Ngọ Dạ Lan Hoa - Chương 08 phần 4

- Người liên lạc là người thế nào?

- Người liên lạc có nghĩa là nói người đó ở Trung thổ đã có một liên lạc rất trọng yếu, trong giang hồ địa vị cũng rất quan trọng, nhưng trong bóng tối, y có một liên hệ thần bí ám muội với một quốc gia khác.

Cách Cách Chân Dài chớp chớp mắt, làm như không hiểu.

... Mắt của cô vô cùng trong suốt, vô cùng tuyệt đẹp, không những vậy màu sắc còn gần giống như phỉ thúy, rất là trân kỳ mà cao quý.

... Nhưng một người đàn bà có thân hình như cô, cặp đùi dài như cô, còn ai đi chú ý đến cặp mắt của cô?

Nhà sư khổ hạnh lại giải thích.

... Hình như y thật tình tin rằng cô không hiểu, vì vậy y lại giải thích, đợi cho đến khi nào cô hiểu rồi mới ngừng, nhưng lại có vẻ như y vốn không sợ đợi chờ gì cả, bởi vì thời gian đã là sở hữu của y.

Chỉ có kẻ thắng mới làm chủ được thời gian, đối với kẻ bại mà nói, thời gian vĩnh viễn là thứ độc tố trí mạng nhất.

- Cô thông đồng với một người liên lạc phi thường trọng yếu, cô biết con người của ta rất có liên quan trọng yếu với ba chuyện cô muốn làm.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Cái điểm trọng yếu nhất, cũng chẳng phải là ta, mà là cái tổ chức này của ta.

- Tổ chức?

- Đúng vậy, tổ chức.

- Tổ chức gì?

Cách Cách Chân Dài hỏi:

- Hai chữ tổ chức rốt cuộc có nghĩa gì vậy?

Nhà sư khổ hạnh nhìn cô chăm chú một hồi, rồi bỗng lấy một cuộn giấy từ trong một chỗ bí mật dưới bàn ra.

Một cuộn giấy màu phấn hồng.

Cuộn giấy này có tài liệu về ba người, ba người đàn bà, thần bí như nhau, đẹp như nhau, có quan hệ vô cùng mật thiết như nhau với chiến dịch lần này.

Người đầu tiên chính là...

Tên họ là Lang Cách Ty.

Biệt hiệu là Lang Lai Cách Cách.

Nữ, hai mươi lăm tuổi, lai người Ba Tư, chưa có chồng.

Cha: Lang Ba, thương gia Ba Tư, qua lại ty lộ buôn bán, vào quan ba mươi năm sau giàu có vô cùng, nghe nói có năm buôn bán lời đến hai ngàn bảy trăm lượng vàng.

(Chú: Món vàng này, đến nay không biết ở dâu, cũng không thấy ra khỏi Trung thổ bao giờ)

Mẹ: Hoa Phụng Lai, người Tô Châu, danh kỹ ở Giang Nam, thân hình rất cao, tinh thâm nội công, nổi danh “Bạch Bố Yêu Đái”.

(Chú: Bạch Bố Yêu Đái, ý nói là toàn thân bà ta mềm mại như không có xương, có thể giống như giải thắt lưng, quấn chung quanh người mình)...

Người viết tài liệu này, đối với cách dùng văn tuy không lấy gì làm cao minh, nhưng có một cái thú vị riêng, có thể làm đàn ông đọc mỉm cười trong bụng.

Nhưng nhìn ánh mắt của vị cô nương chân dài kia, lại là một chuyện khác.

Gương mặt cô đã xanh lè ra, nhưng cô vẫn còn muốn đọc tiếp.

Lang Cách Ty lúc lên ba tuổi bèn được cha đem về lại Ba Tư.

Lang Ba về nước rồi, dâng lên đồ trân bảo ngoạn vật ở Trung thổ, bảy mươi hai thứ, được thái quân sủng, ra vào cung đình, Lang Cách Ty mười một tuổi, làm nghĩa nữ dưới gối của ái phi của thái quân Ba Tư.

