Trước lúc ngủ say - Chương 03 phần 1

THỨ BẢY. NGÀY 10 THÁNG MƯỜI MỘT

Tôi đang viết những dòng này vào giấc trưa. Ben đang đọc sách ở dưới lầu. Anh ta nghĩ tôi đang nằm nghỉ, nhưng dù có mệt tôi vẫn không nghỉ ngơi. Không có thời gian cho việc đó. Tôi phải viết chuyện này ra, trước khi quên mất nó.

Tôi ngó đồng hồ đeo tay của mình để canh giờ. Tôi có hơn một tiếng đồng hồ từ bây giờ cho đến lúc đi dạo với Ben.

Sáng nay tôi đã thức dậy mà chẳng biết mình là ai. Khi mở choàng mắt ra tôi đã ngỡ là sẽ nhìn thấy mép bàn đầu giường cứng ngắc, cái đèn vàng, tủ ngăn kéo áo quần nằm tịt trong góc và giấy dán tường màu xanh dương xỉ dịu phai. Tôi đã ngỡ sẽ nghe thấy tiếng mẹ đang nấu món thịt heo xông khói ở dưới lầu, hoặc tiếng cha vừa tỉa hàng rào trong vườn vừa huýt sáo. Tôi đã ngỡ mình nằm trên cái giường đơn, với một em thỏ bông tai rách.

Mình đang ở trong phòng cha mẹ, ban đầu tôi nghĩ vậy, nhưng rồi thấy rõ là mình đã lầm, căn phòng ngủ lạ hoắc. Tôi nằm xuống giường trở lại. Có gì đó không ổn rồi, tôi nghĩ thầm. Tệ quá, tệ be bét luôn.

Trước lúc xuống lầu tôi đã nhìn thấy những bức ảnh dán quanh tấm gương, đã đọc những tờ ghi chú. Tôi đã biết mình không phải là một đứa trẻ, cũng chẳng còn là thiếu nữ, và cái người mà tôi đã nghe thấy đang vừa nấu bữa sáng vừa huýt sáo theo radio kia không phải là cha tôi, hoặc bạn trai hay kẻ ở cùng nhà, anh ta có tên là Ben và anh ta là chồng tôi...

Tôi chần chừ đứng ngoài căn bếp. Tôi thấy sợ. Tôi sắp sửa gặp anh ta, như thể lần đầu. Trông anh ta thế nào nhỉ? Có giống trong hình không? Hay là già hơn, mập hơn, hói hơn? Anh ta nói năng, đi đứng ra sao? Cuộc sống vợ chồng của tôi thế nào?

Tôi đẩy cửa. Ben đang vật lộn với món thịt xông khói kêu xèo xèo trong chảo, lưng quay về phía tôi.

‘Ben?’ tôi thăm dò. Anh ta quay ngoắt lại.

‘Christine à? Em ổn chứ?’

‘Vâng. Ổn ạ.’

Anh ta mỉm cười, vẻ nhẹ nhõm. Ben trông già hơn những bức ảnh trên lầu với gương mặt nhiều nếp nhăn hơn và mái tóc chớm bạc ở sau thái dương, nhưng điều này lại khiến anh ta thêm hấp dẫn. Ở anh ta phảng phất bóng dáng của cha tôi.

‘Em đã xem mấy tấm hình?’ Ben hỏi. Tôi gật đầu. ‘Đừng lo. Anh sẽ giải thích mọi chuyện. Sao em không qua đó ngồi?’ anh ta phác một cử chỉ ra phía sau. ‘Phòng ăn ở bên đó. Anh sẽ không lâu đâu. Đây, cầm lấy.’

Ben đưa cho tôi một cái cối xay tiêu và tôi đi qua phòng ăn. Vài phút sau Ben cũng vào, mang theo hai cái đĩa đựng thịt xông khói, trứng và mấy lát bánh chiên.

Ben giải thích về cái điện thoại trong giỏ xách của tôi, về tấm bảng treo trên tường nhà bếp, chỗ cất quỹ dự phòng cấp bách - hai trăm hai mươi bảng tiền giấy, cuộn chặt và nhét phía sau cái đồng hồ trên bệ lò sưởi - và cuốn album tự chế trong đó tôi có thể liếc qua những lát cắt của đời mình...

