Lý Quang Diệu - Bàn Về Trung Quốc, Hoa Kỳ Và Thế Giới - Chương 03

Chương 3. Tương lai quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ

Liệu có chắc chắn sẽ xảy ra sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không? Cân bằng quyền lực sẽ đóng vai trò gì trong chiến lược của Mỹ nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc? Các chính sách và hành động của Hoa Kỳ cần điều chỉnh ra sao để giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc? Hoa Kỳ cần tránh những chính sách và hành động gì khi giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc? Liệu các chính sách và hành động của Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhiều đến lộ trình và ứng xử của Trung Quốc khi nước này nổi lên như một cường quốc lớn không? Các chính sách và hành động của Trung Quốc cần điều chinh như thế nào đề xác lập mối quan hệ hợp tác bền vững với Hoa Kỳ? Quản lý mối quan hệ đang thay đổi với Trung Quốc chính là thách thức trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21. Khi trả lời cho những câu hỏi này, Lý Quang Diệu đưa ra lời khuyên cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

Liệu có chắc chắn sẽ xảy ra sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không?

Giờ không phải là Chiến tranh Lạnh. Liên Xô đã từng cạnh tranh với Hoa Kỳ để dành vị trí thống trị toàn cầu. Trung Quốc chỉ thuần túy hành động đúng là Trung Quốc trong các lợi ích quốc gia của chính mình. Họ không quan tâm đến việc làm thay đổi thế giới.[98]

[98] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 2/12/2011.

Sẽ có sự tranh giành ảnh hưởng. Tôi nghĩ điều đó sẽ được kiềm chế bởi vì Trung Quốc cần Hoa Kỳ, cần thị trường Hoa Kỳ, cần công nghệ Hoa Kỳ, cần gửi sinh viên tới Hoa Kỳ học phương pháp và phương tiện kinh doanh để có thể cải thiện số phận của mình. Họ sẽ cần đến 10, 20, 30 năm. Nếu bạn gây sự với Hoa Kỳ và trở thành kẻ thù, tất cả những năng lực thông tin và công nghệ đó sẽ bị cắt đứt. Cuộc ganh đua giữa hai quốc gia sẽ được duy trì ở cấp độ cho phép Trung Quốc vẫn khai thác được Hoa Kỳ.[99]

Khác với mối quan hệ Hoa Kỳ-Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, không hề có xung đột ý thức hệ khó hòa hợp giữa Hoa Kỳ và một nước Trung Quốc đang nhiệt tình tiếp nhận cơ chế thị trường. Mối quan hệ Trung-Mỹ vừa mang tính hợp tác vừa mang tính cạnh tranh. Cạnh tranh giữa hai bên là điều tất yếu, nhưng xung đột thì không.[100]

[99] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Charlie Rose, 28/3/2011.

[100] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc kỷ niệm 25 năm của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Washington D.C., 27/10/2009.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ và Trung Quốc chắc chắn coi nhau là đối thủ nếu không nói là địch thủ. Nhưng viên súc sắc vẫn chưa được gieo xuống. Kết quả khả dĩ nhất là một sự hiểu biết mới rằng khi họ không thể hợp tác thì họ sẽ cùng tồn tại và cho phép tất cả các quốc gia ở Thái Bình Dương phát triển và thịnh vượng.[101]

Một nhân tố bình ổn trong mối quan hệ của họ là mỗi nước đòi hỏi sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với nước kia. Hiểm họa của một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là rất thấp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ hơn hẳn họ, và sẽ vẫn như vậy trong vài thập kỷ tới. Họ sẽ hiện đại hóa các lực lượng của mình không phải để thách thức Mỹ mà để có thể, nếu cần thiết, gây áp lực với Đài Loan bằng hình thức phong tỏa, hoặc nếu không là làm mất ổn định nền kinh tế này.[102]

[101] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Viện Quốc tế Nghiên cửu Chiến lược, Singapore, 12/9/1997.

