Ôlivơ Tuýt - Chương 51 - Phần 1

CHƯƠNG LI

VIỆC GIẢI THÍCH NHIỀU ĐIỀU BÍ ẨN VÀ MỘT ĐỀ NGHỊ KẾT HÔN KHÔNG NÓI ĐẾN CỦA HỒI MÔN

Những biến cố nhắc đến ở chương trên chỉ mới xảy ra được hai ngày thì Ôlivơ, vào lúc ba giờ chiều, thấy mình ngồi trên chiếc xe ngựa du lịch chạy bon bon đến thành phố nó đã ra đời. Bà Mâyli, cô Rôdơ và bà Betuyn cùng với bác sĩ quý hóa đều đi với nó. Còn cụ Braolâu đi theo trong một chiếc xe thư cùng với một người nữa chưa nhắc đến tên.

Trên đường đi, mấy người không nói chuyện nhiều vì Ôlivơ đang ở trong tình trạng xúc động băn khoăn khiến nó không thể tập trung ý nghĩ, gần như không biết nói năng gì, và điều đó cũng ảnh hưởng không kém tới những người cùng đi, họ cũng lo lắng, ít nhất cũng gần như nó. Cụ Braolâu đã nói cho nó và hai người đàn bà biết chi tiết những lời thú nhận ông đã bắt Mănxơ phải bộc lộ. Và mặc dù họ đều biết mục đích của chuyến đi lần này là hoàn thành một công việc đã bắt đầu tốt như vậy, nhưng tất cả câu chuyện vẫn còn ở trong tình trạng hoài nghi và bí ẩn khiến họ cảm thấy vô cùng băn khoăn.

Ông bạn quý hóa này, nhờ sự giúp đỡ của ông Lôxbơcnơ đã cẩn thận bịt kín tất cả những con đường thông tin để ngăn cho họ có thể biết những biến cố khủng khiếp vừa mới xảy ra. “Tất nhiên”, cụ Braolâu nói, “ít hôm nữa, thế nào họ cũng phải biết điều đó, nhưng nếu họ biết chậm hơn một chút thì có lẽ tốt hơn, và dầu sao cũng không thể xấu hơn”. Vì vậy họ ra đi yên lặng, ai cũng bận tâm suy nghĩ về điều đã khiến cho họ cùng đi với nhau và không ai có ý định nói lên những ý nghĩ trong óc mọi người.

Nhưng nếu Ôlivơ, do ảnh hưởng ấy, vẫn ngồi yên trên chặng đường mà nó chưa từng được thấy để đi đến nơi nó ra đời, thì những kỷ niệm của thời xa xưa lại hiện lên trong tâm trí và bao cảm xúc trỗi dậy trong lồng ngực nó khi chiếc xe rẽ vào con đường nó đã đi bộ qua đấy, khi còn là một thằng bé nghèo khổ không gia đình, đi lang thang không có một người bạn giúp đỡ, hay một mái nhà che thân.

“Xem kìa, kìa”, Ôlivơ kêu lên tha thiết nắm tay cô Rôdơ và chỉ ra ngoài cửa xe ngựa, “đó là cái bậc trèo qua rào em đã bước lên, đó là những hàng rào em đã bò ở dưới vì sợ có người đuổi kịp và bắt em phải trở về! Đằng kia là con đường chạy qua cánh đồng dẫn tới cái nhà cũ kỹ em đã sống khi còn là một đứa trẻ nhỏ. Ôi chao! Đích! Đích! Bạn thân yêu xưa cũ ơi, giá như được thấy bạn bây giờ thì thích biết bao!”.

“Lát nữa em sẽ gặp bạn thôi”, cô Rôdơ đáp và dịu dàng cầm lấy hai bàn tay nó giữa tay mình. “Em sẽ nói với bạn rằng em sung sướng như thế nào, em đã trở nên giàu có như thế nào, và trong cảnh hạnh phúc của em không có hạnh phúc nào lớn hơn là quay lại để làm cho nó cũng sung sướng”.

“Vâng ạ, vâng ạ”, Ôlivơ nói, “và chúng ta... chúng ta sẽ mang nó khỏi nơi này, cho nó ăn mặc và học hành và đưa nó đến một nông thôn yên tĩnh, ở đấy nó có thể khỏi bệnh, lớn lên và khỏe mạnh, phải không chị?”.

Cô Rôdơ gật đầu ra hiệu là “phải”, vì thằng bé mỉm cười chảy những giọt nước mắt sung sướng đến nỗi cô không nói nên lời.

