Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 11 - 12 - 13

Mười một

Sáng hôm sau là ngày Chủ nhật, thế nên tất nhiên tôi dậy muộn. Mùi thức ăn, mùi của tổ ấm lẻn vào qua cánh cửa khép hờ của phòng tôi.

Tôi nghĩ mình đói, nên tôi sẽ dậy, đi thẳng ra bàn ăn. Một trong những điều tôi vốn thích là ngồi ăn trưa luôn ngay sau khi dậy, như những ngày Tết hoặc một vài dịp hiếm hoi.

Hoàn toàn tự do, không một chút băn khoăn về việc vừa thức dậy đã phải quyết định sẽ làm gì buổi sáng. Nhất là vào sáng Chủ nhật.

Tuyệt.

Nhưng rồi, vẫn đang nằm trên giường, tôi cảm thấy một cảm giác khó chịu lạ lùng lan ra. Giống như cảm giác tội lỗi trộn lẫn với cảm nhận về một thảm họa sắp xảy ra.

Tôi sắp bị phát hiện rồi. Tôi sẽ dậy, sẽ ra thẳng bàn ăn, bố mẹ tôi cuối cùng cũng sẽ hiểu ra khi nhìn vào mặt tôi và tất cả những điều khốn khiếp của tôi sẽ trồi lên.

Thế là tôi cảm thấy buồn và nuối tiếc. Tôi muốn nếm lại cảm giác thoải mái thanh thản ở gia đình mà tôi hiểu ra sẽ không bao giờ còn nữa.

Và tôi ước, niềm ao ước mãnh liệt trong một khoảnh khắc, là bố mẹ tôi không có ở nhà. Vì nếu nhìn thấy tôi buổi sáng ấy họ sẽ phát hiện ra. Tôi cũng không biết vì sao; tôi không biết sao lại đúng là sáng Chủ nhật ấy, nhưng tôi chắc chắn điều đó rồi sẽ đến.

Tôi dậy, tắm, nhanh chóng mặc quần áo rồi ra phòng ăn với cái cảm giác nhức nhối ngay dưới da, như bị tê; như một cơn sốt nhẹ nhưng khó chịu.

Bàn ăn đã được dọn, trên màn hình ti vi là những hình ảnh không thực, căng thẳng.

Hôm ấy là ngày bốn tháng Sáu năm 1989. Trước đó một hôm, quân đội của tướng Lý Bằng thảm sát các sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn. Tôi liên tưởng đến chuyện cũng trong chính lúc ấy tôi thắng hàng triệu đồng bằng cách bịp bợm ở trò poker và tán tỉnh một bà bốn mươi tuổi sắc sảo.

Tôi vẫn nhớ cái bản tin dài ấy, hầu như đều về sự kiện ở Bắc Kinh, và sau đấy tôi nhìn thấy bố đang dùng dĩa hành hạ miếng bít tết bò cuối cùng.

Ông đẩy nó từ đầu này sang đầu kia mà không ăn. Uống một ngụm vang đỏ rồi lại bắt đầu dịch đi dịch lại miếng thịt giữa các mẩu khoai tây nghiền. Món khoai tây nghiền nổi tiếng của mẹ tôi, tôi lại nghĩ, một cách không liên quan.

Tôi chờ. Mẹ tôi chờ. Tôi biết mẹ chờ mà không nhìn mặt bà. Tôi có thể cảm nhận sự căng thẳng của mẹ rõ rệt như một thực thể.

Cuối cùng bố tôi nói.

“Chuyện học hành có khó khăn gì à?”

“Sao cơ ạ?” Tôi cố gắng ra vẻ ngạc nhiên, nhấn hơi quá mức vào âm sắc vờ hỏi. Một vai diễn rất tệ.

“Từ năm ngoái đến giờ con không thi thêm môn nào cả.”

Bố nói nhỏ nhẹ. Rời ra từng từ. Nhìn vào mặt bố tôi nhận ra các nếp nhăn, cùng một nỗi đau mà tôi không muốn thấy. Thế nên tôi quay đi trong khi ông nói tiếp.

“Con có muốn nói cho bố mẹ chuyện gì đang xảy ra không?”

Những lời ấy với ông thật khó khăn. Ông không hề nghĩ có ngày phải nói với tôi những lời như thế. Tôi chưa bao giờ gây ra bất cứ chuyện gì; trong chuyện học lại càng không. Gây chuyện như thế đã có bà chị tôi rồi, mà với bố mẹ tôi từng ấy đã là quá đủ. Thế mà chuyện gì đang xảy ra thế này?

Khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra chắc bố mẹ đã bàn với nhau rất nhiều và rất lâu về chuyện đang xảy ra với tôi. Về chuyện gì đang xảy ra với tôi. Chắc bố mẹ đã phải hỏi nhau không biết có nên nói chuyện với tôi không, nhỡ lại làm mọi việc tồi tệ thêm.

Tôi phản ứng như bọn cặn bã vẫn làm khi bị bắt quả tang. Phản ứng như một kẻ có lỗi nhưng không đủ dũng khí thú nhận. Tôi tấn công lại.

Một cách hèn nhát, vì bố mẹ yếu đuối hơn tôi, và cũng như tất cả những người bố người mẹ khác, họ không thể tự vệ.

Họ muốn gì ở tôi? Tôi còn chưa được hai ba tuổi mà đã học gần xong đại học rồi. Họ cằn nhằn tôi chỉ vì tôi học chậm lại một chút. Chó chết. Chẳng nhẽ khủng hoảng một thời gian cũng bị cấm sao? Cấm hay sao?

Tôi hét lên những điều rất khó chịu, rồi cuối cùng tôi đứng lên trong khi bố mẹ vẫn ngồi yên, không nói gì.

“Con đi đây,” tôi chỉ nói thế, rồi bỏ đi.

Tôi giận điên với họ vì họ có lý. Giận điên lên với chính bản thân mình.

Cuồng nộ và cô đơn.

Sáng hôm sau, lúc chín giờ rưỡi sáng thứ Hai, tôi gọi điện cho Maria.

Mười hai

Cô không ngạc nhiên khi nghe điện thoại tôi gọi đến. Không một mảy may. Cô xử sự như thể sáng ấy đang chờ điện thoại của tôi. Maria bảo hôm ấy bận nhưng chúng tôi có thể gặp nhau vào sáng hôm sau.

Cậu có thể đến vào sáng hôm sau, cô ấy bảo. Nhà cô ấy. Tất nhiên là để chắc chắn thì tôi nên gọi điện trước khi đến. Vậy thì hẹn mai gặp nhé. Ừ mai. Chào.

Chào.

Sau khi dừng cuộc gọi tôi đứng yên một lúc lâu, tay vẫn để trên ống nghe. Ngỡ ngàng vì cuộc điện thoại không chút bóng gió hay ngầm ý. Tôi tự hỏi không biết mình đang đi tới đâu.

Rồi tôi tự nhủ, tạm thời thì đến nhà cô ấy đã.

Sau khi đã gọi điện, cho chắc.

Cô không hề bảo: Cậu đến đi, bọn mình nói chuyện; uống gì đấy. Kiểu kiểu như thế, chí ít cũng tỏ vẻ thế nào đấy. Chứ lại thẳng băng như thế. Cậu đến sáng mai nhé. Chỉ có thế.

Tôi cảm thấy trống rỗng, trộn cùng một niềm phấn khích bản năng và mù quáng.

Hệ quả của chuỗi phản ứng hóa học trên não ấy là một cú chập điện chậm chạp. Tôi nghĩ mà không thực sự nghĩ nổi chuyện gì. Trong đầu tôi hình thành một chuỗi những hình ảnh chậm và không thể chi phối. Mẹ tôi, bố tôi. Khuôn mặt họ thoắt già cỗi hơn hẳn ngoài đời. Tôi cố sức để xua đuổi chúng đi thì lại hiện ra khuôn mặt chị tôi. Nhạt nhòa. Tôi không thể nhìn rõ chị ấy.

Tức là tôi không nhớ nổi khuôn mặt chị ấy trông như thế nào. Nhưng hình ảnh ấy làm tôi buồn và thế là tôi xua cả chị ấy đi. Đỡ khó khăn hơn, nhưng vừa xua chị ấy ra thì lại đến gương mặt Francesco. Mặt cậu ấy cũng mờ nhạt. Rồi những chớp đèn từ quá khứ. Ký ức thời trung học, ngày đầu tiên nghỉ hè hồi cuối năm lớp bốn (sao lại đúng ngày ấy? sao tôi lại nhớ nó?), cơn nức nở không nín nổi của một thằng bé trong một buổi liên hoan hồi tôi còn bé. Sao cái thằng ấy lại khóc nhỉ? Tôi rất thương nó, nhưng lại không giúp gì cho nó được. Tôi không nói được câu nào khi hai thằng lớn mặt mũi độc ác cười nhạo nó. Tôi chỉ cảm thấy rất nhục nhã khi quay đi chỗ khác.

