Ôlivơ Tuýt - Chương 41

CHƯƠNG XLI

NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI CHO ThẤY SỰ BẤT NGỜ CŨNG NHƯ NỖI BẤT HẠNH ÍT KHI ĐẾN MỘT MÌNH

Tình cảnh của cô Rôdơ quả thực là một thử thách và một khó khăn khác thường. Trong khi hết sức khao khát và say sưa muốn đi sâu vào điều bí mật bao phủ cuộc đời Ôlivơ, cô vẫn cứ phải gìn giữ lời tâm sự mà cô gái khốn khổ vừa nói chuyện với cô đã trao cho cô như trao cho một cô gái trẻ tuổi và ngây thơ. Lời nói và cử chỉ của Nenxi đã làm cho con tim cô Rôdơ bồi hồi xúc động, và thêm vào tình yêu đối với cậu bé cô phải chăm sóc, cô còn cảm thấy tha thiết không kém sôi nổi và chân thành muốn kéo con người đã sa ngã trở về với hối hận và hy vọng.

Gia đình có ý định chỉ ở lại Luân Đôn ba ngày trước khi đi một vài tuần đến một nơi xa trên bờ biển. Lúc này là vào lúc nửa đêm của ngày thứ nhất. Bây giờ cần phải quyết định gì trong thời hạn hai mươi bốn tiếng đồng hồ? Mặt khác, làm sao cô có thể hoãn chuyến đi mà không gây nên điều ngờ vực?

Ông Lôxbơcnơ cùng ở với họ và sẽ ở lại hai ngày nữa. Nhưng cô Rôdơ hiểu rất rõ tính tình sôi nổi của con người quý hóa này thấy trước quá rõ là nếu nghe những chi tiết về âm mưu bắt cóc Ôlivơ lần thứ hai, ông ta sẽ nổi giận lôi đình như thế nào, nên cô không dám thổ lộ điều bí mật với ông khi những nhận định của cô và cô gái không được một người có kinh nghiệm nào tán thành. Lại còn có nhiều lý do khiến cô phải hết sức cẩn thận và phải đề phòng không nói cho bà Mâyli biết, vì điều đầu tiên bà làm là thế nào cũng sẽ bàn với ông bác sĩ quý hóa về câu chuyện này. Còn chuyện nhờ một số người cố vấn pháp luật nào thì ngay dù cho cô có biết làm như vậy, đó cũng vẫn là một điều không thể nghĩ đến, cũng vì những lý do như vậy. Có một lần cô sực nhớ đến việc nhờ Hari giúp, nhưng điều này lại gợi lại kỷ niệm về cuộc từ biệt giữa hai người vừa rồi, cô cảm thấy mình không xứng đáng để gọi chàng về - và nước mắt rưng rưng trong khi suy nghĩ điều này - biết đâu lúc này chàng đã quên mình và sống sung sướng hơn khi ở xa mình.

Bị giằng xé trước bao suy nghĩ ngổn ngang, khi thiên về hướng này, lúc ngả theo ý khác, rồi lại gạt bỏ tất cả khi mỗi nhận định lần lượt xuất hiện trong óc, cô Rôdơ đã trải qua một đêm mất ngủ và lo lắng. Hôm sau, khi đã suy nghĩ thêm, cô đi đến một quyết định tuyệt vọng là sẽ hỏi ý kiến Hari.

“Anh ấy sẽ phiền lòng khi phải trở lại đây, và điều ấy cũng sẽ làm mình rất khổ tâm! Nhưng có lẽ anh ấy sẽ không đến, anh ấy có thể viết thư, hay có thể đến và né tránh gặp mặt mình - anh đã làm thế khi ra đi. Mình không nghĩ rằng anh ấy sẽ làm thế, nhưng điều đó sẽ là tốt hơn cho cả hai”. Song đến đây, cô Rôdơ buông rơi bút và quay mặt đi, dường như ngay cả tờ giấy - kẻ sẽ báo tin của cô - cũng sẽ không được phép trông thấy cô khóc.

