Hình hài yêu dấu - Chương 20

TỐI HÔM ẤY, LÚC TÊN HARVEY ĐẾN CHỖ CÁI LÁN lợp tôn ở bang Connecticut thì trời sắp đổ mưa. Cách đây nhiều năm rồi, trong cái lán này hắn đã giết một cô gái chạy bàn rồi đi mua vài chiếc quần mới bằng mớ tiền hoa hồng móc được từ túi tạp dề của cô. Từ đó đến nay hẳn thi thể cô đã bị phân hủy hết rồi, và quả như thế thật, khi hắn chạy xe đến gần khu đất ấy thì không thấy phả lên mùi hôi thối nào. Nhưng cửa lán mở toang, đứng ngoài nhìn vào hắn thấy ngay là đất đã bị đào xới lên. Hắn hít vào một hơi rồi dò dẫm bước đến gần.

Hắn ngủ thiếp đi ngay bên cạnh ngôi mộ trống hoác của cô gái.

Vào một lúc nào đấy, tôi bắt đầu lên danh sách tên những người còn sống cho riêng mình, để tạo đối xứng với danh sách người chết. Tôi nhận ra rằng ông Len Fenerman cũng làm y như vậy. Ngoài giờ trực, ông ghi tên các cô gái, các bà lớn tuổi và mọi phụ nữ ở giữa hai nhóm tuổi này, xem đó là một trong những việc giúp mình có sức làm việc tiếp. Như cô gái ở khu thương xá với cặp đùi thuôn trắng nhợt, quá dài cho chiếc áo nay quá trẻ con cũn cỡn, khi mường tượng cô có nguy cơ mang họa vào thân, cả ông Len lẫn tôi đều thấy tim thót đau. Các bà lớn tuổi, lập dị đi bằng khung có bánh xe lăn, cứ một mực đòi nhuộm tóc với những màu giả tạo không giống màu tóc ngày học còn trẻ. Những bà mẹ một mình nuôi con, tuổi ngoài ba mươi, mải dong xe lùng sục khắp siêu thị, không để mắt trông chừng lũ con cứ lôi những bao kẹo từ trên quầy xuống. Hễ trông thấy họ, tôi lại nhẩm đếm. Những người đàn bà còn sống, đang hít thở không khí. Thỉnh thoảng tôi nhìn ra những người mang thương tích - đàn bà bị chồng đánh đập, bị kẻ lạ hãm hiếp, những bé gái bị cha ruột cưỡng dâm - và mong mỏi có cách nào can thiệp cứu vớt.

Ông Len ngày nào cũng gặp những người đàn bà mang đầy thương tích này. Họ là những người thường trực tìm đến sở cảnh sát, nhưng ngay cả khi đi đâu xe ngoài phạm vi ông có quyền xử lý, ông vẫn cảm thấy và nhận ran gay khi họ tới gần. Bà vợ tay chủ cửa hàng dụng cụ câu tuy mặt mũi không có vết bầm những lúc nào người cũng co rút như một con chó và luôn miệng thì thào xin lỗi. Cô gái đứng đường ông thường thấy đi đi lại lại mỗi bận ông chạy xe lên mạn bắc thăm mấy cô em. Năm tháng qua đi, cô càng ngày càng gầy, lớp mỡ ở gò má đã tan đi, ưu tư đè nặng làm mắt cô trông tuyệt vọng, trũng sâu xuống sau làn da vàng vọt. Hễ thấy vắng cô ông đâm lo. Đến khi cô xuất hiện, ông hoàn hồn nhưng lại thấy não lòng.

Một thời gian dài ông không có gì để ghi tiếp vào tập hồ sơ vụ của tôi, nhưng mấy tháng sau này có vài dữ kiện mới được ghi thêm vào sổ tang vật: tên một người nữa có thể đã là nạn nhân, bà Sophie Cichetti, tên anh con trai và một biệt hiệu của George Harvey. Có cả món ông đang cầm trong tay: viên đá hộ mệnh Pennsylvania của tôi. Ông bỏ nó vào bao tang vật, lấy mấy ngón tây mân mê các thứ, và một lần nữa, lại tìm thấy mấy chữ cái hoa viết tắt tên của tôi. Viên đá đã được kiểm nghiệm xem từ đó có thể truy ra manh mối nào nữa không nhưng ngoài chuyện nó được tìm thấy ở chỗ một cô gái khác bị giết ra, không thấy thêm dấu vết nào dù soi dưới kính hiển vi.

