18. Chuyện Tình Trong Tranh (Phần 2)

Đấy là buổi trưa nóng bức ở phi trường Tân Sơn Nhất. Cô đã nói rất nhiều. Cô không nhớ chính xác những lời mình thốt lên. Duy chỉ một câu luôn âm vang trên màng nhĩ cô.

“Những gì không thể có thì nên quên đi.”

“Những gì không thể có thì nên quên đi.”

“Những gì không thể có thì nên quên đi.”

Cô quên không được. Cô đã đánh đổi sinh linh mới nhỉnh hơn quả nho lấy mạng anh. Cha mẹ anh đưa cô sang Mỹ nửa tách cô xa anh, nửa đền bù phần máu mủ cô hy sinh. Nếu cô giữ đứa bé, cha mẹ anh sẽ làm gì? Con họ, cháu họ, họ nỡ đối ác chăng? Để tích ngần ấy của cải, cha mẹ anh nào hiền lương. Cô non choẹt, đâu đọc nổi điều họ tính toán. Cô đã không cô thời gian suy xét. Mạng sống anh lúc đó treo trên một sợi tơ thứ phẩm. Cô quyết định chóng vánh. Cô giết con, bỏ anh, nhận tiền và cao chạy xa bay. Con bạc xuống bài thì đừng mong rút lại, bây giờ dù biện chữa thế nào, sự thật vẫn là sự thật: cô khốn nạn!

Có tiếng vĩ cầm lả lướt bên tai cô. Chẳng mở mắt, cô cũng biết là anh bạn khóa trên, Harris Halge, đang kéo đàn bên mình. Một trò cũ rích. Bốn mùa thu trước, anh đã bắt gặp cô ngồi lặng bên hồ và đến chơi vĩ cầm góp vui. Việc này lặp lại hàng năm, cứ vào mùa thu. Cô từng đề nghị nghe đàn cả vào mùa xuân và mùa hè nhưng anh từ chối, với lý do chỉ mùa thu mới có hứng.

Hồn Tâm Ảnh bồng bềnh theo giai điệu du dương. Bất giác cô mở mắt, soi khắp bầu trời đen kịt. Chẳng bõ công lùng sục, cuối cùng cô cũng thấy một ánh sao mờ nhạt lẫn giữa mây và mây. Cô nhẹ cười thầm cầu nguyện sinh linh bé bỏng ngày xưa đang chơi đùa hạnh phúc trên ấy.

Harris vừa đàn vừa nhìn cô. Ánh mắt mông lung và nụ cười cô mơ màng xúc tác cho anh vẽ một bức tranh quá khứ buồn bã. Anh chưa từng và cũng không muốn hỏi về quãng đời trước khi cô gặp mình. Anh chờ thời gian kéo da non lành vết thương cô. Liệu đến bao giờ?

8. Tháng 5,1973.

Quá trưa, Tâm Ảnh mở cửa vào căn hộ của hai vợ chồng. Cô ngồi trên sa-lông nhìn ra mảnh sân chung của khu nhà gần trọn buổi chiều. Cô nhìn những nóc xe ướt nhẹp sau trận mưa vội, vài con người qua lại, tấm rèm nhè nhẹ đưa sau khung cửa sổ nhà đối diện. Cô nhìn viên kim cương lấp lánh ở nhẫn cưới trên tay.

Đồng hồ bing boong điểm sáu giờ chiều. Tâm Ảnh uể oải đứng dậy, tặc lưỡi thắc mắc không biết thời gian đã lẩn lối nào mà đi vun vút thế. Cô vào bếp, tất bật nấu nướng.

Một lát sau, Harris về. Anh bước nhẹ vào bếp, ôm chặt cô từ sau lưng. Anh vén tóc cô, mân mê di di bờ môi lên cổ, lên vai cô, quyết tâm lung lay công cuộc nấu nướng.

“Em không thể sinh con.” - Tâm Ảnh nãy giờ cứng như khúc gỗ trước những mơn trớn của Harris. Cô muốn nói chuyện này với anh sau bữa tối ngon lành. Không nên báo tin dữ cho một cái dạ dày rỗng. Nhưng cô không gằn cảm xúc lại được. Cô khóc nức nở, nước mắt tung tóe xuống cả cánh tay anh.

