17. Chuyện Tình Trong Tranh (Phần 1)

Chuyện Tình Trong Tranh

- PLOY -

1. Lễ khai mạc triển lãm đầu tiên tại Việt Nam của họa sĩ mang dòng máu Việt Andrew Halge thu hút rất đông người tham dự. Danh tiếng anh nức lòng giới hâm mộ: chủ nhân của hàng loạt giải thưởng quốc tế, giá tranh cao ngất mà danh sách khách vẫn dài miên man.

Ở sảnh chính, bày sáu bức tranh giấu bí hiểm sau tấm phủ lụa trắng. Hết bài cám ơn ngắn gọn, Andrew đến bức đầu tiên, kéo nhẹ tấm lụa che trên nó. Một màu xanh ngọt, long lanh và lãng mạn hiện ra. Sau vài giây sững sờ trước màu xanh thơ mộng của ngàn ngàn bong bóng nước vỡ bung cùng lúc ấy, người xem mới có thể định thần thưởng thức nội dung. Một đôi tình nhân dưới mái hiên gạch đỏ, trong màn mưa nhẹ. Chàng trai đang đội lên đầu cô gái chiếc nón gấp bằng giấy. Ánh mắt hai người ngượng ngùng mà tinh nghịch, ửng hồng lồng vào nhau.

Andrew bước sang bức kế bên, kéo tấm lụa ra. Nền của tranh dán từ những tờ báo cũ, giấy ngà mực đen, chồng chéo chi chít lên nhau. Tranh vẽ một thanh niên trẻ, gương mặt tuấn tú thư sinh ngồi trên ghế đẩu bên sạp báo nhỏ. Anh vận đồng phục sinh viên áo trắng, quần đen, chúi đầu đọc sách trong những giờ vắng khách. Mái tóc anh bồng bềnh. Ánh mắt mênh mang, lãng đãng, mang thần thái của một bầu trời mùa thu cao đẹp. Bàn tay anh gọn gàng đỡ gáy sách trông rất thanh nhã, chẳng giống một chàng bán báo lành nghề.

Tuần tự, Andrew bật mí hết sáu bức tranh.

Trong bức thứ ba, cô gái quỳ mọp, cúi gập đầu trước cha mẹ đã đứng tuổi, vận trang phục quyền quý. Tóc tai cô rũ rượi, mọi nét trên gương mặt đều nhúng sâu trong mệt lả vì khóc lóc. Gương mặt người lớn nghiêm khắc, ánh mắt giận dữ ngỡ vẽ nên từ ngòi cọ có lửa.

Bức thứ tư nhuộm màu xanh lá mát rượi. Trong công viên, cô gái và chàng trai ngồi trên ghế đá, nhìn một bé trai lẫm chẫm chơi với quả bóng trên thảm cỏ. Đứa trẻ giống chàng trai như tạc.

Bức thứ năm họa cảnh phong trào xuống đường dấu tranh của thanh niên, sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam đầu những năm 1970. Chàng trai đứng hàng đầu của đoàn biểu tình, giương cao biểu ngữ, miệng hô to.

Ở bức cuối cùng, cô gái ẵm đứa trẻ trên tay, ngồi trên lưng con đại bàng bay về phía Mặt trời. Trang phục hai mẹ con tươm tất. Một tay cô níu giữ chiếc valy nhỏ. Nét mặt cô đằm thắm, mặn mà của phụ nữ trưởng thành. Ánh mắt cô kiều diễm, phảng phất màng ươn ướt mỏng manh. Ánh mắt chẳng nhuốm âu toan về ngày phía trước, mà cứ dày đặc tiếc nuối.

