Ôlivơ Tuýt - Chương 23

CHƯƠNG XXIII

CUỘC TRAO ĐỔI THÚ VỊ GIỮA ÔNG BÂMBÂN VÀ MỘT BÀ VÀ CHO THẤY CẢ ÔNG TƯ TẾ CŨNG VẪN CÓ THỂ LÀ NGƯỜI DỄ CẢM Ở MỘT VÀI ĐIỂM

Đêm tối lạnh buốt, tuyết phủ trên mặt đất, đóng lại thành một lớp vỏ dày cứng, đến nỗi chỉ có những đám tuyết phía trên bị thổi dồn vào những đường hẻm và những góc phố mới bị quất mạnh bởi gió vẫn gào thét chung quanh, gió tựa hồ như càng thêm hung dữ khi bắt gặp những cái mồi như vậy, nó tung tuyết bay lên hung dữ thành những đám mây, quay tít thành hàng ngàn đám khói bay lượn trong không trung. Trời lạnh lẽo, âm u và giá buốt: đó là một đêm cho những con người có nhà có cửa tử tế và ăn uống no nê tụ tập quanh ngọn lửa sáng rực để cảm ơn Thượng đế rằng họ ở nhà mình, và đó là một đêm cho những kẻ không nhà, cho những kẻ khốn nạn đói rét và nằm xuống mà chết. Nhiều con người bị vứt bỏ bị kiệt sức vì đói đã nhắm mắt trên các đường phố vắng tanh của chúng ta vào những thời gian như vậy, những con người này dù cho những tội ác của họ thế nào đi nữa, cũng khó lòng đưa họ đến một thế giới tàn nhẫn hơn.

Đúng lúc ngoài trời lạnh như vậy thì bà Korni, bà quản lý nhà tế bần mà bạn đọc đã được giới thiệu với tính cách là nơi ra đời của Ôlivơ Tuýt, ngồi trước một ngọn lửa tươi vui trong căn phòng nhỏ bé của mình và đưa mắt nhìn vô cùng thích thú cái bàn tròn nhỏ bé trên đó có đặt một cái khay cũng có kích thước tương ứng, với đầy đủ tất cả những thứ cần thiết cho một bữa ăn thú vị nhất mà các bà quản lý có thể tận hưởng. Thực ra bà Korni đang chuẩn bị an ủi nỗi buồn của mình bằng một tách trà. Trong khi bà ngồi ở bàn liếc nhìn ngọn lửa nơi đặt siêu nước nhất trên đời đang khe khẽ hát một bài hát ngắn, thái độ thích thú trong lòng rõ rệt càng tăng thêm, đến nỗi bà Korni mỉm miệng cười.

"Tốt lắm!” Bà quản lý nói, chống cùi tay lên bàn và đưa mắt nhìn ngọn lửa, vẻ trầm ngâm. "Mình thấy rõ ràng là chúng ta phải cảm ơn Chúa rất nhiều. Phải cảm ơn Chúa rất nhiều, nếu như chúng ta biết. Đúng thế!”.

Bà Korni lắc đầu buồn bã như than phiền về lòng vô ơn của những con người nghèo khổ không biết được điều đó và lấy một cái thìa bằng bạc (tài sản riêng của bà) xúc vào phía trong của hộp trà tí xíu bằng sắt tây, chuẩn bị pha trà.

Quả thực một công việc không đâu cũng đủ làm cho cái vẻ thư thái của tâm hồn yếu ớt của chúng ta bị quấy nhiễu. Ấm pha trà vì rất nhỏ và rất dễ tràn ra ngoài trong khi bà Korni đang nói chuyện đạo đức nên nước làm bỏng nhẹ bàn tay bà.

"Cái ấm chết tiệt!", bà quản lý đứng đắn nói, vội vàng đặt ấm trà lên giá để than, "ấm pha trà khốn nạn nhỏ bé quá chỉ đựng được hai tách mà thôi. Nó có ích gì cho ai! Trừ phi”, bà Korni nói, trầm ngâm suy nghĩ, "trừ phi cho một người cô độc tội nghiệp như mình. Trời ơi!"

