Ngọ Dạ Lan Hoa - Chương 13 phần 1

Chương 13 - Lan hoa truyền kỳ

Một chuyện truyền kỳ làm thế nào mà tạo được ra? Một nhân vật anh hùng làm thế nào mà tạo được ra? Bao nhiêu gian nan khổ cực? Bao nhiêu chịu đựng? Bao nhiêu khắc khổ?

... Tuy nói là chém giết đẫm máu không chừng ai ai cũng đều hiểu, nhưng nói tới chịu đựng và khắc khổ, chỉ e là khó hiểu hơn một chút.

Hiện tại, chúng ta lại trở về cái chỗ trọng yếu nhất.

Lan Hoa tiên sinh tại sao lúc xuất hiện cũng có cái mùi thơm làm người ta chú ý?

Lấy cái tính tình của y, hành vi của y, chuyện y muốn làm mà nói, y vốn phải tìm đủ mọi cách để tránh sự chú ý của người khác mới phải.

– Đấy chính là nhược điểm của y.

Thiếu niên nói:

– Và cũng là đường dây mối nhợ cho chúng ta.

... Nhất định phải xuất hiện vào đêm trăng tròn.

Điều đó đã thu nhỏ lại cái phạm vi để người ta tìm y, mùi thơm của hoa lan, lại là một thứ mục tiêu vô cùng đặc biệt dễ nhận ra.

Vì vậy, thiếu niên mới nói cái giọng khẳng định như vậy.

... Đây là nhược điểm của y, và cũng là đường dây mối nhợ cho chúng ta.

Bởi vì cái đạo lý đó cũng như một cộng một là hai, thật đơn giản, cũng chính xác như một cộng một là hai vậy.

Chỉ bất quá, một cộng với một có phải tuyệt đối là hai không nhỉ?

Người lớn tuổi bỗng cười nụ.

– Cái nhược điểm của một người, có lúc thường thường cũng là cái chỗ hay của họ, một mối nhợ thật rõ ràng như vậy, có lúc ngược lại có thể dẫn chú đến mê lộ.

Y nói với thiếu niên:

– Trên thế giới này, hình như còn chưa có chuyện gì tuyệt đối, tuyệt đối chính xác và tuyệt đối sai lầm đều không thể nào tồn tại.

Người lớn tuổi nói:

– Một chuyện có chính xác hay không, chỉ do chú nhìn từ một góc độ nào đó thế thôi.

Câu nói ấy phảng phất hàm chứa một triết lý thật sâu xa, thiếu niên tuy không phục, nhưng y không dám cãi lại.

Người lớn tuổi dĩ nhiên thấy rõ y đang nghĩ gì, vì vậy y nói trước:

– Chú nhất định cho rằng hai điểm đó là đường dây rõ ràng lắm, nhưng hình như ta lại không đồng ý.

Y hỏi thiếu niên:

– Chắc là chú cảm thấy kỳ quái lắm phải không?

– Đúng vậy!

Thiếu niên nói:

– Quả thật tôi nghĩ không ra được cái đạo lý trong đó ra làm sao.

– Cái đạo lý này thật ra cũng rất đơn giản.

Người lớn tuổi nói:

– Ta không cho là hai điểm đó là mối nhợ, bởi vì cái mối nhợ đó quá rõ ràng.

Y nói cho thiếu niên biết:

– Những mối nhợ quá rõ ràng như vậy, thường thường đều là cạm bẫy.

Thiếu niên vẫn còn chưa hiểu lắm:

– Tại sao?

Y hỏi.

Thái độ của người lớn tuổi rất nghiêm trang:

– Bởi vì cỡ hạng cao thủ như Lan Hoa tiên sinh, nhất định sẽ không để lại một đường dây rõ ràng trước mặt cho chú thấy, trừ phi y muốn dụ chú đi vào đường rẽ, hoặc là y đã điên rồi.

Lan Hoa tiên sinh dĩ nhiên không thể nào điên được.

– Vì vậy, giữa đêm, và hoa lan, đều rất có thể là một bức màn sương mù, làm cho chú sinh ra cảm giác sai lầm, làm cho chú đi trật đường, rớt vào cạm bẫy.

Người lớn tuổi lại giải thích với thiếu niên:

– Cũng như nói, chú cho rằng y chỉ xuất hiện vào giữa đêm trăng tròn, những đêm khác y sẽ làm gì nhĩ? Không lẽ đang tỉa hoa đánh cờ chơi đàn? Không lẽ đang rửa chén quét nhà rửa cầu tiêu?

