Bàn Cờ Lớn - Chương 05

Chương 5

BALKAN CỦA KHU VỰC Á-ÂU

Ở châu Âu, từ “Balkan” gợi lên hình ảnh các cuộc xung đột sắc tộc và cạnh tranh quyền lực lớn trong khu vực. Khu vực Á-Âu cũng có Balkan của chính nó, nhưng Balkan của khu vực Á-Âu vừa lớn hơn nhiều, vừa đông dân hơn, thậm chí mức độ không đồng nhất về tôn giáo và sắc tộc cũng đậm nét hơn. Chúng nằm trong hình thuôn địa lý rộng lớn phân định khu vực trung tâm của bất ổn toàn cầu được xác định trong Chương 2 và bao gồm các phần của Đông Nam Âu, Trung Á và các phần của Nam Á, khu vực Vịnh Ba Tư và Trung Đông.

Balkan của khu vực Á-Âu tạo thành cốt lõi bên trong của hình thuôn rộng lớn đó (xem bản đồ ở trang 203) và chúng có sự khác biệt hết sức quan trọng với không gian ngoại vi: chúng là một khoảng trống quyền lực. Mặc dù hầu hết quốc gia nằm trong Vịnh Ba Tư và Trung Đông cũng không ổn định, nhưng quyền lực Mỹ lại là trọng tài tối cao của khu vực. Do đó, phạm vi bất ổn định thuộc không gian ngoại vi là khu vực bị một thế lực bá chủ duy nhất thống trị đồng thời được chính bá quyền đó điều tiết. Ngược lại, Balkan Á-Âu thực sự lại gợi nhắc một Balkan xưa cũ hơn, gần gũi hơn ở đông nam châu Âu: không chỉ các thực thể chính trị của nó không ổn định mà chúng còn cám dỗ và mời gọi sự xâm nhập của các nước láng giềng hùng mạnh hơn, bên nào cũng quyết tâm chống lại sự thống trị khu vực của một bên khác. Chính sự kết hợp quen thuộc giữa khoảng trống quyền lực và sức hút quyền lực đã xác quyết sức thu hút của “Balkan Á-Âu”.

Balkan truyền thống đại diện cho một giải thưởng địa chính trị tiềm năng trong cuộc đấu tranh cho uy quyền tối cao của châu Âu. Balkan Á-Âu - dang rộng trong mạng lưới giao thông đang được định hình rõ ràng sẽ liên kết trực tiếp hơn giữa cực đông với cực tây giàu có nhất và công nghiệp hóa cao nhất của vùng Âu-Á - cũng có ý nghĩa địa chính trị nổi bật. Nhìn từ quan điểm an ninh và tham vọng lịch sử, nó có tầm quan trọng đối với ít nhất ba nước láng giềng trực tiếp và hùng mạnh hơn cả, đó là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, với Trung Quốc cũng đang ngày càng tỏ rõ mối quan tâm đến chính trị khu vực. Nhưng Balkan Á-Âu cũng vô cùng quan trọng ở tư cách một giải thưởng kinh tế tiềm tàng: sở hữu trữ lượng khí đốt và dầu mỏ tự nhiên dồi dào, cùng với các khoáng sản quan trọng, bao gồm cả vàng.

Mức tiêu thụ năng lượng của thế giới chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều trong hai hoặc ba thập kỷ tới. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán rằng nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ tăng hơn 50% trong giai đoạn 1993-2015, đáng kể nhất là ở Viễn Đông. Động lực phát triển kinh tế của châu Á đã tạo ra áp lực lớn lên hoạt động thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng mới, và khu vực Trung Á và lưu vực Biển Caspi được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu tự nhiên nhiều hơn các vùng khác như Kuwait, Vịnh Mexico, Biển Bắc, v.v.

Tiếp cận nguồn tài nguyên đó và chia sẻ sự dồi dào tiềm năng của nó là đại diện cho các mục tiêu khuấy động tham vọng quốc gia, thúc đẩy lợi ích doanh nghiệp, khơi dậy các yêu sách lịch sử, làm sống lại khát vọng đế quốc và thúc đẩy các cuộc cạnh tranh quốc tế. Tình hình làm cho tất cả trở nên biến động hơn bởi thực tế khu vực này không chỉ là một khoảng trống quyền lực mà còn không ổn định trong nội bộ. Mọi quốc gia ở đây đều có những vấn đề nội bộ nghiêm trọng, mọi đường biên giới đều là đối tượng yêu sách của các nước láng giềng hoặc là khu vực có mâu thuẫn sắc tộc, một số ít đồng nhất về mặt dân tộc và một số khác bị lôi kéo vào bạo lực lãnh thổ, dân tộc hoặc tôn giáo.

LÒNG CHẢO DÂN TỘC

Balkan Á-Âu bao gồm chín quốc gia theo cách này hay cách khác phù hợp với mô tả đã nói ở trên, với hai quốc gia khác là ứng cử viên tiềm năng. Chín quốc gia là Kazakstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Azerbaijan, Armenia và Georgia, tất cả đều từng là một phần của Liên Xô cũ cũng như Afghanistan. Hai ứng viên bổ sung tiềm năng là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cả hai đều có năng lực chính trị và kinh tế cao hơn, đều tích cực tạo ảnh hưởng lên khắp Balkan Á-Âu, và do đó, là những đấu thủ địa chính trị quan trọng trong khu vực. Đồng thời, cả hai đều dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột sắc tộc nội bộ. Nếu một trong hai hoặc cả hai mất ổn định, các vấn đề nội bộ của khu vực sẽ trở nên khó kiểm soát, ngay cả những nỗ lực kiềm chế sự thống trị khu vực của Nga cũng có thể trở nên vô ích.

DỮ LIỆU NHÂN KHẨU HỌC CHO CÁC NƯỚC Á-ÂU VÙNG BALKAN

* Tương đương sức mua: Năm 1994, như ngoại suy từ Ngân hàng Thế giới thành lập năm 1992.

** Turkmenistan là nhà sản xuất bông lớn thứ mười trên thế giới, có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ năm trên thế giới và trữ lượng dầu đáng kể.

Có thể nói, ba nước vùng Caucasus - Armenia, Georgia và Azerbaijan - là các quốc gia có lịch sử thực sự. Do đó, chủ nghĩa dân tộc ở họ có xu hướng vừa phổ biến vừa dữ dội, xung đột bên ngoài dễ trở thành thách thức chính đối với sự thịnh vượng của họ. Ngược lại, năm nước Trung Á mới thành lập có thể nói là khá hơn trong giai đoạn xây dựng quốc gia, với bản sắc bộ lạc và sắc tộc vẫn còn mạnh mẽ, khiến cho bất đồng nội bộ trở nên gay gắt lớn. Trong cả hai nhóm quốc gia, những nhược điểm này đều bị những người hàng xóm có đầu óc đế quốc và hùng mạnh hơn khai thác.

Balkan Á-Âu là một bức khảm sắc tộc (xem bản đồ và bảng ở trang 206-207). Biên giới quốc gia ở đây được các nhà vẽ bản đồ Liên Xô vẽ tùy tiện trong những năm 1920 và 1930, khi các nước cộng hòa Xô Viết tương ứng chính thức thành lập. (Afghanistan là ngoại lệ, vì không thuộc Liên Xô.) Biên giới của họ được khắc họa chủ yếu dựa trên nguyên tắc sắc tộc, nhưng chúng cũng phản ánh mối quan tâm Kremlin dành cho việc giữ cho khu vực phía nam Đế quốc Nga bị chia rẽ nội bộ và do đó bị phụ thuộc hơn.

Theo đó, Moscow đã từ chối các đề xuất của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Á để hợp nhất các dân tộc Trung Á khác nhau (hầu hết trong số họ chưa có động lực dân tộc) vào một đơn vị chính trị duy nhất được gọi là “Turkestan” - thay vì tạo ra năm nước “cộng hòa” riêng biệt, mỗi nước với một cái tên riêng cùng những đường biên giới cắt xẻ. Có lẽ nằm ngoài một tính toán tương tự, Kremlin đã từ bỏ kế hoạch tạo một liên bang duy nhất cho dân Caucasus. Do đó, việc cả ba quốc gia Caucasus và năm quốc gia Trung Á không hề được chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận vị thế độc lập cũng như những hợp tác khu vực cần thiết khi Liên Xô sụp đổ là không có gì phải ngạc nhiên.

Ở vùng Caucasus, có gần 4 triệu người Armenia và hơn 8 triệu người Azerbaijan, tất cả ngay lập tức bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh mở về tình trạng của Nagorno-Karabakh, một vùng đất đông dân Armenia ở Azerbaijan. Cuộc xung đột đã dẫn đến những sự kiện thanh trừng sắc tộc quy mô lớn, với hàng trăm ngàn người tỵ nạn và bị trục xuất từ cả hai bên. Với thực tế là Armenia theo Kitô giáo và Azerbaijan theo Hồi giáo, cuộc chiến ít nhiều mang âm hưởng của một cuộc xung đột tôn giáo. Nó gây tàn hoại về mặt kinh tế khiến cho cả hai nước khó lòng tự thiết lập nên độc lập ổn định. Armenia bị buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào Nga, nơi đã cung cấp sự giúp đỡ quân sự quan trọng, trong khi đó, sự độc lập và ổn định nội bộ mới của Azerbaijan bị tổn hại do mất đi Nagorno-Karabakh.

