỉ mặc đồ lót với áo thun cộc tay phóng ào đi. Chưa ai trong gia đình tôi từng ra đường mà gần giống với mấy người hay khỏa thân chạy bộ đến thế. Samuel, quen lệ bao năm, chạy trước cho em gái tôi chạy theo. Đường như vắng hẳn bóng xe ô-tô, nhưng khi có chiếc nào chạy qua thì nước bắn lên cao như bức tường làm hai đứa nín hơi phát ngộp thở. Hai đứa đã nhiều lần chạy dưới mưa, nhưng chưa từng gặp mưa to thế này. Cả hai bày trò xem ai tìm được nhiều chỗ trú hơn trong cuộc chạy đường dài này, nên không ngớt chạy ra chạy vào náu mình dưới những cành cây xòe ra, mặc cho đất cát bám đầy chân. Sau dặm đường thứ ba thì cả hai im lặng đều bước theo nhịp quen thuộc từ nhiều năm nay, tập trung vào hơi thở và tiếng giày ướt gõ trên mặt đường.

Một lúc nào đấy, khi chạy qua một vũng nước - vì chán vòng né tránh - Lindsey liên tưởng đến cái hồ tắm trong khu phố mà chúng tôi ghi tên đến bơi hàng tuần, cho đến lúc cái chết của tôi chấm dứt cuộc sống cởi mở không có gì che đậy của gia đình tôi. Hồ bơi nằm đâu đó trên đoạn đường này, nhưng Lindsey không ngẩn đầu tìm tường rào lưới mắt cá quen thuộc. Thay vào đó, em nhớ đến một kỷ niệm khác. Em và tôi ở dưới mặt nước, trong bộ đồ tắm viền đăng-ten. Hai chị em ở dưới mặt nước mà mắt vẫn mở, đó là một kỹ năng mới tập được - với em là lần đầu - đứa này nhìn thân thể đứa kia đang bồng bềnh dưới nước. Tóc lượn lờ trôi, đăng-ten ở mép váy rập rình, hai má phồng vì giữ hơi. Thế rồi thoắt một cái, hai đứa chộp lấy nhau, cùng trồi lên làm tóe sóng trên mặt nước. Chúng tôi hít không khí vào thật sâu trong phổi - tai vẫn còn lùng bùng - rồi cùng phá lên cười khanh khách.

Tôi dõi nhìn cô em xinh xắn chạy bộ, hai buồng phổi bơm không khí ra vào đều nhịp với đôi chân, kỹ năng học được ở hồ bơi này vẫn được dùng đến - căng mắt nhìn qua màn mưa, cố gắng nhấc chân theo nhịp Samuel định sẵn, và thế là tôi hiểu em không hề quên lãng tôi, cũng không chạy trở ngược kiếm tìm tôi mãi. Như một kẻ sống sót sau khi trúng đạn ở bụng, nay vết thương đang dần dần khép miệng, đóng lại - thành sẹo sau tám năm đằng đẵng.

Khi cả hai chỉ còn cách nhà chừng một dặm thì mưa ngớt hẳn, đây đó sau cửa sổ các nhà dọc đường có người đúng ngóng ra đường phố.

Samuel giảm tốc độ xuống, Lindsey cũng chạy chậm lại. Áo thun dán người chúng như lớp hồ.

Lindsey bị cứng khớp một bên người, em cố làm cho giãn cơ rồi khi hết cơn em lại chạy nhanh không kém Samuel. Thình lình cả người em như nổi gai ốc, em cười hớn hở miệng rộng đến mang tai.

“Mình sắp thành vợ chồng!” em kêu lên, anh chàng đứng khựng lại, ôm lấy em nhấc bổng lên, cả hai cứ thế đứng đó hôm nhau không cần biết đến chiếc xe hơi vừa vượt qua, người lái xe bấm còi inh ỏi.

Khi chuông cửa nhà tôi réo vang thì đã bốn giờ chiều, anh Hal đang đứng trong bếp, người khoác tấm tạp dề trắng cũ của mẹ tôi, lo cắt bánh sôcôla hạnh nhân cho bà ngoại Lynn. Anh thích được giao việc, thấy mình không vô tích sự, còn bà ngoại tôi cũng ưa giao việc cho anh. Hai người thành một nhóm làm việc ăn ý nhau. Còn cậu vệ sỹ Buckley thì chỉ mê ăn.

