Bạch Ngọc Lão Hổ - Hồi 08 - Phần 6

[Đường Gia Bảo Phố]

Hai mươi hai tháng tư, trời trong.

Đường Gia Bảo Phố.

Giang hồ nhiều hung hiểm, nhưng rất công bình, chỉ cần là người có tài năng, là thành danh.

Một người chỉ cần có thể thành danh, là sẽ được tất cả những gì mong muốn, sinh mệnh của hắn có thể hoàn toàn cải biến, biến thành sáng lạn tươi tắn, đa thái đa tư, chỉ tiếc sinh mệnh của bọn họ lại thường ngắn ngủi như lưu tinh.

Bởi vì bọn họ là người giang hồ.

Sinh mệnh của người giang hồ vốn trôi nổi như lá bay trong làn gió, lục bình trên mặt nước.

Ba trăm năm nay, trong giang hồ cũng không biết có bao nhiêu là anh hùng hưng khởi, bao nhiêu là anh hùng tan biến.

Trong đó đương nhiên cũng có những người sinh mệnh vĩnh viễn tồn tại, đó có lẽ là vì tinh thần của bọn họ bất tử, tuy chết mà sống, có lẽ là vì bọn họ tuy đã chết, nhưng con cháu đời sau của bọn họ lại đã hình thành trong giang hồ một lực lượng dao động khiếp đảm lòng người, thanh danh của bọn họ cũng vì vậy mà bất hủ.

Ba trăm năm nay, lực lượng có thể đứng vững không gục ngã trong giang hồ, ngoại trừ Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Luân, Điểm Thương, Không Động, những môn phái có lịch sử huy hoàng lâu đời ra, còn có những võ lâm thế gia thanh thế hiển hách.

Những võ lâm thế gia đó, có những nhà tuy là vì tiên nhân của họ vì đạo nghĩa giang hồ mà hy sinh, mới đổi lấy sự tôn kính của người ta đối với họ, đại đa số lại vẫn là vì bản thân họ có những thứ võ công và thủ pháp đặc thù mới có thể tồn tại được.

Trong đó có “Trương Giản Trai” ở kinh thành y thuật truyền đời, có “Thiên Ngư Đường” tinh thuần thủy tính, có “Nam Cung Thế Gia” giàu sánh quốc gia, lịch sử lâu đời, cũng có “Phích Lịch Đường” xưng danh về hỏa khí.

Trong tất cả những thế gia đó, lực lượng lan tràn nhất, thanh danh hiển hách nhất, không còn nghi ngờ gì nữa, là Thục Trung Đường Môn.

Độc môn ám khí của Đường gia uy chấn thiên hạ, cho tới nay vẫn không có thứ ám khí thứ hai nào có thể thay thế địa vị của nó.

Môn nhân đệ tử của Đường gia, một khi đi lại trong giang hồ, đều là tuấn kiệt một thời.

Đường Gia Bảo Phố dưới chân núi đã trải qua bao năm kiến thiết chỉnh tu không ngừng, hàng hàng lớp lớp phòng lầu đã phát triển thành một thành thị nho nhỏ. Ở đó, từ những vật dụng cần thiết trong đời sống, cho đến giải trí tiêu khiển, thậm chí bao gồm cả tử tang hôn giá, mỗi một thứ đều không cần phải ra ngoài tìm, mỗi một thứ đều chuẩn bị đầy đủ, đều làm cho người ta kinh ngạc.

Trên sự thật, ở Thục Trung, tửu lâu thanh lịch nhất, nhà may tiệm vải kiểu cách nhất, phấn son đủ màu đủ sắc nhất đều toàn là ở Đường Gia Bảo Phố.

Môn nhân đệ tử Đường gia đều có một tay nghề chuyên nghiệp, tự mình kiếm tiền, lại xài tiền ở những hàng quán đó.

Cho nên nhân lực vật lực tài lực hoàn toàn đều lưu thông trong một khu vực xung quanh đó.

Ngày qua ngày, năm nối năm, Đường Gia Bảo Phố tự nhiên càng lúc càng phồn vinh, càng lúc càng lớn mạnh.

Vô Kỵ chung quy đã đến Đường Gia Bảo Phố.

Kỳ quái là trong tâm chàng tịnh không có cảm giác đặc biệt kích động, đặc biệt khẩn trương.

Trên thế gian vốn có thứ người trời sinh thích hợp mạo hiểm, bình thời có lẽ có thể vì chuyện nhỏ mà khẩn trương lo lắng, nhưng đến lúc chân chính nguy hiểm, trái lại có thể biến thành lãnh tĩnh phi thường.

Vô Kỵ là hạng người đó.

