Tôi Như Ánh Dương Rực Rỡ (Tập 1) - Chương 12

Chương 12

Gió đêm thổi bay gấu váy tôi, một lúc sau tôi mới tìm lại giọng nói của mình: “Sao cậu còn ở đây?”.

Lúc tiễn A Phân, phòng Trang Tự cũng tới, tôi không quá chú ý đến hành tung của anh, nhưng sao anh không lên xe?

Mắt anh lấp lánh, “Tôi đứng sau lưng cậu, cậu không lên được thì tất nhiên tôi cũng không lên được”.

Câu này nghe như trách móc, tôi hồi tưởng lại kinh nghiệm đau thương từ lúc đứng trước lại bị người ta chen bật ra sau, khó tránh khỏi ngượng ngùng, “Xin lỗi”.

“Cậu nên nói cảm ơn.”

Giọng anh hơi khẽ, tôi lại nghe rất rõ, có phần băn khoăn nhưng cũng không nghĩ nhiều, tôi hỏi, “Những người khác đâu?”.

“Không biết”, anh khựng lại rồi đáp gọn lỏn, có vẻ hậm hực.

Chỉ là hại anh không kịp lên xe, không đến nỗi phạm trọng tội chứ. Tôi đang nghĩ nên nói gì cho qua rồi chia tay thì di động của anh đổ chuông.

Anh lấy điện thoại ra, nhìn chữ nhấp nháy trên màn hình rồi nghe máy.

“A lô.”

“…”

“Tôi không lên được.”

Chắc là đối phương đang hỏi anh ở đâu, điện thoại của Dung Dung chăng? Tôi đang đoán mò thì bỗng nghe anh nói: “Tôi và Nhiếp Hy Quang đang ở cạnh nhau”.

Tôi thót tim.

Cuộc điện thoại của anh đã gần kết thúc, nói một tiếng “ừ” rồi cúp máy.

“Bạn cùng phòng gọi?”, tôi đoán, nếu không thì anh đã chẳng nói thẳng là đang ở cạnh tôi.

Anh nhìn tôi chăm chú, đáp: “Dung Dung gọi”.

Tôi nhất thời nghẹn lời, lát sau mới hỏi: “Cậu ta nói gì?”.

“Họ đã lên xe bus rồi, bảo chúng ta bắt taxi.”

“… Vậy thì bắt taxi thôi.”

Anh gật đầu,

Tôi sờ túi mới nhớ ra chuyện tiễn A Phân ra ga tàu chỉ là hứng chí nhất thời, tôi không mang theo tiền, ngay cả tiền xu để đi xe bus cũng do Tiểu Phượng đưa, bất giác thấy hơi ngượng: “Mình không mang theo tiền, cậu có không?”.

Anh nhìn tôi, chắc do ban đêm nên mắt anh càng trở nên sâu thẳm, anh khựng lại như đang suy nghĩ xem có mang theo tiền không, rồi nói: “Tôi cũng không có.”

“Hả?”, tôi nghệt mặt, “Vậy phải làm sao?”.

Anh lại nhìn tôi, rồi đi trước: “Đi bộ”.

Tôi vẫn đứng tại chỗ, anh đi được một đoạn thì ngừng bước, quay lại nhìn tôi từ xa, không nói gì, cứ im lặng. Tôi mím môi rồi đi theo.

Tôi không ngờ, sau bao chuyện xảy ra mà chúng tôi vẫn có một buổi tối như vậy, cùng đi trên con đường vắng trống trải.

Chỉ là đi bộ, không ai nó gì với ai, nhưng lại khiến tôi cứ thấp thỏm không yên, cuối cùng đành phải đếm bước chân mình để tránh đầu óc quá rảnh rỗi rồi suy nghĩ lung tung.

Lúc đếm sai lần thứ n, bắt đầu đếm lại thì bỗng nghe giọng nói có phần xa xăm của Trang Tự vang lên trong gió đêm: “Cậu không dùng luận văn của tôi”.

Anh vừa lên tiếng, số tôi thầm đếm lại loạn cả lên, khựng lại rồi nói: “Ừ, như vậy không ổn lắm”.

Tôi tưởng nói thế thì câu chuyện sẽ dừng lại ở đây, ai ngờ anh cố chấp hỏi tiếp: “Không ổn chỗ nào?”.

Tôi há miệng lắp bắp, lẽ nào tôi phải nói rằng vì luận văn đó là anh viết thay cho lời xin lỗi của Dung Dung, tôi mới cảm thấy không ổn?

“… Dù sao vẫn là luận văn cậu viết.”