“Để tôi ra mở cửa,” bố tôi nói. Suốt lúc trời mưa, ông cố giữ để không suy sụp tinh thần bằng mấy cốc vại Whisky và sô-đa mà bà ngoại Lynn pha không đong liều lượng theo công thức nào cả.

Lúc này ông linh hoạt hẳn, dáng điệu thanh thoát như vũ công ba-lê đã nghỉ hưu, sau nhiều năm bắt buộc phải nhún nhảy chỉ trên một chân, nay thích dùng chân kia hơn.

“Bây giờ thì bố hết lo,” ông nói thế khi mở cửa.

Thấy Lindsey khoanh tay che ngực, bố tôi cũng phải bật cười, ông nhanh nhẩu quay vào buồng xép gần cửa lôi ra mấy tấm chăn để sẵn. Samuel lo quấn cho Lindsey trước, còn bố tôi choàng vội cái khác lên vai Samuel. Trên sàn nhà nước đọng thành vũng. Lindsey vừa quấn chăn đâu vào đấy thì Buckley, anh Hal và bà ngoại Lynn từ bếp bước ra.

“Buckley à,” bà ngoại bảo, “tìm chăn đem ra đây cháu.”

“Trời thế này mà hai em đi mô-tô về à?” anh Hal thắc mắc hỏi.

“Không, chúng em chạy bộ,” Samuel đáp.

“Trời đất?”

“Mình vào phòng sinh hoạt đi,” bố tôi nói. “Ta sẽ đốt lò sưởi lên.”

Trong lúc hai cô cậu ngồi quay lưng lại với lò sưởi, lúc đầu vừa run lập cập vừa uống ly rượu mạnh bà ngoại Lynn bào Buckley bưng ra trên tấm khay bạc, thì mọi người yên lặng nghe kể về chiếc mô-tô, về toàn nhà và căn phòng hình tám cạnh có loại cửa sổ lồi làm Samuel vừa thấy là mê mẩn.

“Thế chiếc mô-tô không sao chứ?”, anh Hal hỏi.

“Chúng em đã thử đủ cách,” Samuel đáp, “nhưng phải câu nó về thôi.”

“Hai đứa an toàn là bố mừng quá rồi,” bố tôi nói.

“Chúng cháu chạy bộ về nhà là vì bác đấy, bác Salmon ạ.”

Bà ngoại và em trai tôi ngồi ở đầu kia căn phòng, xa ngọn lửa.

“Chúng con không muốn có ai ở nhà phải lo lắng,” Lindsey nói.

“Nhất là bác, Lindsey không muốn bác phải lo âu.”

Căn phòng im ắng đi một lúc. Dĩ nhiên điều Samuel vừa nói là đúng, nhưng cũng nêu rõ một sự đương nhiên; Lindsey và Buckley khi tổ chức sắp xếp sinh hoạt của mình luôn luôn phải dự liệu những gì có thể tác động trực tiếp đến người cha sức khỏe mỏng manh.

Bà ngoại nhìn Lindsey, nháy mắt ra hiệu. “Hal, Buckley và bà đã làm bánh sôcôla hạnh nhân,” bà nói. “Còn vài cái Lasagna(79) để trong tủ lạnh, nếu muốn ăn thì bà bỏ ra sẵn cho rã đông.” Bà đứng dậy, em trai tôi cũng đứng lên theo, sẵn sàng phụ bà một tay.

79. Lasgna, món ăn Ý: bột mì cán thành lá, phủ xen kẽ vài lớp thịt bằm và pho mát, nướng trong lò.

“Cháu muốn ăn bánh sôcôla hạnh nhân, bà ngoại Lynn ạ,” Samuel nói.

“Bà ngoại Lynn à? Bà thích nghe cháu gọi tên như thế,” bà nói. “Thế cháu có sắp gọi Jack bằng tên Jack chưa?”

“Có lẽ sắp ạ.”

Buckley và bà ngoại vừa ra khỏi phòng, anh Hal cảm thấy hình như bầu không khí lại căng thẳng như lúc nãy, vội nói: “Chãu cũng vào phụ luôn.”

Lindsey, Samuel và bố tôi lắng nghe tiếng lao xao trong bếp. Họ nghe rõ cả tiếng kim của chiếc đồng hồ đặt ở góc phòng mà mẹ tôi gọi là chiếc đồng hồ thô kệch thời thuộc địa(80).