Khí trời nắng ấm, đồi núi xanh rờn, lớp lớp mái ngói ám sắc xanh từ tận đầu con đường dưới chân núi uốn lượn lên đến giữa lưng chừng núi.

Từ chỗ Vô Kỵ mà nhìn, vô luận là ai cũng không thể không bị quang cảnh làm cảm động.

Cảm giác đó không những là hoành tráng, mà còn là trang nghiêm hùng vĩ, trầm lắng, vững chải, giống như một người khổng lồ trong thần thoại, vĩnh viễn không thể bị đánh gục.

Vô luận là ai muốn phá hủy một mảnh cơ nghiệp này đều không khác gì si nhân nói chuyện mơ hồ, leo cây bắt cá.

Đường Khuyết thốt:

– Đây là Đường Gia Bảo Phố.

Trong khẩu khí của hắn tràn đầy vẻ kiêu ngạo:

– Ngươi thấy chỗ này ra sao?

Vô Kỵ thở dài:

– Thật là vĩ đại.

Đó là lời nói thật tận đáy lòng chàng.

Chỉ bất quá lúc chàng nói ra câu đó, trong lòng có thứ sợ hãi khôn tả.

Chàng tuy một mực không coi thường địch nhân, nhưng sự tráng đại của địch nhân vẫn vượt hơn xa ngoài sức tưởng tượng của chàng.

Chàng không khỏi lo lắng cho Đại Phong Đường, nếu không có kỳ tích xuất hiện, muốn đánh bại một đối thủ như vầy cơ hồ là chuyện không thể nào. Kỳ tích lại rất ít khi xuất hiện.

Đầu đường là cửa lớn của Đường Gia Bảo Phố, lớp sơn mới, lớp dầu bóng mới vẫn còn chưa khô.

Đường Khuyết nói:

– Mỗi năm trước tiết Đoan Ngọ, bọn ta đều sơn lại cửa lớn.

Vô Kỵ hỏi:

– Tại sao?

Đường Khuyết đáp:

– Bởi vì tiết Đoan Ngọ cũng là ngày mừng thọ của Lão Tổ Tôn, người già thích nhiệt náo, mỗi năm đến ngày đó bọn ta đều phải đặc biệt vì lão nhân gia mà chúc thọ, mọi người cũng thừa cơ hội đó mà ăn chơi.

Vô Kỵ có thể tưởng tượng được ngày đó nhất định là một ngày cuồng hoan nhiệt náo.

Một ngày vui vẻ như vậy, mọi người đều nhất định sẽ buông thả, tận lực hưởng thụ, ăn uống tưng bừng, tuyệt đối không tránh được.

Có ba thứ đó, nhất định có sơ xuất, sơ xuất của bọn chúng là cơ hội của Vô Kỵ.

Đường Khuyết nói:

– Bây giờ cho đến tiết Đoan Ngọ còn không đầy nửa tháng, ngươi có muốn ở lại coi nhiệt náo không.

Vô Kỵ cười:

– Hay quá.

Cửa lớn mở rộng, nhìn không thấy có chút nào là cung nỏ đao kiếm giới bị sâm nghiêm.

Bước qua cửa lớn là đến một con đường lát đá xanh, gọn gàng sạch sẽ, mỗi một khối đá xanh tẩy rửa láng bóng như gương.

Hai bên đường có đủ các thức các dạng hàng quán, nhà cửa sáng trưng, đồ đạc ngay ngắn.

Đường Khuyết mỉm cười:

– Người ta cứ nghĩ Đường Gia Bảo Phố là long đàm hổ huyệt, kỳ thật bọn ta rất hoan nghênh người khác đến đây, bất cứ một ai cũng có thể đến, bất cứ người nào bọn ta cũng đều hoan nghênh.

Vô Kỵ hỏi:

– Thật sao?

Đường Khuyết nheo mắt cười lớn:

– Ngươi đáng lẽ nên thấy, đây là nơi rất dễ tiêu tiền, có người ngoài đến tiêu tiền, bọn ta mới có thể thâu tiền, chuyện có thể thâu được tiền luôn luôn được hoan nghênh.

Vô Kỵ hỏi:

– Nếu bọn họ ngoại trừ việc tiêu tiền ra, còn muốn làm gì khác?

Đường Khuyết đáp:

– Đó là còn để coi hắn muốn làm chuyện gì.

Vô Kỵ hỏi:

– Nếu quả là đến gây phiền hà?

Đường Khuyết đáp:

– Chỗ bọn ta cũng có quan tài, không những bán rất rẻ, có lúc thậm chí còn cho miễn phí.

