Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 05 - Phần 02

3. Chu Hư Hầu Lưu Chương là người có dũng khí và sức mạnh. Đông Mâu Hầu Hưng Cư là em của ông ta. Hai người đều là em của Tề Ai Vương, sống ở Tràng An. Lúc bấy giờ, họ Lữ chuyên quyền muốn làm loạn nhưng sợ bọn đại thần của Cao Tổ là Giáng Hầu, Quán Hầu nên chưa dám khởi sự. Chu Hư Hầu lấy vợ là con gái Lữ Lộc, biết ngầm âm mưu ấy, sợ bị giết bèn sai người ngầm nói với người anh là Tề Vương, xin Tề Vương đem binh về hướng tây giết họ Lữ mà làm vua, còn Chu Hư Hầu cùng các quan đại thần sẽ làm nội ứng. Tề Vương muốn đem quân đi nhưng quan tướng quốc không nghe. Tháng tám ngày bính ngọ, Tề Vương sai người giết quan tướng quốc. Tướng quốc Thiệu Bình bèn làm phản, cầm quân muốn vây nhà vua. Nhà vua nhân đấy giết tướng quốc và đe, binh về phía đông, rồi dùng kế đánh lừa, đoạt binh của Lang Gia Vương rồi cầm đầu cả hai đạo quân mà đi về phía tây. Việc này kể trong phần nói về Tề Vương. Tề Vương đưa thư cho vua chư hầu nói: “Cao Đế bình định thiên hạ, phong cho các con em làm vua. Điệu Huệ Vương làm vua nước Tề, Điệu Huệ Vương chết. Hiếu Huệ Đế sai Lưu Hầu Trương Lương lập tôi làm Tề Vương. Khi Hiếu Huệ chết, Cao Hậu cầm quyền, tuổi cao, nghe lời bọn họ Lữ, chuyên quyền phế truất Hoàng đế lập người khác. Lại giết liên tiếp ba Triệu Vương, diệt các nước Lương, Triệu, Yên để phong vương cho họ Lữ, chia nước Tề làm bốn. Các trung thần can ngăn nhưng Cao Hậu bị mê hoặc không chịu nghe. Nay Cao Hậu mất đi, Hoàng đế tuổi còn nhỏ, chưa có thể trị thiên hạ, phải nhờ cậy ở các quan đại thần và chư hầu. Nhưng bọn họ Lữ lại chuyên quyền, tự tôn minh làm quan to, tu tập binh sĩ, uy hiếp dữ dội các liệt hầu và trung thần, tự ban hành các chế để sai khiến thiên hạ, khiến cho tôn miếu bị nguy. Quả nhân đem binh vào giết những kẻ không có quyền làm Vương”.

Nhà Hán nghe tin ấy. Bọn tướng quốc Lữ Sản bèn sai Dĩnh Âm Hầu Quán Anh cầm binh ra đánh. Quán Anh đến Huỳnh Dương bèn bàn mưu :

- Bọn họ Lữ nắm lấy binh quyền ở Quan Trung, muốn làm nguy hại đến họ Lưu mà tự lập. Nay nếu ta phá quân Tề quay trở về báo, tức là giúp thêm cho ho Lữ.

Quán Anh bèn ở lại, đóng đồn ở Huỳnh Dương, sai sứ giả về báo với Tề Vương và chư hầu, cùng nhau liên minh để đợi khi họ Lữ làm biến sẽ tiêu diệt.

Tề Vương nghe tin ấy bèn đem binh về biên giới phía tây, muốn chờ đợi giao ước. Lữ Lộc, Lữ Sản muốn gây loạn ở Quan Trung nhưng bên trong thì sợ bọn Giang Hầu, Chu Hư Hầu; bên ngoài thì sợ quân các nước Tề, Sở, lại sợ Quán Anh làm phản; muốn chờ khi nào quân của Quán Anh đánh nhau với quân của Tề thì sẽ khởi sự, trong lòng đang do dự chưa quyết định.