[102] Lý Quang Diệu, Trận chiến giành ưu thế (Battle for Preeminence), Forbes, 11/10/201; và Lý Quang Diệu, phát biểu tại Diễn đàn Fortune 500, Boston, 23/10/1997.

Trung Quốc sẽ không để cho một tòa án quốc tế phân xử những tranh chấp lành thổ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), cho nên sự hiện diện hỏa lực Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ rất cần thiết nếu Luật Biển của Liên Hợp Quốc thắng thế.[103]

Có sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này được phản ánh ở quan điểm đồng thuận rất phổ biến rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực cần được duy trì. Một sự hiện diện quân sự không nhất thiết lúc nào cũng là hữu ích. Sự hiện diện đó tạo ra khác biệt, và tốt cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Sự ổn định này phục vụ cho lợi ích của tất cả, kể cả Trung Quốc.[104]

[103] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 2/12/2011.

Cân bằng quyền lực sẽ đóng vai trò gì trong chiến lược của Mỹ nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?

[104] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Viện Quốc tế Nghiên cửu Chiến lược.

Hòa bình và an ninh ở cả châu Âu và Thái Bình Dương vẫn tùy thuộc vào sự cân bằng quyền lực. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở cả hai khu vực là rất cần thiết. Tuy nhiên, trừ phi nền kinh tế Hoa Kỳ trở nên năng động hơn ít công nợ hơn, nếu không sự hiện diện này sẽ bị suy giảm rất nhiều vào cuối thập ký này [thập kỷ 1990]. Tầm nhìn dài hạn hơn sẽ trở thành có vấn đề. Thậm chí nếu thâm hụt của Hoa Kỳ giảm bớt, năng suất công nghiệp cải thiện và xuất khẩu tăng, nhưng Hoa Kỳ không thể đáp ứng được và sẽ không sẵn sàng sánh chịu toàn bộ chi phí của gánh nặng an ninh toàn cầu. Hiểm họa rất lớn là kinh tế Hoa Kỳ không phục hồi đủ nhanh và những va chạm thương mại cùng sự phản ứng của Nhật Bản tăng lên khi nước Mỹ theo chủ nghĩa bảo hộ. Tình thế tồi tệ nhất là các mối quan hệ kinh tế và thương mại trở nên tệ đến mức các mối quan hệ an ninh tương hỗ bị suy yếu và đổ vỡ. Đó sẽ là một bước phát triển rất tệ và nguy hiểm.[105]

Thế giới đã phát triển nhờ sự ổn định mà nước Mỹ lập ra. Nếu sự ổn định đó bị lung lay, chúng ta sẽ có một tình thế khác hẳn.[106]

Tầm vóc của Trung Quốc làm cho phần châu Á còn lại, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, khó có thể sánh kịp nước này về sức nặng và khả năng trong vòng 20 đến 30 năm nữa. Cho nên chúng ta cần Mỹ duy trì cán cân.[107]

[105] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Hội thảo Asahi Shimbun, Tokyo, 9/5/1991.

[106] Patrick Barta và Robert Thomson, Ngài ‘Cố vấn’ của Singapore tìm kiếm một Hoa Kỳ vững vàng (Singapore’s ‘Mentor’ Seeks a Sturdy US), Wall Street Journal 27/4/2011

[107] P. Parameswaran: Hoa Kỳ phải can dự vào Châu Á để duy trì sức mạnh toàn cần: Lý nói (US Must Engage Asia to Maintain Global Power: Lee), Asence France-Presse. 27/10/2009.