Thiếu niên ngẩn mặt ra.

Trước giờ y chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề đó, nhưng bây giờ y đã nghĩ tới.

... Những đêm khác, cái vị Lan Hoa tiên sinh này không chừng làm những chuyện còn khả ố càng đáng sợ hơn là chuyện y làm giữa đêm trăng tròn.

Ánh mắt của người lớn tuổi đượm đầy vẻ trầm tư:

– Y cố ý để cho chú nghĩ rằng y chỉ xuất hiện vào giữa đêm trăng tròn, cố ý để cho chú nghĩ rằng y chỉ phạm tội giết người vào những lúc nhất định nào đó, những lúc khác đi phạm tội giết người, chú sẽ không đi chú ý tới.

Y hỏi thiếu niên:

– Chú nghĩ đó có thể là nhược điểm của y không?

Thiếu niên thừa nhận:

– Tôi sai rồi.

Người lớn tuổi lại hỏi:

– Cái mùi thơm của hoa lan làm sao lại có thể được xem là mối nhợ nhỉ?

Y hỏi:

– Mùi thơm của hoa lan, không phải nhất định là ở một người nào, cũng không ai quy định là chỉ có một người nào trên người mới có mùi thơm đó.

Thiếu niên thừa nhận.

Bất kể mình xức mùi thơm của hoa lan trên người của ai, người đó đều sẽ có cái mùi hoa lan, thậm chí nếu mình xức lên một con lợn, con lợn đó cũng sẽ có mùi thơm của hoa lan.

... Nếu trong người có mùi thơm của hoa lan tức là Lan Hoa tiên sinh, thì một con lợn cũng có thể là Lan Hoa tiên sinh rồi.

Thiếu niên cười khổ.

Cái điểm đó y cũng chưa bao giờ nghĩ tới, hiện tại hiển nhiên y đã nghĩ tới, y chỉ thấy mình sao giống một con lợn quá.

– Nếu hai điểm đó đều không thể xem là đường dây mối nhợ, thì đợi đến lúc chiến dịch Thiêu Thân thất bại rồi, Lan Hoa tiên sinh biến mất rồi, còn ai có thể kiếm ra được y?

– Ít nhất còn có một người.

– Sở Lưu Hương?

– Dĩ nhiên là ông ta.

Người lớn tuổi cười:

– Dĩ nhiên là ông ta, bất cứ ai đều có thể tưởng tượng được, trên thế giới này, nếu còn có người nào có thể tìm ra được cái vị Lan Hoa tiên sinh thần bí, người đó nhất định phải là Sở Lưu Hương.

– Nhất định là vậy.

Thiếu niên thừa nhận.

– Nhưng Sở Lưu Hương cũng chỉ bất quá là một người thế thôi, trong một tình cảnh không có một đường dây mối nhợ nào như vậy, làm sao y có thể tìm ra một người hình như chưa bao giờ tồn tại cả?

Cái vấn đề thật là tuyệt, còn ai trả lời được cho đây?

Thiếu niên nhìn nhìn người lớn tuổi, y bỗng cười nói:

– Cái vấn đề đó tôi chính đang hỏi ông, ông lại đi hỏi ngược lại tôi.

Người lớn tuổi cũng cười, nhưng nụ cười của y lập tức ngừng ngay, lập tức lại lấy giọng thật nghiêm trang nói:

– Đây là một thứ vấn đề tâm thái.

– Tâm thái?

– Tâm thái, có nghĩa là, cái cách suy nghĩ và cách nhìn của một người đối với một vấn đề, lúc y đang xử lý một chuyện gì đó.

– Đồng một chuyện như vậy, nếu do hai người khác nhau lại xử lý, kết quả thông thường là khác nhau.

Người lớn tuổi nói:

– Bởi vì trên đời này có đủ các thức các dạng người khác nhau, cho dù đồng một hoàn cảnh, đồng một cách xử lý, phương pháp xử dụng cũng sẽ không giống nhau.

– Có phải vì tâm thái của bọn họ không giống nhau?

– Đúng vậy.

... Một gã phú gia công tử ăn no ngủ kỹ, và một gã bạch đinh suốt ngày quần quật gian khổ, trong một tình huống giống nhau, xử lý một chuyện giống nhau, bọn họ sẽ dùng phương pháp khác nhau đến chừng nào.