Lúc bấy giờ, Tế Xuyên Vương Thái, Hoài Dương Vương Vũ, Thường Sơn Vương Triều, về danh nghĩa (21) là em của thiếu đế (22) lại là cháu ngoại của Lỗ Nguyên Vương (23) con Lữ Hậu. Họ đều còn ít tuổi và chưa về nước mà vẫn ở Trường An. Triệu Vương Lữ Lộc và Lương Vương Lữ Sản đều cầm quân; một người cầm đầu đạo quân ở phía nam, một người cầm đầu đạo quân ở phía bắc.

Họ đều là người họ Lữ; các liệt hầu và quần thần ai cũng không chắc số mệnh mình sẽ sống. Quan Thái úy là Giáng Hầu Chu Bột lại không thể vào trong chỗ đóng quân để cầm đầu quân sĩ.

Khúc Chu Hầu Lịch Thương đã già và ốm, người con tên là Ký là bạn thân của Lữ Lộc. Giáng Hầu bèn bàn với Thừa tướng Trần Bình sai người ép Lịch Thương bảo người con của mình là Ký đến lừa Lữ Lộc nói :

- Cao Đế và Lữ Hậu cùng nhau bình định thiên hạ. Chín vua mà họ Lưu lập lên (24) và ba vua mà họ Lữ lập lên (25) đều do các quan đại thần bàn bạc và đã báo cáo cho các chư hầu, chư hầu đều cho là phải. Nay Thái hậu băng hà, đế còn ít tuổi, túc hạ mang ấn Triệu Vương không về ngay nước của mình để giữ đất phong, lại làm thượng tướng quân, cầm binh ở lại đây, thì sẽ bị các quan đại thần và chư hầu nghi ngờ. Tại sao túc hạ lại không trao ấn tướng quân cho Thái úy, nói với Lương Vương trả lại ấn tướng quốc (26) cùng ăn thề với các quan đại thần mà về nước? Làm thế thì quân của Tề sẽ được giải tán, các quan đại thần được yên ổn, túc hạ cứ cao gối mà nằm làm vua một nước, đất vuông ngàn dặm. Đó là cái lợi muôn đời.

Lữ Lộc tin theo cho kế ấy là phải, muốn trao ấn tướng quân và quân sĩ cho Thái úy. Lộc sai người báo điều đó với Lữ Sản và những người già cả trong họ Lữ. Có người bảo làm thế là tiện, có người bảo thế là không tiện. Kế ấy đang ở trong tình trạng do dự, chưa có gì được quyết định. Lữ Lộc tin theo lời Lịch Ký một hôm ra ngoài đi săn chơi, ghé qua nhà người cô là Lữ Tu. Lữ Tu cả giận nói :

- Mày làm tướng mà bỏ quân lính thì họ Lữ này sẽ không biết ở vào đâu!

(27)

Bèn đem tất cả châu ngọc, đồ quý báu vãi trong phòng, nói :

- Ta không công hơi đâu mà giữ của cho người khác.

Tả thừa tướng Tự Cơ miễn chức. Tháng tám, ngày canh thân vào buổi sáng, Bình Dương Hầu Tào Truất (28) làm chức ngự sử đại phu, yết kiến tướng quốc Lữ Sản bàn công việc. Lang Trung Lệnh Giả Thọ đi sứ ở Tề về, nhân đấy trách Sản :

- Nhà vua sao không sớm về nước, nay tuy muốn đi, đi làm sao được?

Và kể lại với Sản tất cả việc Quán Anh hợp cùng với quân Tề, Sở muốn diệt họ Lữ.