Ăn xong tôi giúp Ben dọn dẹp. ‘Lát nữa mình đi dạo nhé,’ anh ta nói. ‘Nếu em thích?’ Tôi đồng ý và Ben có vẻ hài lòng. ‘Giờ thì anh đọc báo, được chứ?’

Tôi lên lầu. Đầu óc cứ xoay mòng, ứ nghẹt và rỗng tuếch cùng lúc, chẳng tài nào hiểu được chuyện gì cho thấu đáo. Tôi ngó nghiêng ngôi nhà mình đang ở - giờ thì tôi đã biết nó là nhà của mình - với cặp mắt chưa hề biết nó trước đây. Cả một lúc lâu tôi chỉ cảm thấy muốn bỏ chạy.

Tự ép mình phải bận bịu, tôi bắt tay vào dọn giường. Tôi nhặt cái gối lên và vỗ cho nó phồng ra, trong lúc ấy một cái gì đó bỗng dưng kêu rì rì, khe khẽ và dai dẳng.

Giỏ xách của tôi ở ngay dưới chân và khi cầm nó lên tôi nhận ra tiếng rì rì kia dường như phát ra từ trong đó. Tôi nhớ Ben đã bảo là tôi có một cái điện thoại.

Cái điện thoại đang bật sáng khi tôi lục ra nó. Bác sĩ Nash, nó ghi thế. Tôi nhìn nó chòng chọc cả lúc lâu. Một phần tiềm thức xa xăm nào đó biết chính xác cuộc gọi này nói tới điều gì. Tôi trả lời điện thoại.

Giọng một người đàn ông. ‘Christine? Có phải cô đó không?’

Tôi đáp phải.

‘Tôi là bác sĩ của cô. Cô ổn chứ? Ben có ở gần đó không?’

‘Không... Mà sao?’

Cái giọng đó xưng tên và thêm rằng chúng tôi làm việc cùng nhau được vài tuần rồi. ‘Về trí nhớ của cô đó mà. Hãy tin tôi. Tôi muốn cô ngó vào tủ áo trong phòng ngủ của cô. Có một hộp đựng giày trong đáy tủ. Hãy nhìn vô đó. Cô sẽ thấy một cuốn sổ.’

Tôi liếc nhìn cái tủ áo đặt trong góc phòng.

‘Làm cách nào mà anh biết được tất cả những chuyện này?’

‘Cô đã nói cho tôi biết mà. Tôi đã gặp cô hôm qua. Chúng ta đã quyết định là cô sẽ viết nhật ký. Đó là nơi mà cô bảo tôi là cô sẽ giấu nó.’

Tôi chẳng tin anh đâu, tôi muốn nói thế, nhưng câu đó nghe bất lịch sự quá và cũng không hoàn toàn đúng.

‘Cô sẽ tìm cuốn sổ chứ?’ cái giọng đó gặng hỏi. Tôi bảo là mình sẽ tìm và giọng đó nói thêm, ‘Xin hãy tìm nó ngay bây giờ. Đừng nói gì với Ben cả. Hãy tìm ngay đi.’

Tôi giữ máy và đi tới chỗ tủ áo. Cái giọng đó nói đúng. Ngay dưới đáy tủ là một cái hộp đựng giày màu xanh có ghi chữ Scholl trên nắp - và bên trong là một cuốn sổ được bọc trong đám khăn giấy.

‘Cô tìm thấy chưa?’ cái giọng có tên là bác sĩ Nash nôn nóng hỏi.

Tôi nhấc cuốn sổ ra và tháo lớp bọc. Cuốn sổ bọc da màu nâu và có vẻ đắt tiền.

‘Christine?’

‘Vâng. Tôi thấy nó rồi.’

‘Tốt lắm. Cô đã viết vào đó rồi chứ?’