Ba tuần trước, thường xuyên nôn nao, cô thầm mừng nghi mình hoài thai. Nhưng cô chỉ mang thai tưởng tượng, một dạng tự kỷ ám thị, do tiềm thức mong quá mà ngỡ là thật. Bác sĩ phát hiện người cô có trục trặc. Sau kiểm tra, họ báo xác suất thụ thai của cô vô cùng bé, di chứng của lần phá thai trước.

9. Tháng 6, 1974.

Sáng chủ nhật, đã quá bảy giờ, nắng tràn qua cửa sổ lênh láng hết hai phần ba căn phòng. Gió hè nhiệt đới nhè nhẹ lay rèm cửa sổ voan trắng. Tiếng chim hót từ vườn vọng vào, một điệu ca mộc mạc, đôi lúc chí chóe. Harris ôm chặt Tâm Ảnh trên giường, nhất quyết không cho cô dậy chuẩn bị bữa sáng. Hơn tháng nay bận rộn với chuyện sắp xếp, điều chỉnh cuộc sống mới ở Bangkok, hai vợ chồng chẳng được nằm nướng thế này. Anh thà nhịn đói còn hơn chết thèm nhớ hơi cô.

Nằm yên trong vòng ôm, Tâm Ảnh sắp xếp các dự định của mình để nói với Harris. Cô sang Mỹ gần một năm thì mất liên lạc với gia đình. Những bức thư cô gửi bị gửi trả lại. Dạo gần đây, cô mới dò hỏi được rằng cả nhà đã trốn về Bắc theo cách mạng. Harris hiện là nhân viên ngoại giao Mỹ bổ nhiệm tại Thái Lan. Gái theo chồng, cô và gia đình bỗng thuộc hai chiến tuyến. Cô không muốn bất kỳ ai tổn hại.

“Anh ơi, tuần sau em sang Sài Gòn. Em muốn thăm nhà!” - Tâm Ảnh thầm thì.

“Hơi gấp, hai tuần nữa được không? Anh cần thông báo xin nghỉ. Có vài mối quan hệ có thể giúp em tìm tin cha mẹ.”

“Lần sau anh hãy theo. Em đi vài ngày thôi, chỉ muốn ngắm cảnh xưa. Còn chuyện cha mẹ... Cha mẹ đã về Bắc, có hay tin thì em cũng đâu thể gặp.” - Cô quay người nhìn mặt chồng, âu yếm vuốt ve má anh. Từ ngày đuổi Luân ở phi trường, khả năng diễn kịch của cô âm thầm tăng mà không cần tập luyện.

Harris miễn cưỡng cười đồng ý. Ngoài chuyện thuyết phục cô cưới mình (mất tận nửa năm), anh luôn tự nguyện thua trước mọi mong muốn của cô. Anh biết cô xa quê đã lâu, hẳn có nhiều điều muốn xem, người muốn gặp. Anh lẽo đẽo theo dễ gây mất tự nhiên. Anh đành chịu vắng cô vài ngày.

10. Tháng7,1974.

Công viên sau cơn mưa mát thơm mùi đất ẩm. Đã dạo một đoạn dài, Luân vẫn im lặng, bước chậm và đều bên Tâm Ảnh. Hai người cách nhau hơn sải tay. Cô chốc chốc nhìn anh, cơn ngỡ ngàng lâng lâng hoài chưa tan. Thất vọng vì mọi nguồn tin về gia đình đều bế tắc, trong một cơn lặng người, cô đánh bạo gọi điện cho anh. Cô chỉ còn mình anh để bấu víu chút thân quen. Ngay khi nghe giọng anh, cô run lẩy bẩy. Cô toan cúp máy, mà nghĩ mình không có quyền làm thế nên mở lời chào hỏi, đinh ninh anh sẽ dập máy đánh rụp. Nhưng chính anh chủ động hẹn cô dạo công viên xưa mang nhiều kỷ niệm.

Luân ngồi xuống ghế đá, lấy khăn tay lau khô nước mưa đọng trên phần ghế bên cạnh, rồi mới ra hiệu Tâm Ảnh ngồi xuống. Anh vẫn lặng thinh.

“Nói gì cho bớt chối bây giờ?” - Cô ngẩng mặt nhìn tia Mặt trời cuối ngày chớp chớp sau những kẽ lá. Cô cười gượng gạo. - “Gặp được anh thế này em vui rồi, chẳng biết nên nói gì nữa.”