Nhược điểm của người Azerbaijan có ý nghĩa rộng hơn đối với khu vực, bởi lẽ vị trí của đất nước này khiến nó trở thành một trục địa chính trị. Nó có thể được mô tả như là một “nắp chai” cực kỳ quan trọng, kiểm soát quyền xâm nhập vào chiếc “chai”, nơi chứa đựng sự trù phú của lưu vực Biển Caspi và Trung Á. Một Azerbaijan độc lập, nói tiếng Turk, với những đường ống dẫn dầu chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ vốn liên quan về mặt sắc tộc và có hỗ trợ chính trị, sẽ ngăn cản Nga tiến hành độc quyền tiếp cận khu vực và do đó cũng sẽ tước đi đòn bẩy chính trị quyết định của Nga đối với các chính sách của các quốc gia Trung Á mới. Tuy nhiên, Azerbaijan rất dễ bị ảnh hưởng khi phải chịu áp lực từ nước Nga hùng mạnh ở phía bắc và Iran ở phía nam. Ước tính có tới 20 triệu dân Azeri sống ở phía tây bắc Iran (giáp Azerbaijan), gấp đôi so với ở Azerbaijan. Thực tế đó khiến Iran lo sợ về chủ nghĩa ly khai tiềm tàng từ người Azeri và do đó đôi bên mâu thuẫn với nhau trong vấn đề vị thế chủ quyền của Azerbaijan, mặc dù hai quốc gia có chung đức tin Hồi giáo. Do đó, Azerbaijan đã trở thành đối tượng chịu áp lực kết hợp của cả Nga và Iran, bị hạn chế tham gia thỏa thuận với phương Tây.

Không giống như Armenia hay Azerbaijan vốn khá đồng nhất về mặt dân tộc, khoảng 30% trong số 6 triệu dân Georgia thuộc nhóm thiểu số. Chưa kể, các cộng đồng nhỏ này, có tổ chức và bản sắc mang hơi hướm bộ lạc, phẫn uất với sự thống trị của Georgia. Sau khi Liên Xô tan rã, người Ossetia và người Abkhazia đã lợi dụng xung đột chính trị nội bộ của Georgia để ly khai, với Nga lặng lẽ ủng hộ nhằm buộc Georgia phải chịu áp lực của Nga để ở lại CIS (trong khi Georgia ban đầu muốn ly khai hoàn toàn) và chấp nhận cho Nga duy trì các căn cứ quân sự hòng phong tỏa khu vực khỏi vùng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở Trung Á, những yếu tố nội bộ đang ngày càng trọng yếu hơn trong việc gia tăng sự bất ổn. Về mặt văn hóa và ngôn ngữ, bốn trong số năm quốc gia Trung Á mới độc lập thuộc thế giới Turk; Tajikistan được tính vào Ba Tư; trong khi Afghanistan (ngoài phạm vi Liên Xô cũ) là một bức tranh ghép đa sắc các nhóm dân thiểu số người Pathan, Tajik, Pashtun và Ba Tư. Cả sáu nước đều theo Hồi giáo. Suốt những năm qua, hầu hết nằm dưới vùng ảnh hưởng của hết đế chế này đế chế khác, gồm Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga; nhưng kinh nghiệm đó không giúp nuôi dưỡng một tinh thần cùng chia sẻ những mối bận tâm khu vực giữa họ. Ngược lại, thành phần dân tộc đa dạng khiến họ dễ bị tổn thương từ những xung đột bên trong và bên ngoài, mà điều này lại càng thêm cám dỗ sự can thiệp của các nước láng giềng hùng mạnh hơn.

Trong số năm quốc gia Trung Á mới độc lập, Kazakstan và Uzbekistan là quan trọng nhất. Theo khu vực, Kazakstan là lá chắn và Uzbekistan là linh hồn cho sự thức tỉnh đa dạng dân tộc của khu vực. Diện tích và vị trí địa lý của Kazakstan che chở cho những nước khác khỏi áp lực trực tiếp của Nga, vì chỉ mình Kazakstan giáp với Nga. Tuy nhiên, dân số khoảng 18 triệu người của nó có khoảng 35% người Nga (dân số Nga trên toàn khu vực đang giảm dần), với 20% “các nhóm khác” cũng không phải người Kazak. Thực tế này đã gây thêm khó khăn cho giới cầm quyền mới thuộc sắc tộc Kazak vốn ngày càng đậm chất dân tộc hơn nhưng chỉ chiếm khoảng một nửa dân số cả nước: họ sẽ khó lòng theo đuổi mục tiêu xây dựng quốc gia trên cơ sở sắc tộc và ngôn ngữ.

Người Nga cư trú ở quốc gia mới đương nhiên bức xúc với giới lãnh đạo Kazakstan mới, và vì là giai cấp thực dân cầm quyền trước đây nên họ được giáo dục và có địa vị tốt hơn, vậy nên cũng sợ mất đặc quyền. Họ cũng kín đáo nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc mới nổi ở Kazakstan dưới con mắt khinh miệt văn hóa. Khu vực tây bắc và đông bắc Kazakstan từng bị người Nga thống trị hà khắc, vì vậy nước này phải đối mặt với nguy cơ ly khai lãnh thổ nếu quan hệ Kazakstan-Nga xấu đi nghiêm trọng. Đồng thời, có hàng trăm ngàn người Kazak cư trú ở Nga thuộc phía kia biên giới và ở phía đông bắc Uzbekistan, nhà nước mà Kazakstan coi là đối thủ chính cạnh tranh vai trò lãnh đạo Trung Á.

Trên thực tế, Uzbekistan là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo khu vực ở Trung Á. Mặc dù có diện tích nhỏ hơn và ít tài nguyên thiên nhiên hơn Kazakstan, nhưng nó có dân số lớn hơn (gần 25 triệu), và quan trọng hơn nhiều là dân số đồng nhất đáng kể về mặt sắc tộc so với Kazakstan. Với việc người bản địa có tỷ suất sinh cao hơn người gốc Nga và việc người Nga dần rời đi, sẽ sớm có khoảng 75% người dân nước này là người Uzbek, còn nhóm thiểu số người Nga còn lại sống chủ yếu ở thủ đô Tashkent.

Hơn nữa, giới lãnh đạo đất nước có chủ ý xác định quốc gia mới là hậu duệ trực tiếp của Đế chế Tamerlane (1336-1404) rộng lớn thời Trung cổ, có cố đô là Samarkand vốn đã trở thành trung tâm nổi tiếng về nghiên cứu tôn giáo, thiên văn học và nghệ thuật trong khu vực. Truyền thống tổ tiên này thấm nhuần vào nhà nước Uzbekistan hiện đại, họ ý thức về tính liên tục lịch sử và sứ mệnh khu vực ở mức sâu sắc hơn so với các nước láng giềng. Thật vậy, một số nhà lãnh đạo của Uzbekistan coi nước nhà là cốt lõi quốc gia của một thực thể Trung Á duy nhất, với Tashkent là thủ đô. Hơn bất kỳ quốc gia Trung Á nào khác, giới lãnh đạo chính trị và dân chúng ngày càng chiếm ưu thế ở Uzbekistan đã góp phần vào sự trưởng thành chủ quan của một quốc gia-dân tộc hiện đại và xác định rằng bất chấp những khó khăn nội bộ, nước họ sẽ không bao giờ trở lại vị trí thuộc địa.

Điều kiện này làm cho Uzbekistan trở thành nhà tiên phong thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa quốc gia hiện đại hậu dân tộc, và là đối tượng hứng chịu sự bất mãn của các nước láng giềng. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo Uzbekistan thiết lập tiến độ xây dựng quốc gia và ủng hộ việc tự cung tự cấp của khu vực rộng lớn hơn, sự đồng nhất dân tộc lớn hơn và ý thức quốc gia mãnh liệt hơn gây ra nỗi dè chừng cho giới lãnh đạo Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và thậm chí Kazakstan, rằng việc Uzbekistan lãnh đạo khu vực có thể nâng lên thành thống trị khu vực. Mối quan tâm đó kìm hãm tiến trình hợp tác khu vực giữa các quốc gia mới tiếp nhận chủ quyền - điều vốn không được người Nga khuyến khích trong bất kỳ trường hợp nào - và do vậy nhược điểm của khu vực vẫn còn đó.

Tuy nhiên, giống như những nước khác, Uzbekistan vẫn có mâu thuẫn sắc tộc. Miền Nam nước này - đặc biệt là quanh các trung tâm lịch sử-văn hóa quan trọng là Samarkand và Bukhara với dân số Tajik đông đáng kể - gặp nhiều căng thẳng vì các đường biên giới do Moscow vẽ ra. Vấn đề phức tạp hơn nữa là sự hiện diện của người Uzbek ở phía tây Tajikistan và của cả người Uzbek và Tajik ở thung lũng Fergana, Kyrgyzstan (nơi rất quan trọng về mặt kinh tế và trong những năm gần đây đã nổ ra xung đột sắc tộc đẫm máu), chưa kể đến sự hiện diện của người Uzbek ở miền Bắc Afghanistan.

