Vì trái tim nhà vua - Chương 02

CHƯƠNG 2

Philippe-Henry Schunck xoay chìa khóa và mở cửa căn hộ lầu một tòa nhà số 24 đường Artois, trong khu Chaussée d’Antin, nơi ông ở cùng con gái.

Madeleine Bellart bước ra khỏi bếp, hai tay chùi chùi vào tấm tạp dề. Vẻ cương quyết, bà băng ngang phòng bếp phụ và bước nhanh vào tiền sảnh. Bà là người quản gia của gia đình Schunck. Khoảng năm mươi tuổi, người nhỏ bé tròn trịa, ánh mắt màu xanh và hay cười, bà là người thích nói thẳng và xưng hô thân mật với mọi người trong nhà, trừ ông Philippe-Henry. Bà vào làm việc cho ông từ hồi Élisa, vợ ông, qua đời năm mới hai mươi hai tuổi vì bị một cỗ xe ngựa hất tung, chỉ ba tháng sau khi hạ sinh Amélie.

Khi nhận thấy cô gái đang run rẩy, quần áo ướt đẫm và lấm lem bùn, bà giơ hai tay lên trời.

- Trời đất thánh thần ơi! Cô té à? Cô có bị sao không?

- Không, vú Madeleine à, cháu nó không té! - Ông Schunck trả lời, cực kỳ bực bội - Tôi thấy tốt nhất là không nên nói ra hoàn cảnh nào đã đưa tiểu thư đây vào tình trạng này. Tôi còn đang tức giận vì điều đó đây. Tự nó sẽ kể vú nghe kỳ tích của nó! Vú đi nấu nước cho nó tắm đi. Trong lúc đó, tôi sẽ pha cho nó một tách sô-cô-la thật nóng, mục đích là giúp ruột gan nó tan băng và cả cái lưỡi nó nữa, vì nó chẳng thốt lên lời nào từ lúc chúng tôi rời Versailles.

- Ông không phải nhọc công, thưa ông. Cô hầu sẽ lo pha sô-cô-la cho con bé, - bà quản gia trả lời.

Và bà hô một tiếng “Justiiine” thật lớn để gọi cô giúp việc trẻ.

“Con bé”... Bà đã gọi Amélie như vậy từ khi cô mới chào đời.

- Justiiine! - Bà lặp lại - Một tách sô-cô-la cho con bé! Mau lên!

Rồi bà bước vài bước, mắt dán chặt xuống đất. Bà vừa phát hiện những vệt đất vấy bẩn sàn nhà từ cửa vào. Bà giở nhẹ gấu váy của Amélie lên xem đôi giày của cô.

- Chèn đét ơi! - bà thốt lên hai mắt mở lớn - Chưa bao giờ vú thấy con như vầy cả! Coi như đôi giày tiêu rồi, cho kẻ khó cũng không được ấy chứ. Vứt vào sọt rác đôi giày da tốt như thế này tội chết!

- Con chết cóng rồi nè, - Amélie thì thầm - con muốn ngồi trước lò sưởi.

- Con nghĩ vú sẽ để con đi qua phòng khách bằng đôi bốt lính dơ dáy này sao! Với bao công lao mà Justine và vú đã bỏ ra để lau bóng cái sàn! A lê, bỏ ngay đôi giày ra, và cả quần áo nữa. sẽ khoác áo choàng tắm và vú sẽ quấn con trong cái mền này. Chỉ tới lúc đó, con mới ra ghế bành ngồi được và vú sẽ gọi con khi nước tắm đã đủ nóng.

- Vú muốn con thay đồ ngay đây hả? Ngay trong tiền sảnh sao? - Amélie phản đối.

- Ái chà! Để cự nự, xem ra con tìm lại được lời nói rồi đó!

- Sao cha con đi qua đó được, đi hẳn qua phòng khách, trước khi vào phòng bếp phụ?

Madeleine quay lại và nhìn thấy sàn nhà và mấy tấm thảm lấm lem đất cát.

Bà há hốc mồm nhìn.

- Chết thật! - Cuối cùng bà cũng thốt ra, vẻ chê bai.