Giả Thọ liền giục Sản vào ngay trong cung (29). Bình Dương Hầu nghe được những lời này liền ruổi ngựa báo với Thừa tướng và Thái úy. Thái úy muốn vào chỗ đóng quân ở phía bắc nhưng không vào được. Tương Bình Hầu Kỷ Thông giữ các phù và các cờ tiết. Thái úy bèn bảo Kỷ Thông cầm cờ tiết giả làm lệnh vua trao cho Thái úy cầm đầu đạo quân phía bắc. Thái úy lại ra lệnh cho Lịch Ký và điển khách là Lưu Yết trước đấy thuyết phục Lữ Lộc, nói :

- Hoàng đế đã sai Thái úy cầm đạo quân phía bắc, muốn túc hạ trở về nước.

Xin túc hạ đưa ngay ấn tướng quân, cáo từ để về, nếu không thì tai họa xảy ra.

Lữ Lộc tin rằng Lịch Ký không lừa mình bèn cởi ấn trao cho viên điển khách và giao cho Thái úy cầm quân.

Thái úy cầm đầu binh sĩ, đi vào cửa quân, ra lệnh cho ba quân :

- Ai theo họ Lữ thì xắn tay áo bên phải lên, ai theo họ Lưu thì xắn tay áo bên trái lên!

Quân sĩ đều xắn tay áo bên trái theo họ Lưu. Thái úy vừa đến thì tướng quân Lữ Lộc cởi bỏ ấn thượng tướng quân mà ra đi. Thái úy bèn cầm đầu đạo quân phía bắc. Nhưng vẫn còn đạo quân phía nam. Bình Dương Hầu nghe câu chuyện (30) bèn báo cho Thừa tướng Trần Bình biết âm mưu của Lữ Sản. Thừa tướng Trấn Bình bảo Chu Hư Hầu giúp Thái úy. Thái úy ra lệnh Chu Hư Hầu xem xét cửa quân; ra lệnh cho Bình Dương Hầu bảo viên úy cầm đầu những người giữ cửa cung không cho tướng quốc Lữ Sản vào cửa điện. Lữ Sản không biết rằng Lữ Lộc đã rời bỏ đạo quân phía bắc, bèn vào cung Vị Ương, muốn làm loạn. Những người giữ cửa điện không cho Sản vào, Sản đang băn khoăn đi đi lại lại, Bình Dương Hầu sợ không thắng được, ruổi ngựa nói với Thái úy. Thái úy cũng còn sợ không thắng được họ Lữ nên chưa dám nói trắng là giết họ. Bèn sai người nói với Chu Hư Hầu :

- Vào ngay cung để bảo vệ Hoàng đế!

Chu Hư Hầu xin binh sĩ. Thái úy cấp cho hơn một nghìn người. Chu Hư Hầu vào cung Vị Ương, liền gặp Sản ở trong sân. Lúc bấy giờ là lúc ăn chiều.

Chu Hư Hầu đâm Sản. Sản bỏ chạy. Trời nổi gió to, cho nên các quan theo Sản hỗn loạn, không ai dám chiến đấu. Chu Hư Hầu bèn đuổi theo Sản và giết ở trong nhà tiêu của những người lại ở phủ lang trung.

Sau khi Chu Hư Hầu đã giết được Sản, đế sai yết giả cầm cờ tiết ra ủy lạo Chu Hư Hầu. Chu Hư Hầu muốn cướp cờ tiết (31) nhưng quan yết giả không chịu. Chu Hư Hầu liền cùng yết giả lên xe. Nhờ có cờ tiết làm tin nên xe cứ chạy thẳng vào, Chu Hư Hầu chém viên úy giữ cung Trường Lạc là Lữ Canh Thủy rồi quay ra, vào đạo quân phía bắc báo với Thái úy. Thái úy đứng dậy lạy mừng Chu Hư Hầu và nói :

- Người đáng lo nhất chỉ có Lữ Sản mà thôi! Nay Sản đã bị giết. Thế là thiên hạ yên rồi!

Bèn sai người chia nhau thành từng bộ phận, bắt tất cả những người họ Lữ, không kể trai gái, già trẻ đều chém hết.

