Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 14 - 15

Mười bốn

Cho đến ngày thứ Ba tháng Sáu ấy ký ức của tôi vẫn ghi theo trình tự thời gian. Sau đó, các sự việc đột nhiên tăng tốc trong một nhịp điệu lệch lạc và không thực. Có rất nhiều cảnh, vài cảnh có màu, vài cảnh chỉ đen trắng; thường là cảnh câm như trong các giấc mơ; đôi khi lại kèm theo một âm thanh kỳ quái không hợp.

Những cảnh ấy tôi chỉ luôn thấy được từ bên ngoài, như một khán giả.

Trong những năm tháng sau, nhiều lần tôi cố thử quay ngược tâm trí mình sống lại những chuyện tôi đã sống qua. Tôi cố nhìn lại những cảnh ấy từ cách nhìn mà tôi có hồi nó xảy ra nhưng không lần nào làm nổi.

Kể cả bây giờ, khi viết lại, tôi vẫn cố, nhưng chỉ cần hơi cảm thấy được nó thì dường như lại có một cay súng cao su bắn văng tôi ra và khiến tôi mất hết mọi liên tưởng. Rồi khi hình ảnh quay lại rõ nét trong tôi thì tôi lại là khán giả. Khán giả ở một chỗ ngồi khác, góc nhìn khác, khi gần hơn khi lại xa hơn. Có những khi đáng sợ hơn nữa là nhìn từ trên cao xuống.P

Nhưng vẫn chỉ là khán giả.

Tôi gặp Maria khá thường xuyên. Hầu như là vào buổi sáng nhưng thỉnh thoảng vào tối khuya. Căn nhà lúc nào cũng yên lặng và cực kỳ sạch sẽ. Khi ra về tôi có cái cảm giác hơi buồn nôn và để làm nó trôi đi tôi tự nhủ với mình đây sẽ là lần cuối.

Để rồi vài ngày sau đó lại gọi điện cho cô.

Tôi không nhớ lần nói chuyện nào với bố mẹ tôi. Tôi tránh gặp bố mẹ, khi nào lỡ gặp thì tôi tránh không nhìn.

Tối tôi về khuya, sáng tôi nằm nán lại giường đến thật muộn. Rồi đi chơi, ra biển hoặc đến nhà Maria, hay đơn giản là phóng xe quanh thành phố, bật điều hòa và mở nhạc to hết cỡ. Chiều muộn tôi mới về, tắm rửa, thay quần áo, rồi lại đi, cho đến tận khuya.

Tôi nhớ rõ nhiều cảnh các ván poker, cả trước lẫn sau chuyến đi Tây Ban Nha.

Các ván bài trong những căn phòng có điều hòa dày đặc khói, trên sân thượng, trong vườn ngôi nhà nào đấy bên bờ biển. Một lần trên thuyền nữa.

Và một lần trong khu vui chơi. Tức là một sòng bạc trá hình. Lần ấy tôi sẽ không bao giờ quên.

Francesco thường không bao giờ chịu chơi ở các sòng bạc. Cậu vẫn bảo ở đó nguy hiểm, phải chịu những rủi ro không đáng. Sòng bạc trong các khu vui chơi thường là một môi trường kín, khá giống một thế giới riêng của bọn nghiện. Ai cũng biết ai. Với nhịp chơi của bọn tôi, bốn năm hay thậm chí là sáu lần một tháng, mọi người sẽ nhận ra ngay. Rằng tôi hầu như lần nào cũng thắng, rồi sẽ nhận ra chúng tôi chuyên chơi với nhau. Rồi đến lúc sẽ có người để ý thấy tôi thắng những ván rất to khi đến lượt Francesco chia bài.

Thế nên bọn tôi chơi ở những chỗ khác, nhờ vào khả năng không thể tin nổi mà Francesco có trong chuyện tìm kiếm những chiếu bạc và những tay chơi mới, thường là ở ngoài Bari. Hầu như toàn là những tay không chuyên, và chúng tôi chỉ gặp lại họ nhiều nhất là một lần, cho họ gỡ lại.

Tôi chưa bao giờ hiểu nổi làm thế nào Francesco sắp xếp được nhiều chiếu bạc đến thế, với nhiều người như thế, mà không mấy ai biết nhau.