Hắn lại cười nói:

– Nhưng ngoại trừ quan tài ra, ở đây cái gì trong quán nào cũng đều không rẻ, có lúc cả ta cũng bị bọn họ chặt đẹp.

Vô Kỵ thấy được điểm đó, hàng hóa trong hàng quán đều là tinh phẩm.

Tiểu nhị và chưởng quầy trong quán ai ai cũng cười tươi đón khách, nhìn thấy Đường Khuyết đi tới, liền hô hào tuốt từ xa, nhiệt náo vô cùng, cao hứng vô cùng.

Vô Kỵ mỉm cười:

– Xem ra mọi người ở đây có vẻ rất thích ngươi.

Đường Khuyết thở dài:

– Ngươi lầm rồi.

Hắn cố ý hạ thấp giọng:

– Bọn họ không phải là thích con người ta, mà là thích bạc trong hầu bao của ta, nếu quả ngươi muốn một người đem bạc trong hầu bao đưa cho ngươi, ngươi nhất định phải giả bộ rất thích hắn.

Vô Kỵ cười, người trong hàng quán hai bên cũng cười lớn, giọng nói của hắn đủ để mọi người nghe được.

Chỗ nào hắn ghé là duyên phận cực tốt.

Một cửa tiệm sáng đẹp nhất, thanh nhã nhất, bán nhiều món đồ chơi kỳ xảo và son phấn kim chỉ, khí phái còn hơn cả “Bảo Thạch Trai” cổ xưa nổi tiếng ở kinh thành.

Bên ngoài cửa có hai cỗ kiệu dừng đậu, một tên trẻ anh tuấn phi thường, vận thanh y, đội nón thấp, dùng tiếng Quan Thoại rổn rảng chào Đường Khuyết.

Ở đây xem chừng rất hay nói tiếng Quan Thoại, đặc biệt là đám tiểu nhị trong tiệm, rất ít khi pha giọng Xuyên, đi đến con đường đó không khác gì Đại Sách Lan ở kinh thành vậy.

Đường Khuyết nhìn hai cỗ kiệu:

– Có phải tam cô nãi nãi lại đến chiếu cố chuyện buôn bán của các ngươi không?

Tên trẻ tuấn tú cười bồi:

– Dạ, mời ngài chiếu cố tệ quán của bọn tôi.

Đường Khuyết cười:

– Ta có xuất giá đâu, mua son phấn về thoa mông à.

Chỉ nghe một người trong tiệm nói:

– Ai nói chuyện bên ngoài đó, dơ thúi quá, mau kêu người súc miệng cho hắn đi.

Giọng nói kiều mị giống như hoa sen tươi mát, chắc rõ như rễ sen bám cứng.

Đường Khuyết le lưỡi, cười khổ:

– Chết rồi, ta quậy nhầm ổ ong vò vẽ rồi.

Lần này hắn hạ thấp giọng, bởi vì hắn thật không dám chọc tới vị tam cô nãi nãi đó.

– Tam cô nãi nãi luôn luôn không quên chiếu cố bọn tôi, không giống như đại quan ngài, quanh năm khó mà thấy mặt ngài ghé thăm.

Có hai phụ nhân duyên dáng váy dài chấm đất bước ra khỏi cửa.

Thân người của bọn họ đều rất cao ráo, rất thon thả, đường li trên váy nhỏ li ti, tư thế bước đi dịu dàng, lại rất tươi tắn, rắn rỏi.

Một người bước lên trước, tuổi tác coi bộ lớn hơn, y phục trắng muốt, khuôn mặt bầu bĩnh như trứng gà, nụ cười nhẹ vợi, đôi mắt sáng ngời chớp chớp, thần thái siêu phàm.

Đường Khuyết nhìn bà ta, không ngờ lại cung cung kính kính cúi mình chào đón, cười bồi:

– Cô nãi nãi, cô khỏe chứ?

Vị cô nãi nãi đó cười mà như không cười nhìn hắn:

– Ta còn tưởng là ai, nguyên lai là ngươi, ngươi học mua son phấn thoa mông hồi nào vậy?

Người của bà ta cũng giống như thanh âm của bà ta, lanh lợi rõ ràng, tuyệt không chịu để ai chiếm nửa phần tiện nghi.

Nữ nhân kia cười ngất:

– Đại quan thật muốn mua son phấn thoa... thoa chỗ đó, ba cân phấn sợ cũng không đủ.

Tiếng cười của nữ nhân đó thanh tao như chuông ngân, đôi mắt cũng như chuông vậy, vừa tròn lại vừa lớn.