Bà quản gia cũng phát hiện thấy một cái hộp bằng kim loại nằm chễm chệ trên cái bàn một chân của bộ xa lông. Cái khăn san bằng ca-sơ-mia xanh của Amélie, bọc nó phân nửa, thì lấm lem đất sét và được “tô điểm” bằng những vết rỉ sét.

- Cái quỷ gì thế này? - Madeleine càu nhàu.

Bà không biết nghĩ sao nữa... Suy nghĩ chán chê, bà đi đến kết luận sau: cơn lốc xoáy không chỉ ảnh hưởng tới thiên nhiên và các công trình xây dựng. Những người bị thương chưa hẳn chỉ bị đau về phần da thịt. Tâm trí của họ cũng bị mê muội đi. Bằng chứng là đây! Một cơn gió điên khùng đang thổi qua những người ngụ trong ngôi nhà này.

Cắp chiếc thùng đồ nghề dưới nách, ông Philippe - Henry xuất hiện trong tiền sảnh.

- Amélie chưa nói gì với vú về kỳ công của nó à? - ông nói sang sảng khi tiến về phía bộ xa lông.

- Cô mới chỉ nói chừng hai câu, - bà Bellart giải thích - để phản đối, như cô vẫn hay vậy!

Amélie cụp mắt xuống, xấu hổ vì đã làm hỏng đôi giày, chiếc khăn san, và chiếc áo măng tô đẹp nhất mà cha c từng tặng. Cô hy vọng, chiếc hộp nhỏ tìm thấy dưới gốc cây sồi lớn bị đổ có thể đáp lại kỳ vọng của mình. Trên hết, cô ước ao tìm thấy một kho báu trong đó, dù rất nhỏ, hay một cái gì đó thú vị, gây bất ngờ... Một cái gì đó để biện bạch cho sự hăm hở điên rồ đã đẩy cô nhào xuống đất. Một cái gì đó ấn tượng đủ để làm quên đi sự hy sinh bộ quần áo của cô...

Amélie mặc áo choàng tắm vào trong lúc bà Madeleine bỏ bộ quần áo dơ vào chậu.

Bà quản gia choàng lên vai cô một tấm mền mềm mại, êm ái và, bằng những động tác đầy tình mẫu tử, bà chà lưng và đôi cánh tay cô để làm cô nóng lại. Rồi bà dẫn cô lại trước lò sưởi. Justine bưng từ bếp ra một cái tách bốc khói và đặt nó lên cái bàn bằng gỗ ghép, cạnh chiếc ghế bành nơi Amélie vừa thu mình vào một cách sung sướng. Vừa nhấm nháp sô-cô-la, cô gái vừa lắng nghe tiếng lửa reo, được ru bằng những mùi hương quen thuộc của sáp chà sàn, gỗ cháy, va ni và quế, những mùi thơm của tuổi thơ, êm dịu và yên bình.

Nhưng dù vậy cô vẫn đang cảnh giác cao độ và liên tiếp ném nhanh những tia mắt kín đáo về phía cha mình. Cha cô đang cố mở một cách vô vọng cái hộp bị móc ra khỏi ngự viên điện Versailles.

- Ta cần một cái tuốc-nơ-vít mảnh hơn hay một đoạn dây kẽm, mới mở được cái ổ khóa bị hóc vì rỉ sét và bị dính chặt do bùn chui vào trong! - ông hô lên, bực tức - Ta đang tò mò muốn biết cái hộp này, nó ngâm dưới đất bao lâu rồi!

Ông Schunck thở hắt ra.

Còn Amélie thì nín thở.

Cô không thích thấy cha cô nổi nóng. Cô biết ông đủ để có thể đoán, qua giọng nói, cách nói và qua những cử chỉ bồn chồn của ông, rằng ông sắp nổ tung cơn giận.

- Trừ phi ta mở được một góc của cái nắp bằng cách dùng một cái đục thợ mộc như đòn bẩy, - ông nói tiếp trong lúc nôn nóng lục lọi trong cái thùng trong đó xếp toàn bộ đồ nghề của ông - Nhưng ta cũng có thể dùng biện pháp mạnh và đập bể nó bằng búa và đục sắt. Con thích giải pháp nào hả con gái?

- Giải pháp triệt để nhất, thưa cha! Búa và đục sắt. Làm cho rồi đi cha! Con nóng lòng muốn biết có gì.