Tuy nhiên sau vài tháng thì bạn chơi của chúng tôi cũng thay đổi hẳn. Ban đầu hầu như chúng tôi toàn đánh với dân có tiền, rất nhiều tiền. Những người mà thua năm, sáu hay mười triệu ở bàn poker chỉ làm họ bực mình nhưng không đến nỗi thành bi kịch cá nhân hay gia đình. Rồi theo thời gian loại người như thế ngày càng ít đi, và bắt đầu có những kiểu người khác. Theo thời gian, chiếu bạc của chúng tôi bắt đầu xuất hiện càng ngày càng đông những nhân viên quèn, vài sinh viên như chúng tôi, công nhân, thậm chí người về hưu. Đôi khi là những người chỉ hơn dân nghèo một tí. Họ cũng thua to như bọn giàu có, nhưng với họ thì chuyện không đơn giản như thế.

Mọi chuyện diễn ra không như chúng tôi thỏa thuận ban đầu, mỗi kỳ lại như một cú tụt xuống dần.

Tôi không muốn biết nó đang tụt xuống đâu.

Gã hói ngồi ở lối vào khu vui chơi mặc áo gi lê vai có hai chỏm lông đen. Tôi bảo gã mình cần gặp Nicola. Tôi chẳng biết Nicola là ai, nhưng Francesco bảo tôi cứ làm thế. Gã hỏi đảo mắt nhìn xung quanh rồi hất đầu vào bên trong. Tôi đi xuyên qua một căn phòng lớn mà dàn điều hòa cũ kỹ kêu ầm ầm không thể làm mát được hết. Tôi thấy hàng chục máy chơi điện tử có vẻ ngoài rất vô tội: chiến tranh giữa các vì sao, đua ô tô, bắn súng và các trò đại loại. Tối hôm ấy có ít người chơi ở các máy. Tất cả bọn họ đều là người lớn, vừa băng qua phòng tôi vừa lơ đãng tự hỏi không biết họ chơi cái trò gì. Francesco từng giải thích với tôi là rất nhiều trong số các máy chơi ấy được gắn một thiết bị điều khiển từ xa hoặc đơn giản là một công tắc để có thể biến chúng thành các cỗ máy chơi poker chết người. Khi có khách hàng nào muốn chơi một ván, họ sẽ hỏi người quản lý. Nếu là khách lạ người quản lý sẽ trả lời thô bạo là không có máy chơi poker gì ở khu vui chơi này cả. Đề phòng trường hợp khách là cảnh sát hoặc quân cảnh. Còn nếu là khách quen hoặc có người giới thiệu đến, người quản lý sẽ dùng điều khiển từ xa hoặc bật công tắc để chuyển đổi cỗ máy. Có những kẻ mất cả triệu bạc sau hàng giờ chơi, cứ mỗi ván vài nghìn. Nếu máy không nhận được tín hiệu nào trong mười lăm giây, màn hình sẽ tự động quay lại thành một trò điện tử hợp pháp, vô hại. Và tay cảnh sát nào đến kiểm tra vì nhận được thư tố cáo từ một bà vợ đang tuyệt vọng hay vì một lý do nào đó sẽ chỉ nhìn thấy những màn hình như thế.

Từ phòng chơi điện tử có thể đi sang một phòng khác nhỏ hơn bày ba bàn chơi bi a. Không có ai chơi cả, điều hòa mát hơn, và có một tay hỏi tôi tìm ai. Tôi vẫn đang tìm Nicola thôi.

Tay đó bảo tôi đứng nguyên đấy đợi. Hắn đến một cánh cửa kim loại ở cuối phòng, nói gì đó vào loa nội bộ mà tôi không nghe được. Không đến một phút sau Francesco ló mặt sang ra hiệu cho tôi vào. Chúng tôi đi qua một hành lang được một bóng đèn treo toòng teng chiếu sáng lờ mờ, đi xuống một cầu thang hẹp dốc và đến đích: một căn hầm trần thấp, có sáu bảy cái bàn tròn màu xanh đã kín hết người, chỉ còn một cái duy nhất. Ở cuối hầm, đối diện với cửa vào có một quầy bar. Đứng sau quầy là một ông già có vẻ hom hem ác ác.

Ở đó điều hòa chạy tốt. Tốt quá là đằng khác, vào đến nơi tôi nổi da gà vì lạnh. Có cái mùi lưu cữu của những nơi người ta hút thuốc quá nhiều mà không khí lại chỉ được lọc nhờ máy điều hòa. Trên mỗi bàn treo một chùm đèn màu lục như cố mang đến cái sòng bạc ngoại ô này vẻ chuyên nghiệp. Tất cả những nét đó khiến nơi này mang cái vẻ tồi tàn và không thực. Căn hầm tranh tối tranh sáng, đèn chớp màu vàng, những dải khói u ám hình xoáy trôn ốc và những con người ngồi giạng háng giữa luồng sáng và bóng tối ở đó.