Nhưng ả vừa cười lớn, đôi mắt to tròn đó lại híp lại thành một đường, một đường uốn uốn éo éo, tuyệt đối có thể chiếm giữ tâm tưởng của bất kỳ một nam nhân nào.

Trước mặt bọn họ, Đường Khuyết lại biến thành rất ngoan ngoãn, không những ngoan ngoãn, mà còn ngây ngô.

Hắn một mực cười ngây ngô, ngoài chuyện cười ngây ngô ra, cả một câu cũng không nói được.

Vô Kỵ cũng cười.

Chàng chưa bao giờ tưởng được Đường Gia Bảo Phố cũng có nữ nhân lý thú khả ái như vậy.

Nữ nhân có đôi mắt giống như chuông tuổi tác tuy nhỏ hơn, cũng không còn nhỏ gì, nhìn lại như là một tiểu cô nương, một tiểu cô nương ai ai nhìn thấy cũng không nhịn được muốn ôm sát vào lòng.

Vị cô nãi nãi lại càng khả ái hơn.

Bà ta tuy không thể coi là quá đẹp, nhưng bà ta lanh lợi thẳng thắn, sáng suốt minh mẫn, sạch sẽ, giống như một trái lê mới vừa hái xuống.

Hơn nữa bọn họ rất rành nói “khéo”, tịnh không làm cho Đường Khuyết khó chịu.

Bọn họ rất mau mắn lên kiệu, kiệu rất mau mắn đi khỏi.

Đường Khuyết cuối cùng đã thở phào, lại thở dài:

– Ngươi có biết vị cô nãi nãi đó là ai không?

Vô Kỵ đáp:

– Không biết.

Đường Khuyết nói:

– Bà ta là khắc tinh của ta.

Vô Kỵ hỏi:

– Ngươi sợ bà ta?

Đường Khuyết đáp:

– Không những ta sợ bà ta, người trong Đường Gia Bảo Phố không sợ bà ta đại khái không có ai hết.

Vô Kỵ hỏi:

– Bà ta nhìn có vẻ không đáng sợ gì mấy, các ngươi tại sao lại sợ bà ta?

Đường Khuyết đáp:

– Bà ta là người Lão Tổ Tôn của bọn ta thích nhất, tuổi tác tuy không lớn, thân phận lại cực lớn, tính ra bà ta vẫn là cô cô của ta, bà ta trời sinh thích quản lý sự chuyện, chuyện gì bà ta cũng muốn lo, người nào bà ta cũng không ưa, nếu quả có người làm phật lòng bà ta, Lão Tổ Tôn sẽ nổi giận.

Hắn lại thở dài, cười khổ:

– Ngươi như vậy ngươi có sợ không chứ?

Vô Kỵ đáp:

– Sợ.

Đường Khuyết nói:

– May là bà ta đã cưới chồng rồi.

Vô Kỵ hỏi:

– Người đáng sợ như vậy, có ai dám cưới bà ta?

Đường Khuyết đáp:

– Vốn không có ai, hiện tại cuối cùng đã có một người.

Vô Kỵ hỏi:

– Ai?

Đường Khuyết đáp:

– Ta không thể nói.

Vô Kỵ thốt:

– Hôm nay khí trời thật không tệ.

Đường Khuyết hỏi:

– Bọn ta đang nói về chuyện cưới chồng của cô nãi nãi, ngươi tại sao lại thình lình nói về khí hậu?

Vô Kỵ đáp:

– Bởi vì chuyện cưới chồng của vị cô nãi nãi đó ngươi không thể nói ra.

Đường Khuyết hỏi:

– Ngươi có muốn biết không?

Vô Kỵ đáp:

– Ta muốn.

Đường Khuyết nói:

– Vậy ngươi nên bức ta nói ra.

Vô Kỵ hỏi:

– Ta làm sao bức được?

Đường Khuyết đáp:

– Nếu quả ngươi cảnh cáo ta, nếu ta không nói ra, ngươi sẽ không kết giao bằng hữu với ta, ta sẽ nói ra.

Vô Kỵ thốt:

– Nếu ngươi không nói, ta sẽ không kết giao bằng hữu với ngươi.

Đường Khuyết nói:

– Ta nói.

Vô Kỵ hỏi:

– Ai dám cưới bà ta?

Đường Khuyết đáp:

– Thượng Quan Nhẫn.

Thượng Quan Nhẫn, Thượng Quan Nhẫn, Thượng Quan Nhẫn.

Vô Kỵ đã khắc sâu cái tên đó trong tâm, dùng một lưỡi đao mang tên “thù hận” mà khắc, vừa khắc, vừa rơi lệ, vừa ứa máu, nhưng hiện tại chàng nghe cái tên đó lại không có tới một chút phản ứng, vô luận là bất cứ người nào cũng tuyệt đối không nhìn ra chàng và cái tên “Thượng Quan Nhẫn” có chút quan hệ gì.

