Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 06 - Phần 01

Bình Chuẩn thư

1. Nhà Hán nổi lên thừa kế những điều tệ hại của nhà Tần. Những người mạnh khỏe thì phải phục vụ trong các hàng ngũ quân đội, những người già yếu thì phải lo vận chuyển lương thực. Việc làm khó nhọc mà tiền của thì thiếu thốn. Ngay Thiên tử cũng không có cỗ xe tứ mã có bốn con ngựa cùng màu, còn tướng quân, thừa tướng thì đôi khi đi xe bò. Dân thường không có của để cất giấu. Nhà vua nhận thấy tiền của nhà Tần quá nặng, khó dùng nên đổi đi, sai dân đúc tiền: vàng thì một cân là đơn vị. Pháp luật trở thành đơn giản, bỏ bớt những điếu cấm đoán, cho nên bọn làm trái phép và tham lợi cất giấu những của cải thừa để bán làm cho vật giá cao vọt lên: gạo lên đến một vạn đồng tiền một thạch, một con ngựa một trăm cân vàng (2).

Đến khi thiên hạ đã bình định, Cao Tổ bèn ra lệnh không cho những người đi buôn được mặc đồ tơ, đi xe, đánh thuế họ nặng để làm khốn nhục họ (3). Thời Hiếu Huệ và Lữ Hậu, thiên hạ mới bình định, cho nên lại nới luật lệ đối với những người buôn bán, nhưng con cháu những người buôn bán vẫn không được làm quan lại. Người ta tính số tiền để nuôi quan lại và số tiền chi dùng, rồi căn cứ vào đó mà đánh thuế thân của dân (4). Còn những món lợi do việc đánh thuế và lấy tô về núi, sông, vườn, ao, chợ búa, thì từ Thiên tử trở xuống đến các vương và những người có đất phong ở các ấp đều được dùng làm của riêng để cung cấp cho mình, chứ không đem tiêu dùng vào việc thiên hạ. Số thóc vận chuyển từ Sơn Đông đến để cung cấp cho các quan ở trong kinh đô mỗi năm không quá vài chục vạn thạch. Đến thời Hiếu Văn, tiền “giáp” quá nhẹ, nhà vua bèn đổi đúc thứ tiền bốn thù nhưng chữ trên đồng tiền lại đề là nửa lạng (5) và cho phép dân tha hồ đúc tiền. Vì vậy Ngô Vương là chư hầu nhờ lấy được đồng ở núi để đúc tiền mà giàu hơn cả Thiên tử. Về sau Ngô Vương làm phản.

Đặng Thông làm đại phu cũng nhờ việc đúc tiền mà nhiều của cải hơn bậc vương giả. Cho nên lúc bấy giờ tiền của họ Ngô, họ Đặng tràn ngập cả thiên hạ. Do đó, có lệnh cấm đúc tiền.

Quân Hung Nô mấy lần vào cướp bóc xâm phạm biên giới phía bắc, số người đi đóng đồn và đi thú rất nhiều, số lúa ở biên giới không đủ để cung cấp. Do đó nhà vua mộ dân, ai có thể nộp và đưa lúa ra biên giới thì được phong chức tước. Tước được phong đến tả thứ trưởng.

Thời Hiếu Cảnh, từ Thượng Quận về phía tây bị hạn hán, nhà vua lại ra lệnh cho bán chức tước, nhưng lần này hạ giá bớt để lôi kéo dân. Những người bị đày và có tội nhẹ có thể chuộc tội bằng cách vận tải thóc cho quan đại phương. Nhà vua sai làm thêm vườn, chuồng ngựa, để có nhiều ngựa mà dùng, xây thêm các cung thất và các quán, số xe ngựa cũng tăng thêm (6).