Nói đoạn, bà quản lý buông mình rơi xuống ghế, và một lần nữa chống cùi tay lên bàn, nghĩ đến thân phận cô độc của mình. Ấm pha trà nhỏ bé và cái tách trà duy nhất đã thức tỉnh trong lòng bà những kỷ niệm buồn bã về ông Korni (đã chết hai mươi lăm năm nay) và bà vô cùng buồn bã.

"Mình sẽ không bao giờ có lại được nữa”, bà Korni nói, rầu rĩ. "Mình sẽ không bao giờ có được lại như thế nữa".

Không biết nhận xét này là nói về người chồng hay nói về cái ấm pha trà, điều đó không rõ. Có thể là nói về cái ấm pha trà, bởi vì sau khi nói bà ta nhìn vào ấm pha trà, và sau đó cầm lấy ấm pha trà. Bà vừa nhấp chén trà đầu tiên, bỗng có một tiếng gõ rất khẽ ở cửa phòng làm bà bị quấy nhiễu.

"Thôi đi, vào đi cho được việc!", bà Korni nói, gắt gỏng. "Lại một bà già nào đấy đang hấp hối chứ gì! Bao giờ họ cũng chết đúng vào bữa ăn của mình. Thôi đừng đứng đấy nữa, vào đi để gió lạnh khỏi lọt vào. Có điều gì không ổn thế?”

"Thưa bà không có gì ạ, không có gì ạ", có tiếng đàn ông đáp.

"Trời ơi!", bà quản lý kêu lên, giọng dịu dàng hơn nhiều, "có phải ông Bâmbân đấy không?".

"Tôi đến hầu bà đây, bà ạ", ông Bâmbân nói, nãy giờ đứng ở bên ngoài để chùi giày cho sạch và phủi tuyết trên áo ngoài; và bây giờ ông xuất hiện, một tay cầm mũ ba góc và tay kia cầm một cái gói. "Bà cho phép tôi đóng cửa chứ?”

Bà chủ khiêm tốn ngần ngừ chưa trả lời vì bà sợ có điều gì bất tiện khi nói chuyện với ông Bâmbân mà cửa đóng then cài. Ông Bâmbân lợi dụng lúc bà đang ngần ngừ và bản thân ông cũng rất lạnh, đóng cửa lại mà không cần xin phép.

"Lạnh thật, ông Bâmbân ạ", bà quản lý nói.

"Thưa bà, lạnh quá, đúng thế”, ông tư tế đáp. "Thưa bà thời tiết thế này thật là bất lợi cho địa phận. Chúng ta đã phải phát đến hai mươi cái bánh mì nặng bốn pao (20) và một pao rưỡi pho mát vào bữa tối hạnh phúc này, bà Korni ạ, ấy thế mà bọn nghèo vẫn không bằng lòng".

(20) Đơn vị đo trọng lượng Anh, bằng bốn trăm năm mươi gam.

"Cố nhiên là không. Ông Bâmbân, khi nào họ sẽ bằng lòng?", bà quản lý nói, miệng nhấp trà.

"Thưa bà, bà hỏi khi nào phải không", ông Bâmbân nói.

"Này có một người vì người ta nghĩ đến vợ và gia đình hắn đông con nên đã cho hắn một pao pho mát và một ổ bánh mì bốn pao, cân đúng đắn. Bà xem hắn có biết ơn hay không? Hắn có biết ơn hay không? Chẳng biết ơn chút nào! Bà này, hắn chẳng nói gì khác, ngoài việc xin một ít thức ăn, than chỉ đủ để đựng đầy một cái khăn mùi xoa cũng được. Than! Hắn dùng than làm gì? Để nướng pho mát và rồi sau đó lại quay trở lại để xin thêm. Hạng người này vẫn quen làm thế đấy bà ạ! Hôm nay ta cho họ cả một thúng than thì họ sẽ quay lại để xin thêm nữa vào ngày hôm kia, trơ trẽn như những con khỉ".

