Hình hài yêu dấu - Chương 18 phần 1

RUTH ĐANG Ở TRONG CĂN BUỒNG GÁC XÉP THUÊ ở First Avenue khi nghe ông bố nhắc tới cái hố trước là mỏ than bị sụt. Cô nàng vừa quấn sợi dây điện thoại màu đen vừa trả lời ngắn gọn những gì cần nói. Bà cụ chủ nhà nhận điện thoại hay nghe lỏm nên cô nàng không muốn nói nhiều. Lát nữa, cô nàng sẽ ra máy công cộng gọi về nhà bằng phương thức người nghe trả lệ phí, và thu xếp để về thăm nhà.

Cô nàng đã dự kiến sẽ làm một cuộc hành hương đến tận chỗ hố sụt nọ trước khi các hãng xây cất cho lấp đi. Cô nàng không hề kể cho ai chuyện cô nàng bị lôi cuốn ám ảnh bởi những nơi chốn như hố sụt nọ, loại bí mật mà cô nàng giữ cho riêng mình, như chuyện tôi bị giết rồi hai đứa tình cờ chạm nhau ở bãi đậu xe của trường. Đây là loại truyện cô nàng không hở môi kể cho ai biết ở New York, nơi cô nàng thấy bao người khác bên quầy rượu kể lể trong cơn say đủ mọi chuyện, đem người thân và những chấn thương tinh thần ra rêu rao, chỉ để được đãi một bữa nhậu túy lúy hay cảm giác được nhiều người ái mộ. Cô nàng thấy đây là loại chuyện không thể đem lan truyền từ người này sang người khác, tương tự các món được ngụy trang thành gói quà chuyền tay một vòng trong bữa liên hoan. Nhờ nhật ký và những bài thơ của mình cô nàng luôn giữ cho mình không đi chệch quy tắc đạo đức. “Hãy nhìn vào lòng mình, soi rọi tâm tư của chính mình,” cô nàng luôn thì thào tự nhắc nhở mỗi khi có nhu cầu cần thiết phải nói lên điều gì, rồi cuối cùng chọn giải pháp đi dạo thật xa xuyên dọc thành phố, nhưng thay vì thấy cảnh tượng bên đường, trước mắt cô nàng lại hiện ra cánh đồng ngô nhà Stolfuz hay cảnh ông bố mắt dán vào những món đồ cổ ông kịp thu nhặt lại ở các ngôi nhà bị phá sập. Thành phố New York là cả một tấm phông màn tuyệt vời những lúc cô nàng suy tưởng nghiền ngẫm. Tuy cô nàng nện gót bước đi một cách quả quyết, xông xáo đi không từ một ngả đường hay ngóc ngách nào nhưng thành phố này thực ra không tác động gì mấy lên cuộc sống nội tâm của cô nàng.

Bây giờ trông cô nàng không còn vẻ bị ám ảnh như hồi ở trường trung học, song nếu ai nhìn sâu vào đáy mắt cô nàng sẽ thấy tiềm ẩn một nguồn sinh lực khó trấn áp, sắp sửa bùng lên, thường gây cho họ cảm giác bực dọc bất an. Trông cô nàng lúc nào cũng như đang chờ một sự kiện gi đó sắp xảy ra, hay ngóng đợi một người nào mãi chưa thấy đến. Toàn thân cô nàng cứ chúi về phía trước trong tư thế tìm tòi dò hỏi, và mặc dù ở quán rượu cô nàng làm việc nhiều người khen tóc hay đôi bàn tay cô nàng đẹp hoặc, một đôi lần khá hiếm hoi có mấy khách hàng quen thấy Ruth từ phía sau quầy bước ra khen cô nàng có cặp đùi đẹp, song không nghe ai bình phẩm gì về đôi mắt cô nàng cả.

Cô nàng thoăn thoắt thay quần áo, xỏ đôi tất dài rồi chiếc váy ngắn, đi ủng, tròng chiếc áo thun ngắn tay, từ đầu đến chân chỉ tuyền một màu đen, áo vấy nhiều vết ố vì cô nàng mặc suốt ngày kể cả lúc làm việc. Những vết ố này ra nắng mới thấy được thành thử chỉ khi Ruth đứng uống cà phê ngoài đường, nhìn xuống người mới phát hiện những vệt hoen do thấm Vodka hay Whisky dây ra. Rượu làm màu đen của vải sẫm màu thêm. Điều này làm cô nàng buồn cười, cô nàng ghi vào nhật ký: “Vải cũng như con người ta, đều bị rượu làm hoen ố cả.”