Trong số ba quốc gia Trung Á vừa thoát khỏi sự cai trị thuộc địa của Nga là Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan, chỉ có nước thứ ba tương đối thống nhất về mặt sắc tộc. Khoảng 75% trong số 4,5 triệu dân là người Turkmen, với người Uzbek và người Nga mỗi bên chiếm chưa đến 10%. Vị trí địa lý xa cách khiến Turkmenistan được bảo vệ khỏi Nga, trong khi đó Uzbekistan và Iran có liên quan địa chính trị lớn hơn nhiều đối với tương lai của đất nước. Khi các đường ống dẫn dầu đến khu vực được thiết lập, trữ lượng khí đốt tự nhiên to lớn của Turkmenistan báo trước một tương lai thịnh vượng cho người dân nước này.

Dân số 5 triệu của Kyrgyzstan bị phân hóa hơn nhiều. Bản thân người Kyrgyz chiếm khoảng 55% và người Uzbek khoảng 13%, trong đó người Nga gần đây đã giảm từ hơn 20% xuống còn khoảng 15%. Trước khi giành độc lập, người Nga là thành phần chủ yếu của đội ngũ trí thức kỹ thuật và kỹ sư, nên họ rời đi đã làm tổn thương nền kinh tế đất nước. Mặc dù giàu khoáng sản và có một vẻ đẹp tự nhiên khiến một số người mô tả đất nước này là Thụy Sĩ của Trung Á (và do đó có tiềm năng là một biên giới du lịch mới), nhưng vị trí địa chính trị của Kyrgyzstan, nằm giữa Trung Quốc và Kazakstan, khiến viễn cảnh trên phụ thuộc nhiều vào mức độ độc lập mà nhà nước Kyrgyzstan duy trì được.

Tajikistan chỉ phần nào đó đồng nhất hơn về mặt sắc tộc. Trong số 6,5 triệu dân, chưa đến hai phần ba là người Tajik và hơn 25% là người Uzbek (bị người Tajik nhìn nhận dưới thái độ thù địch), trong khi những người Nga còn lại chỉ chiếm khoảng 3%. Tuy nhiên, cũng như những nơi khác, ngay cả cộng đồng dân tộc thống trị rõ ràng cũng bị chia rẽ (thậm chí ở mức dữ dội) theo dòng dõi bộ lạc, với chủ nghĩa quốc gia hiện đại chỉ giới hạn ở giới chính trị đô thị. Do đó, nền độc lập đã tạo ra không chỉ xung đột dân sự mà còn là cái cớ thuận tiện để Nga tiếp tục triển khai quân đội tại quốc gia này. Tình trạng sắc tộc thậm chí còn phức tạp hơn bởi sự hiện diện đông đảo của người Tajik ở bên kia biên giới, ở phía đông bắc Afghanistan. Trên thực tế, số người Tajik sống ở Afghanistan nhiều gần bằng ở chính Tajikistan, một yếu tố khác làm suy yếu tính ổn định của khu vực.

Tình trạng hỗn loạn hiện nay của Afghanistan cũng là một di sản của Liên Xô cũ, mặc dù đất nước này không phải là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Bị chia cắt bởi sự chiếm đóng của Liên Xô và cuộc chiến tranh du kích kéo dài chống lại Xô Viết, Afghanistan chỉ còn là một quốc gia-dân tộc trên danh nghĩa. Hai mươi hai triệu dân đã bị chia rẽ sâu sắc thành các nhóm sắc tộc, với khoảng cách ngày càng tăng giữa người Pashtun, Tajik và Hazara. Đồng thời, cuộc thánh chiến chống lại những kẻ chiếm đóng Nga đã khiến tôn giáo có xu hướng trở thành nền tảng thống trị trong đời sống chính trị đất nước, truyền thêm sự nhiệt thành giáo điều vào những khác biệt chính trị vốn đã sắc nét. Do đó, Afghanistan không chỉ được coi là một phần trong vấn đề sắc tộc hóc búa tại Trung Á mà còn là một phần chính trị rất quan trọng của Balkan Á-Âu.

Cũng như Azerbaijan, tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đều có đông đảo dân số là người Hồi giáo, tuy nhiên giới chính trị - phần lớn là sản phẩm của thời Xô Viết - gần như đều mang quan điểm vô thần còn các nhà nước thì thế tục. Tuy vậy, khi dịch chuyển từ bản sắc bộ lạc hay bộ tộc truyền thống chính yếu sang một nhận thức quốc gia hiện đại hơn, người dân có thể ngày càng thấm nhuần ý thức Hồi giáo đang mạnh lên. Trên thực tế, sự phục sinh Hồi giáo - từng được Iran và Ả Rập Saudi khởi xướng từ bên ngoài - dường như trở thành động lực thúc đẩy cho những tinh thần dân tộc chủ nghĩa mới lan rộng thêm, quyết ý chống lại sự tái tích hợp vào vùng kiểm soát vốn đã vô hiệu của Nga.

Thật vậy, quá trình Hồi giáo hóa có khả năng lây lan trong cộng đồng Hồi giáo trên khắp nước Nga. Có số dân vào khoảng 20 triệu, nhiều hơn gấp đôi số người Nga không bị ảnh hưởng (khoảng 9,5 triệu người) nhưng vẫn tiếp tục sống dưới sự cai trị của nước ngoài tại các quốc gia Trung Á độc lập. Theo đó, người Hồi giáo chiếm khoảng 13% dân số Nga, và gần như không thể tránh khỏi việc họ sẽ trở nên quyết đoán hơn trong việc đòi hỏi quyền lợi của mình cho một bản sắc tôn giáo và chính trị riêng biệt. Ngay cả khi yêu sách đó không đi cùng với đòi hỏi độc lập hoàn toàn, như ở Chechnya, nó vẫn chồng chéo với những vấn đề nan giải mà Nga, với sự tham gia mang tính đế quốc gần đây và các nhóm thiểu số Nga ở các quốc gia mới, sẽ tiếp tục phải đối mặt ở Trung Á.

Góp phần làm tăng sự bất ổn ở khu vực Balkan Á-Âu và khiến tình hình dễ bùng nổ hơn là thực tế liên quan đến hai trong số các quốc gia-dân tộc lớn liền kề nhau, mỗi quốc gia đều có một lịch sử đế quốc, văn hóa, tôn giáo và lợi ích kinh tế riêng trong khu vực, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vốn không kiên định trong định hướng địa chính trị và có tình trạng nội bộ dễ bị lục đục. Nếu hai quốc gia này trở nên bất ổn, nhiều khả năng toàn bộ khu vực sẽ rơi vào tình trạng rối loạn lớn khi các cuộc xung đột lãnh thổ và sắc tộc xảy ra ngoài tầm kiểm soát, khi sự cân bằng quyền lực vốn đã mong manh của khu vực bị phá vỡ thảm khốc. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không chỉ là những đấu thủ địa chiến lược quan trọng mà còn là những trung tâm địa chính trị, sở hữu những điều kiện nội bộ có thể tạo ra tầm quan trọng lớn đối với số phận của khu vực. Cả hai đều là những cường quốc cỡ trung bình, với khát vọng mạnh mẽ trong khu vực và ý thức về ý nghĩa lịch sử của mình. Tuy nhiên, định hướng địa chính trị trong tương lai và thậm chí là sự gắn kết về mặt quốc gia của cả hai đất nước vẫn chưa chắc chắn.

Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia hậu đế quốc vẫn đang trong quá trình xác định lại bản sắc của mình, đang bị kéo theo ba hướng: những người theo chủ nghĩa hiện đại muốn thấy nước mình trở thành một quốc gia châu Âu và do đó hướng về phía tây; những người Hồi giáo nghiêng về phía Trung Đông và một cộng đồng Hồi giáo chung, do đó nhìn về phía nam; và những người theo chủ nghĩa dân tộc có đầu óc lịch sử nhìn thấy ở các dân tộc Turk tại lưu vực Biển Caspi và Trung Á một sứ mệnh mới cho một Thổ Nhĩ Kỳ thống trị toàn bộ khu vực, nhóm này chọn phía đông. Mỗi quan điểm đặt ra một trục chiến lược khác nhau, và cuộc đụng độ giữa hai bên lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng do Atatürk lãnh đạo sẽ đưa ra một thước đo xác định tính không chắc chắn về vai trò khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn nữa, chính Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất cũng là phần nào đó, có thể trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột sắc tộc trong khu vực. Mặc dù người Thổ chiếm phần đông khối dân số 65 triệu, vào khoảng 80% (trong đó có người Thổ Circassia, Albani, Bosnia, Bulgari và Ả Rập), nhưng người Kurd lại chiếm đến tầm 20% (có thể nhiều hơn thống kê). Tập trung tại các khu vực phía đông của đất nước, người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ bị lôi kéo ngày càng nhiều hơn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do người Kurd ở Iraq và Iran tiến hành. Bất kỳ căng thẳng nội bộ nào ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hướng đi chung của đất nước chắc chắn sẽ khuyến khích người Kurd dùng bạo lực để đặt dấu ấn mạnh mẽ hơn nữa cho vị thế một quốc gia riêng biệt.