Cái sự khác biệt đó cơ hồ khó mà tưởng tượng cho nổi.

– Cái điểm khác biệt quan trọng nhất là, không chừng không phải là cách suy nghĩ và cách nhìn của bọn họ khác nhau, mà là tâm lý của bọn họ chịu ảnh hưởng của chuyện đó khác biệt ra làm sao.

Đây là câu nói thật khó hiểu, nhưng thiếu niên vẫn hiểu được.

– Có những người lúc nguy nan sẽ dấn thân ra ung dung tựu nghĩa, có người thì chạy trốn còn nhanh hơn cả ngựa.

Thiếu niên nói:

– Có người lúc thất ý thì cuồng ca rượu chè, có người thì phấn chấn tinh thần lên tranh đấu, có người thì chẳng màng gì, có người thì đâm đầu vào đâu đó tự tử.

– Tại sao nhỉ?

– Bởi vì tâm lý của bọn họ cảm thụ không giống nhau.

Thiếu niên hỏi người lớn tuổi:

– Đây có phải là tâm thái không?

– Đúng vậy.

Người lớn tuổi vỗ tay:

– Đúng là như vậy.

... (Hình như mất một đoạn)

Không những vậy kế hoạch còn chu mật như thế.

Y nói:

– Chiến dịch Thiêu Thân đã huy động bao nhiêu sức người tài sản như vậy, nếu thất bại hết cả, người khác nhất định sẽ tá hỏa bàng hoàng, vừa sợ vừa tức, thậm chí sẽ không tiếc đánh vào một ván bài tối hậu.

– Đa số người ai ai cũng vậy.

Thiếu niên nói:

– Trên thế giới này, đại đa số người lúc bị thất bại nát nước rồi, sẽ biến thành con thú trong đường cùng.

– Không có ngoại lệ sao?

– Có, dĩ nhiên là có, không những vậy, còn có hai hạng.

Thiếu niên nói:

– Một là trí giả, một là gian hùng.

Y nói:

– Trí giả là kẻ đạm bạc, gian hùng là kẻ lãnh tĩnh, trí giả vô dục, gian hùng vô tình, đối cái được thua trong tay, đều đã định đoạt sẵn đâu đó rồi.

– Chú lầm rồi.

Người lớn tuổi nói:

– Người được ngoại lệ không phải chỉ có hai hạng, mà là ba hạng.

– Còn một hạng thứ ba là ai?

– Là kẻ ngu.

Thiếu niên suy nghĩ một hồi lập tức hiểu ra.

– Đúng vậy, đúng là kẻ ngu.

Thiếu niên nói:

– Bởi vì bọn họ vốn không có chuyện gì phải đắc ý, thì làm gì có chuyện thất ý.

Lan Hoa tiên sinh dĩ nhiên không phải là kẻ ngu.

– Cỡ hạng nhân vật gian hùng như y, dù có bị thất bại, cũng sẽ không đến nỗi bại vào trong tuyệt cảnh.

Người lớn tuổi nói:

– Bởi vì bọn họ làm bất kỳ điều gì, cũng đều để một lối thoát đằng sau.

Y lại bổ sung:

– Đến chỗ cần kíp, bọn họ bèn tùy theo thời cơ mà quyết định, cắt đứt liên hệ giữa mình và cái chuyện bị thất bại đó, đi tới con đường bọn họ đã dự bị sẵn, đi làm một chuyện khác, thậm chí còn có thể biến thành một người khác.

– Lúc đó, ngọ dạ cũng chẳng còn mà lan hoa cũng không thấy đâu, con người của y cũng từ đó mà biến mất.

– Đúng vậy.

– Tráng sĩ đoạn uyển (tráng sĩ chặt tay), chính là như vậy.

– Đúng vậy.

Người lớn tuổi nói:

– Cánh tay đã nát bấy ra, còn cứ ôm cứng ở đó không buông, những thứ đó bọn họ không bao giờ làm tới.

– Vì vậy ông cho là, chỉ cần chiến dịch Thiêu Thân thất bại rồi, cái vị Lan Hoa tiên sinh này lập tức sẽ mất tiêu biệt tăm biệt tích.

– Đúng vậy.

– Chiến dịch Thiêu Thân đã thất bại không còn nghi ngờ gì nữa, Hương Soái làm sao lại tìm được ra người này?

... Đấy chính là cái cốt lõi của vấn đề.