Đường Khuyết hỏi:

– Ngươi có biết Thượng Quan Nhẫn không?

Vô Kỵ đáp:

– Ta biết.

Đường Khuyết hỏi:

– Ngươi biết thật sao?

Vô Kỵ đáp:

– Lão ta là một trong tam đại đầu não của Đại Phong Đường, lão đã giết bằng hữu tốt nhất của lão là Triệu Giản, đem đầu Triệu Giản dâng cho Lôi Chấn Thiên, đối đầu của Đại Phong Đường.

Chàng không ngờ còn cười cười:

– Ta tuy rất ít khi đi lại trên giang hồ, chuyện đó ta có nghe người ta kể.

Đường Khuyết hỏi:

– Ngươi nghe ai kể?

Vô Kỵ đáp:

– Đường Ngọc có nói tới.

Đường Khuyết thở dài:

– Ta bây giờ mới biết Đường Ngọc đối với ngươi thật không tệ, không ngờ cả chuyện đó cũng chịu kể cho ngươi nghe.

Vô Kỵ nói:

– Ta bây giờ mới biết ngươi đối với ta thật không tệ, không ngờ cả chuyện này cũng chịu kể cho ta nghe.

Đường Khuyết cười.

Vô Kỵ cũng cười.

Đường Khuyết hỏi:

– Ngươi có biết Đường Gia Bảo Phố ngoại trừ bà ta ra còn có một tiểu nãi nãi không?

Vô Kỵ đáp:

– Không biết.

Đường Khuyết nói:

– Tiểu nãi nãi hồi nãy cũng thích quản sự như vậy, cũng là khắc tinh của ta.

Vô Kỵ hỏi:

– Ngươi tại sao lại sợ ả?

Đường Khuyết đáp:

– Bởi vì ả là muội muội của ta.

Ca ca sợ muội muội tịnh không có gì là kỳ quái, có rất nhiều người làm ca ca đều rất sợ muội muội.

Đó đương nhiên tịnh không phải vì muội muội thật đáng sợ, mà là vì muội muội tinh quái quỷ quyệt.

Đường Khuyết nói:

– May là muội muội của ta cũng đã cưới chồng rồi.

Vô Kỵ hỏi:

– Cưới ai?

Đường Khuyết đáp:

– Lôi Chấn Thiên.

Lôi Chấn Thiên là tử địch của Đại Phong Đường, Lôi Chấn Thiên là chủ nhân của Phích Lịch Đường.

Thù hận giữa Thượng Quan Nhẫn và Vô Kỵ càng là bất cộng đái thiên.

Hiện tại Vô Kỵ tuy còn chưa nhìn thấy bọn họ, lại đã vô ý trung nhìn thấy thê tử của bọn họ.

Chàng không ngờ còn cảm thấy thê tử của bọn họ rất khả ái.

Thái độ của hai người bọn họ đối với chàng đều rất kỳ quái.

Hai người đều nhìn chàng chằm chằm, nhìn rất lâu, sau đó lại trao đổi một cái liếc mắt rất kỳ quái với nhau.

Nhưng bọn họ tịnh không hỏi Đường Khuyết coi chàng là ai. Lẽ nào bọn họ đã biết chàng rất rõ.

Lúc trước khi đi, muội muội của Đường Khuyết phảng phất còn nhìn chàng cười cười, đôi mắt to tròn mỹ lệ lại híp lại thành một đường, một đường uốn uốn éo éo, phảng phất muốn nắm bắt tâm tưởng chàng.

Một cô gái như vậy, một đôi mắt tình tứ như vậy, Lôi Chấn Thiên lại là lão nhân.

Trong Đại Phong Đường đương nhiên cũng có tư liệu liên quan tới Lôi Chấn Thiên, Vô Kỵ nhớ hắn năm nay xem chừng cũng đã năm mươi tám, năm mươi chín.

Hắn cưới được một bà vợ như vậy, không biết có phải là phước khí của hắn không?

Vô Kỵ lại nghĩ đến Mật Cơ.

Chàng chợt nghĩ đến rất nhiều chuyện, đang lướt qua những chuyện đó trong đầu, bỗng nghe thấy một tràng tiếng chuông vui tai.

Chàng ngẩng đầu, nhìn thấy một con bồ câu.

Bầu trời xanh thẳm, bồ câu trắng muốt, chuông vàng chói lọi.