Bà quản lý tỏ ý hoàn tòan tn thành sự so sánh thông minh này, và ông tư tế nói tiếp.

"Tôi chưa bao giờ”, ông Bâmbân nói, "thấy người ta xấc xược đến thế. Cách đây hai hôm, một người - thưa bà, bà là một người đã có chồng, và tôi có thể kể cho bà nghe - một người hầu như không có quần áo (đến đây bà Korni nhìn xuống sàn) đến cửa nhà ông tổng quản của chúng ta khi ông ta đang tiếp khách trong bữa ăn tối và nói rằng người ta phải giúp cho anh ta, bà Korni ạ. Và bởi vì anh ta không chịu bỏ đi và làm cho khách khứa rất khó chịu, nên ông tổng quản cho một pao khoai tây và một nửa panh (21) yến mạch để cho anh ta đi. "Trời ơi!", cái thằng côn đồ vô ơn kia nói, "thứ này tôi dùng để làm gì? Chẳng khác gì ông cho tôi một cái kính có hai mắt bằng sắt!". "Được lắm!", ông tổng quản nói, lấy lại những vật đã cho, "anh sẽ không nhận được gì ở đây nữa". "Thế thì tôi sẽ chết ở ngoài đường mất!", người kia nói. "Ô, không chết đâu”, ông tổng quản nói".

(21) Khoảng 0,57 lít ở Anh; 0,47 lít ở Mỹ.

"Ha! Ha! Làm như thế là rất đúng! Rất giống ông Granet có phải không nào?" Bà quản lý nói xen. "Ông Bâmbân, ông cứ nói đi!".

"Thưa bà", ông tư tế nói tiếp. "Thế rồi hắn bỏ đi, và quả thực hắn đã chết ở ngoài đường. Đúng là một thằng nghèo bướng bỉnh, bà ạ!"

"Điều đó vượt quá tất cả những điều tôi có thể tưởng tượng", bà quản lý nhận xét hăng hái. "Nhưng dù sao việc giúp đỡ ở ngoài nhà tế bần cũng là một điều rất không hay, có phải không ông Bâmbân? Ông là người giàu kinh nghiệm và ông phải biết. Ông thấy thế nào?"

"Bà Korni", ông tư tế nói, mỉm cười như những con người có ý thức về chỗ mình am hiểu nhiều vẫn mỉm cười, "việc giúp đỡ ở ngoài nhà tế bần nếu được thực hiện đúng đắn, thưa bà, nếu được thực hiện đúng đắn, thì đó là điều bảo vệ cho nhà tế bần. Nguyên tắc quan trọng của việc giúp đỡ ở ngoài nhà tế bần là cấp cho những người nghèo đúng những cái mà họ không cần, và sau đó họ sẽ chán và sẽ không đến đó xin nữa"

"Trời ơi!", bà Korni kêu lên. "Hay lắm, đó là một nguyên tắc tốt!”.

"Đúng thế. Giữa tôi với bà, thưa bà", ông Bâmbân đáp, "Đó là cái nguyên tắc quan trọng, và đó là lý do tại sao, nếu như bà chú ý tới những trường hợp được nói đến trong những tờ báo liều lĩnh, thì bà sẽ nhận thấy rằng những gia đình ốm đau đều được giúp đỡ bằng những khoanh pho mát. Cái quy tắc này, bà Korni ạ, hiện nay đã được xác lập trên tất cả đất nước. Tuy vậy, ông tư tế nói, dừng lại để mở cái gói ra, "đó là những bí mật nhà nghề đấy bà ạ, những bí mật không được nói ra, trừ phi, tôi có thể nói, giữa những người làm việc của địa phận như chúng ta. Đây là rượu portô đem đến cho y xá; thực sự, mới mẻ, chính hiệu; vừa mới lấy ra khỏi thùng trưa hôm nay; trong suốt như nước suối và không có cặn!".

