Bàn Cờ Lớn - Chương 03

Chương 3

ĐẦU CẦU DÂN CHỦ

Châu Âu là đồng minh tự nhiên của Mỹ. Cả hai cùng chia sẻ những giá trị chung, mà phần lớn trong đó bắt nguồn từ di sản tôn giáo, theo đuổi nền chính trị dân chủ và là nơi cội rễ của đại đa số người Mỹ. Bằng cách tiên phong trong việc hợp nhất các quốc gia-dân tộc thành một liên minh kinh tế và cuối cùng thành một nền tảng chính trị siêu quốc gia, châu Âu cũng đang chỉ đường cho các hình thức tổ chức hậu quốc gia lớn hơn, vượt ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp và những tham vọng mang tính phá hoại của thời đại chủ nghĩa dân tộc. Đây là khu vực được tổ chức đa phương nhất trên thế giới (xem bảng ở trang 103). Thành công trong sự thống nhất chính trị của nó sẽ tạo ra một thực thể duy nhất gồm khoảng 400 triệu người, sống dưới một mái nhà dân chủ và được hưởng một mức sống tương đương với Hoa Kỳ. Một châu Âu như vậy chắc chắn sẽ là một thế lực toàn cầu.

Châu Âu cũng đóng vai trò là bàn đạp để những tiến bộ của nền dân chủ có thể tiến vào sâu hơn trong lục địa Á-Âu. Một châu Âu mở rộng về phía đông sẽ củng cố thêm cho chiến thắng dân chủ trong những năm 1990. Nó hợp thức hóa khía cạnh chính trị và kinh tế vào khía cạnh lãnh thổ văn minh thiết yếu của châu Âu, nơi được gọi là “Petrine Europe” (châu Âu của Thánh Peter1) - theo định nghĩa của di sản tôn giáo cổ xưa và phổ biến của châu Âu, bắt nguồn từ Kitô giáo theo nghi thức phương Tây. Một châu Âu như vậy đã từng tồn tại, rất lâu trước thời đại của chủ nghĩa dân tộc và thậm chí còn lâu hơn nữa, trước cả khi xảy ra sự phân chia châu Âu thành một nửa do Mỹ thống trị và một nửa do Liên Xô cũ thống trị. Một châu Âu rộng lớn hơn như vậy sẽ có thể thi triển sức thu hút mạnh mẽ đối với các quốc gia nằm xa hơn về phía đông, xây dựng một mạng lưới quan hệ với Ukraine, Belarus và Nga, lôi kéo họ vào một mối dây hợp tác ngày càng ràng buộc trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc dân chủ chung. Cuối cùng, một châu Âu như vậy có thể trở thành một trong những trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh và hợp tác Á-Âu lớn hơn do Mỹ hỗ trợ.

Nhưng trước hết, châu Âu là đầu cầu địa chính trị thiết yếu của Mỹ trên lục địa Á-Âu. Cổ phần địa chiến lược của Mỹ ở châu Âu là rất lớn. Không giống như liên kết của Mỹ với Nhật Bản, liên minh Đại Tây Dương trực tiếp củng cố ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự của Mỹ trên lục địa Á-Âu. Ở giai đoạn quan hệ Mỹ-Âu này, với các quốc gia châu Âu đồng minh vẫn phụ thuộc nhiều vào sự bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ, bất kỳ sự mở rộng nào trong phạm vi châu Âu cũng tự động trở thành một sự mở rộng trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Hoa Kỳ. Ngược lại, không có mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ, tính thống trị của Mỹ ở khu vực Á-Âu nhanh chóng lu mờ. Theo đó, việc Hoa Kỳ kiểm soát Đại Tây Dương và khả năng triển khai tầm ảnh hưởng và sức mạnh sâu hơn vào lục địa Á-Âu sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vấn đề là một “châu Âu” thực sự Âu như vậy không tồn tại. Đó là một tầm nhìn, một khái niệm và một mục tiêu, nhưng nó chưa thành thực tế. Tây Âu là một thị trường chung, nhưng vẫn còn lâu mới là một thực thể chính trị duy nhất. Một châu Âu-chính trị vẫn chưa xuất hiện. Cuộc khủng hoảng ở Bosnia trưng ra bằng chứng đau đớn về sự vắng mặt của cái châu Âu đó. Sự thật tàn nhẫn là Tây Âu, và về sau có thêm một số nước Trung Âu, phần lớn vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ, mà mối quan hệ đồng minh này ngày càng có xu hướng gây liên tưởng đến mối quan hệ chính quốc-chư hầu và thuộc quốc thời xa xưa. Đây không phải là một bối cảnh lành mạnh, dẫu là cho Mỹ hay cho các quốc gia châu Âu.

Các vấn đề trở nên tồi tệ hơn do sự suy giảm sức sống nội bộ ở châu Âu đang lan tỏa rộng hơn. Cả tính hợp pháp của hệ thống kinh tế-xã hội hiện tại, thậm chí phần nhận thức về căn cước châu Âu phô ra ngoài đều gợi cảm giác dễ bị tổn thương, ở một số quốc gia châu Âu, người ta có thể nhận ra một cuộc khủng hoảng lòng tin và đánh mất động lực sáng tạo, cũng như quan điểm chung chỉ hướng vào chuyện nội bộ nước mình vốn vừa phản ánh chủ nghĩa cô lập vừa thể hiện chủ nghĩa thoát ly ra khỏi những tình huống khó xử lớn hơn trên thế giới. Không rõ hầu hết người châu Âu liệu có muốn châu Âu trở thành một thế lực lớn hay không, và liệu họ có sẵn sàng làm những gì cần thiết để trở thành như vậy. Ngay cả chủ nghĩa bài Mỹ còn sót lại trong lòng châu Âu, hiện tuy khá yếu nhưng vẫn gây băn khoăn hoài nghi: các nước châu Âu chán ghét “quyền bá chủ” của Mỹ nhưng vẫn thoải mái khi được nó che chở.

Động lực chính trị cho sự thống nhất châu Âu đã từng chịu thúc đẩy của ba xung lực chính: ký ức về hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, mong muốn phục hồi kinh tế và sự bất an do mối đe dọa mà Liên Xô gây ra. Tuy nhiên, đến giữa những năm 1990, những xung lực này dần đơ cùn. Phục hồi kinh tế nói chung đã đạt được; ngược lại, vấn đề mà châu Âu phải đối mặt ngày một hiển nhiên hơn là một hệ thống phúc lợi nặng nề quá mức làm hao mòn sức sống kinh tế của nó, trong khi sự kháng cự mãnh liệt đối với bất kỳ cải tổ nào vì những lợi ích đặc biệt đang hướng sự chú ý chính trị của châu Âu vào bên trong. Mối đe dọa từ Liên Xô đã biến mất, trong khi đó mong muốn được độc lập khỏi sự giám hộ của Mỹ của một số nước châu Âu đã không chuyển biến thành một động lực hấp dẫn cho sự thống nhất lục địa.

Lý tưởng châu Âu duy trì được là nhờ vào động lực quan liêu được tạo ra dưới tay bộ máy tổ chức cồng kềnh của Cộng đồng châu Âu và kế thừa nó là Liên minh châu Âu. Ý tưởng thống nhất vẫn được hưởng ứng đáng kể, nhưng nó có xu hướng lãnh đạm, thiếu đam mê và ý thức về sứ mệnh. Nói chung, Tây Âu ngày nay truyền đạt ấn tượng về một tập hợp xã hội tuy thoải mái nhưng không dễ chịu chút nào về mặt xã hội, không tập trung mà lại rối rắm, không tham gia vào bất kỳ tầm nhìn nào lớn hơn. Thống nhất châu Âu ngày càng mang những thuộc tính của một quá trình, không phải một cam kết lý tưởng.

Tuy nhiên, giới chính trị đứng đầu hai quốc gia hàng đầu châu Âu là Pháp và Đức hầu như vẫn giữ cam kết với mục tiêu định hình và định nghĩa một châu Âu thực sự là châu Âu. Do đó, họ là những kiến trúc sư chính của châu Âu. Làm việc cùng nhau, họ có thể xây dựng một châu Âu xứng tầm với quá khứ và tiềm năng của nó. Nhưng mỗi quốc gia lại cam kết theo một tầm nhìn và kế hoạch hơi khác nhau, và cả hai đều không đủ mạnh để tự trỗi dậy bằng chính sức mình.

Hoàn cảnh này tạo cho Hoa Kỳ một cơ hội đặc biệt để có những can thiệp quyết định. Nó đòi hỏi sự tham gia của người Mỹ trên danh nghĩa vì sự thống nhất của châu Âu, nếu không, quá trình hợp nhất có thể bị đình trệ và sau đó dần dần bị bỏ qua. Nhưng bất kỳ sự tham gia hiệu quả nào của Mỹ trong việc xây dựng châu Âu đều phải được dẫn dắt bằng những suy tính rõ ràng của chính người Mỹ về loại hình châu Âu mà Mỹ ưa thích, sẵn sàng thúc đẩy: một quan hệ đối tác bình đẳng hoặc một đồng minh cấp thấp, và về phạm vi cuối cùng của cả Liên minh châu Âu (hay EU) và NATO. Nó cũng đòi hỏi phải cẩn thận theo dõi sít sao cả hai kiến trúc sư chính của châu Âu.

UY QUYỀN VÀ CHUỘC TỘI

Pháp truy cầu sự tái sinh, lần này ở “vai” châu Âu; Đức hy vọng chuộc lỗi thông qua châu Âu. Những động lực khác nhau đi một chặng đường dài đến chỗ lý giải và định nghĩa bản chất các bản thiết kế khác nhau mà Pháp và Đức dành cho châu Âu.

Đối với Pháp, châu Âu là phương tiện để có lại được nước Pháp vĩ đại trong quá khứ. Ngay cả trước Thế chiến thứ hai, các nhà tư tưởng nghiêm túc của Pháp trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế đã lo lắng rằng vai trò trung tâm mà châu Âu nắm giữ trong các vấn đề thế giới đang suy yếu dần. Trong nhiều thập kỷ diễn ra Chiến tranh Lạnh, nỗi lo lắng đó đã trở thành sự phẫn nộ trước sự thống trị “Anglo-Saxon” ở phương Tây, chưa nhắc gì đến sự khinh miệt dành cho “quá trình Mỹ hóa” kèm theo trong văn hóa phương Tây. Việc tạo ra một châu Âu chính danh, theo lời của Charles De Gaulle - “từ Đại Tây Dương đến dãy Ural” - là để khắc phục tình trạng tồi tệ đó. Và một châu Âu như vậy, vì nó sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của Paris, sẽ đồng thời giành lại cho Pháp uy quyền mà người Pháp vẫn cảm nhận như là định mệnh đặc biệt cho quốc gia của họ.