Rồi những hình ảnh xa xôi hơn nữa. Xa đến mức tôi không phân biệt nổi. Và rất chậm.

Tất cả đều rất chậm, chậm không chấp nhận nổi.

Có gì đó trong tôi đang tan rã, và cuối cùng đã đến lúc tôi không chịu được nữa.

Tôi đi vào phòng mình bật một băng cát xét của Dire Straits. Tiếng guitar của Knopfler đá văng sự yên lặng và tất cả những thứ đang xâm chiếm đầu óc tôi. Tôi cầm mấy quân bài lên và bắt đầu tập. Rồi tiếng nhạc tắt còn tôi vẫn tập tiếp như thể không còn chuyện gì khác đáng để tâm. Tôi chỉ ngừng khi nghe tiếng chìa khóa mẹ tôi mở cửa, khoảng hai giờ chiều.

Tay tôi phát đau lên, nhưng đầu óc thì bình tĩnh và trong trẻo.

Như một mặt hồ đóng băng.

Ăn xong tôi đi ngủ. Một cách chạy trốn rất tốt. Một kiểu gây mê tự nhiên. Tôi tỉnh giấc thì đã gần sáu giờ, rồi tôi ra khỏi nhà luôn, vì sau trận cãi lại bố mẹ hôm qua tôi không ở nhà nổi nữa.

Trời không nóng lắm so với thời tiết tháng Sáu. Sau khi đi loanh quanh vô định một hồi tôi tới hiệu sách. Cũng y như mọi khi.

Không thấy bất cứ ai trong các đồng nghiệp đọc chùa sách của tôi. Mà thật ra là chẳng có ai khi tôi bước vào.

Khi bắt đầu đi lòng vòng từ khu này sang khu kia, giá này sang giá kia, tôi nhận ra sách không còn hấp dẫn tôi nữa.

Tôi tạt qua hiệu sách cũng giống như người ta ghé vào một quán ăn hay quán cà phê. Theo thói quen, vì tôi không biết đi đâu hay đến nhà ai, khi mà giờ đây tôi chỉ còn chơi với Francesco. Và cậu là người quyết định chuyện bao giờ thì chúng tôi gặp nhau.

Tôi lơ đãng lật vài quyển sách chọn bừa, một cử chỉ đơn thuần máy móc. Trống rỗng và đầy chán chường.

Tôi chỉ hơi chú ý khi nhìn thấy trước mặt mình một cuốn sách, trong gian Trò chơi và Thú tiêu khiển - Nghiên cứu về các trò ảo thuật. Của một nhà xuất bản vô danh mà tôi chưa từng nhìn thấy và cũng không hề thấy lại sau này. Tôi lật đến phần các trò sắp xếp quân bài, nhận ra sách chỉ miêu tả một vài trò thô sơ, dùng cho mấy dịp liên hoan gia đình. Thế là tôi thất vọng gạt nó sang bên.

Đang chuẩn bị xem cuốn Cẩm nang toàn tập dành cho các trò khéo tay. Bóng, gậy, yo-yo và đuốc thì tôi nghe có người gọi họ của mình. Giọng rất to.

“Cipriani!”

Tôi quay sang trái về phía anh chàng phốp pháp có cái giọng ấy. Cậu ta đi về phía tôi, tôi để ý thấy khi gọi tôi cậu ta đang đứng ở khu sách cẩm nang hướng dẫn thi tuyển công chức, và khi cậu ta đến gần với nụ cười trẻ con rạng rỡ trên khuôn mặt thì tôi nhận ra.

Mastropasqua. Bạn học của tôi hồi cấp hai.

Cậu học trò được tất cả đồng lòng và công khai thừa nhận là thằng ngu nhất lớp. Nhưng không phải thằng đứng cuối lớp, vì với sự chăm chỉ kiên nhẫn của giống lừa kéo xe, học tám tiếng một ngày, bao giờ cậu ta cũng cố với được đến điểm trung bình.