“Thế à? Luận văn tôi viết thì cậu không cần?”, giọng anh có phần chất vấn, “Mùa hè năm ba, chúng ta mới quen biết chưa lâu, cậu đã đòi tham khảo luận văn chuyên ngành của tôi…”.

Lần đó anh cũng đâu đưa tôi, tôi cay đắng thầm trả lời, vả lại lần đó thực ra tôi đã viết qua loa xong rồi, chỉ muốn viện cớ để trò chuyện với anh nhiều hơn.

“… Cậu cứ xem như tư tưởng của mình tiến bộ đi.”

Tôi không hề muốn nhớ tới chuyện cũ, mỗi một chi tiết đều thấy mình quá ngốc nghếch, khiến tôi hận chỉ muốn xóa sạch mọi dấu vết. Cũng may mà chỉ có tôi và anh biết mà thôi.

Nhưng, có lẽ Dung Dung cũng biết? Lúc họ ở cạnh nhau, liệu anh có nhắc tới tôi, kể cho Dung Dung nghe những lời ngốc nghếch của tôi để chọc cho cô ta cười?

Suy nghĩ đó quá đáng sợ, sắp có chiều hướng tẩu hỏa nhập ma, tôi có phần không muốn đi cùng anh nữa, trong đêm yên tĩnh thế này, trên con đường thênh thang vắng vẻ, không hề hợp cho hai người chúng tôi chút nào.

Bước chân tôi chậm lại.

“Cậu đi trước đi”, tôi nói, “Mình không đi nổi nữa, cậu không cần đợi đâu”.

Anh dừng lại, nhíu mày nhìn tôi, “Cậu... rốt cuộc là tiểu thư được nuông chiều đến mức này à”.

… Tôi chỉ tìm bừa lý do thôi mà…

Ánh mắt anh dừng ở chân tôi, hàng lông mày nhíu chặt chứng tỏ sự không tán thành, “Sao cậu lại mang đôi giày này, chỉ thích đẹp, không hề…”

Chắc anh nhận ra giọng mình kỳ lạ nên khựng lại.

Tôi cúi xuống nhìn đôi sandal gót nhọn vô tội, biện hộ cho nó: “Mình không ngờ hôm nay lại đi bộ, hơn nữa đây là loại giày phổ thông, năm nay rất thịnh hành, phòng bọn mình ai cũng có một đôi giống vậy”.

Vả lại nếu tôi không nhớ nhầm thì giầy mà Dung Dung mang hôm nay cũng là loại gót nhọn này. Quả nhiên đã chướng mắt ai đó thì ngay cả cô ta mang giày gì cũng đều là lỗi lầm.

“Thế à?”, anh khựng lại, “Tôi không chú ý”.

Tôi trầm tư một lúc rồi hỏi: “Trang Tự, có phải cậu rất khó chịu với mình?”.

“Cảm thấy mình suốt ngày không cầu tiến, lại lười biếng…”

Và cả tiểu thư đỏng đảnh vì được nuông chiều?

Mấy lời cuối tôi không nói ra, sao cứ cảm thấy xa lạ với bản thân. Lúc nhỏ bố mẹ bận việc, tôi cũng bị ném về quê ở nhà bà nội rất lâu, chẳng phải vẫn sống khỏe đó sao, nhiều nhất thì bây giờ chỉ chân tay hơi yếu một chút mà thôi... Như thế mà trong mắt anh cũng là tiểu thư đỏng đảnh hay sao.

“Phải”, anh không do dự trả lời câu hỏi nửa chừng của tôi.

… Anh cũng thật là… chưa bao giờ nể mặt tôi.

Tôi không kìm được nói: “Nhưng như thế cũng có gì không tốt đâu? Mỗi người đều nhất định phải có mục tiêu vĩ đại nào hay sao? Bản thân sống vui vẻ, không cản trở người khác là được rồi, tại sao phải nghĩ nhiều như vậy?”.

Anh im lặng nghe, không nói gì. Rõ ràng anh không tán đồng với tôi, anh là người có mục đích sống và nhất định phải làm được. Tôi cũng không biết tại sao lại nói những điều này với anh, có lẽ chỉ muốn anh hiểu, hoặc đích thực tôi lười nhác chẳng có chí lớn, nhưng đó là bản tính của tôi, tôi thích cuộc sống như vậy thì cũng đâu có gì là sai.

Tôi nhớ lại một bài trắc nghiệm gần đây làm cùng Khương Duệ, về việc ăn nho quả to trước hay quả bé trước. “Có một bài trắc nghiệm, hỏi bạn nếu ăn nho thì sẽ ăn quả to trước hay quả bé trước. Nếu ăn hết quả nhỏ, chưa biết chừng sẽ không còn bụng để ăn quả to nữa? Bây giờ có thể sống vui vẻ là được rồi vì sao phải nghĩ xa xôi chứ.”