Ngay sau khi xác định được là viên đá thuộc về tôi, ông đã muốn trao lại cho bố tôi. Làm thế là vi phạm quy định, nhưng ông đã không tìm ra thi thể đứa con gái để giao trả cho gia đình tôi, chỉ có một mỗi quyển sách học vấy bấn, vào trang sách môn sinh vật học của tôi kèm bức thư tỏ tình của một cậu trai. Một vỏ chai Coca. Cái mũ đính chuông của tôi. Ông đã ghi vào danh sách và giữ lại những thứ này. Nhưng với viên đá này thì khác, ông định sẽ trao trả.

Một cô y tá, đi lại với ông trong suốt những năm mẹ tôi ra, gọi điện báo cho ông khi thấy có tên Jack Salmon trong danh sách những bệnh nhân mới nhập viện. Ông Len quyết định sẽ vào nhà thương thăm và cầm theo viên đá. Trong thâm tâm ông thấy viên đá như một thứ bùa hộ mênh biết đâu có tác dụng giúp bố tôi chóng bình phục.

Nhìn ông tôi không khỏi nghĩ tói những thùng chứa chất thải độc hại, càng ngày càng nhiều, chất ở khu đất phía sau tiệm sửa mô-tô của anh Hal, nơi cỏ rậm đầy hai bên đường ray xe lửa, che đậy việc những hang xưởng ở quanh đó thỉnh thoảng đem vứt bậy bạ đoi ba thùng. Những chuyện đó được ém nhẹm, những lô thùng đó bắt đầu rò rỉ. Trong những năm sau khi mẹ tôi bỏ đi, tôi thấy ông Len đáng thương nhưng cũng đáng nể. Ông lần theo những tang vật cụ thể để qua đó cố nắm bắt những điều không thể lĩnh hội bằng lý trí được. Về mặt này tôi nhìn nhận, ông cũng giống như tôi.

Trước cửa nhà thương có một cô bé đứng bán những bó hoa thủy tiên nho nhỏ, các cánh hoa màu xanh được bó lại, thắt nơ màu tím hoa oải hương. Tôi nhìn mẹ tôi lúc bà hỏi mua toàn bộ lô hoa của cô.

Cô y tá Eliot đã thấy mẹ tôi tôi tám năm về trước, nay vẫn nhận ra khi bà ôm mớ hoa từ đầu kia của hành lang lại, sốt sắng đòi phụ một tay. Cô lấy thêm vài lọ hoa để trong phòng chứa dụng cụ rồi cùng mẹ tôi đổ nước, cắm hoa trưng bày khắp phòng trong lúc bố tôi còn thiếp ngủ. Cô Eliot thầm nghĩ nếu đem sự mất mát thất bại ra để đo đạc nhan sắc của người đàn bà thì xem ra sau khi mất mát mẹ tôi trong lại còn kiều diễm hơn xưa.

Lindsey, Samuel và bà ngoại Lynn đã đưa Buckley về nhà từ lúc trời mới sập tối. Mẹ tôi thấy lòng mình chưa sẵn sàng để nhìn lại ngôi nhà. Bà để hết tâm trí vào bố tôi. Mọi chuyện khác tính sau, từ ngôi nhà cũng âm thầm trách bà quay đi, đến cậu con trai và cô con gái. Bà cần ăn gì đó lót dạ, cần thời gian để suy ngẫm. Thay vì vào quầy ăn tự phục vụ của nhà thương - ở đó đèn đóm sang trưng buộc bà cứ phải liên tưởng đến cố gắng của nhà thương nhằm giữ cho người ta tỉnh táo để đón nhận những tin xấu khác nữa - cà phê nhạt thếch, ghế cứng ngồi ê lưng, thang máy tầng nào cũng ngừng - bà rời tòa nhà ra cổng bước lên lối đi thoải mái.

Trời đã tối và trên bãi đậu xe, nơi nửa khuya hôm đó bà lái xe đến trong chiếc áo ngủ phong phanh, chỉ còn đậu đây đó dăm ba chiếc. Bà túm hai vạt chiếc áo len bà ngoại đưa cho kéo sát vào người.