2. Đến khi kim thượng (7) lên ngôi, mấy năm đầu đúng vào lúc nhà Hán trong vòng bay mươi năm nước nhà vô sự (8) trừ phi gặp lụt lội, hạn hán còn thì nhân dân đều no đủ. Các kho lúa ở kinh đô và ở các nơi đều đầy, mà kho đụn thì thừa của cải. Tiền ở kinh đô xếp kể hàng trăm triệu. Lõi xâu mục không thể đếm được. Thóc ở kho lớn lớp lớp chồng lên nhau, đầy rẫy, tràn ựa ra ngoài đến nỗi mục nát ăn không được. Dân chúng có ngựa hàng đàn trên các đường ngõ. Kẻ cưỡi ngựa cái bị gạt không được đến đám đông Kẻ coi các cổng làng, cổng xóm bữa ăn đều có gà có thịt (9). Kẻ làm lại, làm đến lúc con và cháu lớn lên (10); kẻ làm quan lấy chức làm họ. Cho nên ai nấy đều tự yêu mình, sợ phạm pháp luật; ham làm việc nhân nghĩa lo tránh sỉ nhục.

Lúc bấy giờ lưới pháp luật thưa mà dân giàu. Bọn cậy của kiêu căng có khi gờm, nuốt nhau. Bọn cường hào cậy thế ăn hiếp ở làng xóm. Các tôn thất đều có đất riêng. Công, khanh, đại phu, trở xuống đua nhau xa xỉ: nhà cửa, xiêm áo, xe ngựa lên cả bậc trên không chừng mực. Việc đời thịnh rồi suy, lẽ biến đổi cố nhiên phải thế!

3. Từ đó về sau, bọn Nghiêm Trợ, Chu Mãi Thần gọi dân Đông Âu đến và theo đuổi hai nước Việt (11); vùng giữa sông Trường Giang và sông Hoài xơ xác và phiền phí. Đường Mông, Tư Mã Tương Như mở lối sang các rợ miền tây nam, phía núi thông hơn nghìn dặm đường để mở rộng đất Ba, đất Thục. Dân đất Ba, đất Thục ví thế mệt nhọc. Bành Ngô Giả diệt Triều Tiên đặt ra quận Thượng Hải. Vì vậy miền Yên, Tề nhớn nhác rung động. Sau đó Vương Khôi lại bày mưu ở Mã Ấp (12). Hung Nô bỏ đứt việc hòa thân, xâm lấn miền bắc. Việc binh kéo dài không khi nào hết. Thiên hạ khổ về những việc khó nhọc ấy mà cảnh can qua lại ngày càng lan rộng. Người đi trận phải mang xách, kẻ ở phải lo vận chuyển lương thực. Trong ngoài xao xuyến về việc phải lo cung đón cho nhau. Trăm họ thì cùng kiệt, tìm cách lẩn trốn. Của cải hao hụt không sao đủ được. Điều đó khiến cho kẻ quyên tiền thì được làm quan, kẻ nộp bạc thì được miễn tội. Phép tuyển cử dần dần bỏ. Liêm sỉ bị coi thường. Võ lực được tiến dụng. Kết quả pháp luật trở nên nghiêm, mệnh lệnh thành khắt khe và từ đó bọn bầy tôi gây lợi xuất hiện (13).

Sau đó, các tướng nhà Hán mỗi năm đem mấy vạn quân kỵ đánh quân Hồ, xa kỵ tướng quân là Vệ Thanh, lấy đất ở phía nam của Hung Nô, xây Sóc Phương (14).

Bấy giờ, Hán mở rộng đường giao thông với các rợ di ở tây nam, người làm đường tới mấy vạn. Dân phải gánh gồng mang lương thực từ ngoài ngàn dặm đến, trung bình cứ đem đi hơn mười chung thì đến nơi chỉ còn một thạch (15). Nhà vua sai đem của cải phát cho những người ở đất Cùng và đất Bắc để chiêu tập họ. Làm mấy năm vẫn chưa mở xong được con đường này. Nhưng các man và di lại thừa cơ ấy mấy lần đánh. Các quan lại phải đem quân đi đánh dẹp. Nhà vua nhận thấy dù lấy tất cả tô và thuế đất Ba đất Thục cũng không đủ để cung vào việc chi phí nên sai mộ những người giàu đến cày ở đất Nam Di. Những người này đưa thóc cho quân địa phương và nhận tiền ở kinh đô. Phía đông, nhà vua lại sai đặt quận Thượng Hải. Phí tổn về việc dời dân đến đấy cũng tương tự như việc dời dân đến Nam Di. Nhà vua sai hơn mười vạn người xây thành (16) để giữ Sóc Phương, việc chuyên chở đường sông rất xa. Tất cả những người ở phía đông núi đều mệt nhọc. Tốn kém đến gần mười tỷ đồn tiền. Kho lại càng trống rỗng. Nhà vua bèn mộ dân, nói những người nào cáo thể cấp bọn nô và tỳ cho nhà nước thì suốt đời không phải nộp thuế thân, nếu họ đã làm quan lang rồi thì sẽ được thăng trật. Việc nộp cừu mà được làm quan lang là bắt đầu từ lúc ấy (17).