Một khi ra khỏi nhà, trên đường ghé quán cà phê ở First Avenue cô nàng thì thầm trò chuyện với những con chó cảnh béo núp thuộc giống Chihuahua và Pomerania nằm trên lòng mấy bà người Ukraina ngồi trên bệ cửa. Ruth thích loài chó con hung hăng này, mỗi khi cô nàng đi sát tới là rộ lên sủa om tỏi.

Cô nàng đi tiếp, sải bước không ngừng nghỉ, mỗi bước gây cảm giác đau nhói dội lên từ mặt đất truyền sang gót bàn chân vừa đặt xuống. Không ai vẫy chào cô nàng ngoài những người trông lôi thôi nhếch nhác. Cô nàng nghĩ ra trò chơi là thử xem đi suốt dọc bao nhiêu đường phố mà không phải dừng chân chờ xe cộ ngừng lại. Cô nàng không chậm bước nhường ai hết, đi sấn vào giữa làm dạt ra hai bên đám sinh viên NYU(81) hay mấy bà già đẩy xe đem đồ đi giặt, như thể có luồng gió quạt ra từ bên phải và bên trái người cô nàng vậy. Cô nàng thích tưởng tượng rằng hễ cô nàng đi qua chỗ nào mọi người đều ngoái lại nhìn, tuy cô nàng biết thừa rằng ở đây mình hoàn toàn vô danh. Trừ lúc làm việc ở tiệm, còn thì không ai biết vào những giờ khác cô nàng đang ở đâu, và không có ai mong ngóng cô nàng ở nhà cả. Đó là sự vô danh toàn hảo.

81. NYU: New York University (Đại học New York).

Cô nàng không biết rằng Samuel đã hỏi cưới em gái tôi, và trừ khi tin đến tai cô nàng do Ray tiết lộ, người duy nhất cô nàng còn giữ liên lạc sau thời trung học, còn thì cô nàng không tài nào biết được. Hồi còn học ở Fairfax cô nàng có nghe kể mẹ tôi đã ra đi. Hồi ấy cả trường lại có dịp xì xào và Ruth đã chứng kiến em gái tôi phải đối phó với lời đồn đại như thế nào. Thỉnh thoảng hai đứa gặp nhau ở hành lang, Ruth tìm cách nói vài lời khích lệ an ủi, cô nàng phải khéo léo lựa lời để không gây thêm khó khăn cho Lindsey nếu có ai thấy em trò chuyện với cô nàng. Ruth biết mình bị cả trường xem là lập dị bất thường, và cái đêm cùng ngủ lại ở trại năng khiếu quả đúng như cô nàng đã cảm nhận - một giấc mơ trong đó những nhân tố được tự do quần tụ, tìm đến nhau không cần lý đến những quy định quái gở của nhà trường.

Nhưng Ray khác hẳn.Với cô nàng thì những nụ hôn và những trò ôm ấp vuốt ve cả hai làm trước kia là những thứ được cất vào lồng kính, những kỷ niệm được cô nàng gìn giữ. Lần nào về thăm bố mẹ cô nàng cũng đều gặp Ray và biết ngay rằng Ray là người mình muốn cùng đi đến cái hố đất sụt kia. Anh chàng chắc sẽ hoan hỉ được dứt ra vài hôm, tạm ngưng chuyện miệt mài học gạo và, nếu cô nàng may mắn thì sẽ được nghe anh chàng trình bày, như vẫn quen làm, về một quá trình nào đó trong y học mà anh chàng mới nghiên cứu. Cách Ray diễn tả những sự kiện này làm cho cô nàng tưởng chính mình đang cảm thấy như thế thật - chứ không phải chỉ thử tưởng tượng. Anh chàng gợi cho cô nàng hình dung ra mọi thứ, chỉ với vài câu chữ xác đáng, và chính anh chàng cũng không ý thức là mình có tài năng đó.

Lúc đi dọc First Avenue ngược lên hướng bắc, cô nàng có thể chỉ từng nơi mình đã dừng chân, tin chắc tìm đến đúng chỗ trước kia có người đàn bà hay cô gái nào đó bị giết hại. Cuối ngày cô nàng lên danh sách những người ấy trong nhật ký, nhưng thường cô nàng để quá nhiều công sức vào những chuyện có thể đã xảy ra trong lối vào ngõ tối tăm này hoặc con phố hẹp kia, nên không chú ý đến những vụ đơn giản, hiển nhiên hơn mà cô nàng biết được khi đọc tin trên báo về một người mới chết, hoặc khi cô nàng đến thăm nơi từng là chỗ vùi thân một người đàn bà nào đó.