Cô Rôdơ cầm bút lên và đặt xuống đến năm mươi lần và đã suy đi tính lại về câu đầu tiên cô sẽ viết trong bức thư nhưng vẫn chưa được chữ nào. Bỗng Ôlivơ, nãy giờ đi ngoài phố cùng với Jailit làm người bảo vệ cho cậu, hớt hải bước vào phòng và vô cùng xúc động, hình như có một lý do gì mới khiến cậu hốt hoảng.

“Chuyện gì mà hốt hoảng thế, em?”, cô Rôdơ bước ra đón nó và hỏi.

“Không hiểu sao em thấy như là bị nghẹt thở ấy”, cậu bé đáp “Chị ơi! Hẳn là em cho rằng cuối cùng thế nào em cũng gặp lại cụ ấy và chị sẽ xác minh được là em đã nói cho chị tất cả sự thực!”.

“Chị bao giờ cũng tin em chỉ nói sự thực mà thôi”, cô Rôdơ đáp, tìm cách an ủi nó. “Nhưng chuyện gì thế?... Em nói ai thế?”.

“Em đã trông thấy cụ ấy”, Ôlivơ đáp, hầu như không nói nên lời, “cái cụ rất tốt với em... cụ Braolâu mà chị em mình thường nói chuyện ấy mà”.

“Ở đâu?”, cô Rôdơ hỏi.

“Cụ ấy từ trên xe ngựa bước xuống”, Ôlivơ đáp, nước mắt tuôn trào vì sung sướng, “và cụ bước vào một ngôi nhà. Em chưa kịp nói chuyện với cụ ấy... Em không thể nói với cụ ấy, và cụ ấy không thấy em, em run dữ quá nên không sao lại gần bên cụ ấy được. Nhưng bác Jailit hỏi hộ em xem có phải cụ ở đấy không và được đáp là phải. Chị xem này”, Ôlivơ nói và mở một mẩu giấy ra, “đây đây là nơi cụ ấy ở... em sẽ lại đấy ngay. Trời! Em sẽ làm gì khi đến thăm cụ ấy và lại được nghe cụ ấy nói!”.

Không hề mảy may bị lôi cuốn trước bao lời tíu tít reo mừng của Ôlivơ, cô Rôdơ đọc địa chỉ: Đường Krâyvân, ở Xiranđơ, cô liền quyết định tận dụng cuộc gặp mặt này.

“Nhanh lên!”, cô nói. “Bảo họ tìm một chiếc xe ngựa và đi với chị. Chị sẽ đưa em đến đó ngay không bỏ lỡ một phút. Chị chỉ cần dặn dì là chị em mình ra đi một tiếng đồng hồ và chị sẽ sẵn sàng khi em đã sẵn sàng”.

Ôlivơ không đợi phải nhắc và chỉ năm phút sau, hai người đã ở trên đường đi đến Krâyvân. Khi tới nơi, cô Rôdơ để Ôlivơ ngồi lại xe ngựa, mượn cớ chuẩn bị cho cụ già đón tiếp nó, và bảo anh đầy tớ cầm danh thiếp lên yêu cầu gặp cụ Braolâu có việc rất gấp. Lát sau, anh đầy tớ quay lại mời cô Rôdơ đi theo anh ta lên căn phòng trên gác, cô được giới thiệu với một cụ già có vẻ hiền từ mặc áo ngoài màu lá cây. Cách cụ không xa là một ông già mặc quần ống túm bằng lụa Nam Kinh và đi ghệt. Trông ông không có vẻ hiền từ cho lắm, ông ngồi hai tay nắm lấy đầu một cây gậy to tướng cầm tì lên đầu gậy.

“Trời!”. Cụ già mặc áo ngoài màu lá cây nói và vội vàng đứng dậy, vẻ rất lịch thiệp. “Xin lỗi cô... tôi cứ tưởng một người nào đến quấy rầy... mong cô thứ lỗi. Mời cô ngồi!”.

“Thưa bác, bác có phải là bác Braolâu không ạ?”. Cô Rôdơ nói, rồi đưa mắt nhìn hết ông già đến cụ Braolâu.

“Đó là tên tôi”, cụ bảo. “Đây là ông bạn của tôi ông Grimuych, anh cho phép chúng tôi gặp riêng nhau vài phút nhé!”.