Đối với Đức, sự tận tâm với châu Âu là cơ sở để chuộc lại lỗi lầm, trong khi kết nối mật thiết với Mỹ là trọng tâm cho an ninh quốc gia của họ. Theo đó, một châu Âu độc lập quyết đoán hơn trước Mỹ không phải là một lựa chọn khả thi. Đối với Đức, chuộc tội + an ninh = châu Âu + Mỹ. Công thức đó xác định thái độ và chính sách của Đức, khiến Đức đồng thời là một “công dân” tốt của châu Âu vừa là quốc gia châu Âu ủng hộ Mỹ mạnh nhất.

Đức nhận thấy trong sự tận tụy nhiệt thành của mình đối với châu Âu một cơ hội thanh tẩy lịch sử, khôi phục các phẩm chất chính trị và đạo đức của nó. Bằng cách chuộc lại lỗi lầm qua châu Âu, Đức đang khôi phục sự vĩ đại của chính mình đồng thời nhận lại cái trọng trách là sẽ không tự động huy động sự phẫn nộ và nỗi sợ hãi của toàn châu Âu chống lại Đức. Nếu người Đức chỉ tìm kiếm lợi ích quốc gia cho Đức, điều đó có nguy cơ khiến các nước châu Âu khác xa lánh; nếu người Đức thúc đẩy lợi ích chung của châu Âu, thì lại thu hút sự ủng hộ và tôn trọng của châu Âu.

Về các vấn đề trung tâm thời Chiến tranh Lạnh, Pháp là một đồng minh trung thành, tận tụy và quyết đoán. Nó kề vai sát cánh với Mỹ khi đang trong hoàn cảnh khó khăn. Cho dù là cuộc phong tỏa Berlin hay cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba2, không có gì phải nghi ngờ sự kiên định của Pháp. Nhưng sự ủng hộ của Pháp đối với NATO là khởi từ mong muốn đồng thời của Pháp, đó là nhằm khẳng định một bản sắc chính trị riêng biệt của Pháp và để bảo vệ cho Pháp quyền tự do hành động thiết yếu của mình, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến địa vị toàn cầu của Pháp hay tương lai của châu Âu.

Có một yếu tố ám ảnh hoang tưởng trong mối bận tâm của giới lãnh đạo chính trị Pháp, đinh ninh cho rằng Pháp vẫn là một cường quốc toàn cầu. Khi Thủ tướng Alain Juppe, lặp lại quan điểm của những người tiền nhiệm, tuyên bố trước Quốc hội Pháp vào tháng 5 năm 1995 rằng “Pháp có thể và phải khẳng định khuynh hướng của mình như một cường quốc thế giới,” cả hội trường tràn ngập tiếng vỗ tay. Việc Pháp khăng khăng tự mình phát triển phòng thủ hạt nhân phần nhiều là do họ thấy thôi thúc trước quan điểm cho rằng Pháp nên tăng cường tính tự do hành động của chính mình, kèm theo đó là khả năng ảnh hưởng đến các quyết định sống còn của Mỹ đối với an ninh của liên minh phương Tây nói chung. Không phải vì Liên Xô mà Pháp tìm cách nâng cấp vị thế của mình, phòng thủ hạt nhân của Pháp, ngay cả khi ở mức tốt nhất cũng chỉ có tác động nhỏ đến khả năng Liên Xô gây chiến. Thay vào đó, Paris nhận thấy có được vũ khí hạt nhân của riêng mình sẽ mang lại cho Pháp vai trò nhất định trong các quá trình ra quyết định ở cấp cao nhất và nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Lạnh.

Trong suy nghĩ của người Pháp, việc sở hữu vũ khí hạt nhân củng cố yêu sách của Pháp là trở thành một cường quốc toàn cầu, có tiếng nói phải được tôn trọng trên toàn thế giới. Nó củng cố một cách hữu hình địa vị của Pháp là một trong năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết, cả năm nước đều là cường quốc hạt nhân. Theo quan điểm của Pháp, phòng vệ hạt nhân của Anh chỉ đơn giản là một phần mở rộng của Mỹ, đặc biệt là dựa vào sự gắn bó của Anh thể theo mối quan hệ đặc biệt và sự kiêng dè của Anh đối với nỗ lực xây dựng một châu Âu độc lập. (Rằng chương trình hạt nhân của Pháp được hưởng lợi đáng kể từ sự trợ giúp của Hoa Kỳ và nó không ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Pháp.) Pháp cho rằng phòng thủ hạt nhân cũng củng cố vị trí lãnh đạo của họ ở tư cách một cường quốc lục địa hàng đầu, là quốc gia thực sự duy nhất của châu Âu có được khả năng đó.

Tham vọng toàn cầu của Pháp cũng được thể hiện thông qua những nỗ lực kiên quyết nhằm duy trì vai trò an ninh đặc biệt của họ ở hầu hết các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp. Mặc dù phải chịu để mất Việt Nam và Algeria sau những cuộc chiến tranh kéo dài và chấp nhận từ bỏ một đế chế rộng lớn hơn, sứ mệnh an ninh đó, cũng như việc tiếp tục kiểm soát các hòn đảo rải rác ở Thái Bình Dương (dùng làm nơi thực hiện các cuộc thử nghiệm nguyên tử gây tranh cãi của Pháp), đã củng cố niềm tin của giới lãnh đạo nước này rằng Pháp thực sự vẫn có một vai trò toàn cầu, mặc dù trên thực tế, về cơ bản nó chỉ là một cường quốc châu Âu hậu đế quốc tầm trung.

Nêu trên là tất cả những gì đã duy trì cũng như thúc đẩy Pháp ra yêu sách đối với trách nhiệm lãnh đạo châu Âu. Với việc Anh tự đứng ngoài lề và về cơ bản là một phần phụ cho sức mạnh của Hòa Kỳ, với nước Đức bị chia rẽ trong phần lớn Chiến tranh Lạnh và hiện vẫn gặp bất lợi vì lịch sử thế kỷ 20 của nó, Pháp có thể nắm bắt ý tưởng về châu Âu, đồng nhất bản thân vào đó và chiếm đoạt nó bằng cách đồng nhất quan niệm của Pháp về chính nó vào quan niệm về châu Âu. Là quốc gia đầu tiên phát minh ra ý tưởng về quốc gia-dân tộc có chủ quyền và biến chủ nghĩa dân tộc thành một tín điều dân sự, do đó, Pháp cảm thấy việc chính mình trở thành hiện thân của một châu Âu độc lập nhưng thống nhất là lẽ đương nhiên - ở đây có cùng những gắn bó tình cảm từng được trút vào “la patrie” (Tổ quốc). Sự vĩ đại của một châu Âu do Pháp lãnh đạo cũng chính là sự vĩ đại của nước Pháp.

Khuynh hướng đặc biệt này, hình thành từ cảm nhận sâu sắc về vận mệnh lịch sử và được niềm tự hào văn hóa độc đáo củng cố, có ý nghĩa chính sách lớn. Không gian địa chính trị quan trọng mà Pháp phải nắm giữ trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình, hoặc ít nhất, phải tránh khỏi việc bị một quốc gia mạnh hơn chi phối, có thể được vẽ ra trên bản đồ dưới dạng hình bán nguyệt. Nó bao gồm bán đảo Iberia, bờ biển phía bắc của Tây Địa Trung Hải và Đức đến tận Đông-Trung Âu (xem bản đồ bên dưới). Đó không chỉ là bán kính tối thiểu của an ninh Pháp; nó cũng là khu vực thiết yếu cho lợi ích chính trị của Pháp. Chỉ khi sự hỗ trợ cho các quốc gia phía nam được đảm bảo, và với sự hậu thuẫn chắc chắn của Đức, mục tiêu xây dựng một châu Âu thống nhất và độc lập, do Pháp lãnh đạo, có thể được theo đuổi hiệu quả. Và rõ ràng, trong quỹ đạo địa chính trị đó, nước Đức ngày càng hùng mạnh chắc chắn là nước khó quản lý nhất.

Trong tầm nhìn của Pháp, mục tiêu trung tâm của một châu Âu thống nhất và độc lập có thể đạt được bằng cách kết hợp sự thống nhất của châu Âu dưới sự lãnh đạo của Pháp song hành cùng quá trình rút bớt dần dần vai trò thống trị của Mỹ trên lục địa. Nhưng nếu Pháp định hình tương lai châu Âu, nó phải tham gia và trói buộc Đức, đồng thời tìm cách từng bước tước đoạt quyền lãnh đạo chính trị của Washington trong các vấn đề châu Âu. Các vấn đề hệ quả chính sách quan trọng đối với Pháp về cơ bản có hai mặt: làm thế nào duy trì cam kết an ninh của Mỹ đối với châu Âu, điều mà Pháp nhận ra là vẫn cần thiết trong khi giảm dần sự hiện diện của Mỹ; và làm sao duy trì quan hệ đối tác Pháp-Đức như là động lực kinh tế chính trị kết hợp của sự thống nhất châu Âu trong khi ngăn cản Đức trở thành thế lực lãnh đạo ở châu Âu.

Nếu Pháp thực sự là một cường quốc toàn cầu, họ giải quyết những vấn đề nan giải này trong quá trình theo đuổi mục tiêu trung tâm của họ có thể không khó khăn. Không một quốc gia châu Âu nào khác, ngoài Đức, được ban cho cùng một tham vọng hoặc được thúc đẩy bởi cùng một ý thức về sứ mệnh. Ngay cả Đức có lẽ cũng có thể bị lôi kéo chấp nhận quyền lãnh đạo của Pháp trong một châu Âu thống nhất nhưng độc lập (khỏi Mỹ), nhưng đó là chỉ khi nào người Đức cảm thấy Pháp thực sự là một cường quốc toàn cầu và do đó có thể cung cấp cho châu Âu sự an toàn mà Đức không thể làm được trong khi Mỹ có thể.