Ngày tân dậu, bắt và chém Lữ Lộc, lấy roi đánh chết Lữ Tu, sai người giết Yên Vương Lữ Thông, phế truất Lỗ Vương Trương Yến. Ngày nhâm tuất, cho quan Thái phó của đế là Tự Cơ lại làm Tả thừa tướng. Ngày mậu thìn, dời Tế Xuyên Vương đến làm vua ở đất Lương, sai Chu Hư Hầu là Chương giết bọn họ Lữ và báo việc ấy với Tề Vương, bảo Tề Vương bãi binh. Quân sĩ của Quán Anh ở Huỳnh Dương cũng rút về.

Chư hầu và các quan đại thần bàn mưu với nhau :

- Thiếu đế và các vua Lương Vương, Hoài Dương Vương, Thường Sơn Vương đều không phải con Hiếu Huệ. Lữ Hậu dùng mưu lấy con người khác, giết mẹ của họ, nuôi họ ở hậu cung bảo Huệ Đế nhận là con lập lên để làm người nối dõi và làm Vương nhằm làm cho họ Lữ thêm mạnh. Nay chúng ta đã giết hết họ Lữ mà lại để người của họ lập lên, đến khi lớn Thiếu Đế cầm quyền thì chúng ta sẽ mất nòi. Không bằng xem trong các Vương người nào tài giỏi nhất thì ta lập nên.

Có người nói Tề Điệu Vương là con trưởng của Cao Đế, nay người con đầu làm Tề Vương, nếu cứ xét đến gốc thì ông ta là cháu đích tôn của Cao Đế, có thể lập được.

Các quan đại thần đều nói :

- Họ Lữ là họ ngoại của vua nhưng độc ác nên đã suýt nữa làm nguy hại đến tôn miếu, làm loạn các công thần. Nay trong gia đình mẹ Tề Vương có Tứ Quân. Tứ Quân là người ác. Nếu lập Tề Vương thì lại trở thành họ Lữ.

Người ta muốn lập Hoài Nam Vương nhưng lại cho là ít tuổi, nhà bên mẹ lại ác. Các quan đại thần bèn nói :

- Đại Vương nay là người con lớn nhất trong số những người con của Cao Đế còn sống. Người nhân đức, có hiếu, rộng rãi và trung hậu. Gia đình Thái hậu họ Bạc lại chăm chỉ và tốt. Vả lại chúng ta lập người con lớn hơn cả cho nên hợp lẽ. Đại Vương nổi tiếng trong thiên hạ về nhân va hiếu. Như thế là tiện.

Các quan bèn bàn nhau, ngầm sai người mời Đại Vương. Đại Vương sai người từ tạ. Sứ giả đi về hai lần. Sau đó Đại Vương lên đoàn xe gồm có sáu cỗ.

Tháng chín nhuận, ngày cuối tháng là ngày kỷ dậu, xe đến Tràng An. Đại Vương ở tại cung riêng của mình. Các quan đại thần đều đến yết kiến dâng ấn Thiên tử lên Đại Vương, tất cả cùng nhau tôn làm Thiên tử. Đại Vương mấy lần từ tạ, quần thần cố nài, sau đó Đại Vương mới ưng thuận.

Đông Mâu Hầu Hưng Cư nói :

- Trong việc giết họ Lữ tôi không lập được công lao gì, xin được phép dọn dẹp cung điện.

Bèn cùng quan thái bộc là Nhữ Ám Hầu Đằng Công vào cung, đến trước mặt Thiếu Đế nói :

- Túc hạ không phải họ Lưu, không có quyền làm vua.

Bèn quay lại, ra hiệu cho những người cầm giáo xung quanh hãy vất binh khí xuống đất mà lui ra. Có mấy người không chịu vất binh khí. Người cầm đầu các hoạn quan là Trương Trạch ra lệnh cho họ, họ cũng vất binh khí luôn. Đằng Công bèn sai lấy cái xe ngựa của nhà vua chở Thiếu Đế ra.