“Cháu nghĩ rằng”, cô Rôdơ ngắt lời, “vào lúc này của cuộc trao đổi, cháu nhận thấy không cần phải phiền bác ấy chịu khó đi chỗ khác. Theo như cháu biết, bác ấy có biết câu chuyện mà cháu định nói với bác”.

Cụ Braolâu cúi đầu. Ông Grimuych cúi đầu chào rất kiểu cách và sau khi rời khỏi ghế, cúi chào lần nữa rất kiểu cách rồi lại buông mình xuống ghế.

“Chắc hẳn cháu sẽ làm bác rất ngạc nhiên”, cô Rôdơ bảo, vẻ vô cùng lúng túng, “nhưng bác đã có lần tỏ ra rất nhân hậu đối với một anh bạn trẻ hết sức thân yêu của cháu, nên cháu tin chắc là bác sẽ thích thú khi lại được nghe nói đến cậu bé ấy”.

“Thế kia à?”, cụ Braolâu nói.

“Bác biết cậu ta tên là Ôlivơ Tuýt”, cô Rôdơ đáp.

Những lời này vừa mới thốt ra khỏi miệng cô Rôdơ thì ông Grimuych - nãy giờ giả vờ vùi đầu vào một quyển sách to tướng đặt trên bàn - đã làm quyển sách rơi xuống nghe một tiếng “độp” rồi ngả người ra lưng ghế, vẻ mặt ngạc nhiên không giấu giếm. Ông ta trố mắt nhìn ngơ ngác, rồi dường như xấu hổ vì đã biểu lộ nhiều cảm xúc như vậy, ông ta giật mình cố giữ dáng vẻ ban đầu của mình, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng buông ra một tiếng huýt sáo trầm trầm và dài, tiếng này hình như không phải là vang lên ở trong không trung mà tắt lịm ở nơi sâu thẳm của dạ dày ông ta.

Cụ Braolâu cũng ngạc nhiên không kém, mặc dầu sự ngạc nhiên của cụ không biểu lộ một cách cũng kỳ quặc như thế. Cụ kéo ghế lại gần cô Rôdơ hơn và nói:

“Cô yêu quý xin cô làm ơn gạt bỏ hẳn câu chuyện lòng tốt và lòng nhân hậu mà cô vừa nói, và ngoài cô ra không ai biết gì về chuyện đó cả. Và nếu như cô có thể nêu lên một bằng chứng làm thay đổi nhận định không hay mà tôi đã có lần đưa ra về thằng bé tội nghiệp thì lạy Chúa, xin cô cho tôi biết”.

“Một thằng bé hư hỏng!”. Ông Grimuych càu nhàu, tựa hồ như lời nói từ trong bụng thốt ra, không cử động một thớ thịt nào trên mặt.

“Em nó là một đứa trẻ bản lĩnh cao quý và có con tim nồng nhiệt”, cô Rôdơ đáp, mặt đỏ ửng, “và cái số phận đã bắt em nó phải chịu đựng thử thách vượt quá khả năng, đã để lại trong lòng nó những tình cảm thân yêu và lòng trung thành có thể làm vinh dự cho nhiều người tuổi gấp sáu lần nó”.

“Tôi chỉ mới sáu mươi mốt tuổi”, ông Grimuych nói, vẫn với cái vẻ mặt đanh như trước, “và nếu như không có quỷ sứ can thiệp thì thằng Ôlivơ này ít nhất cũng mười hai tuổi, tôi không hiểu nhận xét này là chỉ ai đây?”.

“Cô Rôdơ, cô đừng để ý đến ông bạn của tôi, nói thế thôi chứ ông ấy nghĩ khác”.

“Ông ta nghĩ thế đấy”, ông Grimuych càu nhàu.

“Không, ông ta không nghĩ thế đâu”, cụ Braolâu nói, rõ ràng bắt đầu nổi cáu.

“Ông ta sẽ ăn cái đầu của mình nếu như ông ta không nghĩ thế”, ông Grimuych càu nhàu.

“Nếu thế thì ông ta đáng để cho người ta chặt đầu đi”, cụ Braolâu nói.