Bốn năm sau (124 trước công nguyên) Hán sai đại tướng quân (18) đem hơn mười vạn quân, sáu vị tướng quân, đánh Hữu Hiền Vương bắt một vạn năm nghìn tù binh (19). Năm sau, đại tướng quân lại đem sáu vị tướng quân đánh quân Hồ bắt được một vạn chín nghìn tù binh, người nào chém hay bắt được quân Hồ thì được thưởng vàng. Tiền thưởng đến hơn hai mươi vạn cân vàng. Mấy vạn tù binh đều được hậu thưởng, cho ăn mặc, tất cả đều do quan địa phương cung cấp. Trái lại quân và ngựa của Hán chết hơn mười vạn; đó là chưa nói đến tiền phí tổn về vũ khí và vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ. Vì bao nhiêu tiền tích trữ ở quan đại tư nông (20) đều cứ kiệt dần, tiền thuế dùng hết cũng không đủ để cung cấp cho binh sĩ nên các quan phụ trách mới nói với Thiên tử. Thiên tử nói :

- Trẫm nghe nói Ngũ Đế dạy dân không lặp lại việc làm của nhau nhưng nước vẫn trị. Các vua Hạ Vũ và Thành Thang pháp luật không giống nhau mà vẫn làm vương, đường họ đi khác nhau nhưng đức họ lập nên thì vẫn là một. Biên giới phía bắc chưa yên, trẫm rất lấy làm lo lắng. Gần đây đại tướng quân đánh Hung Nô vừa chém vừa cầm tù một vạn chín nghìn tên. Người giàu cất giấu của cải thì người nghèo không có mà ăn (21).

Nhà vua bèn ra lệnh cho dân được mua chức tước và chuộc những điều cấm đoán không cho làm quan (22), được lấy tiền xin chuộc và giảm tội. Các quan tâu xin đặt những thưởng quan. Mệnh của nhà vua nói: tước Vũ Công thì phải nộp 17 vạn đồng tiền. Tất cả số tiền bán tước lên đến ba mươi vạn cân vàng. Trong những người mua tước Vũ Công, ai thuộc hàng “quan thủ” thì được thử cho làm lại và bổ làm quan trước. Cấp “thiên phu” thì tiền ngang cấp ngũ đại phu (23). Người có tội thì được giảm hai bậc, có thể mua tước đến nhạc khanh. Làm như thế để nêu rõ quân công, những người có quân công lớn thì phong làm hầu, khanh, đại phu; người quân công nhỏ thì phong làm lang, làm lại. Con đường đi đến chức quan phức tạp và lắm cách cho nên chức quan mất giá trị (24).

4. Từ khi Công Tôn Hoằng nhờ việc giải nghĩa Kinh Xuân Thu gò bó kẻ tôi mà làm đến Thừa tướng nhà Hán; từ khi Trương Thang dùng lối văn án nghiêm khắc, gắt gao mà được làm Đinh úy thì đạo luật về cái tội “kiến tri” (25) sinh ra, và người ta trừng trị hết sức nặng những người cản trở hay phỉ báng mệnh lệnh của nhà vua.

Năm sau, âm mưu của Hoài Nam Vương, Hành Sơn Vương, Giang Đô Vương làm phản bại lộ. Bọn công khanh bới lông tìm vết để trừng trị và tiêu diệt bè đảng của họ. Số người bị giết đến mấy vạn. Bọn trưởng lại lại càng nghiêm khắc, tàn nhẫn, pháp luật, mệnh lệnh lại càng rạch ròi chi ly. Lúc bấy giờ nhà vua đang đề cao khuyến khích những người tài giỏi, chính trực văn học, có người làm đến công khanh, đại phu. Công Tôn Hoằng làm Thừa tướng nhà Hán, mặc áo vải, không ăn hai món, muốn nêu gương cho thiên hạ nhưng không có ích gì đối với phong tục. Dần dần người ta xô đẩy nhau chạy theo công danh, lợi lộc.