Mỗi chân đều đeo chuông vàng, con bồ câu to lớn từ trên trời cao hạ xuống, bay lên lưng chừng núi.

Trên đường lập tức vang tiếng xôn xao, mọi người trong tiệm đều chạy ra, nhìn con bồ câu hoan hô.

“Đại thiếu gia lại đã thắng”.

Mọi người đều cười, Đường Khuyết cũng cười, nhìn lại không khoái trá giống như nụ cười của người khác.

Vô Kỵ đã chú ý đến điểm đó, lập tức hỏi:

– Vị đại thiếu gia đó là đại thiếu gia của nhà nào vậy?

Đường Khuyết đáp:

– Đương nhiên là đại thiếu gia của Đường gia, Đường Ngạo.

Vô Kỵ hỏi:

– Gã là đại thiếu gia, còn ngươi?

Đường Khuyết đáp:

– Ta là đại quan.

Vô Kỵ hỏi:

– Các ngươi là anh em ruột?

Đường Khuyết đáp:

– Ừm.

Vô Kỵ hỏi:

– Hai người các ngươi thật ra ai lớn hơn?

Đường Khuyết đáp:

– Không biết.

Vô Kỵ hỏi:

– Sao ngươi lại không biết chứ?

Đường Khuyết đáp:

– Bởi vì mẫu thân ta có nói là ta sinh ra trước, mẫu thân gã lại nói là gã sinh ra trước, thật ra ai sinh ra trước cũng không ai biết được, nhưng ai cũng không chịu làm lão nhị, cho nên Đường gia bọn ta có một vị đại thiếu gia, một vị đại quan.

Hắn nheo mắt cười:

– Nếu phụ thân ngươi cũng có mấy bà vợ như vậy, ngươi sẽ biết chuyện ra làm sao.

Trong ánh mắt của hắn phảng phất có chút hận tức.

Vô Kỵ không hỏi nữa.

Chàng đã thấy được mối mâu thuẫn và rạn nứt giữa huynh đệ bọn họ, chàng cảm thấy rất vừa lòng.

Đường Khuyết nói:

– Bồ câu bay về biểu thị trận chiến lần này gã lại đã thắng, thắng liên tục bốn trận, đánh bại bốn vị kiếm khách danh chấn thiên hạ, có thể ăn mừng được rồi.

Vô Kỵ hỏi:

– Bốn vị kiếm khách danh chấn thiên hạ đó là bốn vị nào?

Đường Khuyết hững hờ đáp:

– Không những đều là người kiếm pháp cực cao, danh vọng cực nổi, nếu không cũng không xứng để đại thiếu gia của Đường gia xuất thủ.

Vô Kỵ hỏi:

– Gã có thù với bốn người đó?

Đường Khuyết đáp:

– Không có.

Vô Kỵ hỏi:

– Gã tại sao lại muốn đến tìm bọn họ?

Đường Khuyết đáp:

– Bởi vì gã muốn để người khác biết đệ tử của Đường gia tịnh không nhất định phải dựa vào ám khí để thủ thắng.

Vô Kỵ hỏi:

– Gã dùng cái gì để thủ thắng?

Đường Khuyết đáp:

– Dùng kiếm.

Hắn hững hờ nói tiếp:

– Chỉ có dùng kiếm đánh bại cao thủ đã thành danh bằng kiếm mới có thể hiển lộ tài nghệ của đại thiếu gia Đường gia.

Vô Kỵ hỏi:

– Kiếm pháp của gã cực cao?

Đường Khuyết cười cười:

– Ngươi cũng dùng kiếm, đợi đến khi gã trở về, rất có thể cũng sẽ tìm ngươi tỷ kiếm, lúc đó ngươi sẽ biết kiếm pháp của gã ra sao.

Vô Kỵ cũng cười cười:

– Xem ra ta tốt hơn hết là vĩnh viễn không biết.

Bồ câu đã bay xa, Tiểu Bảo, vị bằng hữu anh tuấn của Đường Khuyết đã đến.

Gã trở về Đường Gia Bảo Phố trước, hiển nhiên là áp chuyển cỗ quan tài đựng Đường Ngọc và Mật Cơ về.

Gã bước tới, tỏ vẻ hưng phấn, khoái trá, từ xa xa đã nói lớn:

– Vui quá vui quá, thật là phải ăn mừng mới được.

Đường Khuyết dùng khóe mắt liếc gã:

– Có quan hệ tới chuyện đại thiếu gia của Đường gia đã chiến thắng?

Tiểu Bảo đáp:

– Không có quan hệ gì.

Đường Khuyết lạnh lùng hỏi:

– Vậy ngươi cao hứng cái gì?