Cùng năm đó, Hoa Sơn kiếm phái của Trung thổ do vấn đề tranh chấp môn hộ đánh nhau một trận đẫm máu, Thanh Cô là một trong ba tay đại cao thủ phẫn hận quá bỏ môn phái, đem nữ đồ bốn người qua Ba Tư, cũng được ái phi của thái quân lấy lễ mời lại, vào trong cung làm nữ quan.

Cùng năm đó, Lang Cách Ty bái Thanh Cô làm thầy, tập luyện kiếm pháp Hoa Sơn, bởi tay chân dài, phản ứng cực nhanh, vì vậy học kiếm lại càng tiến triển.

(Chú: Lang Cách Ty trưởng thành rất sớm, không giống con gái xứ Trung thổ) Cô gái chân dài đỏ mặt lên.

Cô không sợ lõa thể đối diện với người đàn ông nào, bởi vì cô vốn chẳng màng gì đến họ.

Nhưng cô phát giác ra đời tư của mình bị người ta biết nhiều như vậy, cô phải màng tới.

Thậm chí cô còn nghi ngờ, lúc mình đang đối diện với tấm gương, làm những thứ động tác đó, gã đàn ông này có biết rõ ràng không, mà cô thì ngay cả gương mặt người đàn ông này ra sao, cô còn chưa thấy, thậm chí ngay cả bàn tay cũng chẳng thấy.

... Ánh mắt của nhà sư khổ hạnh, có lúc lại giống như một tấm gương.

Vạch đời tư người khác ra là một chuyện ai ai cũng thù hận, đại khái chuyện đó ai ai cũng hiểu rõ ràng.

Người chuyên môn dùng thủ đoạn vạch đời tư người khác ra để mong đạt được mục đích của mình, là hạng người ai ai cũng chán ghét nguyền rủa, mọi người ai ai cũng hiểu được điều đó.

Trong lòng Lang Cách Ty tuy đang tràn đầy thống khổ và nhục nhã, nhưng cô vẫn cứ đọc tiếp.

Tuy tài liệu liên quan đến cô tới đây đã chấm dứt, cô còn muốn đọc tiếp.

Bởi vì nhà sư khổ hạnh nói cho cô biết:

- Những tài liệu phía dưới, nói về hai người khác, có lẽ cô không muốn đọc tiếp, bởi vì cô không quen biết với họ, cô cũng chưa nghe qua tên họ bao giờ.

Y nói:

- Nhất định cô sẽ cảm thấy, cô và hai người đó, hoàn toàn không có tý liên quan gì với nhau.

Sự thật cũng đúng là vậy.

- Nhưng cô nhất định phải xem tiếp.

Nhà sư khổ hạnh nói cho cô biết:

- Bởi vì hai người đàn bà cô hoàn toàn không quen biết đó, thật ra lại có liên hệ với cô.

Thậm chí y còn cường điệu:

- Ta có thể bảo đảm, cô sẽ vĩnh viễn không thể nào ngờ được cô có liên hệ mật thiết với bọn họ đến đâu.

Vì vậy Lang Cách Ty nhất định phải đọc tiếp, cô đọc qua cái tên đầu tiên, cái tên cô chưa hề thấy lần nào.

Người này họ Tô, tên là Tô Bội Dung.

Nhà sư khổ hạnh quả thật không hề gạt cô, bởi vì quả thật cô không thể ngờ tới người đàn bà có tên là Tô Bội Dung này, lại là...

Họ tên: Tô Bội Dung.

Biệt hiệu: Tô Tô.

Nữ, hai mươi ba tuổi.

Cha: Tô Thành, vừa có tên là Vĩnh Thành, vừa có tên là Vô Khi, vừa có tên là Bất Biến, vừa có tên là Nhất Tín, giang hồ gọi y là “Ngật Khuy Tựu Thị Trạm Tiện Nghi”, Tô Ngật Khuy.

(Chú: vừa thành thực, vừa thủ tín, vừa chịu thiệt thòi, có phải là một người tốt không nhĩ? Cái người này, quả là quá tốt)...