Bà băng ngang qua bãi đậu xe, nhìn vào những chiếc xe tối om kia tìm những dấu hiệu để phỏng đoán về những người đang trong nhà thương. Trong một chiếc xe nọ băng nhạc nằm bừa bộn trên ghế cạnh người lái, trong một chiếc xe khác bà thấy thấp thoáng một chiếc ghế nịt cho trẻ em trông kềnh càng. Tìm xem có những thứ gì trong mấy chiếc xe này tự nhiên trở thành một trò chơi cho bà. Một cách để bà không cảm thấy cô đơn và xa lạ, như thể bà là đứa bé chơi trò dò xét lục lọi nhà các bạn bè của bố mẹ. Điệp viên Abigail báo cáo ban chỉ huy: tôi thấy một con chó bông lông xù, tôi thấy một quả bóng, tôi thấy một người đàn bà! Bà ta đấy, một người lạ đang ngồi sau tay lái. Bà ta không biết mẹ tôi đang nhìn mình. Thấy mặt bà ta rồi, mẹ tôi liền chăm chú quay nhìn những ngọn đèn sang trưng trong quá ăn cũ kỹ nọ, mục tiêu của bà ta. Bà không cần quay nhìn cũng biết người đàn bà kia đang làm gì. Bà ấy đang chuẩn bị để sẵn sàng đi vào trong đó. Bà biết nét mặt đó nói lên điều gì. Đó là nét mặt của kẻ không mong gì hơn là được sống ở bất cứ nơi đâu miễn không phải nơi mình đang sống.

Bà đứng trên vạt cỏ giữa bệnh viện và lối riêng vào phòng cấp cứu, thấy thèm một điếu thuốc. Sáng nay bà không kịp đặt câu hỏi nào. Jack bị nhồi máu cơ tim, bà phải về nhà ngay. Nhưng bây giờ, đứng ở đây bà không biết mình nên làm gì nữa. Bà sẽ còn phải chờ ở đây bao lâu, sẽ còn xảy ra những chuyện gì trước khi bà ra đi lần nữa? Bà nghe phía sau, trên bãi xe, tiến mở rồi đóng cửa xe - người đàn bà kia đi vào trong bệnh viện.

Bà cảm nhận cái quán ăn như một nơi chốn mơ hồ mờ ảo. Bà ngồi một một mình một góc, gọi một món - thịt gà tẩm bột chiên - hình như ở California không thấy ở đâu bán.

Bà đang ngẫm nghĩ thì thấy người đàn ông ngồi ngay góc đối diện đưa mắt tình tứ nhìn bà, bà để ý ngay từng chi tiết diện mạo của y. Bà làm một cách tự động, thế nhưng suốt thời gian ở miền Tây nước Mỹ bà không hề có phản ứng tương tự. Sau ngày tôi bị giết và bà vẫn còn ở Pennsylvania, hễ thấy một người đàn ông có thái độ lạ, khả nghi, lập tức đầu óc bà tự động làm công việc phân tích đó. Phản xạ chớp nhoáng - phải nhìn nhận nỗi sợ cũng có mặt thực dụng thật - khiến không kịp tự bảo mình đừng nên suy đoán như thế. Món ăn được bưng ra, gà chiên và nước trà, bà để hết tâm trí vào món ăn, vào lớp bột chiên lộm cộm bọc miếng thịt dai và thứ nước trà pha từ lâu mang vị sắt của bình trà. Bà nghĩ chắc sẽ không ở lại nhà lâu hơn vài ngày. Nhìn đâu bà cũng thấy tôi, nhìn sang góc đối diện bà thấy người đàn ông, nghĩ biết đâu hắn chính là kẻ đã giết tôi.

Bà ăn cho xong bữa, trả tiền và rời khỏi quán, mắt không ngước nhìn cao quá tầm thắt lưng. Cái chuông treo ở cửa ra vào gõ kính coong vang trên đầu làm bà giật thót người, tim như nhảy dựng trong lồng ngực.

Bà đi trở lại lộ trình cũ, băng qua đường cao tốc, nhưng thấy mình hụt hơi khi đi ngang bãi đậu xe. Chiếc xe của người đàn bà lo âu khắc khoải vẫn còn đó.

Trong tiền sảnh, nơi ít có ai dừng chân, bà quyết định ngồi xuống, chờ đến khi nhịp thở bình thường trở lại.