Vấn đề đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thể tiếp tục vai trò của mình như một chủ thể kinh tế và an ninh chính ở Thái Bình Dương không. Nếu có thì tương lai của Đông Á rất tuyệt. Nhưng sẽ có nhiều vấn đề nếu nền kinh tế Hoa Kỳ không vực dậy được khả năng cạnh tranh của nước này trong vòng mười năm nữa.[108]

Hoa Kỳ không thể chấp nhận rời bỏ Nhật Bản trừ phi họ sẵn lòng mạo hiểm đánh mất lực đòn bẩy ở cả Trung Quốc và Nhật Bản. Cho dù có Hiệp định An ninh Tương hỗ Mỹ-Nhật hay không thì cán cân bền vững duy nhất có thể được duy trì là một tam giác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ ở một bên và Trung Quốc ở bên kia. Điều này là tất yếu do sức nặng tiềm tàng của Trung Quốc, vốn vượt xa hẳn cả Hoa Kỳ và Nhật cộng lại.[109]

[108] Lý Quang Diệu, Đông Á trong kỳ nguyên mới: Triển vọng hợp tác (East Asia in the New Era: The Prospects of Cooperation), phát biểu tại Hội nghị Trung tâm Harvard Fatrbank, New York, 11/5/1992.

[109] Lý Quang Diệu, Vai trò của Nhật Bản trong thế kỷ 21(Japaif s Role in the 21st Century), phát biểu tại Diễn đàn Asahi Tokyo, 17/11/1994.

Tại sao Hoa Kỳ lại cần tiếp tục giúp cho tổng sản phẩm quốc dân (GNP) kết hợp của Đông Á vượt hẳn của Bắc Mỹ? Tại sao không chấm dứt và hủy bỏ quá trình này? Bởi vì quá trình này không dễ hủy bỏ. Nó sẽ chậm lại hoặc trì hoàn trong một vài năm nhưng chỉ cho tới khi Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên bang Nga thiết lập được một cán cân mới. Tuy nhiên, không có cán cân thay thế nào có thể dễ chịu như cán cân hiện tại, với Hoa Kỳ là chủ thể chính. Cán cân địa chính trị thiếu vắng Hoa Kỳ làm lực lượng chính yếu sẽ rất khác với như nó hiện nay hoặc có thể trong tương lai nếu như Hoa Kỳ vẫn là một chủ thể trung tâm. Thế hệ người châu Á như tôi, những người trải qua cuộc chiến tranh vừa qua, những hãi hùng và gian khổ của nó, những người nhớ đến vai trò của Hoa Kỳ trong sự phục sinh từ đống tro tàn chiến tranh của Nhật Bản, các nền kinh tế mới công nghiệp hóa, và ASEAN, sẽ cảm thấy vô cùng hối tiếc rằng thế giới sẽ khác hẳn bởi vì Hoa Kỳ không còn là chủ thể trung tâm trong cán cân mới nữa.[110]

Tổng thống Nixon là một nhà chiến lược thực dụng. Ông ấy lôi kéo Trung Quốc chứ không phải kìm chế, nhưng ông ấy cùng âm thầm dàn xếp sẵn một vị trí lùi mà Trung Quốc không nên đảm nhận theo quy luật với tư cách một công dân toàn cầu tốt. Trong trường hợp như thế, ở đâu các quốc gia buộc phải chọn lựa bên để theo, ông ấy sẽ sắp xếp để lôi kéo Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Liên bang Nga về bên bàn cờ của Mỹ.[111]

[110] Lý Quang Diệu, Đông Á trong kỳ nguyên mới: Triển vọng hợp tác.

[111] Lý Quang Diệu, Nước Mỹ và châu Á (America and Asia), phát biểu tại Lễ trao giải Architect of the New Century. Washington D.C., 11/11/1996.

Các chính sách và hành động của Hoa Kỳ cần điều chỉnh ra sao để giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Để Mỹ bị thế chân, không phải trên thế giới, mà chỉ ở Tây Thái Bình Dương, bởi một nước châu Á lâu nay vẫn bị xem thường và xua đuổi với thái độ khinh rẻ là suy đồi, bạc nhược, tham nhũng và lạc lõng là điều khó chấp nhận được về mặt tình cảm. Cảm nhận của người Mỹ về tính ưu việt văn hóa sẽ làm cho điều này trở nên khó khăn nhất. Người Mỹ tin những ý tưởng của họ là phổ biến - uy thế tuyệt đối của cá nhân và quyền tự do biểu đạt mà không bị giới hạn. Nhưng không phải vậy - chưa bao giờ như vậy. Thực tế, xã hội Mỹ thành công như vậy suốt một thời gian dài không phải nhờ những ý tưởng và nguyên tắc này, mà nhờ may mắn về địa chính trị tài nguyên dồi dào và năng lực của cộng đồng di dân, dòng vốn và công nghệ rất lớn từ châu Âu, và hai đại dương rộng lớn ngăn cản mọi xung đột của thế giới cách xa bờ biển nước Mỹ.[112]