Người lớn tuổi cười nói:

– Lúc nãy ta đã nói cho chú nghe rồi, đây là một thứ vấn đề tâm thái.

... Vấn đề lại chạy trở về lại chỗ ban đầu, thiếu niên vẫn còn chưa hiểu.

Người lớn tuổi giải thích lại:

– Phàm là những tay gian hùng, nếu đã thất bại rồi, nhất định sẽ bại sạch sành sanh, nhất định không chần chừ ngần ngại, bởi vì bọn họ biết mình còn có cơ hội sẽ quật khởi trở lại.

– Hạng người này dĩ nhiên rất tin vào chính mình.

Thiếu niên nói:

– Đấy cũng chính là cái tâm thái của bọn họ.

– Đúng vậy.

Người lớn tuổi nói:

– Chỉ bất quá hạng người đó, dĩ nhiên là thường thường thắng hơn là thua.

– Dĩ nhiên, người hay bị thua, làm sao còn là gian hùng được?

Người lớn tuổi bỗng hỏi thiếu niên:

– Nếu bọn họ thắng rồi thì sao? Bọn họ thắng rồi, sẽ có tâm thái ra sao?

Thiếu niên sửng sốt.

Y chưa từng nghĩ qua điểm đó, hiện tại y mới phát hiện ra, cái điểm đó mới là điểm chính yếu của vấn đề.

Người lớn tuổi lại nói với thiếu niên:

– Chú cho rằng chiến dịch Thiêu Thân lần này nhất định sẽ thất bại, bởi vì Sở Hương Soái đã đoạt hết tiên cơ trong tay, trong lần hành động này.

Người lớn tuổi hỏi:

– Có điều, chú có nghĩ tới rằng, nếu Hương Soái vốn không nghĩ đến chuyện thắng, chuyến hành động đó lại có kết quả ra sao?

Cái vấn đề này cũng không cần phải trả lời.

Thậm chí cũng không cần hỏi. Hai bên tranh nhau, một bên vốn không muốn thắng, dĩ nhiên thắng phải là bên kia.

Nên hỏi phải là:

– Chuyến hành động này mục đích là tranh giành sống chết, người thắng sống, người thua chết, vì vậy không thể không thắng, tại sao Sở Hương Soái lại không muốn thắng?

Người lớn tuổi lại phủ định câu hỏi đó, y nói cho thiếu niên biết:

– Vấn đề cũng không nên hỏi như vậy, bởi vì câu trả lời đã có từ lâu.

Người lớn tuổi nói:

– Chú cũng phải nên nghĩ tới, nếu Hương Soái hủy diệt hẳn cái chiến dịch này, đánh bại hoàn toàn Lan Hoa tiên sinh, nhưng trước sau vẫn không biết cái vị Lan Hoa tiên sinh mình đánh bại là ai, thì thắng lợi lần này của ông ta còn có ý nghĩa gì?

Thiếu niên đồng ý điểm đó.

– Nếu Sở Hương Soái trước sau vẫn tìm không ra được Lan Hoa tiên sinh là ai, tôi nghĩ là chỉ sợ ông ta ngay cả ngủ cũng không ngủ yên được.

– Vì vậy ông ta hành động chuyến này, chỉ được bại, không được thắng.

Người lớn tuổi nói:

– Ông ta phải nhất định bại, không bại không được.

– Tại sao?

– Bởi vì ông ta nhất định phải tìm cho ra cái vị Lan Hoa tiên sinh này.

Người lớn tuổi nói:

– Ông ta nhất định phải đối diện với cái vị Lan Hoa tiên sinh này, quyết một phen thắng thua mới xong.

Thiếu niên thở dài:

– Nếu vậy, Sở Lưu Hương lần này sẽ lầm rồi.

– Sao?

– Ông ta phải biết, có một hạng người không thể nào còn tranh thắng thua được với một ai.

– Hạng người nào? Người chết? – Đúng vậy.

Thiếu niên nói:

– Ông ta phải biết rằng, trong chuyến hành động này, người không thắng sẽ phải chết.

Người lớn tuổi cười: – Tại phương diện đó, cách suy nghĩ của chú có khác Hương Soái. – Không lẽ ông ta cho rằng, trong tình huống đó, không thắng còn có thể không bị chết sao?

Thiếu niên hỏi: – Không lẽ ông ta cho rằng, trong tình huống đó, Lan Hoa tiên sinh còn buông tha cho ông ta?