Định hướng tương lai của Iran thậm chí còn chứa đựng nhiều vấn đề hơn. Cuộc cách mạng Shiite cơ bản đã chiến thắng vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước có thể đang bước vào pha “Thermidorian”1, và điều đó làm tăng sự không chắc chắn về vai trò địa chiến lược của Iran. Một mặt, sự sụp đổ của Liên Xô vô thần đã mở ra cho Iran nước láng giềng phía bắc mới độc lập để chuyển đổi tôn giáo; mặt khác, sự thù địch của Iran với Hoa Kỳ đã khiến Teheran ít nhất chấp nhận đi theo hướng thân Moscow có chiến thuật, lựa chọn này được củng cố vì lý do Iran lo ngại những tác động khả dĩ liên quan đến sự liên kết của chính Iran với một Azerbaijan mới độc lập.

Mối quan tâm đó bắt nguồn từ nhược điểm của Iran đối với căng thẳng sắc tộc. Trong số 65 triệu dân của đất nước (gần như giống hệt con số của Thổ Nhĩ Kỳ), chỉ hơn một nửa là người Ba Tư. Khoảng một phần tư là Azeri và phần còn lại bao gồm người Kurd, Baluchi, Turkmen, Ả Rập và các bộ lạc khác. Ngoài người Kurd và Azeri, những nhóm còn lại hiện không có khả năng đe dọa sự toàn vẹn quốc gia của Iran, nhất là khi xét đến ý thức dân tộc chủ nghĩa cao độ, thậm chí ở mức đế quốc, ở người Ba Tư. Nhưng điều đó có thể thay đổi khá nhanh, đặc biệt trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong nền chính trị Iran.

Hơn nữa, với thực tế là một số cộng đồng người gốc “stans” mới độc lập hiện đang tồn tại trong khu vực, thậm chí 1 triệu người Chechen đã có thể khẳng định tham vọng chính trị của họ, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lây nhiễm lên người Kurd cũng như tất cả các dân tộc thiểu số khác ở Iran. Nếu Azerbaijan thành công trong việc phát triển chính trị và kinh tế ổn định, người Azeri ở Iran có thể sẽ ngày càng gắn bó với ý tưởng về một nước Azerbaijan lớn hơn. Do đó, sự bất ổn và chia rẽ chính trị ở Teheran có thể mở rộng thành một thách thức đối với sự gắn kết của nhà nước Iran, từ đó mở rộng đáng kể phạm vi và làm gia tăng các vấn đề của những gì liên quan đến các nước Balkan Á-Âu.

CUỘC CHIẾN ĐA PHƯƠNG

Balkan, truyền thống của châu Âu từng liên quan đến sự cạnh tranh trực diện giữa ba đối thủ đế quốc: Đế chế Ottoman, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Nga. Ngoài ra còn có ba nước tham gia gián tiếp lo ngại rằng lợi ích châu Âu của họ sẽ chịu ảnh hưởng xấu do chiến thắng của một bên chủ đạo cụ thể gây ra: Đức e ngại sức mạnh của Nga, Pháp phản đối Áo-Hung, và Vương quốc Anh muốn thấy một Đế chế Ottoman suy yếu trong việc kiểm soát Dardanelles thay vì sự xuất hiện của bất kỳ địch thủ lớn nào khác có thể chi phối Balkan. Trong thế kỷ 19, các cường quốc này đã xoay sở để ngăn chặn xung đột ở Balkan mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của bất kỳ ai, nhưng họ đã không làm như vậy vào năm 1914, và nhận về những hậu quả tai hại cho tất cả.

Ngày nay, cuộc cạnh tranh giữa các bên trong khu vực Balkan Á-Âu cũng liên quan trực tiếp đến ba cường quốc láng giềng: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, mặc dù Trung Quốc cuối cùng cũng có thể trở thành một bên chủ đạo. Cùng tham gia vào cuộc cạnh tranh, nhưng ở xa hơn, là Ukraine, Pakistan, Ấn Độ và nước Mỹ xa xôi. Mỗi trong số ba đối thủ chính và tham gia trực tiếp nhất không chỉ chịu sự thúc đẩy từ triển vọng lợi ích địa chính trị và kinh tế trong tương lai mà còn từ những động lực lịch sử mạnh mẽ. Mỗi bên vào lúc này hay lúc khác đã từng là cường quốc thống trị chính trị hoặc văn hóa trong khu vực. Mỗi bên nhìn bên còn lại bằng thái độ nghi ngờ. Mặc dù chiến tranh đối đầu giữa họ là không thể xảy ra, nhưng tác động tích dồn từ những cạnh tranh bên ngoài giữa họ có thể góp thêm phần vào sự hỗn loạn khu vực.

Trong trường hợp của người Nga, thái độ thù địch họ dành cho người Thổ Nhĩ Kỳ gây ám ảnh bao trùm. Các phương tiện truyền thông Nga miêu tả người Thổ Nhĩ Kỳ là có ý đồ nắm quyền kiểm soát khu vực này, là kẻ xúi giục kháng chiến địa phương chống Nga (với một số lý lẽ biện minh cho trường hợp của Chechnya), và đe dọa an ninh chung của Nga ở mức độ hoàn toàn vượt ngoài khả năng thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ đáp lại bằng sự tử tế và xem vai trò của họ là người đã giải phóng anh em của mình khỏi sự áp bức kéo dài của Nga. Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Iran (Ba Tư) cũng là đối thủ lịch sử trong khu vực, và sự cạnh tranh đó trong những năm gần đây đã được hồi sinh, với Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện hình ảnh chuyển mình vừa hiện đại vừa thế tục so với quan niệm của Iran về một xã hội Hồi giáo.

Mặc dù mỗi bên có thể được cho là tìm kiếm ít nhất một phạm vi ảnh hưởng, nhưng trong trường hợp Nga, tham vọng của Moscow có sức lan tỏa rộng lớn hơn vì những ký ức tương đối mới mẻ về quyền lực đế quốc, sự hiện diện trong khu vực của hàng triệu người Nga, và mong muốn của Kremlin nhằm khôi phục nước Nga thành một cường quốc toàn cầu. Các tuyên bố chính sách đối ngoại của Moscow đã nói rõ rằng họ coi toàn bộ không gian của Liên Xô cũ là một khu vực lợi ích địa chiến lược đặc biệt của Kremlin, do đó ảnh hưởng chính trị và thậm chí kinh tế từ bên ngoài nên được loại trừ.

Ngược lại, mặc dù khát vọng ảnh hưởng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn một số dấu tích của quá khứ đế quốc, tuy đã cũ hơn (Đế chế Ottoman đã đạt đến đỉnh cao vào năm 1590 với cuộc chinh phạt Caucasus và Azerbaijan, mặc dù không bao gồm Trung Á), nhưng lại có xu hướng bắt nguồn từ ý thức bản sắc ngôn ngữ dân tộc với các dân tộc gốc Thổ (Turk) trong khu vực (xem bản đồ ở dưới). Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh chính trị và quân sự hạn chế hơn nhiều, việc đạt được phạm vi ảnh hưởng chính trị độc quyền đơn giản là không thể. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là nhà lãnh đạo tiềm năng của một cộng đồng rời rạc nói tiếng Turk, tận dụng đến cùng lợi thế đến từ sự hiện đại tương đối thu hút, từ mối quan hệ ngôn ngữ và phương tiện kinh tế của mình nhằm thiết lập thành lực lượng có ảnh hưởng nhất trong quá trình xây dựng quốc gia đang diễn ra trong khu vực.

Khát vọng của Iran vẫn còn mơ hồ, nhưng về lâu dài đe dọa không ít đến tham vọng của Nga. Đế chế Ba Tư là một ký ức xa xôi hơn nhiều, ở thời kỳ đỉnh cao, khoảng năm 500 TCN, đế chế này bao trùm cả lãnh thổ hiện tại của ba quốc gia Caucasus là Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan cùng với Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Li-băng và Israel. Mặc dù tham vọng địa chính trị hiện tại của Iran hẹp hơn Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu tập trung vào Azerbaijan và Afghanistan, toàn bộ dân số Hồi giáo trong khu vực, ngay cả trong chính nước Nga, cũng là đối tượng được Iran quan tâm về mặt tôn giáo. Thật vậy, sự hồi sinh của Hồi giáo ở Trung Á đã trở thành một phần có hệ thống trong khát vọng của những nhà cầm quyền Iran hiện tại.