Tôi mở trang đầu tiên. Tôi là Christine Lucas, nó đã bắt đầu như thế, bốn mươi bảy tuổi và là một người mất trí nhớ. Tự dưng tôi cảm thấy có đôi chút kích động, như thể đang tọc mạch, nhưng là tọc mạch về chính bản thân mình.

‘Tôi đã viết rồi.’

‘Tuyệt lắm!’ bác sĩ Nash thốt lên và nói sẽ điện thoại cho tôi vào sáng mai, rồi chúng tôi kết thúc cuộc gọi.

Người tôi đơ ra. Gập mình xuống sàn bên cạnh tủ áo để ngỏ và cái giường vẫn còn bừa bộn, tôi bắt đầu ngấu nghiến đọc.

Lúc đầu, tôi cảm thấy thất vọng vì chẳng nhớ gì về những điều mình đã viết ra. Cuốn nhật ký đọc lên như chuyện bịa. Nhưng rồi, kẹp giữa hai trang giấy gần cuối sổ, tôi đã tìm thấy bức ảnh chụp ngôi nhà mà tôi đã lớn lên, nơi tôi ngỡ mình đang ở trong đó lúc thức dậy sáng nay. Nó chính là bằng chứng xác thực, rằng tôi đã gặp bác sĩ Nash, và cậu ta đã đưa cho tôi mảnh quá khứ này.

Tôi nhắm nghiền mắt lại. Hôm qua tôi đã mô tả ngôi nhà cũ của mình, nào là lọ đường trong chạn, nào là hái quả mọng trong rừng. Những ký ức như thế có còn đó không? Liệu tôi có thể gợi lại nhiều hơn nữa không? Tôi nghĩ về mẹ, về cha, ước sao có điều gì đó khác nữa sẽ đến. Những hình ảnh tụ lại, lặng lẽ. Một tấm thảm màu cam xỉn, một bình hoa màu xanh ô liu. Một bộ áo liền quần của con nít màu vàng có đính một em thỏ hồng trên ngực và hàng khuy bấm trên thắt lưng. Một cái ghế đi xe của trẻ con bằng nhựa màu xanh lính thủy và một cái bô màu hồng bạc phếch.

Chỉ là những màu sắc và hình dạng vô hồn, chẳng kể ra được mẩu chuyện nào. Mình muốn gặp ba mẹ quá, tôi nghĩ, và ngay lúc đó, chẳng hiểu sao tôi biết là họ đã qua đời.

Tôi thở dài và ngồi lên mép giường bừa bộn. Gần như không hề suy nghĩ, tôi cầm cây bút kẹp giữa các trang nhật ký lên, định viết thêm nhiều nữa.

Chẳng rõ có phải việc nhận ra rằng ba mẹ mình đã qua đời đã kéo dậy những điều khác không, nhưng có cảm giác như thể trí óc của tôi chợt bừng tỉnh từ một giấc ngủ sâu dài đăng đẵng. Nó vọt ra như một tia lửa điện. Đột nhiên tôi được kéo trở về với quá khứ - một quá khứ mà tôi ngỡ mình đã đánh mất - và tôi có thể chạm vào, cảm thấy và nếm được mọi thứ. Tôi nhận ra mình đang nhớ lại.

Tôi thấy mình đang trở về nhà, ngôi nhà mà ở đó tôi đã lớn lên. Tôi chừng mười ba, mười bốn tuổi, đang hăm hở với một câu chuyện sắp viết thì tìm thấy một mẩu giấy trên bàn bếp. Ba mẹ có việc phải ra ngoài, nó ghi. Chú Ted sẽ đón con lúc sáu giờ. Tôi uống ly nước và chén miếng sandwich rồi ngồi xuống với cuốn sổ của mình. Bà Royce đã nhận xét rằng những câu chuyện của tôi sinh động và truyền cảm; bà nghĩ tôi có thể theo đuổi nghề viết. Nhưng tôi chẳng thể nghĩ ra cái gì để viết cả, chẳng thể nào tập trung nổi. Tôi sôi sục trong một cơn thịnh nộ câm lặng. Tại ba mẹ hết cả. Họ đâu rồi? Họ đang làm gì? Sao tôi không được mời? Tôi vò chặt tờ giấy và ném đi.

