Hình hài yêu dấu - Chương 18 phần 2

Em không vừa lòng với những gì đọc được trong sách. Em chẳng thấy có lý do nào để phải trồng hoa, cà chua và rau thơm tách riêng mỗi thứ một góc. Với chiếc thuổng em soi đất rải hạt dần dà kín cả mặt vườn, mỗi ngày em xin bố tôi mua thêm hạt giống mang về, hoặc em tháp tùng bà ngoại Lynn tới siêu thị, phần thưởng cho công em sốt sắng khuân đồ là được ghé lại một vườn cây để mua một chậu hoa nhỏ. Bây giờ em chỉ còn việc chờ cho cà chua ra trái, cúc xanh, hoa dã yên, hoa păng-xê và đủ loại hoa xô đỏ nở rộ. Em biến pháo đài thành kho chứa dụng cụ làm vườn và phụ tùng linh tinh.

Nhưng bà ngoại tôi biết phải chờ đến thời điểm em nghiệm ra rằng tất cả mọi loại cây không thể mọc lên cùng một lúc được, một số hạt giống không thể đâm chồi được vào một thời điểm nào đấy, rằng những dây leo mịn lông tơ của giàn dưa chuột không lớn lên được vì bị khối dễ ngầm của cà rốt và khoai tây mọc lan tràn cản trở, rằng ngò tây có thể bị đám cỏ dại lì lợm hơn lấn át, lại còn sâu bọ nhấm nát những cánh hoa non yếu. Nhưng bà kiên nhẫn chờ. Bà không tin có thể dùng lời nói để thuyết phục. Chẳng cứu vãn được gì. Ở tuổi bảy mươi bà dần chỉ còn tin vào sức thuyết phục của thời gian.

Buckley đang lôi một thùng quần áo lấy từ dưới hầm vào bếp thì bố tôi từ trên lầu đi xuống để uống cà phê.

“Này, tìm ra món gì thế, anh nông dân Buck?” bố tôi hỏi. Buổi sáng tinh thần ông bao giờ cũng phấn chấn.

“Con định cắm cọc buộc cây cà chua,” em tôi đáp.

“Đã đâm chồi rồi à?”

Bố tôi đứng trong bếp, choàng chiếc áo khoác xanh, đi chân đất. Bố rót cà phê từ máy pha sáng sáng bà ngoại Lynn vẫn đặt, uống từng ngụm, đưa mắt nhìn con trai.

“Con vừa mới thấy,” em trai tôi hớn hở đáp. “Chúng trồi lên khum khum như mấy ngón tay.”

Mãi đến lúc ông đứng bên quầy bếp lặp lại cách em tả cây này với bà ngoại Lynn, bố tôi mới nhìn qua khung cửa sổ trông ra vườn, thấy em trai tôi lôi từ thùng ra những thứ gì. Đó là quần áo của tôi. Mớ quần áo mà Lindsey đã lục tìm xem em dùng lại được thứ nào.Mớ quần áo mà bà ngoại tôi, khi vào ở trong phòng tôi, đã đợi bố tôi đi làm rồi mới đem đóng thùng. Bà chỉ dán lên thùng một mẩu nhỏ ghi GIỮ LẠI rồi đem xuống hầm.

Bố tôi đặt tách cà phê xuống. Bố ra chỗ hàng hiên có che lưới muỗi gọi Buckley.

“Gì thế, bố?”, nghe giọng bố tôi gọi em đã thấy có gì lạ.

“Đây là quần áo chị Susie,” bố tôi nói với giọng điềm tĩnh khi ra chỗ em đứng.

Buckley nhìn cái áo bằng vải màu sẫm kẻ ô của tôi mà em đang cầm trong tay.

Bố tôi bước lại, cầm lấy cái áo trên tay em trai tôi rồi, không nói năng gì, ông thu nhặt mớ còn lại Buckley để xếp lớp trên bãi cỏ. Lúc ông câm nín quay đi định đi vào nhà, thở một cách khó khăn, tay ôm mớ quần áo của tôi thì lửa bùng lên.