Các lợi ích cạnh tranh của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran được thể hiện trên bản đồ ở trang 224: trong trường hợp sức ép địa chính trị của Nga, là hai mũi tên chĩa thẳng về phía nam vào Azerbaijan và Kazakstan; trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, là một mũi tên duy nhất hướng về phía đông băng qua Azerbaijan và Biển Caspi ở Trung Á; và trong trường hợp Iran, là hai mũi tên nhắm về phía bắc tại Azerbaijan và phía đông bắc tại Turkmenistan, Afghanistan và Tajikistan. Những mũi tên không chỉ lan tỏa; chúng có thể va chạm.

Ở giai đoạn này, vai trò của Trung Quốc còn hạn chế hơn và mục tiêu của nó ít rõ ràng hơn. Lý do là Trung Quốc thích đối mặt với một tập hợp quốc gia tương đối độc lập ở phương Tây thay vì đối đầu Đế quốc Nga. Ở mức tối thiểu, các quốc gia mới đóng vai trò là vùng đệm, nhưng Trung Quốc cũng lo lắng rằng các nhóm dân tộc thiểu số gốc Turk của họ ở Tân Cương sẽ nhận thấy ở các quốc gia Trung Á mới độc lập này một ví dụ hấp dẫn cho chính mình, và vì lý do đó, Trung Quốc đã tìm kiếm sự đảm bảo từ Kazakstan rằng hoạt động thiểu số xuyên biên giới sẽ bị đàn áp. Về lâu dài, các nguồn năng lượng của khu vực chắc chắn sẽ được Bắc Kinh quan tâm đặc biệt, và việc trực tiếp tiếp cận chúng (mà không chịu sự kiểm soát của Moscow) phải là mục tiêu trung tâm của Trung Quốc. Do đó, lợi ích địa chính trị tổng thể của Trung Quốc có xu hướng xung đột với mong muốn của Nga về vai trò thống trị và bổ sung thêm cho nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Đối với Ukraine, các vấn đề trung tâm là vai trò tương lai của CIS và quyền tiếp cận tự do hơn với các nguồn năng lượng, điều này sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc của Ukraine vào Nga. Về vấn đề này, mối quan hệ chặt chẽ hơn với Azerbaijan, Turkmenistan và Uzbekistan đã trở nên quan trọng đối với Kiev. Ukraine hỗ trợ các quốc gia có tư tưởng trở nên độc lập hơn như là sự mở rộng các nỗ lực của họ nhằm tăng cường tính độc lập của chính mình đối với Moscow. Theo đó, Ukraine đã ủng hộ Georgia nỗ lực để trở thành con đường phía tây cho việc xuất khẩu dầu của người Azeri. Ukraine cũng đã hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen, ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ điều hướng các dòng chảy dầu từ Trung Á đến các cảng biển của nước này.

Việc Pakistan và Ấn Độ tham gia vào bối cảnh chung hiện vẫn còn xa, nhưng họ rõ ràng không hề thờ ơ với những gì có thể xảy ra ở các lãnh thổ mới thuộc Balkan Á-Âu. Đối với Pakistan, mối quan tâm hàng đầu là đạt được chiều sâu địa chiến lược thông qua ảnh hưởng chính trị ở Afghanistan, và để ngăn cản Iran thực thi những ảnh hưởng tương tự ở Afghanistan và Tajikistan, và cuối cùng hưởng lợi từ bất kỳ công trình đường ống nào nối liền Trung Á với Biển Ả Rập. Ấn Độ, để phản ứng với Pakistan và có thể lo ngại về ảnh hưởng tầm xa của Trung Quốc trong khu vực, xem ảnh hưởng của Iran ở Afghanistan và sự hiện diện lớn hơn của Nga trong không gian Liên Xô cũ theo hướng có lợi.

Mặc dù ở xa, Hoa Kỳ - với sự tham gia vào việc duy trì đa nguyên địa chính trị ở Á-Âu thời hậu Xô Viết, xuất hiện trong bối cảnh với vai trò ngày càng quan trọng như một bên tham gia gián tiếp - rõ ràng không chỉ quan tâm đến việc phát triển tài nguyên của khu vực mà còn ngăn chặn Nga độc quyền thống trị không gian địa chính trị ở đây. Bằng cách đó, Mỹ không chỉ theo đuổi các mục tiêu địa chiến lược Á-Âu lớn hơn mà còn đại diện cho lợi ích kinh tế ngày càng tăng của riêng mình, cũng như của châu Âu và Viễn Đông, bằng việc tiếp cận không giới hạn đến khu vực tính cho đến nay hẵng còn khép kín.

Do đó, các phần chính trong câu hỏi hóc búa này là sức mạnh địa chính trị, cơ hội tiếp cận với dồi dào tiềm năng lớn, khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc gia và/hoặc tôn giáo, và an ninh. Tuy nhiên, trọng tâm đặc biệt của cuộc tranh giành nằm ở việc tiếp cận khu vực. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã độc quyền trong vấn đề này. Tất cả các tuyến đường sắt vận chuyển, đường ống dẫn khí đốt và dầu, thậm chí cả du lịch hàng không đều được hướng qua trung tâm. Các nhà địa chính trị Nga thích mọi thứ được giữ nguyên như cũ, vì họ biết rằng bất cứ ai kiểm soát hoặc chi phối quyền truy cập vào khu vực là người có khả năng giành được giải thưởng kinh tế và địa chính trị cao nhất.

Chính sự cân nhắc này đã làm cho vấn đề đường ống dẫn dầu trở nên rất quan trọng đối với tương lai của lưu vực Biển Caspi và Trung Á. Nếu các đường ống chính tiếp tục đi qua lãnh thổ Nga đến cửa cảng của Nga trên Biển Đen tại Novorossiysk, chuỗi hệ quả chính trị do tình trạng này khơi lên xem như đã được an bài, ngay cả khi Nga không có bất kỳ động thái thị uy nào. Khu vực này sẽ vẫn là khu vực chịu phụ thuộc chính trị, với Moscow ở vào địa vị vững chắc nắm quyền ra quyết định chia sẻ sự giàu có mới của khu vực. Ngược lại, nếu có một đường ống khác đi qua Biển Caspi đến Azerbaijan và qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Địa Trung Hải, cùng một đường ống nữa qua Afghanistan đến Biển Ả Rập, sẽ không có thêm cường quốc nào được độc quyền tiếp cận nữa.

Thực tế đáng lo ngại là một số thành phần trong giới lãnh đạo chính trị Nga hành động như thể họ thích việc tài nguyên của khu vực hoàn toàn không được phát triển nếu Nga không thể kiểm soát hoàn toàn quyền tiếp cận. Họ muốn giữ sự giàu có này đóng cửa với việc khai thác nếu xuất hiện giải pháp thay thế là đầu tư nước ngoài dẫn đến sự hiện diện trực tiếp hơn của các nền kinh tế khác trong khu vực, và cùng với đó cũng là lợi ích chính trị. Thái độ độc quyền đó bắt nguồn từ lịch sử, chắc chắn sẽ mất thời gian và áp lực bên ngoài để thay đổi nó.

Sự bành trướng của Sa hoàng vào vùng Caucasus và Trung Á xảy ra trong thời gian khoảng ba trăm năm, nhưng cú kết thúc gần đây của nó đã đột ngột gây sốc. Khi Đế chế Ottoman suy giảm sức sống, Đế quốc Nga đã đẩy mạnh xuống phía nam, dọc theo bờ Biển Caspi về phía Ba Tư. Nó đã chiếm giữ Hãn quốc Astrakhan vào năm 1556 và đến Ba Tư năm 1607. Nó chinh phục Crimea năm 1774-1784, sau đó chiếm Vương quốc Georgia năm 1801 và áp đảo các bộ lạc trên dãy núi Caucasus (với người Chechen kiên cường kháng chiến) vào nửa sau thế kỷ 19, hoàn thành việc tiếp quản Armenia vào năm 1878.

Cuộc chinh phạt ở Trung Á không phải là vấn đề vượt mặt đế quốc đối thủ mà là để khuất phục các Hãn quốc và tiểu vương quốc phong kiến bán bộ lạc bị cô lập, chỉ có khả năng kháng cự lẻ tẻ và cô độc. Uzbekistan và Kazakstan được tiếp quản qua một loạt các cuộc thám hiểm quân sự trong khoảng thời gian 1801-1881, với Turkmenistan bị nghiền nát và hợp nhất trong các chiến dịch kéo dài (1873-1886). Tuy nhiên, đến năm 1850, cuộc chinh phạt hầu hết Trung Á chủ yếu đã hoàn thành, bất chấp những bùng phát kháng chiến địa phương xảy ra định kỳ ngay cả dưới thời Xô Viết.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo ra một sự đảo ngược lịch sử đầy kịch tính. Trong quá trình chỉ vài tuần vào tháng 12 năm 1991, không gian châu Á của Nga đột nhiên bị thu hẹp khoảng 20% và dân số Nga được kiểm soát ở châu Á đã bị cắt giảm từ 75 triệu xuống còn khoảng 30 triệu. Ngoài ra, 18 triệu cư dân khác ở vùng Caucasus cũng bị tách khỏi Nga. Tình thế đảo ngược này càng gây đau đớn hơn cho giới lãnh đạo chính trị Nga khi họ nhận thức rằng tiềm năng kinh tế của các khu vực này hiện đang được các thế lực nước ngoài nhắm đến, với đầy đủ phương tiện tài chính để đầu tư, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên mà đến gần đây chỉ có mình Nga độc quyền tiếp cận.