Sau khi giơ cao cái chai đầu tiên trước ánh sáng lắc lắc để xác minh tính ưu việt của nó, ông Bâmbân đặt cả hai chai lên mặt tủ, gấp cái khăn dùng để bọc chúng, nhét khăn cẩn thận vào túi, cầm lấy mũ như muốn đi ra.

"Ông Bâmbân, chắc ông phải đi ngoài trời lạnh lắm", bà quản lý nói.

"Gió thổi dữ lắm bà ạ”, ông Bâmbân đáp, kéo cổ áo lên. “Mạnh đến nỗi thổi bay cả tai người ta”.

Bà quản lý đưa mắt nhìn từ cái siêu nước nhỏ bé sang ông tư tế đang đi về phía cửa, và trong khi ông tư tế dặng hắng, chuẩn bị để chào từ biệt, bà bẽn lẽn hỏi xem ông có muốn uống một chén trà không

Ông Bâmbân liền kéo cổ áo xuống, đặt mũ và gậy lên một cái ghế, rồi kéo một cái ghế khác lại gần bà. Trong khi ngồi xuống rất chậm rãi, ông ta đưa mắt nhìn bà chủ. Bà chủ mắt đăm đăm nhìn cái ấm pha trà tí xíu. Ông Bâmbân lại dặng hắng và khẽ mỉm cười.

Bà Korni đứng lên để lấy một chiếc chén và một chiếc đĩa khác ở cái buồng nhỏ. Khi bà ngồi xuống, đôi mắt bà một lần nữa lại bắt gặp đôi mắt ông tư tế giỏi tán tỉnh, bà đỏ bừng mặt và loay hoay chuẩn bị pha trà. Ông Bâmbân lại dặng hắng, lần này tiếng dặng hắng của ông to hơn bao giờ hết.

"Ông Bâmbân, ông thích uống ngọt chứ?", bà chủ hỏi, cầm lấy cái liễn đựng đường.

"Vâng, rất ngọt (22) bà ạ", ông Bâmbân trả lời. Ông dán mắt vào bà Korni khi ông nói điều đó, và nếu bao giờ một ông tư tế tỏ ra dịu dàng, thì ông Bâmbân là ông tư tế ấy vào lúc này.

(22) Cũng có nghĩa rất đáng yêu.

Trà đã pha xong và hai người lặng lẽ uống. Ông Bâmbân trải một chiếc khăn tay lên đùi để những mẩu bánh không làm bẩn cái quần soóc xinh xắn, bắt đầu ăn và uống, thỉnh thoảng ông buông ra một tiếng thở dài não nuột để làm cho việc thưởng thức thêm đa dạng, nhưng điều này không có tác dụng gì tai hại tới tình trạng ngon miệng của ông, trái lại hình như làm cho khoản uống trà và xơi bánh càng dễ dàng hơn.

"Hình như bà có một con mèo phải không ạ?", ông Bâmbân nói, đưa mắt nhìn một con mèo đang cùng đàn con quây quần sưởi m trước ngọn lửa. "Lại có những con mèo con nữa, tôi dám chắc như vậy”.

"Ông Bâmbân ạ, tôi rất thích mèo, ông không thể hình dung được điều đó đâu”, bà quản lý đáp. "Chúng rất sung sướng, rất nhộn nhịp, rất vui vẻ, và chúng là bạn của tôi”.

"Những con vật rất xinh”, ông Bâmbân đáp có vẻ tán thành, "lại rất quen thuộc trong gia đình".

"Ồ đúng thế!", bà quản lý thốt lên, vẻ say sưa, "chúng rất quen với nhà ở của chúng, cho nên điều đó làm người ta rất thích, tôi tin chắc như vậy”.

"Bà Korni", ông Bâmbân chậm rãi nói, và lấy thìa đánh nhịp, "này bà, tôi muốn nói điều này với bà. Đó là bất kỳ con mèo, hay con mèo con nào có thể sống với bà mà lại không yêu cái nhà của nó thì đó phải là một con lừa, bà ạ!”

"Ôi chao, ông Bâmbân!", bà Korni phản đối.

