Hình hài yêu dấu - Chương 19

SÁNG HÔM ẤY, KHI ĐẾN HÃNG RƯỢU VANG KRUSOE mẹ tôi thấy có mẩu giấy nhắn tin ghi tháu bằng thứ tiếng Anh chệch choạc mà tay quản đốc để lại cho bà. Chữ cấp cứu viết khá rõ, thế là bà bỏ nghi thức mỗi sáng sớm pha cà phê uống, đứng nhìn ra hàng dãy cây nho, cành lá leo quanh những cây cọc hình chữ thập vững chãi sơn màu trắng. Bà mở cửa vào phòng dành làm nơi mời khách thử rượu. Không bật đèn trần, bà cũng xác định được chỗ để cái máy điện thoại sau quầy rượu bằng gỗ, bà quay số Pennsylvania. Không ai nhấc máy.

Bà mới gọi tổng đài Pennsylvania, hỏi số điện thoại của Tiến sỹ Akhil Singh.

“Đúng thế,” bà Ruana nói, “Cháu Ray với tôi có thấy xe cứu thương chạy qua nhà cách đây vài tiếng đồng hồ. Hẳn là mọi người đang ở cả trong bệnh viện.”

“Ai bệnh vậy chị?”

“Chắc là bà cụ đấy?”

Nhưng qua lời nhắn bà biết chính bà ngoại đã gọi điện đến đây. Chỉ có thể là một trong hai đứa nhỏ hoặc là Jack. Bà cảm tạ bà Rauna rồi gác máy. Bà lôi chiếc điện thoại màu đỏ nặng trịch từ ngăn dưới đất đặt lên mặt quầy rượu. Xấp giấy nhiều màu để phân phát cho khách, chặn dưới máy điện thoại - “Màu vàng chanh = Sâm banh từ nho Young Chardonnay, Màu vàng rơm =rượu từ nho Sauvignon Blanc…” - rơi tung tóe quanh chân bà. Từ khi nhận việc làm ở đây bao giờ bà cũng đến sớm, lúc này bà mới thấy biết ơn là nhờ thế mà được việc. Sau đó, bà moi óc cố nhớ lại tên các bệnh viện địa phương, bà gọi đến mọi chỗ bà từng cuống quít đưa con đến khi chúng lên cơn sốt không rõ nguyên do, hay trượt ngã không rõ có bị gãy xương hay không. Lúc gọi đến bệnh viện nơi tôi từng đưa Buckley đến thì bà được trả lời: “Có một ông Jack Salmon được đưa vào cấp cứu, hiện vẫn còn nằm lại đây.”

“Bà cho tôi biết có chuyện gì xảy ra được không ạ?”

“Bà quan hệ thế nào với ông Salmon?”

Bà nói một câu đã nhiều năm nay không nói: “Tôi là vợ ông ấy.”

“Ông nhà bị nhồi máu cơ tim.”

Bà gác máy rồi ngồi bệt xuống tấm thảm làm bằng hợp chất cao-su và vỏ bần, trái bên phía nhân viên hãng rượu đứng tiếp khách. Bà ngồi mãi ở đấy cho tới lúc tay trưởng ca tới và bà lặp đi lặp lại những chữ bà thấy lạ tai: chồng, cơn nhồi máu cơ tim.

Mãi một lúc sau, khi ngước mắt nhìn lên, bà thấy mình đang ngồi trong chiếc xe giao hàng của viên quản đốc, và người đàn ông trầm lặng hiếm khi rời trang trại nho này đang lái xe như bay trực chỉ sân bay quốc tế San Francisco.

Bà mua vé lấy chuyến bay trước tiên đi Chicago, từ đó đổi sang tuyến khác đưa bà đến Philadelphia. Khi may bay cất cánh, lên cao dần, nhìn ra chỉ còn thấy mây trời, bà nghe loáng thoáng tiếng chuông hiệu nhắc nhở phi hành đoàn thi hành hay chuẩn bị gì đó, nghe tiếng xe đưa nước giải khát đẩy qua kêu lanh canh, nhưng bà không thấy những người đồng hành mà lại thấy vòm cửa bằng đá mát lạnh ở nhà máy rượu vang, phía sau vòm cửa có để một lô thùng chứa rượu bằng gỗ sồi còn rỗng, và thay vì nhìn thấy những người đàn ông ngồi đó tránh nắng bà tưởng như thấy bố tôi, tay cầm cái tách sứ sứt quai hiệu Wedgwood đưa cho bà.