Sau rất lâu chờ khán phòng chiêm ngưỡng những tuyệt tác mơ mơ thật thật, Andrew mới lên tiếng. - “Gần một năm trước, tôi gặp chuỗi giấc mơ cứ lặp đi lặp lại hàng đêm. Những hình ảnh đứt mạch, mà rất đẹp. Cảnh trong mơ là những phố nhỏ nên thơ, nhà cửa xinh xắn ngăn nắp, áo dài kiểu xưa, xe hơi con bọ, xe máy Vespa cổ. Giống Sài Gòn vào đầu nửa sau thế kỷ XX. Suốt ba tháng, cứ thức dậy là tôi cắm ngay cọ. Có lẽ thần hội họa đã đem một chuyện tình buồn ngày ấy vào các giấc mơ tôi, truyền cảm hứng vẽ bộ tranh này làm quà mừng buổi triển lãm.”

Andrew cúi chào trong tràng pháo tay rôm rả. Giữa các quan khách, nổi bật vị phu nhân vận áo dài gấm vàng. Bà trông đã lớn tuổi, nhưng khó đoán được bao nhiêu, vì thần thái nhanh nhẹn, da trắng, mặt trang điểm kỹ. Quý bà tên Ngô Tâm Ảnh Halge, bà nội Andrew, nổi tiếng trong cộng đồng Việt kiều mấy mươi năm nay nhờ học vấn uyên thâm và may mắn lấy chồng thế phiệt. Mắt bà ngời tự hào hướng về đứa cháu tài năng. Nhưng bức đầu tiên của bộ tranh, ngay sau lưng anh, mới là tâm điểm tầm nhìn bà. Nụ cười bà khéo léo lấp đi cơn bàng hoàng.

2. Phòng tranh đã đóng cửa, nhưng bên trong vẫn sáng đèn. Bà Tâm Ảnh đứng ngắm bộ tranh sáu bức. Andrew đem khay trà nóng đặt trên chiếc bàn nhỏ gần đấy, rồi đến sau lưng nhưng bà không hay biết. Hồn phách bà lạc sâu vào chuyện tình trong tranh.

“Cháu vẽ bà chưa tới, ngày trẻ bà xinh đẹp hơn. - Andrew lên tiếng, phá bĩnh cuộc thưởng tranh của bà. - “Nàng mê hồn tựa đóa hoa thần bí của nắng nhiệt đới. Nụ cười nàng mơn man làn gió xuân, khiến con người mát dịu từ ngoài vào trong. Ánh mắt nàng thuần khiết như mưa mùa hạ. Ta chỉ muốn hôn sâu và bất tỉnh trong làn mắt ấy. Cháu vẫn nhớ như in những lời ông tả bà ngày trẻ.”

“Ông ấy thật là...” - Bà Xâm Ảnh bật cười, lòng thấy ngọt khi nhớ đến người chồng quá cố. Với ông, bà luôn là báu vật.

“Giá cháu có thể thấy bà ngày trẻ cười nói, thì hẳn đã bắt được đúng thần thái, những bức tranh sẽ có hồn hơn. Lúc vẽ, cháu ngắm ảnh bà thời xưa suốt, vận dụng tối đa óc tưởng tượng mà nét cọ vẫn tù túng.”

“Ý tưởng bộ tranh này thật cháu mơ mà có ư?”

“Kỳ quái, phải không bà? Giấc mơ gãy đoạn, nhưng lặp lại gần như hàng đêm, nên cháu mới có thể sắp logic thành bộ tranh. Rất lạ, cảnh trong mơ đặc biệt trau chuốt, quan sát được từng hạt mưa đậu trên mái hiên, đường chỉ sứt ở ve áo chàng trai, tập thơ anh ta đọc, ánh mắt thiết tha của cô gái. Cháu không nhìn rõ cô gái, nhưng cô ấy gợi cảm giác gần gũi. Cứ nghĩ đến cô ấy là cháu lại nghĩ đến bà.”

“Một chuyện tình buồn...” - Giọng bà Tâm Ảnh phảng phất, mơ hồ giữa câu hỏi và lời cảm thán.