Bà sẽ ngồi bên chồng vài tiếng đồng hồ, và khi ông thức giấc, bà sẽ nói lời giã biệt. quyết định rồi bà thấy như có luồng khí mát thổi qua bản thân. Cảm giác như đột nhiên trút bỏ được gánh nặng trách nhiệm. tấm vé đưa bà đến một nơi xa xôi.

Lúc ấy đã khuya, sau mười giờ tối, bà lấy thang máy lên tầng năm, hành lang chỉ để đèn mờ. Bà đi ngang qua phòng trực, hai cô y tá ngồi sau cửa kính đang chuyện trò khe khẽ. Bà nghe được qua thanh điệu trầm bổng nỗi thú vị của họ khi kháo nhau về đủ loại tin đồn, âm thanh của kiểu thân mật thổ lộ những điều riêng tư thầm kín. Thế rồi, đúng lúc một cô y tá không nén được phá lên cười khanh khách, mẹ tôi mở cửa phòng bố tôi nằm, để cửa tự sập lại.

Đơn độc.

Khi cánh cửa sập lại thì trong phòng không khí như bị hút mất, chỉ còn khoảng chân không. Tôi cảm thấy ở đây không có chỗ cho mình, tôi cũng nên rời phòng này. Nhưng tôi như bị chôn chân tại chỗ.

Nhìn ông thiếp ngủ trong đêm, trong ánh tù mù của ngọn đèn huỳnh quang công suất thấp gắn phía sau đầu giường, bà hồi tưởng lại lúc mình đứng cũng trong nhà thương này, rồi sau đó đi những bước đầu đưa bà rời xa ông.

Khi bà cầm lấy tay ông, tôi nhớ đến cảnh cùng ngồi với em gái tôi dưới bức phù điêu treo ở hành lang trên lầu. Tôi đóng vai chàng hiệp sĩ quá cố lên thiên đường với con chó trung thành, còn em đóng vai vị hôn thê tính khí sôi nổi. “Sao lại buộc tôi phải chịu cầm tù nốt quãng đời còn lại với một người đàn ông thi thể đông cứng thế kia?” Đó là câu nói Lindsey ưa thích nhất.

Mẹ tôi ngồi một lúc lâu, ấp bàn tay ông trong hai bàn tay mình. Bà thầm nghĩ giá nằm cạnh ông trên tấm khăn giường tinh tươm kia hẳn tuyệt vời lắm. Và biết là không thể làm vậy được.

Bà cúi người gần lại. khuất đâu dưới mùi thuốc tẩy trùng và mùi cồn, bà vẫn ngửi được thứ mùi của cỏ từ làn da ông. Ngày ra đi, bà gói theo chiếc áo của bố tôi mà bà thích nhất, thỉnh thoảng bà lấy ra khoác lên người chỉ để có chút hơi hướng của ông. Bà không bao giờ mặc đi ra ngoài, nên vải vẫn giữ được mùi ông lâu. Bà nhớ lại một đêm nọ, khi nhớ ông quay quắt, bà lấy áo bọc gối rồi ôm mà ngủ như thể mình vẫn là một nữ sinh trung học.

Qua cửa sổ đóng kín, bà vẫn nghe tiếng xe cộ rì rầm vẳng đến từ phía xa lộ, bệnh viện giờ này đã đóng hẳn cổng. chỉ còn tiếng đế giày cao su của các cô y tá trực đêm khi họ đi ngoài hành lang ngang qua cửa phòng.

Mùa đông vừa rồi, có lần bà nói với một cô cùng bà rót vang cho khách thử vào những ngày thứ Bảy, rằng trong quan hệ nam nữ bao giờ cũng có một người mạnh hơn người kia. “Song không có nghĩa kẻ yếu hơn không yêu thương người mạnh hơn mình đâu nhé,” bà biện hộ. Cô kia ngẩn ra nhìn bà. Nhưng với mẹ tôi thì điều quan trọng là khi nói thế bà chợt tự xem mình chính là kẻ yếu. Khám phá ra điều này khiến bà choáng váng cả người. Chẳng phải suốt bao nhiêu năm qua bà hoàn toàn nghĩ ngược lại như thế hay sao?