80. Phần lớn vùng Bắc Mỹ là thuộc địa của Anh cho đến khi kết thúc Chiến tranh giành độc lập, 1775-1783.

“Bố cũng biết bố có tính hay lo,” bố tôi nói.

“Samuel không có ý nói thế đâu,” Lindsey nói.

Samuel nín lặng, tôi chăm chú nhìn anh chàng.

“Thưa bác Salmon,” cuối cùng anh chàng lên tiếng - vẫn chưa gọi bố tôi bằng tên ‘Jack’ - cháu đã ngỏ lời hỏi Lindsey có muốn lấy cháu không.”

Tim Lindsey như bật lên nằm chẹn cổ họng, nhưng em không nhìn Samuel. Em nhìn bố tôi.

Buckley bưng vào một đĩa bánh sôcôla hạnh nhân, anh Hal theo sau, một tay cầm mấy ly sâm banh dốc ngược, kẹp giữa mấy ngón tay, tay kia cầm chai rượu hiệu Dom Perignon năm 1978. Anh nói: “Đây là quà bà ngoại mừng ngày các em tốt nghiệp.”

Rồi tới bà ngoại Lynn, hai tay không mang gì hết ngoài ly Whisky sô-đa với đá cục, lấp lánh phản chiếu ánh đèn trông như một bình kim cương trong suốt không khác băng đá.

Với Lindsey như thể ngoài em với bố ra không còn ai nữa. “Ý bố thế nào ạ?”

“Ý bố là,” bố vừa nói vừa đứng lên bắt tay Samuel, “bố chỉ mong có được chàng rể như cháu mà thôi.”

Nghe hai chữ ‘chàng rể’ bà ngoại Lynn reo to: “Lạy chúa, cưng ơi! Bà chúc mừng hai cháu.”

Ngay cả Buckley cũng thoát ra khỏi sợi dây trói buộc hàng ngày, hồ hởi mừng vui, một thái độ hiếm thấy nơi em. Song tôi nhìn thấy sợi dây mỏng manh, đưng đưa vẫn nối liền em gái tôi với bố tôi. Sợi dây vô hình có thể làm chết người được.

Tiếng nút chai sâm banh bật nghe giòn tan.

“Cháu có tay nghề ghê gớm!” bà ngoại nói với anh Hal đang rót rượu.

Buckley là người nhìn thấy tôi trong lúc bố và em gái tôi cùng ra ngồi nghe bà ngoại Lynn không dứt lời chúc tụng cháu. Em trai tôi thấy tôi đứng dưới chiếc đồng hồ thô kệch cổ lỗ, thế là em sững người nhìn. Em nốc một ngụm sâm banh. Từ toàn thân tôi tỏa ra những sợi tơ, vươn lên, lượn lờ trong không trung. Có ai đấy đưa cho em miếng bánh sôcôla hạnh nhân. Em cầm nhưng không ăn. Em thấy dáng người và khuôn mặt tôi không hề thay đổi - tóc vẫn rẽ ngôi giữa, ngực vẫn lép, hông chưa nở - và định gọi tên tôi. Tất cả chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc, sau đó tôi biến mất.

***

Trong những năm ấy, lúc nào chán việc ngồi nhìn xuống trần, tôi hay ngồi toa sau các xe lửa đổ về hay xuất hành từ nhà ga ngoại ô của bang Philadelphia. Trong lúc hành khách người lên tàu kẻ xuống ga, tôi lắng nghe tiếng họ trò chuyện lẫn với tiếng cửa tàu đóng mở, tiếng người soát vé xướng tên trạm xe dừng, tiếng đế giày thường và giày cao gót gõ cồm cộp ngắt quãng, mới đầu trên vỉa hè rồi trên nền sàn tàu lót ván sắt, rồi thành tiếng lộp nhộp nhẹ tai trên tấm thảm trải lối đi giữa hai hàng ghế. Lindsey gọi đó là kiểu nghỉ ngơi mà vẫn không ngừng hoạt động, trong thời kỳ em luyện để chơi thể thao; các cơ bắp của tôi vẫn trong tư thế sẵn sàng, nhưng mức độ tập trung hạ hẳn. Tôi lắng nghe những âm thanh ấy, cảm nhận những chuyển động của đoàn tàu và nhờ thế đôi khi tôi nghe được cả tiếng những người không còn sống trên thế gian. Tiếng của những kẻ như tôi - những kẻ làm việc quan sát.