Cái điểm này thật ra không cần phải chú giải rõ ràng, bởi vì cái vị Tô tiên sinh này, bình sinh không hề bị thiệt thòi lần nào, chính là cái ý nghĩa của câu “ngật khuy tựu thị trạm tiện nghi” (thiệt thòi chính là chiếm tiện nghi), chỉ bất quá là nói rằng, người khác mà đụng phải y là nhất định sẽ chịu thiệt thòi, người khác thì chịu thiệt thòi, còn chiếm tiện nghi chính là y.

Trong đời của Tô tiên sinh, đi hết nam bắc, người biết y cũng không biết là bao nhiêu, có thể không bị y chiếm tiện nghi, e rằng ngay cả một người cũng không có.

Một người như vậy, đàn bà bị y gạt vào tay dĩ nhiên là cũng không ít, nhưng người sinh cho y đứa con gái tên là Tô Bội Dung, lại là một người đàn bà đặc biệt nhất.

Bởi vì cái vị nữ sĩ này, cũng giống hệt như y, cũng làm nghề gạt gẫm, đàn ông bị bà ta gạt, nhất định không thể nói là ít hơn y.

Tên của vị nữ sĩ này, lại chính là Hoa Phụng Lai, phía dưới tài liệu ký tải, đều giống với bên trên.

Lang Cách Ty rốt cuộc đã hiểu ra tại sao nhà sư khổ hạnh nhất định muốn cô đọc tiếp phần tài liệu phía sau.

... Người đàn bà vốn hình như chẳng có tý liên hệ gì đến cô, lại là chị em đồng mẹ khác cha với cô.

Còn người đàn bà nữa lại có liên hệ gì đến cô?

Lang Cách Ty không phải là kẻ ngu, tuy tứ chi cô rất phát đạt, đầu óc cô không chậm tý nào, phản ứng của cô thông thường đều nhanh hơn người khác chút đỉnh, dĩ nhiên cô đã tưởng tượng tới được, người đàn bà thứ ba trong cuộn giấy này có liên hệ gì đến cô.

Quả nhiên cô nghĩ không sai tý nào, người đàn bà thứ ba quả nhiên là:

Họ tên: Lý Lam Tụ.

Biệt hiệu: Tụ Tụ.

Nữ, hai mươi mốt tuổi.

Cha: Lý Lam Sam, mười ba tuổi đậu tú tài, mười sáu tuổi đỗ cử nhân, “Lam Sam tài tử” nổi danh học lâm, nhưng lại vô duyên với tiến sĩ, nhưng vừa đến năm mười chín tuổi đã là tay danh kiếm đệ nhất trong các đệ tử tục gia mới lên của phái Vũ Đương, “Lam Sam kiếm khách, Kiếm nhu Nam Sơn, Thái Cúc đông ly, du nhiên nhi kiến”. Lấy thứ kiếm pháp du du nhiên đó, trong một năm đã thắng luôn mười chín trận.

(Chú: Có điều cái vị tài tử kiếm khách văn vũ song toàn này lại chết quá sớm, chính vào lúc thanh danh của y đã đạt đến đăng phong năm đó, y bèn chết đi) Năm đó cũng chính là năm y lấy vợ sinh đứa con gái, con gái của y còn đang nằm trong nôi, y đã chết dưới lưỡi kiếm của Trung Nguyên Nhất Điểm Hồng.

Năm đó, y mới có hai mươi tuổi.

Năm đó, cũng chính là lúc thanh danh của y và Sở Lưu Hương đang bắt đầu được giang hồ chú ý.

Năm đó, Sở Lưu Hương mới mười mấy tuổi, Tô Dung Dung, Tống Điềm Nhi, Lý Hồng Tụ cũng chỉ mới là thiếu nữ.

Năm đó, lúc nguyên đán, Hỗ Thiết Hoa đang thi uống rượu với người ta, đã có thể một hơi uống tới hai mươi tám thăng hoàng tửu.