"Bà ạ, bà có che giấu sự thực thì cũng vô ích”, ông Bâmbân nói, khẽ hoa cái thìa trà, vẻ vừa oai nghiêm vừa tình tứ cho nên lại càng gây ấn tượng, "tôi muốn nhận chìm con mèo ấy đi".

"Thế thì ông là một người tàn nhẫn", bà quản lý nói, giọng sôi nổi khi bà giơ tay ra nhận lấy cái chén trà của ông tư tế, "đã thế, lại là con người trái tim rất cứng rắn".

"Trái tim cứng rắn, thưa bà?", ông Bâmbân nói, "Cứng rắn ư?". Ông Bâmbân trao cái chén của mình không nói thêm một lời, nắm lấy ngón tay nhỏ bé của bà Korni khi bà đỡ chén trà và lấy tay v vỗ hai cái lên áo gilê thực chặt của mình, buông ra một tiếng thở dài não ruột và kéo cái ghế cách xa ngọn lửa một chút.

Đó là một chiếc bàn tròn và vì bà Korni và ông Bâmbân vẫn ngồi đối diện nhau, và ở giữa hai người khoảng cách không là bao nhiêu, lại đối diện với ngọn lửa, cho nên người ta có thể thấy rằng ông Bâmbân khi rời khỏi ngọn lửa, đồng thời vẫn ngồi ở bên bàn, thì tăng thêm khoảng cách giữa ông và bà Korni, hành động này, một vài bạn đọc thận trọng chắc chắn sẽ thán phục và cho đó là một hành vi rất anh dũng của ông Bâmbân; phần nào thời gian, vị trí và cơ hội thúc đẩy ông nói chuyện trăng hoa, mặc dầu những câu chuyện tán tỉnh có thể thích hợp với mồm miệng của những kẻ lông bông nhẹ dạ thì lại hình như hết sức không thích hợp với địa vị những ông quan tòa, những nghị sĩ quốc hội, những ông thị trưởng thành phố, những ông bộ trưởng và các quan chức cao cấp khác; nhưng nó đặc biệt lại càng không thích hợp với vẻ uy nghi trang trọng của một ông tư tế - ông tư tế, như mọi người biết, phải là một con người nghiêm nghị nhất và cứng rắn nhất.

Mặc dầu những ý định của ông Bâmbân là như thế nào, tuy vậy - và cố nhiên đây là những ý nghĩ tốt nhất; vẫn có một điều không may xảy ra, như ở trên đã hai lần nhắc tới, đó là chiếc bàn này tròn; do đó, ông Bâmbân, cứ kéo cái ghế của mình dần dần, từng chút một, chẳng bao lâu đã giảm bớt khoảng cách giữa ông với bà quản lý; và cứ tiếp tục đi du lịch ở vòng ngoài của vòng tròn, nên trong chốc lát đã kéo cái ghế của mình lại gần cái ghế của bà quản lý. Thực vậy hai chiếc ghế chạm vào nhau, và khi chúng chạm vào nhau thì ông Bâmbân dừng lại.

Bây giờ, nếu như bà quản lý kéo cái ghế sang bên phải, bà sẽ bị lửa làm cháy bỏng, và nếu bà xích nó sang bên trái, bà sẽ rơi vào vòng tay ông Bâmbân. Cho nên vốn là một bà quản lý kín đáo và chắc chắn, đã liếc nhìn thấy hậu quả này, bà vẫn ngồi yên và trao cho một chén trà khác.

"Bà Korni, tim tôi cứng rắn à?", ông Bâmbân nói, vừa quấy trà vừa liếc nhìn mặt bà quản lý, "Thế tim bà có cứng rắn không bà Korni?"

"Trời ơi!", bà quản lý kêu lên, "người độc thân đâu mà lại hỏi kỳ lạ như thế? Ông Bâmbân, ông muốn biết điều đó để làm gì?"

Ông tư tế uống chén trà của mình cho đến giọt cuối cùng; ăn xong một cái bánh, phủi những mẩu bánh trên đầu gối, lau đôi môi và kiên quyết hôn bà quản lý.

