Ôlivơ Tuýt - Chương 49

CHƯƠNG XLIX

MĂNXƠ VÀ CỤ BRAOLÂU CUỐI CÙNG GẶP NHAU, CUỘC TRAO ĐỔI GIỮA HAI NGƯỜI VÀ CÁI TIN CẮT ĐỨT CUỘC TRAO ĐỔI NÀY

Hoàng hôn bắt đầu khi cụ Braolâu bước xuống chiếc xe ngựa đỗ trước cửa nhà mình và khẽ gõ cửa. Cánh cửa mở, một người đàn ông lực lưỡng bước ra khỏi xe, đứng bên cạnh bậc xe trong khi một người khác ngồi ở chỗ ngồi của người đánh xe ngựa cũng bước xuống và đứng ở phía bên kia. Theo hiệu lệnh của cụ Braolâu, hai người kéo ra khỏi xe một người thứ ba và kèm sát người này, kéo vào trong nhà. Người này là Mănxơ.

Họ cứ như vậy bước lên cầu thang, không nói một lời và cụ Braolâu đi trước dẫn họ vào một căn phòng phía sau. Đến cánh cửa căn phòng này, Mănxơ là người rõ ràng đã miễn cưỡng bước lên đấy, dừng lại. Hai người đàn ông nhìn cụ già hỏi ý kiến. Cụ Braolâu bảo:

“Tùy hắn, nếu lưỡng lự hay cử động một ngón tay, các anh cứ việc lôi hắn ra ngoài phố, gọi cảnh sát đến giúp và nhân danh tôi, bắt hắn như một tên phạm tội”.

“Sao ông lại dám nói như vậy về tôi?”.

“Sao anh lại dám đẩy tôi đến chỗ phải làm thế?”. Cụ Braolâu đáp và nhìn thẳng vào mặt hắn. “Anh có điên đến nỗi dám rời khỏi nhà này không? Buông anh ta ra. Đấy anh xem. Anh tha hồ đi và chúng tôi tha hồ theo. Nhưng nhân danh tất cả những gì thiêng liêng và cao quý nhất, tôi báo trước anh biết, nếu anh bước ra ngoài đường, lập tức tôi sẽ sai bắt anh về tội ăn cắp và lừa đảo đấy. Tôi kiên quyết và một mực sẽ làm như vậy. Nếu anh quyết định làm theo ý mình thì máu sẽ chảy trên đầu anh”.

“Ông lấy quyền gì bắt cóc tôi ngoài phố và sai những con chó này mang tôi đến đây?”. Mănxơ hỏi, đưa mắt nhìn lần lượt hai người đứng cạnh hắn.

“Lấy quyền lực của tôi”, cụ Braolâu đáp. “Tôi chịu trách nhiệm về những con người này. Nếu anh than phiền mình bị tước mất tự do thì tôi nhắc lại anh có quyền nhờ luật pháp che chở mình (lúc nãy anh có khả năng và cơ hội giành lại được tự do khi anh đi ngoài đường, nhưng anh thấy nên yên lặng thì tốt hơn). Tôi cũng sẽ nhờ tới pháp luật, nhưng khi anh đã đi quá xa không thể lùi lại nữa thì anh đừng có hòng nhờ tôi can thiệp để được khoan hồng vì quyền lực đã trao vào những bàn tay khác và đừng nói rằng tôi đã ném anh xuống vực khi chính anh lao đầu xuống”.

Rõ ràng Mănxơ hoang mang, không những thế còn hốt hoảng. Hắn phân vân. Cụ Braolâu nói, giọng rất kiên quyết và bình thản:

“Anh quyết định nhanh đi. Nếu anh muốn, tôi sẽ tố giác anh trước tòa và bắt anh phải chịu một hình phạt mà mặc dù tôi có thể hình dung ra và rùng mình khi nghĩ tới nó, tôi nhắc lại một lần nữa rằng tôi không thể nào can thiệp để xin khoan hồng cho anh, anh biết người ta sẽ làm như thế nào. Trái lại nếu anh kêu gọi lòng tha thứ của tôi và lòng thương thì hãy lặng lẽ ngồi xuống cái ghế này. Nó đã chờ đợi anh hai ngày trời rồi đấy”.