- Được thôi! -  ông Philippe-Henry hớn hở.

Ý nghĩ sẽ trút cơn giận lên cái hộp quỷ quái đó bằng những cú búa mạnh làm ông lấy lại nụ cười.

Ông nhấc cái hộp lên và đặt nó xuống đất, phía dưới cái bàn một chân, bên trên cái khăn san của Amélie mà ông vừa làm rơi xuống thảm.

- Hỏng cho hỏng luôn, - ông nói, vẻ cam chịu, mắt nhìn chiếc khăn ca-sơ-mia xanh tuyệt đẹp. Trong chừng mực nào đó, nó còn dùng được vào việc này. Nó sẽ bảo vệ tấm thảm khỏi vết rỉ sét.

Bằng tay trái, ông đặt mũi đục vào giữa cái nắp, rồi giơ tay phải lên thật cao. Chiếc búa rơi xuống gây ra một tiếng ồn kinh khủng. Madeleine và Justine chạy vội ra khỏi bếp. Hai người ào vào phòng khách và nhìn thấy vẻ kinh hãi của Amélie, vẫn còn thu mình trong ghế bành. Khi lại gần, họ nhận thấy ông Philippe-Henry đã đánh hụt. Ngoài một vết xước to trên nắp, cái hộp vẫn còn nguyên. Có lẽ chiếc búa đã dộng quá mạnh vào cái đục, nên nó (cái đục) trượt ra ngoài để cắm xuống sàn nhà sau khi đã đâm thủng cái khăn san và tấm thảm...

Bà Madeleine bịt chặt miệng bằng hai tay để khỏi hét lên.

- Đồ này tốt thiệt! - ông Schunck ca cẩm trong lúc nhổ cái mũi sắt khỏi sàn -  Kim loại này cứng không dễ gì thủng! Ta làm lại đây. Mấy người tránh ra!

Bà quản gia và cô hầu gái cùng lùi xa ra tiền sảnh trong lúc Amélie bịt chặt tai và nhắm tịt mắt.

Vài giây sau, một tiếng động còn lớn hơn trước vang lên trong phòng khách.

Amélie mở mắt ra và thấy cái nắp bị xếp lại làm hai tạo thành một chữ V bên trên cái hộp.

- Ha! - cha cô đắc thắng - Thành trì đã đầu hàng!

Và bằng cái búng tay, ông làm rơi nắp hộp ra, vì bản lề đã vỡ nát.

Amélie bật ra khỏi ghế và quỳ xuống để nhìn vào trong cái hộp quý giá bí ẩn. Rồi, không kìm được mình, cô đưa tay về phía cái vật đựng trong đó. Bằng móng tay, cô gãi nhẹ lớp đất, theo thời gian đã thẩm thấu vào trong hộp. Dưới lớp màng mỏng đó, cô có cảm giác như chạm phải chất vải, một thứ như là vải dầu.

Sự im lặng bao trùm.

Madeleine và Justine tiến tới nhẹ nhàng đến nỗi không một tấm gỗ sàn nào dám kêu lên một tiếng.

Mọi người nín thở...

Amélie lôi ra một vật hình chữ nhật bên ngoài được bao bằng một cái túi vải niêm chặt.

Cô khéo léo mở nó ra và quan sát những gì đựng trong đó.

- Cha nhìn nè, cha, - cô thì thầm, tâm trí như bị đảo lộn - Nó là một cuốn vở. Còn nguyên xi. Không bị ẩm cũng không dính đất. Không một vết nào. Coi như mới nguyên. Phép lạ chăng?

Ông Philippe-Henry Schunck cầm lấy cuốn sổ, ngắm nghía cái bìa dày màu đỏ, được trang trí bằng những hoa văn mạ vàng.

- Con sẽ là người khám phá những bí mật trong đó, con yêu ạ, - ông nói rất dịu dàng, chính ông cũng đang xúc động.

Hết sức cẩn trọng, Amélie mở cuốn vở ra và ngấu nghiến đọc những dòng đầu tiên. Sau đó cô lướt qua toàn bộ từng trang một. Khi cô ngẩng đầu lên, đôi mắt cô ngấn lệ.