Năm đó, người bạn nữa của Sở Lưu Hương là Cơ Băng Nhạn, đã kiếm được một trăm vạn lượng đầu tiên trong đời y.

... Không phải là đồng là thiết, mà là bạc, bạc ròng trắng ngần.

... Năm đó dĩ nhiên cũng là năm Lý Lam Tụ ra đời, mẹ của cô dĩ nhiên chính là:

Mẹ: Hoa Phụng Lai, người Tô Châu, danh kỹ Giang Nam...

Lang Cách Ty chẳng cần phải đọc thêm, tài liệu phía sau, cô chẳng cần phải đọc cũng có thể suy đoán ra được.

Lý Lam Tụ vốn là người hoàn toàn không một chút liên hệ gì đến cô dĩ nhiên cũng là chị em cùng mẹ khác cha với cô.

... Cô bỗng cảm thấy thật buồn cười, không những vậy, cô còn bật cười lên, cười cơ hồ muốn khóc cả lên.

Nhà sư khổ hạnh nảy giờ vẫn đang chăm chú nhìn cô, đợi cô cười xong rồi, mới hững hờ nói:

- Lệnh đường là một người đàn bà thật đặc biệt, những người đàn ông bà ta biết cũng rất đặc biệt, có thể làm bà ta sinh con cho, dĩ nhiên phải là đặc biệt lắm.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Vì vậy ba chị em của cô, không những kế thừa được cái thông minh và xinh đẹp của bà ta, ít nhiều cũng kế thừa được một chút cá tính của phụ thân nữa.

Y nói giọng rất ôn hòa, không có chút gì là giễu cợt, nhưng lại làm cho một người thông minh nghe khó chịu chết đi được.

Lang Cách Ty đã có cảm giác đó, bởi vì cô biết những điều y sẽ nói ra đây đều là lời nói thật.

Mà lời nói thật vẫn thường thường tổn thương hơn lời nói dối.

- Dĩ nhiên cô biết Tô Tô là một trong hai người mà ta đã đặc biệt phái lại chiếu cố cho Mộ Dung công tử.

Nhà sư khổ hạnh nói.

- Đúng vậy.

Lang Cách Ty thừa nhận:

- Tôi biết.

- Vậy thì, tôi nghĩ chắc cô nhất định cũng biết, cô ta là người đã giết Liễu Minh Thu.

- Đúng vậy.

- Liễu Minh Thu tung hoành giang hồ, trăm trận gian khổ, vào sống ra chết, kinh nghiệm đã đến mức lão luyện, tại sao lại bỏ thân dưới tay một đứa con nít?

Nhà sư khổ hạnh hỏi.

- Bởi vì y hoàn toàn không đề phòng đến cô ta.

Nhà sư khổ hạnh lập tức lại hỏi:

- Nếu cô ta đã có y giết y, hạng người như Liễu Minh Thu làm sao lại không nhìn ra được?

Lang Cách Ty trầm ngâm, bởi vì cô biết câu trả lời của nhà sư khổ hạnh.

- Tô Tô có khả năng làm cho Liễu Minh Thu hoàn toàn không đề phòng đến cô, chỉ vì cô có cái cá tính của cha cô.

... Cái cá tính của một gã bịp bợm có thể làm cho người khác bị gạt lúc nào mà không hay.

- Cô có thể tưởng tượng được, Tô Thành ngoài mặt xem ra nhất định là một người vừa thành thực vừa chất phác vừa lại chịu thiệt thòi, không những vậy còn hay bị người khác ăn hiếp áp bức.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Tô Tô dĩ nhiên cũng giống như vậy.

... Đúng vậy, Tô Tô xem ra có vẻ không những vừa ngoan vừa ôn nhu, mà còn thành thực biết nghe lời, mình kêu cô ta làm gì, cô làm như vậy, chỉ bất quá trong lòng cô đang nghĩ gì, chẳng ai hay biết, không những vậy, bất kể trong lòng cô đang nghĩ gì, cô đều làm được cả.