Mănxơ lẩm bẩm mấy tiếng nghe không rõ nhưng vẫn lưỡng lự, cụ Braolâu bảo:

“Nhanh nhanh cho, tôi chỉ nói một lời và anh sẽ vĩnh viễn không còn lúc nào để lựa chọn nữa”.

Nhưng Mănxơ vẫn lưỡng lự.

“Tôi không có ý định bàn bạc lâu hơn nữa, và vì tôi bênh vực những quyền lợi thiết thân cho những người khác, nên tôi không có quyền”.

“Thế không...”, Mănxơ hỏi, ấp úng, “... không có cách nào khác nữa sao?”.

“Không!”.

Mănxơ nhìn ông già với cặp mắt lo lắng, nhưng thấy thái độ ông ta nghiêm nghị và kiên quyết, hắn bước vào phòng, nhún vai và ngồi xuống. Cụ Braolâu nói với hai người đầy tớ:

“Khóa cửa ngoài lại và khi nào tôi rung chuông thì mới được vào!”

Hai người vâng lời.

Trong phòng chỉ còn lại cụ Braolâu và Mănxơ.

“Thưa ông, đây phải chăng là một cách đối xử tử tế?”, Mănxơ nói và ném mũ và áo khoác xuống, “của người bạn xưa nhất của cha tôi?”.

“Anh bạn, chính vì tôi là bạn xưa nhất của cha anh”, cụ Braolâu đáp, “chính vì những hy vọng và mơ ước trong những năm trẻ trung và hạnh phúc của tôi là gắn bó với ông ta và với con người xinh đẹp, cùng máu mủ ruột thịt với ông ta mà Chúa đã gọi lên với Người khi còn trẻ và bắt tôi sống trọn đời cô độc một mình, chính vì ông ta đã cùng tôi quỳ xuống bên giường nơi cô em gái duy nhất của ông ta đang hấp hối lúc ông ta hãy còn là một cậu bé, ngay vào cái buổi sáng lẽ ra sẽ làm cho cô ấy trở thành người vợ trẻ của tôi nhưng trời đã không muốn thế. Chính vì từ lúc đó trở đi, trái tim tan nát của tôi đã gắn bó với ông ta bất chấp những thử thách và những lầm lạc của ông ta cho đến khi ông ta chết, chính vì những hồi tưởng và liên tưởng đến những điều xưa cũ tràn ngập lòng tôi và mới thấy anh, tôi lại nghĩ ngay đến ông ta, chính vì tất cả những lý do ấy mà tôi phải đối xử dịu dàng với anh - đúng thế, anh Etuôt Lifort, ngay cả bây giờ - và tôi xấu hổ vì anh không xứng đáng mang cái tên ấy”.

“Cái tên có liên quan gì tới điều đó!”. Người kia hỏi, sau khi ngắm, nửa im lặng, nửa ngạc nhiên khó chịu, vẻ xúc động của người đang nói chuyện với mình. “Đối với tôi cái tên có ý nghĩa gì đâu!”.

“Không có ý nghĩa gì”, cụ Braolâu đáp, “không có ý nghĩa gì đối với anh, nhưng đó là cái tên của cô ấy, và ngay dù cho khoảng cách thời gian dài như thế, nó vẫn làm tôi, một người già nua, nhớ lại cái sức lôi cuốn và thu hút mà tôi đã từng cảm thấy khi chỉ cần nghe một người lạ nhắc đến nó. Tôi rất sung sướng rằng anh đã lấy một cái tên khác... đúng thế... đúng thế”

“Tất cả câu chuyện này hay hớm lắm”, Mănxơ đáp (chúng tôi vẫn giữ cái tên giả mạo của hắn) sau một phút im lặng kéo dài trong đó hắn loay hoay trên chiếc ghế ra vẻ thách thức khó chịu, còn cụ Braolâu thì lấy tay che mặt. “Nhưng ông muốn gì nào?”.