Lúc xuống máy bay ở Chicago, phải đợi ở đó hai tiếng đồng hồ, thì bà đã kịp định thần lại, tìm mua bàn chải đánh răng, bao thuốc lá và quay số điện thoại bệnh viện, lần này bà yêu cầu nói chuyện với bà ngoại Lynn.

“Mẹ à,” mẹ tôi nói. “Con hiện ở Chicago, sắp đến nhà rồi.”

“Lạy Chúa, Abigail ơi,” bà ngoại nói. “Mẹ gọi đến hãng Krusoe lần nữa, họ bảo con đang trên đường ra sân bay.”

“Nhà con ra sao hở mẹ?”

“Anh ấy bảo muốn gặp con.”

“Lũ trẻ đang ở đó phải không ạ?”

“Ừ. Cả Samuel nữa. Mẹ định hôm nay gọi kể cho con biết chuyện Samuel hỏi cưới Lindsey đấy.”

“Thế thì tuyệt quá,” mẹ tôi nói.

“Abigail này.”

“Sao mẹ?” Bà nghe bà ngoại ngần ngừ, một điều hiếm thấy.

“Jack còn bảo muốn thấy Susie nữa.”

Vừa bước ra khỏi sân bay ở O’Hare bà châm ngay một điếu thuốc. Một đám học sinh vai đeo túi du lịch nhỏ, tay xách hộp đựng nhạc cụ bên hông có dán bản màu vàng chói lũ lượt xô đẩy nhau đi vượt qua bà. Trên bảng tên là hàng chữ QUÊ NHÀ CỦA NHỮNG NGƯỜI ÁI QUỐC(86).

86. “Home of the Patriots”, The Patriots: những người đấu tranh đòi quyền công dân ở Bắc Mỹ, không chấp nhận chế độ thuộc địa do Vương quốc Anh áp đặt (thế kỷ 18).

Khí hậu ở thành phố Chicago oi bức và ẩm ướt, khói xả ra từ số lượng xe, nhiều đến nỗi phải đậu thành hai dãy, làm bầu không khí vốn nặng nề khó thở ngày càng thêm độc hại.

Bà hút tàn điếu thuốc trong thời gian kỷ lục rồi châm tiếp điếu thứ hai, một cánh tay ép ngang ngực, tay kia duỗi ra theo mỗi đợt phả khói. Bà khoác trên người bộ đồng phục của hãng: quần jeans tuy bạc màu nhưng giặt sạch, áo thun ngắn tay màu cam nhạt thêu hàng chữ HÃNG RƯỢU VANG KRUSOE phía trên túi áo. Nước da bà giờ ngăm ngăm đậm hơn xưa khiến màu xanh nhạt của mắt bà do tương phản trông như xanh sẫm hơn. Bà cũng đã quen cột tóc kiểu đuôi ngựa để trễ xuống gáy. Tôi thấy cả vài lượt tóc màu muối lẫn tiêu bên vành tai và thái dương bà.

Bà giữ chặt hai chiếc đồng hồ cát(87) và tự hỏi tại sao lại có thể như thế được. Phần thời gian bà giành được cho riêng mình sẽ bị giới hạn, như do định luật về trọng lực, khi những mối dây liên hệ gia đình kéo bà trở lại. Giờ đây chúng đang kéo bà - bằng cả hai tay. Cuộc hôn nhân. Cơn nhồi máu cơ tim.

87. Hai đầu đồng hồ cát ám chỉ quá khứ và tương lai. (Đồng hồ cát gồm hai bầu thủy tinh thông nhau bằng một khe nhỏ. Thời gian cát chảy hết từ bầu trên xuống bầu dưới là một giờ).

Vẫn đứng bên ngoài khuôn viên phi trường, bà thò tay vào túi sau quần jeans tìm chiếc ví loại đàn ông bà quen mang từ khi vào làm ở Krusoe, tiện hơn là cứ phải tìm chỗ cất xách tay dưới quầy rượu. Bà ném điếu thuốc xuống làn đường dành cho xe taxi đậu rồi quay vào tìm chỗ ngồi lên bệ một ụ bê-tông chứa đất, trong đó cỏ dại mọc đầy quanh một cây con èo uột vì khói xe.

Trong ví bà có nhiều tấm ảnh ngày nào bà cũng lấy ra nhìn. Nhưng có một tấm bà lật úp, nhét vào ngăn để thẻ tín dụng. Đó la bức ảnh lưu giữ trong thùng tang vật ở đồn cảnh sát, cũng chính là ảnh Ray kẹp trong quyển thơ Ấn Độ của bà mẹ cậu. Đó là tấm ảnh để dán sổ lưu niệm lớp tôi, đã từng được đưa lên báo, in trên cáo thị của cảnh sát và bỏ vào hộp thư mọi nhà.