“Lần nào thức dậy cháu cũng hoang hoải, phải bần thần một hồi. Cháu chưa từng nghe lời nói nào trong mơ, như phim câm. Cháu đoán…” - Andrew bước đến bức tranh đầu tiên, quay mặt về phía bà, lấy dáng điệu của giáo viên giảng bài. - “Chàng trai và cô gái gặp nhau vào một chiều mưa, tình yêu học trò.” - Anh bước sang những bức tiếp theo, chậm rãi kể chuyện. - “Chàng nghèo nhưng chăm chỉ và cầu tiến, có lẽ là sinh viên giỏi nhất trường vì thế cô gái xinh đẹp này mới mê điếu đổ. Cô là tiểu thư nhà giàu, hẳn nhiên cha mẹ cấm cản chuyện hai người dù cô van xin thế nào. Cuối cùng, cô bỏ nhà đi cùng chàng trai. Họ có con, một gia đình nhỏ đáng yêu. Rồi chàng trai theo cách mạng, xuống đường đấu tranh nên bị bắt giam, tù đày, cuối cùng có lẽ đã chết. Cô gái đem con tìm cuộc sống mới, xa quá khứ đau buồn.”

Bà Tâm Ảnh mỉm cười nhìn Andrew. Ánh cười thú vị y như hơn hai mươi năm trước, bà nhìn cậu cháu nội bé con khoái chí khám phá mọi vật trong vườn. Bà cất giấu thành công sự hoảng sợ đang bóp nghẹt tim. Bà lén lút thở phào: anh không mang đường nét nào của chàng trai trong những bức tranh. Nhưng anh thừa hưởng hoàn hảo tài vẽ của người ấy.

“Có thể tặng bà bộ này không?”

“Vâng ạ!” - Andrew ngạc nhiên, muốn hỏi thêm, mà kìm bản thân lại kịp. Bác sĩ bảo bà đã mắc bệnh già, đôi lúc nhớ nhớ quên quên, dễ nói và hành động lạ. Anh tốt nhất nên chiều ý, đừng buộc bà nghĩ nhiều, kẻo não mệt vật lý mà bệnh trở nặng. Anh hấp tấp hoàn thành bộ tranh này dù chưa thật ưng để kịp buổi triển lãm ở Việt Nam. Anh muốn khi bà còn tỉnh táo có thể chứng kiến mình được hoan nghênh, trọng vọng trên mảnh đất bà sinh ra và lớn lên.

Bà Tâm Ảnh đến trước bức tranh đầu tiên. Mắt bà sa sầm trước màn mưa xanh ngọt. Hàng đống cảm xúc điêu đứng nhào cuộn vào nhau, ấn xuống đôi ngươi đã đậm màu thời gian. Tim bà quặn đau. Run sợ, nghi hoặc, rối bời, dày vò, ăn năn… Tâm trí bà chuyện trò với chàng trai trong tranh. - “Ông chết lâu rồi mới có thể tìm ra tôi. Cách này sáng tạo đấy!”

3. Tháng 9, 1964.

Còn mươi phút nữa mới tan học, nhưng Luân đã đứng trước cổng trường, chờ đón Tâm Ảnh. Bên hàng rào, anh ngắm cô ngồi gần cửa sổ lớp, chăm chú ghi chép vào vở. Tóc cô đen dài mượt mà, vén rũ trước ngực. Mắt cô to tròn, trong veo, hàng mi dày cong lệ. Mũi cô nhỏ xinh. Môi cô chúm chím, hơi mím lại. Mắt anh say mèm bởi nét dịu dàng, thanh tú. Cô tựa bước ra từ bức họa mỹ nhân, rồi bước vào đời anh, khiến anh quên sạch những tháng ngày mình từng hít thở mà không biết sự tồn tại của cô. Anh quên luôn đã gặp cô như thế nào. Chỉ rõ, khi chút nhận thức trở lại yếu ớt trong anh, tim anh đã thuộc quyền cô sở hữu.

Các bạn đồng học quanh cô chỉ trỏ, cười tủm tỉm về phía anh. Cô có lẽ cũng biết nguyên nhân của sự ríu rít này, nhưng tỏ ra mặc kệ. Mắt cô bướng bỉnh bám chặt những con chữ trên bảng, trong sách, kiên quyết không dành cho anh dù chỉ cái liếc hờ.