“Anh có một đứa em”, cụ Braolâu nói, lòng thấy phấn chấn, “một đứa em mà tôi chỉ cần nhắc đến bên tai anh khi tôi đi theo sau anh ở ngoài đường là đủ để anh theo tôi đến đây vừa ngạc nhiên vừa hoảng hốt”.

“Tôi không có em iếc gì cả”, Mănxơ đáp. “Ông biết rằng tôi là con một. Tại sao ông lại nói chuyện em iếc với tôi nhỉ? Ông biết điều này cũng rõ như tôi kia mà!”.

“Hãy nghe những điều tôi biết rất rõ và có thể anh không biết”, cụ Braolâu nói. “Nhân tiện, tôi sẽ còn làm cho anh chú ý đây. Tôi biết rất rõ anh là đứa con duy nhất và hết sức bất ngờ của một cuộc hôn nhân khốn khổ mà lòng kiêu hãnh gia đình và sự tham lam bỉ ổi và chật hẹp nhất đã bắt ông cha bất hạnh của anh phải chấp nhận khi ông ta chỉ là một thằng bé”.

“Tôi không cần chú ý đến chuyện chửi rủa”. Mănxơ ngắt lời và thốt cười vẻ chế giễu. “Ông biết sự thực, và đối với tôi đủ”.

“Nhưng tôi còn biết”, ông già nói tiếp, “cuộc hôn nhân không xứng đôi vừa lứa này đã gây nên cảnh khổ cực, nỗi dằn vặt âm ỉ, nỗi đau khổ kéo dài. Tôi biết cặp vợ chồng khốn khổ kia đã phải kéo lê cái xiềng xích nặng nề này một cách mệt nhọc và miễn cưỡng như thế nào trong suốt cuộc đời đã bị đầu độc đối với cả hai. Tôi biết, kế tiếp theo sau tình trạng thờ ơ lạnh nhạt là những cuộc xung đột công khai như thế nào, thái độ thờ ơ nhường chỗ cho sự chán ghét, chán ghét nhường cho căm thù, căm thù nhường cho ghê tởm, cho đến khi cuối cùng hai người cắt đứt liên hệ, và vì không thể nào bẻ gãy được những sự ràng buộc mà chỉ có cái chết mới có thể bẻ gãy được, hai người che giấu nó ít nhất trước mặt cái xã hội mới dưới vẻ bên ngoài vui vẻ nhất mà họ có thể biểu lộ. Bà mẹ anh đã làm điều đó có kết quả, chẳng bao lâu bà đã quên tất cả. Nhưng trong bao năm trời nó vẫn làm cho trái tim của cha anh đau khổ và bị nhiễm độc”.

“Đúng rồi, hai người sống cách xa nhau”, Mănxơ nói, “thế sau đó thế nào?”.

“Sau khi hai vợ chồng sống cách xa nhau trong một thời gian”, cụ Braolâu nói tiếp, “và bà mẹ anh hoàn toàn lao vào những chuyện phù phiếm ở trên lục địa đã quên hẳn ông chồng trẻ hơn mình mười tuổi, ông này với cái tương lai đã tàn lụi, ở lại quê hương sống giữa những người bạn mới. Trường hợp này ít nhất anh cũng biết!”.

“Tôi không biết”, Mănxơ nói, quay mặt đi và lấy chân giẫm xuống đất, như một con người kiên quyết phủ nhận tất cả mọi việc. “Tôi không biết”.