Năm sau, tướng phiêu kỵ (26) lại đem quân đánh quân Hồ bắt được bốn vạn người. Mùa thu năm ấy, vua Hồn Gia đem mấy vạn người vào hàng. Nhà vua sai đem hai vạn cỗ xe đón rước họ. Khi họ đến, lại được ban thưởng. Năm ấy, số tiền cấp cho những người có công lên đến hơn một vạn triệu đồng tiền.

Trước đấy mười năm, sông Hoàng Hà vỡ đê ở huyện Quan; đất Lương và đất Sở đã mấy lần bị khốn khổ, còn các quận ở ven sông trước đây đã đắp đê để giữ nước, mỗi khi đê vỡ lại phí tổn không thể kể xiết. Sau đó, Phiên Huệ muốn giảm bớt việc chuyên chở bằng đường sông qua Để Trụ, sai đào sông đào xuyên qua sông Phàn và sông Hoàng Hà, và lợi dụng con sông đào ấy để tưới rượu. Số người làm đến mấy vạn. Trịnh Đương Thời cho rằng con sông đào của sông Vị quanh co và xa nên sai đào một con sông chạy thẳng từ Tràng An đến Hoa Âm; người làm đến mấy vạn. Ở Sóc Phương cũng đào một con sông đào có mấy vạn người làm. Mỗi việc như thế đều kéo hai ba năm nhưng vẫn chưa xong và đều phí tổn gần nghìn triệu.

Thiên tử muốn đánh quân Hồ, nên sai nuôi rất nhiều ngựa, ngựa chăn ở Tràng An đến mấy vạn con, lính ở Quan Trung không đủ người chăn nuôi bèn điều động những người ở các quận gần đấy.

Lại thêm những người Hồ đã đầu hàng đến, việc ăn mặc của họ đều do quan sở tại. Quan sở tại cung cấp không đủ. Nhà vua bớt việc ăn uống của mình, tháo xe xe tứ mã, đem những của cải cất giấu trong kho riêng của mình ra cho để cứu tình trạng này.

Năm sau, phía đông núi bị nạn lụt, dân nhiều người vị thiếu ăn. Thiên tử bèn sai sứ giả dốc tất cả kho lúa trong các quận và các nước để phát chẩn cho dân nghèo nhưng vẫn không đủ: lại kêu gọi những người giàu có cho vay, nhưng dân chúng vẫn không cứu được nhau. Nhà vua bèn cho dời dân nghèo đến phía tây Quan Trung và phía nam đất Sóc Phương ở Tân Tần, tất cả bảy mươi vạn miệng ăn, việc ăn mặc đều do quan địa phương cung cấp. Trong mấy năm, người ta cấp cho họ sản nghiệp. Các sứ giả phân họ ra từng bộ phận để coi sóc. Các quan đông đến nỗi mũ lọng liền nhau, tiền phí tổn đến hàng ức không sao kể xiết (27).

5. Do đó, quan địa phương hết sạch tiền, nhưng bọn con buôn nhà giàu và chủ những cửa hiệu lớn thì có kẻ cất giấu của cải để nô dịch người nghèo; chở hàng trăm xe những đồ tích trữ không dùng cất ở ấp. Các vị vua có đất phong đều cuối đầu xin họ cung cấp. Trong việc đúc tiền và nấu muối, có những người có hàng vạn cân vàng nhưng họ vẫn không giúp nước nhao trong lúc nguy cấp và dân nghèo lại càng nghèo khổ. Do đó, Thiên tử và cửu khanh bàn nhau thay đổi tiền làm ra “tệ” (28) để chi dùng đồng thời trừng trị bọn hoang dâm và bọn chiếm đoạt. Lúc bấy giờ trong vườn cấm của nhà vua có con nai trắng, trong kho riêng của nhà vua lại có nhiều thiếc và bạc. Từ thời Hiếu Văn đã nghĩ ra cách đúc nhiều thứ tiền bốn thù đến nay đã hơn bốn mươi năm nhưng từ niên hiệu Kiến Nguyên đến nay, người ta ít dùng thứ tiền ấy. Các quan địa phương có nhiều người đến những núi đồng để đúc tiền, trong nhân dân cũng đúc trộm tiền, cho nên số tiền tính không xuể.