Tuy nhiên, Nga phải đối mặt với một vấn đề nan giải: quá yếu về mặt chính trị để hoàn toàn khóa chặt khu vực khỏi bên ngoài và quá nghèo về tài chính để tự mình phát triển khu vực. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo nhạy bén của Nga nhận ra rằng sự bùng nổ nhân khẩu học đang diễn ra ở các quốc gia mới khiến việc họ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế cuối cùng sẽ tạo ra tình cảnh bùng nổ dây chuyền dọc theo toàn bộ biên giới phía nam của Nga. Những gì Nga trải qua ở Afghanistan và Chechnya có thể được lặp lại dọc theo toàn bộ đường biên giới kéo dài từ Biển Đen đến Mông Cổ, đặc biệt là sự hồi sinh của tính dân tộc và Hồi giáo đang diễn ra giữa các dân tộc từng bị khuất phục trước đây.

Theo đó, Nga phải bằng cách nào đó tìm ra cách thích nghi với thực tế hậu đế quốc mới - như nó tìm cách kiềm chế sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - để ngăn chặn các đối thủ chính thu hút các quốc gia mới về phía mình, cũng như ngăn cản sự hình thành của bất kỳ mối hợp tác khu vực Trung Á độc lập thực sự nào, và để hạn chế ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ tại các thủ đô mới có chủ quyền. Do đó, vấn đề không còn là sự khôi phục đế quốc thứ sẽ vô cùng tốn kém và bị phản đối quyết liệt mà thay vào đó là tạo ra một mạng lưới quan hệ mới có thể kìm hãm các quốc gia mới và duy trì vị thế kinh tế và địa chính trị thống trị của Nga.

Công cụ được lựa chọn để hoàn thành nhiệm vụ đó chủ yếu là CIS, mặc dù ở một số nơi, việc sử dụng quân đội Nga và vận dụng khéo léo kỹ năng ngoại giao của Nga để “chia rẽ và cai trị” cũng đã phục vụ lợi ích của Kremlin. Moscow đã sử dụng đòn bẩy của mình để tìm kiếm từ các quốc gia mới mức độ tuân thủ tối đa đối với tầm nhìn của họ về một “khối thịnh vượng chung” ngày càng được hợp nhất và đã thúc đẩy một hệ thống kiểm soát theo hướng tập trung vào biên giới bên ngoài của CIS; để cho việc hợp nhất quân sự chặt chẽ hơn, trong khuôn khổ chính sách đối ngoại chung; và cho việc mở rộng hơn nữa mạng lưới đường ống hiện có (ban đầu của Liên Xô), để loại trừ bất kỳ mạng lưới mới nào có thể đi vòng qua Nga. Các phân tích chiến lược của Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng Moscow coi khu vực này là không gian địa chính trị đặc biệt của riêng mình, ngay cả khi nó không còn là một phần không thể thiếu của đế chế.

Một manh mối cho ý định địa chính trị của Nga nằm ở chỗ Kremlin khăng khăng tìm cách giữ lại sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ các quốc gia mới. Lợi dụng phong trào ly khai của Abkhazia, Moscow đã giành được quyền lập căn cứ ở Georgia, hợp pháp hóa sự hiện diện quân sự của mình trên đất Armenia bằng cách tận dụng việc Armenia cần hỗ trợ trong cuộc chiến giữa nước này với Azerbaijan, gây nên áp lực chính trị và tài chính để đạt được thỏa thuận với Kazakstan cho các căn cứ của Nga. Ngoài ra, cuộc nội chiến ở Tajikistan có thể khiến quân đội Liên Xô cũ hiện diện liên tục ở đó.

Khi xác định chính sách của mình, Moscow đã thể hiện kỳ vọng rõ ràng rằng mạng lưới quan hệ hậu đế quốc của mình với Trung Á sẽ dần dần làm suy nhược bản chất chủ quyền của các quốc gia mới yếu kém và sẽ đặt họ vào quan hệ phụ thuộc với trung tâm chỉ đạo “hợp nhất” CIS. Để thực hiện mục tiêu đó, Nga không khuyến khích các quốc gia mới tạo ra quân đội riêng của họ, cũng không thúc đẩy việc sử dụng các ngôn ngữ riêng (mà trong đó họ đang dần thay thế bảng chữ cái Cyrillic bằng bảng chữ cái Latin), không khuyến khích việc nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi với người nước ngoài và không phát triển các đường ống mới trực tiếp đến các cửa cảng ở Biển Ả Rập hoặc Địa Trung Hải. Nếu chính sách này thành công, Nga có thể thống trị quan hệ đối ngoại của họ và quyết định lợi nhuận chia sẻ.

Khi theo đuổi mục tiêu đó, các phát ngôn viên của Nga thường viện dẫn ví dụ về Liên minh châu Âu, như chúng ta đã thấy trong Chương 4. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách của Nga đối với các quốc gia Trung Á và Caucasus gợi nhớ nhiều hơn đến cộng đồng Pháp ngữ ở châu Phi với các đội quân Pháp và các khoản trợ cấp ngân sách quyết định chính trị và chính sách của các quốc gia châu Phi hậu thuộc địa nói tiếng Pháp.

Trong khi việc khôi phục mức độ khả thi tối đa của ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Nga trong khu vực là mục tiêu chung và sự củng cố của CIS là cơ chế chính để đạt được nó, các mục tiêu tạo ra sự phụ thuộc địa chính trị chính vào Moscow dường như là Azerbaijan và Kazakstan. Để một cuộc phản công chính trị thành công, Moscow không chỉ phải tiếp cận với khu vực mà còn phải thâm nhập vào lá chắn địa lý của nó.

Đối với Nga, Azerbaijan phải là mục tiêu ưu tiên. Sự phụ thuộc của nước này sẽ giúp ngăn chặn Trung Á khỏi phương Tây, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó gia tăng lực đòn bẩy của Nga đối với Uzbekistan và Turkmenistan ngoan cố. Cuối cùng, việc hợp tác chiến thuật với Iran liên quan đến các vấn đề gây tranh cãi như làm thế nào để phân chia các nhượng địa khoan tại đáy Biển Caspi phục vụ mục tiêu quan trọng của Baku (Azerbaijan) nhằm buộc nó phải đáp ứng mong muốn của Moscow. Một Azerbaijan phụ thuộc cũng sẽ tạo điều kiện cho việc củng cố địa vị thống trị của Nga ở cả Georgia và Armenia.

Kazakstan cũng là một mục tiêu chính đặc biệt hấp dẫn: nhược điểm sắc tộc làm cho chính quyền nước này không thể thắng thế trong cuộc đối đầu mở với Moscow. Moscow cũng có thể khai thác nỗi sợ của Kazakstan đối với một Trung Quốc ngày càng năng động hơn, cũng như khả năng người Kazak càng lúc càng thêm phẫn nộ trước tội ác liền kề tại Tân Cương, Trung Quốc. Sự phụ thuộc dần dần của Kazakstan sẽ có tác dụng địa chính trị trong việc gần như tự động lôi kéo Kyrgyzstan và Tajikistan vào phạm vi kiểm soát của Moscow, đồng thời khiến cả Uzbekistan và Turkmenistan chịu áp lực trực tiếp hơn từ Nga.

Chiến lược của Nga, tuy nhiên, đi ngược lại nguyện vọng của hầu hết các quốc gia nằm ở khu vực Balkan Á-Âu. Giới lãnh đạo chính trị mới của những nước này sẽ không tự nguyện nhường lại sức mạnh và đặc quyền mà họ có được từ việc trở nên độc lập. Khi người Nga địa phương dần dần rời bỏ các vị trí đặc quyền trước đây của họ, giới lãnh đạo mới đang nhanh chóng phát triển lợi ích có được từ chủ quyền độc lập, một quá trình năng động và dễ lây lan trong xã hội. Hơn nữa, các dân tộc thụ động về chính trị một thời cũng đang trở nên mang tính dân tộc hơn và, ngoại trừ Georgia và Armenia, cũng có ý thức hơn về bản sắc Hồi giáo của mình.

Trong chừng mực mà các vấn đề đối ngoại có liên quan, cả Georgia và Armenia (mặc dù sau này phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nga khi chống lại Azerbaijan) muốn dần dần trở nên gắn kết hơn với châu Âu. Các quốc gia Trung Á giàu tài nguyên, cùng với Azerbaijan, muốn tối đa hóa sự hiện diện kinh tế của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc trên đất của họ, hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế và củng cố nền độc lập của chính họ. Cuối cùng, họ cũng hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhìn thấy ở hai nước một đối trọng với sức mạnh của Nga và là cầu nối đến thế giới Hồi giáo rộng lớn ở phía nam.