Thiếu Đế hỏi :

- Ông muốn chở tôi đi đâu?

Đằng Công nói :

- Đi ra đến chỗ nghỉ.

Thiếu Đế nghỉ ở thiếu phủ.

(1) Xem Lưu Hầu thế gia.


(2) Chẳng hạn Hàn Tín, Bành Việt.

(3) Đoạn 1 - Lai lịch của Lữ Hậu và họ Lữ

(4) Tức là Lữ Trạch là Chu Lữ Hầu đã chết, xem đoạn 1.

(5) Nhiều học giả Âu Châu bảo Tư Mã Thiên có cái cách viết tàn nhẫn. Đây là một ví dụ.

(6) Các chư hầu đều có xây cung riêng ở kinh đô.

(7) Đoạn 2 - Việc trả thù của Lữ Hậu trong thời gian Hiếu Huệ còn sống.

(8) Tức là Trương Lương

(9) Nhận xét tàn nhẫn và mỉa mai.

(10) Công chúa Lỗ Nguyên là con của Lữ Hậu và chị của Hiếu Huệ, lấy Trương Ngao sinh được một người cao gái. Lữ Hậu bắt Huệ Đế lấy người ấy tức là cháu gái để đề cao uy thế họ Lữ. Người này không có con, nhưng Lữ Hậu bắt bà ta giả có mang và lấy con một người khác thay thế.

(11) Xem chú thích ở Tần Thủy Hoàng bản ký, nguyên văn “Thái hậu xưng chế”.

(12) Chức quan lo việc dạy dỗ nhà vua.

(13) Lữ Tu là em gái út của Lữ Hậu cũng được phong hầu và là vợ của Phàn Khoái.

(14) Ngày xưa có lối giải thích cho rằng những việc làm của vua chúa ảnh hưởng đến trời đất.

(15) Xem chú thích ở trên.

(16) Vì yêu người thiếp, tự sát nên không thờ phụng tôn miếu được. Thái hậu như thế đã giết ba người con của Lưu Bang (Như Ý, Hiển và Khôi). Cả ba đều làm Triệu Vương).

(17) Sau này Đại Vương là Hán Văn Đế.

(18) Thế là họ Lữ dần dần thay thế những người con Lưu Bang làm Yên Vương, Triệu Vương.

(19) Chức quan chủ yếu dành cho các hoạn quan để tiếp tân khách.

(20) Đoạn 3 - Những việc làm của Lữ Hậu từ khi Huệ Đế chết cho đến khi Lữ Hậu chết.

(21) Những người này không phải là con của Huệ Đế mà là con người khác.

Nhưng Lữ Hậu làm như vậy để giữ uy quyền cho họ Lữ.

(22) Vị Hoàng đế còn ít tuổi.

(23) Vì Huệ Đế lấy con của Lỗ Nguyên tức là lấy cháu, nên bọn Triều, Vũ Thái gọi Lỗ Nguyên là bà ngoại.

(24) Ngô, Việt, Tề, Hoài Nam, Lang Gia, Đại, Thường Sơn Vương là Triều, Hoài Dương Vương là Vũ và Tế Xuyên Vương là Thái.

(25) Lương Vương Lữ Sản, Triệu Vương Lữ Lộc, Yên Vương Lữ Thống.

(26) Vì lúc bấy giờ tất cả binh quyền trong tay Lữ Lộc, tất cả quyền chính trong tay Lữ Sản, quần thần không làm gì được nên trước hết phải tước cho được ấn của họ.

(27) Đó cũng là ý kiến của Lữ Hậu trước khi chết.

(28) Con của Tào Tham.

(29) Để làm loạn.

(30) Giữa Giả Thọ va Lữ Sản.

(31) Vì có cờ tiết thì mới vào được cung cấm.