Đức, tuy vậy, biết giới hạn thực sự của sức mạnh Pháp. Pháp yếu hơn nhiều so với Đức về kinh tế, trong khi cơ sở quân sự của nó (như Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã cho thấy) cũng không có đủ khả năng. Nó đủ sức dẹp bỏ các cuộc đảo chính nội bộ ở các quốc gia châu Phi vệ tinh, nhưng lại không thể bảo vệ châu Âu cũng như không tạo ra được sức mạnh đáng kể ở những vị trí xa châu Âu. Pháp không hơn không kém, chỉ là một cường quốc châu Âu hạng trung. Do đó, để xây dựng châu Âu, Đức sẵn sàng khơi dậy niềm tự hào của Pháp, nhưng để giữ cho châu Âu thực sự an toàn, họ đã không sẵn sàng mù quáng đi theo sự lãnh đạo của Pháp. Họ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong an ninh châu Âu cho Mỹ.

Thực tế đó, như một nỗi đau cho lòng tự trọng của người Pháp, càng nổi lên rõ ràng hơn sau khi nước Đức thống nhất. Cho đến lúc đó, sự hòa giải Pháp-Đức thực sự có sự lãnh đạo chính trị của Pháp một cách nhẹ nhàng trước sự năng động kinh tế của Đức. Nhận thức đó thực sự phù hợp với cả hai bên. Nó làm giảm bớt nỗi dè chừng “thâm căn cố đế” của châu Âu dành cho nước Đức, nó cũng có tác dụng củng cố, làm hài lòng những ảo tưởng của Pháp bằng cách tạo ấn tượng rằng việc xây dựng châu Âu là cho Pháp lãnh đạo, và được một Tây Đức năng động về kinh tế hỗ trợ.

Sự hòa giải Pháp-Đức, ngay cả với những quan niệm sai lầm của nó, dù sao cũng là một sự phát triển tích cực cho châu Âu, với tầm quan trọng đó không hề bị cường điệu hóa chút nào. Nó tạo ra nền tảng quan trọng cho tất cả những tiến bộ đạt được trong quá trình thống nhất châu Âu đầy thách thức; và do đó, cũng hoàn toàn tương thích với lợi ích và phù hợp với cam kết lâu dài của Mỹ cho việc thúc đẩy hợp tác xuyên quốc gia ở châu Âu. Đổ vỡ trong hợp tác Pháp-Đức sẽ là một thất bại nặng nề đối với châu Âu và là một thảm họa đối với vị trí của Mỹ ở khu vực này.

Sự hỗ trợ ngầm của người Mỹ đã giúp Pháp và Đức có thể thúc đẩy quá trình thống nhất châu Âu tiến về phía trước. Hơn nữa, sự thống nhất của Đức càng khuyến khích người Pháp khóa nước Đức vào một khuôn khổ châu Âu ràng buộc. Ngày 6 tháng 12 năm 1990, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã cam kết thực hiện mục tiêu của một liên bang châu Âu, và mười ngày sau đó, hội nghị liên chính phủ ở Rome về liên minh chính trị đã công bố (mặc dù Anh bảo lưu) một chỉ thị rõ ràng cho mười hai ngoại trưởng của Cộng đồng châu Âu về việc chuẩn bị một Dự thảo Hiệp ước Liên minh Chính trị.

Tuy nhiên, sự thống nhất nước Đức cũng thay đổi đáng kể các thông số thực sự của chính trị châu Âu. Đó đồng thời là một thất bại địa chính trị cho Nga và Pháp. Nước Đức thống nhất không chỉ ngưng làm đối tác chính trị cấp cơ sở của Pháp mà còn tự động trở thành cường quốc quan trọng không thể bị thách thức ở Tây Âu, thậm chí là một cường quốc toàn cầu, đặc biệt là nhờ đóng góp tài chính to lớn của nó trong việc hỗ trợ các tổ chức quốc tế quan trọng3. Thực tế mới đã tạo ra một số bất mãn song phương trong mối quan hệ Pháp-Đức, vì Đức giờ đây đã có thể và sẵn sàng thể hiện rõ và thúc đẩy tầm nhìn của chính nó về một châu Âu trong tương lai, tuy vẫn là đối tác của Pháp nhưng không còn là nước được Pháp bảo hộ nữa.

Đối với Pháp, hệ quả từ việc đòn bẩy chính trị yếu dần đã dẫn đến một số hậu quả về mặt chính sách. Pháp bằng cách nào đó phải giành lại ảnh hưởng lớn hơn trong NATO, do đó đã phải giảm đi phần lớn sự chống đối với việc Hoa Kỳ thống trị, đồng thời bù đắp cho sự yếu kém tương đối của mình thông qua những điều động ngoại giao lớn hơn. Quay trở lại NATO có thể cho phép Pháp ảnh hưởng đến Mỹ nhiều hơn; việc thỉnh thoảng “tán tỉnh” Moscow hoặc London có thể tạo ra áp lực từ bên ngoài lên Mỹ và Đức.

Do đó, như là một phần của chính sách điều động thay vì tranh chấp, Pháp trở lại cấu trúc chỉ huy của NATO. Đến năm 1994, Pháp một lần nữa là người tham gia tích cực vào việc ra quyết định chính trị và quân sự của NATO; đến cuối năm 1995, các ngoại trưởng và quốc phòng Pháp lại là những người tham dự thường xuyên trở lại tại các phiên họp liên minh. Nhưng với một cái giá: một khi hoàn toàn ở bên trong, họ tái khẳng định quyết tâm cải tổ cấu trúc liên minh để tạo sự cân bằng lớn hơn giữa quyền lãnh đạo của Mỹ và sự tham gia của châu Âu. Họ muốn một lý lịch cao hơn và một vai trò lớn hơn cho một thành phần châu Âu tập thể. Với tư cách ngoại trưởng Pháp, Hervé de Charette đã tuyên bố trong một bài phát biểu vào ngày 8 tháng 4 năm 1996: “Đối với Pháp, mục tiêu cơ bản [của việc tái lập quan hệ] là khẳng định một bản sắc châu Âu trong liên minh có hiệu lực đáng tin cậy và có tầm nhìn về mặt chính trị.”

Đồng thời, về mặt chiến thuật, Paris đã chuẩn bị sẵn sàng để khai thác các mối liên kết truyền thống với Nga để hạn chế chính sách châu Âu của Mỹ, và để hồi sinh bất cứ khi nào thích hợp cái hiệp ước thân thiện Pháp-Anh cũ đổi lại việc Đức ngày càng giữ vị thế đứng đầu chắc chắn hơn ở châu Âu. Tháng 8 năm 1996, ngoại trưởng Pháp tuyên bố rằng “nếu Pháp muốn đóng một vai trò quốc tế, chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ sự tồn tại của một nước Nga hùng mạnh, bằng việc giúp nước này khẳng định mình là một cường quốc”, gần như khẳng định ý đồ trên; đáp lại, ngoại trưởng Nga tuyên bố “trong số tất cả các nhà lãnh đạo thế giới, người Pháp là gần gũi nhất, có thái độ xây dựng mối quan hệ với Nga.”4

Sự hỗ trợ hờ hững ban đầu của Pháp đối với việc mở rộng về phía đông của NATO, tất nhiên, biểu thị một thái độ hoài nghi kín đáo nhưng rõ ràng có liên quan đến tham vọng của họ, mà một phần nào là chiến thuật được thiết kế nhằm tăng cường đòn bẩy trong việc đối phó với Hoa Kỳ. Chính bởi vì Mỹ và Đức là những nước đề xướng chính cho việc mở rộng NATO, nên Pháp thấy cần thiết phải tỏ ra mình thật “ngầu”, tiếp tục thận trọng, bày tỏ quan ngại về tác động tiềm tàng của sáng kiến đó đối với Nga và đóng vai trò nước đối thoại tinh nhạy nhất của châu Âu với Moscow. Đối với một số người Trung Âu, có vẻ như người Pháp thậm chí còn truyền đạt ấn tượng rằng họ không ác cảm gì với phạm vi ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu. Do đó, quân bài Nga không chỉ cân bằng Mỹ và chuyển đi một thông điệp không quá khó hiểu đến Đức, mà còn làm tăng áp lực lên Hoa Kỳ trong việc xem xét các đề xuất có lợi cho Pháp về cuộc cải cách NATO.

Cuối cùng, việc mở rộng NATO đòi hỏi sự nhất trí giữa mười sáu thành viên liên minh. Paris biết rằng cái gật đầu của họ không chỉ cần thiết cho sự nhất trí đó, mà sự hỗ trợ thực sự của Pháp là cần thiết để tránh các trở ngại đến từ những thành viên liên minh khác. Do đó, có thể thấy rõ rằng Pháp sẵn sàng ủng hộ mở rộng NATO là vì ý đồ biến sự ủng hộ của mình thành vật thế chấp để Mỹ cuối cùng phải chấp nhận thỏa mãn quyết tâm của Pháp, thay đổi cả cán cân quyền lực trong liên minh lẫn tổ chức cơ bản của NATO.

Ban đầu, Pháp cũng rất nhiệt tình hỗ trợ mở rộng về phía đông của EU. Ở đây, sự lãnh đạo chủ yếu ở trong tay người Đức, với Hoa Kỳ hậu thuẫn nhưng mức độ tham gia lại không được như ở trường hợp mở rộng NATO. Mặc dù trong NATO, Pháp có xu hướng lập luận rằng sự bành trướng của EU sẽ cung cấp một chiếc ô phù hợp hơn cho các quốc gia cộng sản cũ, ngay khi Đức bắt đầu thúc đẩy EU mở rộng nhanh hơn để bao gồm cả Trung Âu, Pháp bày tỏ những lo ngại kỹ thuật và cũng muốn EU sẽ đặt sự chú ý tương tự ở phần sườn phía nam lộ ra ở Địa Trung Hải của châu Âu (những khác biệt này xuất hiện sớm nhất vào hội nghị thượng đỉnh Pháp-Đức tháng 11 năm 1994.) Việc Pháp nhấn mạnh vào vấn đề ở vế sau cũng có tác dụng giành được cho Pháp sự ủng hộ của các thành viên NATO phía nam, do đó tối đa hóa sức mạnh thương lượng tổng thể của Pháp. Nhưng cái giá phải trả là một khoảng cách ngày càng lớn trong tầm nhìn địa chính trị tương ứng của châu Âu giữa Pháp và Đức, một khoảng cách chỉ bị thu hẹp một phần bởi sự ủng hộ muộn màng của Pháp trong nửa cuối năm 1996 khi Ba Lan gia nhập cả NATO và EU.