Cô suy nghĩ một lúc và nói với giọng run rẩy:

- Thưa cha, lúc nãy cha hỏi con rằng cái hộp này được chôn trong bao lâu rồi. Con không thể nói được. Một điều chắc chắn, những trang này đã được viết từ lâu lắm rồi. Dưới triều đại vua Louis XIV. Đây là nhật ký riêng tư của một cô gái tên là Marion, làm nghề chế tạo nước hoa... Đây cha đọc thử đi!

***

Versailles, thứ Hai 13 tháng Ba năm 1679

Trời vào đêm.

Tôi là Marion Dutilleul.

Vừa tròn 18 tuổi.

Tối hôm qua, sau ba ngày sống trong cái thế giới tồi tệ của giới phù thủy, tôi đã trở lại căn phòng của mình, ngay phía trên ngự phòng của Ngài Hoàng, hoàng hậu Marie-Thérèse với một sự vui sướng bất tận. Từ tháng Bảy năm 1674, cách nay đã gần năm năm, niềm vui lớn nhất của tôi là được phục vụ Người. Tôi chính là người chế tạo nước hoa cho Người.

Đêm qua tôi không ngủ chút nào. Những giọt nước mắt không cho tôi làm điều đó. Tôi đã sợ hãi làm sao trước mặt mụ Catherine Monvoisin. Người đàn bà đó là hiện thân của sự hung ác. Tôi đã thấy cái chết cận kề. Tôi thấy mình quá nhỏ bé, quá trơ trọi, như một con mồi nhỏ xíu trong móng vuốt của một con thiên địch[5] háu ăn. Tôi chưa từng cảm thấy kinh hoàng đến như vậy.

[5] Thiên địch là các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sâu bệnh hại, bảo vệ mùa màng. Các loài thiên địch phổ biến là: chuồn chuồn, bọ ba khoang, chim chích bông, chim sâu... - ND.

Cái cảnh cô gái trẻ Alexandrine bị mụ phù thủy giết và băm thây, những hình ảnh máu me đó, hình ảnh chết chóc, làm sống lại trong tôi ký ức về cái chết thê thảm của mẹ Marie. Hồi ức trở lại quá mãnh liệt, như một ngọn roi quất lên lưng kẻ bị án, với một sự hung bạo đáng ghét, một sự tàn ác không thể chịu được. Quá khứ lại ám ảnh đầu óc tôi và làm tâm trí tôi rối bời. Tôi bị thương tổn, đau đớn tận đáy sâu tâm hồn.

Hồi còn nhỏ, từ chín đến mười ba tuổi, trước khi vào phục vụ bà hầu tước de Montespan và sau đó là hoàng hậu, tôi không ngủ quá hai hay ba giờ một ngày. Thế mà, hiện nay, như trước kia, cái bóng ma những đêm không ngủ lại sừng sững trước mặt tôi.

Khi bị giam cầm ở nhà mụ Voisin, tôi đã nghĩ nhiều đến những gì đã gắn kết tôi với Versailles: bố Antoine của tôi, hai bác Augustine và Gaspard Lebon và những người thợ làm vườn khác, hai bạn Lucie và Martin, hoàng hậu, người đã trở nên như người mẹ của tôi, đất trời và cây cỏ ở ngự viên.

Tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa.

Và cả những lọ nước hoa...

Tôi nghĩ về những điều đó trong suốt cuộc khổ nạn của tôi.

Tôi yêu những điều đó biết bao.

Giống như tình yêu (của người sáng chế) để vào nước hoa là cốt yếu, là hồn của một loại nước hoa, nước hoa là cốt yếu với cuộc sống của tôi. Không có chúng, tôi chẳng là gì cả. Chúng là nguồn cội quý báu từ đó tôi rút tỉa cho mình sức mạnh, sự cân bằng, những niềm hạnh phúc.

Nước hoa của tôi.

Lý do tôi để chúng lại sau cùng trên danh mục những gì gắn kết tôi với Versailles, không phải là điều vô tình, mà chính là do kính trọng. Một cách để giữ lại điều hay nhất đến sau cùng.