Sau tám năm mà ngay cả với mẹ tôi, tấm ảnh vẫn giống loại chân dung mà đi đâu cũng thấy của một nhân vật lừng danh nào đấy. Bà phải đương đầu với cảm tưởng này quá nhiều lần, nên tôi bị nhét gọn chôn luôn trong đó. Chẳng có tấm ảnh nào mà hai gò má hồng rựng, mắt tôi xanh biếc như trên tấm ảnh này.

Bà rút tấm ảnh ra, lật mặt lên giữ trong lòng bàn tay hơi khum lại. Bà vẫn nhớ mãi hàm răng tôi - nhỏ và tròn, bờ răng nhấp nhô như răng cưa làm bà hân hoan, ngạc nhiên vì thấy tôi lớn lên. Tôi đã hứa với bà lần chụp ảnh năm ấy sẽ nhe răng cười rõ tươi, song đứng trước ông thợ ảnh tôi lại ngượng đến nỗi nhếch mép cười cũng không nổi.

Bà nghe tiếng loa thông báo về chuyến bay chuyển tiếp của mình. Bà đứng lên. Nhìn quanh, bà thấy cái cây non còi cọc. Bà đặt tấm chân dung chụp cho sổ lưu niệm lớp tôi tựa vào đấy rồi hấp tấp đi qua mấy lớp cửa tự động.

Trên chuyến bay về Philadelphia, bà ngồi một mình ở ghế giữa hàng ghế ba chỗ. Tự động bà nghĩ ngay rằng nếu mình là một bà mẹ đi du lịch thì hai ghế kia sẽ có người ngồi. Một ghế cho Lindsey. Một cho Buckley. Tuy theo định nghĩa bà là một bà mẹ, nhưng một lúc nào đấy bà đã thôi không còn là người mẹ nữa rồi. Bà không thể đòi có quyền và đặc ân ấy sau hơn nửa thập kỷ không có mặt trong cuộc đời của những đứa con. Giờ đây bà hiểu rằng làm mẹ là một thiên chức mà biết bao cô gái mong ước. Nhưng mẹ tôi chưa hề có ước mơ đó, và bà bị trừng phạt một cách kinh hoàng nhất, không tưởng tượng nổi, vì đã không hề mong muốn có tôi.

Tôi nhìn bà đang ngồi trong máy bay và tôi gửi vào đám mây lời cầu xin cho bà được giải thoát. Người bà càng lúc càng trĩu xuống vì lo sợ những gì sắp đến, song trong cảm giác nặng nề ấy cũng có gì đó làm nhẹ lòng. Cô tiếp viên đưa bà chiếc gối nhỏ màu xanh, và bà thiếp đi được một lúc.

Đến Philadelphia, khi máy bay lăn trên đường băng, bà mới sực nhớ mình đang ở đâu và bây giờ là năm nào. Bà hấp tấp điểm qua những gì sẽ nói khi gặp lại các con mình, bà mẹ và Jack. Cuối cùng khi những câu dự kiến kia run rẩy ngưng đọng lại, bà đành bỏ cuộc, chỉ tập trung vào việc ra khỏi máy bay.

Bà gần như không nhìn ra đứa con ruột thịt đang đứng chờ cuối lối đi dài. Trong những năm tháng vừa qua, vóc người Lindsey trông xương xương, thanh mảnh, không còn tí nào nét bụ bẫm thời bé. Cạnh em gái tôi là một cậu trông như anh trai song sinh. Cao lớn hơn, gân guốc hơn một chút. Samuel. Bà chú mục nhìn hai cô cậu, và hai người cũng chăm chăm nhìn lại, nên thoạt đầu bà không chú ý đến cậu trai đẫy đà ngồi tránh sang một bên, trên tay vịn của một trong những chiếc ghế đặt thành dãy trong phòng đợi.

Rồi, khi dợm bước về phía chúng - trong mấy giây phút đầu bà cảm tưởng chúng bất động, cứng đờ như thể bị giam trong một khối chất keo đặc sệt, và chỉ khi bà cất bước chúng mới thoát ra được - thì bà nhìn thấy Buckley.

Bà đặt chân bước xuống lối đi trải thảm. Bên tai bà văng vẳng những tiếng loa thông báo trong phi trường, mắt bà thấy các hành khách khác đang chào hỏi nhau, rảo bước vượt qua bà. Khi nhìn ra Buckley thì bà như bước vào một phi thuyền bay ngược thời gian. Năm 1944 ở Camp Winnekukka. Hồi đó bà mười hai tuổi, má phính, cặp đùi mập tròn - những gì các con gái bà may mắn tránh được thì cậu con trai phải hứng cả. Bà đã vắng mặt quá nhiều năm tháng, quãng thời gian mất mát quá dài không bao giờ bà có thể cứu vãn được.