Rốt cuộc người Mỹ sẽ phải chia sẻ vị trí vượt trội của mình với Trung Quốc.[113]

[112] Nathan Gardels, Con đường Đông Á - với điều hòa nhiệt độ (The East Asian Way - with Atr Conditioning), New Perspective Quarteriy, tập 26, số 4, mùa thu 2009, tr. 116.

[113] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Lễ trao giải Lincoln, Washington D.C., 18/10/2011.

Hoa Kỳ không thể ngăn được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ sẽ phải sống chung với một Trung Quốc lớn hơn, hoàn toàn mới lạ với Hoa Kỳ, vì chưa có quốc gia nào đủ lớn để thách thức vị trí này. Trung Quốc sẽ có thể làm như vậy trong vòng hai mươi đến ba mươi năm nữa.[114]

Việc thay đổi cán cân thế giới của Trung Quốc là rất chắc chắn đến mức thế giới phải tìm một cán cân mới trong vòng ba mươi đến bốn mươi năm nữa. Sẽ không thể giả vờ rằng đó chỉ là thêm một chủ thể lớn nữa. Đây là chủ thể lớn nhất trong lịch sử thế giới.[115]

[114] Tổng hợp cuộc trò chuyện giữa Lý Quang Diệu và John Thomson tại Diễn đàn Toàn cầu Future China, Singapore, 11/7/2011.

[115] Nicholas D. Kristof. Sự trỗi dậy của Trung Quốc (The Rise of China), Foreign Affairs, tập 72, số 5, tháng 11-12/1993, tr. 74.

Quốc hội Hoa Kỳ phản đối bất kỳ hiệp định tự do thương mại mới nào. Nếu khóa Quốc hội tiếp theo tiếp tục phản đối các Hiệp định tự do thương mại, thời điểm quý báu sẽ bị mất và có thể quá muộn để làm lại. Quốc hội phải nhận ra tiền cược là rất cao và triển vọng của một mối quan hệ cân đối và công bằng giữa các thị trường Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó khăn. Hằng năm, Trung Quốc thu hút nhiều hàng xuất nhập khẩu từ các nước láng giềng của mình hơn là Hoa Kỳ làm được với khu vực này. Không có một hiệp định tự do thương mại, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN sẽ bị sáp nhập vào nền kinh tế của Trung Quốc - một viễn cảnh cần tránh.[116]

Hoa Kỳ cần tránh những chính sách và hành động gì khi giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Đừng xem Trung Quốc như một kẻ thù ngay từ đầu. Nếu không, họ sẽ hình thành một chiến lược đối chọi để phá Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thực tế, họ đã bàn thảo đến một chiến lược như vậy. Tất yếu sẽ có sự ganh đua giữa hai nước nhằm giành vị thế vượt trội ở Tây Thái Bình Dương, nhưng điều này không cần thiết dẫn tới xung đột.[117]

[116] Lý Quang Diệu, Sự vươn lên của Trung Quốc: Thay đổi ảnh hưởng toàn cầu (China’s Rise: A Shift in Global Iníluence), Forbes. 20/12/2010.

[117] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 2/12/2011.