Anh khẽ nói: “Nếu chưa từng có nho to thì sao?”.

“À…”

Tôi ngẩn người, nhớ đến gia đình anh, lòng chợt thấy chua xót, chưa bao giờ tôi lại thấy bản thân vô duyên và nhạt nhẽo như bây giờ.

“Không, đã từng có”, anh bỗng nói, “Chỉ là quả nho to duy nhất đó, đã bị tôi chọc tức bỏ chạy rồi”.

Bị anh chọc tức bỏ chạy… là Dung Dung sao? Tôi nhớ ra mấy lần liên hoan gần đây, họ không ngồi cạnh nhau, có vẻ không trò chuyện nhiều…

Đầu tôi tự động biến Dung Dung mảnh mai thành quả nho to tròn, dù đang cảm giác hụt hẫng mất mát, tôi cũng không nhịn được muốn cười, nhưng thấy anh nghiêm túc như vậy, tôi không tiện cười phá lên, chỉ nói: “Cô ấy sẽ chạy về thôi “.

“Thật không?”

Trang Tự nghiêm túc hỏi tiếp, khiến tôi cảm thấy như thể đáp án của mình rất quan trọng vậy. Nhưng, tôi không phải Dung Dung.

Có điều vẻ căng thẳng gấp gáp cần có được câu trả lời khẳng định của anh khiến tôi bất giác gật đầu, có lẽ anh chỉ cần một câu an ủi của người bên cạnh mình thôi.

“Thật mà”, tôi vô cùng nghiêm túc.

Anh không nói gì nữa, chỉ cười rạng rỡ, như thể bỗng nhiên yên tâm hẳn vậy.

Trong trí nhớ tôi, Trang Tự chưa từng cười như thế, cứ như sương mù tan biến, mây tạnh trăng sáng. Tôi bị nụ cười của anh làm sững sờ, khi định thần lại càng thấy hụt hẫng gấp bội.

Nụ cười đó không vì tôi, tương lai tôi cũng sẽ không nhìn thấy nữa. Nỗi hoang mang hụt hẫng ấy làm tôi bốc đồng, bỗng dưng gọi tên anh, “Trang Tự!”.

Trong mắt anh nụ cười vẫn chưa tan: “Sao?”.

Trong tích tắc muốn nói gì đó, xem như là sự cố gắng cuối cùng, nhưng sực nhớ ra, nỗ lực cuối cùng chẳng phải đã từng làm bao nhiêu lần rồi hay sao?

Vả lại, lúc đó tôi không biết anh và Dung Dung có ý với nhau, bây giờ biết rồi thì nên lùi bước nhường đường mới đúng.

“Không có gì, gọi chơi thôi.”

Anh nhìn tôi không chớp, như thể muốn tôi phải nói gì ra bằng được.

“Thật sự chỉ là gọi chơi thôi…”

Trong mắt anh như thoáng tia thất vọng, tôi nghi ngờ mình nhìn lầm, lại cảm thấy chắc anh chỉ nghĩ tôi vô vị, có chút bực bội.

Im lặng một chút, anh nhìn đi nơi khác, “Đi một quãng đường nữa hình như có chỗ bán giày, cậu thay đôi khác đi”.

Muộn thế này còn ai bày hàng? Nhưng có thì cũng vô dụng thôi.

“Mình không có tiền”, tôi bất đắc dĩ nhắc anh, “Cậu cũng đâu mang tiền?”.

Hình như anh có vẻ bị nghẹn.

“Cứ thế mà đi thôi, không phải do giày đâu”, tôi nói.

Về sau chúng tôi chẳng nói gì, cứ đi thong thả cả đoạn đường, về đến trường, đến đầu ngã rẽ vào khu ký túc, tôi nói câu ấp ủ từ lâu “Tạm biệt”.

Tôi đang định bước đi thật nhanh thì không ngờ lại nghe anh nói: “Tôi đưa cậu đến ký túc”.

“Không…”, tôi định nói không cần đâu, nhưng ngước lên thấy thần sắc của anh, trong màn đêm vẻ mặt ấy lại dịu dàng quyến luyến đến vậy, thế là câu nói ứ nghẹn trong cổ họng.

Biểu cảm ấy không nên xuất hiện trước mặt tôi lúc này mới phải, nguyên do chắc có lẽ không phải vì tiễn tôi đâu? Phải chăng Dung Dung đứng dưới lầu đợi anh.