Tiền càng nhiều và mất giá, hàng hóa càng ít và quý (29). Quan phụ trách nói :

- Đời xưa có thứ tiền bằng da, chư hầu dùng thứ tiền ấy để biếu. Có ba loại kim khí. Cao nhất là vàng, rồi đến kim khí trắng (bạc) là thứ hai, kém nhất là kim khí đó (đồng). Nay tiền danh nghĩa là một nửa lạng nhưng thực ra chỉ nặng bốn thù, thế mà bọn giàu hay bọn ăn trộm còn mài tiền ở phía trong để lấy bớt kim khí mà đúc thêm. Tiền càng nhẹ và mỏng thì vật giá càng quý, như thế ở phương xa dùng tiền tệ rất phiền và tốn kém.

Bèn sai cắt da con nai trắng ra thành từng mảnh vuông mỗi bề một thước, xung quanh viền rong biển, định giá mỗi miếng da như vậy là bốn mươi vạn đồng tiền. Các vương hầu, tôn thất đến chầu, đều phải dâng ngọc bích đặt trên thứ tiền ấy, sau đó mới được đi. Lại làm thứ tiền bằng bạc pha thiếc gọi là kim khí trắng. Người ta cho rằng ở trên trời thì không gì bằng con rồng, ở dưới đất thì không gì bằng con ngựa, vật người ta dùng thì không gì quý bằng con rùa. Cho nên có ba thứ kim khí trắng: loại thứ nhất, nặng tám lạng hình tròn, có khắc rồng, tên gọi là bạch tuyền, giá ba nghìn; loại thứ hai, nặng ít hơn, hình vuông vẽ hình con ngựa, giá năm trăm; loại thứ ba, nhỏ hơn nữa, hình chữ nhật, vẽ hình rùa, giá ba trăm. Sai các quan địa phương đúc tiền nửa lạng thay thứ tiền ba thù, chữ đề bao nhiêu thì nặng bấy nhiêu. Kẻ nào đúc trộm tiền các loại thì bị tội chết. Nhưng quan lại cũng như nhân dân vẫn đúc trộm “kim khí trắng” không kể xiết.

Do đó, nhà vua cho Đông Quách Hàm Dương và Khổng Cần làm đại nông thừa để lo việc muối và tiền, cho Tang Hoằng Dương được làm thị trung để tính toán. Hàm Dương là một người nấu muối lớn ở Tề, Khổng Cần là một người nấu kim khí lớn ở Nam Dương. Họ đều có sản nghiệp ngàn cân vàng cho nên Trịnh Đương Thời tiến cử với nhà vua. Tang Hoằng Dương là con một nhà bán hàng ở Lạc Dương giỏi tính nhẩm, nên năm 13 tuổi làm thị trung (30). Ba người này khi bàn việc lợi thì phân tích đến chân tơ kẽ tóc.

Vì pháp luật ngày càng nghiêm ngặt nên quan lại nhiều người bị giáng và bị bãi. Việc chiến tranh lại xảy ra luôn. Nhân dân nhiều người xuất tiền để miễn giao dịch và mua tước ngũ đại phu. Số người bị trưng dụng đi hành dịch ngày càng ít. Do đó, bổ những người tước thiên phụ, ngũ đại phu làm lại; những người nào không muốn thì phải nộp ngựa (31): những người trước đây làm lại đều phải đi cắt cỏ ở Thượng Lâm, đào ao Côn Minh. Năm sau (119 trước công nguyên) đại tướng quân và phiêu kỵ tướng quân đem đại quân ra đánh quân Hồ bắt được tám chín vạn tên, được thưởng năm mươi vạn cân vàng, quân Hán chết hơn mươi vạn con ngựa. Đó là chưa nói đến khoản tốn kém về việc vận chuyển bằng xe và bằng đường sông. Lúc bấy giờ của cải thiếu, quân sĩ nhiều người không được lương.

Quan phụ trách nói :

- Tiền ba thù nhẹ, dễ làm gian, xin các quận và các nước đúc tiền năm thù, xung quanh có vành tròn để không thể mài lấy đồng đi mà đúc thêm tiền.