“Anh cũng vậy.” - Luân cười với cô, vẫn nụ cười sáng và hiền khô của chàng sinh viên khoa Văn năm nào khiến hồn cô xiêu vẹo. Anh mím môi tư lự, rồi thở mạnh một cái lấy can đảm trút lòng. - “Sau khi em đi, anh tệ lắm! Chẳng nhớ những ngày ấy trôi qua thế nào. Cha mẹ bảo cưới vợ, anh làm đại, không tính toán đời mình. Thật xấu hổ khi nhắc về. Còn em, cuộc sống của em thế nào?”

“Em đã ngắm lá rơi, tuyết bay, mưa buông, gió tạt. Thời tiết xứ ôn đới rất hút hồn. Sáng sáng em ngẩng nhìn bầu trời, tự hỏi thiên nhiên sẽ ban phát điều kỳ diệu nào hôm nay. Cứ thế thời gian trôi và giờ em lại ngồi bên anh.” - Tâm Ảnh cười mỉm mơ màng với khoảng xanh trước mặt, ánh mắt lung lạc nhìn thấy chuỗi thước phim quay ngược của đời mình.

“Anh có nghe chuyện cha mẹ em, một quyết định khôn ngoan. Chính quyền miền Nam này chẳng mấy chốc mà đổ. Em tính thế nào đoàn tụ với họ?” - Sau vài câu trò chuyện cùng Tâm Ảnh, Luân thấy lòng thảnh thơi. Tâm anh tựa chiếc túi xốp đã được cởi nút thắt, gió khí tràn vào. Cuộc hội ngộ không cần nhắc nhiều đến quá khứ, những chuyện cả hai đều muốn gạt sang bên dù chẳng bao giờ chối bỏ. Chính từ những ngày ấy, anh và cô đã cùng lớn lên, học cách tiết chế suy nghĩ, cảm xúc và hành động cho vừa vặn vào guồng xoay cuộc sống. Mối gắn kết khăng khít của họ mạnh mẽ vượt không gian và thời gian. Mối gắn kết là báu vật của riêng anh và cô.

“Em chưa nghĩ được.” - Tâm Ảnh nhìn nhẫn cưới trên tay, chìm trong suy nghĩ. - “Nếu phe cộng sản thống nhất đất nước được là điều tốt, gia đình họ tộc ly tán mấy mươi năm lại về bên nhau. Nhưng chồng em là người Mỹ, làm cho chính phủ Mỹ... Em sao có thể lặn lội ra Bắc tìm cha mẹ?”

“Em có con chưa?”

Tim Tâm Ảnh nhói tê khi Luân hỏi. Cô nhẹ lắc đầu, không dám nhìn anh.

“Con anh hơn một tuổi, vừa biết đi, kháu lắm. Ẵm nó trên tay, cho nó ăn, ngắm nó ngủ, dỗ nó ngã, anh ngộ được nhiều thứ. Trẻ con có phép, biến một gã trai thành đàn ông. Anh khó có thể tự nhiên đối diện em nếu chưa làm cha.” - Đôi ngươi Luân tỏa rực như trước mắt đang là cậu con đáng yêu. - “Anh chỉ mong điều tốt nhất cho con. Anh vẫn giận, nhưng giờ anh hiểu sao ngày xưa cha mẹ làm vậy. Họ nghĩ em là thuốc độc. Anh vẫn giận, nhưng giờ anh hiểu em sao lại đi. Tình yêu của em luôn mang sự bảo bọc, lo toan của người mẹ. Em đã nghĩ xa cho anh, do anh ngu muội nên lúc đó không đồng cảm được. Nhưng giá em đừng đi...”

Tâm Ảnh nhìn anh, gắng cười. Lòng cô bị bóp chẹt, nát bét thành một bãi nhoe nhoét.

“Cha mẹ anh hẳn hài lòng con dâu nhà trâm anh thế phiệt.” - Cô tự dưng căm hờn người con gái đã thay mình chăm sóc anh. Cô biết bản thân đang ngược ngạo trái đời, cực kỳ xấu tính. Cô cố nén, nhưng âm điệu cứ rải rác đinh tán.