“Chị sẽ dịu dàng và tốt với nó vì chị tốt với tất cả mọi người”, Ôlivơ nói. “Những chuyện nó kể lại sẽ làm chị khóc, em biết thế. Nhưng điều đó có hề gì, có hề gì? Tất cả những điều đó sẽ qua đi và chị sẽ lại mỉm cười... em cũng biết thế... khi nghĩ rằng nó sẽ thay đổi như thế nào, như chị đã làm đối với em. Nó bảo em: “Cầu Chúa ban phúc cho cậu!” khi em chạy trốn”, Ôlivơ khóc rưng rức bộc lộ nỗi niềm cảm xúc thân yêu, “và em sẽ nói: “Bây giờ Chúa lại ban phúc cho cậu”, và chứng tỏ cho nó biết em yêu nó như thế nào qua lời nói ấy!”.

Khi họ đến gần thành phố và cuối cùng đánh xe qua những đường phố chật chội, cậu bé khó lòng nén nổi sự hưng phấn của mình sao cho vừa phải. Cửa hiệu ông Xaoơberi, người kinh doanh đám ma, vẫn hệt như trước, có điều nhỏ hơn và xem ra không đồ sộ như nó vẫn nhớ; kìa, đó là những cửa hiệu và những ngôi nhà quen thuộc, mỗi ngôi nhà đều nhắc đến một biến cố nhỏ nhặt trước đây của nó. Kìa, chiếc xe bò của ông Gămfin, chính chiếc xe ông ta vẫn đánh đi, đang đứng trước cái quán cũ kỹ ngày xưa. Kìa nhà tế bần, cái nhà tù ảm đạm của thời thơ ấu của nó, với những cửa sổ u ám, cau có nhìn ra đường, kìa người gác cổng gầy gò, khi thấy ông ta, Ôlivơ bất giác co rúm người lại, rồi lại tự cười mình vì ngốc quá, rồi lại khóc, lại cười như trước. Nó gặp lại hàng chục gương mặt ở các cửa lớn và cửa sổ mà nó biết rất rõ... gần như đủ tất cả, chẳng khác gì nó vừa mới rời bỏ hôm qua và tất cả cuộc sống gần đây của nó chẳng qua chỉ là một giấc mơ hạnh phúc.

Nhưng đây là sự thực đơn thuần, nghiêm túc, hạnh phúc. Chiếc xe đi thẳng đến cửa khách sạn chính (Ôlivơ trước đây vẫn thường trố mắt sợ hãi cho đó là một cung điện lộng lẫy, nhưng bây giờ đã bị kém sút nhiều về vẻ huy hoàng và đồ sộ); và ông Grimuych đã đứng sẵn ở đấy để đón họ, hôn cô Rôdơ và bà Mâyli, và khi họ bước ra khỏi xe, dường như ông là ông nội của tất cả mọi người, tươi cười và dịu đàng, không hề nói đến chuyện ăn cái đầu của mình, ngay cả khi ông tranh luận với một người đánh xe rất già về con đường ngắn nhất để đến Luân Đôn, tuy ông ta chỉ đi đường ấy có một lần và lần ấy ông lại ngủ li bì. Bữa ăn đã được dọn lên, các phòng ngủ đã sẵn sàng và mọi việc đều được xếp đặt như có phép thần thông.

Mặc dù tất cả những điều đó, khi tình trạng xáo động của nửa giờ đầu đã qua, sự yên lặng và kiềm chế đã đánh dấu cuộc đi của họ nay lại quay trở lại. Cụ Braolâu không đến ăn với họ mà ở trong một căn phòng riêng. Hai ông khác chạy ra chạy vào, vẻ mặt lo lắng và vào lúc ngắn ngủi gặp nhau, họ nói chuyện riêng với nhau. Có một lần, người ta gọi bà Mâyli vào và sau đó quay trở lại, mắt sưng vù vì khóc. Tất cả những điều đó làm cô Rôdơ và Ôlivơ áy náy băn khoăn vì hai người không biết những điều bí mật mới mẻ này. Hai người ngồi yên lặng, ngạc nhiên, hay nếu họ trao đổi với nhau vài lời thì nói thì thầm dường như sợ nghe chính những tiếng nói của mình.