Tôi là người duy nhất thấy sắc mặt em biến đổi. Chỗ sát vành tai, trên gò má và ở cằm em ửng màu cam, hơi đỏ.

“Tại sao con không được lấy dùng?” em hỏi.

Câu hỏi như một quả đấm giáng vào lưng bố tôi.

“Tại sao con không được lấy những quần áo đó để cột cây cà chua?”

Bố tôi xoay người lại. Bố thấy con trai bố đứng đó, sau lưng em là khoảng đất được xới gọn ghẽ với những mầm non nhỏ xíu chớm nhú. “Sao con lại có thể hỏi bố câu đó được?”

“Bố phải chọn lựa. Như thế là không công bằng,” em trai tôi nói.

“Buck, con nói gì thế?” Bố tôi ghì chặt áo quần tôi vào ngực.

Tôi thấy Buckley tóe lửa, sáng lóa. Sau lưng em là vầng nắng lóa của bờ giậu cúc vàng, đã cao gấp đôi so với ngày tôi mất.

“Con chán lắm rồi!” Buckley gào lên. “Bố của Keesha cũng chết mà nó vẫn bình thường có sao đâu!”

“Keesha là bạn cùng trường con à?”

“Vâng!”

Bố tôi lạnh cả người. Ông cảm thấy những hạt sương đọng trên mắt cá chân và hai bàn chân trần, cảm nhận mặt đất dưới chân ông lạnh toát và ướt át hình như đang rung chuyển.

“Bố đâu có biết. Mất hồi nào?”

“Đâu phải chuyện đó, bố à! Bố chẳng hiểu gì cả.” Buckley xoay người rồi lấy chân giẫm nát mấy chồi cà chua non nớt.

“Buck, ngừng ngay!” bố tôi kêu lên.

Em trai tôi quay lại.

“Bố chẳng hiểu gì hết,” em nói.

“Bố rất tiếc,” bố tôi nói. “Đây là áo quần của chị Susie, bố chỉ…Có thể làm thế vô nghĩa thật, nhưng đó là của chị con…những thứ chị con từng mặc.”

“Bố đã lấy mất chiếc giày, phải không?” Buckley hỏi. Em đã nín khóc.

“Lấy cái gì?”

“Bố đã lấy mất chiếc giày. Bố vào phòng con lấy chiếc giày đi.”

“Buckley, bố chẳng hiểu con nói gì.”

“Con đem cất chiếc giày lấy trong hộp trò chơi Monopoly, sau nó biến đâu mất. Bố lấy đi rồi. Bố làm như chị con là của riêng bố!”

“Giải nghĩa cho bố hiểu con muốn nói gì. Chuyện này có dính dáng gì đến ông bố cô bạn Keesha của con?”

“Bố bỏ mấy thứ đó xuống đi đã.”

Bố tôi thận trọng đặt chúng xuống đất.

“Con không nói về chuyện ông bố Keesha đâu.”

“Vậy thì về chuyện gì.” Bố tôi tỉnh hẳn ra. Ông trở lại giường bệnh, nơi ông hồi tình khỏi giấc ngủ hôn mê gây ra do thuốc giảm đau sau lần giải phẫu đầu gối, thấy thằng con năm tuổi ngồi bên cạnh, chờ ông chớp mắt để kêu: “Ú oà, bố!”

“Chị con chết rồi mà.”

Câu nói cứ làm ông đau đớn mãi. “Bố biết.”

“Nhưng bố không làm như thế. Bố Keesha mất lúc nó lên sáu. Keesha bảo nó chẳng mấy khi nghĩ đến ông ấy nữa.”

“Rồi sẽ có lúc thôi,” bố tôi nói.

“Thế còn tụi con?”

“Con nói ai?”

“Hai đứa con, bố ơi. Con và chị Lindsey. Mẹ bỏ đi chỉ vì mẹ hết chịu nổi”

“Bình tĩnh nào, Buck,” bố tôi nói. Ông sẵn sàng để nghe thêm nhưng khí trong phổi của ông bốc hơi dồn sang lồng ngực. Rồi ông nghe có tiếng nói khẽ vẳng bên tai: buông ra đi, buông đi, thả ra. “Cái gì?” bố tôi hỏi.