Tôi và Mastropasqua chưa bao giờ thực sự chơi với nhau. Trong ba năm cấp hai chắc tôi chỉ nói chuyện với cậu ta chưa đến ba mươi từ. Mà hầu như đều là trong dịp đá bóng ngoài đường sau giờ tan trường ngày thứ Bảy. Từ hồi thi tốt nghiệp cuối cấp hai tôi không hề gặp lại cậu ta.

Mastropasqua đến nơi và ôm lấy tôi.

“Cipriani,” cậu ta lại gọi với giọng đầy tình cảm. Như muốn nói bạn cũ của tôi ơi, thế là tớ tìm được cậu rồi.

Sau khi giữ lấy tôi đến mấy giây trong lúc tôi lo lắng nhìn quanh hiệu sách chỉ lo nhỡ có ai quen bước vào trông thấy cảnh này, cuối cùng Mastropasqua cũng buông tôi ra.

“Gặp cậu tớ mừng quá cơ Cipriani.”

Tôi nghe thấy giọng mình đáp lại.

“Tớ cũng thế, Mastropasqua. Cậu khỏe không?”

“Tớ ổn, lúc nào cũng cẩn thận che mông.”

Lúc nào cũng cẩn thận che mông. Đấy là kiểu nói chúng tôi vẫn dùng thời cấp hai. Mastropasqua có vẻ không cập nhật gì cách ăn nói của mình từ hồi ấy.

“Thế cậu thì sao, vẫn che được mông chứ?”

Trong đầu tôi hiện lên tất cả những từ lóng của bọn học sinh chúng tôi những năm ấy. Thứ tiếng lóng mà tôi đã bỏ rơi ngay khi vào cấp ba. Nhưng Mastropasqua thì rõ ràng không như thế. Có lẽ cậu ấy đã lưu giữ nó như người ta khai thác một thứ tiếng chết nhưng đầy ý nghĩa, ẩn dụ, liên tưởng.

“Vẫn thế. Vẫn che được mông.” Tôi lại nghe được giọng chính mình vang đến như thể đó là giọng ai đó.

“Phải thế rồi Cipriani. Tớ vui quá. Thế cậu làm gì?”

Tớ chơi bạc bịp, thôi học, định đi cua mấy ả nạ dòng bốn mươi, và làm tan nát trái tim bố mẹ mình. Có lẽ chỉ thế thôi.

“Tớ học gần xong luật. Thế cậu làm gì?”

“Chết chửa! Cậu học gần xong luật rồi cơ à! Mà cậu làm luật sư là phải thôi. Nhìn ngày xưa cậu thi thế nào thì biết.”

Tôi định bảo cậu ta tôi không hề nghĩ đến chuyện làm luật sư, nhưng rồi kìm lại. Ý tưởng của tôi về nghề nghiệp tương lai không được rõ ràng cho lắm. Thế là cậu ta lại tiếp.

“Tớ đăng ký học thú y. Nhưng mà khó lắm. Bây giờ tớ định đăng ký thi.”

Cậu ta chìa cho tôi xem cuốn Thi tuyển cảnh sát. Đấy là tên cuốn sách.

“May ra tìm được việc nào ổn định. Tớ mà tìm được thì tớ kệ xác trường đại học? Sẽ che mông được cả đời.”

Tôi gật đầu đồng ý rồi chợt nghĩ tôi không nhớ nổi tên cậu ta là gì. Carlo. Không, đấy là tên của Abbinante. Một thần đồng khác.

Nicola?

Damiano.

Mastropasqua Damiano.

Mastropasqua, Moretti, Nigro, Pellecchia...

“Cậu còn chơi đá bóng không Cipriani? Hậu vệ phải chứ hả?”

Tôi không chơi bóng mấy tháng nay rồi. Phải, tôi chơi hậu vệ phải. Mastropasqua không phải thần đồng nhưng trí nhớ thì tuyệt.

“Ừ ừ, tớ vẫn chơi.”

“Tớ cũng thế. Mỗi tuần một trận, chiều thứ Bảy, ở sân Japigia. Để còn giữ dáng.”

Giữ dáng. Tôi không thể không liếc mắt xuống cái bụng xệ của cậu ta. Quần ấy phải cỡ năm tư. Trong khi cậu ta chỉ cao hơn mét bảy một tí. Nhưng Mastropasqua không để ý.

“Cậu biết sao không Cipriani?”

“Gì cơ?”