Khoảng cách đó là không thể tránh khỏi, do bối cảnh lịch sử đang thay đổi. Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, nước Đức dân chủ nhận ra rằng sự hòa giải Pháp-Đức là cần thiết để xây dựng một cộng đồng châu Âu ở nửa phía tây của một châu Âu bị chia cắt. Sự hòa giải đó cũng là trung tâm cho sự phục hồi đáng ghi nhận vào lịch sử của Đức. Do đó, việc chấp nhận sự lãnh đạo của Pháp là một cái giá phải trả. Đồng thời, mối đe dọa của Liên Xô đối với một Tây Đức dễ tổn thương đã khiến lòng trung thành với Mỹ trở thành tiền đề thiết yếu cho sự sống còn mà ngay cả người Pháp cũng đã nhận ra. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, để xây dựng một châu Âu rộng lớn và thống nhất hơn, sự phụ thuộc vào Pháp là không cần thiết và cũng không thuận lợi. Một quan hệ đối tác bình đẳng giữa Pháp và Đức, với nước Đức tái thống nhất trên thực tế hiện là đối tác mạnh hơn, đã là nhiều hơn so với một thỏa thuận công bằng cho Paris; do đó, người Pháp đơn giản sẽ phải chấp nhận ưu thế của Đức trong một liên kết an ninh với đồng minh và người bảo vệ chính xuyên Đại Tây Dương của họ.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối liên kết đó mang tầm quan trọng mới đối với Đức. Trong quá khứ, nó đã che chở Đức khỏi một mối đe dọa từ bên ngoài vốn rất gần và là tiền đề cần thiết cho sự tái thống nhất cuối cùng của đất nước. Khi Liên Xô không còn và nước Đức thống nhất, liên kết với Mỹ cung cấp chiếc ô mà dựa vào đó Đức có thể thoải mái hơn trong vai trò lãnh đạo ở Trung Âu mà không đồng thời đe dọa các nước láng giềng. Mối liên hệ với Mỹ giá trị hơn tờ giấy chứng nhận hành vi tốt: nó trấn an các nước láng giềng của Đức rằng mối quan hệ chặt chẽ với Đức đi cùng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Tất cả điều đó giúp Đức dễ dàng xác định các ưu tiên địa chính trị của mình một cách cởi mở hơn.

Đức, được neo giữ cẩn thận ở châu Âu và trở nên vô hại nhưng vẫn an toàn bởi sự hiện diện quân sự rõ ràng của Mỹ, bây giờ có thể thúc đẩy việc đồng bộ hóa một Trung Âu mới được giải phóng vào cỗ máy châu Âu. Nó sẽ không phải là Mitteleuropa cũ của chủ nghĩa đế quốc Đức mà là một cộng đồng đổi mới kinh tế lành tính hơn được kích thích bằng các khoản đầu tư và thương mại của Đức, với Đức cũng đóng vai trò là nhà tài trợ cho sự kết hợp chính thức cuối cùng của Mitteleuropa mới vào cả Liên minh châu Âu và NATO. Với liên minh Pháp-Đức tạo ra nền tảng quan trọng để khẳng định vai trò khu vực quyết định hơn, Đức không còn phải ngại ngùng khi khẳng định mình trong quỹ đạo lợi ích đặc biệt của nó.

Trên bản đồ châu Âu, khu vực lợi ích đặc biệt của Đức có thể được phác họa theo hình chữ nhật, ở phía tây bao gồm cả Pháp và ở phía đông trải dài khắp các quốc gia cộng sản cũ mới được giải phóng ở Trung Âu, bao gồm cả các nước cộng hòa ở Biển Baltic, bao gồm cả Ukraine và Belarus, và thậm chí vươn tới Nga (xem bản đồ ở trang 112). Xét trên nhiều khía cạnh, khu vực đó tương ứng với phạm vi lịch sử mà người Đức đã để lại những ảnh hưởng văn hóa có tính xây dựng, được khắc họa trong thời kỳ tiền dân tộc chủ nghĩa bởi những người định cư nông nghiệp và thị dân Đức ở Trung-Đông Âu và các nước cộng hòa Baltic, tất cả đều bị xóa sổ trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Quan trọng hơn, các khu vực được người Pháp (như đã thảo luận trước đó) và người Đức quan tâm đặc biệt, khi được xem xét cùng nhau như trong bản đồ trang 107, có ảnh hưởng xác định giới hạn ở phía tây và phía đông của châu Âu, trong khi sự chồng lấn giữa chúng nhấn mạnh tầm quan trọng địa chính trị quyết định của liên minh Pháp-Đức như là cốt lõi quan trọng của châu Âu.

Bước đột phá quan trọng khẳng định vai trò cởi mở hơn của một nước Đức quả quyết ở Trung Âu nằm ở sự hòa giải Đức-Ba Lan diễn ra vào giữa những năm 1990. Mặc dù có một chút miễn cưỡng ban đầu, nước Đức thống nhất (với Hoa Kỳ) đã chính thức công nhận vĩnh viễn đường biên giới Oder-Neisse với Ba Lan, và bước đi đó đã xóa bỏ những dè dặt quan trọng nhất Ba Lan dành cho cơ hội gây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Đức. Sau một số cử chỉ thiện chí và tha thứ lẫn nhau, mối quan hệ đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ thương mại Đức-Ba Lan bùng nổ theo nghĩa đen (năm 1995 Ba Lan đã thay thế Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở phía đông), mà Đức còn trở thành nước hậu thuẫn chính để Ba Lan trở thành thành viên EU và (cùng với Mỹ) NATO. Có thể nói rằng, vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ 20, sự hòa giải Ba Lan-Đức có tầm quan trọng địa chính trị ở Trung Âu, tương đương với tác động trước đó của hòa giải Pháp-Đức ở Tây Âu.

Thông qua Ba Lan, ảnh hưởng của Đức có thể tỏa lên phía bắc, đến các quốc gia Biển Baltic, và hướng về phía đông vào Ukraine và Belarus. Hơn nữa, phạm vi hòa giải Đức-Ba Lan đã phần nào được mở rộng nhờ việc Ba Lan thỉnh thoảng tham gia các cuộc thảo luận quan trọng giữa Pháp và Đức về tương lai của châu Âu. Tam giác Weimar (được đặt theo tên của thành phố Đức, nơi các cuộc tham vấn ba bên cấp cao đầu tiên Pháp-Đức-Ba Lan - sau đó trở thành định kỳ - diễn ra) đã tạo ra một trục địa chính trị quan trọng trên lục địa châu Âu, bao gồm 180 triệu người từ ba quốc gia với một ý thức rất cao về bản sắc dân tộc. Một mặt, vai trò thống trị của Đức được củng cố hơn nữa ở Trung Âu, nhưng mặt khác, vai trò đó phần nào được cân bằng với sự tham gia của Pháp-Ba Lan trong cuộc đối thoại ba bên.

Việc Trung Âu chấp nhận sự lãnh đạo của Đức (với các quốc gia Trung Âu nhỏ hơn, đây mới là vấn đề hệ trọng) đã trở nên dễ dàng hơn với việc Đức cam kết rất rõ ràng sẽ mở rộng về phía đông các tổ chức trọng điểm của châu Âu. Để tự cam kết, Đức đã thực hiện một nhiệm vụ lịch sử mâu thuẫn với một số quan điểm Tây Âu khá sâu sắc. Quan điểm truyền thống đó cho rằng các sự kiện xảy ra ở phía đông nước Đức và Áo được xem như vượt quá giới hạn quan tâm đối với châu Âu đích thực. Thái độ đó được Lord Bolingbroke5 đưa ra vào đầu thế kỷ 18, ông này lập luận rằng bạo lực chính trị ở phía đông không có hậu quả gì đối với người Tây Âu, đã xuất hiện trong cuộc khủng hoảng Munich vào năm 1938, và nó đã tái xuất hiện đầy bi kịch khi Anh và Pháp tỏ thái độ về cuộc xung đột giữa những năm 1990 ở Bosnia. Nó vẫn đang ẩn tàng đâu đó trong các cuộc tranh luận đang diễn ra liên quan đến tương lai của châu Âu.

Ngược lại, cuộc tranh luận thực sự duy nhất ở Đức là liệu NATO hay EU nên được mở rộng trước, Bộ trưởng Quốc phòng ủng hộ NATO, Ngoại trưởng lại muốn EU mở rộng trước, với kết quả cuối cùng là Đức phải trở thành lãnh đạo không thể tranh cãi của một châu Âu lớn hơn và đoàn kết hơn. Thủ tướng Đức đã nói về năm 2000 như là mục tiêu mở rộng về phía đông đầu tiên của EU, và Bộ trưởng Quốc phòng Đức là một trong những người đầu tiên cho rằng lễ kỷ niệm 50 năm thành lập NATO là một ngày mang tính biểu tượng, thích hợp cho việc mở rộng về phía đông của liên minh. Vì lẽ này, Đức có khái niệm về tương lai châu Âu khác với các đồng minh châu Âu chính: người Anh tuyên bố họ thích một châu Âu rộng lớn hơn vì thấy trong việc mở rộng đó phương tiện làm loãng tính thống nhất của châu Âu; người Pháp lo ngại rằng mở rộng sẽ tăng cường vai trò của Đức, vì vậy ủng hộ việc hội nhập hẹp hơn. Đức đại diện cho cả hai, do đó có được chỗ đứng ở Trung Âu cho chính mình.

MỤC TIÊU TRUNG TÂM CỦA MỸ

Vấn đề trung tâm của Mỹ là làm sao xây dựng một châu Âu dựa trên mối liên hệ Pháp-Đức, một châu Âu (vẫn liên kết với Hoa Kỳ) có thể thực thi và mở rộng phạm vi của hệ thống quốc tế dân chủ hợp tác, một hệ thống mà việc thực thi hiệu quả sự dẫn đầu toàn cầu của Mỹ phụ thuộc rất nhiều. Do đó, lựa chọn giữa Pháp và Đức không phải là vấn đề. Không có Pháp hoặc Đức, sẽ không có châu Âu.