Chúng tôi ra quầy bar và Francesco giới thiệu tôi với lão già và hai người sẽ chơi cùng chúng tôi. Vẫn phải chờ thêm một người nữa, tối đó chúng tôi chơi năm người. Trong khi chờ, Francesco giải thích cho tôi luật chơi ở đó.

Để có một bàn chơi phải trả nửa triệu cho chủ sới bạc. Vì có năm người nên mỗi chúng tôi sẽ trả một trăm nghìn lia. Đổi lại chúng tôi sẽ được một bộ bài mới, phỉnh và một tách cà phê. Cũng như được chơi đến tận sáng hôm sau. Nếu uống thêm cà phê, hoặc uống rượu, hút thuốc thì sẽ phải trả thêm. Đặt cửa ban đầu là năm trăm nghìn, đến cuối ván thắng bao nhiêu sẽ phải chia cho chủ sới năm phần trăm. Tất nhiên người phải trả là người thắng.

Tay chơi thứ năm đến sau đó vài phút. Ông ta vừa xin lỗi lấy xin lỗi để vừa thở dốc nặng nhọc và lau mặt bằng một cái khăn tay trắng trông rất cổ lỗ. Mọi thứ ở ông ta trông đều lạc lõng. Sơ mi trắng với kiểu cổ áo có lẽ từ ba mươi năm trước. Mái tóc muối tiêu để hơi dài, ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái vàng đi vì chất nicotin.

Đôi mắt sau cặp kính gọng đen dày cộp mang một vẻ dịu dàng kỳ lạ xen lẫn với những tia nhìn bồn chồn. Ông ta vừa mới cạo râu xong, cái mùi nước hoa bôi sau khi cạo râu khiến tôi chợt hồi tưởng về tuổi thơ xa lắc của mình. Mùi hương có lẽ ngửi từ ông tôi, hoặc bác tôi, hay là một người nào đó đã lớn lắm hồi tôi bé tí. Một điều gì đó đến từ dĩ vãng.

Chính ông ta cũng có vẻ như một người bước ra từ dĩ vãng xa xôi, từ một bộ phim thể loại tiền hiện thực hay từ một bản tin ti vi đen trắng cũ.

Ông ta là luật sư, hay chí ít thì đấy cũng là cái nghề mà người ta giới thiệu về ông. Họ của ông ta tôi không nhớ, tất cả đều gọi ông ta là ông luật sư hoặc gọi bằng tên: Gino. Luật sư Gino.

Chúng tôi ngồi vào bàn, cà phê, phỉnh và bài được mang ra. Khi tôi định rút ví trả tiền thuê bàn thì Francesco chặn tôi lại bằng ánh mắt và kiểu lắc đầu nhẹ đến mức gần như không thể nhận ra. Chỗ này không phải loại trả tiền đặt trước. Những tay quản lý ở đây, dù là ai đi nữa, không thiếu cách để phải lo khách hàng giở trò gì.

Chúng tôi chơi giờ này sang giờ khác, chắc chắn là lâu hơn bình thường. Khi hồi tưởng lại cảnh ấy tôi thấy một đám sương mù làm bằng khói thuốc, ánh sáng nhân tạo và những quầng tối. Từ đám sương mù ấy chỉ có gương mặt của luật sư Gino nổi lên, với rất nhiều cử chỉ được chụp lại hết cảnh này sang cảnh khác. Tôi không nhớ tên và mặt của những người chơi khác. Có lẽ ngay hôm sau gặp lại ngoài đường tôi cũng không nhận ra họ nữa.

Cả tối chơi bài tôi chỉ nhìn người đàn ông ngoại ngũ tuần ấy, hơi thở khó nhọc của ông ta, điếu thuốc luôn cháy đỏ của ông ta - ông ta hút thuốc MS loại mạnh nhất - và cái vẻ bồn chồn không yên của ông ta. Tôi cứ bị ông ta hút lấy một cách ám ảnh không hiểu nổi.