- Những người có cái cá tính đó không nhiều.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Hạng người đó, lúc muốn giết ai, sẽ chẳng có chút ngần ngại gì, giết rồi có thể sẽ vì người đó mà rơi lệ.

Nhà sư khổ hạnh nhàn nhã nói:

- Chính vì ta thấy được cái cá tính đó, mà Liễu tiên sinh mới phải chết.

Lúc y nói câu đó, thái độ của y thậm chí còn lộ ra cái vẻ đắc ý mà y chưa từng bao giờ để lộ ra.

Lang Cách Ty hiểu được điều đó.

Đặt được Liễu Minh Thu vào chỗ chết, tuyệt đối không phải là chuyện dễ dàng, thấy được cái cá tính của Tô Tô, lại càng không phải là chuyện dễ.

- Hoàn cảnh của Tụ Tụ, đại khái cũng giống giống vậy.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Cô ta dĩ nhiên cũng có một cá tính không giống người thường.

- Cái cá tính của cô ta, dĩ nhiên cũng bị ông lợi dụng được, vì vậy ông mới nghĩ đến cô ta.

- Đúng vậy.

- Cá tính của Tô Tô là gạt gẫm, còn cá tính của Tụ Tụ là gì?

Lang Cách Ty hỏi:

- Chiến dịch lần này, cô ta có chỗ nào có giá trị?

Nhà sư khổ hạnh trả lời cô câu hỏi đầu tiên:

- Cá tính của Tụ Tụ là “chết”, cũng giống như cha của cô ta vậy, tùy thời tùy lúc đều chuẩn bị chết, tùy thời tùy lúc đều có thể chết được.

- Có phải vì bọn họ vốn không sợ chết?

- Đúng vậy.

Nhà sư khổ hạnh nói.

Nhưng y lại lập tức giải thích lần nữa:

- Không sợ chết cũng không nhất định là tuyệt đối.

- Tôi không hiểu cái ý nghĩa trong câu ông nói.

- Cái nghĩa không sợ chết, cũng có rất nhiều cách giải thích không giống nhau.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Chỉ bất quá ta chỉ cần nói hai cách là cũng đủ quá rồi.

Nếu Lang Cách Ty hỏi y:

- Hai cách gì?

Câu hỏi ấy vốn không cần phải hỏi, cho dù cô đối với chuyện đó có hiếu kỳ đến đâu, cô cũng không cần phải hỏi.

Bởi vì cô không hỏi, đối phương cũng sẽ trả lời:

- Đa số chuyện trong thế giới này, chung quy có thể phân làm hai loại, chỉ bất quá cách phân loại có chỗ khác nhau thế thôi.

- Sao?

- Cũng như nói là, người cũng có nhiều hạng. Cũng có người muốn phân ra làm sáu bảy tám hạng.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Nhưng nếu cô đem ra thật sự phân loại một cách nghiêm túc, người chỉ có hai hạng.

Y lại ráng cường điệu:

- Hạng thì tuy chỉ có hai, cách phân loại thì lại có rất nhiều.

- Cũng như nói là, cô có thể phân con người ra làm hai hạng, hạng xấu và hạng tốt, cũng có thể phân ra thành người chết người sống, đàn ông đàn bà, thông minh ngu ngốc.

- Bất kể cô dùng phương pháp nào để phân loại, cô đều có thể bao quát hết tất cả vào trong đó.

- Có những hạng người bình thời rất sợ chết, nhưng đến lúc thực sự sống chết đến nơi, phải làm một quyết định, thì thường thường lại có thể quên sống mà giữ tròn tiết nghĩa, thậm chí có thể vì người khác mà hy sinh chính mình.

Nhà sư khổ hạnh nói:

- Dĩ nhiên, đó là một trong những hạng “không sợ chết”.

- Đúng vậy.

- Còn có một hạng người, vốn không hề sợ, vốn không coi sống chết ra gì cả, bởi vì họ vốn xem sống chết rất là nhẹ, chuyện trong thế gian, toàn bộ không đáng cho họ để ý đến!

- Lý Lam Sam là hạng người như vậy?

- Đúng vậy.