Cuối cùng, khi đến chín giờ và họ bắt đầu nghĩ rằng đêm nay sẽ không biết gì thêm nữa thì ông Lôxbơcnơ và ông Grimuych bước vào, theo sau là cụ Braolâu và một người đàn ông mà Ôlivơ gần như sửng sốt kêu lên khi thấy, vì người ta bảo nó rằng đó là anh nó, nhưng đó lại chính là người mà nó đã gặp ở thị trấn và đã cùng với lão Fâyjin nhìn vào cửa sổ căn phòng nhỏ của nó. Mănxơ ném cho thằng bé sửng sốt một cái nhìn căm giận mà ngay cả lúc ấy hắn cũng không thể che giấu được và ngồi xuống cạnh cửa lớn. Cụ Braolâu tay cầm giấy tờ bước đến bên bàn gần chỗ cô Rôdơ và Ôlivơ đang ngồi.

“Đây là một nhiệm vụ vất vả”, cụ nói, “nhưng những lời tuyên bố này đã được ký ở Luân Đôn trước nhiều người làm chứng cần phải được gặp lại trên những nét chính ở đây. Tôi muốn tránh cho anh khỏi phải làm điều nhục nhã này nhưng chúng tôi phải nghe từ miệng anh nói trước khi chúng ta chia tay nhau, và anh biết tại sao lại như vậy”.

“Ông cứ nói tiếp”, người đó đáp và quay mặt đi. “Nhanh nhanh cho. Theo tôi biết, tôi đã làm gần đủ rồi. Đừng giữ tôi ở đây nữa!”.

“Thằng bé này”, cụ Braolâu nói và kéo Ôlivơ về phía mình, rồi đặt tay lên đầu Ôlivơ, “là đứa em cùng cha khác mẹ của anh, là đứa con không hợp pháp của cha anh, người bạn thân của tôi, Etuyin Liford, mẹ nó là Agnet Flêminh, đã chết khi sinh ra nó”.

“Đúng đấy”, Mănxơ nói, cau mày nhìn thằng bé đang run cầm cập, người ta có thể nghe tim nó đập thình thịch. “Đó là đứa con hoang của hai người đấy”.

“Danh từ anh dùng”, cụ Braolâu nghiêm nghị nói, “là một lời trách móc đối với những người từ lâu đã vượt ra khỏi lời phê phán yếu ớt của cuộc đời này. Nó không xúc phạm ai đang sống, không kể anh là người nói nó. Thôi, cho qua. Nó ra đời ở thành phố này”.

“Trong nhà tế bần của thành phố này”, đó là câu trả lời cau có. “Ông đã ghi lại câu chuyện kể ở đây rồi”, hắn vừa nói vừa sốt ruột chỉ những tờ giấy.

“Nhưng anh phải nhắc lại ở đây nữa”, cụ Braolâu nói, đưa mắt nhìn những người đang lắng nghe.

“Nếu vậy thì các vị hãy lắng nghe đây”, Mănxơ đáp, “Cha nó ốm ở La Mã, bà vợ ông cụ - mẹ tôi - đến đấy, trước đó từ lâu ông cụ đã sống xa cách mẹ tôi. Mẹ tôi từ Pari đến và mang theo tôi, như tôi biết, là để nắm lấy tài sản của ông cụ, vì mẹ tôi chẳng thương yêu gì cụ, và ông cụ cũng chẳng thương yêu gẹ tôi. Ông cụ không nhận ra chúng tôi vì đã mê sảng và mê li bì cho đến ngày hôm sau, ngày ông cụ chết. Trong số những giấy tờ nằm ở ngăn kéo có hai tờ giấy viết đêm đầu tiên ông cụ bị bệnh, và đề gửi thẳng cho ông”, Mănxơ nói với cụ Braolâu, “ngoài phong bì có ghi thư này chỉ gửi đến cho ông sau khi ông cụ đã qua đời. Một tờ là gửi cho cô gái Agnet kia, còn tờ kia là một tờ chúc thư”.

“Bức thư nói gì?”, cụ Braolâu hỏi.