Tiểu Bảo đáp:

– Tôi cao hứng giùm cho tam thiếu gia của Đường gia.

Tam thiếu gia của Đường gia là Đường Ngọc.

Tiểu Bảo nói:

– Thương thế của y đã được Lão Tổ Tôn trị lành, đã có thể uống canh nhân sâm rồi.

o0o

[Một Bằng Hữu]

Đường Ngọc đã có thể uống canh nhân sâm.

Một người nếu đã có thể uống canh nhân sâm, đương nhiên cũng có thể nói ra rất nhiều chuyện.

Rất nhiều chuyện một khi y nói ra là Vô Kỵ phải mất mạng.

Nhưng Vô Kỵ tịnh không giật mình tái mặt, mồ hôi lạnh cũng không vì sợ sệt mà toát ra.

Chàng không ngờ cả một chút phản ứng cũng không có.

Đường Khuyết lại dùng khóe mắt liếc chàng, chợt hỏi:

– Đường Ngọc có phải là hảo bằng hữu của ngươi không?

Vô Kỵ đáp:

– Phải.

Đường Khuyết hỏi:

– Hảo bằng hữu của ngươi đã lành thương thế, ngươi sao lại không cao hứng chút nào vậy?

Vô Kỵ đáp:

– Ta cao hứng giùm y.

Đường Khuyết hỏi:

– Nhưng ta lại không thấy chút nào.

Vô Kỵ đáp:

– Bởi vì ta cũng như ngươi vậy, vô luận trong lòng có cao hứng hay là sợ, người ta đều nhìn không ra.

Đường Khuyết nói:

– Cho dù trong lòng ngươi có sợ muốn chết, trên mặt vẫn có thể cười, cho dù ngươi cười cực kỳ cởi mở, trong lòng vị tất đã cao hứng.

Vô Kỵ nói:

– Hoàn toàn chính xác.

Đường Khuyết cười, cười lớn:

– Ta thích dạng người như ngươi, bọn ta sau này cũng nhất định sẽ trở thành hảo bằng hữu.

Vô Kỵ thốt:

– Không nhất định.

Đường Khuyết hỏi:

– Tại sao?

Vô Kỵ đáp:

– Bởi vì ta cũng như ngươi vậy, lúc miệng nói “nhất định”, trong lòng vị tất thật nghĩ như vậy.

Đường Khuyết nói:

– Khi miệng ngươi nói “không nhất định”, có lẽ đã coi ta là hảo bằng hữu.

Vô Kỵ đáp:

– Không nhất định.

Đường Khuyết lại cười lớn:

– Không tưởng được trừ ta ra, trên thế gian không ngờ còn có người như vậy.

Vô Kỵ không cười.

Có những người vai diễn nên cười, lúc nào chỗ nào cũng nên cười, có những người vai diễn lại không hay cười.

Đợi đến khi Đường Khuyết cười xong, Vô Kỵ mới hỏi:

– Hiện tại ngươi có phải muốn dẫn ta đi gặp Đường Ngọc?

Trong ánh mắt cười cợt của Đường Khuyết lại lộ xuất ánh sáng bén như mũi kim:

– Ngươi có muốn đi gặp y không?

Vô Kỵ hỏi ngược:

– Y nếu biết ta đã đến, có nhất định muốn các ngươi dẫn ta đến gặp y không?

Đường Khuyết thừa nhận:

– Y nhất định rất muốn gặp ngươi.

Vô Kỵ thốt:

– Cho nên ta cho dù thật không muốn đi gặp y, cũng không thể không đi.

Đường Khuyết nói:

– Hoàn toàn chính xác.

Hắn chợt lại cười cười:

– Kỳ thật người muốn gặp ngươi không phải chỉ có một mình y.

Vô Kỵ hỏi:

– Ngoài y ra còn có ai nữa?

Đường Khuyết đáp:

– Còn có một vị bằng hữu, một bằng hữu rất tốt.

Vô Kỵ hỏi:

– Bằng hữu của ai?

Đường Khuyết đáp:

– Của ta.

Vô Kỵ hỏi:

– Bằng hữu của ngươi tại sao lại muốn gặp ta?

Đường Khuyết đáp:

– Bởi vì gã biết ngươi.

Ánh mắt bén nhọn như mũi kim của hắn chằm chằm nhìn Vô Kỵ, gằn từng tiếng:

– Ngươi tuy không biết gã, gã lại biết ngươi.

o0o

Đường rất dài.

Cuối đường là một từ đường kiến trúc rất hoành vĩ, sau từ đường là một cánh rừng xanh rờn.

Giữa rừng cây dày đặc thấp thoáng một góc tiểu lâu.