Vậy tôi cần gì phải tưởng bở mà từ chối chứ, thế là tôi không nói gì, im lặng đi về phía ký túc, lúc sắp đến nơi, tôi không kìm được nhìn về hướng tòa nhà, xem có đúng như tôi đoán là Dung Dung đang đợi bên dưới không.

Dưới lầu vắng vẻ.

Tôi có phần bất ngờ, nhưng cũng không vui vẻ gì lắm.

Tôi thật sự mong Dung Dung đợi ở đó, như thế tôi có thể lên lầu nhanh gọn lẹ, bỏ lại họ ở phía sau, chứ không phải như bây giờ, cứ suy nghĩ mãi rằng chúng tôi lại có thêm mấy phút ở riêng bên nhau.

Đáng thương biết bao.

Vả lại, phải nói “tạm biệt” nữa rồi.

Lần này thật sự phải tạm biệt rồi, không còn đoạn đường nào để anh cùng tôi đi hết nữa.

Chúng tôi không hẹn mà cùng dừng chân trước cửa ký túc xá.

Trong khoảnh khắc cả hai đều im lặng, tôi mất đi vẻ dứt khoát lúc nãy khi nói tạm biệt. Có lẽ sức lực ấy chỉ đủ dùng một lần thôi.

Tôi bước lên bậc thang, không kìm được xoay người lại.

“Trang Tự.”

“Hử?”, anh vẫn chưa đi, đứng dưới bậc thang, nghe tôi gọi thì ngẩng lên. Tôi chưa từng nhìn anh ở góc độ này, nên cũng chưa từng biết dáng vẻ anh hơi ngước lên như thế lại đẹp biết bao.

Một thứ cảm xúc kỳ lạ nào đó dâng lên, tôi buột miệng nói: “Cậu để tóc ngắn thì đẹp hơn”.

Tốt nhất là mặc sơ mi trắng, quần jeans xanh…

Giống chàng thanh niên mà hôm đó tôi ăn cơm ở nhà cậu, nghe tiếng chuông cửa, chạy ra mở thì thấy.

“Chào bạn, xin hỏi đây là nhà chú Khương phải không, tôi là Trang Tự”, chàng trai ấy hỏi với vẻ lịch sự.

Sau đó tôi ngơ ngẩn nhìn: “Trang Tự?”

Anh rất bình tĩnh, ung dung trả lời: “Đúng vậy”.

Tôi ngẩn người, cứ như khoảnh khắc ấy đang ở trước mặt.

“Còn gì nữa không?”, anh không hề bực bội, hỏi tôi với vẻ rất nhẫn nại.

“Hết rồi”, tôi cúi đầu.

Chúng tôi lại chìm trong im lặng, không còn gì để nói nữa, tôi nên lên lầu, nhưng tôi không nỡ, sau này không còn những khoảng thời gian như thế này nữa rồi.

Nếu màn đêm mãi mãi không tan biến thì tốt biết mấy.

Nếu những ngôi sao mãi mãi không biến mất thì tốt biết mấy.

Nếu anh có thể đứng mãi cùng tôi ở đây thì tốt biết mấy.

Nhưng không có “nếu”, không có, hôm nay chính là kết cuộc.

Rõ ràng là thời khắc ly biệt, nhưng trong đầu tôi lại tràn đầy những điều “mãi mãi”, mặt dày đứng đó không nói tạm biệt, im lặng, anh cũng không nói gì, lặng lẽ đứng cùng tôi.

Nhưng dù kéo dài khoảnh khắc này, thì có thể được bao lâu? Tôi hít một hơi thật sâu, nhìn anh.

“Mình lên lầu đây.”

Tôi chạy lên lầu, từ cửa sổ lầu hai ngó ra nhìn anh, anh đã sắp bước ra khỏi tầm nhìn của tôi. Trước khi bóng cây hoàn toàn che mất bóng anh, tôi bỗng không kiểm soát được bản thân, lớn tiếng gọi anh.

“Trang Tự.”

Anh ngừng bước, quay lại.

Anh đã cách quá xa, tôi không nhìn rõ vẻ mặt anh, nên chắc anh cũng không thấy rõ tôi.

Thế là tôi không e dè gì nữa, nước mắt tuôn ra, vẫy tay thật mạnh với anh.

Tạm biệt, Trang Tự!

Mình vẫn thích cậu, vẫn thích cậu, nhưng lại như thấy yên tâm bất ngờ.

Biết cậu sẽ luôn ở một nơi nào đó là được rồi, Trang Tự.

Sau này, từ nay về sau, sẽ không thích cậu nữa, biển rộng trời cao.

Tối hôm đó chúng tôi chia tay, một người nghĩ đến tạm biệt, một người nghĩ về tương lai.