“Con có nói gì đâu.”

Buông ra đi, buông đi, thả ra.

“Bố xin lỗi nhé,” bố tôi nói. “Bố thấy trong người không được khỏe.” Hai bàn chân ông giẫm trên mặt cỏ ướt sương giờ cóng không chịu nổi. Ông thấy lồng ngực như lõm sâu vào, tiếng ruồi bọ vo ve bay quanh một cái hố mới đào. Trong lòng hố có tiếng vang dội lại làm ù tai ông. Buông ra đi.

Hai đầu gối bố tôi khuỵu xuống. Cánh tay thõng hờ xuống như khi bị gây mê. Ông cảm thấy như có kim châm suốt dọc cánh tay. Em trai tôi chạy bổ lại.

“Bố sao vậy?”

“Con!” Giọng ông run rẩy, ông quờ quạng nắm tay em.

“Con đi gọi bà ngoại.” Buckley chạy đi.

Bố tôi lả người nằm xuống đất, mặt nghiêng về phía mớ áo quần của tôi, ông thều thào: “Bố mẹ không chọn con cái bao giờ. Bố thương đều cả ba đứa các con mà.”

Tối hôm ấy bố tôi nằm trong nhà thương, người đầy dây ống nối với các màn hình phát ra tiếng píp píp hoặc kêu ro ro. Tôi có thời gian để một mình quanh quẩn bên chân và cột xương sống của bố, để vỗ về và dẫn bố đi. Nhưng biết đi đâu?

Chiếc đồng hồ trên đầu giường cứ mỗi phút lại kêu tích tắc. Tôi nhớ đến trò chơi mà Lindsey và tôi vẫn chơi trong vườn: “Bố yêu ta, bố không yêu ta,” vừa nói vừa ngắt một cánh hoa(84) cúc. Tôi nghe tiếng đồng hồ, rập cùng nhịp ngắt mỗi cánh hoa, ném tung qua tung lại cho tôi hai điều mơ ước lớn nhất của riêng tôi: Bố chết vì con/ đừng chết vì con/ bố chết vì con/ đừng chết vì con.” Tôi như cứ muốn dày vò quả ti đang thoi thóp của bố. Nếu bố chết, tôi sẽ có bố bên mình mãi mãi. Ước mơ như thế có gì là sai quấy không?

84. Trò chơi cứ ngắt từng cánh hoa lại hát: “bố (hay mẹ/chàng/…) yêu ta” hay “không yêu ta”, khi đến cánh hoa trót trúng câu nào thì đó là điều định mệnh an bài.

Ở nhà, Buckley nằm trong bóng tối, trùm chăn kín tận cằm. Em không được phép vào phòng cấp cứu, nơi Lindsey chở em đến, sau khi chạy theo xe cứu thương hụ còi chở bố tôi. Em trai tôi cảm thấy một gánh nặng kinh khủng đè trên em qua sự im lặng của Lindsey. Em gái tôi hỏi đi hỏi lại hai câu này: “Em với bố nói chuyện gì? Sao bố lại xúc động đến thế?”

Nỗi lo sợ lớn nhất của em là người em yêu quý nhất trên đời lại ra đi. Em thương Lindsey và bà ngoại Lynn, thương Samuel và anh Hal, nhưng bố là người khiến em bước rón rén, em, cậu con trai sáng và tối nào cũng trông chừng bố, như thể nếu không thường xuyên cảnh giác em sẽ mất bố ngay.

Hai chúng tôi - đứa con quá cố và đứa con còn sống - đứng hai bên giường bệnh của bố và cùng mong muốn một điều: được có bố ở bên mình mãi mãi. Làm vừa lòng cả hai đứa chúng tôi là một điều bất khả đối với ông.