Từ những gì đã thảo luận ở trên, chúng ta rút ra ba kết luận lớn:

Mỹ tham gia vào sự nghiệp thống nhất châu Âu là cần thiết để bù đắp cho cuộc khủng hoảng nội bộ về tinh thần và mục đích đang làm hao mòn sức sống châu Âu, để vượt qua sự nghi ngờ lan tỏa trong lòng châu lục già cỗi rằng cuối cùng Mỹ không ủng hộ sự thống nhất châu Âu chân chính, và truyền vào châu Âu việc đảm nhân liều lượng nhiệt huyết dân chủ cần thiết. Điều đó đòi hỏi một cam kết rõ ràng của Mỹ để có sự chấp nhận cuối cùng, xem châu Âu như là đối tác toàn cầu của Mỹ.

Trong ngắn hạn, phản đối chiến thuật đối với chính sách và hỗ trợ của Pháp cho quyền lãnh đạo của Đức là hợp lý; về lâu dài, sự thống nhất châu Âu sẽ phải liên quan đến một bản sắc chính trị và quân sự châu Âu đặc biệt hơn nếu một châu Âu chân chính thực sự trở thành hiện thực. Điều đó đòi hỏi một số dàn xếp tiến bộ theo quan điểm của Pháp liên quan đến việc phân phối quyền lực trong các tổ chức xuyên Đại Tây Dương.

Cả Pháp và Đức đều không đủ mạnh để tự mình xây dựng châu Âu hoặc giải quyết với Nga những mơ hồ vốn có trong việc định nghĩa về phạm vi địa lý của châu Âu. Vấn đề này đòi hỏi sự tham gia nhiệt tình, tập trung và quyết tâm của người Mỹ, đặc biệt là với người Đức, trong việc xác định phạm vi châu Âu và do đó cũng phải đối phó với những vấn đề nhạy cảm - đặc biệt là đối với Nga - chẳng hạn như đâu là địa vị cuối cùng trong hệ thống châu Âu của các nước cộng hòa Baltic và Ukraine.

Một cái nhìn lướt qua bản đồ vùng đất Á-Âu rộng lớn là đủ thấy rõ tầm quan trọng địa chính trị của đầu cầu châu Âu đối với nước Mỹ cũng như sự khiêm tốn về địa lý của nó. Việc bảo tồn đầu cầu đó và mở rộng nó để làm bàn đạp cho nền dân chủ có liên quan trực tiếp đến an ninh của Mỹ. Khoảng cách hiện tại giữa mối quan tâm toàn cầu của Mỹ cho sự ổn định, cho sự phổ biến dân chủ liên quan và thái độ dường như trung lập của châu Âu đối với các vấn đề này (mặc cho vị thế tự xưng của Pháp là một cường quốc toàn cầu) cần phải được khép lại, và nó chỉ có thể được thu hẹp nếu châu Âu ngày càng nhận lãnh một vai trò đúng nghĩa là liên minh hơn. Châu Âu không thể trở thành một quốc gia-dân tộc duy nhất, vì sự ương ngạnh của các truyền thống dân tộc đa dạng của nó, nhưng nó có thể trở thành một thực thể thông qua các thiết chế chính trị chung phản ánh tích cực các giá trị dân chủ phổ quát, xác định lợi ích riêng với sự đa dạng của nó, và thi triển sức hút lên các dân tộc khác trong không gian Á-Âu.

Chỉ còn lại chính họ, người châu Âu có nguy cơ bị cuốn vào các mối quan tâm xã hội nội bộ của họ. Sự phục hồi kinh tế đã che khuất các chi phí dài hạn phải trả cho thành công bề ngoài của châu Âu. Những chi phí này đang gây tổn hại về kinh tế cũng như chính trị. Cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp chính trị và sức sống kinh tế mà Tây Âu phải đối mặt ngày càng rõ ràng, nhưng không thể vượt qua được, bắt nguồn từ sự mở rộng toàn diện của cấu trúc xã hội do nhà nước bảo trợ vốn ủng hộ chủ nghĩa gia trưởng, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa địa phương. Hệ quả là tình trạng văn hóa kết hợp chủ nghĩa khoái lạc thoát ly cộng thêm sự trống rỗng về tinh thần, tình trạng có thể được những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc có tư tưởng độc đoán lợi dụng.

Hoàn cảnh này, nếu trở nên tràn lan, có thể cho thấy rõ mối nguy hiểm đối với nền dân chủ và lý tưởng của châu Âu. Trên thực tế, cả hai liên kết với nhau, vì những vấn đề mới của châu Âu - là vấn đề nhập cư hay cạnh tranh kinh tế-công nghệ với Mỹ hay châu Á, không nói đến sự cần thiết phải cải cách chính trị cho ổn định các cấu trúc kinh tế xã hội hiện tại - chỉ có thể được xử lý hiệu quả trong một bối cảnh ngày càng mở rộng hơn ở tầm vóc lục địa. Một châu Âu lớn hơn toàn bộ những gì làm nên nó, nghĩa là một châu Âu nhìn thấy vai trò toàn cầu của mình trong việc thúc đẩy dân chủ và trong sự thịnh vượng rộng lớn hơn của các giá trị cơ bản của con người, có nhiều khả năng là một châu Âu không thích hợp đối với chủ nghĩa cực đoan chính trị, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay chủ nghĩa khoái lạc xã hội.

Người ta không cần phải gợi lên những lo ngại cũ cho việc dàn xếp riêng biệt giữa người Đức và người Nga, cũng như không cần thổi phồng hậu quả của việc Pháp có những “tán tỉnh” chiến thuật dành cho Moscow thì mới có thể tiêu trừ nỗi lo âu về sự ổn định địa chính trị của châu Âu và vị trí của Mỹ trong đó, dẫn đến sự thất bại của những nỗ lực thống nhất vẫn tiếp diễn của châu Âu. Bất kỳ thất bại nào như vậy trên thực tế có thể gây ra một số vận động đổi mới và khá là truyền thống ở châu lục này. Nó chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội cho sự tự khẳng định địa chính trị của Nga hoặc Đức, mặc dù nếu lịch sử hiện đại của châu Âu chứa đựng bất kỳ bài học nào thì đó là cả hai đều không có khả năng đạt được thành công lâu dài trong việc đó. Tuy nhiên, ít nhất, Đức có lẽ sẽ trở nên quyết đoán và rõ ràng hơn trong việc định nghĩa lợi ích quốc gia của mình.

Hiện tại, các lợi ích của Đức rất phù hợp và thậm chí thăng hoa trong các quốc gia thuộc EU và NATO. Ngay cả những phát ngôn viên của Liên minh 90/Đảng Xanh cũng ủng hộ việc mở rộng cả NATO và EU. Nhưng nếu sự thống nhất và mở rộng của châu Âu bị đình trệ, có một số lý do để cho rằng một định nghĩa dân tộc hơn cho khái niệm của Đức về “trật tự” châu Âu khi đó sẽ xuất hiện, gây bất lợi cho sự ổn định của châu Âu. Wolfgang Schauble, lãnh đạo của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Bundestag và là người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Kohl, bày tỏ suy nghĩ đó khi ông tuyên bố rằng Đức không còn là “bức tường thành phương Tây chống lại phương Đông; chúng tôi đã trở thành trung tâm của châu Âu,” và nhấn mạnh thêm rằng, trong “thời gian dài thời Trung cổ… Đức đã tham gia thiết lập trật tự ở châu Âu”6 Trong tầm nhìn này, Mitteleuropa (Trung Âu), thay vì là một khu vực châu Âu, nơi Đức vượt trội về kinh tế, sẽ trở thành một khu vực chiếm ưu thế chính trị công khai của Đức cũng như là cơ sở cho một chính sách đơn phương hơn của Đức đối với phía đông và phía tây.

Châu Âu sau đó sẽ không còn là cầu nối Á-Âu cho sức mạnh của Mỹ hay bàn đạp tiềm năng cho việc mở rộng hệ thống dân chủ toàn cầu vào khu vực Á-Âu. Đây là lý do tại sao sự hỗ trợ rõ ràng và hữu hình của Mỹ cho việc thống nhất châu Âu phải được duy trì. Mặc dù cả trong quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu và trong liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương, Mỹ thường xuyên tuyên bố ủng hộ sự thống nhất và hỗ trợ hợp tác xuyên quốc gia ở châu Âu, nhưng họ vẫn hành động như thể thích giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị rắc rối với từng quốc gia châu Âu chứ không phải ở phạm vi Liên minh châu Âu. Thỉnh thoảng, việc người Mỹ khăng khăng lên tiếng trong quá trình ra quyết định của châu Âu có khuynh hướng củng cố những nghi ngờ ở châu lục này cho rằng Mỹ ủng hộ sự hợp tác giữa những người châu Âu chỉ khi họ tuân theo sự lãnh đạo của Mỹ chứ không phải khi họ xây dựng các chính sách của châu Âu. Đây là thông điệp bị truyền thông sai.

Cam kết của Mỹ đối với sự thống nhất của châu Âu, được nhắc lại mạnh mẽ trong Tuyên bố chung Madrid giữa Mỹ và châu Âu vào tháng 12 năm 1995, sẽ tiếp tục vang lên một cách trống rỗng cho đến khi Mỹ không chỉ sẵn sàng tuyên bố rõ ràng rằng họ chấp nhận hậu quả của việc châu Âu trở thành châu Âu thực sự mà còn có hành động phù hợp. Đối với châu Âu, hệ quả cuối cùng sẽ đòi hỏi một mối quan hệ đối tác thực sự với Mỹ thay vì tình trạng là một đồng minh được ưa chuộng nhưng vẫn còn là đàn em. Và một quan hệ đối tác thực sự có nghĩa là chia sẻ trong cả quyết định cũng như trách nhiệm. Vì lẽ này, sự ủng hộ của Mỹ sẽ giúp tiếp thêm sinh lực cho cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương, khuyến khích người châu Âu tập trung nghiêm túc hơn vào vai trò mà một châu Âu thực sự quan trọng có thể đóng góp trên thế giới.

Có thể hình dung rằng đến một lúc nào đó, một Liên minh châu Âu thực sự thống nhất và mạnh mẽ có thể trở thành đối thủ chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ. Nó chắc chắn có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh kinh tế-công nghệ khó nhằn, trong khi lợi ích địa chính trị của nó ở Trung Đông và các nơi khác có thể khác biệt đáng kể so với Mỹ. Nhưng, trên thực tế, một châu Âu mạnh mẽ và chuyên tâm về chính trị như vậy không có khả năng xuất hiện trong tương lai gần. Không giống như các điều kiện phổ biến ở Mỹ tại thời điểm Hoa Kỳ hình thành, có các nguồn gốc lịch sử sâu rộng cho tính bền vững của các quốc gia-dân tộc châu Âu và tham vọng đối với một châu Âu xuyên quốc gia đã suy yếu rõ ràng.