Azerbaijan được cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khuyến khích, do đó không chỉ từ chối yêu cầu của Nga đối với các căn cứ quân sự mà còn coi thường các yêu cầu của Nga cho một đường ống dẫn dầu duy nhất đến cảng Biển Đen, thay vào đó là một giải pháp kép liên quan đến đường ống thứ hai qua Georgia tới Thổ Nhĩ Kỳ. (Kế hoạch cho một đường ống dẫn dầu ở phía nam qua Iran, được một công ty Mỹ tài trợ, đã bị hủy bỏ vì lệnh cấm vận tài chính của Hoa Kỳ đối với các thỏa thuận với Iran.) Năm 1995, thời điểm nhiều biến động, một tuyến đường sắt mới giữa Turkmenistan và Iran đã được mở ra, khiến việc châu Âu giao dịch với Trung Á bằng đường sắt, đi vòng qua Nga là hoàn toàn khả thi. Có một chút kịch tính mang tính biểu tượng cho việc mở lại Con đường Tơ lụa cổ đại này, mà trong đó Nga không còn có thể tách châu Âu khỏi châu Á.

Uzbekistan cũng ngày càng trở nên quyết đoán khi phản đối những nỗ lực của Nga trong việc “hợp nhất”. Ngoại trưởng của nước này tuyên bố thẳng thừng vào tháng 8 năm 1996 rằng “Uzbekistan phản đối việc thành lập các tổ chức siêu quốc gia CIS, thứ có thể được sử dụng như một công cụ kiểm soát tập trung.” Thái độ dân tộc mạnh mẽ của họ đã làm dấy lên những lời cáo buộc gay gắt trên báo chí Nga:

Định hướng thân phương Tây được nhấn mạnh trong kinh tế, các hiệp ước hội nhập bị phản ứng gay gắt trong CIS, việc từ chối tham gia ngay cả Liên minh Hải quan và chính sách quốc gia bài Nga có phương thức (ngay cả các trường mẫu giáo sử dụng tiếng Nga cũng bị đóng cửa)… Đối với Hoa Kỳ, nơi đang theo đuổi ở khu vực châu Á một chính sách làm suy yếu nước Nga, địa vị này rất hấp dẫn.2

Ngay cả Kazakstan, để phản ứng với áp lực của Nga, đã ủng hộ một tuyến dẫn dầu thứ hai không qua Nga cho riêng mình. Như Umirserik Kasenov, cố vấn của tổng thống Kazakstan, đã nói:

Có một thực tế là việc tìm kiếm đường ống thay thế của Kazakstan đã được các hành động của chính Nga thúc đẩy, chẳng hạn như việc hạn chế vận chuyển dầu của Kazakstan đến Novorossiysk và dầu của Tyumen cho Nhà máy lọc dầu Pavlodar. Những nỗ lực của Turkmenistan nhằm thúc đẩy việc xây dựng một đường dẫn khí đốt cho Iran một phần là do các nước CIS chỉ trả bằng 60% giá thế giới hoặc hoàn toàn không phải trả tiền cho nó3.

Turkmenistan, vì nhiều lý do tương tự, đã tích cực mở rộng việc xây dựng một đường ống mới qua Afghanistan và Pakistan đến Biển Ả Rập, bên cạnh việc xây dựng các tuyến đường sắt mới nối với Kazakstan và Uzbekistan ở phía bắc và với Iran và Afghanistan ở phía nam. Các cuộc đàm phán sơ bộ và thăm dò cũng đã được tổ chức giữa người Kazak, Trung Quốc và Nhật Bản về một dự án dẫn dầu đầy tham vọng đi từ Trung Á đến Biển Trung Quốc (xem bản đồ ở trang 236). Với các cam kết đầu tư dầu khí dài hạn của phương Tây ở Azerbaijan đạt khoảng 13 tỷ đô la và tại Kazakstan sẽ đạt hơn 20 tỷ đô la (số liệu năm 1996), sự cô lập về kinh tế và chính trị của khu vực này rõ ràng bị phá vỡ trước áp lực kinh tế toàn cầu và các lựa chọn tài chính hạn chế của Nga.

Nỗi sợ hãi Nga cũng có tác động thúc đẩy các quốc gia Trung Á hợp tác trong khu vực rộng lớn hơn. Liên minh Kinh tế Trung Á, được thành lập tháng 1 năm 1993, ban đầu không hoạt động nhưng đã dần được kích hoạt. Ngay cả Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakstan, lúc đầu là một người ủng hộ rõ ràng của một “Liên minh Á-Âu” mới, dần chuyển đổi sang ý tưởng hợp tác Trung Á chặt chẽ hơn, tăng cường hợp tác quân sự giữa các quốc gia trong khu vực, hỗ trợ cho các nỗ lực của Azerbaijan nhằm chuyển dầu của Biển Caspi và Kazakstan qua Thổ Nhĩ Kỳ, và cùng phản đối những nỗ lực của Nga và Iran hòng ngăn chặn sự phân chia khu vực về thềm lục địa và tài nguyên khoáng sản giữa các quốc gia vùng Biển Caspi.

Với thực tế là các chính phủ trong khu vực có xu hướng rất độc đoán, có lẽ điều quan trọng hơn là sự hòa giải cá nhân giữa các nhà lãnh đạo chính. Tất cả đều biết rằng các tổng thống Kazakstan, Uzbekistan và Turkmenistan không ưa gì nhau (điều họ có thể biểu thị đơn giản với du khách nước ngoài), và Nga đã lợi dụng điểm này để dễ dàng khiến họ đối đầu nhau. Đến giữa thập niên 1990, ba nước đã nhận ra rằng mối hợp tác chặt chẽ qua lại là cần thiết để bảo vệ chủ quyền mới của mình, và họ bắt đầu công khai về những mối quan hệ được cho là gần gũi giữa họ, nhấn mạnh rằng từ bây giờ họ sẽ có sự phối hợp các chính sách đối ngoại.

Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là sự hiện diện trong CIS một liên minh không chính thức, do Ukraine và Uzbekistan dẫn đầu, dành riêng cho ý tưởng về một khối thịnh vượng “hợp tác”, chứ không “hợp nhất”. Để đạt được mục đích này, Ukraine đã ký các thỏa thuận về hợp tác quân sự với Uzbekistan, Turkmenistan và Georgia; và vào tháng 9 năm 1996, các ngoại trưởng của Ukraine và Uzbekistan thậm chí đã tham gia một hành động đậm chất biểu tượng đó là đưa ra tuyên bố, yêu cầu kể từ nay các hội nghị thượng đỉnh của CIS không phải do tổng thống Nga làm chủ tịch mà chức chủ tịch phải được luân chuyển.

Tiền lệ do Ukraine và Uzbekistan đưa ra đã có tác động ngay cả đối với các nhà lãnh đạo, những người đã tỏ ra kiên quyết hơn với các mối quan tâm trung tâm của Moscow. Điện Kremlin phải đặc biệt băn khoăn khi nghe Nursultan Nazarbayev của Kazakstan và Eduard Shevardnadze của Georgia tuyên bố vào tháng 9 năm 1996 rằng họ sẽ rời khỏi CIS “nếu nền độc lập của chúng tôi bị đe dọa”. Tổng quát hơn, để đối đầu với CIS, các quốc gia Trung Á và Azerbaijan đẩy mạnh mức độ hoạt động của họ trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế, một hiệp hội tương đối lỏng lẻo của các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan, dành riêng cho việc tăng cường liên kết tài chính, kinh tế và giao thông giữa các thành viên. Moscow đã công khai chỉ trích những sáng kiến này, xem chúng, có phần chính xác, như thứ làm loãng mối quan hệ thành viên của các quốc gia trong CIS.

Trong một diễn biến tương tự, đã có sự tăng cường ổn định mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và, ở mức độ thấp hơn, với Iran. Các quốc gia nói tiếng Turk đã háo hức chấp nhận lời đề nghị huấn luyện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho quân đoàn sĩ quan quốc gia mới và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải thảm chào mừng cho khoảng mười ngàn học viên. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của các quốc gia nói tiếng Turk, được tổ chức tại Tashkent vào tháng 10 năm 1996 và được chuẩn bị với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung nhiều vào việc tăng cường liên kết giao thông, về gia tăng thương mại và cả các tiêu chuẩn giáo dục chung cũng như hợp tác văn hóa chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đặc biệt tích cực trong việc hỗ trợ các quốc gia mới với chương trình truyền hình của họ, do đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến lượng lớn khán giả.