“Và ông ta rất muốn xem có ai dám làm thế không?”, ông Grimuych đáp, lấy gậy gõ gõ lên sàn.

Đã đi xa như vậy, hai ông già lấy thuốc lá hít mấy lần rồi lại bắt tay nhau, theo thói quen không thay đổi của họ. Cụ Braolâu nói:

“Cô Rôdơ, bây giờ ta quay trở lại cái đầu đề đã làm cho con tim nhân từ của cô quan tâm đến nhiều như vậy. Cô cho tôi biết cô có tin tức gì về thằng bé tội nghiệp ấy không? Cô cho phép tôi nói trước là tôi đã tìm hết mọi cách để phát hiện nó và từ khi tôi rời khỏi đất nước, ý kiến đầu tiên của tôi về chỗ nó đã đánh lừa tôi và đã bị đồng bọn trước đây của nó xúi giục ăn trộm của tôi đã bị lay chuyển rất nhiều”.

Cô Rôdơ đã có thì giờ tập hợp những ý nghĩ của mình, liền dùng lời lẽ giản dị và ngắn gọn kể lại tất cả những điều Ôlivơ đã gặp từ khi rời bỏ ngôi nhà của cụ Braolâu, dành riêng những tin tức của Nenxi cho cụ Braolâu và cam kết kết luận rằng điều buồn bã duy nhất của Ôlivơ là đã mấy tháng nay nó không thể nào gặp vị ân nhân và người bạn trước đây của nó.

“Cảm ơn Chúa!”. Cụ già nói. “Đây là một hạnh phúc to lớn đối với tôi. Rất to lớn. Nhưng cô chưa cho tôi biết bây giờ cháu nó ở đâu, cô Rôdơ ạ. Xin cô tha lỗi cho tôi đã trách móc cô... nhưng tại sao cô lại không đem nó đến?”.

“Em nó đang ngồi đợi trong chiếc xe ngựa đậu ở trước cửa”, cô Rôdơ đáp.

“Trước cửa này à?”. Cụ già kêu lên. Nói đoạn cụ lao ra khỏi phòng, chạy xuống cầu thang, bước lên bậc xe ngựa và nhảy vào trong xe không nói nửa lời.

Khi cánh cửa phòng đóng lại phía sau, ông Grimuych ngẩng đầu lên và biến một chân sau của chiếc ghế thành một cái trục, ông vẽ ba vòng tròn, rõ ràng nhờ sự giúp sức của cây gậy và cái bàn, trong khi vẫn ngồi yên trên ghế. Sau khi đã thực hiện trò biểu diễn này, ông đứng lên, bước khập khiễng thực nhanh khắp căn phòng, ít nhất là mười hai lần và đột nhiên dừng lại trước mặt cô Rôdơ, ông hôn cô mà không báo trước gì hết.

“Suỵt!”. Ông nói, khi cô hoảng hốt đứng lên trước một cử chỉ khác thường như thế. “Cô đừng sợ. Tôi già như ông nội của cô. Cô là một cô gái tuyệt diệu. Tôi yêu quý cô. Ông cháu nó đây rồi!”.

Thực vậy, ông vừa mới kịp vội ném mình xuống chiếc ghế vẫn ngồi thì cụ Braolâu đã quay lại, có Ôlivơ theo sau, và cậu ta được ông Grimuych đón tiếp rất niềm nở và ví thử giây phút sung sướng này là phần thưởng duy nhất cho tất cả sự săn sóc và chăm nom Ôlivơ thì cô Rôdơ cũng đã được đền bù xứng đáng.

“À, còn một người nữa không được bỏ quên!”. Cụ Braolâu nói và rung chuông. “Làm ơn gọi bà Betuyn lên đây!”.

Bà cụ giữ nhà đáp lại lời yêu cầu ngay lập tức, và cúi chào ở trước cửa bà chờ đợi lệnh. Cụ Braolâu nói, giọng hơi bực tức:

“Thế nào? Mắt bà ngày càng kém à? Bà Betuyn!”.

“Thưa ông, quả thực thế ạ”, bà cụ đáp. “Thưa ông mắt người ta vào tuổi tôi không phải sáng lên theo tuổi”.