Các quan giúp việc đại nông về việc muối và sắt là Khổng Cần và Hàm Dương nói với nhà vua :

- Núi và biển là nơi cất giấu của cải của trời đất; nên cho nó thuộc vào kho riêng của nhà vua. Bệ hạ không lấy làm của riêng của mình mà cho nó thuộc vào đại nông như thế đã làm tăng của công. Xin mộ dân tự do lấy phí tổn, dùng các khí mãnh của quan để nấu muối và cho quan mượn chậu. Những người làm nghề tạm bợ muốn lũng đoạn cái lợi của núi và biển để làm giàu bắt dân phải nô dịch theo mình.

Họ đưa rất nhiều cách cản trở những người này: người nào dám đúc đồ sắt cho mình và nấu muối riêng cho mình thì bị xích chân trái, tịch thu dụng cụ. Ở những quận không sản xuất sắt thì đặt quan “tiểu thiết”. Những người này phụ thuộc vào huyện của họ. Nhà vua sai Khổng Cần, Đông Quách Hàm Dương đi xe trạm khắp thiên hạ lo việc muối và sắt, đặt những quan phủ (32), cho những người trước đây làm nghề muối và sắt mà giàu có được làm quan. Cách làm quan lại càng phức tạp, không đặt vấn đề chọc lọc và có nhiều người con buôn trong số quan lại. Những người thương nhân và bán hàng vì tiền tệ thay đổi luôn nên nhiều người chứa chất hàng hóa để kiếm lời (33). Do đó các công khanh nói :

- Các quận và các nước nhiều lần bị thiên tai thiệt hại, dân nghèo không có sản nghiệp được mộ đi đến những nơi béo bở và rộng rãi. Bệ hạ bớt ăn giảm tiêu, đem tiền của mình để giúp cho dân chúng, tha thuế thân và tha nợ, nhưng dân không phải tất cả đều làm ruộng, những người buôn bán rất đông. Người nghèo không cất giấu được gì đều nhờ quan ở quan địa phương. Trước kia người ta đánh thuế những xe nhỏ (của những người đi buôn) thì số tiền của những người đi buôn cũng bớt đi; vậy xin đánh thuế như trước. Những người buôn lo cái việc ngọn, mua sỉ và cho vay, lo cất giấu ở thành phố, tàng trữ để lấy lời, cũng như những người đi buôn để kiếm lời thì dù cho không ở trong số những người buôn bán ở chợ, cũng đều phải ước lượng của cải của họ. Cứ hai nghìn đồng tiền vốn thì phải nộp một “toán” (34). Còn những thợ thủ công cất giữ những vật liệu để sau này làm các đồ dùng để bán thì cứ bốn nghìn đồng vốn lấy một “toán” (35). Những người không phải quan lại, nhưng có thể xem như quan lại là các tam lão (36) hay kỵ sĩ ở biên giới, nếu có một cái xe nhỏ thì phải nộp một “toán”, thuyền to năm trượng trở lên nộp một “toán”. Ai giấu diếm không khai hay khai không đủ thì đưa ra biên giới đi thú một năm và lấy tất cả gia sản. Ai tố cáo ra thì thưởng cho một nửa, những người bán hàng có tên trong sổ và những người bà con của họ đều không được có ruộng theo tên của mình, như thế để lợi cho những người cày, ai dám phạm lệnh thì sung công tất cả ruộng và tôi tớ của họ.

Thiên tử bấy giờ nghĩ đến lời của Bốc Thức nên mời Bốc Thức làm trung lang, tước tả thứ trưởng thưởng cho mười khoảnh ruộng và báo cáo điều đó với thiên hạ để cho mọi người biết. Bốc Thức là người Hà Nam lo việc chăn nuôi và làm ruộng. Khi cha mẹ chết đi, Thức có một người em nhỏ. Khi người em lớn lên, Thức nhường tất cả gia tài cho em chỉ lấy một trăm con cừu, còn ruộng vườn, cửa nhà, của cải đều cho em hết. Thức vào núi chăn cừu hơn mười năm. Số cừu lên đến hàng nghìn con. Thức mua ruộng vườn nhà cửa, trái lại người em thì lại phá hết cả sản nghiệp. Thức lại chia gia sản cho em. Làm như thế đến mấy lần. Lúc bấy giờ, nhà Hán đã mấy lần sai tướng quân đánh Hung Nô. Bốc Thức dâng thư xin nộp một nửa gia sản cho quan địa phương để giúp vào việc biên giới. Thiên tử sai sứ giả hỏi Thức :

- Có muốn làm quan không?