Một buổi lễ tại Alma-Ata, thủ đô của Kazakstan, vào tháng 12 năm 1996 đặc biệt mang tính biểu tượng cho việc nhận diện Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nền độc lập của các quốc gia trong vùng. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm độc lập của Kazakstan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Suleyman Demirel, đứng bên cạnh Tổng thống Nazarbayev tại lễ khánh thành một cột vàng cao hai mươi tám mét, phía trên đặt tượng một chiến binh người Kazak/Turk huyền thoại trên đỉnh một sinh vật giống như quái vật sư tử đầu chim. Tại sự kiện này, Kazakstan ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ vì đã “đứng cạnh Kazakstan trong mỗi bước phát triển với tư cách là một quốc gia độc lập” của họ, và người Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại bằng cách cấp cho Kazakstan khoản tín dụng 300 triệu đô la, bên cạnh khoản đầu tư tư nhân khoảng 1,2 tỷ đô la của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không có cách nào loại trừ Nga gây ảnh hưởng lên khu vực, thì Thổ Nhĩ Kỳ và (hẹp hơn) Iran đã củng cố ý chí và khả năng của các quốc gia mới để chống lại sự tái hợp nhất với nước láng giềng phía bắc và là chủ cũ của họ. Điều này chắc chắn sẽ giúp giữ cho tương lai địa chính trị của khu vực được rộng mở.

KHÔNG THỐNG TRỊ CŨNG KHÔNG LOẠI TRỪ

Ý nghĩa địa chiến lược đối với nước Mỹ rất rõ ràng: Mỹ ở quá xa để chiếm ưu thế trong phần này của Á-Âu nhưng cũng quá mạnh nên không thể không tham gia. Tất cả các nước trong khu vực xem sự tham gia của người Mỹ là cần thiết cho sự sống còn của họ. Nga quá yếu để giành lại nền thống trị đế quốc đối với khu vực hoặc loại trừ những nước khác khỏi vùng lãnh thổ này, nhưng Nga cũng quá gần và quá mạnh để bị loại trừ. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đủ mạnh để tạo ảnh hưởng, nhưng các nhược điểm của chính họ có thể khiến khu vực này không thể đối phó với cả thách thức từ phía bắc và xung đột nội bộ trong khu vực. Trung Quốc quá mạnh, không thể không khiến Nga và các quốc gia Trung Á dè chừng, nhưng chính sự hiện diện và cỗ máy kinh tế năng động của nước này lại tạo điều kiện cho Trung Á có thể tiếp cận toàn cầu.

Theo sau đó, mối quan tâm hàng đầu của Mỹ là giúp đảm bảo rằng không có một thế lực nào kiểm soát không gian địa chính trị này và cộng đồng toàn cầu đã không cản trở việc tiếp cận tài chính và kinh tế đối với nó. Đa nguyên địa chính trị sẽ trở thành hiện thực bền vững chỉ khi một mạng lưới đường ống dẫn dầu và tuyến giao thông kết nối trực tiếp khu vực với các trung tâm hoạt động kinh tế toàn cầu thông qua Địa Trung Hải và Biển Ả Rập, cũng như trên đất liền. Do đó, những nỗ lực của Nga trong việc tiếp cận độc quyền cần phải được phản đối xem như là hành động trái với sự ổn định khu vực.

Tuy nhiên, việc loại trừ Nga khỏi khu vực này là không mong đợi và không khả thi, cũng như sự thù địch giữa các quốc gia mới trong khu vực với Nga sẽ không dẫn đến điều gì hay ho. Trên thực tế, Nga tích cực tham gia vào sự phát triển kinh tế khu vực là rất cần thiết cho tính ổn định của nơi này, và có Nga làm đối tác, chứ không phải một nhà thống trị độc quyền, cũng có thể gặt hái những lợi ích kinh tế đáng kể. Sự ổn định và giàu có tăng thêm trong khu vực sẽ đóng góp trực tiếp cho sự thịnh vượng của Nga và mang lại ý nghĩa cho “sự thịnh vượng chung” được cam kết trong chính các chữ viết tắt của tổ chức CIS. Nhưng lựa chọn hợp tác đó sẽ chỉ trở thành chính sách của Nga, một khi các kế hoạch đã lỗi thời, mang tính lịch sử và sự hồi tưởng đau đớn về Balkan thuở ban đầu được loại trừ hiệu quả.

Các quốc gia xứng đáng được Mỹ ủng hộ địa chính trị mạnh nhất là Azerbaijan, Uzbekistan và (bên ngoài khu vực này) Ukraine, cả ba đều là trụ cột địa chính trị. Thật vậy, vai trò của Kiev củng cố lập luận rằng Ukraine là quốc gia quan trọng, trong chừng mực mà sự tiến bộ trong tương lai của Nga được quan tâm. Đồng thời, Kazakstan - với quy mô, tiềm năng kinh tế và vị trí quan trọng về mặt địa lý của bản thân nó - cũng rất xứng đáng nhận về sự hậu thuẫn khôn khéo của quốc tế, và đặc biệt là những hỗ trợ kinh tế bền vững. Theo thời gian, tăng trưởng kinh tế ở Kazakstan có thể giúp khắc phục sự chia rẽ dân tộc vốn khiến cho “tấm khiên” Trung Á này dễ bị tổn thương trước áp lực của Nga.

Trong khu vực này, Mỹ chia sẻ lợi ích chung không chỉ với một Thổ Nhĩ Kỳ thân phương Tây ổn định mà còn với Iran và Trung Quốc. Một sự cải thiện dần dần trong quan hệ Mỹ-Iran sẽ làm tăng đáng kể khả năng tiếp cận toàn cầu đến khu vực và đặc biệt hơn là giảm mối đe dọa tức thì đối với sự sống còn của Azerbaijan. Sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và việc nó tham gia chính trị vào sự độc lập trong khu vực cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Sự ủng hộ Trung Quốc dành cho các nỗ lực của Pakistan tại Afghanistan cũng là một yếu tố tích cực, vì mối quan hệ gần gũi hơn giữa Pakistan và Afghanistan sẽ giúp việc tiếp cận quốc tế với Turkmenistan trở nên khả thi hơn, qua đó giúp nước này cùng với Uzbekistan mạnh mẽ hơn (trong trường hợp Kazakstan phải chùn bước).

Sự phát triển và định hướng của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng quyết định đặc biệt cho tương lai của các nước Caucasus. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ duy trì việc hướng về châu Âu và nếu châu Âu không đóng cửa với Thổ Nhĩ Kỳ, thì các quốc gia vùng Caucasus cũng có khả năng được kéo về phía quỹ đạo châu Âu, một viễn cảnh mà họ rất mong muốn. Nhưng nếu sự Âu hóa Thổ Nhĩ Kỳ bị đình trệ, vì lý do bên trong hoặc bên ngoài, thì Georgia và Armenia sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với khuynh hướng thân Nga. Tương lai, họ sẽ trở thành một công cụ trong mối quan hệ đang tiến triển của nước Nga với một châu Âu đang mở rộng, dù tốt hay xấu.

Vai trò của Iran có thể sẽ còn nhiều vấn đề hơn. Việc quay trở lại với thái độ thân phương Tây chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định và giúp củng cố khu vực, và do đó, ưu tiên chiến lược của Mỹ là khuyến khích một bước ngoặt như vậy trong hành vi của Iran. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, Iran có thể sẽ đóng một vai trò tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến triển vọng của Azerbaijan, ngay cả khi nó có những bước đi tích cực như mở cửa Turkmenistan ra thế giới và củng cố ý thức di sản tôn giáo của người dân Trung Á, mặc cho chủ nghĩa cơ yếu hiện tại ở Iran.

Cuối cùng, tương lai của Trung Á có thể sẽ được định hình bằng một tập hợp hoàn cảnh thậm chí phức tạp hơn, với số phận của các quốc gia được xác định qua mối tương tác phức tạp giữa các lợi ích của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Trung Quốc, cũng như ở mức độ Hoa Kỳ đặt điều kiện đổi lấy các mối quan hệ giữa nước này với Nga bằng sự tôn trọng Nga dành cho nền độc lập của các quốc gia mới. Thực tiễn của sự tương tác đó ngăn ngừa một đế chế hoặc sự độc quyền trở thành mục tiêu có ý nghĩa đối với bất kỳ đấu thủ địa chiến lược nào có liên quan. Thay vào đó là sự lựa chọn cơ bản giữa cân bằng khu vực khéo léo - cái sẽ giúp đưa khu vực này dần hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu mới nổi trong khi các quốc gia trong khu vực cũng tự củng cố và rồi có thể đạt được một bản sắc Hồi giáo rõ ràng hơn - hay những xung đột sắc tộc, phân chia chính trị và thậm chí có thể mở ra chiến sự dọc theo biên giới phía nam của Nga. Việc đạt được và củng cố sự cân bằng khu vực phải là mục tiêu chính trong bất kỳ địa chiến lược toàn diện nào của Hoa Kỳ cho khu vực Á-Âu.

* * *

1. Ở đây mượn ý từ “Thermidorian Reaction” (giai đoạn phản kháng dưới triều Giáo hoàng Thermador II, kéo dài từ ngày 27-7-1794 đến ngày 1-11-1795) trong Cách mạng Pháp hồi cuối thế kỷ 19, với rất nhiều hành động bạo lực và khủng bố. (BT)↩︎

2. Trích Zavtra. 28 (tháng 6-1996).↩︎

3. Trích bài “What Russia Wants in the Transcaucasus and Central Asia” (Nước Nga muốn gì ở vùng Transcaucasus và Trung Á), Nezavisimaya Gazeta, ngày 24-1-1995.↩︎

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3