Việc quấy nhiễu Trung Quốc bởi các nhóm nhân quyền Mỹ, và đe dọa tước bỏ vị thế tối huệ quốc cùng những hình thức trừng phạt khác của Quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ vì những vi phạm nhân quyền và chuyển giao công nghệ hỏa tiễn bỏ qua những khác biệt văn hóa các giá trị và lịch sử, đồng thời lại xem nhẹ những cân nhắc chiến lược của mối quan hệ Trung-Mỹ đối với một chương trình nghị sự đối nội của chính Mỹ. Một cách tiếp cận thiếu tập trung như vậy có nguy cơ biến Trung Quốc thành một địch thủ lâu dài của Hoa Kỳ. Giảm nhạy cảm và tăng hiểu biết về những thực tiễn văn hóa của Trung Quốc có thể có lợi cho một mối quan hệ bớt đối đầu hơn.[118]

[118] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Diễn đàn Toàn cầu Amex Bank Review Awards, Singapore. 15/11/1993.

Với sự tan rã của Liên Xô, quan hệ Trung-Mỹ không còn bám rễ vào một mối đe dọa chung nữa. Hoa Kỳ chưa ấn định được một chính sách được cả hai đảng [Dân chủ và Cộng hòa] đồng thuận về Trung Quốc. Trung Quốc có tiềm năng trở thành một siêu cường.

Mối quan tâm của Mỹ là duy trì hiện trạng, trong đó chỉ có một siêu cường duy nhất, nhưng chỉ trong ba mươi năm nữa, sự lớn mạnh của Trung Quốc có thể thách thức vị thế vượt trội này. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc bị điều chỉnh bởi những yếu tố bên ngoài, như việc phản ánh lại sự kiện Thiên An Môn của giới truyền thông, tình trạng bị ngược đãi của những nhà bất đồng Trung Quốc, chế độ dân chủ, nhân quyền, rồi vị thế tối huệ quốc, quyền tự trị của Tây Tạng và Đạt Lai Lạt Ma, rồi việc Đài Loan tìm cách trở thành một thành viên độc lập của Liên Hợp Quốc. Những vấn đề thách thức chủ quyền và thống nhất của Trung Quốc sẽ làm tăng thái độ thù địch của nước này. Nhấn mạnh đến những vấn đề ấy chỉ có ý nghĩa nếu chính sách của Hoa Kỳ là kìm hãm Trung Quốc và làm chậm hoặc cản trở tăng trưởng kinh tế mau chóng của họ.[119]

Những cải cách kinh tế rộng khắp đã giúp mở cửa Trung Quốc. Nếu tự do hóa là mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ thì thương mại và đầu tư nhiều hơn chính là câu trả lời. Thay vào đó: Hoa Kỳ đe dọa làm “trật bánh” quá trình này bằng việc tước bỏ vị thế tối huệ quốc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra bản báo cáo về nhân quyền của Trung Quốc giống như một ông hiệu trường đưa ra bản báo cáo thường niên của một học sinh cho phụ huynh của cậu ta vậy. Điều này làm cho người Mỹ cảm thấy thoải mái còn người Trung Quốc trông kém thế, nhưng người Đông Á không dễ chấp nhận những hậu quà lâu dài của việc đó.[120]

[119] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Hội thảo Create 21 Asahi. Osaka, 19/11/1996.

[120] Lý Quang Diệu, Sự trỗi dậy của Đông Á trong nền kinh tế thế giới: Những hàm ẩn địa chính trị và địa kinh tế (The Rise of East Asia in the World Economy: Geopolitical and Geoeconomic Implicationg), phát biểu tại Hội nghị Xã hội châu Á, Singapore, 19/5/1994.