“Lẽ ra tôi có thể bảo bà thế”, cụ Braolâu nói tiếp, “nhưng bà hãy đeo kính lên và xem thử bà có tìm được cái bà cần ở đây không?”.

Bà cụ bắt đầu lục trong túi áo tìm kính, nhưng lòng kiên nhẫn của Ôlivơ không thể chịu đựng được sự thử thách mới này và vâng theo sự thúc đẩy đầu tiên, nó lao vào vòng tay của bà.

“Chúa tốt với tôi quá!”. Bà cụ kêu lên ôm ghì lấy nó. “Nó là thằng con vô tội của tôi!”.

“U già thân yêu của con!”, Ôlivơ kêu lên.

“Nó sẽ quay về mà... tôi biết nó sẽ quay về...”. Bà cụ nói, ôm ghì lấy nó. “Trông nó xinh quá, nó lại ăn mặc y hệt như con của một người lịch sự! Mấy lâu nay con ở đâu? À! Mặt mày vẫn dễ thương như trước, nhưng không xanh xao như thế, đôi mắt dịu dàng nhưng không buồn như thế! Tôi chẳng bao giờ quên cặp mắt hay nụ cười hiền lành của nó, ngày nào tôi cũng thấy nó ở bên cạnh với những đứa con thân yêu của tôi đã chết và đã ra đi từ khi tôi còn vô tư và trẻ trung”. Trong khi nói thao thao bất tuyệt, bà khi đẩy nhẹ Ôlivơ ra để xem nó đã lớn được bao nhiêu, khi ôm ghì nó vào lòng, âu yếm lấy tay chải tóc cho nó, con người quý hóa hết khóc lại cười.

Để mặc bà Betuyn và Ôlivơ tha hồ trao đổi những ý nghĩ, cụ Braolâu đưa cô Rôdơ vào một căn phòng khác và ở đây cụ nghe cô kể lại chi tiết về cuộc gặp mặt của mình với Nenxi và điều đó đã làm cho cụ rất ngạc nhiên và lo lắng. Cô Rôdơ cũng giải thích tại sao cô không bàn bạc với ông bạn là ông Lôxbơcnơ trước đã. Cụ Braolâu nhận thấy cô đã hành động thận trọng, và cụ sẵn sàng bàn bạc nghiêm chỉnh với ông bác sĩ quý hóa. Để cụ Braolâu có một dịp thuận tiện thực hiện ý định của mình, hai người thu xếp là cụ sẽ đến biệt thự tối nay vào tám giờ và trước lúc ấy cô Rôdơ đã phải cho bà Mâyli biết rõ tất cả những điều xảy ra. Sau khi đã bàn bạc về những biện pháp chuẩn bị này, cô Rôdơ và Ôlivơ trở về nhà.

Cô Rôdơ không hề tính sai khi thấy trước vị bác sĩ quý hóa sẽ nổi giận như thế nào. Câu chuyện Nenxi kể lại vừa mới được bộc lộ cho ông ta biết thì ông đã tuôn ra cả một tràng những lời đe dọa và chửi bới, đe dọa sẽ biến Nenxi thành nạn nhân đầu tiên của sự điều tra khéo léo của các ngài Blethơ và Đơp và thậm chí đội mũ định xông ngay ra nhờ họ can thiệp. Cố nhiên, đang đà nổi cơn bốc đồng ông đã thực hiện ý định này mà không hề nghĩ đến những hậu quả nếu như không bị kìm hãm một phần trước thái độ hăng hái của cụ Braolâu - cụ cũng tính tình dễ cáu gắt - và một phần trước những lời phản đối và những lập luận xem ra thích hợp nhất để ông rời bỏ ý định nóng vội của mình.

“Thế thì, mẹ kiếp, trong trường hợp này cần phải làm gì?”, ông bác sĩ hăng bốc nói khi hai người quay trở lại với hai người đàn bà. “Hay là chúng ta phải cám ơn tất cả những bọn du đãng kia, đàn ông cũng như đàn bà và lạy lục chúng nhận một trăm bảng, hay đại khái như vậy để làm một bằng chứng nhỏ nhặt tỏ lòng tôn kính và biết ơn chúng đã có lòng tốt đối với Ôlivơ?”.