Thức đáp :

- Tôi từ nhỏ chỉ chăn nuôi không quen làm quan nên không muốn.

- Thế trong nhà có điều gì oan ức muốn bày tỏ không?

- Tôi bình sinh không tranh chấp với ai, trong làng xóm có ai nghèo thì tôi cho mượn, có ai hư hỏng thì tôi dạy dỗ, những người ở nơi tôi đều nghe theo tôi. Thức có việc gì mà bị người ta làm oan uổng, tôi không có gì muốn nói.

- Thế ông muốn gì?

- Thiên tử giết Hung Nô, tôi là người ngu dại cho rằng người hiền thì nên chết vì bổn phận ở biên giới, người có của cải thì nên đem nộp. Như vậy mới có thể tiêu diệt được Hung Nô.

Sứ giả kể lại đầu đuôi những lời Bốc Thức nói với Thiên tử. Thiên tử nói với Thừa tướng. Thừa tướng Công Tôn Hoằng nói :

- Đó không phải là tình cảm tự nhiên của con người, như thế là ngược đời. Thần không thể vì ông ta mà thay đổi, làm rối loạn pháp luật, xin bệ hạ đừng nghe ông ta.

Do đó, nhà vua lâu không trả lời Bốc Thức. Được mấy năm nhà vua lại bãi Thức. Thức trở về nhà, lại lo cày ruộng chăn nuôi được hơn một năm. Nhân lúc quân nhà Hán mấy lần ra đánh, vua Hồn Gia đầu hàng, quan địa phương tiêu tốn kém, các kho lúa trống không. Năm sau dân nghèo bị dời đi hàng loạt, tất cả chỉ nhờ quan địa phương cung cấp nhưng quan địa phương không sao cung cấp đủ. Bốc Thức mang hai mươi vạn đồng tiền đưa cho quan Thái thú Hà Nam để cấp cho những người dân bị dời đi. Quan Thái thú Hà Nam dâng lên cho nhà vua xem danh sách những người giàu đã giúp đỡ người nghèo. Nhà vua thấy có tên Bốc Thức sực nhớ lại, nói :

- Đây hẳn là con người trước đây muốn nộp nữa gia sản để giúp vào việc biên giới.

Bèn thưởng cho Bốc Thức được hưởng số tiền bốn trăm người nạp để được miễn giao dịch. Thức lại đem tất cả số tiền ấy cho quan địa phương. Lúc bấy giờ những người giàu có và tai mắt đều đua nhau giấu diếm của cải, chỉ có Thức đem của mình nộp để giúp vào việc chi tiêu, vì vậy nhà vua cho rằng Thức trước sau là bậc trưởng giả cho nên đề cao Thức để cho trăm họ bắt chước.

Lúc đầu, Thức không muốn làm quan lang, nhà vua nói :

- Trong vườn Thượng Lâm ta có cừu, ta muốn sai nhà ngươi chăn.

Thức bèn lạy và làm quan lang. Thức mặc áo vải, đi guốc chăn cừu. Được hơn một năm, cừu béo và sinh đẻ nhiều. Nhà vua đến xem cừu của mình thì khen.

Thức nói :

- Không phải chỉ riêng việc nuôi cừu mà thôi đâu, việc cai trị dân cũng như thế. Cho họ dậy làm việc và đi ngủ đúng lúc, người nào xấu hổ thì đuổi đi, đừng cho họ làm hại cả đoàn.

Nhà vua cho Thức là người kỳ lạ bèn cho làm quan lệnh ở Hầu Thị để xem thử. Dân Hầu Thị thích Bốc Thức, nhà vua bèn cho Thức làm quan lệnh ở Thành Cao lo việc vận chuyển đường sông - rất có công trạng. Nhà vua cho Bốc Thức là người trung bèn cho làm thái phó của Tề Vương.