“Ừ, ban đầu là vậy!” - Anh cười lớn. - “Gia đình hai bên sắp đặt, nhưng chẳng rõ vì lẽ gì anh đã rất vừa mắt cô ấy. Cô ấy quyết tâm cảm hóa anh và đã làm được ít nhiều. Cô ấy thông minh, bền bỉ đến cố chấp theo đuổi thứ mình muốn.” - Luân cúi mặt cười ngượng. – “Cô ấy giống anh, đều là trẻ con nhà giàu chưa từng vất vả, nên luôn lý tưởng hóa cuộc sống. Với anh, lý tưởng sống là yêu. Với cô ấy, lý tưởng sống là bình đẳng xã hội, là những điều to tát. Cô ấy kéo anh tham gia đấu tranh, xuống đường biểu tình, chỉ cho anh ánh sáng, lẽ phải. Anh và cô ấy từng bị bắt vào đồn, cha mẹ phải dốc cả đống tiền cứu ra. Mẹ anh đã mắng chửi cô ấy thậm tệ, nên chúng anh ra riêng. Nếu không vì con, chúng anh hẳn đã trốn vào chiến khu.

Tâm Ảnh bâng quơ nhìn những ngọn cỏ đứng im, những ngọn cỏ cử động tí chút, những ngọn cỏ trĩu mưa. Cô đếm nhịp mình thở. Cô ngẫm về thời gian. Cô lạc khỏi cuộc nói chuyện với Luân. Cô nhớ cha mẹ. Nhà cô nghèo nhưng có học, có tình, biết nghĩa. Chính vì vậy cô càng rối, không suy được nguyên nhân cha mẹ đành tâm về Bắc, cắt liên lạc với đứa con gái bơ vơ phương xa. Nếu họ đã tính như thế, sao không cản cô du học, giữ cả gia đình chung một con thuyền?

“Lý tưởng sống của em là kiến thức. Hẳn vì vậy mà cha mẹ em không giữ em lại. Chuyện chúng ta lúc ấy khiến em bê bết, họ cũng muốn em tìm một chân trời mới cho khuây khỏa. Vả chăng, trong thời cuộc bấp bênh này, mọi thứ quá nhanh, có khi lúc ấy họ cũng không biết chuyện mình sắp quyết định.” - Luân đọc được nỗi cay đắng trong lòng Tâm Ảnh. Anh muốn xin lỗi, nhưng biết lời ấy sẽ chỉ rạch vết thương cô loét thêm. Vì anh, cô lìa Tổ quốc. Vì anh, cô mất gia đình. Anh muốn ôm dỗ cô, mà cuối cùng chỉ có thể vỗ nhẹ lên vai như một người bạn.

“Em vui vì anh hạnh phúc.” - Tâm Ảnh cười. Nụ cười cô mỏng manh cuốn theo chiều gió, chỉ ưu tư ở lại.

11. Tháng 12, 1974.

Harris sang công tác Sài Gòn ngắn ngày, đem theo Tâm Ảnh. Từ khi biết chuyện nhà cô, anh gần như không bao giờ để cô một mình. Người thân duy nhất cô còn là anh, anh phải ôm cô thật chặt, bảo vệ cô thật yên.

Những ban ngày Harris bận họp, Tâm Ảnh rời khách sạn, lang thang phố xưa lối cũ, đặc cách cho bản thân ngoại tình tư tưởng, nhung nhớ về tình yêu trong vắt tuổi mười tám. Cô không muốn nghĩ về gia đình, bởi càng nghĩ càng tủi thân, cùng đường, Mấy tháng rồi, cô dùng ảo ảnh mối duyên xưa làm thuốc an thần cho tâm trí bình lại. Những điều đẹp đẽ sẽ qua. Những điều tồi tệ cũng sẽ qua. Cha mẹ không theo con cái được hết đời. Tình yêu phải dừng lại cho những bận rộn cuộc sống. Cô chỉ tiếc mình chưa trả hiếu. Cô chỉ tiếc mình chẳng thể nói tường tận cho Luân chuyện năm ấy, một mình chiu đựng nỗi ân hận ăn mòn gan ruột.

Những bước vô định đưa Tâm Ảnh vào công viên. Cô cứ đi chầm chậm. Bất chợt, cô thấy một bé trai bụ bẫm đùa nghịch cùng quả bóng to trên bãi cỏ trước mặt. Đứa bé hì hục cúi nhặt bóng, dùng cả hai tay nâquá đầu, ném ra xa. Rồi nó phấn khích rượt theo quả bóng, vừa chạy vừa hú hét phởn chí. Cô say ngắm nó chơi. Càng ngắm cô càng thấy khó hiểu, chẳng rõ sao mình lại muốn chạy đến ôm nó vào lòng.