Bà kéo ghế lại thật gần chỗ ngang đầu ông, áp má vào mép gối để nhìn ông thở, nhìn mắt ông khẽ giật dưới mí khi đang nằm mơ. Sao lại có chuyện ta yêu say đắm một người nào đó, nhưng lại không chịu tự thú nhận với chính mình, rồi ngày lại ngày bừng mắt thức dậy ở một nơi xa nhà vạn dặm? Bà đã đặt cả rừng biển quảng cáo và biết bao đường xe ở khoảng giữa hai người, quăng đầy chướng ngại vật chắn đường những nơi vừa đi qua, bẻ gãy kính chiếu hậu và tưởng bằng cách đó đã làm ông biến mất, đã tẩy xóa cuộc sống chung của hai người và cả con cái được rồi ư?

Điều đó quá đơn giản, khi bà lặng nhìn ông và hơi thở đều đặn của ông làm bà dịu lòng lại, đến nỗi mới đầu bà không nhận thấy chuyện gì đang xảy ra. Bà hình dung lại từng căn phòng trong ngôi nhà của chúng tôi và số lượng thời giờ bà trải qua khi sống trong đó, lượng thời gian mà bà đã bỏ nhiều công sức để xóa khỏi ký ức. tương tự các thức quả ta đã bỏ lọ ngâm rồi quên bẵng đi, đến lúc quay về hình như vị ngọt ngào của nó càng tinh khiết hơn. Trên giá sách kia là dấu vết những cuộc hẹn hò và những trò vụng dại thời họ mới si mê nhau, dải băng nối kết hình thành từ mơ mộng, gốc rễ bền chắc từ đó một gia đinh nẩy mầm đơm hoa. Chứng cớ hiển nhiên đầu tiên của thời đó là tôi.

Bà nhận ra có một nếp nhăn mới trên mặt bố tôi. Bà thấy ưa mảng tóc bạc hai bên thái dương ông.

Quá nửa đêm một lúc bà thiếp đi dù cố chong mắt thức, cố ghi nhớ lại toàn bộ những gì bà thấy khi ngắm nhìn gương mặt kia, để khi ông thức giấc bà có thể từ giã ông.

Khi bà khép mắt lại và cả hai ngủ thiếp êm đềm bên nhau, tôi thì thầm với bố mẹ:

Này là sỏi đá, này là mẩu xương;

Này là tuyết, còn đây sương giá;

Này là hạt mầm, hạt đậu, còn đây nòng nọc.

Lối mòn và cành nhánh, bao nhiêu là nụ hôn,

Mọi người đều rõ Susie nhớ ai…

Gần hai giờ sáng, trời đổ mưa, mưa rơi xuống nhà thương, xuống ngôi nhà cũ của tôi và cả trên thiên đường nữa. Mưa rơi cả trên mái tôn chiếc lán nơi tên Harvey nằm ngủ. khi mưa gõ những chiếc búa tí hon phía trên đầu hắn thì hắn đang mơ. Hắn không mơ thấy cô gái mà hài cốt đã được đào lên hiện đang được kiểm nghiệm, mà mơ thấy Lindsey Salmon, mơ tới hàng số 5! 5! 5! nhảy bừa vào bụi hương mộc. Giấc mơ trở lại như điềm báo mỗi khi hắn cảm thấy bị đe dọa. kể từ giây phút ánh dạ quang trên chiếc áo cầu thủ của em chớp lóe sáng, cuộc sống của hắn cũng bắt đầu chao đảo.

Lúc gần bốn giờ sáng tôi thấy mắt bố tôi mở hé, thấy ông cảm nhận được hơi thở ấm áp của mẹ tôi phả lên má trước cả khi hiểu ra bà đang nằm ngủ kề bên. Cả hai bố con đều ước rằng ông ôm lấy bà, nhưng ông yếu quá. Còn một cách khác, và ông đã chọn cách này. Ông sẽ kể cho bà những điều ông cảm nhận sau cái chết của tôi, những điều ông thường hay nghĩ tới mà ngoài tôi ra không ai biết

Nhưng ông không muốn làm bà thức giấc. Bệnh viện hoàn toàn yên ắng, trừ tiếng mưa rơi. Ông cảm thấy mưa cứ theo đuổi mình, cả bóng đêm vào hơi ấm nữa, ông nghĩ tới cảnh Lindsey và Samuel đứng trước cửa nhà, ướt lướt thướt nhưng tươi cười, sau cuộc chạy bộ đường trường chỉ để ông yên bụng. ông hay bắt gặp mình đang lẩm nhẩm để tự nhắc phải tập trung đầu óc: Lindsey. Lindsey. Lindsey. Buckley. Buckley. Buckley.