Ruth không biết rằng trên thiên đường cô nàng đã trở thành một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy. Tôi kể cho mọi người nghe về cô nàng, về những chuyện cô nàng làm, rằng bất cứ đâu trong thành phố cô nàng đều tìm ra những giây phút tĩnh mịch rồi ghi vào nhật ký những lời cầu nguyện ngắn ngủi của riêng cô nàng. Chuyện này lan truyền thật nhanh khiến các bà các cô xếp hàng dài để hỏi xem cô nàng có tìm ra nơi họ bị giết hay không. Cô nàng có nhiều người hâm mộ trên thiên đường, tuy có thể cô nàng sẽ thất vọng nếu biết khi họ tụ tập lại thì giống một nhóm thanh thiếu niên đang chúi mũi đọc tạp chí thiếu niên Teenbeat hơn là hình dung của Ruth về những tiếng rì rầm ai oán soạn riêng để hòa ca với dàn trống trên thiên đường.

Tôi là người chỉ đi theo và quan sát nên, không như dàn đồng ca, tôi thấy đây là những giây phút gây sầu thảm và làm bàng hoàng. Ruth thoắt thấy một hình ảnh nào đó sau này sẽ khắc sâu vào ký ức cô nàng. Đôi khi chỉ là những khoảnh khắc như ánh chớp lóe lên - tiếng người trượt lăn xuống cầu thang, tiếng gào thét, tiếng người xô xát, đôi bàn tay đang xiết cổ - hoặc đôi khi trong tâm trí cô nàng như có cả một cuốn phim được quay lại, lâu vừa đúng bằng khoảng thời gian cô gái hay bà nọ hấp hối trước khi tắt thở.

Không ai trên đường phố chú ý đến cô gái mặc đồ đen đứng lại giữa dòng người trên phố. Với bộ y phục đội lốt sinh viên bộ môn nghệ thuật, cô nàng có thể đi cùng khắp khu Manhattan và nếu chưa hòa hẳn vào dòng người thì cô nàng cũng dễ được xếp loại và do đó không ai để ý. Trong suốt thời gian đó, cô nàng đang thực hiện một công tác, đối với chúng tôi rất quan trọng, mà phần lớn người dưới trần do quá kinh hãi đã gạt ra khỏi đầu óc không dám nghĩ đến.

Hôm sau ngày lễ tốt nghiệp của Lindsey và Samuel, tôi theo cô nàng cùng đi dạo. Khi cô nàng tới Central Park(82) của thành phố thì đã xế trưa nhưng vẫn còn đông người qua lại. Nhiều đôi trai gái ngồi chơi trên bãi cỏ xén phẳng Sheep Meadow. Ruth lom lom nhìn họ. Tia nhìn soi mói làm họ mất hứng thú hưởng một buổi trưa nắng ấm, và khi những cậu trai trẻ bắt gặp ánh mắt cô nàng họ bất giác nhắm mắt lại hay nhìn sang hướng khác.

82. Central Park: công viên lớn ở thành phố New York.

Cô nàng đi ngang đi dọc khắp công viên. Có những chốn ai cũng rõ, như lối đi dạo, cô nàng có thể chọn đến đó tìm tài liệu về diễn tiến những vụ án ở đấy mà không cần phải rời khỏi lùm cây, nhưng cô nàng ưa chọn những chỗ mọi người thường xem là an toàn hơn: mặt hồ lóng lánh mát lạnh có đàn vịt nằm ở góc nhộn nhịp phía đông nam công viên, hay cái hồ nhân tạo êm ả nơi các vị cao niên lái những chiếc thuyền buồm chạm trổ thật đẹp.

Cô nàng ngồi xuống một chiếc ghế dài trên một lối dẫn vào vườn Bách thú của Central Park, nhìn sang bên kia lối đi trải sỏi, nơi có mấy đứa bé với các cô giữ trẻ và dăm ba người lớn ngồi đọc sách trong bóng dâm hay dưới nắng. Đi bộ lâu thấm mệt, song cô nàng vẫn móc túi lấy quyển nhật ký. Cô nàng mở quyển sổ đặt lên lòng, cầm cây bút như thể đó là thứ giúp trí óc vận động. Cách tốt nhất là đăm đăm nhìn ra đâu xa, làm ra vẻ đang bận tâm bận trí lắm. Bằng không, những người đàn ông lạ hay lân la tới tìm cách bắt chuyện. Quyển nhật ký là vật thiết thân vô cùng quan trọng của Ruth. Nó ghi giữ mọi chuyện.