“Giọng nói cũng như những hành động của anh khẳng định với tôi anh không bao giờ quên điều đó, và bao giờ anh cũng chua xót nghĩ đến nó”, cụ Braolâu nói tiếp. “Tôi nói đến những việc xảy ra cách đây mười lăm năm, khi anh chỉ là một đứa bé khoảng mười một thôi, và cha anh ba mươi mốt tuổi. Bởi vì như tôi đã nói, khi cụ thân sinh ra cha anh bắt cha anh lấy vợ thì cha anh hãy còn là một đứa trẻ. Tôi có phải quay trở lại những sự việc đã để lại một vết nhơ trong kỷ niệm của cha anh, hay là anh muốn tôi không nói đến điều đó, và thú thực cho tôi biết sự thật”.

“Tôi không có gì để bộc lộ hết”, Mănxơ đáp. “Nếu ông muốn, ông cứ việc nói”.

“Những người bạn mới của cha anh lúc đó”, cụ Braolâu nói, “là một sĩ quan hải quân về hưu - bà vợ của ông ta đã chết cách đấy nửa năm, để lại hai đứa con - hai vợ chồng có nhiều con nhưng gia đình chỉ còn lại hai người mà thôi. Cả hai đều là gái: một người là một cô gái mười chín tuổi, xinh đẹp và người kia chỉ là một con bé hai, ba tuổi”.

“Điều đó liên quan gì đến tôi?”, Mănxơ hỏi.

“Họ sống”, cụ Braolâu nói, vẻ hình như không để ý tới câu nói xen vào, “ở nơi thôn dã gần nơi mà cha anh thường lui tới trong thời gian đi lang thang và cuối cùng đã quyết định ở đấy. Chẳng bao lâu hai bên quen nhau rồi thân thiết gắn bó với nhau. Ít người có tài như cha anh. Ông đã có được cái tâm hồn và dáng người của cô em gái ông ta. Viên sĩ quan già càng biết rõ cha anh càng yêu quý ông ta. Giá tình hình đến đó là chấm dứt thì hay biết mấy. Nhưng cô gái cũng vậy”.

Cụ già dừng lại, Mănxơ đang cắn môi, mắt dán xuống sàn nhà. Thấy vậy, cụ Braolâu nói tiếp:

“Đến cuối năm, cha anh đã có những quan hệ gắn bó nghiêm chỉnh với cô gái kia: là đối tượng của tình yêu đầu tiên, chân thành, tha thiết, duy nhất của cô gái ngây thơ”.

“Chuyện ông kể dài dòng lắm”, Mănxơ nhận xét, và cứ loay hoay trên ghế.

“Anh bạn trẻ ơi, đây là một câu chuyện buồn bã và đau đớn, có thực”, cụ Braolâu đáp, “và những chuyện như thế thường dài. Nếu như đó chỉ là một câu chuyện vui vẻ và hạnh phúc thì nó sẽ rất ngắn. Cuối cùng, một trong những người bà con giàu có mà người ta đã hy sinh cha anh để bảo vệ lợi ích và địa vị của người này, đã chết - những chuyện như thế thường xảy ra - và để đền đáp lại sự thiệt hại mà cha anh đã từng phải chịu đựng, người này đã để lại cho cha anh thứ thuốc thần chữa được mọi nỗi đau phiền, đó là tiền. Cha anh cần phải lập tức đến La Mã - nơi người bà con kia đã đến dưỡng sức và đã chết ở đấy - để lại công việc của mình trong tình trạng hết sức lộn xộn. Cha anh ra đi, ở La Mã ông bị một chứng bệnh nguy hiểm và khi tin này về đến Pari thì mẹ anh mang theo anh cùng đi đến La Mã. Cha anh chết một ngày sau khi bà vợ đến, không để lại một di chúc nào - không có di chúc - kết quả là tất cả tài sản trở thành của mẹ anh và của anh”.