Chính Hoa Kỳ, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, có thể hội nhập Trung Quốc vào cộng đồng quốc tế. Khó khăn này sinh từ mong muốn mà Mỹ đã thể hiện là làm cho Trung Quốc dân chủ hơn. Trung Quốc khó chịu và phản đối điều này, xem đây như là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ. Các cường quốc bên ngoài không thể nhào nặn lại Trung Quốc thành một hình ảnh như họ muốn. Xã hội Mỹ quá đa dạng, các lợi ích của Mỹ quá nhiều đề có thể có một cái nhìn duy nhất và đồng nhất về Trung Quốc. Đôi khi, ngôn ngữ thuyết trình ở Mỹ làm cho Trung Quốc băn khoăn không rõ có phải Hoa Kỳ, khi nói đến sự tham gia, là ám chỉ tham gia vào một cuộc chiến không. Trung Quốc chắc chắn muốn an tâm rằng Hoa Kỳ không muốn phá vỡ Trung Quốc trước khi sẵn sàng thảo luận những vấn đề an ninh và ổn định thế giới.[121]

[121] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Hội thảo Create 21 Asahi.

Liệu các chính sách và hành động của Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhiều đến lộ trình và ứng xử của Trung Quốc khi nước này nổi lên như một cường quốc lớn không?

Thực tế là có. Nếu Hoa Kỳ tìm cách làm mất mặt Trung Quốc, hãy giảm bớt đi, điều đó sẽ biến Trung Quốc thành kẻ thù. Thay vào đó, nếu chấp nhận Trung Quốc như một nhà nước hùng mạnh đang lên và dành cho họ một chỗ thì Trung Quốc sẽ chấp nhận vị trí đó trong tương lai. Cho nên nếu tôi là một người Mỹ, tôi sẽ nói tốt về Trung Quốc, thừa nhận đó là một cường quốc lớn, ca ngợi việc họ trở lại vì thế được kính trọng cũng như phục hồi lại quá khứ vinh quang của mình, và đề xuất những cách thức cụ thể để cùng hợp tác với nhau.[122]

Tại sao lúc này Hoa Kỳ lại thách thức Trung Quốc khi họ biết rằng làm như vậy sẽ tạo ra một địch thủ không cần thiết trong một thời gian dài - và một địch thủ sẽ lớn mạnh và sẽ coi mình như một kẻ thù? Điều đó là không cần thiết. Hoa Kỳ cần nói: Cuối cùng chúng ta sẽ bình đẳng, và cuối cùng anh có thể lớn hơn cả tôi, nhưng chúng ta phải hợp tác với nhau. Hãy nhận lấy một chỗ và chúng ta cùng thảo luận những vấn đề của thế giới.[123]

[122] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 2/12/2011.

[123] Như trên.

Đây là lựa chọn cơ bản mà Hoa Kỳ phải làm: lôi kéo hay cô lập Trung Quốc. Bạn không thể làm cả hai cách được. Bạn không thể nói bạn sẽ lôi kéo Trung Quốc vào vấn đề và cô lập về những vấn đề khác. Bạn không thể lẫn lộn các tín hiệu của mình được.[124]

Ảnh hưởng lâu dài lớn nhất của Mỹ đối với Trung Quốc xuất hiện từ việc đón nhận hàng nghìn sinh viên đến từ Trung Quốc mỗi năm, trong số đó có những học giả và nhà khoa học có năng lực nhất. Họ sẽ là những tác nhân mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi ở Trung Quốc.[125]

[124] Lý Quang Diệu, Sự trỗi dậy của Đông Á trong nền kinh tế thế giới: Những hàm ý về địa chính trị và địa kinh tế.

[125] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Hội thảo Create 21 Asahi.

