Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 05 - Phần 01

Lữ Hậu bản kỷ

1. Lữ thái hậu là vợ của Cao Tổ từ lúc còn hàn vi, sinh Hiếu Huệ Đế, con gái là Lỗ Nguyên thái hậu. Khi Cao Tổ làm Hán Vương, lấy Thích Cơ, người Định Đào, rất yêu quý, sinh Triệu Ẩn Vương, tên là Như Ý. Hiếu Huệ là người nhân từ, yếu đuối; Cao Tổ cho là không giống mình, thường muốn phế truất, lập Như Ý là con của Thích Cơ: “Như Ý giống ta”. Thích Cơ được Cao Tổ yêu, thường đi theo nhà vua đến phía đông cửa ải, ngày đêm khóc lóc muốn lập con mình để thay Thái tử. Lữ Hậu tuổi cao thường ở nhà, ít khi gặp mặt nhà vua, cho nên càng bị bỏ rơi. Như Ý được lập làm Triệu Vương, đã mấy lần suýt thay Thái tử. Nhờ có các quan đại thần can ngăn và nhờ có mưu kế của Lưu Hầu cho nên Thái tử mới không bị truất (1).

Lữ Hậu là con người cứng rắn, quyết đoán giúp Cao Tổ bình định thiên hạ.

Các quan đại thần bị Cao Tổ giết phần lớn do sức của Lữ Hậu (2). Hai người anh Lữ Hậu đều làm tướng: người anh cả là Chu Lữ Hầu, chết vì nhiệm vụ, người em là Lữ Thái được phong làm Lịch Hầu, và Lữ Sản được phong làm Giao Hầu. Người anh thứ hai là Lữ Thích Chi làm Kiến Thành Hầu (3).

2. Năm thứ mười hai (195 trước công nguyên) tháng tư, ngày giáp Thìn, Cao Tổ mất ở cung Trường Lạc. Thái tử nối ngôi làm Hoàng đế. Lúc bấy giờ, Cao Tổ có tám người con. Người thứ nhất là Phi, anh của Hiếu Huệ, nhưng khác mẹ. Phi làm Tề Vương. Còn tất cả đều là em của Hiếu Huệ. Con của Thích Cơ, tên là Như Ý, làm Triệu Vương; con của Bạc Phu Nhân tên là Hăng làm Đại Vương; những người con của những người vợ khác là Khôi làm Lương Vương, Hữu làm Hoài Dương Vương, Trương làm Hoài Nam Vương, Kiến làm Yên Vương. Em của Cao Tổ tên là Giao làm Sở Vương; con của người anh Cao Tổ tên là Tỵ lên làm Ngô Vương. Còn không phải họ Lưu thì có Thần con của công thần Ngô Nhuế (làm phiên quân) được làm Trường Sa Vương. Lữ Hậu hết sức oán giận Thích phu nhân và người con của phu nhân là Triệu Vương, bèn sai giam Thích phu nhân ở cung Vĩnh Hạng và mời Triệu Vương đến. Sứ giả ba lần trở về. Kiến Bình Hầu Chu Xương làm tướng quốc nước Triệu bảo sứ giả :

- Cao Đế giao phó Triệu Vương cho tôi. Triệu Vương hãy còn ít tuổi, tôi trộm nghe Thái hậu oán giận Thích phu nhân, muốn mời Triệu Vương về để giết cả hai mẹ con, tôi không dám cho nhà vua đi. Nhà cua lại bị bệnh không thể vâng theo chiếu.

Lữ Hậu cả giận, bèn sai người gọi tướng quốc nước Triệu về. Tướng quốc nước Triệu về đến Trường An, Thái hậu lại sai người mời Triệu Vương lần nữa.

Triệu Vương ra đi. Chưa đến kinh đô thì Hiếu Huệ Đế vốn là người nhân từ, biết Thái hậu giận, nên thân hành đón Triệu Vương ở Bá Thượng, rồi cùng vào cung, luôn luôn kèm Triệu Vương. Lúc Triệu Vương đi đứng, ăn uống, Huệ Đế đều ở bên cạnh. Thái hậu muốn giết Triệu Vương nhưng không có dịp nào.