Nếu bà cũng đếm, như tôi đang làm, thì hẳn bà biết rằng với bảy mươi ba bước chân bà đã hoàn tất một việc mà suốt gần bảy năm qua bà quá sợ mình sẽ không làm nổi.

Em gái tôi là người lên tiếng trước nhất.

“Mẹ”, nó gọi.

Mẹ tôi nhìn Lindsey và thoắt một cái, từ cô bé đơn độc ở Camp Winnekukka bà vọt qua ba mươi tám năm.

“Lindsey”, mẹ tôi nói.

Lindsey đăm đăm nhìn bà. Buckley giờ đã đứng lên, nhưng mới đầu em nhìn xuống đôi giày rồi ngoái đầu qua cửa kính chỗ có những chiếc máy bay đang đậu, nhả hành khách vào những đường ống gấp khúc như đàn phong cầm.

“Bố ra sao hả con?”, bà hỏi.

Em gái tôi thốt ra được tiếng mẹ rồi đứng như đóng băng. Chữ mẹ gây cho em cảm giác nếm phải xà phòng hay một vị lạ nào đó.

“Cháu thấy sức khỏe của bác trai không được khả quan lắm,” Samuel nói. Đó là câu nói dài nhất từ nãy đến giờ, và mẹ tôi thấy vô cùng cảm kích.

“Buckley đấy à!” bà gọi, nét mặt vẫn thường, không đổi. Bà vẫn là con người của ngày xưa - dù con người đó thế nào đi nữa.

Em quay đầu hướng về phía bà, trông như đang quay bệ chĩa nòng súng nhắm. “Buck”, em sửa lại.

“À, Buck”, bà khẽ lặp lại rồi cúi đầu nhìn đôi bàn tay mình.

Linsey suýt buột miệng hỏi. Nhẫn cưới của mẹ đâu rồi?

“Ta đi chứ?” Samuel hỏi.

Cả bốn người bước vào con đường hầm dài trải thảm dẫn từ cửa máy bay của bà đến khu trung tâm phi trường. Họ đang bước tới chỗ nhận hành lý ở tầng dưới thì mẹ tôi nói: “Mẹ không mang theo hành lý.”

Mọi người dừng lại, lúng túng. Samuel tìm biển chỉ đường, hướng mọi người quay lại nhà để xe.

“Mẹ ơi”, em gái tôi cố bắt chuyện.

“Ngày đó mẹ nói dối con đấy,” mẹ tôi nói ngay trước khi Lindsey kịp nghĩ nên nói gì thêm. Ánh mắt hai mẹ con gặp nhau và trong sợi dây nóng bỏng bắt từ người nọ qua người kia tôi thề là đã nhìn thấy điều đó, tương tự một con chuột bị rắn nuốt chửng nhưng chưa tiêu hóa làm bụng rắn gồ lên: đó là điều bí mật về ông Len.

“Ta lấy thang máy trở lên,” Samuel nói, “sau đó cứ đi theo lối chính dẫn qua hầm để xe.”

Samuel gọi Buckley đang tách ra hướng theo một toán sĩ quan an ninh phi trường. Những bộ đồng phục vẫn chưa mất đi sức hấp dẫn đối với em.

Xe đã ra đến xa lộ khi Lindsey là người lên tiếng tiếp theo: “Họ sẽ không để cho Buckley vào phòng bố vì em chưa đủ tuổi.”

Mẹ tôi quay người nhìn ra hàng ghế sau. “Mẹ sẽ thử, xem có làm gì được không,” bà nói, nhìn Buckley nhoẻn miệng cười lần đầu tiên.

“Cóc cần”, em trai tôi lẩm bẩm trong miệng, không buồn nhìn lên.

Người mẹ tôi đông cứng lại. Chiếc xe nổ tung. Chất chứa oán hận và sự căng thẳng - một dòng thác cuồn cuộn máu phải bơi qua.

“Buck”, bà kịp nhớ ra tên tắt của nó, “ngước mặt lên nhìn mẹ xem?”

Mắt em tôi bắn tia nhìn sang hàng ghế trước, để cơn thịnh nộ xoáy sâu vào lòng bà.