“Tùng tùng tùng...” – Tiếng trống tan trường vang lên, cởi trói tim anh. Nó múa hát dữ dội, nóng nảy đòi hỏi được mau áp bên cô.

Tâm Ảnh cười nói tạm biệt các bạn học, rồi ngồi lại xuống ghế, lấy sách khác ra đọc trong cái ngỡ ngàng của Luân. Lát sau trường vắng lặng. Chỉ còn vài con chim ngái ngủ thi thoảng rú lên. Chỉ còn tiếng lá chòng ghẹo gió. Cô thật không biết anh đứng chờ? Hay anh trót làm cô giận mà ngu dốt không biết mình đã gây tội gì? Anh nhảy cẫng lên, huơ huơ chân tay như một thằng dở người, thét gọi tên cô. Cô vẫn điềm nhiên đọc sách.

Anh bước đến cổng, toan vào tận lớp tìm cô thì bị bảo vệ tóm cổ đuổi đi. Đây là trường nữ sinh, ai cho phép nam sinh bén mảng vào? Anh đứng chờ giữa nắng trưa, hai ba tiếng đồng hồ. Cô vẫn hoài không lật sang trang sách mới, mà anh nào để ý. Anh chỉ biết ngắm cô cùng cõi lòng lũ lụt bởi muôn vàn tự vẫn, tự trách. Mãi đến khi nắng tắt bởi những tảng mây đen hành quân kín trời, anh mới nảy ra một ý. Có lẽ nắng gắt đã làm bốc hơi mọi sản phẩm của neuron thần kinh!

Lăn ra cửa phụ, leo rào vào sân, men theo lối hành lang sau của dãy phòng học, cuối cùng Luân cũng đến được lớp Tâm Ảnh. Nhưng cô đi mất rồi. Anh chạy vòng vòng mấy bận mới thấy cô đang đứng dưới mái hiên gần bãi đỗ xe. Cơn mưa đã giữ cô lại cho anh bắt được.

Lô cuốn tập khỏi cặp, anh xé trang giấy ở giữa để lấy khổ lớn nhất tỉ mỉ gấp thành một chiếc nón xinh xẻo. Rồi anh nhẹ nhàng như mèo đến sau Tâm Ảnh, đội nón giấy lên đầu cô. Cô giật mình quay lại, chưa kịp la toáng thì anh đã ghì lấy, hôn miết lên làn môi cô đang co ro vì gió.

“Che cái này cũng ướt thôi?” - Cô vân vê chiếc nón giấy trên đầu, cố làm mặt nghiêm, nhưng ánh mắt phì cười đã tố cô rất thích trò đùa sáng tạo.

Luân cầm cặp che trên đầu cô. - “Anh sẽ ghì em trong lòng, chạy nhanh ra xe đỗ ngay ngoài cổng. Vài giây thôi, mưa sẽ chẳng lấm em mấy đâu.”

“Hôm nay anh đi xe gì đấy?” - Tâm Ảnh nhẹ đẩy anh ra, chẳng thèm tung hứng cái phấn khởi của anh.

“Vẫn chiếc con bọ màu trắng như cũ, anh không đổi xe. Chúng mình đi ăn kem trái dừa nhé!” - Anh cười ngoan ngoãn. Anh hiểu cô mặc cảm vì anh giàu và cô nghèo, nên đã lâu không mua sắm đồ xa xỉ. Và chăng, tiền cũng cạn phép màu mang niềm vui cho anh. Giờ chỉ mình cô khiến anh hạnh phúc. Chỉ cần dáng hình cô in trong mắt anh, chỉ cần cô vừa ý, là đủ.