Cha gọi từ xa, khiến cậu bé quên ngay quả bóng, đổi hướng chạy ù về người đàn ông. Tâm Ảnh nhìn theo hướng ấy, sững sờ thấy Luân ôm chầm con. Cô gái trẻ ngồi trên ghế đá gần đó đứng dậy bước về phía hai người. Hẳn là vợ anh.

Tâm Ảnh liền nép sau một thân cây lớn, ngắm gia đình ba người họ đùa chơi hồi lâu. Cô cắn chặt môi, máu rỉ tanh một giọt mà không biết. Nước mắt dàn dụa khắp mặt cô. Trong lung linh, cô thấy Harris bế bổng một đứa trẻ, dạy nó tập đi, đạp xe, câu cá, trượt tuyết. Cô thấy mình thức đêm chăm con ốm, phì cười khi con tự ăn bầy hầy bát bột, phạt con ham chơi biếng học...

Tia hằn học đỏ loét mắt Tâm Ảnh. Ngày hôm sau, qua người bạn cô liên hệ một tay anh chị, làm một việc khiến bản thân suốt đời day dứt mà mãn nguyện.

12. Ngày 25 tháng 4, 1975.

Trong phòng khách sạn sang trọng, trên sô-pha, Tâm Ảnh ngắm mãi một bức họa đã bắt đầu ố vàng. Bức họa cô thời mười bảy, Luân phác nhanh trong quán kem, trên trang giấy tập kẻ ly. Nét vẽ anh rất có thần. Cái cong môi của cô chuyển tải trọn vẹn chất ương bướng thiếu nữ mà hiếm hoi lắm cô mới biểu lộ. Người vẽ tranh đã thật thấu đáo nàng thơ. Bàn tay cô vuốt dọc bức tranh. Hơi nồng nàn của tơ tình xưa vẫn khỏe khoắn trong từng nét chì. Cô nâng niu bức họa bằng cả hai tay, rồi xé toạc. Thành chục mảnh. Cô gom giấy vụn, phủi vào sọt rác. Cô sắp làm một việc nhơ nhớp với những luyến lưu mình luôn trân quý. Cô không xứng đáng giữ kỷ vật này.

Tâm Ảnh đến bên cửa sổ, vén rèm ngắm xe cộ tuôn chảy trên con phố trung tâm Sài Gòn. Mắt cô vô tình lướt ngang hiệu cà phê ngay góc ngã tư. Cô chợt bị cuốn hút, tò mò không hiểu tâm trạng của những người đang (tỏ vẻ) thư thái bên tách cà phê kia. Sài Gòn sắp có biến. Mùi của sự thay đổi lấp đầy từng hơi khí. Nắng cũng sốt sắng. Sao con người lại có kẻ không tất bật cho đời mình? Hay họ đang thưởng giọt cà phê cuối cùng tại chốn quen, trước chuyến đi xa? Hay họ đang thầm lặng đón mừng nền độc lập sắp đến? Cô nhớ đến buổi trưa gắt bỏng năm 1966 mình xách valy xa quê hương. Lòng cô đã rất bệ rạc. Chỉ có tâm trí ra lệnh phải hồ hởi vì sắp mở mang trí tuệ. Lòng cô đã rất kiệt quệ…

“Kính coong!” - Tiếng chuông cửa gọn lỏn đánh thức Tâm Ảnh khỏi mơ màng. Tiếng chuông cô đã chờ suốt buổi sáng.

Trước cửa, mộc gã đàn ông đen, ốm mà săn chắc đứng sau người đàn bà nhỏ thó đang bồng một đứa trẻ. Gã đàn ông mắt láo liên nhìn xung quanh. Người đàn bà nhìn Tâm Ảnh một cái nhanh rồi hất đầu bảo cô tránh ra cho vào. Sau đó, bà ta đi một mạch vào phòng ngủ, đặt đứa trẻ lên giường.

Tâm Ảnh ngồi xuống bên cạnh, vuốt trán vuốt má đứa bé. Mắt cô đầy lo lắng, giọng quở trách. – “Sao nó ngủ thế này? Các người đã cho uống thuốc gì ư?”

“Nó khóc rống, không thuốc thì cảnh sát bắt là chắc.” - Tiếng người đàn bà the thé rất khẽ.