Đến đoạn này của câu chuyện kể, Mănxơ nín thở và lắng nghe, vẻ mặt đặc biệt chú ý, mặc dầu đôi mắt vẫn không hướng về phía người nói. Khi cụ Braolâu dừng lại, hắn thay đổi vị trí như một con người tự nhiên cảm thấy nhẹ cả người và lau mặt và hai tay nóng bừng.

“Trước khi ra nước ngoài, cha anh ghé qua Luân Đôn trên đường đi”, cụ Braolâu chậm rãi nói, mắt chăm chú nhìn thẳng vào mặt Mănxơ, “ông ta có ghé thăm tôi”.

“Tôi không hề nghe nói đến điều đó”, Mănxơ cắt ngang câu chuyện, giọng cố tình tỏ ra nghi ngờ, nhưng lại mang vẻ ngạc nhiên khó chịu nhiều hơn.

“Cha anh đến thăm tôi và trao cho tôi cùng với những vật khác, một bức tranh... bức tranh do chính ông ta vẽ... chân dung của cô bé tội nghiệp kia... ông ta không muốn để nó lại, nhưng lại không thể mang nó đi theo trong cuộc hành trình vội vã. Ông bị gầy rạc đi như một cái bóng vì lo lắng, hối hận, ông nói với tôi, giọng mơ hồ và lộn xộn về chỗ ông đã làm cho một gia đình bị nhục nhã và phá sản. Ông tâm sự với tôi về ý định chuyển tất cả tài sản của mình thành tiền với bất cứ giá nào, đảm bảo cho bà vợ và anh một phần cái gia tài mới của mình, và rời khỏi đất nước - tôi đoán rất rõ là ông ta không thể trốn đi một mình - và không bao giờ thấy lại nó nữa. Ngay cả với tôi, người bạn cũ từ khi còn nhỏ đã cùng ông ta có những tình cảm gắn bó bắt rễ ở trên nấm mồ của con người thân yêu nhất của cả hai... ngay cả đối với tôi, ông ta cũng không tâm sự gì đặc biệt mà chỉ hứa là sẽ viết và kể cho tôi nghe tất cả, rồi sau đó đến thăm tôi một lần nữa, lần cuối cùng. Than ôi! Đó là lần cuối cùng. Tôi không nhận được bức thư nào của ông ta, và không bao giờ gặp lại ông ta nữa”.

“Tôi đã đến”, cụ Braolâu nói sau một lát im lặng, “khi tất cả đã xong đâu vào đấy, tôi đã đến nơi xảy ra - tôi sẽ dùng những từ mà người ta vẫn dùng thoải mái vì thái độ rộng lượng hay khe khắt của thế gian đối với ông ta bây giờ đều chẳng có gì quan trọng nữa - nơi xảy ra cái tình yêu tội lỗi của ông ta, quyết định là nếu như những lo lắng của tôi trở thành sự thực thì cô gái tội nghiệp kia sẽ tìm thấy một trái tim và một ngôi nhà để che chở và xót thương cô ta. Nhưng gia đình đã rời khỏi nơi ấy cách đấy một tuần, họ đã trả những món nợ lặt vặt và đã ra đi, tôi không biết đi đâu, và rời khỏi nơi này lúc ban đêm. Không ai có thể nói tại sao họ lại đi và họ đi đâu”.

Mănxơ thở một cách thoải mái và đưa mắt nhìn quanh, rồi mỉm cười đắc thắng.

“Khi thằng em của anh”, cụ Braolâu nói, xích lại gần chỗ Mănxơ hơn, “khi thằng em của anh, một đứa bé rách rưới, bị bỏ quên, bị một bàn tay rắn chắc hơn là do ngẫu nhiên ném trên con đường của tôi và được tôi cứu khỏi tội lỗi và nhục nhã”.

“Cái gì?”, Mănxơ kêu lên, “Ai cứu?”.