Hình ảnh đó vụt biến mất, rồi ngay lập tức hiện ra một hình ảnh khác. Mạnh hơn. Thực hơn. Cha đang lái xe chở chúng tôi về nhà. Tôi ngồi ở băng ghế sau, nhìn chòng chọc vào một cái đốm bất động trên kính chắn gió. Chẳng rõ là một con ruồi đã chết cứng hay một mẩu sạn nhỏ nữa. Tôi mở miệng mà không chắc mình đang nói gì.

‘Khi nào thì ba mẹ mới chịu nói cho con biết?’

Chẳng ai trả lời.

‘Mẹ?’

‘Christine,’ mẹ tôi đáp. ‘Đừng hỏi nữa.’

‘Ba? Khi nào thì ba mẹ mới nói cho con biết?’ Im lặng. ‘Ba sắp chết sao?’ tôi nói, mắt vẫn dán chặt vào cái đốm trên kính chắn gió. ‘Ba à? Ba sắp chết, đúng không?’

Cha liếc qua vai và mỉm cười với tôi. ‘Dĩ nhiên là không, thiên thần nhỏ ạ. Chắc chắn là không. Không cho đến khi ba là một ông già thật già. Với rất, rất nhiều cháu chắt!’

Tôi biết cha đang nói dối.

‘Chúng ta sẽ chiến đấu với vụ này.’ cha nói. ‘Ba hứa đấy.’ Tôi thở hắt và mở mắt ra. Ảo ảnh đã kết thúc, bay biến. Tôi lại ngồi trong một căn phòng ngủ, nơi mà tôi đã thức dậy sáng nay, chỉ trong một tích tắc mà nó trông khác hẳn. Chẹt bẹt. Vô sắc. Vô năng, như thể tôi đang ngó một bức ảnh bợt bạt trong nắng. Như thể những rung động của quá khứ đã lọc đi mọi sự sống của hiện tại.

Tôi ngó xuống cuốn sổ trên tay mình. Cây bút đã trượt khỏi những ngón tay tôi, quệt lên trang giấy một vạch xanh mỏng mảnh trước khi lăn tọt xuống sàn. Tim tôi đập nhộn nhạo trong lồng ngực. Tôi đã nhớ ra. Có điều gì đó thật lớn lao, quan trọng, chưa bị mất đi. Tôi nhặt cây bút lên khỏi mặt sàn và bắt đầu viết lại chuyện này.

Khi nhắm mắt và thử buộc hình ảnh đó trở lại, tôi có thể thấy được hình ảnh của chính tôi. Ba mẹ tôi. Lái xe về nhà. Nó vẫn còn đó. Bớt sống động hơn, như thể đã nhòa đi theo thời gian, nhưng vẫn còn đó. Tôi rất mừng là mình đã viết nó ra, vì biết rằng rốt cuộc thì nó cũng sẽ biến mất. Nhưng ít nhất là bây giờ thì nó cũng không hoàn toàn mất hút.

Ben gọi với lên lầu, hỏi xem tôi đã sẵn sàng để đi dạo chưa. Tôi trả lời anh ta là mình đã sẵn sàng. Tôi sẽ giấu cuốn sổ này trong tủ áo, rồi viết thêm sau. Nếu tôi nhớ ra thêm nữa.

*

* *

Sau cả buổi chiều đi dạo, giờ chúng tôi đã trở về nhà. Ben đang ở trong bếp, nấu món cá cho bữa tối trong tiếng nhạc jazz từ radio vẳng lên tận phòng ngủ, nơi tôi đang ngồi viết những dòng này. Tôi đã không tình nguyện làm bữa tối vì quá nôn nóng được lên lầu và ghi lại những điều mà tôi đã thấy chiều nay. Ben có vẻ không mấy bận tâm về chuyện này.

‘Em nằm nghỉ đi, chừng nào nấu xong anh sẽ gọi.’ anh ta nói. ‘Chắc khoảng bốn mươi lăm phút nữa mình sẽ dùng bữa tối.’

Tôi nhìn đồng hồ đeo tay của mình. Nếu viết thật nhanh chắc là vừa kịp.