“Ngày xưa chuyện ở trường tớ nhớ nhất là khi cô Ferrari cho bọn mình viết một bài văn tưởng tượng, thế là cậu viết cái chuyện nhố nhăng biến tất cả giáo viên và học sinh ở trường thành các con thú và quái vật. Cô cho cậu những mười điểm, lần duy nhất cô Ferrari cho mười rồi đọc bài văn trước lớp. Mọi người cười mới khiếp chứ! Ối cha mẹ ơi là cười! Cả cô Ferrari cũng cười.”

Tôi bỗng như lao ngược về quá khứ. Với tiếng vọng của hơn mười năm trước.

Trường trung học cơ sở công lập Giovanni Pascoli. Cùng một khối nhà với trường trung học Orazio Flacco, vốn được gọi là “Flacco”. Tất cả các căn phòng đều lắp chấn song cửa sổ, sau khi một học sinh chỉ vì một lần cá cược ngu xuẩn đã leo lên đi trên bệ cửa rồi lỡ nhìn xuống. Khi xảy ra chuyện đó tôi vẫn còn học cấp một, nhưng mấy anh lớn hơn kể lại cho tôi nghe cả trường đều nghe thấy tiếng thét. Một tiếng thét làm máu trong người, và cả tuổi thơ của hàng trăm đứa con trai con gái trong trường, đông cứng lại.

Ở trường Pascoli và trường Orazio Flacco rất lạnh. Vì biển ở ngay phía trước và từ tháng Mười một đến tháng Ba thì gió cứ lùa vào qua những khe cửa. Hình ảnh cô Ferrari hiện lên từ ký ức gợi lại cái lạnh ấy, tiếng rít của gió và cái mùi trộn lẫn giữa mùi bụi, mùi gỗ, mùi bọn trẻ con và những bức tường cũ.

Cô Ferrari rất giỏi thế nên rất có tiếng. Người ta tranh nhau để xin được vào lớp cô.

Cô đẹp, mắt xanh lơ, mái tóc bạc và ngắn, gò má gồ lên. Gương mặt của người không biết sợ ai. Giọng cô trầm, hơi khàn vì hút thuốc, hơi có thổ ngữ vùng Piemonte. Hồi tôi học cấp hai có lẽ cô trạc năm, sáu mươi tuổi.

Hồi mới chỉ hơn hai mươi, vào ngày 26 tháng Tư năm 1945, cô đã cùng các du kích khác tràn từ miền núi vào Genova với một khẩu tiểu liên Anh trong tay.

Cả ba năm học cấp hai chưa bao giờ tôi thấy cô nổi giận. Cô thuộc kiểu giáo viên không cần phải nổi giận bao giờ, thậm chí không bao giờ cần lên giọng.

Khi có học sinh nào lỡ nói hay làm điều gì không phải, cô chỉ nhìn. Có lẽ cô cũng có nói gì đó nhưng tôi chỉ nhớ cái nhìn và cách cô quay đầu. Cô quay đầu, rất chậm, trong khi cả người giữ yên, và nhìn thẳng vào mắt học sinh ấy.

Cô không cần phải nổi giận.

Điểm mười bài văn của tôi là duy nhất, bình thường cô Ferrari chỉ cho cao nhất là tám. Chín đã là hiếm hoi lắm rồi. Cũng như chuyện đọc to bài văn - chủ đề ngộ nghĩnh - cho cả lớp nghe là độc nhất vô nhị.

Đúng là cô đã không thể nhịn được cười khi đọc đến mấy đoạn.

Tôi không nhớ đã biến cô giáo dạy toán và khoa học thành con gì, nhưng chắc phải buồn cười lắm vì đến đoạn ấy cô Ferrari cười thực sự khoái chí. Cô cười đến mức không đọc được nữa, phải để bài văn xuống bàn rồi đưa hai tay lên ôm mặt. Các bạn tôi cũng cười. Cả lớp đều cười, tôi cũng thế, nhưng tôi cười là để che giấu sự hài lòng và niềm tự hào của mình. Khi ấy tôi mới mười một, mười hai gì đấy và tôi nghĩ lớn lên mình sẽ thành một nhà văn nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết hài. Tôi vui lắm.

Hình ảnh chợt tan biến khi tôi nghe Mastropasqua nói cái gì đó nhưng mình không hiểu. Chắc cậu ấy đã đổi chủ đề, còn tôi thì cứ gật lấy gật để, cố gắng cười và nheo mắt lại.