Trong cỗ xe ngựa có mui, nơi hoàng hậu ngồi chờ tôi đêm hôm qua, trước kho đạn Arsenal, và trên đường trở về lâu đài, tôi hầu như không nói gì cả. Cổ họng tôi se thắt vì âu lo. Nôn được câu chuyện của tôi ra, câu chuyện ba ngày chết chóc ấy, trước ngài de La Reynie, vẫn không làm tôi nhẹ nhõm. Trái lại là đằng khác. Tôi thấy khi khoác cho những xúc cảm và những biến cố cái áo chính xác tận cùng của ngôn từ, ta chỉ làm cho chúng trở nên xác thực hơn, đanh thép hơn, mà trong trường hợp này là đau đớn hơn. Hoàng hậu hiểu rõ sự hoảng loạn của tôi nên Người chẳng hỏi tôi gì hết.

Sáng nay, ngay từ sớm, ngài đã yêu cầu tôi tới gặp.

Rụt rè, bằng cái giọng yếu ớt, tay phải nắm chặt tấm mề đay đeo ở cổ, tấm mề đay của mẹ tôi, rồi tôi cũng nói được.

Hoàng hậu nghe tôi nói một cách thật quan tâm và nghiêm trọng, trong lúc đặt lên tôi cái nhìn âu yếm chỉ có Người mới có. Rồi Người chìa cho tôi một cuốn vở dày.

- Vì Chúa, Marion, đừng xoắn giấy và chôn chai trong ngự viên lâu đài nữa, - Người nói với giọng êm ái, pha âm sắc Tây Ban Nha ngọt ngào - Rồi cô sẽ bị hư tay nếu cứ tiếp tục đào đất với móng tay của mình. Hãy cầm lấy cuốn sổ ta tặng cô này và vì cô may mắn biết viết thì hãy tận dụng điều đó! Hãy tự kể chuyện đời mình. Trút hết tâm sự ra. Cô hãy viết nhật ký đi.

- Nhật ký ư? - tôi nói - Nhưng để làm gì ạ, thưa hoàng hậu?

- Phải giải phóng khỏi tâm trí nỗi sợ hãi chóng mặt và sâu thẳm đã làm cô ngộp thở khi bị cầm tù đi, nó vẫn còn gây sầu não cho cô đấy, ta cảm nhận được mà. Viết nhật ký là một cách để giải thoát, rồi cô xem. Đó là một bài tập rất thích mà ta thực hành từ ngày rời Tây Ban Nha để cưới Louis XIV. Lúc đó ta còn trẻ. Ta đã đau khổ rất nhiều khi phải rời xa gia đình và bạn bè. Hơn nữa, cuộc sống hàng ngày của một hoàng hậu nước Pháp còn lâu mới dễ chịu, không như người ta tưởng đâu. Cuộc sống trong triều đã làm mất tính vui vẻ hồn nhiên của ta. Chẳng có ai hiểu ta thật sự cả. Ai biết được ta đã từng là một cô bé hay cười trước đây ở Tây Ban Nha. Những cái chết của người thân, sự phản bội, nỗi buồn chán, cô đơn bất chấp một triều đình đông đảo, và sự không chung thủy của hoàng thượng đã khiến ta phải trải qua những thời khắc dằn vặt tệ hại nhất.

- Nhưng... còn hoàng nam hoàng nữ của lệnh bà, thưa hoàng hậu? - tôi mạnh dạn hỏi.

- Ta chỉ nói với cô thôi, Marion. Một hoàng hậu chẳng là gì khác hơn một cái bụng trong đó chảy một dòng máu quý tộc, một cái dạ con phục vụ vương triều. Bảo đảm con cháu đầy đàn và tính vĩnh cửu của dòng dõi hoàng gia là điều duy nhất người ta chờ đợi ở một nữ hoàng. Hẳn nhiên là ta yêu con mình. Nhưng chúng bị Trời lấy lại quá nhanh, quá trẻ. Bệnh tật đã bứt chúng khỏi ta quá sớm. Chỉ trừ một đứa, có vẻ như nó cương quyết phải sống: Louis, Thái tử Lớn.