“Tôi cứu”, cụ Braolâu nói, “Tôi đảm bảo với anh rằng câu chuyện của tôi lát nữa sẽ làm cho anh chú ý. Nhân tiện tôi nói lão Do Thái, tên đồng nghiệp ranh mãnh của anh, đã không cho anh biết tên tôi - mặc dầu trong chừng mực hắn ta biết - cái tên ấy chắc sẽ hoàn toàn xa lạ với anh. Khi tôi cứu thằng bé và nó nằm ở nhà tôi để chữa bệnh, tôi hết sức ngạc nhiên về điểm nó đặc biệt giống bức tranh mà tôi vừa nói. Ngay khi tôi thấy nó lần đầu tiên, mặc dầu nó bẩn thỉu và nghèo khổ, trên gương mặt nó vẫn có một cái vẻ phảng phất làm tôi bàng hoàng như khi ta thấy trong một giấc mơ sống động những nét mặt thoáng hiện của một người bạn cũ nào đấy. Tôi không cần kể cho anh biết nó đã bị bắt như thế nào trước khi tôi biết câu chuyện của nó...”.

“Tại sao lại không?”, Mănxơ vội vàng hỏi.

“Vì anh biết quá rõ rồi!”.

“Tôi ấy à?”.

“Anh có chối cũng không được với tôi”, cụ Braolâu đáp. “Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy rằng tôi còn biết nhiều điều khác nữa kia”.

“Ông... ông... ông không thể đưa ra một cái gì chống lại tôi”, Mănxơ nói lắp bắp. “Tôi thách ông đấy”.

“Để rồi xem”. Ông già đáp, nhìn một cách xoi mói. “Tôi đã mất thằng bé và mặc dù tôi ra công tìm nhưng không thấy nó. Mẹ anh đã chết. Tôi hiểu rằng nếu như một người nào đó có thể soi sáng điều bí mật này thì người đó là anh và gần đây tôi nghe tin anh đã đến nơi có tài sản của anh ở Oét Inđidơ, và như anh biết rất rõ, anh đã đến đấy sau khi mẹ anh chết để tránh những hậu quả của những sự theo dõi không hay ở đấy... tôi đã đi du lịch đến đấy. Anh đã rời khỏi nơi này mấy tháng trước, và người ta cho biết là anh đã về Luân Đôn, nhưng không ai có thể biết anh ở đâu. Tôi quay về. Bọn tay chân của anh không thể biết anh ở đâu. Người ta bảo anh đến và ra đi cũng kỳ quặc như xưa nay anh vẫn làm: đôi khi anh ở liền mấy ngày và đôi khi anh biến mất trong hàng tháng. Chắc hẳn anh vẫn lui tới những nơi hèn hạ như thế và chơi bời với những bọn hư hỏng đã từng là bạn bè với anh khi còn là một đứa bé hung dữ và bất trị. Tôi đi thơ thẩn ngoài phố cả ngày lẫn đêm, nhưng tất cả mọi cố gắng của tôi đều không có kết quả, tôi vẫn không hề thấy anh, không kể cách đây hai tiếng đồng hồ”.

“Và bây giờ ông trông thấy tôi rồi đấy”, Mănxơ nói và đứng lên, vẻ thách thức, “Thế rồi gì nữa? Ông nói đến dối trá và ăn cắp, toàn là những chữ rất kêu, theo ông, được chứng minh là đúng, vì có một sự giống nhau tưởng tượng nào đấy giữa một thằng ranh con với một bức tranh tồi của một con người đã chết. Em với iếc! Thậm chí ông không biết hai ông bà khốn nạn kia có con nữa kia, thậm chí ông không biết điều đó!”.