Tháng mười hai, năm thứ nhất của Hiếu Huệ Đế (194 trước công nguyên)

nhà vua buổi sớm ra đi bắn. Triệu Vương nhỏ không thể dậy sớm. Thái hậu nghe tin Vương ở một mình bèn sai người mang thuốc độc đến cho Vương uống.

Lúc mờ sang, Hiếu Huệ về thì Triệu Vương đã chết. Sau đó Thái hậu cho Hoài Dương Vương tên là Hữu làm Triệu Vương.

Mùa hạ, Thái hậu ban chiếu truy tặng cha của Lịch Hầu (4) làm Lệnh Vũ Hầu. Thái hậu bèn chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt đốt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là “con người lợn”. Sau mấy hôm, Thái hậu cho gọi Hiếu Huệ Đế vào để xem “con người lợn”. Hiếu Huệ Đế thấy, hỏi; biết đó là Thích phu nhân, liền khóc rống lên. Do đó, Hiếu Huệ Đế mắc bệnh, trong hơn một năm không dậy được, sai người nói với Thái hậu :

- Việc đó không phải là việc con người làm (5)! Tôi là con của Thái hậu, không thể nào trị thiên hạ được!

Hiếu Huệ vì thế ngày đêm uống rượu chơi bời dâm dật, không nghe chính sự, cho nên mắc bệnh. Năm thứ hai, Nguyên Vương nước Sở, Điệu Huệ Vương nước Tề đều đến chầu. Tháng mười, Hiếu Huệ cùng ăn tiệc và uống rượu với Tề Vương trước mặt Thái hậu. Hiếu Huệ cho rằng Tề Vương là anh nên để ngồi ghế trên theo lễ những người trong nhà. Thái hậu nổi giận bèn sai rót hai chén thuốc độc đặt trước mặt mình, sai Tề Vương chúc thọ. Tề Vương đứng dậy.

Hiếu Huệ cũng đứng dậy nâng chén muốn cùng chúc thọ với Tề Vương. Thái hậu sợ quá, thân hành đứng dậy hất chén rượu của Hiếu Huệ. Tề Vương lấy làm lạ, do đó không dám uống, giả vờ say đi ra. Khi hỏi, biết đó là thuốc độc, Tề Vương sợ hãi, tự cho rằng không thể ra khỏi Tràng An nên rất lo lắng. Quan nội sử của Tề Vương tên là Sỹ nói với Tề Vương :

- Thái hậu chỉ có một mình Hiếu Huệ và công chúa Lỗ Nguyên. Nay nhà vua có hơn bảy mươi thành, mà công chúa chỉ có vài thành. Nếu nhà vua quả thực đem một quận dâng cho Thái hậu để làm ấp tắm gội của Công chúa thì Thái hậu thế nào cũng mừng rỡ và nhà vua cũng không phải lo ngại gì.

Tề Vương bèn dâng quận Thành Dương, tôn Công chúa Lỗ Nguyên làm Vương thái hậu. Lữ Hậu mừng rỡ bằng lòng bèn đặt tiệc rượu ở cung riêng của vua Tề (6), sau khi uống rượu vui vẻ, Thái hậu cho vua Tề trở về nước mình.

Năm thứ ba, bắt đầu xây thành Tràng An.

Năm thứ tư, thành xây xong được một nửa.

Năm thứ năm và năm thứ sáu, thành xây xong, chư hầu đến họp. Tháng mười, chư hầu triều cống chúc mừng (7).

3. Năm thứ bảy, mùa thu, tháng tám, ngày mậu dần, Hiếu Huệ Đế mất.

Phát tang (191 trước công nguyên). Thái hậu khóc nhưng không chảy nước mắt.