Hoàng hậu thở dài trước khi nói thêm:

- Cứ mỗi lần một đứa qua đời ta lại chán ngán thêm một chút. Ta tìm thấy như một kiểu an bình trong tâm, một nơi trú ẩn, một sự an ủi trong việc viết nhật ký. Ta dành hết những phút rảnh rỗi hiếm hoi cho nó. Ta khuyến khích cô làm điều đó. Hãy viết hết sức có thể. Nhưng luôn luôn kín đáo, đó là lời ta khuyên cô. Nhật ký riêng tư là một bí mật, giống như câu chuyện chúng ta nói đây sẽ là một bí mật, Marion nhé!

Tôi đem cuốn vở về phòng. Tôi đặt nó lên bàn, đầu ngón tay vuốt ve cái bìa các-tông thô, đỏ sẫm và mạ vàng. Tôi không biết, sau buổi tối hôm nay, tôi có tiếp tục viết cái gì trên những trang giấy này nữa không. Trước giờ tôi quen nguệch ngoạc tâm tình của mình trên những mảnh giấy nhỏ rồi đem nhét vào những cái chai để chôn trong ngự viên. Tôi thích cảm giác êm ái và bóng loáng khi sờ vào thủy tinh, sự thanh tú và tính vững bền của chất liệu này, sức mạnh trong sự trong trẻo của nó. Tôi thích nó ôm ấp những tâm sự của mình trong hơi ấm đầy đặn và đậm đà của đất. Ngược lại, giấy, một mình nó, tôi thấy quá nhẹ, yếu ớt và không kín đáo. Bất kỳ ai cũng có thể mở cuốn vở này ra và đọc những lời tâm huyết của tôi. Tôi hoàn toàn không tin tưởng... Trừ phi tôi phải giấu nó thật kỹ, trong khi chờ đợi những trang của nó đen đặc chữ tôi viết, rồi đem chôn nó như kiểu chôn những cái chai quý giá của tôi.

Tôi nằm dài trên giường và cuối cùng cũng ngủ được một chút. Nhưng bằng một giấc ngủ đầy ác mộng... Tôi lại nhìn thấy mẹ mình hấp hối trong vũng máu khi hạ sinh em trai tôi và gương mặt bị xẻo mất mũi của cô Alexandrine tội nghiệp.

Khoảng bốn giờ chiều, tôi giật mình thức dậy, đầm đìa mồ hôi, hơi thở dồn dập. Ngồi trong mớ khăn trải giường nhàu nát, ánh mắt cố định, tôi đắm chìm trong đống câu hỏi quay cuồng trong đầu... Ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng liệu mẹ tôi và Alexandrine có ý thức được rằng cuộc sống của hai người đang trôi vào chốn hư vô không? Liệu hai người có thấy kinh hoảng như tôi không khi lưỡi dao của mụ Voisin cứa vào cổ họng? Hai người có hy vọng gì không? Phải chăng hai người đành chấp nhận? Liệu đức tin có đỡ cho hai người khỏi nỗi sợ hãi khủng khiếp đó không? Hai người có đơn giản nghĩ đến sự cứu độ của Chúa không? Người ta làm gì, nghĩ đến điều gì khi không còn lựa chọn nào khác? Tôi đã trải qua điều đó vậy mà tôi cũng không biết nói sao cho chính xác. Ký ức của tôi đã tan loãng đi trong khoảng thời gian treo lơ lửng đó. Hoàn toàn bị sự ghê sợ nuốt chửng, đầu óc trống rỗng ngoại trừ nỗi kinh hãi, hình như tôi đã không còn có cả ý định cầu nguyện nữa. Tôi chỉ nín thở lại. Thật lâu. Điều đó suýt chút nữa đã làm tôi bị ngạt.

Tôi đã phải vận dụng ý chí rất nhiều để bứt mình ra khỏi những suy nghĩ bệnh hoạn đó và bước ra khỏi giường. Tôi vốc nước lên mặt, vuốt tay lên mái tóc tội nghiệp bị cạo, như bị gặm nham nhở bằng lưỡi kéo cùn và lại đội chiếc mũ bôn-nê lên.