“Bọn mình phải tổ chức một cuộc họp lớp mới được. Khi nào thi tuyển xong tớ sẽ lo chuyện gọi cho tất cả.”

Họp lớp. Chắc chắn rồi. Bọn mình phải làm ngay một cuộc, rồi có lẽ ba mươi năm nữa lại họp và bốn mươi năm nữa lại họp. Tôi lại gật đầu, cố cười nữa nhưng rồi nhận ra nụ cười của tôi giống một cái nhếch mép hơn. Gặp cậu tớ mừng quá, Cipriani, lúc nào cũng sách vở thế này.

Tớ cũng mừng gặp lại cậu. Chào nhé, Cipriani - ôm tiếp - Chào cậu, Mastropasqua.

Cậu ta ra quầy thanh toán mang theo cuốn hướng dẫn thi vào cảnh sát. Tôi đứng lại trước giá sách giả vờ xem cuốn về bài bridge, chờ cho cậu bạn học cũ ra khỏi hiệu sách. Khi tôi quay lại thì cậu ta đã không còn ở đấy nữa, mất hút vào cái nơi từ đó cậu ta hiện ra. Nơi nào đó.

Thế là tôi cũng đi, bước dọc theo bờ biển, rồi xa nữa, như thể đang cố chạy trốn khỏi cái gì đó, đến tận rìa Nam thành phố, qua cả những khu nhà cuối cùng, đến tận cái chòi báo hiệu hết phần đường đi bộ. Tôi mua ba chai bia lớn rồi đến ngồi ở bệ đá cột đèn xa nhất, quay mặt ra biển nhưng không nhìn vào điểm nào cụ thể. Hay nghĩ về điều gì cụ thể.

Tôi ngồi đấy rất lâu, uống và hút thuốc. Ánh sáng ban ngày chầm chậm nhạt đi. Rất chậm. Đường chân trời cũng mờ đi rất chậm như thế. Ngày hôm ấy dài bất tận, tôi thì chẳng biết đi đâu. Có những khoảnh khắc tôi nghĩ mình sẽ không đứng dậy nổi, không thể làm bất cứ cử động gì, giống như người bị cuộn tròn trong một lưới tơ nhện.

Đêm đã xuống khi tôi trèo khỏi cái bệ đá ấy, để lại ba chai bia rỗng đứng thẳng hàng hướng phía biển. Trước khi quay lưng bỏ đi tôi dừng lại một chốc nhìn ba cái bóng màu tím đỏ in trên nền lam sẫm. Tôi nghĩ chắc chúng phải mang một ý nghĩa nào đấy, mấy chai bia đứng ở đó, cân bằng trước biển, chờ đến khi có ai làm đổ chúng.

Nhưng tất nhiên tôi chẳng tìm nổi ý nghĩa đó. Nếu có cái ý nghĩa ấy thật.

Để về được đến nhà tôi phải đi bộ gần một tiếng, bước dài, cố sức. Tôi kiệt sức vì mệt, vì bia, đầu tôi cúi gằm và chỉ nhìn thấy mỗi mét vỉa hè ở ngay trước mắt.

Tôi lên giường và ngủ rất lâu, một giấc ngủ tối tăm sâu hoắm với những giấc mơ không dò nổi.

Mười ba

Sáng thứ Ba trời mưa, to và dai dẳng. Kiểu mưa bất thường so với thời tiết tháng Sáu.

Tiếng mưa làm tôi tỉnh giấc và không thể nằm lại trên giường. Lúc tôi dậy cùng lắm mới tám giờ. Vẫn sớm quá chưa thể gọi cô ấy được, thành thử tôi phải kiếm gì làm cho qua thời gian. Thế là tôi thong thả ăn sáng. Tôi đánh răng, cạo râu. Rồi trước khi thay quần áo, thấy vẫn còn sớm nên tôi quyết định dọn dẹp phòng mình một chút.

Tôi bật đài, tìm một kênh nhạc Ý không bị chen nhiều quảng cáo quá và bắt đầu dọn.

Tôi nhặt báo cũ, những tờ ghi chép không dùng đến nữa, những thứ đầu thừa đuôi thẹo nằm tận đáy ngăn kéo bàn, hai cái dép cũ nằm dưới giường không biết tự đời thuở nào, rồi cho tất cả vào hai túi rác lớn. Tôi dọn lại sách trên giá, treo lại một bức tranh của Magritte Vương quốc ánh sáng - còng queo từ tận mấy tháng nay trên miếng băng dính duy nhất lỏng lẻo còn lại. Tôi thậm chí còn lấy một miếng vải ẩm lau bụi, cách dọn dẹp tôi học được từ bé khi bố mẹ trả công cho tôi để tôi giúp làm việc nhà.