Các lựa chọn thay thế thực sự trong một hoặc hai thập kỷ tới là một châu Âu đang mở rộng và thống nhất, đang theo đuổi, mặc dù do dự và không liên tục, mục tiêu thống nhất lục địa; một châu Âu bế tắc, không thể vượt ra quá khỏi tình hình hợp nhất và phạm vi địa lý hiện nay, với Trung Âu vẫn là một vùng đệm địa chính trị; hoặc, như một hệ quả có thể xảy ra trong tình trạng bế tắc, một châu Âu đang dần phân mảnh, tái trỗi dậy những đối đầu quyền lực cũ của nó. Trong một châu Âu bế tắc, gần như không thể tránh khỏi việc Đức tự định nghĩa chính mình trong mối quan hệ với châu Âu sẽ dần suy yếu, với thôi thúc hướng đến một định nghĩa nhiều tính dân tộc hơn xét về mặt lợi ích nhà nước. Đối với Mỹ, lựa chọn đầu tiên rõ ràng là tốt nhất, nhưng đó là một lựa chọn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Mỹ nếu nó được thông qua.

Ở giai đoạn kiến tạo có tính do dự của châu Âu, Mỹ không cần phải tham gia trực tiếp vào các cuộc tranh luận phức tạp liên quan đến các vấn đề như liệu EU có nên đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại của mình bằng cách bỏ phiếu đa số (một quan điểm được người Đức đặc biệt ưa thích); liệu Nghị viện châu Âu có nên đảm nhận các quyền lập pháp quyết định và ủy ban châu Âu tại Brussels có nên trở thành cơ quan hành pháp châu Âu trên thực tế hay không; liệu thời gian biểu để thực hiện thỏa thuận về liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu có nên được nới lỏng hay không; hoặc, cuối cùng, châu Âu có nên là một liên minh rộng lớn hay là một thực thể nhiều lớp, với phần lõi bên trong được cố kết và lớp ngoài có phần lỏng lẻo hơn. Đây là những vấn đề khiến người châu Âu tranh cãi giữa chính họ - nhiều khả năng mức độ tiến triển của tất cả những vấn đề này là không đồng đều, bị gián đoạn vì những lần tạm dừng và cuối cùng được thúc đẩy chỉ khi có những thỏa thuận phức tạp.

Dẫu vậy, Liên minh Kinh tế và Tiền tệ ra đời năm 2000 là hợp lý, có lẽ ban đầu có khoảng từ sáu đến mười trong số mười lăm thành viên hiện có của EU. Điều này sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Âu vượt ra ngoài bình diện tiền tệ, khuyến khích hơn nữa tập hợp này hội nhập đời sống chính trị. Do đó, theo từng đợt và các lần khởi đầu và với một phần lõi bên trong hòa nhập hơn cũng như lớp ngoài lỏng lẻo hơn, một châu Âu thống nhất sẽ dần dà trở thành một đấu thủ chính trị quan trọng trên bàn cờ Á-Âu.

Trong mọi trường hợp, Mỹ không nên truyền đạt ấn tượng rằng họ thích một liên hiệp châu Âu mơ hồ kể cả khi nó rộng lớn hơn, mà nên nhắc lại, thông qua lời nói và hành động, rằng Mỹ sẵn sàng quan hệ với EU khi tổ chức này giữ tư cách đối tác chính trị và an ninh toàn cầu với Mỹ chứ không phải chỉ như một thị trường chung trong khu vực được tạo thành từ các quốc gia liên minh với Hoa Kỳ thông qua NATO. Để làm cho cam kết đó trở nên đáng tin cậy hơn và nhờ đó vượt khỏi khuôn khổ những lời hoa mỹ của mối quan hệ hợp tác, kế hoạch chung với EU về các cơ chế ra quyết định song phương mới xuyên Đại Tây Dương nên được đề xuất và bắt đầu.

Nguyên tắc tương tự áp dụng cho NATO. Duy trì tổ chức này là rất quan trọng đối với các kết nối xuyên Đại Tây Dương. Về vấn đề này, có sự đồng thuận áp đảo giữa người Mỹ và người châu Âu. Không có NATO, châu Âu không chỉ trở nên dễ bị tổn thương mà gần như ngay lập tức sẽ bị phân mảnh về mặt chính trị. NATO đảm bảo an ninh châu Âu và cung cấp khuôn khổ ổn định cho việc theo đuổi sự thống nhất châu Âu. Đó là những gì khiến cho NATO trở nên rất quan trọng đối với châu Âu về mặt lịch sử.

Tuy nhiên, với một châu Âu thống nhất từng bước và trong do dự, cấu trúc và quy trình nội bộ của NATO phải điều chỉnh theo. Đối với vấn đề này, người Pháp có quan điểm riêng. Không thể một ngày nào đó sẽ có một châu Âu thực sự thống nhất mà vẫn có một liên minh duy trì hợp nhất trên cơ sở một siêu cường cộng với mười lăm cường quốc phụ thuộc. Một khi châu Âu bắt đầu thừa nhận bản sắc chính trị thực sự của riêng mình, với việc EU đảm nhiệm một số chức năng của một chính phủ siêu quốc gia ở mức độ thực chất hơn, NATO sẽ phải thay đổi trên cơ sở công thức 1 + 1 (Hoa Kỳ + EU).

Mọi chuyện sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm và cùng một lúc. Một lần nữa, tiến bộ mà theo hướng đó sẽ chỉ là thứ chuyển động do dự, ngập ngừng. Nhưng loại tiến trình như vậy phải được phản ánh trong các thỏa thuận liên minh hiện có, để việc thiếu đi sự tự điều chỉnh cần thiết sẽ không trở thành một trở ngại cho những gì xảy ra tiếp theo. Một bước tiến quan trọng theo xu hướng đó là quyết định nhường chỗ cho Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp vào năm 1996 của liên minh, từ đó dự trước tính khả thi của thế chủ động quân sự thuần túy của châu Âu dựa trên hậu cần cũng như việc chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tình báo của liên minh. Việc Hoa Kỳ thiện chí hơn trong việc đáp ứng yêu cầu của Pháp để Liên minh Tây Âu (WEU) có vai trò lớn hơn trong NATO, đặc biệt liên quan đến việc chỉ huy và ra quyết định, cũng chính là cho thấy rõ hơn sự ủng hộ chân chính của Hoa Kỳ đối với việc thống nhất châu Âu, giúp thu hẹp phần nào khoảng cách giữa Mỹ và Pháp liên quan đến việc tự định nghĩa sau cùng của chính châu Âu.

Về lâu dài, có thể WEU sẽ bao gồm một số quốc gia thành viên EU mà, vì những lý do địa chính trị hoặc lịch sử khác nhau, có thể chọn không trở thành thành viên NATO. Trường hợp này có thể bao gồm đến Phần Lan hoặc Thụy Điển, hoặc thậm chí là Áo, tất cả đều đã có được tư cách quan sát viên với WEU7. Các quốc gia khác cũng có thể truy cầu liên kết với WEU ở tư cách một thành viên NATO từ sơ bộ đến cuối cùng. Đến một lúc nào đó, WEU cũng có thể chọn mô phỏng chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO khi cân nhắc việc trở thành thành viên của EU. Tất cả điều đó sẽ giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác an ninh rộng lớn hơn ở châu Âu, vượt ra ngoài phạm vi chính thức của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi đó, đến khi nào một châu Âu rộng lớn và đoàn kết hơn xuất hiện - và việc đó, ngay cả trong điều kiện tốt nhất, cũng sẽ không xảy ra sớm - Hoa Kỳ vẫn phải hợp tác chặt chẽ với cả Pháp và Đức để giúp một châu Âu đoàn kết và rộng lớn hơn hiện diện. Do đó, với Pháp, vấn đề nan giải của chính sách trung tâm đối với Mỹ sẽ vẫn là làm thế nào để đưa Pháp hội nhập chính trị và quân sự Đại Tây Dương chặt chẽ hơn mà không làm ảnh hưởng đến kết nối Mỹ-Đức; với Đức, là làm cách nào khai thác sự tín nhiệm Hoa Kỳ dành cho việc Đức giữ vai trò lãnh đạo một châu Âu Đại Tây Dương mà không gây lo ngại cho Pháp và Anh cũng như cho các nước châu Âu khác.

Sự linh hoạt rõ ràng hơn của người Mỹ về hình thức tương lai của liên minh sẽ giúp huy động những hỗ trợ to lớn hơn từ Pháp cho việc mở rộng Liên minh về phía đông. Về lâu dài, một khu vực an ninh quân sự tích hợp của NATO ở cả hai phía của Đức sẽ neo giữ nước này vững hơn trong một khuôn khổ đa phương, và đó sẽ là vấn đề quan trọng cho Pháp. Hơn nữa, mở rộng Liên minh sẽ làm tăng khả năng rằng Tam giác Weimar (của Đức, Pháp và Ba Lan) có thể trở thành một phương tiện mềm dẻo để phần nào cân bằng sự lãnh đạo của Đức ở châu Âu. Mặc dù Ba Lan dựa vào sự hỗ trợ của Đức để giành quyền gia nhập liên minh (và phẫn nộ trước những do dự hiện tại của Pháp trước việc mở rộng này), một khi nó nằm trong liên minh, một quan điểm địa chính trị chung Pháp-Ba Lan nhiều khả năng xuất hiện.

Trong bất cứ tình huống nào, Washington không nên quên mất sự thật rằng Pháp chỉ là đối thủ ngắn hạn trong các vấn đề liên quan đến bản sắc châu Âu hoặc các hoạt động nội bộ của NATO. Quan trọng hơn, cần ghi nhớ thực tế rằng Pháp là đối tác thiết yếu trong nhiệm vụ quan trọng là khóa chặt vĩnh viễn một nước Đức dân chủ ở châu Âu. Đó là vai trò lịch sử của mối quan hệ Pháp-Đức và việc mở rộng cả EU và NATO về phía đông sẽ tăng cường tầm quan trọng của mối quan hệ này như là cốt lõi của châu Âu. Cuối cùng, Pháp không đủ mạnh, dù là để cản trở Mỹ xét theo các nguyên tắc cơ bản địa chiến lược trong chính sách châu Âu của Mỹ hay là tự trở thành một nhà lãnh đạo của châu Âu. Do đó, sự khác thường và thậm chí những cơn “ăn vạ” có thể được dung thứ.