“Trước đây tôi không biết”, cụ Braolâu vừa đáp vừa đứng lên, “nhưng trong vòng nửa tháng nay tôi đã biết rõ mọi chuyện. Anh có một người em trai, anh biết điều đó lắm, anh biết cả nó nữa. Có một tờ di chúc mà bà mẹ anh đã hủy đi và khi chết đã cho anh biết điều bí mật này và điều đó có lợi cho anh khi bà ta chết. Tờ di chúc này nhắc đến một đứa trẻ chắc hẳn là kết quả của cái quan hệ buồn bã này. Đứa trẻ đã ra đời và anh đã ngẫu nhiên gặp nó khi sự giống nhau của nó với cha nó khiến anh ngờ vực. Anh đã đến nơi nó ra đời. Có những bằng chứng - những bằng chứng đã được giấu từ lâu - về nguồn gốc và quan hệ họ hàng của nó. Những bằng chứng này đã bị anh hủy đi và đây chính là những lời mà anh đã nói với lão Do Thái, kẻ tòng phạm của anh: “Những bằng chứng duy nhất về lai lịch thằng bé đều nằm dưới đáy sông và con mụ phù thủy đã nhận được những bằng chứng ấy từ tay mẹ nó đang thối rữa trong chiếc quan tài”. Đồ con hư hèn nhát, dối trá, mày là kẻ đã từng đêm đêm hội họp với những bọn trộm cắp và giết người trong những căn phòng tối tăm, mày là kẻ bày mưu lập kế gây nên cái chết bi đát của một con người có giá trị gấp triệu lần mày, từ khi còn ở trong nôi mày đã làm cho chính cha mày đắng cay tuyệt vọng và giờ đây mày mang trên bộ mặt của mày - cái bộ mặt phản ảnh trung thành tâm hồn này dấu vết của những bệnh tật xấu xa bắt nguồn từ những dục vọng hèn hạ, tội lỗi và trụy lạc - Etuôt Liford, mày còn dám thách thức tao nữa không?”.

“Không, không, không”, tên hèn nhát bị trấn áp trước những lời buộc tội dồn dập, vội vã đáp.

“Tất cả mọi lời!”, cụ già kêu lên, “tất cả mọi lời trao đổi giữa mi với cái tên hèn hạ đáng ghét kia ta đều biết hết. Những cái bóng trên tường đã nghe lỏm được những tiếng thì thào của mi và đem đến tai tao; hình ảnh của đứa trẻ bị xua đuổi làm cho con người tội lỗi cũng phải thay đổi, trở nên dũng cảm và có những đặc tính của đạo đức. Một vụ giết người đã xảy ra và nếu như mi không phải thực sự là thủ phạm thì cũng đã tham dự về mặt tinh thần”.

“Không, không, không”, Mănxơ nói xen, “tôi... tôi... không biết gì về chuyện đó cả. Tôi đang đi hỏi sự thực về câu chuyện ấy thì ông bắt gặp tôi. Tôi không biết nguyên nhân. Tôi tưởng đó là một câu chuyện cãi cọ thông thường”.

“Nguyên nhân là vì cô ta đã bộc lộ một phần những điều bí mật của anh, anh có chịu bộc lộ tất cả không?”.

“Tôi chịu!”.

“Anh có chịu tự tay mình viết ra, kể lại thực tế những sự việc rồi xác nhận lời cung khai của anh trước các nhân chứng hay không?”.

“Tôi hứa sẽ làm thế”.

“Anh phải ngồi yên ở đây cho đến khi viết xong cái văn kiện ấy, rồi cùng đi với tôi đến nơi tôi cho là thích hợp nhất để xác nhận điều đó, anh rõ chứ?”.

“Nếu ông muốn làm thế thì tôi cũng sẽ làm”, Mănxơ đáp.

“Anh còn phải làm nhiều hơn nữa”, cụ Braolâu nói. “Anh phải trả lại một thằng bé vô tội và ngây thơ cái gia tài của nó, nó quả là như thế mặc dầu nó lứa con của một tình yêu tội lỗi và hết sức tội nghiệp. Anh không quên những điều khoản của tờ di chúc. Anh hãy thi hành những điều khoản ấy đối với đứa em của anh trong phạm vi liên quan đến nó, rồi sau đó anh muốn đi đâu cũng được. Chúng ta không cần phải gặp nhau lại trên cõi đời này”.