“Bức thư ấy à?... Đó là một tờ giấy viết ngang viết dọc với lời thú nhận đau đớn và cầu khẩn Chúa cứu vớt cô ta. Ông cụ đã đánh lừa cô gái bằng cách kể một câu chuyện nhắc đến một điều bí mật sẽ được giải thích vào một ngày nào đó, đã ngăn cản không cho ông cụ lấy cô ta ngay lúc ấy. Và thế là cô ta đã quá tin ông cụ và đã bỏ mất cái mà người ta không thể trao lại cho cô ta nữa. Lúc bấy giờ, cô ta đã có thai được vài tháng. Ông cụ nói với cô ta tất cả những điều định làm để che giấu sự nhục nhã của cô ta nếu như ông cụ sống và cầu khẩn cô ta, nếu như ông chết đừng nguyền rủa kỷ niệm về ông cụ, hay cho rằng những hậu quả về tội lỗi của họ sẽ trút lên đầu cô ta hay trên đầu đứa con nhỏ bé của hai người, vì chỉ có một mình ông có lỗi mà thôi. Ông cụ nhắc cô ta nhớ tới ngày ông cụ đã trao cho cô ta một quả tim nhỏ và cái nhẫn có khắc tên cô ta cùng với một chỗ trống mà ông hy vọng một ngày kia sẽ thêm vào đấy cái tên của gia đình... Ông cụ cầu khẩn cô ta hãy giữ quả tim ấy và mang nó ở bên tim như trước đây cô vẫn làm... và sau đó, viết lộn xộn vẫn những chữ ấy lần này lượt khác, dường như ông đã hóa điên. Tôi nghĩ rằng ông cụ hóa điên thật”.

“Thế còn tờ chúc thư?”. Cụ Braolâu nói, trong khi nước mắt Ôlivơ chảy ròng ròng.

Mănxơ vẫn im lặng.

“Tờ chúc thư”, cụ Braolâu nói hộ, “cũng viết theo tinh thần như bức thư. Ông nói đến những điều khổ cực mà bà vợ ông đã gây cho ông, về tính khí ngang ngược, tật xấu, sự ranh mãnh và những dục vọng xấu xa quá sớm của anh, người con trai duy nhất của ông ta đã được giáo dục để căm ghét ông ta. Ông ta để lại cho anh và cho mẹ anh mỗi người một số tiền trợ cấp hàng năm là tám trăm bảng. Toàn bộ tài sản của ông ta được chia thành hai phần bằng nhau, một phần cho Agnet Flêminh và phần kia cho đứa con trai của hai người nếu như nó sống và lớn lên. Nếu đó là con gái thì nó sẽ hưởng số tiền không có điều kiện gì hết. Nhưng nếu nó là con trai thì nó chỉ được hưởng với điều kiện là khi còn nhỏ nó không được xúc phạm tới danh dự của ông ta bằng bất kỳ hành vi công khai nhục nhã, hèn hạ, hèn nhát hay sai lầm nào. Ông làm thế, ông nói, để nêu rõ lòng tin yêu của ông vào bà mẹ, và lòng tin tưởng của ông - lòng tin tưởng ngày càng mạnh mẽ thêm khi cái chết đến gần, rằng đứa bé sẽ thừa hưởng được cái tâm hồn dịu dàng và bản tính cao quý của bà mẹ. Nếu như sự chờ đợi này của ông ta bị thất vọng thì số tiền sẽ dành lại cho anh, và chỉ trong trường hợp này mà thôi, khi cả hai đứa con đều hư hỏng như nhau, ông mới thừa nhận anh là có quyền ưu tiên đối với tài sản của ông ta, mặc dầu anh không hề có quyền ưu tiên gì về tình cảm của ông ta, mà trái lại từ khi còn nhỏ đã làm ông khó chịu vì thái độ lạnh lùng và căm ghét”.

“Mẹ tôi”, Mănxơ cất cao giọng nói, “làm điều một người đàn bà phải làm. Bà đã đốt tờ di chúc này. Còn bức thư thì không bao giờ đến tay người nhận. Nhưng bà giữ bức thư ấy cùng với những bằng chứng khác trong trường hợp người ta tìm cách che đậy điều nhục nhã của cô gái. Người cha của cô gái đã được mẹ tôi nói sự thực với một sự phóng đại mà lòng căm giận của bà cụ có thể thêm vào - và bây giờ tôi càng yêu quý mẹ tôi về hành động ấy. Xấu hổ và nhục nhã, người cha cùng với các con bỏ trốn tới một xó xỉnh xa xôi ở Uâylơ, thay đổi cả tên của mình để bạn bè không bao giờ biết được nơi ông ta ẩn náu. Và ở đấy, ít lâu sau, người ta thấy ông nằm chết ở trên giường của ông. Trước đó mấy tuần, cô con gái đã bí mật rời khỏi nhà. Ông cha đã đi bộ tìm cô ta ở mọi thành phố và mọi làng mạc gần đấy. Đúng vào đêm ông ta trở về nhà, tin chắc rằng con mình đã tự vẫn để che giấu điều nhục nhã của mình và của cha mình, trái tim già nua của ông ta đã tan vỡ”.