Khi sự phát triển của Trung Quốc đạt gần đến ngưỡng họ có đủ sức mạnh đề tự tìm đường thâm nhập vào khu vực, họ sẽ có một quyết định định mệnh - trở thành một bá chủ, sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để tạo ra trường ảnh hưởng hay tiếp tục là một công dân toàn cầu tốt, tất cả mọi người cần lưu ý rằng, trước khi thời khắc lựa chọn đó đến Trung Quốc cần nhận được mọi sự khích lệ để chọn cách hợp tác quốc tế giúp hấp thu nguồn năng lượng của mình một cách có tính xây dựng trong vòng 50 đến 100 năm nữa. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải có cơ hội kinh tế làm việc này một cách bình yên, không hề phải tìm cách có được những nguồn lực như dầu mỏ, và tiếp cận được với những thị trường để bán hàng hóa và dịch vụ của mình. Nếu một lộ trình như vậy không mở ra cho Trung Quốc, thế giới sẽ sống với một nước Trung Quốc cuồng ngạo. Thông qua đối thoại và hợp tác với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể vạch ra một lộ trình để kiểm soát quá trình thay đổi của Trung Quốc thành một cường quốc trong vòng 20-30 năm tới. Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời và sẽ không dễ dàng thay đổi do sức ép hoặc trừng phạt từ bên ngoài. Nhưng thay đổi sẽ đến khi các nhà lãnh đạo, các nhà tư tường và giới trí thức của họ tự nhận thấy rằng việc chấp nhận những đặc điểm và đặc tính của những nền văn hóa khác sẽ có lợi cho Trung Quốc.[126]

Cách tốt nhất để đẩy nhanh nhịp độ và hướng thay đổi chính trị ở Trung Quốc là tăng mối liên hệ thương mại và đầu tư của họ với thế giới. Khi đó, sự thịnh vượng của Trung Quốc sẽ ngày càng lệ thuộc vào mức độ tương thích của hệ thống kinh tế của họ với những quốc gia thương mại lớn. Và các mối liên hệ rộng khắp sẽ ảnh hưởng và thay đổi các giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức của họ.[127]

Hội nhập Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu sẽ tạo ra những mối quan tâm mạnh mẽ ngay ở Trung Quốc đối với việc hành xử theo các quy tắc của quốc tế. Điều đó sẽ làm tăng sự lệ thuộc qua lại của Trung Quốc về thương mại, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và thông tin.

Những mối liên hệ phụ thuộc qua lại này có thể tăng tới một mức độ mà ở đó việc đơn phương vi phạm các nghĩa vụ quốc tế sẽ gây ra những cái giá phải trả vô cùng lớn.[128]

[126] Lý Quang Diệu, Nước Mỹ và châu Á.

[127] Lý Quang Diệu, Buổi bình minh của thế kỳ Thái Bình Dương (The Dawn of the Pacific Century), phát biểu tại Diễn đàn Rìa Thái Bình Dương, San Diego, Caliíbmia, 13/5/1992.

[128] Lý Quang Diệu, Sự trỗi dậy của Đông Á: Thách thức và cơ hội (The Rise of East Asia: Challenges and Opportunities), phát biểu tại Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Singapore, 20/9/1995.

Hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tùy thuộc vào việc liệu Trung Quốc có nổi lên như một thế lực sô vanh, bài ngoại, căm ghét và thù địch với phương Tây vì khu vực này tìm cách kìm hãm hoặc phá hoại sự phát triển của Trung Quốc, hay hiểu rõ và tham gia vào những thông lệ của thế giới, bao dung hơn, quốc tế hóa hơn và hướng ngoại hơn.[129]

[129] Hoa Kỳ nắm giữ chìa khóa đối với an ninh châu Á - Lý (US Holds Key to Asian Security - Lee), Reuters. 16/5/1993.

Các chính sách và hành động của Trung Quốc cần điều chỉnh như thế nào để xác lập mối quan hệ hợp tác bền vững với Hoa Kỳ?