Tâm Ảnh ngắm đôi mi dễ thương khép chặt, tim dần dâng một luồng khí dễ chịu. Giống hệt đôi mi say ngủ của Luân. Giống cả mũi, khuôn miệng, bầu má. Giống cả đôi tai vểnh. Một niềm thân thương, một khát khao bảo vệ - bản năng người mẹ tràn ngập cô.

“Phu nhân mau đưa số tiền còn lại, chúng tôi gấp lắm.” - Gã đàn ông không kìm nổi nóng vội trước tác phong cứ mượt mà của Tâm Ảnh.

Cô kéo chăn đắp cho đứa bé, rồi mở tủ lấy một valy nhỏ ấn vào tay gã đàn ông. Trong đó là vàng và giấy tờ giả cho đôi vợ chồng giang hồ này bỏ trốn khỏi đất nước. Cô đã nghĩ mình sẽ muốn biết họ bắt cóc con Luân như thế nào, nhưng giờ cô thôi muốn nữa. Đứa trẻ này sẽ có cha mẹ mới, tên mới, ngày sinh mới. Cuộc đời gần hai năm vừa qua của nó sẽ không tồn tại. Nó vốn là con cô, đầu thai một lần nữa để trở về bên mẹ.

Tối hôm đó, cô dỗ gạt đứa trẻ, mang sang Bangkok bằng giấy tờ chuẩn bị sẵn. Suốt chặng đường ra sân bay, suốt chặng bay, cứ vài phút một lần, cô muốn đổi hướng đem trả con cho Luân. Nhưng mong muốn ấy nhỏ lắm. Ở sân bay Bangkok, vừa thấy cô, Harris đã giành ôm đứa bé - cô bảo với anh mình nhận nuôi từ một trại mồ côi. Ngay giây đầu tiên ngắm anh nựng nịu con, cô cam tâm cả đời sống cùng dằn vặt.

Ba ngày sau, vợ chồng Tâm Ảnh đem con về Mỹ.

13. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân cách mạng tiến vào cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Suốt một thời gian dài sau đó, liên lạc Việt Nam và Mỹ khó khăn, Tâm Ảnh không dò hỏi được tin tức của Luân và gia đình mình.

Khoảng tháng 3 năm 1988, trong một buổi họp mặt tại Paris (Pháp), Tâm Ảnh tình cờ gặp bạn cũ của Luân, người khi xưa đem cô đến xem Luân bán báo. Anh kể chuyện nhà Luân, bảo rằng bởi thời cuộc 1975 rối ren nên dù gia đình nội ngoại giàu có cũng chẳng kịp tìm đứa bé. Họ bận thu góp tài sản bỏ chạy. Riêng vợ chồng Luân ở lại, trở thành cán bộ nhà nước. Nhưng chứng trầm cảm bởi mất con của vợ anh trở nặng, hóa tâm thần, rồi qua đời. Luân từ đó sống một mình đạm bạc, ngày xách cặp đi làm, tối về đọc sách, vẽ tranh, nuôi chó.

Đầu tháng 10 năm 1995, Tâm Ảnh cùng chồng con về Hà Nội thăm cha mẹ và gia đình em trai, sau gần ba mươi năm xa cách.

Giữa năm 2001, bà Tâm Ảnh hay tin ông Luân qua đời.

14. Tuyết phủ dày hơn gang tay khắp công viên bệnh viện. Quang cảnh trắng phau một sắc thê lương. Trong một phòng bệnh ấm cúng, Andrew ngồi bên giường nắm chặt tay bà Tâm Ảnh. Bàn tay nhăn nheo nhưng vẫn mềm mại, chứng tỏ một thời xuân sắc yêu kiều. Bà không màng những lời nói, những ôm vuốt của đứa cháu, cứ cắm sâu mắt vào bộ tranh bay trước mặt. Mắt bà rưng rưng nhưng hoài không giọt khóc nào chảy ra. Thi thoảng môi bà mấp máy gì đấy mà Andrew nghe không hiểu. (Tiếng Việt của anh quá tệ!)

“Tôi sẽ không nói đâu. Nó là cháu tôi.”

“Tôi đã nuôi dưỡng con chu đáo. Anh gặp nó chưa?”

“Harris, em xin lỗi! Nhưng anh sẽ bảo vệ em đúng không? “Anh hiểu em đã yêu thương con thế nào mà!”

“Luân à, có một chuyện... Tại sao anh không hỏi mẹ anh đi?”

Bạn đặt tên bộ sáu bức họa này là gì?