“Chúng ta đứng đây ngắm mưa thôi. Chờ tạnh mưa rồi em đạp xe về, xe để lại đây sao mai em đi học? Em không muốn anh đến đón. Anh cũng phải đến trường. Hơn nữa, chiếc xe của anh sẽ khiến cả xóm em xì xào. Rồi biết đâu vì nó mà có nhà vợ nhiếc móc chồng kém cỏi, chồng tủi thân rượu chè.” - Tâm Ảnh thở dài, vòng tay ôm Luân, ngả đầu vào ngực anh. Cô biết anh toan phản đối, nhưng cô biết cách đền bù, buộc anh tuân lệnh mình.

“Bây giờ anh đưa em về, mai anh sẽ đạp xe đến đón em.” - Anh lồng những ngón tay vào tóc cô, nhẹ nhàng chải. Anh gượng mua thêm thời gian bên cô, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng chẳng nề hà.

“Thật không?!” - Cô nhích đầu, ngẩng nhìn anh. Giọng cô leng keng vì thích. Cô mỉm cười thay lời bằng lòng, muốn tận mắt thấy chàng công tử trắng trẻo gò lưng trên con ngựa sắt. Cô càng sướng trong tưởng tượng được ôm chặt anh rong ruổi mãi thôi. Bao lâu cũng không đủ, vì thời gian luôn ngắn khi hai người bên nhau.

4. Tháng 10,1965

Trưa đầu thu nắng chang chang. Gọi tháng 10 là mùa thu cho sang, cho lãng mạn kiểu Tây, chứ Sài Gòn nhiệt đới thì lá rụng lẻ tẻ quanh năm, có bao giờ đồng loạt rụng hết tạo thành thảm lá đặc chất thu. Tâm Ảnh đang vẩn vơ dạo trong công viên trường, thì nghe tiếng í ới gọi mình. Cô quay lại, nhận ra bạn thân của Luân. Cô cau mày, không đoán được vì sao tay chơi khét tiếng Sài thành này tìm mình, vì trước nay cô không ưa anh ta ra mặt.

Anh bạn của Luân chở cô đến một phố nhỏ, chỉ cho cô sạp báo con ngay góc ngã tư. Cô choáng váng nhìn Luân ngồi trên ghế đẩu trước sạp báo. Dù nép sát vào mái che hẹp của sạp, nắng cứ rọi hết nửa thân anh. Từ khoảng xa, cô vẫn thấy rõ mồ hôi ròng ròng chảy từ tóc anh, men xuống thái dương, ướt bờ má. Anh tập trung đọc sách, giết cái buồn chán của giờ vắng khách. Anh tập trung quên nắng gắt.

“Vì cô, Luân cãi bố mẹ, bỏ nhà đi. Sạp báo ấy là vay tiền tôi mở. Cô tính thế nào?” - Giọng nói anh bạn Luân chẳng che đậy sự ghét dành cho Tâm Ảnh.

“Đã bao lầu rồi?” - Mắt Tâm Ảnh hoài xoáy chặt Luân. Lòng cô xót, như chiếc bánh mì đang nguyên lành thì bị rứt từng miếng. Cô đã hiểu vì sao dạo gần đây anh hay mệt mỏi, ngáp ngủ, vì sao anh đen và ốm đi. Cô đã biết anh nói dối và cô thương vì anh nói dối.

“Gần hai tháng rồi. Cậu ấy cấm tôi cho cô biết, đòi lập thân sau này còn bao bọc cô. Lập thân! Bán báo thì nuôi miệng mình còn chẳng xong, đang thiếu tiền thuê nhà, tiền học phí kìa.” - Anh bạn khẩy cười mỉa mai.

“Thà anh đừng cho tôi biết. Nếu một ngày Luân chịu hết xiết, sẽ tự tìm về nhà. Nay thấy thế này, tim có hóa sắt tôi cũng chẳng thể rời anh ấy.” - Tâm Ảnh sịt mũi mà không ngăn được dòng ước mắt trườn xuống nụ cười hạnh phúc. Dáng hình Luân trong mắt cô bỗng phóng đại, choán ngợp trọn đôi ngươi. Cô đẩy cửa xe bước ra, đến chỗ anh.