Đến đây là một phút im lặng, sau đó cụ Braolâu lại kể tiếp:

“Vài năm sau đó”, cụ nói, “bà mẹ của con người này, của Etuôt Liford, đã đến gặp tôi. Mới lên mười tám tuổi, anh ta đã trốn mẹ, ăn trộm tiền và đồ nữ trang của bà, tiêu xài, làm bạc giả, và bỏ trốn lên Luân Đôn. Ở đấy, trong hai năm, anh ta đã kết bạn với những bọn hư hỏng hèn hạ nhất. Bà mẹ bị một chứng bệnh đau đớn, không chữa được và muốn gặp con trước khi chết. Việc điều tra được tiến hành và việc tìm tòi công phu được thực hiện. Sau một thời gian dài không có kết quả, cuối cùng người ta đã tìm ra anh ta và anh ta trở về với mẹ ở Pháp”.

“Bà cụ chết ở đấy”, Mănxơ nói tiếp, “sau những cơn đau đớn vì bệnh tật kéo dài và khi hấp hối, bà cụ đã bộc lộ điều bí mật này cho tôi biết cùng với lòng căm thù tàn nhẫn và kiên quyết đối với Agnet và đứa con của cô ta. Mặc dầu bà cụ không cần dặn tôi điều đó, vì từ lâu, tôi đã thừa hưởng lòng căm thù ấy. Bà cụ không chịu tin rằng người con gái đã tự sát và đứa con đã chết, mà có ấn tượng rằng Agnet đã có một người con trai và nó đang còn sống. Tôi đã thề với mẹ tôi là nếu trên đường đời, tôi gặp nó, tôi sẽ săn đuổi nó, không bao giờ để cho nó được yên thân, tôi sẽ săn đuổi nó với lòng căm hờn tàn nhẫn nhất và kiên quyết nhất, tôi sẽ trút lên đầu nó lòng căm thù tôi đã cảm thấy từ lâu và chà đạp lên tờ di chúc nhục nhã kia bằng cách bôi nhọ thằng bé, kéo nó đến cái giá treo cổ nếu như tôi có thể làm được. Mẹ tôi đã đoán đúng. Cuối cùng thằng bé đã ở trên đường đi của tôi. Tôi đã mở đầu chót lọt và nếu như không có những lời bép xép của con ấy thì tôi đã đạt được mục đích của mình”.

Trong khi tên khốn nạn khoanh chặt tay lẩm bẩm nguyền rủa bản thân đã bất lực không thực hiện được ý đồ ác độc của mình, cụ Braolâu quay về phía nhóm người hoảng sợ ở bên cạnh, giải thích rằng lão Do Thái trước đây đã từng là người cộng tác cũ và người tin cậy của Mănxơ đã nhận được một số tiền thưởng lớn để xô đẩy Ôlivơ rơi vào bẫy, và nếu như thằng bé thoát khỏi bẫy, lão phải trả lại một phần số tiền ấy. Và một cuộc cãi lộn về vấn đề này đã khiến hai tên đến ngôi nhà ở nông thôn để nhận mặt Ôlivơ.

“Thế còn cái nhẫn và quả tim?”. Cụ Braolâu quay về phía Mănxơ hỏi.

“Tôi đã mua của hai ông bà mà tôi đã nói với ông, bà này đã ăn cắp các thứ ấy trên tay mụ hộ lý, còn mụ hộ lý thì ăn cắp ở xác chết”, Mănxơ đáp, không ngước mắt lên. “Ông biết sau đó như thế nào rồi”.

Cụ Braolâu chỉ gật đầu ra hiệu với ông Grimuych, ông này nhanh nhẹn biến mất, nhưng lát sau lại quay lại, đẩy bà Bâmbân ra phía trước và kéo ông chồng bất hạnh của bà theo sau.

“Có phải mắt tôi lừa dối tôi không?”, ông Bâmbân kêu lên vẻ phấn khởi giả tạo. “Hay đó chính là cậu bé Ôlivơ? Ôi chao! Ôlivơ, nếu mày biết tao mong nhớ mày!...”.

“Ngậm miệng đi, đồ ngốc!”, bà Bâmbân lẩm bẩm.