Trong khi Mănxơ đi đi lại lại, mặt mày ủ dột và khó chịu về đề nghị này, cũng như về những khả năng trốn tránh đề nghị ấy, một mặt vì sợ hãi, mặt khác vì căm thù thì cánh cửa đột nhiên mở ra và một người (ông Lôxbơcnơ) xúc động mạnh mẽ bước vào.

“Thằng cha sẽ bị tóm. Hắn sẽ bị tóm cổ tối nay”.

“Thằng giết người ấy à?”, cụ Braolâu hỏi.

“Đúng thế, đúng thế. Người ta đã thấy con chó của hắn lảng vảng quanh một ngôi nhà cũ kỹ và chắc chủ nó hoặc là đang ở đấy, hoặc là sẽ đến đấy nhân lúc đêm tối. Cảnh sát đang sục sạo khắp mọi hướng. Tôi đã nói chuyện với những người có nhiệm vụ bắt hắn và họ nói rằng hắn không thể nào trốn thoát được. Chính phủ tối nay tuyên bố thưởng một trăm bảng cho ai bắt được hắn”.

“Tôi sẽ cho thêm năm mươi bảng nữa”, cụ Braolâu nói, “và chính tôi sẽ tuyên bố tại chỗ nếu như tôi đến kịp. Ông Mâyli đâu rồi?”.

“Hari ấy à? Khi anh ta thấy ông bạn đây của ông yên ổn ở trong cùng một chiếc xe ngựa với ông thì anh ta đã lao về phía nghe nói có tên giết người”, ông bác sĩ đáp, “và trèo lên ngựa, anh ta phi đến một nơi ở ngoại ô để gia nhập đoàn người đầu tiên đuổi theo hắn”.

“Còn lão Fâyjin?”, cụ Braolâu nói. “Có tin tức gì về lão ta không?”.

“Khi tôi nghe lần cuối cùng về lão thì lão vẫn chưa bị tóm, nhưng sẽ bị tóm hay đã bị tóm cổ rồi. Về khoản này thì yên trí”.

“Thế anh đã quyết định chưa?”. Cụ Braolâu hạ thấp giọng hỏi Mănxơ.

“Vâng”. Hắn đáp. “Ông... ông có giữ bí mật cho tôi không?”

“Có, anh hãy ở lại đây cho đến khi tôi quay trở lại. Đó là điều hy vọng duy nhất đối với anh”.

Cụ Braolâu và bác sĩ bước ra và cánh cửa lại bị khóa lại.

Bác sĩ hỏi khẽ:

“Ông đã làm những gì?”.

“Tôi đã làm tất cả những điều tôi hy vọng có thể làm và còn hơn thế nữa. Kết hợp tin tức của cô gái tội nghiệp với sự hiểu biết trước đây của tôi và kết quả của những cuộc điều tra tại chỗ của ông bạn tốt của chúng ta, tôi chẳng còn để cho hắn một lối thoát nào, và dưới những ánh sáng ấy, tôi đã vạch trần tất cả sự hèn hạ của hắn rõ như ban ngày. Hãy viết thư cho cô ấy trước vài giờ, nhưng chúng ta cần phải nghỉ ngơi, nhất là cô Rôdơ - người cần phải có tinh thần dũng cảm hơn điều tôi hay ông giờ đây hoàn toàn có thể đoán trước được. Nhưng máu tôi sôi lên muốn trả thù cho bị giết kia. Họ đi về hướng nào?”.

“Đi thẳng đến Sở cảnh sát, ông sẽ còn kịp đấy”, ông Lôxbơcnơ đáp. “Tôi sẽ ở lại đây”.

Hai người vội vàng chia tay nhau, cả hai đều ở trong tình trạng kích động dữ dội, hoàn toàn không thể kìm nén được.