Người con của Lưu Hầu (8) là Trương Tích Cương làm thị trung mới mười lăm tuổi. Trương Tích Cương nói với Thừa tướng :

- Thái hậu chỉ có một mình Hiếu Huệ. Nay Hiếu Huệ mất, Thái hậu khóc không đau xót, ngài có biết tại sao không?

Thừa tướng nói :

- Tại sao vậy?

Tích Cương nói :

- Hoàng đế không có con lớn tuổi. Thái hậu sợ bọn các ông. Nay ông xin cho Lữ Thái, Lữ Sản, Lữ Lộc làm tướng, cầm quân giữ các đạo quân ở phía nam và phía bắc, cho những người họ Lữ vào giữ các chức vụ trong cung. Làm như thế thì Thái hậu sẽ yên tâm và bọn các ông may mà tránh khỏi tai họa.

Thừa tướng bèn làm theo kế của Tích Cương. Thái hậu mừng rỡ. Lúc ấy mới khóc thảm thiết (9). Uy quyền họ Lữ bắt đầu từ đó.

Thái hậu đại xá thiên hạ. Tháng chín, ngày tân sửu, chôn cất Huệ Đế. Thái tử (10) lên ngôi làm Hoàng đế vào lễ miếu Cao Tổ. Từ năm thứ nhất, tất cả các hiệu lệnh đều do Thái hậu đưa ra. Thái hậu gọi mệnh lệnh của mình là “chế”

(11), bàn việc muốn lập những người họ Lữ làm Vương. Thái hậu hỏi Tả thừa tướng là Vương Lăng. Vương Lăng nói :

- Cao Đế đã giết con ngựa trắng mà thề: “Ai không phải họ Lưu mà làm Vương thì thiên hạ cùng nhau đánh nó”. Nay Thái hậu phong cho họ Lữ làm Vương thì trái lời giao ước.

Thái hậu không bằng lòng, hỏi Tả thừa tướng Trần Bình, Giáng Hầu Chu Bột. Bọn Chu Bột trả lời :

- Cao Đế bình định thiên hạ, phong con em của mình làm Vương. Nay Thái hậu gọi mệnh lệnh của mình là chế, phong anh em họ Lữ làm Vương thì có gì là không được?

Thái hậu mừng rỡ bãi triều.

Vương Lăng trách thầm Trần Bình và Giáng Hầu :

- Trước đây chúng ta cùng Cao Đế uống máu ăn thề, các ông không có ở đấy sao? Nay Cao Đế băng hà, Thái hậu là người đàn bà làm chủ cả thiên hạ, muốn phong cho họ Lữ làm Vương, các ông làm theo sở thích, hùa theo ý muốn của Thái hậu, làm trái giao ước thì còn mặt mũi nào mà thấy Cao Đế ở dưới đất nữa?

Trần Bình và Giáng Hầu nói :

- Hôm nay bẻ Thái hậu trước mặt, can gián giữa triều đình thì chúng tôi không bằng ông. Nhưng việc bảo toàn xã tắc, giữ vững cho con cháu họ Lưu thí ông sẽ không bằng chúng tôi.

Vương Lăng không biết trả lời như thế nào.

Tháng mười một, Thái hậu muốn bãi bỏ Vương Lăng, bèn cho Lăng làm Thái phó (12) của đế, cướp quyền Thừa tướng của Lăng. Lăng cáo bệnh xin về.