Cuối cùng bà xoay người lại nhìn ra phía trước. Samuel, Lindsey và em trai tôi nghe từ chỗ bà ngồi những âm thanh mà bà cố đè nén không để bật ra: tiếng thút thít và tiếng nấc nghẹn. Nhưng không có lượng nước mắt nào đủ để lay chuyển Buckley. Nó đã tích trữ - ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác - một kho ngầm tràn đầy căm hận. Ở một góc mãi cuối căm hầm có một cậu bé bốn tuổi đang ngồi với trái tim cứ chớp lóe lên từng chặp. Tim hóa thành đá. Tim hóa thành đá.

“Lát nữa thấy bác Salmon rồi cả nhà chắc chắn sẽ yên lòng thôi,” Samuel lên tiếng rồi nhổn tới bật đài phát thanh vì chính anh chàng cũng không chịu nổi bầu không khí trong xe.

Bệnh viện chính là nơi tám năm trước bà đã đến vào lúc nửa đêm khuya khoắt. Lần này là ở tầng khác, tường sơn màu khác, nhưng khi bước dọc hành lang bà cảm thấy chuyện cũ - những gì bà đã làm ở đây - vẫn giam hãm bủa vây bà. Toàn thân ông Len dấn tới, đẩy lưng bà ép vào bức tường trát vữa nham nháp. Mọi tế bào thân thể bà muốn vùng bỏ chạy - bay về California, trở về với cuộc sống lặng lẽ của bà, làm lụng vất vả giữa những người xa lạ. Trốn trong những hốc cây và những cánh hoa nhiệt đới, ẩn mình an toàn giữa bao thứ cây cỏ lạ lẫm và người dân tứ xứ.

Xương mắt cá chân và đôi giày thắt dây của bà ngoại mà bà nhìn thấy từ lúc còn đi ngoài hành lang đưa bà trở về với thực tại. Một trong những điều đơn giản bà đã đánh mất trong thời gian bỏ đi thật xa, chẳng hạn về điều bình thường như đôi bàn chân của bà ngoại - tuy còn vẻ vững chãi nhưng trông khôi hài quá - đôi bàn chân bảy mươi tuổi đời trong đôi giày trông tức cười và thiếu thoải mái.

Nhưng khi bà bước vào phòng thì mọi người kia - cậu con trai, cô con gái, hay bà mẹ của bà - đều như không có đó nữa.

Mắt bố tôi khép lờ đờ, nhưng nghe tiếng chân bà bước vào ông nhướn mắt, làn mi giật nhẹ. Ống tiếp thuốc và dây nhợ vương lòng thòng hai bên cổ tay và vai. Đầu ông trên chiếc gối nhỏ vuông vắn trông mong manh yếu ớt.

Bà nắm tay ông, lặng lẽ khóc, nước mắt rơi lã chã.

“Em đấy ư, đôi mắt đại dương,” bố nói.

Bà gật đầu. Người đàn ông suy sụp, thua cuộc này - chồng bà đây.

“Cô nàng tôi yêu đây rồi,” bố hắt ra nặng nhọc.

“Jack ơi.”

“Em thấy đó, để em chịu về lại anh đã phải ra nông nỗi này đây.”

“Có đáng không anh?” bà cười buồn, hỏi.

“Rồi thì ta sẽ biết thôi,” bố đáp.

Được thấy bố mẹ ở bên nhau, với tôi, cũng giống như biết điều mình tin là mong manh viển vông, thế mà rồi lại thành hiện thực.

Bố tôi nhìn thấy vài tia hi vọng yếu ớt, tương tự mấy vết có màu trong mắt mẹ tôi - những thứ ông bám víu vào. Ông gom chúng chung vào với những mảnh gỗ và tấm ván vỡ vụn còn sót lại từ một chiếc tàu và phải một khối gì đấy to hơn nên chìm lỉm, cách đây đã lâu rồi. Giờ ông chỉ còn trong tay những mảnh vỡ vụn và mẫu mã tự tạo lấy. Ông gượng giơ tay định sờ vào má bà nhưng cánh tay ông lả xuống. Bà cúi xuống áp má vào lòng bàn tay ông.

Bà ngoại tôi biết cách đi giày cao gót mà không gây tiếng động. Bà nhón gót lên, bước bằng đầu ngón chân ra khỏi phòng. Khi bà bước lại như bình thường và ra tới gần khu tiếp khách thì gặp cô y tá mang mẩu tin gửi ông Jack Salmon ở phòng 582. Bà chưa gặp mặt bao giờ, nhưng biết tên ông ta. “Len Fenerman, sẽ ghé thăm nay mai. Chúc ông bình phục.” Bà gấp gọn mẩu giấy. Trước khi gặp Lindsey và Buckley đã theo gót Samuel ra khu tiếp khách, bà bật nắp khóa chiếc xách tay, nhét mẩu giấy vào giữa hộp phấn và chiếc lược.