Tôi lại để ý đến chuyện ông ta vừa cạo râu, tôi nghĩ chắc ông ta cạo để đi đánh bài tối nay. Trong cái căn hầm bẩn thỉu đầy khói ấy, với những tay lưu manh lừa đảo đủ loại, trong đó có cả tôi.

Rồi tôi chợt nghĩ ông ta chắc trạc tuổi bố tôi, và thế là tôi thấy lúng túng hẳn.

Mỗi khi thua một ván khóe môi trái của ông ta lại giật nhẹ trong giây lát. Nhưng chỉ một lát sau ông ta lại vội vã mỉm cười như muốn bảo, “Các cậu đừng lo cho tôi, thật đấy, không phải lo lắng tí gì cho tôi đâu. Một ván thua thì có làm sao nào!”

Ông ta thua nhiều ván. Lần thách cửa nào ông ta cũng nhận, cái cách chơi của ông ta vừa máy móc lại vừa điên loạn, tựa như ông ta chẳng bận tâm lắm đến số tiền thua dưới dạng mấy cái phỉnh bẩn thỉu đặt trên bàn kia. Mà có lẽ thế thật, có lẽ ông ta ngồi đấy chơi không phải vì tiền mà vì cái gì khác.

Nhưng lại có một vẻ xúc động gần như bệnh hoạn trong cái cách ông ta bình tĩnh đặt phỉnh vào cửa, và rồi hầu như không bao giờ lấy lại được ở cuối ván.

Dù không có hai thằng bọn tôi ở đấy ông ta cũng sẽ thua.

Chúng tôi chơi đến bốn giờ sáng hôm ấy. Khi đứng dậy những bàn bên cạnh đều đã trống trơn, đèn tắt gần hết, trong không gian chỉ còn một đám khói mù xám vàng vọt u uẩn.

Tôi lại thắng như thường, một trong hai tay chơi kia cũng thắng dù ít hơn tôi rất nhiều, về sau Francesco giải thích với tôi tay đấy thuộc loại không nên gây chuyện, và tốt nhất là không nên khiến hắn nổi cơn. Vì thế cậu để hắn thắng. Theo cái quy tắc vẫn luôn tuân thủ là mọi thứ diễn ra trôi chảy, không để lại bất cứ nghi ngờ gì.

Những người khác, kể cả Francesco, đều thua. Thua nhiều nhất là luật sư Gino. Ông ta châm điếu thuốc khác, rút ra từ bao thuốc nhàu nhĩ đã gần rỗng không và bảo nếu tôi không phiền thì ông ta sẽ trả bằng séc vì tất nhiên ông ta không mang theo từng ấy tiền mặt. Nếu tôi không phiền thì ông ta sẽ ghi séc lùi ngày một chút. Không phải lo lắng gì đâu, chỉ là ông ấy đang chờ một khách hàng thanh toán. Chỉ hai, ba ngày thôi. Nhưng để chắc chắn thì ông ta sẽ ghi chậm hẳn một tuần, nếu tôi không phiền. Tôi bảo không sao, và tự dưng tôi cố tránh nhìn Francesco dù không hiểu vì sao nữa.

Chúng tôi trả tiền cho lão già, Francesco rút tiền mặt trả cái tay vô danh không nên gây sự, mấy đồng bạc chuyển qua chuyển lại như thế, và cuối cùng tôi còn lại trong tay một tấm séc trả chậm ký bởi một nét chữ bồn chồn nhưng tao nhã. Của lớp quý tộc, tôi nghĩ thế. Dù điều đó ngược hẳn với cái vẻ tàn tạ của ông ta. Như thể đấy là dấu vết cuối cùng của một con người khác trước đây đã từng tồn tại. Đâu đó trong quá khứ.

Mười lăm

Vài hôm sau, đến cái ngày ghi trên séc của luật sư Gino, chúng tôi cùng tới ngân hàng để rút tiền chia nhau. Như mọi khi.

Nhân viên ngân hàng làm những thủ tục kiểm tra thông thường, rồi bảo anh ta rất tiếc nhưng tài khoản này đang bị âm vì thế không đủ để thanh toán séc. Chuyện này chưa từng xảy ra và ngớ ngẩn thay, tôi có cảm giác mình đã bị bắt quả tang. Giờ thì nhân viên ngân hàng sẽ hỏi làm sao tôi lại có được tấm séc ấy, rồi sẽ căn vặn tôi các chuyện khác và sẽ phát hiện ra vẻ tội lỗi của tôi rồi lật tẩy tôi. Tôi cứ im bặt, vài giây thôi nhưng sao dài khủng khiếp. Tôi không biết phải nói gì, tôi chỉ mong mình không có ở đấy, chưa từng đến đấy.