Có linh tính mách bảo, Luân chợt nhìn lên, rồi hốt hoảng khi thấy Tâm Ảnh tiến về mình. Nhưng theo mỗi bước cô đi, anh ấm dạ một chút. Nụ cười trên môi cô mát ngọt như ly nước mía giữa oi bức.

5. Tháng 4, 1966

Trong phòng khách nguy nga những tranh họa quý, những tượng phật vàng ngọc của nhà Luân, một gia đình thương nhân gốc Hoa. Bố mẹ anh ngồi trên ghế gỗ trầm hương cẩn xà cừ, nhấp trà lài trong tách sứ tráng men xanh mà thân sứ mỏng bằng tờ giấy. Thi thoảng họ ném ánh nhìn khinh miệt xuống Tâm Ảnh quỳ trước mặt. Tóc tai cô rũ rượi vì đã hấp tấp chạy từ bệnh viện đến đây, ngay khi bác sĩ báo bệnh sốt xuất huyết của Luân đột ngột chuyển nặng, phải có tiền mới dùng nổi thuốc đặc trị. Nét mặt cô mệt lả vì mấy đêm liền mất ngủ.

Bố mẹ Luân biết bệnh anh, nhưng tỏ vẻ không can dự tính nắm cơ hội này để kéo anh về. Chỉ cần kiên nhẫn chờ Tâm Ảnh tìm đến trước, thì yêu sách gì cũng có thể thỏa hiệp dễ dàng.

“Xin hai bác cứu giúp, anh ấy là con hai bác mà!” - Tâm Ảnh cúi mặt, nén cơn thút thít. Đây không phải lúc khóc. Cô cần mạnh mẽ vì Luân.

“Từ ngày nó bỏ đi, nhà này xem như tuyệt tự, gia phả không có tên Phùng Luân.” - Bố Luân giận dữ đặt mà như ném tách trà xuống bàn.

“Ông yên nào!” - Mẹ Luân lừ mắt sang chồng. Đôi mắt của người mẹ lo lắng nhất mực cho sinh linh mình từng nuôi trong thân. Đôi mắt của vị phu nhân quyền quý bằng mọi giá giữ tôn nghiêm gia tộc. Bà nhìn Tâm Ảnh, cất giọng lạnh nhạt của kẻ bề trên. - “Luân là tôi sinh ra, tôi nên cứu. Nhưng cứu rồi để hai người lại ôm nhau, thì cứu làm gì?”

“Cháu sẽ đi. Cháu sẽ chia tay anh ấy!” - Tâm Ảnh ngẩng nhìn mẹ Luân bằng đôi mắt nhẹ nhõm, tràn ngập biết ơn. Nụ cười cô méo mó mà bừng sáng vì đã tìm được hy vọng.

“Vì chỉ một mình cô, Luân đã bỏ cha mẹ, chẳng màng gia sản. Nay cô đang có thai, nghĩ sao mà tách nó được khỏi cô?”

Tâm Ảnh ngỡ ngàng nhìn mẹ Luân. Chuyện cô có thai, chỉ mới ông thầy lang gần nhà biết. Cô chưa kịp cho Luân hay tin mừng thì anh ngã bệnh. Tai mắt nào báo cho bà? Đầu óc cô đang giữa cơn ong ong, thì bà ngọt ngào nói tiếp. Lời tua tủa kim tẩm mật đường.

“Nếu gia cảnh cô không nghèo hèn, tôi đã chẳng khắt khe cấm cản. Tôi có thể đưa tiền cho cô đi xa mà sinh con, nhưng thế chẳng an toàn. Đứa trẻ không phải món đồ câm nín mà giấu dễ dàng. Một ngày Luân phát hiện, nó sẽ hận cha mẹ, yêu thương cô bội phần. Chi bằng cái thai còn nhỏ thì bỏ đi.”

Tâm Ảnh cứng đờ. Cô thấy mình lềnh bềnh trôi giữa một mảng màu đen. Dường như mẹ Luân vừa nói gì đó khiến cô tê tái, nhưng cô chẳng nhớ nổi lời ấy. Lồng ngực cô tức tức, khó thở. Cô há hốc miệng đớp một ngụm khí rồi ngã sõng soài.