Cuối cùng sau khi đã tắm và thay quần áo, tôi ra thẳng chỗ để điện thoại nhấc máy gọi mà không hề suy nghĩ gì nữa.

Lại một cuộc nói chuyện không hề rào trước đón sau. Một cuộc trao đổi thẳng toẹt. Tôi muốn đến chỗ cô ấy ngay à? Ừ. Nếu như cô ấy chỉ đường đến nhà cho tôi. Nhìn số điện thoại thì có vẻ cô ấy sống ở khu ngoại ô hướng đi Carbonara. Khi cô ấy tả thì quả là tôi không nhầm. Cô sống ở gần câu lạc bộ tennis Bari, khoảng một hai cây số trước khi tới Carbonara. Khu biệt thự nhà giàu. Đúng quá rồi.

Khi tôi ra khỏi nhà mưa vẫn đang trút xuống từ bầu trời xám xịt nặng nề. Vừa chui lên xe tôi vừa tính chắc phải mất hơn nửa tiếng mới thoát ra khỏi trung tâm thành phố. Đó là một trong những ngày giao thông kinh khủng nhất. Thường thì chuyện ấy hẳn đã làm tôi sốt ruột lắm, nhưng lần này tôi lại thấy thư giãn với ý nghĩ sẽ ngồi trên xe thật lâu, thậm chí tắc cứng một chỗ, nghe nhạc từ đúng cái kênh tôi đã nghe từ nhà và chẳng nghĩ ngợi gì cả. Không làm gì trong cái khoảng thời gian trôi nổi ấy.

Thế là tôi từ từ băng qua thành phố. Giữa dòng xe xếp hàng đôi và những hố ngập nước như ở thế giới thứ ba, giữa những con người trông mụ mị mặc áo cộc tay cầm ô đen, cảnh sát giao thông khoác áo mưa. Tôi nghe đài và lắc lư theo nhịp di chuyển thôi miên của cái cần gạt đang gạt tung những giọt nước dày đặc trên kính xe. Đến một lúc tôi nhận ra đầu mình đang lắc lư vô thức theo mấy cái cần gạt ấy. Khi đến được khu lân cận câu lạc bộ tennis, tôi không nhớ nổi mình đã đi bằng đường nào nữa.

Khu vườn quanh biệt thự được bao bởi bức tường gạch đỏ cao phải hơn hai mét. Phía trên là hàng giậu tuyết tùng, lá ánh lên giữa màu lục đậm và ngọc lam. Không gian còn lại chỉ toàn màu đen và trắng. Tôi xuống xe, bấm chuông hai lần rồi trở lại xe mà không chờ trả lời. Trong giây phút ấy tôi thầm nghĩ mình chuyển động như thể đã được lập trình, không hề có cử chỉ nào là do tôi tự quyết cả.

Cánh cửa tự động đột nhiên mở ra, không gây một tiếng động nào. Như trong giấc mơ nào đó.

Tôi chầm chậm tiến lên lối xe chạy, xa xa cuối đường thấp thoáng một căn biệt thự hai tầng, và đột nhiên tôi thấy trào lên nỗi bất an, đến từ một cảm giác siêu thực mãnh liệt trộn với thôi thúc chạy trốn.

Tất cả đều không thực và rất lạ. Xe chạy chầm chậm trên con đường trồng hai rặng thông rất cao, tôi nghĩ đến việc quay xe lại chạy trốn, nhưng rồi nhìn vào gương hậu thì cánh cổng chính đang khép lại, không một tiếng động như lúc nó mở ra.

Xe tiến lên trước. Tự nó đi. Đến tận căn biệt thự.

Có một cánh cổng vòm, Maria đang đứng bên dưới, ngón tay chỉ tôi sang bên phải. Lúc đầu tôi không hiểu, tôi nghĩ cô đang chỉ cho tôi đường trốn. Có lẽ có vấn đề gì đột xuất - ông chồng chăng? - và tôi phải trốn ra góc nào đấy. Trong vài giây tôi thấy vừa sợ hãi vừa nhẹ nhõm.