Từ năm 1945 đến 1991, Trung Quốc phải tham dự vào một loạt cuộc chiến tranh nổ ra ở gần họ. Thế hệ này đã phải trải qua địa ngục: Đại Nhảy vọt[130] nạn đói, gần như xung đột với người Nga, Đại Cách mạng Văn hóa. Tôi tin rằng thế hệ này muốn một sự trỗi dậy hòa bình. Nhưng còn thế hệ cháu chắt? Họ nghĩ rằng đã đến thời của họ, và nếu họ bắt đầu “lên gân” thì chúng ta sẽ có một Trung Quốc rất khác. Cháu chắt không bao giờ chịu nghe lời ông bà cả, vấn đề nữa còn thiết yếu hơn: nếu bạn tin rằng thế giới không tốt với bạn, thế giới lợi dụng bạn, những kẻ thực dân tàn phá bạn, cướp bóc Bắc Kinh, làm tất cả những điều này với bạn thì điều này thật không ổn. Bạn không nên quay lại với Trung Quốc xưa, khi bạn là thế lực duy nhất trên thế giới. Giờ đây, bạn chỉ là một trong nhiều cường quốc, nhiều cường quốc trong đó cách tân, sáng tạo và phục hồi tốt hơn. Nếu tôi là Mỹ, châu Âu hoặc Nhật Bản, tôi sẽ dành thời gian bảo đảm rằng suy nghĩ của thế hệ trẻ hơn không phải là suy nghĩ thù địch, mà là suy nghĩ tiếp nhận và sự hiểu biết rằng giờ bạn là một bên liên quan, một cách diễn đạt rất thích hợp của Bob Zoellick về vai trò của họ. Hãy làm cho họ cảm thấy rằng họ là những người có liên quan, và nếu trái đất này ấm lên, họ sẽ gặp phải rắc rối như bất kỳ ai khác.[131]

[130] Đại Nhảy vọt (1958-1960): Kế hoạch xã hội và kinh tế để biến Trung Quốc từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp hiện đại, nhưng lại gây ra thảm họa kinh tế. - BT

[131] Phiên hỏi đáp với Lý Quang Diệu tại tiệc kỷ niệm lần thứ 5 Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, 2/9/2009.

Điều cốt yếu là thế hệ trẻ người Trung Quốc, những người chỉ sống trong thời bình và tăng trưởng mạnh mẽ mà không hề có trải nghiệm về quá khứ khốc liệt của Trung Quốc, họ cần có nhận thức về những sai lầm mà Trung Quốc đã mắc phải do thái độ ngạo mạn và thái quá về ý thức hệ. Họ cần thấm đẫm những giá trị và thái độ đúng đắn để đi đến tương lai bằng sự khiêm nhường và trách nhiệm. Các tác giả của học thuyết trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đã rất nhạy bén rằng khi Trung Quốc phục hồi, họ có trách nhiệm và quyền lợi trong việc trấn an các nước láng giềng, cũng như cả thế giới, rằng sự trỗi dậy của mình là tốt đẹp, không phải một sự đe dọa, mà là một ưu thế thêm cho thế giới, rằng họ sẽ cố gắng tránh gây hấn và xung đột. Trung Quốc nhận thức được các vấn đề mà sự phát triển mau lẹ của họ sẽ gây ra cho phần còn lại của thể giới và muốn cùng bắt tay với cộng đồng quốc tế đề giảm thiểu lo lắng. Sẽ rất tốt cho Trung Quốc nếu họ học được cách giảm nhẹ những tác động có hại do sự lớn mạnh của mình.[132]

Những cách thức Trung Quốc thể hiện vai trò siêu cường của mình chắc chắn sẽ rất khác với thời kỳ trước đây. Hãy xem hiện tình Đông Á, nơi Trung Quốc rõ ràng đã xác lập được một vị thế kinh tế thống trị trong mối quan hệ với các nước láng giềng, và sử dụng vị thế đó, kể cả khả năng tiếp cận một thị trường 1,3 tỷ người và những khoản đầu tư lớn vào các nước khác để có lợi cho mình. Nếu các nước và các doanh nghiệp không chấp nhận vị thế của Trung Quốc và có thái độ tôn trọng phù hợp, họ sẽ đối mặt với lời đe dọa bị loại khỏi thị trường tăng trưởng mau lẹ với 1,3 tỷ người.[133]

[132] Lý Quang Diệu, Vai trò của Thượng Hải trong quá trình phục hưng của Trung Quốc (Shanghars Role in China’s Renaissance) phát biểu tại Diễn đàn Thượng Hài 2005, Thượng Hài, 17/5/2005.

[133] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 11/5/2011

o0o