6. Tháng 8, 1966.

Phi trường chộn rộn người. Tâm Ảnh đứng nhìn bố mẹ và em trai dắt díu nhau về, bóng họ dần nhỏ rồi mất hẳn. Cô không muốn gia đình thấy mình khóc tức tưởi, nên chẳng cho tiễn trọn vẹn.

Cô đưa mắt bao quát sân bay. Đất dưới chân cô tưởng hóa mềm, khiến cô lún dần, lạc lõng tách khỏi những thân mật, mừng tủi của người xung quanh. Cô thấy một chiếc xe hơi con bọ màu trắng đỗ ở cổng. Cô thấy Luân hớt hải bước ra. Cô vỗ đầu một cái cho tỉnh khỏi ảo tưởng. Anh giờ này hẳn đang ở Long Xuyên tìm cô - mẹ anh đã sắp xếp người báo tin giả đánh lạc hướng, để cô trót lọt rời Việt Nam. Cô quay đi.

“Tâm Ảnh, Tâm Ảnh!!” - Tiếng Luân gào ầm lên, vang trùm sảnh phi trường.

Tay Tâm Ảnh bấu chặt quai cầm valy. Cô hoảng sợ. Luân thật sự đang sau lưng cô chỉ vài chục bước. Cô bước thật nhanh đến cửa phòng cách ly, có lúc hai chân luýnh quýnh vào nhau tưởng sắp ngã. Hấp! Anh đã nhanh hơn, ôm chụp lấy cô, vùi cô trong cái ôm chặt dạt dào. Nỗi mong nhớ của anh đã nhiều sức lực hơn cơn tủi hổ của cô.

“Anh xin lỗi! Anh xin lỗi!” - Luân vuốt tóc cô. Những cảm xúc bị đè nén suốt nhiều tháng qua vỡ bùng, dồn lên bàn tay anh vò đầu cô rối tung. Anh ghì chặt quanh cổ cô. Nước mắt anh thấm đẫm tóc cô. Anh biết để cứu mình, cô đã rời bỏ anh theo ý cha mẹ. Cô đã trấn anh từ đấy. Vừa ra viện có sức, anh liền đi khắp hang cùng ngõ hẻm, lặn lội tỉnh này sang đất khác tìm cô. Cuối cùng anh đã lay động lòng trời, kịp níu cô lại.

“Buông em ra, em nghẹt thở rồi!” - Giọng Tâm Ảnh vô cảm. Cô dùng hết sức đẩy anh mà không được.

Luân nới nhẹ vòng tay. Anh ôm mặt cô, khẽ đẩy ngẩng lên nhìn mình. Mắt cô khô rang.

“Anh khờ lắm! Chuyện đến nước này còn cố chấp.” - Cô mỉm cười, nhìn thẳng mắt anh. Trong đôi ngươi anh, cô thấy sự lo lắng, vui mừng, nhẹ nhõm. Trong đôi ngươi anh, cô thấy bóng mình. Trong đôi ngươi anh, cô tìm được động lực để lừa anh. Màn kịch này phải đạt, bằng không quãng đời phía trước của cả hai sẽ lại rối tung rối mù. Cô lấy giọng ngọt ngào mà xa vợi. - “Sẽ có một cô gái tốt, xứng với anh, Luân à! Em đã nghĩ thông rồi. Anh là cậu ấm, liệu chịu khổ được thêm bao lâu? Bệnh tật, đói khát, hết tiền, nhỡ đâu một ngày anh vì thế oán trách em thì sao? Cha mẹ anh cho em tiền sang Mỹ học. Vận may cả đời chỉ có một lần, em phải đón lấy. Anh biết, được học đàng hoàng là giấc mơ của em mà. Nhờ anh em sẽ biết thế nào là đi máy bay.” - Cô bật cười, tiếng cười lảnh lót rất tự nhiên. Nhưng gắn vào bối cảnh này và con người cô, tiếng cười nực giả tạo. - “Em chưa từng đòi hỏi anh điều gì, duy chỉ lần này thôi. Cho em đi.”