Tôi vùi chiếc chìa khóa mạ vàng của Phòng Hương Thơm vào cái túi tạp dề. Bốn ngày nay không được tưới, chắc đám cây cỏ hương của tôi đã khô hết cả. Và rồi, được dạo bước trong ngự viên đối với tôi là một sự cần thiết cấp bách. Tôi cần không khí trong lành, cần dõi mắt ra xa, đến tận chân trời rực rỡ ánh nắng, cần cảm thấy mình sống động và cần tìm lại những cây cối mà mình yêu mến xiết bao, thở hơi của chúng.

Mới đầu tôi nghĩ sẽ đến ôm hôn cha tôi tại vườn ươm cam của lâu đài. Nhưng tôi sực nhớ ra rằng mấy tuần nay, ông làm việc tại ngự viên điện Louvre. Và ở vườn ươm, chắc tôi sẽ gặp những người thợ làm vườn bạn của mình và nhất là bác Augustine. Hoàng hậu đã đoán chắc với tôi rằng không có ai trong số họ biết về vụ mất tích của tôi. Nhưng bác Augustine đã nhìn tôi lớn lên. Nên chỉ cần nhìn một cái, bác sẽ đoán ra có gì đó nghiêm trọng đã xảy ra với tôi. Mà tôi không muốn bác phải lo âu. Do đó tôi quyết định sẽ đi thẳng đến lâu đài Trianon bằng sứ.

Dù sao thì tôi cũng không muốn gặp ai lúc này... Tôi xấu hổ vì thân hình mệt mỏi và gầy đi của mình, vì gương mặt xanh mét, vì mái tóc bị tàn phá mặc dù nó được che dưới cái mũ bôn-nê bằng vải ba-tít.

Tôi đi dọc theo Kênh đào Lớn đến hoa viên của lâu đài Trianon.

Còn niềm vui nào bằng niềm vui nhìn lại Phòng Hương Thơm, lãnh địa của tôi, thế giới nhỏ bé của những mùi hương mà tôi yêu thiết tha.

***

Năm phút sau, ông Philippe-Henry khép cuốn nhật ký của Marion lại. Ông đặt nó xuống cái bàn một chân và nhìn Amélie với vẻ nghiêm trọng.

- Con yêu ạ, cha đã giận con ghê gớm, thật đấy, vì con đã làm hư những váy áo đẹp như vậy mà cha phải mua rất đắt. Nhưng vụ khám phá này đã xóa tan những oán giận dành cho con. Con đã có lý khi quyết tâm lôi cái hộp đó ra khỏi đất. Nó chứa cả một kho báu đấy.

Amélie thở ra nhẹ nhõm.

- Con không thiếu trực cảm đâu, - ông nói thêm với một nụ cười.

- Một đặc tính riêng có của phái yếu mà, - bà Madeleine nói mỉa - Mà nếu bây giờ cô hỏi tôi đang dự cảm điều gì ngay lúc đang nói với cô đây, tôi sẽ nói rằng nước tắm của tiểu thư đã sẵn sàng.

Vô cảm với câu nói đùa của bà vú, Amélie càu nhàu:

- Chưa đâu, không phải lúc này! Cha nè, cha làm ơn, con muốn đọc cuốn vở này trước đã. Ít nhất cũng vài trang.

Làm như không hiểu hay không nghe, bà quản gia đằng hắng lớn tiếng trước khi dõng dạc:

- Nước tắm của tiểu thư Amélie đang nguội đi kìa!

- Nào, con gái, đừng để vú Madeleine chờ nữa. Khi con tắm xong, chúng ta sẽ dùng bữa. Cha đói lắm rồi và cha không muốn ngủ trễ. Ngày mai cha sẽ có một ngày vất vả. Cha phải dự một buổi bán đấu giá hứa hẹn rất sôi động. Những lô hàng rất đáng quan tâm và có nhiều người tranh giành. Cha cần phải tỉnh táo, mà muốn vậy thì không gì bằng một đêm ngủ ngon. Con sẽ đọc nhật ký của cô thợ nước hoa của hoàng hậu Marie-Thérèse trong phòng con, sau bữa tối, nhưng không được lâu đó nha. Sau một ngày mệt nhọc mà chúng ta vừa trải qua, chính con cũng cần ngủ đấy. Ngày mai thứ hai, ông giáo kèm con không thể đến được để dạy con bài hình học. Ông ấy bị bệnh rồi. Con sẽ tha hồ khám phá những bí mật của Marion Dutilleul.