Cũng cần lưu ý rằng Pháp đóng vai trò xây dựng ở Bắc Phi và các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp. Họ là đối tác thiết yếu cho Morocco và Tunisia, đồng thời thực hiện vai trò giữ cho Algeria ổn định. Có một lý do nội tại thích hợp cho Pháp tham sự ở đây: khoảng 5 triệu người Hồi giáo hiện đang cư trú tại nước này. Do đó, Pháp đóng một phần quan trọng cho sự ổn định và phát triển có trật tự của Bắc Phi. Nhưng mối quan tâm đó mang lại lợi ích sâu xa hơn cho an ninh châu Âu. Nếu không có ý thức nghĩa vụ của Pháp, sườn phía nam châu Âu sẽ không ổn định và bị đe dọa nhiều hơn. Toàn bộ Nam Âu đang ngày càng quan tâm đến mối đe dọa chính trị-xã hội đến từ những bất ổn dọc theo bờ biển phía nam Địa Trung Hải. Việc Pháp rất lo ngại về những gì xảy ra trên khắp Địa Trung Hải do đó khá phù hợp với các mối quan tâm về an ninh của NATO, và sự cân nhắc đó cần được tính đến khi Mỹ thỉnh thoảng phải đối phó với các yêu sách cường điệu về địa vị lãnh đạo đặc biệt của Pháp.

Đức là một vấn đề khác. Không thể phủ nhận vị thế chi phối của Đức, nhưng phải thận trọng trước bất kỳ thừa nhận công khai nào dành cho vai trò lãnh đạo của Đức ở châu Âu. Sự lãnh đạo đó có thể phù hợp với một số quốc gia châu Âu, giống như những nước ở Trung Âu đánh giá cao thế chủ động của Đức thay mặt cho sự mở rộng về phía đông châu lục, và nó có thể được những nước Tây Âu chấp nhận miễn là tình thế này được duy trì dưới sự chi phối của Mỹ, nhưng về lâu dài, việc xây dựng châu Âu không thể dựa vào nước Đức. Quá nhiều ký ức vẫn còn đọng lại; quá nhiều nỗi sợ có khả năng trỗi dậy. Xây dựng một châu Âu dưới sự lãnh đạo của Berlin đơn giản là không khả thi. Đó là lý do tại sao Đức cần Pháp, tại sao châu Âu cần kết nối Pháp-Đức và tại sao Mỹ không thể chọn hoặc Đức hoặc Pháp.

Điểm cốt yếu liên quan đến việc mở rộng NATO nằm ở chỗ đây là một quá trình được kết nối toàn diện với việc mở rộng riêng của châu Âu. Nếu Liên minh châu Âu trở thành một cộng đồng lớn hơn về mặt địa lý với lớp lõi lãnh đạo Pháp-Đức hợp nhất hơn và các lớp bên ngoài ít thống nhất hơn, và nếu một châu Âu như vậy tiếp tục để cho vấn đề an ninh của mình dựa vào sự liên minh với Mỹ, thì theo sau đó khu vực tiếp xúc nhiều nhất về mặt địa chính trị của nó - Trung Âu - không thể bị loại trừ khỏi việc tham gia vào lĩnh vực an ninh mà phần còn lại của châu Âu được hưởng thông qua liên minh xuyên Đại Tây Dương. Về điều này, Mỹ và Đức nhất trí với nhau. Đối với họ, lực thúc đẩy để mở rộng là chính trị, lịch sử và tính xây dựng. Nó không bị thúc đẩy bởi sự thù địch đối với Nga, cũng không phải vì sợ Nga, cũng không phải bởi mong muốn cô lập Nga.

Do đó, Mỹ phải hợp tác đặc biệt chặt chẽ với Đức trong việc thúc đẩy sự mở rộng về phía đông của châu Âu. Hợp tác Mỹ-Đức và lãnh đạo chung trong vấn đề này là rất cần thiết. Việc mở rộng sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ và Đức cùng khuyến khích các đồng minh NATO khác tán thành bước này, và đàm phán hiệu quả một số dàn xếp với Nga nếu họ sẵn sàng thỏa hiệp (xem Chương 4), hoặc hành động quyết đoán, theo nhận thức đúng đắn rằng nhiệm vụ xây dựng một châu Âu không phụ thuộc vào sự chống đối của Moscow. Áp lực kết hợp giữa Mỹ và Đức sẽ đặc biệt cần thiết cho việc đạt được thỏa thuận nhất trí cần phải có từ tất cả các thành viên NATO, nhưng không thành viên NATO nào có thể từ chối nếu Mỹ và Đức cùng ép buộc.

Cuối cùng, một phần trong nỗ lực này là vai trò tầm xa của Mỹ ở châu Âu. Một châu Âu mới vẫn đang hình thành, và nếu châu Âu mới đó duy trì về mặt địa chính trị là một phần của không gian “Euro-Atlantic” (châu Âu-Đại Tây Dương), thì việc mở rộng NATO là rất cần thiết. Thật vậy, một chính sách toàn diện của Hoa Kỳ đối với lục địa Á-Âu nói chung sẽ không thể thực hiện được nếu nỗ lực mở rộng NATO (đã được Hoa Kỳ đưa ra) ngưng trệ và phỉnh nỉnh. Thất bại đó sẽ làm mất uy tín của giới lãnh đạo Mỹ; nó sẽ phá vỡ khái niệm về một châu Âu đang mở rộng; nó làm mất tinh thần người Trung Âu; và nó có thể khơi dậy những tham vọng địa chính trị ở Trung Âu hiện đang ngấm ngầm hoặc đã chết của nước Nga. Đối với phương Tây, điều này sẽ tự gây ra một vết thương có thể gây tổn hại nặng nề cho triển vọng về một trụ cột châu Âu thực sự trong bất kỳ kiến trúc an ninh Á-Âu cuối cùng nào; và đối với Mỹ, nó không chỉ là một thất bại trong khu vực mà còn là một thất bại toàn cầu.

Điểm mấu chốt kiểm soát sự phát triển mở rộng của châu Âu phải là xác nhận cho được rằng không có quyền lực nào bên ngoài hệ thống xuyên Đại Tây Dương hiện tại có quyền phủ quyết quyền tham gia vào hệ thống châu Âu của bất kỳ quốc gia châu Âu nào đã hội đủ điều kiện, và theo đó vào cả hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương của nó; và rằng không có quốc gia châu Âu đủ điều kiện nào lại bị loại trừ khỏi tư cách thành viên EU hoặc NATO chỉ vì những lề lối suy diễn áp đặt chủ quan. Đặc biệt, các quốc gia Baltic ngày càng hội đủ điều kiện và dễ bị tổn thương có quyền được biết rằng cuối cùng họ cũng có thể trở thành thành viên chính thức trong cả hai tổ chức, và rằng trong khi đó, chủ quyền của họ không bị đe dọa khi chưa thu hút được lợi ích của một châu Âu mở rộng và đối tác Hoa Kỳ của nó.

Về bản chất, phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh Tây Âu của họ phải cung cấp câu trả lời cho câu hỏi được Václav Havel8 hùng hồn nêu ra ở Aachen ngày 15 tháng 5 năm 1996:

Tôi biết rằng cả Liên minh châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương đều không thể mở cửa qua đêm cho tất cả những ai khao khát tham gia cùng họ. Điều mà cả hai chắc chắn có thể làm được và điều họ nên làm trước khi quá muộn là cung cấp cho toàn bộ châu Âu, được xem như một phạm vi của các giá trị chung, sự đảm bảo rõ ràng rằng họ không phải là câu lạc bộ khép kín. Họ nên xây dựng một chính sách rõ ràng và chi tiết về việc mở rộng dần dần không chỉ theo thời gian biểu mà còn giải thích hợp lý thời gian biểu đó. [chữ in nghiêng là được thêm vào]

THỜI GIAN BIỂU CỦA CHÂU ÂU

Mặc dù trong giai đoạn này, các giới hạn phía đông cuối cùng của châu Âu không thể được xác định chắc chắn hay được chốt lại, nhưng theo nghĩa rộng nhất, châu Âu là một nền văn minh chung, bắt nguồn từ truyền thống Kitô giáo chung. Định nghĩa phương Tây hẹp hơn của châu Âu được liên kết với Rome và di sản lịch sử của nó. Nhưng truyền thống Kitô giáo châu Âu còn bao gồm cả Đế chế Byzantine và Giáo hội Chính thống giáo Nga. Do đó, về mặt văn hóa, châu Âu lớn hơn Petrine Europe (châu Âu của Thánh Peter) và Petrine Europe thì còn lớn hơn cả Tây Âu, mặc dù trong những năm gần đây, Tây Âu đang chiếm giữ ưu thế trong định nghĩa về “châu Âu”. Nhìn lướt qua bản đồ ở trang 141, ta nhận ra châu Âu hiện tại không phải là một châu Âu hoàn chỉnh. Tồi tệ hơn thế, đó là một châu Âu mà trong đó một khu vực bất ổn giữa châu Âu và Nga có thể tác động lẫn nhau từ cả hai, gây ra căng thẳng và ganh đua không thể tránh khỏi.

Một châu Âu của Charlemagne9 (giới hạn trong phạm vi Tây Âu) đương nhiên là hợp lý trong Chiến tranh Lạnh, nhưng một châu Âu như vậy ở thời này là bất thường. Bởi lẽ ngoài việc là một nền văn minh, châu Âu thống nhất mới nổi lên cũng là một lối sống, một chuẩn mực sống và một chính thể của các phương thức dân chủ chung, không bị đè nặng vì những xung đột lãnh thổ và sắc tộc. Châu Âu này trong khuôn khổ tổ chức chính thức hiện nhỏ hơn nhiều so với tiềm năng thực tế của nó. Một số quốc gia Trung Âu tiên tiến và ổn định hơn về chính trị, tất cả đều là một phần của truyền thống Petrine phương Tây - đáng chú ý là Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary, có lẽ cả Slovenia - rõ ràng hội đủ điều kiện và háo hức muốn trở thành thành viên của “châu Âu” cũng như có mặt trên mối dây kết nối an ninh xuyên Đại Tây Dương của nó.