Nhìn màn mưa bên ngoài cửa sổ bị ánh đèn trên bãi đậu xe rọi thành các quầng tròn, ông hồi tưởng lại những cuộn phim đã xem thời trẻ - mưa Holywoood. Ông nhắm mắt lại, cảm nhận hơi thở vỗ về của bà phả vào má, lắng nghe tiếng mưa rơi nhè nhẹ trên bệ cửa sổ bằng kim loại, rồi ông nghe tiếng chim hót - những con chim nhỏ kêu chiêm chiếp, nhưng ông không nhìn thấy chúng. Chợt nghĩ, sát bên cửa sổ biết đâu có một tổ chim, lũ chim non thức dậy trong mưa thấy chim mẹ đi mất, ông muốn ra cứu chúng. Ông cảm thấy những ngón tay buông thõng của bà, khi thiếp ngủ bà buông bàn tay ông ra. Bà đang ở đây và lần này, không cần biết đến bao chuyện đã xảy ra, ông sẽ để bà được sống trung thực con người mình.

Lúc ấy tôi lẻn vào trong phòng đứng với mẹ và bố tôi. Tôi hiện diện nhưng với tư cách một người trưởng thành, sự kiện trước nay chưa hề có. Tôi luôn có mặt bên bố mẹ, nhưng chưa từng đứng ngay bên cạnh.

Trong bóng tối tôi thu người cho nhỏ đi mà chẳng rõ có ai thấy mình không. Suốt tám năm rưỡi qua ngày nào tôi cũng rời xa ông vài giờ, như tôi đã rời xa mẹ, Ruth hay Ray, rời xa em trai, em gái tôi, và tất nhiên cả tên Harvey, còn ông - đến nay tôi mới biết - chưa bao giờ rời xa tôi. Tấm lòng tha thiết của ông đối với tôi khiến tôi luôn hiểu rằng: mình được thương yêu. Trong vầng sáng ấm áp của tình thương ông dành cho, tôi vẫn mãi là Susie Salmon, một cô bé với cả tương lai phía trước.

“Anh nghĩ nếu nín thinh thì sẽ nghe được tiếng em,” ông thì thầm. “Nếu anh lặng yên thì biết đâu em sẽ quay về.”

“Jack đó ư?”, mẹ tôi nói khi bừng tỉnh dậy. “Em thiếp đi lúc nào không biết.”

“Có em bên cạnh thật tuyệt vời,” ông nói.

Mẹ tôi nhìn ông. Mọi thứ tháo mở, bật tung ra hết. “Anh có cách nào vậy?”, bà hỏi.

“Đâu có gì khác để lựa chọn, hở Abbie,” ông nói. “Anh biết làm gì khác hơn?”

“Ra đi, làm lại từ đầu,” bà bảo.

“Thế kết quả ra sao?”

Cả hai lặng thinh. Tôi chìa tay ra rồi tan biến, mất hút.

“Sao em không nằm xuống đây?” ông hỏi. “Mình còn ít phút với nhau trước khi các viên chức mẫn cán đến xua em đi khỏi đây.”

Bà ngồi yên.

“Họ tử tế với em lắm,” bà nói. “Cô y tá Eliot phụ em đổ nước cắm hoa lúc anh còn ngủ.”

Ông nhìn quanh, nhận ra đó là loại hoa nào. “Thủy tiên”, ông nói.

“Hoa Susie ưa đấy.”

Bố tôi nhoẻn miệng cười thật tươi. “Em thấy chưa,” ông nói. “Chỉ cần thế. Em sống bằng cách chấp nhận, bằng việc tặng con một bông hoa.”

“Sống vậy buồn quá,” mẹ tôi nói.

“Buồn thật”, ông đáp, “nhưng phải vậy thôi.”

Mẹ tôi phải khéo léo mới nằm nghiêng trên mép giường bệnh được. Họ tìm được thế nằm duỗi dài bên nhau, nhìn vào mắt nhau.

“Em thấy sao khi gặp lại Buckley và Lindsey?”

“Thật quá khó cho em,” bà đáp.