“Không hẳn thế”, cụ Braolâu đáp, rồi cười khanh khách, “nhưng chúng ta phải hành động nhẹ nhàng và rất thận trọng”.

“Nhẹ nhàng và rất thận trọng”, ông bác sĩ kêu lên, “tôi chỉ muốn đẩy tất cả vào...”.

“Vào đâu cũng không quan trọng”, cụ Braolâu ngắt lời.

“Nhưng ông hãy nghĩ mà xem, chúng ta có thể đạt được mục đích mà chúng ta nhằm đạt tới không, nếu như chúng ta đưa chúng đi bất cứ nơi nào”.

“Mục đích gì?”, bác sĩ hỏi.

“Này nhé, phát hiện nguồn gốc của Ôlivơ, và trả lại cho nó cái tài sản mà cháu nó đã bị tước đoạt một cách gian dối, nếu như câu chuyện này là có thực”.

“Ừ nhỉ!”, ông Lôxbơcnơ nói và lấy chiếc khăn tay quạt quạt vào người, “suýt nữa mình quên mất điều đó”.

“Ông thấy chưa”, cụ Braolâu nói tiếp, “ngay dù cho chúng ta không để ý đến cô con gái tội nghiệp kia và giả thử là chúng ta có thể đưa bọn khốn kiếp ấy ra tòa mà không làm cho cô ta nguy hiểm thì chúng ta có được điều lợi gì nào?”.

“Ít nhất là treo cổ được một vài đứa, và bọn còn lại thì cho đi đày”, ông bác sĩ nói.

“Rất hay”, cụ Braolâu mỉm cười đáp, “nhưng cố nhiên là chúng nó sẽ giữ kín điều đó và nếu như chúng ta can thiệp vào để bắt chúng nói thì tôi thấy chúng ta làm một hành động rất ngu ngốc, hoàn toàn đối lập lại những quyền lợi của chúng ta... hay ít nhất là Ôlivơ, hai đằng cũng như nhau”.

“Nên làm như thế nào?”, ông bác sĩ hỏi.

“Thế này nhé. Rõ ràng là chúng ta sẽ hết sức khó khăn vất vả trong việc hiểu thấu đáo điều bí mật này, trừ phi có thể bắt thằng cha Mănxơ quỳ xuống thú tội. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách dùng mưu tóm hắn khi không có đồng bọn, vì cho dù rằng hắn bị tóm cổ, chúng ta vẫn không có bằng chứng gì tố cáo hắn cả. Thậm chí, hắn không hề tham dự vào vụ trộm cắp nào (theo như tôi biết hoặc qua những sự kiện như chúng ta thấy). Ngay dù cho có bị bắt thì rất có thể hắn sẽ không bị trừng trị gì hết ngoài việc bị giam như là một tên du đãng và lừa đảo mà thôi. Và cố nhiên sau đó miệng hắn sẽ bướng bỉnh mãi mãi ngậm lại, chẳng khác gì miệng một thằng ngốc, đã thế lại còn câm, điếc, mù lòa”.

“Thế thì”, bác sĩ sôi nổi nói, “tôi lại muốn hỏi ông, ông có cho rằng chúng ta sẽ bị lời hứa đối với cô gái kia ràng buộc không? Một lời hứa với những ý định tốt nhất và thiện chí nhất, nhưng thực ra...”.

“Xin cô bạn trẻ của tôi đừng bàn cãi điểm này”, cụ Braolâu nói, ngắt lời cô Rôdơ vì cô định nói, “lời hứa phải được tôn trọng. Tôi không cho rằng nó mảy may cản trở những việc làm của chúng ta. Nhưng trước khi chúng ta quyết định một hành động nào cụ thể thì cần phải gặp cô gái, phải biết chắc cô ta có chỉ mặt tên Mănxơ kia không với điều kiện là chúng ta sẽ bàn bạc công việc với hắn chứ không phải đưa hắn ra pháp luật. Hay nếu như cô ta không muốn hay không thể làm như vậy thì cần phải nhờ cô ta cho biết hắn hay đến những nơi nào và hình dáng hắn ra sao để chúng ta có thể nhận mặt hắn. Ta không thể gặp cô ta trước tối chủ nhật và hôm nay là thứ ba. Trong thời gian này tôi muốn đề nghị chúng ta phải hoàn toàn bình thản và giữ chuyện này bí mật, ngay cả đối với Ôlivơ”.