Ra khỏi nhà trước một giờ, nhưng chúng tôi không đi xa, chỉ đậu xe cạnh một tòa nhà thấp bè có cửa ra vào ẩn sau lớp tôn múi, trông như bị bỏ hoang. Trên mỗi khung cửa sổ bít ván có một chú bồ câu xám đậu chơ vơ. ‘Bể bơi công cộng đó.’ Ben nói khi đã ra khỏi xe. ‘Anh nghĩ nó chỉ mở cửa vào mùa hè thôi. Mình đi dạo nhé?’

Chúng tôi yên lặng dạo bước trên con đường bê tông lượn men sườn đồi. Thi thoảng vẳng lại tiếng la hét cổ vũ của một đám người trên sân bóng trống trải, tiếng chó tru, tiếng trẻ em, tiếng ì ầm của thành phố phía xa xa. Tôi nghĩ về cha mình, về cái chết của ông, về việc ít ra thì tôi cũng đã nhớ được đôi điều về nó.

Qua một bờ giậu cao ngất và thẳng tới đỉnh đồi, tôi có thể thỏa mắt ngắm nghía xung quanh. Thành phố trải mình dưới một tầng mây la đà trông yên bình và nhỏ bé làm sao. Tôi có thể nhìn thấy những con đường vắt ngang qua nó, thấy chóp mũi nhọn hoắt của tòa tháp Viễn thông, lâu đài Thánh Paul, nhà máy điện Battersea... Tôi lờ mờ nhận ra những hình dáng đó, dù chẳng hiểu vì sao mình nhận ra được. Nó giống như khuôn mặt vừa lạ vừa quen của chínhtôi.

‘Đây là đồi Parliament.’ Ben nói. ‘Mình vẫn thường đến đây.’

‘Em cảm thấy mình nhận ra nơi này.’ tôi thốt lên.

‘Phải rồi. Mình đến đây suốt mà...’

Chúng tôi đến ngồi trên một băng ghế ngay sát mép đỉnh đồi. Một chiếc hamburger ăn dở trong cái hộp carton dưới băng ghế bốc lên mùi xốt cà chua và dấm mạch nha.

Ben cẩn thận nhặt nó lên và bỏ vào thùng rác, rồi trở lại ngồi cạnh tôi. Anh ta phác một cử chỉ về phía một tòa nhà cao. ‘Cầu cảng Canary đấy. Nó được xây vào đầu những năm chín mươi...’

Những năm chín mươi. Thật kì cục khi nghe về một thập kỷ mà tôi chẳng thể nhớ là đã sống qua. Hẳn là tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ hay ho. Rất nhiều những bản nhạc, rất nhiều những bộ phim, rất nhiều những cuốn sách, rất nhiều những tin tức, rất nhiều những cảnh vật tôi chẳng nhận ra dù vẫn nhìn chúng mỗi ngày và rất nhiều những mảnh đời riêng của tôi nữa...

‘Ben?’ tôi nài nỉ. ‘Hãy kể về chúng ta đi.’

‘Về chúng ta à?’ Anh ta ngỡ ngàng hỏi lại. ‘Ý em là sao?’ Gió thổi giật từng cơn ngược lên ngọn đồi, cái lạnh phả vào mặt khi tôi quay sang đối diện với Ben.

‘Em xin lỗi, nhưng em chẳng biết gì về em và anh cả. Em thậm chí còn chẳng biết chúng ta đã gặp nhau thế nào, lấy nhau lúc nào, hoặc cái gì đó đại loại thế.’

Ben mỉm cười, ngồi xích lại trên băng ghế, quàng tay ôm vai tôi. Tôi bất giác rụt lại, trước khi kịp nhớ ra anh ta không phải là kẻ lạ, mà là người tôi đã kết hôn. ‘Em muốn biết điều gì?’

‘Chúng ta đã gặp nhau thế nào?’

‘Ừm, lúc mình ở đại học,’ Ben nói. ‘Khi em bắt đầu học lên Tiến sĩ. Em có nhớ chuyện đó không?’