Với Buckley, chỉ có hai lần trong đời em là bố tôi hụt không có mặt lúc em đi ngủ. Một lần vào buổi tối lúc ông chạy ra cánh đồng ngô lùng tìm tên Harvey, và lần này nữa là hai, ông nằm lại để bệnh viện theo dõi đề phòng trường hợp bị nhồi máu cơ tim lần nữa.

Buckley biết mình quá tuổi cần bố, song tôi thông cảm với em. Hôn hít và chúc con cái một giấc ngủ ngon là việc ông là việc ông là xuất sắc hơn bất cứ ai khác. Lúc ông đứng ở chân giường, sau khi đã thả mành mành xuống rồi lấy tay vuốt để kiểm xem lá mành đã nằm xuôi xuống cả chưa - không lá nào được phép lật ngược để ánh nắng chiếu vào cậu con trai cưng trước khi ông vào đánh thức em - thì tay chân em trai tôi thường nổi da gà. Cứ nghĩ đến trò chơi sắp tới là đủ thấy mê tơi.

“Buck, sẵn sàng chưa?” bố tôi hỏi, lúc thì Buckley đáp: “Sẵn sằng”, lúc lại hô: “Cất cánh”, nhưng khi nào em phấp phỏng, bồn chồn mong cho xong thì em đáp gọn lỏn: “Rồi!” Bố tôi sẽ túm tấm khăn đắp bằng vải bông mỏng, cẩn thận lấy ngón tay cái và ngón trỏ giữ lấy hai góc. Rôi bố tôi sẽ hất mạnh lên, khiến tấm khăn màu xanh nhạt (nếu là của Buckley) hoặc màu tím hoa oải hương (nếu là của tôi) phồng lên như chiếc dù, rồi nhẹ nhàng hạ xuống, phủ lên những chỗ da phơi ra: đầu gối, cánh tay, hai gò má và cằm. Không khí và tấm chăn trùm lên em một lúc, em thấy được tự do vô hạn đồng thời lại được che chở ấp ủ. Cảm giác tuyệt vời khiến em trở nên yếu mềm run rẩy, chỉ dám mong là nếu mở lời nài nỉ ông sẽ chiều em làm lại lần nữa. Không khí và chăn, không khí và chăn - cột chống giữ vững mối quan hệ không diễn đạt bằng lời giữa một cậu bé con và một người đàn ông bị tổn thương.

Đem hôm đó em nằm, đầu đặt trên gối, cuộn tròn, tư thế như khi ở trong bào thai. Em không nghĩ tới chuyện tự buông mành mành, ngoài kia ánh đèn hàng xóm điểm những đốm sáng trên sườn đồi. Từ đầu này em đăm đăm nhìn những cánh cửa chớp của chiếc tủ áo, lắp sâu vào mặt tường đối diện, ngày còn nhỏ em vẫn tưởng tượng bọn phù thủy gian ác nhốt trong đó sẽ tìm cách thoát ra để nhập bọn với lũ rồng dưới gầm giường. Bây giờ em không còn sợ những chuyện như thế nữa.

“Chị Susie ơi, xin đừng để bố chết,” em thì thầm. “Em cần bố lắm.”

Giã từ cậu em trai, tôi đi ngang qua tòa vọng lâu, bước tiếp dưới hàng đèn giăng giăng như chùm dâu, đi một quãng nữa thì đến chỗ có nhiều lối đi lát gạch rẽ ra nhiều hướng.

Tôi đi đến cuối đoạn đường lát gạch, sau đó là quãng đường lót đá tảng, rồi chỉ còn đường mòn lổn nhổn đá sắc cạnh, cuối cùng quanh tôi chỉ còn là vùng đất bị xới tung trải mênh mông nhiều dặm dài. Tôi đứng đấy. Tôi sống ở thiên đường đã khá lâu nên hiểu là mình sắp được biết một điều bí ẩn nào đó. Lúc nắng tắt và bầu trời tối dần chuyển sang màu xanh xẫm dịu dàng như buổi tối ngày tôi chết, tôi chợt thấy có bóng người thấp thoáng, còn khá xa nên lúc đầu tôi không nhận ra là đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay người lớn. Nhưng khi ánh trăng soi tỏ bóng người ấy, tôi ngờ ngợ nhận ra đó là ai, tâm thần hoảng loạn, tôi thở như hụt hơi, hộc tốc chạy lại gần để nhận dạng. Phải bố tôi đó không? Phải chăng điều lâu nay tôi hằng ao ước một cách vô vọng đã thành sự thực?