Rồi tôi hiểu ra cô đang chỉ cho tôi biết phải đỗ xe ở đâu. Có một mái che phủ cây leo, tôi đỗ xe dưới đó bên cạnh một chiếc Lancia có vẻ bị bỏ mặc ở đấy không biết bao lâu rồi. Có cả một chiếc xe nhỏ tối màu, tôi nghĩ chắc là xe của Maria. Rồi tôi đi xuyên qua khoảng sân giữa chỗ để xe tới cánh cửa vòm, cảm giác cử động của mình rất chậm, trong khi mưa tuôn xối xả lên người.

Cô bảo “Chào, vào đi,” rồi quay ngay vào nhà trong khi tôi vẫn còn đang đáp lời. Bên trong tất cả đều quá ngăn nắp, có mùi của một loại nước thơm nào đấy chuyên để lau chùi.

Chúng tôi uống nước quả trong bếp và nói chuyện một chút. Điều duy nhất tôi nhớ là buổi sáng cô ấy không thích có người trong nhà nên bà dọn dẹp sau bữa trưa mới tới. Đến lúc ấy thì tôi đã đi rồi.

Cô áp môi lên môi tôi khi vẫn đang ở trong bếp. Lưỡi cô cứng, dày và khô. Tôi ngửi thấy mùi nước hoa của cô, xức trên cổ có lẽ vài phút trước khi tôi đến. Quá đậm, và quá ngọt.

Tôi không nhớ lối vào phòng ngủ, căn phòng chắc không phải của cô ấy cũng chẳng phải của chồng. Có lẽ phòng cho khách. Hoặc để dành cho các cuộc làm tình giấu giếm. Sạch sẽ, cực kỳ ngăn nắp, hai chiếc giường đơn đặt cạnh nhau, cái tủ bằng gỗ sáng màu, cửa sổ mở ra vườn. Có thể nhìn thấy hai cây cọ và phía sau đấy là bờ giậu.

Căn nhà yên tĩnh, chỉ có tiếng mưa tí tách từ ngoài vọng vào. Không hề nghe thấy tiếng xe cộ hay tiếng người. Không có âm thanh gì. Chỉ tiếng mưa.

Maria có thân hình thon và cơ bắp. Kết quả của hàng giờ luyện ở phòng tập. Aerobic, thể hình, và không biết những gì gì nữa.

Nhưng đến một lúc khi tôi nằm ngửa và cô ấy ở phía trên, tôi nhìn thấy những vết rạn trên ngực cô ấy. Hình ảnh của giây phút đó - bầu vú già nua trên một thân hình thể thao - in lại trong trí nhớ tôi như một bức ảnh rõ nét.

Buồn và không tài nào gột sạch nổi.

Trong khi thân hình cô ấy dính chặt vào tôi, dịch chuyển thành thạo cũng như tôi đang dịch chuyển - như trong một bài thể dục - cái mùi nước hoa quá ngọt ấy sực vào mũi tôi, cùng với vài mùi nữa, đỡ giả tạo hơn nhưng cũng lạ như thế.

Khi chúng tôi sắp lên đỉnh cô ấy gọi tôi là anh yêu. Một lần. Hai lần. Ba lần.

Nhiều lần. Càng lúc càng nhanh hơn. Như trong cái trò trẻ con lặp đi lặp lại một từ cho đến khi đầu óc mê đi và quên mất nghĩa của từ ấy.

Yêu.

Sau đó tôi thèm châm một điếu thuốc nhưng không dám. Cô ấy bảo ghét mùi thuốc. Thế nên tôi nằm yên thẳng cẳng, trần truồng trong khi cô nói chuyện. Cũng trần truồng nằm thẳng cạnh tôi. Thỉnh thoảng cô ấy lùa tay vào giữa hai đùi, như cử chỉ của người đang xát xà phòng.

Cô ấy nói, còn tôi nhìn trần nhà, mưa vẫn tiếp tục rơi và thời gian như ngừng lại.

Tôi không nhớ tí gì lúc tôi mặc lại quần áo, lần lượt làm ngược lại cái chu trình đã đưa chúng tôi vào đến cái phòng dành cho khách ấy, cũng chẳng nhớ lúc chúng tôi hẹn hò gặp lại hay lúc chào tạm biệt. Một vài hình ảnh của cái buổi sáng hôm ấy còn rất rõ. Nhưng những hình ảnh khác thì biến mất. Ngay lập tức.

Khi tôi đi trời vẫn còn mưa.