Họ im lặng một lúc rồi ông siết tay bà.

“Trông em có đổi khác đấy,” ông nói.

“Anh muốn nói là em già đi chứ gì?”

Tôi nhìn ông nâng một lọn tóc của bà quấn vào vành tai. “Suốt thời gian em đi vắng anh lại phải lòng em lần nữa đấy,” ông nói.

Tôi ước gì được ở vào cương vị của bà. Tình yêu của ông đối với mẹ tôi không chỉ dành cho con người bà trong quá khứ hay một con người bất biến. Đó là thương yêu mọi mặt - cả tính cách mỏng manh yếu đuối, và quyết định trốn chạy của bà, yêu vì bà có mặt ở đây đúng vào lúc này, trước khi mặt trời mọc và nhân viên bệnh viện vào đây. Đó là cử chỉ lấy mấy ngón tay vuốt tóc bà, và biết bây giờ ông có thể phóng xuống đáy thẳm đôi mắt đại dương của bà không chút lo âu.

Mẹ tôi không mở miệng nói nổi câu: “Em yêu anh.”

“Em sẽ ở lại chứ?”, ông hỏi.

“Một thời gian ngắn.”

Ít ra cũng được thế.

“Được”, ông nói. “Thế em trả lời sao khi mấy người ở California hỏi thăm về gia cảnh?”

“Miệng thì trả lời là có hai đứa con. Nhưng trong thâm tâm em vẫn nói là ba đứa. Lúc nào em cũng thấy phải xin lỗi nó về chuyện đó.”

“Em có nhắc đến chồng không?” ông hỏi.

Bà nhìn ông: “Không.”

“Chết thật!”, ông nói.

“Jack, em trở về đây không phải để giả cách này nọ,” bà đáp.

“Thế em quay về vì sao nào?”

“Mẹ gọi cho em. Bà bảo anh bị nhồi máu cơ tim, em mới liên tưởng đến bố của anh.”

“Em sợ anh chết mất chứ gì?”

“Đúng thế.”

“Hồi nãy em ngủ,” ông nói. “Nên không trông thấy nó.”

“Thấy ai?”

“Có người vào phòng này rồi lại đi ra. Anh tin rằng đó là Susie.”

“Jack?”, bà hỏi lại, nhưng thực sự không hoảng sợ lắm.

“Đừng bảo rằng em không trông thấy con.”

Bà không phản bác nữa.

“Em nhìn đâu cũng thấy nó,” bà nói, thở ra nhẹ nhõm. “Tận bên California chỗ nào cũng có nó. Lúc thì trên xe buýt, lúc đứng trước trường học, khi em lái xe qua. Có khi em thấy mái tóc nó, nhưng nhìn lại thì khuôn mặt không khớp. Hoặc em thấy hình dạng nó hay tướng nó đi đứng. Em thấy những cô chị lớn hơn nó một chút với những em trai nhỏ hay hai bé gái trong như chị em, rồi em tưởng tượng tất cả những gì Lindsey bị lấy mất khỏi cuộc đời của nó: mối quan hệ với chị cả mà nó và Buckley không được phép có nữa, thế rồi ý nghĩ đó lại làm em choáng váng, bởi em cũng bỏ đi mất. Những chuyện này sẽ đè nặng lên anh, và cả lên mẹ em nữa.”

“Bà cụ thật tuyệt vời,” ông nói, “một tảng đá. Tuy xốp như bọt biển, nhưng là cả một tảng đá.”

“Em cũng thấy thế.”

“Vậy nếu anh kể rằng cách đây mười phút Susie có mặt trong căn phòng này thì em sẽ nói gì nào?”

“Em sẽ bảo chắc anh loạn trí mất rồi và cũng có thể anh nói đúng.”

Bố tôi hơi rướn lên, đưa ngón tay lần lên sống mũi bà rồi đặt lên môi bà. Lúc ấy môi bà khẽ hé mở.

“Em phải cúi xuống thôi,” ông nói. “Anh vẫn là bệnh nhân mà.”

Rồi tôi nhìn bố mẹ hôn nhau. Họ vẫn mở mắt trong khi hôn, và mẹ tôi là người đầu tiên khóc, nước mắt bà tuôn rơi lã chã trên má bố tôi mãi, cho đến lúc ông cũng khóc theo.