Rồi tôi nghe thấy giọng Francesco đang đứng ngay sau lưng tôi, bảo nhân viên nhân hàng làm ơn đưa lại tờ séc cho chúng tôi vì chắc chắn có nhầm lẫn gì đấy với khách hàng. Cậu ấy nói rõ ràng: “Chắc chắn có hiểu nhầm gì đấy với khách hàng. Chuyện như thế vẫn hay xảy ra. Chúng tôi sẽ tự giải quyết, không cần phải nghiêm trọng hóa vấn đề, khiếu nại hay gì gì. Cảm ơn, chúc anh một ngày vui vẻ.”

Một lát sau chúng tôi đã ra ngoài ngân hàng, trong cái nóng thiêu đốt của mùa hè Bari.

“Thằng chó. Tớ đã biết thế mà.” Từ khi quen biết Francesco đến giờ đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu có vẻ giận dữ. Giận thật sự.

“Lỗi của tớ. Lẽ ra mình không nên chơi ở mấy khu ấy, và không được chơi với mấy lão ấy. Chó chết.”

“Lão nào?”

“Bọn nghiện bạc. Bọn chơi bệnh hoạn. Bọn nghiện cái bàn xanh lục. Như lão ấy. Đúng như thế.”

Từ ngữ và giọng nói của Francesco ẩn chứa cả sự coi thường và bạo lực. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy đó là chuyện tất nhiên.

“Cậu thấy lão ta đánh thế nào đấy chứ?” Cậu ngừng lời, nhưng tất nhiên không phải để nghe câu trả lời của tôi. Mà thực ra tôi cũng chẳng nói gì cả.

“Loại người như lão đánh bạc chẳng khác nào hít heroin. Bọn đấy nghiện cả. Cậu không thể tin bọn họ cũng như không thể tin bọn nghiện. Bọn đấy ăn cắp của bố, của mẹ, của vợ. Ăn cắp cả của con mình miễn là được đến ngồi bên chiếu bạc thêm một lần. Hỏi vay tiền bạn bè rồi không trả. Cứ nghĩ là mình đánh được, nghe bọn ấy nói thì có vẻ như chúng biết cả đống phương cách khoa học bất khả chiến bại để luôn được bạc, nhưng khi ngồi xuống chiếu bạc thì lại đánh như mấy thằng điên. Mà càng thua lại càng muốn quay lại chơi tiếp. Lúc nào cũng thèm chơi nữa. Bọn đó cần chơi, vì chỉ khi chơi bạc chúng mới cảm thấy mình đang sống. Bọn hèn mạt. Hèn mạt cả lũ. Không có loại người nào bất tín hơn bọn đó. Thế mà tớ lại ngồi vào cùng bàn với lão, tớ đã biết trước mà. Lỗi của tớ.”

Francesco cứ thế nói tiếp nhưng tôi không để ý nữa. Giọng cậu trở thành một âm thanh nền trong khi tôi lờ mờ nhận ra lý do thực sự của cơn giận ấy. Trong một khoảnh khắc, hay lâu hơn tôi cũng không biết nữa, tôi cảm giác mình đang nhìn ra cái lý do ẩn dưới những điều cậu đang nói.

Rồi cảm giác ấy tan biến, nhanh như khi nó đến.

Rất nhiều năm sau tôi có đọc được rằng chơi bạc kiểu bệnh hoạn là một cách cố kiểm soát những điều không kiểm soát nổi, nó tạo cho người chơi cái ảo giác đang làm chủ chính số phận mình. Và tôi nhớ lại - rất rõ ràng - cảm giác tôi có sáng hôm ấy.

Francesco thù hận đến thế với luật sư Gino chẳng qua vì ông già tội nghiệp ấy chính là đồng dạng với cậu. Ông ta là cái gương phản chiếu chính Francesco. Cậu không chịu đựng được việc nhìn vào cái gương đó, thế nên cậu cố tìm cách đạp vỡ nó, nghĩ rằng như thế sẽ đập tan được cả nỗi sợ hãi của mình.

Cả hai đều có cùng cơn sốt bệnh hoạn trong tâm hồn. Cả Francesco, khi chi phối các quân bài - và chi phối cả con người nữa - vẫn chạy theo ảo vọng chế ngự được số phận.