Tôi lắc đầu. ‘Thực sự là không. Em học gì vậy?’

‘Ngữ văn Anh,’ anh ta nói, và một hình ảnh chợt lóe lên trước mắt tôi, nhanh và sắc nét. Tôi thấy mình đang ở trong một thư viện, mơ hồ với ý tưởng viết luận văn về phong trào giải phóng phụ nữ và văn học đầu thế kỷ hai mươi, đó là thứ duy nhất mà tôi có thể làm khi đang mải vùi đầu vào sáng tác tiểu thuyết, thứ mà mẹ tôi có thể chẳng hiểu nhưng ít nhất cũng cho là coi được. Quang cảnh đó treo lơ lửng và tỏa sáng hồi lâu, thật đến nỗi có thể chạm vào, nhưng rồi Ben cất tiếng và nó vụt tan.

‘Lúc đó anh đang học Hóa.’ Ben kể, ‘Anh thấy em suốt. Hết ở thư viện đến quán bar... Anh luôn ngỡ ngàng vì em xinh quá, nhưng lại chẳng dám tới bắt chuyện.’

‘Thật chứ?’ tôi bật cười, chẳng thể tưởng tượng ra mình trong dáng vẻ thật khó gần.

‘Trông em luôn rất tự chủ. Và mạnh mẽ. Em ngồi hàng giờ liền giữa một đống sách, chăm chú đọc và ghi chép, thỉnh thoảng hớp từng ngụm đồ uống. Anh chẳng dám mơ là có lúc nào đó em sẽ quan tâm tới anh. Nhưng rồi một ngày nọ anh tình cờ ngồi cạnh em trong thư viện, và em vô tình làm đổ ly cà phê của em lên sách của anh. Chúng ta đã chùi sạch chỗ cà phê và rồi anh một mực đòi mua cho em một ly cà phê khác. Em đã rất ân hận và nói lẽ ra phải để em mời anh một ly mới đúng, thế rồi mình cùng ra quán cà phê. Và mọi chuyện bắt đầu từ đó...’

Tôi cố hình dung ra cảnh đó, để nhớ về hai chúng tôi, lúc còn trẻ, nhưng không thể, và cảm thấy nỗi buồn nhói lên bỏng rát. Gió quấn chặt đuôi diều của một cậu bé dang thả diều cùng cha trên đồi; âm thanh vang lên như một hơi thở lịm.

‘Còn chuyện cầu hôn?’

Ben kể, mắt nhìn ra xa vào khoảng không. ‘Vào một lễ tình nhân, anh đã mua tặng em một bánh xà bông, loại xà bông đắt tiền mà em rất ưa. Anh tháo lớp bao ngoài và ấn chiếc nhẫn đính hôn vào trong bánh xà bông, rồi gói lại như cũ và trao nó cho em. Tối đó, khi thấy chiếc nhẫn, em đã nói vâng, em đồng ý.’

Tôi mỉm cười. Nghe có vẻ rối rắm sao sao ấy, dễ có khả năng là tôi không dùng đến bánh xà bông đó, hoặc là tìm thấy chiếc nhẫn hàng tuần sau. Nhưng dù sao thì nó cũng không phải là một câu chuyện thiếu lãng mạn.

Trước khi mình lấy nhau em ở chung nhà với ai?’ tôi hỏi tiếp.

‘Ô, một người bạn nào đó,’ Ben đáp, ‘Anh thật sự không nhớ lắm. Năm sau mình kết hôn trong một nhà thờ ở Manchester, gần nơi mẹ em sống, vào một ngày rất đẹp trời, mọi người đều hạnh phúc. Và rồi chúng ta đi hưởng tuần trăng mật. Đến Italy. Ngắm những cái hồ...’

‘Thật tiếc là em chẳng nhớ gì cả.’ tôi nói.

Ben ngoảnh đầu nhìn sang hướng khác. ‘Không sao đâu. Anh hiểu mà.’

‘Chẳng có mấy hình nhỉ,’ tôi nhận xét. ‘Ý em là trong cuốn album tự chế ấy. Chẳng có cái hình đám cưới nào của chúng ta cả.’