Trong hoàn cảnh hiện tại, việc mở rộng NATO để có được cả Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary vào năm 1999 dường như khả thi. Sau bước khởi đầu có ý nghĩa này, có bất kỳ khả năng mở rộng nào sau đó của liên minh sẽ là trùng khớp hoặc theo sau sự mở rộng của EU. Vế sau liên quan đến một quá trình phức tạp hơn nhiều, cả về số lượng các giai đoạn đủ điều kiện lẫn việc đáp ứng các yêu cầu thành viên (xem bảng ở trang 143). Do đó, việc những nước Trung Âu đầu tiên gia nhập EU khó lòng xảy ra trước năm 2002, có khi còn hơi muộn hơn thế. Tuy nhiên, sau khi ba tân thành viên NATO đầu tiên cùng gia nhập EU, cả EU và NATO sẽ phải trả lời câu hỏi về tư cách thành viên mở rộng của các nước cộng hòa Baltic là Slovenia, Romania, Bulgaria và Slovakia, và cuối cùng, có lẽ cả Ukraine.

Đáng chú ý là triển vọng trở thành thành viên đã gây ảnh hưởng có tính xây dựng lên các vấn đề đối ngoại và hành vi của các nước sẽ trở thành thành viên. Nhận biết rằng cả EU và NATO đều không muốn phải mang thêm gánh nặng khởi từ những xung đột liên quan đến quyền lợi thiểu số hoặc yêu sách lãnh thổ giữa các thành viên (Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu Hy Lạp là quá đủ) là sự khuyến khích cần thiết cho Slovakia, Hungary và Romania đạt được những dàn xếp đáp ứng các tiêu chuẩn do Hội đồng châu Âu đề ra. Tương tự, nguyên tắc chung cho rằng chỉ các nền dân chủ mới có thể hội đủ điều kiện để trở thành thành viên cũng là một động lực thúc đẩy. Mong muốn không bị bỏ rơi quả đã có tác động củng cố quan trọng đối với các nền dân chủ mới.

THỦ TỤC GIA NHẬP LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Được soạn thảo bởi C.S.I.S., ủy ban Hành động Mỹ-EU-Ba Lan

Trong mọi trường hợp, cần nhấn mạnh rằng sự hợp nhất và an ninh chính trị của châu Âu là không thể tách rời. Thực tế là, rất khó hình dung ra một châu Âu thực sự thống nhất mà không có sự sắp xếp an ninh chung với Mỹ. Vì vậy, theo sau đó các quốc gia đang ở vị trí bắt đầu và được khuyến gọi thực hiện các cuộc đàm phán gia nhập cùng EU, từ nay trở đi cũng nên tự động được xem như đối tượng trên thực tế sẽ nhận được sự bảo vệ giả định của NATO.

Theo đó, quá trình mở rộng châu Âu và mở rộng hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương có khả năng đạt được thông qua các giai đoạn đã xem xét. Giả sử với cam kết bền vững của Mỹ và Tây Âu, thời gian biểu dựa trên thực tế thúc đẩy và có tính đầu cơ cho các giai đoạn này có thể là:

Đến năm 1999, các tân thành viên Trung Âu đầu tiên sẽ được kết nạp vào NATO, mặc dù việc họ gia nhập EU có thể sẽ không xảy ra trước năm 2002 hoặc 2003.

Trong khi đó, EU sẽ bắt đầu đàm phán cho các nước cộng hòa Baltic gia nhập, và NATO cũng sẽ bắt đầu ghi nhận tư cách thành viên của họ cũng như của Romania. Quá trình gia nhập của các nước này có thể sẽ được hoàn tất vào năm 2005. Tại một thời điểm nào đó trong giai đoạn này, các quốc gia Balkan khác có thể đáp ứng đủ điều kiện.

Việc các nước Baltic gia nhập có thể khiến Thụy Điển và Phần Lan cân nhắc tư cách thành viên NATO.

Vào khoảng giữa năm 2005 và năm 2010, Ukraine - đặc biệt là trong khi nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong cải cách nội bộ và thành công trong việc trở thành một quốc gia Trung Âu được nhận diện rõ ràng hơn - nên chuẩn bị đàm phán nghiêm túc với cả EU và NATO.

Trong khi đó, nhiều khả năng mối hợp tác Pháp-Đức-Ba Lan trong EU và NATO sẽ ngày càng sâu sắc, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Sự hợp tác đó có thể trở thành cốt lõi của phương Tây trong bất kỳ thỏa thuận an ninh châu Âu rộng lớn nào mà cuối cùng có thể bao trùm cả Nga và Ukraine. Với lợi ích địa chính trị đặc biệt của Đức và Ba Lan đối với nền độc lập của Ukraine, cũng có khả năng Ukraine sẽ dần dần bị lôi kéo vào mối quan hệ đặc biệt Pháp-Đức-Ba Lan. Năm 2010, hợp tác chính trị Pháp-Đức-Ba Lan-Ukraine (với khoảng 230 triệu dân) có thể phát triển thành một mối quan hệ đối tác tăng cường độ sâu địa chính trị của châu Âu (xem bản đồ ở trang 145).

Cho dù viễn cảnh trên xuất hiện theo cách lành tính hay trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga, nó đều cho thấy tầm quan trọng rất lớn. Nga nên tiếp tục yên tâm rằng các cánh cửa tới châu Âu đang rộng mở, cũng như cánh cửa cho sự tham gia cuối cùng của họ vào một hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương mở rộng và, có lẽ tại một thời điểm nào đó trong tương lai, vào một hệ thống an ninh xuyên Á-Âu mới. Để tạo sự tin cậy cho những đảm bảo này, các liên kết hợp tác khác nhau giữa Nga và châu Âu, trong tất cả các lĩnh vực, nên được chủ ý khuyến khích. (Mối quan hệ của Nga với châu Âu, và vai trò của Ukraine trong vấn đề đó, sẽ được thảo luận đầy đủ hơn trong chương tiếp theo.)

Nếu châu Âu thành công cả trong việc thống nhất và mở rộng, và nếu Nga trong thời gian đó thực hiện sự hợp nhất dân chủ và hiện đại hóa xã hội thành công, thì đến một lúc nào đó, Nga cũng có thể có đủ điều kiện thiết lập mối quan hệ keo sơn hơn với châu Âu. Điều đó, đến lượt nó, sẽ làm cho sự sáp nhập cuối cùng giữa hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương và một hệ thống Á-Âu xuyên lục địa trở nên khả thi. Tuy nhiên, trên thực tế, câu hỏi về tư cách thành viên chính thức của Nga sẽ không xuất hiện trong một thời gian dài, và dẫu sao thì đó cũng là lý do để không đóng cửa một cách vô nghĩa trước nước này.

Kết luận: Với châu Âu của trật tự Yalta10 đã biến mất, điều cần thiết phải làm là không có sự đảo ngược thành châu Âu của hiệp ước Versailles11. Chấm dứt phân chia châu Âu không nên là cái cớ để bước lùi trở lại thành một châu Âu của các quốc gia dân tộc dễ nổi loạn mà nên là điểm khởi đầu để hình thành một châu Âu lớn hơn và ngày càng hội nhập, được củng cố qua một NATO mở rộng và thậm chí còn trở nên an toàn hơn nhờ sự hợp tác an ninh có tính xây dựng với Nga. Do đó, mục tiêu địa chiến lược trung tâm của Mỹ ở châu Âu có thể được tóm tắt khá đơn giản: đó là củng cố, thông qua quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương chân thực hơn, một đầu cầu của Hoa Kỳ trên lục địa Á-Âu để một châu Âu mở rộng có thể trở thành bàn đạp khả thi nhằm phóng vào khu vực Á-Âu một trật tự hợp tác và dân chủ quốc tế.

* * *

1. Thánh Peter (hay Thánh Phêro): tông đồ trưởng trong số mười hai Tông đồ của Chúa Jesus. Thánh Peter được Jesus trực tiếp trao quyền cai quản Hội Thánh. Truyền thống Công giáo cho rằng ông là Giám mục của Rome và là Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo Rome. (BT)↩︎

2. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: sự kiện đối đầu kéo dài 13 ngày (từ ngày 16 đến ngày 28-10-1962) giữa Mỹ và Liên Xô, khi Mỹ phát hiện Liên Xô bí mật triển khai hệ thống tên lửa tầm xa ở Cuba. Cuộc đối đầu này thường được xem như bước gần nhất tiến đến chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. (BT)↩︎

3. Ví dụ, theo số liệu thống kê, Đức đóng góp 28,5% cho quỹ của EU, 22,8% cho NATO, 8,93% cho Liên hợp quốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất của WB và Ngân hàng Phát triển và Tái cấu trúc châu Âu (EBRD).↩︎

4. Được tờ Le Nouvel Observateur trích đăng ngày 12-8-1996.↩︎

5. Tham khảo cuốn History of Europe, from the Pyrenean Peace to the Death of Louis XIV (Lịch sử châu Âu, từ Hòa ước Pháp-Tây Ban Nha [ngày 7-11-1659, còn gọi là Hòa ước Pyrenees] đến cái chết của Louis XIV) của Lord Bolingbroke.↩︎

6. Trích tờ Politiken Sondag, ngày 2-8-1996, những chỗ in nghiêng là được thêm vào.↩︎

7. Cần phải ghi nhận những tiếng nói có sức ảnh hưởng ở cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã bắt đầu thảo luận về khả năng liên kết với NATO. Tháng 5-1996, giới truyền thông Thụy Điển đưa tin Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Phần Lan đã dấy lên khả năng cho một số đơn vị NATO dàn quân ở vùng Biển Bắc; tháng 8-1996, Ủy ban Phòng vệ Thụy Điển, bằng hành động cho thấy sự dịch chuyển đến việc thiết lập mối hợp tác an ninh thân thiết hơn với NATO, đã đề xuất việc Thụy Điển gia nhập Khối Vũ trang Tây Âu (WEAG - Western European Armaments Group).↩︎

8. Václav Havel (1936-2011): tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc. Ông cũng là một nhà văn và triết gia. (BT)↩︎

9. Charlemagne (747-814): vị hoàng đế La Mã thần thánh được xem là người định hình nên khu vực Tây Âu. Ngày nay, ông được xem là người cha của cả hai dân tộc Pháp và Đức. (BT)↩︎

10. Trật tự Yalta: trật tự thế giới được thiết lập sau Thế chiến thứ hai. (BT)↩︎

11. Chỉ trật tự châu Âu và sự phân chia lợi ích của các nước đế quốc theo sau những ký kết ở Hiệp ước Versailles, sau Thế chiến thứ nhất. (BT)↩︎

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3