Thái hậu bèn cho Thẩm Tự Cơ làm Tả thừa tướng, Trần Bình làm Hữu thừa tướng. Tả thừa tướng không làm việc nước, xem xét việc trong cung như một viên lang trung lệnh. Tự Cơ được Thái hậu yêu từ trước, thường tin dùng. Các công khanh đều do ông ta mà giải quyết mọi việc. Thái hậu bèn truy tôn cha của Lịch Hậu làm Điệu Vũ Vương, muốn nhân đó dần dần phong cho những người họ Lữ làm Vương. Tháng tư, Thái hậu muốn phong cho những người họ Lữ làm hầu nên trước tiên phong những người công thần của Cao Tổ: Lang trung lệnh Vô Trạch được phong làm Bác Thành Hầu, Lỗ Nguyên công chúa chết được tặng tên thụy là Lỗ Nguyên Thái hậu. Con của Lỗ Nguyên là Yến được phong làm Lỗ Vương. Cha của Lỗ Vương là Trương Ngao được phong làm Tuyên Bình Hầu. Chương, con của Điệu Huệ Vương nước Tề, được phong làm Chu Hư Hầu. Thái hậu gả con gái của Lữ Lộc cho ông ta. Tướng quốc nước Tề tên là Thọ được phong làm Bình Định Hầu. Quan thiếu phủ tên là Diên được phong làm Ngô Hầu. Thái hậu muốn phong Vương cho họ Lữ nên trước đấy phong cho những người con của những người thiếp của Hiếu Huệ: Cường được phong làm Hoài Dương Vương; Bất Nghi được phong làm Thường Sơn Vương; Sơn được phong làm Tương Thành Hầu; Triều được phong làm Chỉ Hầu. Vũ được phong làm Hạp Quan Hầu. Thái hậu gợi ý cho các quan đại thần, các quan đại thần xin lập Lịch Hầu Lữ Thái làm Lữ Vương. Thái hậu ưng thuận. Lữ Thích Chi làm Khang Hầu ở Kiến Thành mất, người con nối nghiệp có tội bị truất, người con út là Lữ Lộc được lập làm Hồ Lăng Hầu, để nối tiếp Khang Hầu. Hai năm sau, Thường Sơn Vương mất. Thái hậu cho người em của Thường Sơn Vương là Tương Thành Hầu tên là Sơn làm Thường Sơn Vương, đổi tên ông là Nghĩa.

Tháng mười một, Lữ Vương là Thai mất, được tặng tên thụy là Túc Vương.

Thái tử Gia thay thế được lập làm Vương. Năm thứ ba, không có việc gì. Năm thứ tư, phong Lữ Tu làm Lâm Quang Hầu (13), Lữ Đà làm Thân Hầu, Lữ Canh Thủy làm Chuế Kỳ Hầu, Lữ Phẫn làm Lữ Thành Hầu và phong năm người làm Thừa tướng của chư hầu.

Con gái của Tuyên Bình Hầu làm Hiếu Huệ hoàng hậu, không có con, giả làm có mang lấy con một người thiếp làm con mình, và lập làm Thái tử, rồi giết người mẹ. Hiếu Huệ mất, Thái tử được lập làm Hoàng đế. Khi Đế lớn lên, nghe nói mẹ mình bị giết, mình không phải là con của Hoàng hậu, bèn nói :

- Hoàng hậu làm sao có thể giết mẹ ta mà gọi ta là con? Giờ ta còn bé, nếu ta trưởng thành thì sẽ thay đổi.

Thái hậu nghe tin ấy lấy làm lo lắng, sợ Đế làm loạn, bèn giam Đế ở cung Vĩnh Hạng, nói rằng Hoàng đế bị mắc bệnh nặng. Các quan hầu không được thấy mặt. Lữ Hậu nói :

- Ai có thiên hạ là nắm cái vận mệnh của vạn dân cũng như trời che đất chở vậy. Nhà vua trong lòng vui vẻ để làm cho trăm họ được yên; trăm họ vui vẻ để thờ phụng nhà vua. Trên dưới vui vẻ hòa hợp nên thiên hạ được yên. Nay Hoàng đế mắc bệnh đã lâu không khỏi, lại mất trí, hôn loạn, không thể tiếp tục phụng thờ tôn miếu xã tắc, không thể giao phó thiên hạ được. Cần phải thay người khác.

Quần thần đều đập đầu nói :

- Hoàng thái hậu vì thiên hạ và toàn dân mà tính kế, để có thể làm cho tôn miếu xã tắc được yên ổn lâu dài. Bọn bầy tôi đập đầu tuân theo lời chiếu.