Phía bên kia, ngang chỗ cô nàng ngồi có một bé gái lẫm chẫm bước ra ngoài tấm chăn, trên đó cô giữ trẻ đang nằm ngủ. Bé đi về hướng những bụi cây trồng thành hàng thấp viền quanh một triền đồi dốc, tiếp sau đó là hàng rào ngăn công viên với Fifth Avenue. Khi Ruth vừa định bước vào thế giới loài người, nơi cuộc sống của người này người kia bắt buộc phải va chạm vào nhau, bằng cách gọi cô giữ trẻ thì một sợi dây mỏng manh, mà Ruth không thấy được, đã báo động cho cô giữ trẻ thức giấc. Cô lập tức ngồi bật dậy, quát gọi, bảo bé quay về ngay.

Những lúc như thế này Ruth thấy nơi những cô bé đã lớn lên rồi già đi một thứ mẫu tự viết bằng mật mã bí ẩn đối với hầu hết những cô bé không có diễm phúc đó. Cuộc đời của họ không hiểu sao có những mối liên hệ chồng chéo khó gỡ với cuộc đời những cô gái bị ám hại. Đúng lúc cô giữ trẻ thu dọn mọi thứ vào túi, cuộn chăn lại chuẩn bị cho công việc tiếp theo trong ngày thì Ruth trông thấy nó - một bé gái vào một hôm nào đó lạc trong bụi rậm rồi mất tích luôn.

Mớ quần áo cho Ruth thấy chuyện xảy ra không lâu, song cô nàng chỉ biết đến thế thôi. Ngoài không có gì hết: không có cô giữ trẻ hay bà mẹ nào, chuyện xảy ra vào ban đêm hay ban ngày, chỉ biết có một bé gái mất tích.

Tôi ngồi lại với Ruth. Cô nàng ghi vào quyển nhật ký mở sẵn: “Lúc mấy giờ? Bé gái ở C.P(83). Đi về hướng các bụi cây. Cổ áo đăng-ten trắng, kiểu cọ.” Cô nàng gập nhật ký lại cho vào túi xách. Cách đấy không xa có một chỗ cho cô nàng tìm an ủi: chuồng chim cánh cụt trong Vườn Thú.

83. Viết tắt của Central Park.

Chúng tôi ở bên nhau trong suốt buổi trưa hôm ấy, Ruth ngồi trên ghế lót thảm kê dài dọc theo chuồng chim, bộ quần áo tuyền một màu đen nên nếu ai khác trong phòng nhìn thì chỉ thấy gương mặt và hai bàn tay cô nàng. Lũ chim cánh cụt đi lắc lư, kêu quang quác rồi lặn xuống nước; chúng trượt trên vách đá trông lóng ngóng vụng về một cách dễ thương. Nhưng dưới nước chúng di chuyển hệt như những khối cơ bắp khoác áo đuôi tôm. Lũ trẻ hò la, gí sát mặt vào kính. Ruth đếm người sống như đếm người chết. Trong khuôn viên chật chội của chuồng chim cánh cụt, tiếng hò la của bọn trẻ vang dội trùm lấp cho phép cô nàng khỏi phải nghe thứ tiếng gào thét kia trong một khoảnh khắc.

Cuối tuần ấy em trai tôi vẫn dậy sớm như mọi ngày. Em đang học lớp bảy, tự mua bữa ăn trưa trong trường. Em tham gia nhóm Luyện tập Tranh luận và, tương tự như Ruth trước kia, cu cậu là người cuối cùng hoặc áp chót được tuyển vào đội thể dục. Em không phải con người ham thể thao như Lindsey. Thay vào đó em hay làm những việc mà bà ngoại Lynn gọi là “nhằm gây ấn tượng”. Cô giáo em mến nhất đúng ra không thật là cô giáo, mà là thủ thư của thư viện nhà trường, một bà cao lớn ốm yếu tóc xoăn hay uống trà đựng trong bình thủy và kể rằng hồi trẻ bà sống bên Anh. Sau đó em nói pha giọng Anh mất vài tháng và tỏ vẻ chú tâm khi cùng em gái tôi ngồi xem vở kịch “Những kiệt tác sân khấu.”

Năm ấy, khi em hỏi có được sử dụng mảnh vườn ngày trước mẹ vun bón không thì bố bảo: “Được chứ, Buck, cho con tha hồ tung hoành.”

Thế là em ra tay. Em làm quần quật phờ phạc cả người, tối nào không ngủ được em lật cuốn danh mục cũ các hàng mẫu của công ty Burpee và đọc hết loạt loại sách về làm vườn thư viện trường có sẵn. Khi bà ngoại tôi gợi ý nên trồng xen vài luống mùi tây với húng quế, còn anh Hal đề nghị “vài loại rau cải nhất thiết phải có” như cà, dưa tây, dưa chuột, cà rốt và đậu thì em trai tôi thấy cả hai người đều có lý.