Mặc dầu ông Lôxbơcnơ mặt mày nhăn nhó nhận đề nghị hoãn năm ngày trời, nhưng cũng đành phải chấp nhận rằng trong trường hợp này không thể có cách nào tốt hơn. Cả cô Rôdơ lẫn bà Mâyli đều ủng hộ đề nghị của cụ Braolâu hết sức kiên quyết, nên đề nghị của cụ được mọi người nhất trí. Cụ Braolâu nói tiếp:

“Tôi muốn nhờ ông bạn Grimuych của tôi giúp một tay. Ông ta là người kỳ quặc nhưng tinh khôn và có thể giúp chúng ta nên việc. Tôi muốn nói rằng ông ta đã học luật và đã rời khỏi tòa án vì chán ghét do chỗ suốt hai mươi năm trời, người ta chỉ giao cho ông ta có một khách hàng và một vụ kiện và mặc dầu lời nói của tôi có thể là một lời giới thiệu hay không, xin các vị cứ quyết định xem có nên hỏi ý kiến ông ta không”.

“Tôi không phản đối ông hỏi ý kiến bạn mình nếu như tôi cũng được phép hỏi ý kiến bạn tôi”, bác sĩ nói.

“Chúng ta phải giải quyết bằng cách bỏ phiếu”, cụ Braolâu đáp, “ông bạn của ông là ai thế?”

“Là cậu con bà này và anh bạn cũ rất thân của cô này”, bác sĩ nói rồi chỉ bà Mâyli và kết luận bằng cách nhìn cô cháu gái của bà một cách đầy ý nghĩa.

Cô Rôdơ đỏ ửng mặt nhưng không hề nói lời nào phản đối đề nghị này (có lẽ vì cô cảm thấy mình sẽ là thiểu số ghê gớm), và Hari Mâyli và ông Grimuych đều được điều thêm vào tiểu ban. Bà Mâyli nói:

“Cố nhiên chúng tôi sẽ ở lại thành phố trong khi còn đôi chút hy vọng tiếp tục cuộc điều tra này thành công. Tôi sẽ không tiếc công sức và tiền bạc để giúp đối tượng mà tất cả chúng ta đều hết sức quan tâm, và tôi vui lòng ở lại đây, dù là hai mươi tháng, hễ các ông cam đoan rằng vẫn còn có hy vọng”.

“Tốt lắm!”, cụ Braolâu nói. “Qua nét mặt mọi người, tôi nhận thấy ai nấy đều có ý muốn hỏi tại sao tôi không ở lại đây để tìm hiểu câu chuyện của Ôlivơ mà đột nhiên rời khỏi Vương quốc Anh, tôi xin phép được đưa ra một điều kiện. Xin các vị đừng nêu những câu hỏi như vậy khi tôi thấy chưa đến lúc thuận tiện phải nói ra và xin được kể luôn câu chuyện của tôi. Các vị cứ tin tôi, tôi có những lý do quan trọng để đưa ra yêu cầu này, vì nếu không, tôi có thể gây nên những hy vọng không bao giờ có thể thực hiện được hay chỉ tăng thêm những khó khăn và thất vọng hiện nay đã quá nhiều. Thôi! Đã đến lúc dùng bữa ăn tối rồi, cậu bé Ôlivơ ngồi một mình ở phòng bên cạnh, lúc này chắc hẳn nghĩ rằng chúng ta chán cậu ta và đang bàn mưu tính kế gạt bỏ cậu ta”.

Nói đoạn, cụ Braolâu giơ tay đỡ bà Mâyli và dẫn bà vào phòng ăn tối. Ông Lôxbơcnơ đi theo dẫn cô Rôdơ vào phòng, và cuộc họp bàn hôm nay thực tế chấm dứt.