Đế bị phế truất, Lữ Hậu giam rồi giết đi. Tháng năm ngày bính thìn, lập Thường Sơn Vương tên là Nghĩa làm đế, đổi tên là Hoàng, nhưng không gọi là năm đầu vì Thái hậu ra các chế để trị thiên hạ. Thái hậu phong Chỉ Hầu tên là Triều làm Thường Sơn Vương, đặt chức quan Thái úy. Giáng Hầu Chu Bột được làm Thái úy.

Năm thứ năm, tháng tám, Hoài Dương Vương chết, người em tên là Vũ làm Hồ Quan Hầu được phong làm Hoài Dương Vương. Tháng mười năm thứ sáu, Thái hậu nói :

- Lữ Vương tên là Gia ăn ở kiêu ngạo hống hách nên bị truất phế. Cho Lữ Sản, em của Túc Vương Thai làm Lữ Vương.

Mùa hạ, đại xá thiên hạ, phong Hưng Cư, con của Điệu Huệ Vương nước Tề, làm Đông Mâu Hầu. Năm thứ bảy tháng giêng, Thái hậu cho mời Triệu Vương Hữu đến. Hữu lấy con gái họ Lữ làm Hoàng hậu, nhưng không yêu mà yêu người vợ khác. Người con gái họ Lữ ghen, giận bỏ đi, gièm với Thái hậu, vu tội ông ta đã nói: “Họ Lữ làm sao làm Vương được? Nếu Thái hậu trăm tuổi rồi, thế nào ta cũng sẽ đánh họ”.

Thái hậu nổi giận, cho mời Triệu Vương đến. Thái hậu cho ở trong cung điện riêng không cho yết kiến. Thái hậu sai bọn vệ binh vây giữ, không cho ăn uống. Bọn bầy tôi có người đưa cơm trộm, Thái hậu liền bắt và trị tội. Triệu Vương đói bèn hát :

Họ Lữ chuyên quyền, họ Lưu nguy

Bức hiếp vương hầu, ép gả phi

Đàn bà ghét ghen vu việc ác,

Bọn hại nước kia, trên chẳng xét.

Ta không tôi trung, sao về đây?

Chết nơi đồng hoang còn thơm lây

Hối đã muộn! Thà tự sát,

Làm vua chết đói, ai thương xót?

Riêng cậy trời cao trả hận cừu,

Giết bọn bạo tàn cứu họ Lưu.

Ngày đinh sửu, Triệu Vương bị giam mà chết. Thái hậu chôn cất theo lễ người dân thường ở ngoài nghĩa địa của dân chúng ở Trường An. Ngày kỷ sửu, co nhật thực, ban ngày tối đen. Thái hậu ghét điều đó, trong lòng không vui bèn bảo các quan hầu :

- Đó là vì ta (14).

Tháng hai dời Lương Vương Khôi làm Triệu Vương. Lữ Vương Sản được dời làm Lương Vương. Lương Vương không về nước của mình, mà làm Thái phó của đế. Thái hậu lập Bình Xương Hầu Lữ Thai làm Lữ Vương, đổi tên đất Lương gọi là đất Lữ, và đất Lữ lại đổi là Tế Xuyên.

Người em gái của Thái hậu là Lữ Tu (15) có người con gái là vợ của Dinh Lăng Hầu Lưu Trạch. Trạch làm đại tướng quân. Thái hậu phong vương họ Lữ, sợ sau khi mình chết đi, Lưu tướng quân sẽ giết họ Lữ bèn cho Lưu Trạch làm Lang Gia Vương để làm vừa lòng ông ta.