“Susie ơi”, người đó nói lúc tôi chạy trờ tới và đứng lại cách chỗ ông ta đứng vài bước. Ông ta dang hai tay đón tôi.

“Cháu nhớ ra chưa?”, người ấy hỏi.

Tôi thấy mình đột nhiên bé lại, ở tuổi lên sáu, đang ở trong phòng sinh hoạt gia đình ở bang Illinois. Bây giờ, tôi cũng làm y như hồi ấy, tôi đứng giẫm lên hai bàn chân ông.

“Ông nội ơi,” tôi gọi.

Không có ai khác ngoài hai ông cháu trên thiên đường, người tôi lại nhẹ bẫng cứ lướt nhẹ nhàng như hồi mới lên sáu, còn ông lúc đó năm mươi sáu tuổi, ngày bố tôi đưa chúng tôi về thăm. Hai ông cháu khiêu vũ thật chậm theo một bài hát cứ làm ông mủi lòng hoài hồi còn ở dương thế.

“Cháu nhớ ra không?”, ông hỏi.

“Barber(85)!”

“Tấu khúc cho vĩ cầm,” ông nói.

85. Samuel Barber (1910-1981) nhà soạn nhạc giao hưởng giao hưởng và thính phòng, quê quán ở West Chester, Pennsylvania; một trong những tác phẩm là “Adogio for Strings” (Tấu khúc nhịp khoan thai soạn cho vĩ cầm).

Trong khi hai ông cháu khiêu vũ và lượn vòng - không bước kiểu giật nhịp rắc rối làm trẹo chân như ở trần thế - điều tôi nhớ lại là có lần thấy ông rơi lệ khi nghe bản nhạc này, nên hỏi ông nguyên do.

“Đôi khi mình khóc, Susie à, dẫu rằng người mình yêu thương đã ra đi từ lâu lắm rồi.” Rồi ông ôm tôi vào lòng, chỉ một thoáng ngắn ngủi thôi, thế rồi tôi chạy ra chơi đùa tiếp với Lindsey trên bãi đất hình như là khu vườn thênh thang của ông nội.

Hai ông cháu không nói năng gì thêm trong đêm hôm đó mà chỉ khiêu vũ hàng giờ liền trong ánh sáng xanh biếc không rõ vào ban ngày hay ban đêm ấy. Tôi biết trong lúc hai ông cháu đang nhảy thì dưới trần và trên thiên đường đang xảy ra chuyện gì đấy. Một hiện tượng trôi trượt. Một chuyển động đang chậm đột ngột tăng gia tốc như chúng tôi được học trong giờ khoa học tự nhiên năm nào. Chấn động địa chấn ư, chuyện không thể có được, hay hiện tượng không gian và thời gian nổ tung tách rời khỏi nhau. Tôi nép vào ngực ông, hít ngửi thứ mùi đặc biệt của người già, tương tự mùi của bố tôi cộng thêm mùi băng phiến, mùi máu chốn trần ai, khung trời trên thiên đường. Quả quất vàng, con chồn hôi, thuốc lá loại hảo hạng.

Khi dứt tiếng nhạc thì tưởng như cả một khoảng thời gian vô tận đã trôi qua từ khi hai ông cháu bắt đầu khiêu vũ. Ông nội tôi lùi lại một bước, vùng ánh sáng sau lưng ông chuyển sang màu vàng.

“Ông đi đây,” ông nói.

“Ông đi đâu cơ?”, tôi hỏi.

“Đừng lo, bé yêu. Cháu luôn ở bên ông.”

Ông quay người bước đi, biến mất thật nhanh trong bụi vũ trụ và vô vàn đốm sáng. Cõi vô biên.