Cả hai, bằng hai cách khác nhau, đều đang đi trên rìa của cùng một bờ vực thẳm.

Tôi thì đang theo họ. Rất sát.

Hai chúng tôi đến ngồi dưới bóng ô của một quán bar ngoài trời giữa những tòa nhà lớn xây theo kiến trúc thời Phát xít dọc bờ biển, gần Bảo tàng Nghệ thuật Bari.

Francesco bảo chúng tôi buộc phải đòi được số tiền ấy. Tối hôm đó cậu đã trả ngay tiền thua bạc. Cậu đã chấp nhận thua cái tay nguy hiểm mà tôi không còn nhớ mặt mũi ra sao, cốt để tránh bị nghi ngờ tính trung thực trong lần chơi ấy. Rồi lại còn tiền bàn trả cho chủ sới, phần trăm tiền thắng mà tôi đã cho tay quản lý vân vân và vân vân.

Điều trước tiên chúng tôi phải làm là lấy lại số tiền ấy. Bằng cách này hay cách khác, cậu nói với cái giọng thản nhiên như người ta đang bàn về thu chi của công ty. Nhưng gương mặt thì lại có vẻ khác, một vẻ tôi không thích. Không thích tí nào.

Tôi có linh cảm chuyện không hay sắp xảy ra. Cái linh cảm khi một chuyện chẳng tốt đẹp gì đang kề cận. Cảm giác mình đang ở gần cái điểm một đi không trở lại. Thế nên tôi yếu ớt bảo hay thôi bỏ qua cho cái lão khốn khổ ấy. Số tiền ấy có đến nỗi không thể thiếu được đâu, chúng tôi đang có nhiều tiền hơn số mình cần, thôi thì chia đôi số thiệt hại rồi đóng sổ chuyện này.

Nhưng cậu ấy không thích thế.

Cậu ấy ngồi im một lúc, mặt căng ra như khi người ta cố kìm cơn giận. Rồi cậu cất tiếng mà không thèm nhìn tôi, tiếng cậu ấy nhỏ, gằn xuống. Giọng cậu ấy lạnh, cái giọng lạnh lùng cứng nhắc như khi nói chuyện với một tên hạ cấp không biết điều ngồi yên chỗ của mình. Tôi đỏ cả mặt, nhưng có vẻ cậu không để ý.

Đây không phải chuyện tiền nong. Không chỉ là chuyện tiền nong. Chúng tôi không thể bỏ qua, không lấy tiền được bạc. Như thế sẽ gây ra nghi ngờ, rồi chuyện sẽ truyền đi bằng cách này hay cách khác và như thế sẽ bắt đầu cho sự kết thúc của chúng tôi. Phải lấy lại chỗ nợ ấy. Tất cả chỗ nợ ấy.

Tôi không hỏi những câu có vẻ như hiển nhiên. Chẳng hạn làm thế nào mà chuyện lại lan ra được, nếu như chỉ có ông kia biết. Mà ông ta thì chắc chắn là không đi khoe khoang chuyện mình đã trả tiền thua bạc bằng một tờ séc khống rồi.

Tôi không đáp lại chỉ vì muốn cậu bỏ cái giọng ấy đi. Tôi không muốn cậu nổi giận với tôi, không muốn cậu mất tin tưởng ở tôi.

Thế là tôi tự nhủ rằng chúng tôi không còn lựa chọn nào. Cậu ấy có lý. Chúng tôi không thể bỏ qua một chuyện như thế, rủi ro quá không chấp nhận được. Chúng tôi phải lấy lại số tiền ấy vì, tôi tự nhủ, nếu không thì hai đứa sẽ đi tong. Tôi cứ hoang mang tự nhủ rất nhiều như thế, để thuyết phục mình.

Khi tự nói với mình những điều ấy, tôi thấy đỡ lúng túng hơn. Dần dần khi thấy có thêm những lý do để ủng hộ Francesco, sự căng thẳng của tôi tan dần thành một niềm tin giả tạo ngu xuẩn, nhưng yên lòng, rằng không có lựa chọn nào khác.

Thế rồi cuối cùng tôi gật đầu với cái vẻ cương quyết và giọng dân làm ăn bị dân làm ăn khác thuyết phục làm một việc không thích thú gì nhưng cần thiết.

Bởi vì rõ ràng, rất rõ là đằng khác, số tiền ấy chúng tôi sẽ không lấy bằng cách năn nỉ xin lại.