Đường Khuyết nói:

– Bọn họ đang đợi ngươi ở đó.

Vô Kỵ hỏi:

– Bọn họ là Đường Ngọc và bằng hữu của ngươi?

Đường Khuyết đáp:

– Phải.

Cho đến bây giờ, hắn còn chưa hỏi tới lai lịch của Vô Kỵ, hắn thậm chí cả đề cập tới cũng không đề cập.

Đó có phải là vì bằng hữu của hắn đã đem lai lịch của Vô Kỵ nói cho hắn biết?

Cho nên hắn căn bản bất tất phải hỏi.

Hắn luôn luôn không đổi sắc mặt, luôn luôn cười, bởi vì hắn không thể để Vô Kỵ có chút cảnh giới mới có thể theo hắn đến đây.

Đến tìm chết.

Bằng hữu của hắn là ai? Có thật là biết lai lịch của Vô Kỵ không?

Hiện tại những vấn đều đó đều không còn trọng yếu nữa, bởi vì Đường Ngọc đã “hồi tỉnh”.

Đường Ngọc đương nhiên biết Vô Kỵ là ai.

Hiện tại Vô Kỵ cũng nên biết, một khi bước vào tòa tiểu lâu đó là phải chết trong đó, chắc chắn phải chết.

Chàng nên mau mau bỏ chạy.

Không cần biết bây giờ chàng còn có thể chạy thoát hay không, chàng đáng lẽ phải thử.

Ít ra có một hai phần cơ hội.

Nhưng chàng không chạy, thậm chí cả sắc mặt cũng không biến, chàng chừng như chịu chết ở đây.

Cây cối xanh rờn, tiểu lâu u tĩnh.

Ngày xuân.

Một người có thể chết ở một nơi mỹ lệ như vầy, thời tiết mỹ lệ như vầy, quả thật không thể coi là quá xấu tệ.

Dưới tiểu lâu có hoa sắp nở, có hoa đã nở.

Cửa dưới tiểu lâu không mở.

Đường Khuyết thò tay ra, cũng không biết là muốn gõ cửa, hay là muốn đẩy cửa.

Hắn không gõ cửa, cũng không đẩy cửa.

Hắn chợt quay người đối diện Vô Kỵ, chợt nói:

– Ta bội phục ngươi.

Vô Kỵ thốt:

– Ồ?

Đường Khuyết nói:

– Ngươi dám theo ta đến đây, ta thật bội phục ngươi.

Vô Kỵ thốt:

– Ồ?

Đường Khuyết nói:

– Bởi vì ta biết ngươi tuyệt không phải là bằng hữu của Đường Ngọc.

Vô Kỵ không biến sắc.

Đường Khuyết nói:

– Ta là anh em ruột của Đường Ngọc, y từ nhỏ đã theo ta, ta hiểu rõ y hơn ai hết, nhưng đến lúc tất yếu, y cho dù có phải đem ta bán cho người khác làm nhân bánh bao, y không nhíu mày, ta cũng sẽ không cảm thấy kỳ quái.

Hắn cười cười:

– Người như y, làm sao có thể có bằng hữu được? Ngươi làm sao có thể là bằng hữu của y?

Vô Kỵ vẫn không đổi sắc, chỉ điềm đạm hỏi:

– Nếu ta không phải là bằng hữu của y, thì ta là ai?

Đường Khuyết đáp:

– Không phải là bằng hữu thì là địch nhân.

Vô Kỵ thốt:

– Ồ?

Đường Khuyết nói:

– Địch nhân cũng có rất nhiều hạng, hạng đáng chết nhất là gian tế.

Vô Kỵ hỏi:

– Ta là hạng đó?

Đường Khuyết đáp:

– Ngươi là hạng đáng kính nhất.

Hắn thở dài:

– Một gian tế không ngờ lại dám theo ta đến đây, ta thật không thể không bội phục.

Vô Kỵ thốt:

– Kỳ thật cũng không có gì đáng bội phục.

Đường Khuyết “ồ” lên một tiếng.

Vô Kỵ nói:

– Cho dù ta là gian tế, ta cũng theo ngươi đến đây.

Đường Khuyết thốt:

– Ồ?

Vô Kỵ nói:

– Bởi vì ta biết Đường Ngọc tịnh còn chưa tỉnh, các ngươi chỉ bất quá muốn dùng cách này để dọ thử ta.

Đường Khuyết thốt:

– Ồ?

Vô Kỵ nói:

– Các ngươi còn muốn dùng cách này để dọ thử ta, biểu thị các ngươi còn chưa thể xác định ta thật ra có phải là gian tế hay không.