Hầu như mỗi người trên thiên đường đều có người nào đó ở dương gian để dõi theo, một người thân thương, một người bạn, hay cả một người xa lạ từng tỏ ra tử tế với mình, mời ăn một món nóng sốt hay nở một nụ cười rạng rỡ đúng lúc mình cần nhất. Lúc nào không bận dõi mắt nhìn theo ai, tôi nghe những người đã quá cố đó chuyện vãn với người họ yêu thương dưới trần, họ làm một việc vô vọng không khác gì tôi. Lời tán tỉnh cho một bên và lời dạy khôn cho đám trẻ, tình yêu một chiều và nỗi hoài vọng người xưa, trống bưu thiếp trống một mặt sẽ chẳng bao giờ có ai ký tên.

Khi tàu ngừng hoặc chạy chậm lại trong khoảng giữa đường số 30 và Overbrook, tôi nghe được tiếng họ gọi tên và nói những câu như: “Cẩn thận kẻo vỡ kính đấy.” “Nhớ trông nom bố cháu nhé.” “Ô, trông kìa, mặc áo đó trong con bé lớn hẳn ra.” “Con sẽ luôn nghĩ tới mẹ.” “…Esmeralda, Sally, Lupe, Kessha, Frank…”Bao nhiêu là tên. Rồi tàu tăng tốc dần, khi ấy tất cả những câu nói trên từ thiên đàng vọng xuống, mà người trần không nghe được, cứ vang dần lên; mức ồn đạt cao điểm lúc ở quãng giữa hai nhà ga, khi ấy mức ồn của những nỗi nhớ mong của chúng tôi làm đinh tai nhức óc khiến tôi mở choàng mắt ra.

Nhìn qua khung cửa sổ của con tàu đột nhiên im ắng hẳn, tôi thấy bên dưới những người đàn bà đang phơi phóng hay rút quần áo xuống. Họ lom khom bên giỏ đựng, vắt những tấm khăn trải giường màu trắng, vàng hay hồng lên dây phơi. Tôi đếm quần áo lót của đàn ông, của bọn con trai và những chiếc quần đùi của bé giá bằng vải bông mang màu kẹo với tôi rất thân quen. Và loại âm thanh mà tôi nhớ và thấy thiếu vắng nhất - âm thanh của cuộc sống - át mất tiếng gọi tên người liên miên không biết lúc nào dứt kia.

Quần áo vừa giặt còn ướt: động tác chụp lấy, kéo lên, sức nặng của khăn trải giường đơn và giường đôi còn ướt.Những âm thanh của đời sống gợi lại trong tôi những âm thanh thời xa xưa hằn lại trong ký ức, lúc tôi nằm dưới dây phơi quần áo ướt, nước nhỏ ròng ròng, tôi thè lưỡi hứng nước, hoặc chạy luồn qua luồn lại, lấy đó là ụ đánh dấu ngăn đường để chơi trò đuổi bắt với Lindsey. Thêm vào đó là kỷ niệm mẹ tôi đe nẹt chúng tôi không được lấy tay dính đầy “bơ đậu phọng” túm vào mấy tấm khăn giường mới giặt sạch, hay về vIệt kẹo chanh nhớp nháp mẹ vừa khám phá dính trên áo sơ-mi của bố chúng tôi. Cứ thế, hình ảnh và mùi vị của đời sống thực tại, của óc tưởng tượng và của kỷ niệm cứ lẫn lộn vào nhau trong trí tôi.

Ngày ấy, sau khi quay đi giã từ Cõi trần, tôi ngồi tàu lửa đi mãi cho đến lúc trong tâm trí chỉ còn một điều này:

“Con giữ cho chắc nhé,” bố tôi bảo, lúc tôi giữ con tàu trong chai còn bố đốt những sợi dây đã dùng để kéo cột buồm lên, thả cho con tàu nằm trên mặt biển xanh làm bằng ma-tít. Và tôi căng thẳng đợi ông ra hiệu, nhận thức rất rõ ràng giây phút trọng đại khi cả thế giới trong cái chai hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi một mình tôi.