Lương Vương Khôi bị dời đi làm Vương ở triệu trong lòng không vui. Thái hậu cho con gái của Lữ Sản là Hoàng hậu của Triệu Vương. Các quan theo hầu Hoàng hậu đều là những người họ Lữ, họ chuyên quyền và theo dõi ngầm Triệu Vương. Triệu Vương cảm thấy tù túng. Vương có người thiếp yêu quý bị Hoàng hậu sai người cho uống thuốc độc chết. Vương bèn làm bài ca gồm bốn đoạn, sai nhạc công hát. Vương đau buồn, tháng sáu thì tự sát. Thái hậu nghe tin ấy, cho là Vương vì một người đàn bà mà vứt bỏ lễ ở tôn miếu (16), bèn phế truất người thừa tự của Vương.

Tuyên Bình Hầu Trương Ngao chết. Người con là Yến được phong làm Lỗ Vương. Ngao được tặng tên thụy là Lỗ Nguyên Vương. Mùa thu, Thái hậu sai sứ giả nói với Đại Vương (17) muốn đưa Đại Vương đi làm vua ở Triệu. Đại Vương từ tạ xin giữ biên giới của đất Đại. Thái phó là Sản và Thừa tướng là Bình nói với Vũ Tín Hầu Lữ Lộc là vị hầu lớn nhất, địa vị cao nhất vậy xin lập làm Triệu Vương. Thái hậu ưng thuận, truy tôn cha của Lộc là Khang Hầu làm Triệu Chiêu Vương. Tháng chín, Yên Linh Vương Lưu Kiến chết. Ông ta có một con là con người thiếp, Thái hậu sai giết đi nên không có người nối dõi và nước bị bỏ. Năm thứ tám, tháng mười, lập con của Lữ Túc Vương là Đông Bình Hầu Lữ Thông làm Yên Vương, phong em trai của Thông là Lữ Trang làm Đông Bình Hầu (18). Vào giữa tháng ba, Lữ Hậu đi tế về qua Chỉ Đạo, thấy một con vật như con chó xanh ở bên nách của mình rồi đột nhiên không thấy nữa. Sai bói xem thì nói đó là con ma của Triệu Vương Như Ý. Cao Hậu tự nhiên bị bệnh đau ở nách.

Cao Hậu cho rằng người cháu ngoại của mình là Yến, làm Lỗ Nguyên Vương, ít tuổi, mất cha mẹ từ lúc còn nhỏ, cô độc yếu ớt, bèn phong cho hai người con của người vợ trước của Trương Ngao là Xỉ làm Tân Đô Hầu và Thọ làm Nhạc Xương Hầu để giúp Lỗ Nguyên Vương là Yến. Lại phong trương đại yết giả (19) Trương Thích làm Kiến Lăng Hầu, Lữ Vinh làm Chúc Tư Hầu, những người hoạn quan làm lệnh hay làm thừa đều được làm quan nội hầu, phong ấp năm trăm hộ để tiêu dùng. Vào giữa tháng bảy, Cao Hậu mắc bệnh nặng bèn sai Triệu Vương Lữ Lộc làm thượng tướng quân, coi cánh quân ở phía bắc, Lữ Vương là Sản coi cánh quân phía nam.

Lữ Hậu dặn Lữ Sản và Lữ Lộc :

- Sau khi bình định thiên hạ, Cao Đế có giao ước với các quan đại thần: “Ai không phải họ Lưu mà làm vua thì thiên hạ cùng đánh nó”. Nay họ Lữ làm Vương, các quan đại thần không chịu. Nếu ta chết đi, Hoàng đế còn ít tuổi, sợ các quan đại thần gây biến loạn. Ngươi phải cầm quân giữ lấy cung, chớ có đi theo đám tang, đừng để cho người nào áp chế mình.

Ngày tân tị, Cao Hậu chết. Di chiếu cho vua các nước chư hầu mỗi người một nghìn cây vàng. Các quan văn võ, liệt hầu, các quan lang và các viên lại đều được thưởng vàng theo trát của mình. Đại xá thiên hạ, cho Lữ Vương Sản làm tướng quốc, cho con gái của Lữ Lộc làm Hoàng hậu. Khi Cao Hậu đã chết, Tả thừa tướng là Thẩm Tự Cơ được làm Thái phó của đế (20).