"Ông Bâmbân!", bà chủ nhà kín đáo kêu lên khe khẽ, bởi vì nỗi sợ hãi của bà lớn đến nỗi bà không còn có hơi sức nào để kêu, "ông Bâmbân, tôi sẽ kêu lên đấy!". Ông Bâmbân không trả lời, nhưng với cử chỉ chậm chạp và oai vệ đưa tay ôm lấy lưng bà quản lý.

Vì bà chủ nhà đã nêu rõ ý định của bà là sẽ kêu lên, và cố nhiên bà ta sẽ kêu lên trước hành vi táo bạo mới; nếu như không có tiếng gõ cửa vội vã ở ngoài cửa làm cho tiếng kêu trở thành không cần thiết. Vừa nghe tiếng gõ cửa, ông Bâmbân đã rất nhanh nhẹn xông tới những chai rượu và bắt đầu phủi bụi lia lịa ở trên chai, trong lúc đó bà chủ bực bội hỏi ai gõ cửa. Một điều đáng chú ý, đây là trường hợp ngộ nghĩnh nói lên hiệu lực của một sự bất ngờ đột ngột có thể làm giảm bớt kết quả của một sự sợ hãi ghê gớm, bởi vì giọng nói của bà lại trở lại nghiêm khắc oai vệ như mọi ngày.

"Thưa bà, bà làm ơn", một bà cụ nghèo khổ gày gò hết sức xấu xí nói, thò đầu vào cửa. "Bà cụ Xanli sắp tắt thở".

"Được rồi, điều đó liên quan gì đến tôi!", bà quản lý hỏi gay gắt. "Tôi có thể giữ cho bà ta sống được không nào?".

"Không, thưa bà không ạ", bà cụ đáp lại, "không ai có thể làm được, không thể nào giúp gì bà cụ ấy cả. Tôi đã thấy nhiều người chết; những đứa trẻ nhỏ và những người đàn ông to lớn khỏe mạnh, tôi biết khi nào thì cái chết đến, tôi biết điều đó rất rõ. Nhưng tâm hồn của bà cụ ấy băn khoăn, và những khi cơn bệnh không nổi lên - điều này không xảy ra luôn bởi vì bà ta đang quằn quại hấp hối - bà ta nói rằng bà ấy có một điều gì muốn nói, mà bà phải nghe bà ấy. Nếu bà không lại thì bà ta chết không yên tâm".

Nghe nói vậy, bà Korni đứng đắn lẩm bẩm những lời chửi bới cái bà cụ già ngay cả trong lúc chết cũng cứ cố tình quấy rầy những người cấp trên của mình, và sau khi quàng một chiếc khăn quàng dày mà bà vớ lấy một cách vội vàng, bà yêu cầu ông Bâmbân ngồi lại cho đến khi bà quay trở về vì sợ có điều gì đặc biệt sẽ xảy ra. Bà bảo người báo tin đi nhanh chứ đừng suốt đêm đi tập tễnh lên cầu thang, rồi theo bà rời khỏi phòng, trên đường đi tỏ ra khó chịu, vừa đi vừa lẩm bẩm.

Khi ngồi một mình, hành vi của ông Bâmbân rất khó hiểu. Ông mở cái buồng con, đếm các thìa trà, cầm cái gắp đường xem nặng bao nhiêu, kiểm tra cẩn thận một bình sữa bằng bạc để biết chắc là nó bằng bạc thật, và sau khi trí tò mò của ông về những điểm này đã được thỏa mãn, ông ta đội ngược cái mũ ba góc ra phía sau và khiêu vũ hết sức trang trọng bốn lần khác nhau chung quanh cái bàn. Sau khi đã kết thúc cái công việc hết sức kỳ quặc này, ông ta cất cái mũ ba góc đi, và nằm dài trước ngọn lửa, lưng quay về phía ngọn lửa, hình như trong óc ông ta đang bận kiểm kê chính xác tòan bộ đồ đạc trong nhà.