Sức lực đôi cánh tay Luân teo tóp theo từng lời Tâm Ảnh. Cô dễ dàng rời vòng tay anh, quay người bước đến cửa phòng cách ly.

“Em nói dối!” - Luân chộp lấy cổ tay cô bằng tất cả năng lượng còn sót.

“Bằng cách nào em có tiền đi Mỹ?” - Khóe môi Tâm Ảnh cong cười tinh nghịch. Vẫn nét dễ thương của những khi cô trêu anh bằng các câu hỏi tu từ khéo léo. Nhưng lần này, nét tinh nghịch hóa độc địa.

“Anh mặc kệ! Anh sẽ theo em sang Mỹ.” - Luân cạn sạch bình tĩnh. Giờ phút này chuyện yêu ghét không quan trọng. Anh chỉ biết người quý giá nhất đời đang sắp tuột khỏi tay.

“Đừng trẻ con thế! Anh chẳng có khả năng bảo vệ em và gia đình em khỏi cha mẹ anh. Những gì không thể có thì nên quên đi.” - Tâm Ảnh nói giọng sắc lạnh đầy van vỉ. Cô chờ đúng thời khắc giọt nước mắt hoen khỏi bờ mi để ngẩng nhìn anh rồi quay đi. Giọt nước mắt nặng bằng tạ ngôn từ. Cô biết anh sẽ đau đớn, nhưng anh sẽ xuôi tay.

7. Tháng 11, 1970.

Mùa thu Boston (Mỹ) đẹp ngất ngây. Lá vàng trải thảm dày khắp công viên quanh thư viện. Đã chứng kiến mùa thu thứ năm, nhưng nỗi phấn khích Tâm Ảnh dành cho thảm lá không hề sứt mẻ. Cô mê việc nhanh rồi đi chậm, chốc chốc đạp giẫm lên lá để nghe những âm thanh tí tách, rào rào vui tai.

Sau nhiều giờ trong thư viện, Tâm Ảnh ra công viên chơi “nhạc lá” một lúc, rồi đến ngồi trên thảm cỏ bên hồ nước hưởng thụ mát lạnh. Bầu trời ảm đạm. Hơn sáu giờ chiều đã tối om. Cô ngả người ra đất, ngửa mặt đối mặt với màn mây chỗ dày chỗ mỏng. Cô nhắm mắt, mường tượng làn di chuyển của dòng khí qua đám lông tơ trên mặt là bàn tay ấm áp của Luân. Anh từng vuốt ve bầu má cô cũng mơn man, dễ chịu như thế. Nước mắt cô lăn xuống thái dương rồi thấm vào chiếc mũ len. Tim cô vẫn cười vì anh, khóc vì anh, nóng hổi vì nhớ anh. Nhớ chỉ vì nhớ.

Thần trí Tâm Ảnh lặn lội về quá khứ. Cô đã nghĩ mòn chuỗi ý nghĩ này. Cô mệt lử và chán ớn, nhưng chúng gây nghiện...

Đấy là một chiều nắng vàng như lớp mật ong dày quét khắp công viên. Luân và cô cùng dạo mát, bỗng anh kéo tay cô chạy đến thảm cỏ rồi ngả lưng nằm xuống, ngửa mặt ngắm mây. Những chùm mây nho nhỏ, những tảng mây to to từ tốn thổi qua mắt họ.

“Tảng mây kia như đầu người đàn ông nhìn nghiêng ấy, trán nhô ra, mũi cao, cằm nhọn chìa về trước.” - Cô thích thú chỉ anh mảng mây lớn đang trực diện hai người.

“Đàn bà chứ. Em nhìn phía chân mây phía dưới xem, ngực nhô cao và váy dài thế kia.” - Luân đưa ngón tay lên trời, di di theo trọn hình mảng mây.

Cô bĩu môi, đôi gò má đỏ lựng khi anh nhắc đến ngực…